Tiền Bạc Có Thể Gây Phiền Lụy Cho Linh Mục Không

Hằng năm, các giám mục giáo phận thường yêu cầu các linh mục của mình trình duyệt sổ lễ, cập nhật chúc thư, và nếu là linh mục quản xứ hoặc giữ các chức vụ có quản lý tài chánh thì còn phải báo cáo sổ sách liên quan nữa. Điều này giúp các linh mục giữ tính minh bạch trong các vấn đề về tiền bạc và tài sản chung, riêng – nhất là ở Việt Nam, khi trong thực tế các cha xứ thường phải giữ những quĩ chung với số tiền tương đối đáng kể…

Cũng nên đề cập một chút về thu nhập riêng của các linh mục, điều mà xem ra nhiều anh chị em giáo dân vẫn chưa rõ: Cách chung, theo nguyên tắc, mỗi linh mục dâng lễ và được nhận một bổng lễ mỗi ngày, khoảng 250 ngàn đồng theo mức hiện nay – đôi khi cũng có người xin lễ với bổng lễ 300, 400, hoặc 500 ngàn đồng. Nhiều người xin lễ với bổng lễ thấp hơn 250 ngàn đồng, ngay cả không có đồng nào, thì vẫn là điều tự nhiên thôi, các cha hoặc nhận luôn như một bổng lễ cho mình, hoặc chuyển về toà giám mục để được bản quyền ‘điều phối’ hợp tình hợp lý… Một số linh mục triều có thể nhận được thù lao cho những sứ vụ chuyên biệt nào đó (chẳng hạn dạy học, giảng tĩnh tâm, thường huấn…), thì đó cũng thường được xem là thu nhập riêng (trong khi đối với các linh mục dòng thì tuỳ nhà dòng định đoạt). Tưởng cũng cần ghi nhận, linh mục không phải là một nghề (kiếm tiền), anh ta có thể nhận được tiền từ những việc phục vụ nào đó, nhưng anh ta không làm gì chỉ để nhắm kiếm tiền riêng! Khái quát bối cảnh như vậy, có thể thấy rằng cách chung các linh mục khó mà nghèo đến mức thiếu cái ăn cái mặc như nhiều bà con túng khổ nhất trong xã hội, song cũng khó mà giàu sang xa hoa như những người trong giới thượng lưu.

Linh mục triều không có lời khấn nghèo khó như các linh mục dòng, anh ta có một ‘không gian tự do hơn’ trong tương quan với tiền bạc của cải – vì thế, mối tương quan này của anh cũng tế nhị hơn, và dễ hàm hồ hơn. Thời nào thì tiền bạc của cải cũng là lực cực mạnh, tương tranh với chính Thiên Chúa – như Đức Giêsu đã xác nhận. Thời nay, với trào lưu tiêu thụ, hưởng thụ và chủ nghĩa cá nhân, mãnh lực của tiền bạc càng dữ dội hơn nữa. Cụ Nguyễn Khắc Dương dám dùng cách nói rằng những tờ giấy bạc polymer ấy là ‘thánh thể của ma quỉ’ đó! Vì thế, đứng trước câu hỏi ‘tiền bạc có thể gây phiền luỵ cho các linh mục không?’, câu trả lời hẳn nhiên là rất rất có thể – và nếu linh mục khinh suất đến mức nào đó, nếu không có những nguyên tắc cần thiết cho mình, anh ta có thể rơi vào xì căng đan lớn, chí ít là tiền bạc sẽ làm phân tán tinh thần anh, làm cho sứ vụ và đời sống của anh mất nét, xoàng xĩnh…

Để tránh bị phiền luỵ vì tiền bạc, thì chỉ có một cách là tự do đối với nó, tức vun xới tinh thần nghèo khó theo Tin Mừng, dù không tuyên khấn chính thức như tu sĩ. Tinh thần nghèo khó ấy là nét nổi bật nhất trong chân dung của Đức Giêsu. Một vị giám mục đã đúc kết cuộc đời Đức Giêsu trong 3 chữ Đ: sinh ra giữa đồng, sống ngoài đường, chết trên đồi! Thực ra, Đức Giêsu – trong gia đình rồi trong sứ vụ – không quá nghèo túng, nhưng đó là một lối sống đơn sơ, giản dị trong tinh thần siêu thoát đối với mọi điểm tựa vật chất chóng qua. Không phải vô cớ mà các trình thuật Người sai nhóm 12 và nhóm 72 đi sứ mạng đều lưu ý họ không được mang theo tiền bạc, bao bị, các thứ… Cũng vậy, khi chàng thanh niên giàu có kia tỏ ra mọi mặt đều ok rồi, thì Người đề nghị điều còn lại để làm là ‘bán hết mọi sự, đem bố thí cho người nghèo, rồi đi theo tôi’. Chính Người tự mô tả mình là ‘không có nơi tựa đầu’. Và nhất là, Đức Giêsu khẳng định rõ, không cho phép một sự ấm ớ nào, rằng: “Không ai có thể làm tôi hai chủ; anh em không thể làm tôi Thiên Chúa lẫn tiền tài!” … Lịch sử Giáo hội hoàn vũ và tại Việt Nam cũng chứng minh rằng những giai đoạn mà Giáo hội ít dính líu với thế lực đời, thậm chí bị bách hại, bị tước đoạt các phương tiện, thì Giáo hội lại rất dồi dào sức sống Tin Mừng và các chứng tá của Giáo hội rất có sức thuyết phục người ta…

Sự tự do đối với tiền bạc của cải trước hết là một tinh thần, một thái độ nội tâm cắm rễ trong mối kết hợp của người linh mục với Đức Giêsu, chứ không hệ tại vài sự sắp xếp mặt ngoài có tính kỹ thuật. Dù sao, một số gợi ý mặt ngoài sau đây hy vọng có thể giúp ích cách nào đó:

-Tôi có chu đáo trong việc ghi sổ lễ riêng và các sổ sách tài chánh khác mà tôi phụ trách không?

-Nếu tôi chết bất ngờ, tôi có để lại những lộn xộn do thiếu minh bạch về các vấn đề tài chánh, gây khó khăn cho người kế nhiệm và những người sẽ đảm nhận việc xử lý không?

-Đối với tiền bạc của cải riêng, tôi coi mình là chủ nhân hay tôi nhìn nhận cách sâu xa rằng mình chỉ là người quản lý và có bổn phận sử dụng theo ý của vị Chủ đích thực là Thiên Chúa?

-Tôi có bị tiếng là ve vãn chạy theo người giàu và quên người nghèo không?

-Người nghèo có luôn được nhớ đến trong các quyết định, các chọn lựa mục vụ của tôi không?

-Lối sống, nhà cửa, các tiện nghi của tôi có tương đối hài hoà với số đông xung quanh? Hay là cao vọt xa trên họ?

-Tôi khư khư giữ tiền của mình hay dễ dàng chia sẻ?

-Tôi có lạm dụng vị thế, quyền hành, nhất là quyền thánh chức, để kiếm tiền không?

Đó là một vài câu tự vấn tiêu biểu. Mỗi linh mục, trong hoàn cảnh và chức vụ cụ thể của mình, sẽ có những qui chiếu khác nữa được dùng để chẩn đoán mối tương quan của mình với tiền bạc của cải. Xin mượn lời Cố Hồng y Phan xi cô Xavie Nguyễn Văn Thuận để khép lại ở đây: “Các con thân mến, thế gian không thấy các con vâng phục, không biết các con trinh khiết, nhưng chứng tá nghèo khó của các con sẽ được người ta thấy rõ – nó đập vào mắt họ, xoáy vào đầu họ, và làm bật ra những dấu hỏi…”

……………………………………..

Con xin làm tôi tớ sống cho muôn con người, đôi tay rộng yêu thương ôm trọn mọi khó nghèo. Đời con xin là muối, là men cho trần gian, niềm vui hay khổ đau tháng ngày xin hiến tế.

Vì Ngài đã gọi thì con đây xin đến hiến dâng đời con. Vì Ngài đã chọn thì xin thương đón lấy tấm thân mọn hèn.

Lm . Giuse Lê Công Đức
Giáo sư Đại Chủng Viện Huế
WGPKT(24/07/2021) KONTUM