Trong Kitô giáo, có nhiều cách cầu nguyện; cũng như rất nhiều lời cầu nguyện để nói với Thiên Chúa. Nhưng lời cầu nguyện nào sẽ làm hài lòng Thiên Chúa nhất?
“Đây là cách bạn nên cầu nguyện: Lạy Cha của chúng con, Đấng ngự trên trời…” (Mt 6,9).
Vào thế kỷ 3, thánh Cyprian đã giải thích rằng, “Điều gì có thể trở nên một lời cầu nguyện xứng hợp hơn lời cầu nguyện được Chúa Giêsu dạy chúng ta, ngài chính là Đấng đã ban Thánh Thần cho chúng ta?… Do đó, cầu nguyện khác với những gì Chúa Giêsu dạy, không chỉ là sự ngu xuẩn mà còn là tội lỗi”.
Vấn đề đặt ra: Làm thế nào để chúng ta cầu nguyện đúng như cách Chúa Giêsu dạy, vì không nghi ngờ, đó là lời cầu nguyện mà Thiên Chúa ưa thích? Câu hỏi này quan trọng đến nỗi thánh nữ Teresa Avila nói rằng, hai giờ cầu nguyện hàng ngày đối với các nữ tu Dòng Cát Minh về cơ bản là một cách để cầu nguyện hiệu quả với Cha của chúng ta, tất cả được tập trung để “điểm tô Chúa Kitô” bằng lời cầu nguyện của chúng ta, bởi vì đó là một phần của việc trở thành người Kitô.
1. LỜI CẦU NGUYỆN TUYỆT VỜI: GỌI THIÊN CHÚA LÀ “CHA”
Thánh Phanxicô Salê cung cấp cho chúng ta chìa khóa để “cầu nguyện hiệu quả” – trong lời cầu nguyện, cũng như trong bất kỳ nỗ lực nào khác, “không phải là công việc chúng ta thực hiện vĩ đại đến mức khiến chúng ta đẹp lòng Chúa, nhưng là tình yêu chúng ta đặt vào trong những công việc đó. [Đó là lý do tại sao] lời cầu nguyện tốt nhất giúp chúng ta tập trung vào Thiên Chúa đến nỗi chúng ta không nghĩ về chính mình, hoặc về những gì chúng ta đang làm” (Lá thư ngày 8 tháng 6 năm 1618). Ngài cho biết thêm, để làm được điều đó, “hãy cầu nguyện cách đơn sơ, không cầu kì và không làm ra vẻ, để chúng ta có thể gần Thiên Chúa, yêu mến Ngài và kết hợp với Ngài”.
Có một vài người sẽ cảm thấy khá thất vọng; không nghi ngờ gì nữa, bởi nhiều người chúng ta thích “chiến thắng” trong lời cầu nguyện của mình. Nhưng tất cả các bậc thầy trong đàng nhân đức khẳng định rằng, lời cầu nguyện “đắc thắng” nhất là lời cầu nguyện ít cố gắng nhất trong khi cầu nguyện, và phương pháp tốt nhất là hầu như không có. Thánh nữ Teresa Hài đồng Giêsu nói rằng: “Tôi cầu nguyện như đứa trẻ không biết cách đọc, tôi chỉ đơn giản nói với Chúa những gì tôi muốn nói với ngài… Cầu nguyện là sự thôi thúc của con tim, một cái nhìn đơn giản hướng lên trời, một tiếng hét của lòng biết ơn và tình yêu, cả trong đau khổ và trong vui sướng”. Lời cầu nguyện hiệu quả là lời cầu nguyện chạm đến trái tim Thiên Chúa, lời cầu nguyện mà Ngài thích hơn, là lời cầu nguyện gọi Thiên Chúa là “Cha” theo cách đơn sơ và đầy đủ nhất.
2. NHỮNG LỜI CẦU NGUYỆN KHÁC THÌ SAO?
Nhưng còn có những lời cầu nguyện khác mà Giáo hội hướng dẫn, những lời cầu nguyện mà Giáo hội đã dạy chúng ta thì sao? Chắc chắn, giống như cách mà Giáo hội đề xuất một số cuộc hành hương nào đó hoặc phong phú hơn, một số thực hành đạo đức hoặc tôn giáo nào đó như đeo khăn che mặt trên núi Carmel, hoặc nhận phúc lành từ Đức Thánh Cha.
Nhưng rõ ràng, tất cả những điều này vẫn là một cách để chúng ta học nói tốt – và trên hết là sống tốt – chính là những gì mà Chúa Giêsu đã dạy qua Kinh Lạy Cha. Những thay đổi trong lời cầu nguyện của Giáo hội và những thực hành này thường tương xứng với những thay đổi tùy theo ơn gọi trong Giáo hội, và mỗi người được mời gọi tìm kiếm trong “ngôi trường của các thánh” một con đường cho phép họ bước vào lời cầu nguyện tổng hợp tất cả những điều còn lại: “Quả thật, lời cầu nguyện Đức Giêsu chính là bản tóm tắt của toàn bộ Tin Mừng… Khi Chúa Giêsu để lại công thức cầu nguyện này, Ngài đã thêm vào ‘Hãy xin, thì sẽ được ban cho’ (Lc 11,9). Do đó, mỗi người trong chúng ta có thể ngỏ lời cầu nguyện tới thiên đàng tùy theo nhu cầu của mình, nhưng chúng ta phải luôn luôn bắt đầu bằng lời cầu nguyện của Chúa Giêsu, điều này vẫn là cơ bản nhất” (Thánh Tertullian, De oratione, trích dẫn trong Sách Giáo lý của Giáo hội Công giáo).