Trong tương lai, có lẽ những người viết sử sẽ nói về Cha Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp như một hiện tượng rất đặc biệt: một linh mục sống và làm việc ở vùng nông thôn xa xôi hẻo lánh, lại trở thành người được rất nhiều người biết đến và yêu mến.
Không chỉ người Công giáo nhưng rất nhiều anh chị em ngoài Công giáo cũng biết và yêu mến cha Diệp. Người ta còn bảo nhau nếu là người ngoài Công giáo đến xin ơn, sẽ được cha Diệp ưu tiên hơn.
Không chỉ người Việt trong nước mà cả Việt kiều từ nhiều phương trời xa xôi cũng lặn lội đến tận Tắc Sậy để kính viếng cha.
Không chỉ là hiện tượng nhất thời nhưng kéo dài nhiều năm, kể từ lần cử hành lễ giỗ cha Diệp năm 1989 đến nay, mỗi năm khách hành hương lại đến đông hơn và đã thành như truyền thống đáng quý.
Tại sao cha Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp lại thu hút nhiều người như thế? Tôi trộm nghĩ rằng vì ngài là máng thông ơn Chúa.
Bài Tin Mừng được tuyên đọc trong Thánh Lễ (Gioan 4,5-42) kể lại cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và người phụ nữ Samari. Trong cuộc gặp gỡ ấy, Chúa Giêsu nói với chị: “Nếu chị nhận ra ân huệ Thiên Chúa ban và ai là người nói với chị: ‘Cho tôi chút nước uống’, thì hẳn chị đã xin và người ấy đã ban cho chị nước hằng sống”.
Chúa Giêsu là nguồn nước hằng sống, nguồn mọi ân phúc, và Ngài sẽ ban ân phúc cho những ai đến với ngài. Nhưng Chúa Giêsu chỉ sống ở trần gian 33 năm, vậy sau khi Ngài về trời, làm sao chúng ta có thể gặp Chúa như người nữ Samari đã gặp để xin nước hằng sống? Chúa Giêsu trao nhiệm vụ này cho các Tông đồ và những người kế vị các ngài là các Giám mục, và những cộng tác viên của Giám mục là các linh mục. Để họ đem ơn Chúa đến cho mọi người: ơn tha thứ, ơn thánh hóa, ơn sức mạnh. Vì thế các linh mục được gọi là “máng thông ơn Chúa”, và giáo dân thường đến với các linh mục để xin cầu nguyện.
Máng xối là một hình ảnh rất quen thuộc với mọi người, nhất là những ai sống ở nông thôn. Để máng xối có thể dẫn nước thì máng phải được đặt ở nơi tiếp cận được nguồn nước, chẳng hạn mái nhà, đồng thời phải đưa nước vào đúng chỗ như bể, lu chứa nước. Cũng thế, để là máng thông ơn Chúa, linh mục phải là người thường xuyên tiếp cận, gặp gỡ, cầu nguyện với Chúa. Đồng thời phải gần gũi với Dân Chúa để biết những nhu cầu của họ.
Ngoài ra, để máng xối có thể dẫn nước tốt thì nó phải lõm xuống, nếu đặt úp lên thì làm sao dẫn nước; cũng thế, để là máng thông ơn Chúa, linh mục phải khiêm tốn và chấp nhận hi sinh theo gương Chúa Giêsu trong mầu nhiệm hủy-mình-ra-không (kenosis).
Cha Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp là linh mục của Chúa và ngài thực sự là máng thông ơn Chúa. Cha sống giản dị, khó nghèo, gần gũi, gắn bó với dân trong mọi hoàn cảnh, kể cả khi nguy hiểm. Khi chiến tranh bùng nổ (1945-1946), cha Diệp được Bề trên nhắn tin di tản để lánh nạn nhưng ngài trả lời: “Tôi sống giữa đoàn chiên và nếu có chết cũng chết giữa đoàn chiên. Tôi không đi đâu hết”. Khi bị bắt cùng với số đông giáo dân, cha đã xin tha cho giáo dân và chịu chết thay cho đoàn chiên, rồi ngài bị đem đi thủ tiêu. Sau khi chết, cha vẫn là máng thông ơn Chúa cho nhiều người. Đó là lý do giải thích tại sao người ta đến với ngài rất đông, vì qua ngài, họ nhận được nhiều ân phúc Chúa ban.
Tưởng nhớ Cha Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp, chúng ta ý thức rằng ngài chỉ là “máng thông ơn Chúa”, còn chính Chúa mới là nguồn mọi ân phúc. Chúng ta theo Đạo Chúa chứ không phải đạo cha Diệp! Đồng thời mỗi người cũng được mời gọi sống theo gương cha Phanxicô, đến với cha không chỉ để xin ơn cho bản thân và gia đình mình, nhưng còn biết thông chia ân phúc cho người khác. Mỗi người đều có điều gì đó để thông chia cho người khác: không chỉ là của cải vật chất nhưng còn là nụ cười, thái độ cảm thông, lời nói nâng đỡ… Đây cũng là tinh thần Mùa Chay thánh mà chúng ta đang sống.
Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm
Nguồn: giaophanmytho.net (13.03.2023)
WGPKT(15/03/2023) KONTUM