Chúng tôi sẽ phụng thờ Đức Chúa, vì Người là Thiên Chúa của chúng tôi.
Bài trích sách Giô-suê.
1 Hồi ấy, ông Giô-suê quy tụ ở Si-khem mọi chi tộc Ít-ra-en và triệu tập các kỳ mục Ít-ra-en, các thủ lãnh, thẩm phán và ký lục. Họ đứng trước nhan Thiên Chúa. 2a Ông Giô-suê nói với toàn dân : 15 “Nếu anh em không bằng lòng phụng thờ Đức Chúa, thì hôm nay anh em cứ tuỳ ý chọn thần mà thờ hoặc là các thần cha ông anh em đã phụng thờ bên kia Sông Cả, hoặc là các thần của người E-mô-ri mà anh em đã chiếm đất để ở. Về phần tôi và gia đình tôi, chúng tôi sẽ phụng thờ Đức Chúa.”
16 Dân đáp lại : “Chúng tôi không hề có ý lìa bỏ Đức Chúa để phụng thờ các thần khác ! 17 Vì chính Đức Chúa, Thiên Chúa của chúng tôi, đã đem chúng tôi cùng với cha ông chúng tôi lên từ đất Ai-cập, từ nhà nô lệ, đã làm trước mắt chúng tôi những dấu lạ lớn lao, đã gìn giữ chúng tôi trên suốt con đường chúng tôi đi, giữa mọi dân tộc chúng tôi đã đi ngang qua. 18b Về phần chúng tôi, chúng tôi sẽ phụng thờ Đức Chúa, vì Người là Thiên Chúa của chúng tôi.”
Đ.Hãy nghiệm xem Chúa tốt lành biết mấy.
2Tôi sẽ không ngừng chúc tụng Chúa,
câu hát mừng Người chẳng ngớt trên môi.3Linh hồn tôi hãnh diện vì Chúa
xin các bạn nghèo nghe tôi nói mà vui lên.
Đ.Hãy nghiệm xem Chúa tốt lành biết mấy.
17Chúa đối đầu với quân gian ác,
xoá nhoà tên tuổi chúng trên đời,16nhưng để mắt nhìn người chính trực
và lắng tai nghe tiếng họ kêu.
Đ.Hãy nghiệm xem Chúa tốt lành biết mấy.
18Họ kêu xin, và Chúa đã nhận lời,
giải thoát khỏi mọi cơn nguy khốn.19Chúa gần gũi những tấm lòng tan vỡ,
cứu những tâm thần thất vọng ê chề.
Đ.Hãy nghiệm xem Chúa tốt lành biết mấy.
20Người công chính gặp nhiều nỗi gian truân,
nhưng Chúa giúp họ luôn thoát khỏi.21Xương cốt họ đều được Chúa giữ gìn,
dầu một khúc cũng không giập gãy.
Đ.Hãy nghiệm xem Chúa tốt lành biết mấy.
22Quân gian ác chết vì tội ác,
kẻ ghét người lành chuốc án phạt vào thân.23Chúa cứu mạng các người tôi tớ,
ai ẩn thân bên Chúa không bị phạt bao giờ.
Đ.Hãy nghiệm xem Chúa tốt lành biết mấy.
Mầu nhiệm này thật là cao cả. Tôi muốn nói về Đức Ki-tô và Hội Thánh.
Bài trích thư của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Ê-phê-xô.
21 Thưa anh em, vì lòng kính sợ Đức Ki-tô, anh em hãy tùng phục lẫn nhau. 22 Người làm vợ hãy tùng phục chồng như tùng phục Chúa, 23 vì chồng là đầu của vợ cũng như Đức Ki-tô là đầu của Hội Thánh, chính Người là Đấng cứu chuộc Hội Thánh, thân thể của Người. 24 Và như Hội Thánh tùng phục Đức Ki-tô thế nào, thì vợ cũng phải tùng phục chồng trong mọi sự như vậy.
25 Người làm chồng, hãy yêu thương vợ, như chính Đức Ki-tô yêu thương Hội Thánh và hiến mình vì Hội Thánh ; 26 như vậy, Người thánh hoá và thanh tẩy Hội Thánh bằng nước và lời hằng sống, 27 để trước mặt Người, có một Hội Thánh xinh đẹp lộng lẫy, không tỳ ố, không vết nhăn hoặc bất cứ một khuyết điểm nào, nhưng thánh thiện và tinh tuyền. 28 Cũng thế, chồng phải yêu vợ như yêu chính thân thể mình. Yêu vợ là yêu chính mình. 29 Quả vậy, có ai ghét thân xác mình bao giờ ; trái lại, người ta nuôi nấng và chăm sóc thân xác mình, cũng như Đức Ki-tô nuôi nấng và chăm sóc Hội Thánh, 30 vì chúng ta là bộ phận trong thân thể của Người. 31 Sách Thánh có lời chép rằng : Chính vì thế, người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt. 32 Mầu nhiệm này thật là cao cả. Tôi muốn nói về Đức Ki-tô và Hội Thánh.
Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a. Lạy Chúa, Lời Chúa là thần khí và là sự sống ; Chúa có những lời đem lại sự sống đời đời. Ha-lê-lui-a.
Bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai ? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời.
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an.
54a Tại hội đường Ca-phác-na-um, Đức Giê-su đã tuyên bố : “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời.” 60 Nghe vậy, nhiều môn đệ của Người liền nói : “Lời này chướng tai quá ! Ai mà nghe nổi ?” 61 Nhưng Đức Giê-su tự mình biết được là các môn đệ đang xầm xì về vấn đề ấy, Người bảo các ông : “Điều đó, anh em lấy làm chướng, không chấp nhận được ư ? 62 Vậy nếu anh em thấy Con Người lên nơi đã ở trước kia thì sao ? 63 Thần khí mới làm cho sống, chứ xác thịt chẳng có ích gì. Lời Thầy nói với anh em là thần khí và là sự sống.
64 “Nhưng trong anh em có những kẻ không tin.” Quả thật, ngay từ đầu, Đức Giê-su đã biết những kẻ nào không tin, và kẻ nào sẽ nộp Người. 65 Người nói tiếp : “Vì thế, Thầy đã bảo anh em : không ai đến với Thầy được, nếu Chúa Cha không ban ơn ấy cho.” 66 Từ lúc đó, nhiều môn đệ rút lui, không còn đi theo Người nữa.
67 Vậy Đức Giê-su hỏi Nhóm Mười Hai : “Cả anh em nữa, anh em cũng muốn bỏ đi hay sao ?” 68 Ông Si-môn Phê-rô liền đáp : “Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai ? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời. 69 Phần chúng con, chúng con đã tin và nhận biết rằng chính Thầy là Đấng Thánh của Thiên Chúa.”
(Nguồn: ktcgkpv.org)
—————————-
Suy niệm 1: TGM Giuse Vũ Văn Thiên
LỜI HỨA TRUNG THÀNH
Trong những Chúa nhật vừa qua, chúng ta đều được nghe Tin Mừng trích từ Phúc âm thánh Gio-an, chương 6. Nội dung của chương này, trước hết là phép lạ nhân bánh cho năm ngàn người ăn no. Sau đó là cuộc tranh luận giữa Chúa Giê-su và người Do Thái xung quanh đề tài Bánh Hằng Sống. Những vấn nạn của người Do Thái được ghi trong Tin Mừng, thực ra cũng là những vấn nạn của con người ở mọi thời đại về những mầu nhiệm Ki-tô giáo, nhất là mầu nhiệm Thánh Thể. Quả vậy, xung quanh chúng ta hôm nay, có biết bao người đang đặt ra những câu hỏi về sự hiện hữu của Thiên Chúa; về cuộc đời, sự chết và sống lại của Chúa Giê-su; về Giáo hội; về các Bí tích, về thiên đàng và hỏa ngục. Điều này không có gì lạ, bởi vì những việc làm của Thiên Chúa không thuộc cùng một phạm trù với hoạt động của loài người, và những gì Ngài thực hiện là bởi quyền năng của Ngài. Tin vào Thiên Chúa là tin vào Đấng có thể làm mọi sự, là Đấng làm cho cái không thể trở thành điều có thể.
Trước những lời giáo huấn của Chúa Giê-su về Bánh Hằng Sống, nhiều người Do Thái coi là chối tai và họ bỏ, không muốn theo Người nữa. Trong số này, có cả những môn đệ, tức là những người đã được Chúa chọn và đã theo Chúa một thời gian dài. Trước tâm trạng hoang mang của những người còn lại, Chúa Giê-su hỏi nhóm Mười hai, tức là các tông đồ: “Anh em có muốn bỏ đi không?”. Thánh Phê-rô là người lên tiếng trả lời: “Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời”. Chúa Giê-su chắc chắn được an ủi rất nhiều qua câu trả lời của thánh Phê-rô. Đây vừa là một lời tuyên xưng đức tin, vừa là lời đoan hứa trung thành. Lòng trung thành với Chúa không chỉ được thể hiện lúc Người được tôn vinh, nhưng còn trong những thời điểm bi đát của Người. Vào lúc nhiều người muốn bỏ đi, Phê-rô và Mười hai tông đồ vẫn ở lại, dẫu rằng các ông chưa thể hiểu hết ý nghĩa của giáo huấn về Thánh Thể.
Giữa những vấn nạn hóc búa của con người thời đại hôm nay, người tín hữu cần được huấn luyện để trưởng thành trong đức tin và có thể trình bày đức tin của mình, như thánh Phê-rô viết: “Anh em hãy luôn sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai chất vấn về niềm hy vọng của anh em. Nhưng phải trả lời với sự hiền hòa và lòng kính trọng” (1 Pr 3,15-16). Tuy vậy, để có thể trình bày đức tin của mình, trước hết, Ki-tô hữu phải xác tín vào sự hiện hữu của Thiên Chúa trong cuộc đời, cũng như vào tình yêu thương của Ngài đối với nhân loại nói chung và cá nhân mỗi người nói riêng. Trong mọi hoàn cảnh, Chúa luôn chờ đợi nơi chúng ta lòng trung thành. Trước hết là trung thành với những lời tuyên thệ trước khi lãnh nhận Bí tích Thanh tẩy, sau đó là trung thành với giáo huấn của Chúa. Giáo huấn này được chuyển tải đến với chúng ta qua các thừa tác viên của Giáo hội.
Suốt bề dày lịch sử, Thiên Chúa luôn trung thành với con người, kể các khi con người thất tín. Thánh Phao-lô đã viết cho ông Ti-mô-thê: “Nếu ta kiên tâm chịu đựng, ta sẽ cùng hiển trị với Người. Nếu ta chối bỏ Người, Người cũng sẽ chối bỏ ta. Nếu ta không trung tín, Người vẫn một lòng trung tín, vì Người không thể nào chối bỏ chính mình” (2 Tm 2,12-13). Nếu Thiên Chúa là Đấng luôn trung thành, thì lòng dạ con người lại hay thay đổi. Lịch sử cứu độ đã chứng minh điều đó. Bài đọc I kể lại Đại hội toàn dân do ông Giô-suê tổ chức, vào thời điểm vừa tiến qua sông Gio-đan, chuẩn bị vào Đất hứa. Đây là dịp để dân riêng của Chúa nhìn lại những bất trung trong quá khứ của hành trình sa mạc. Trước lời hiệu triệu của ông Giô-suê, dân chúng đã đồng thanh tuyên thệ một lòng trung thành với Chúa. Mỗi chúng ta cũng được mời gọi nhìn lại lịch sử cuộc đời cá nhân cũng như tập thể, để điều chỉnh lối sống đức tin của mình, đoan hứa trung thành với Chúa và đi theo đường lối của Người.
Trung thành với Chúa, chúng ta cũng phải trung thành với nhau trong mối tương quan hằng ngày. Trong bối cảnh xã hội Việt Nam hôm nay, lòng trung thành bị coi nhẹ. Người ta dễ dàng chối bỏ những gì đã cam kết, và sẵn sàng phản bội nhau vì lợi lộc trước mắt. Thánh Phao-lô khuyên giáo dân Ê-phê-sô trung thành với Chúa. Ngài dùng hình ảnh đời sống hôn nhân gia đình để diễn tả sự kết hợp gắn bó giữa Đức Ki-tô và Giáo hội của Người. Khi lãnh nhận Bí tích Thanh tẩy, chúng ta hứa trung thành với Chúa, từ bỏ ma quỷ và tội lỗi. Trong hành trình cuộc đời, đã nhiều lần chúng ta đã “lỗi hẹn” với Chúa. Nhìn lại bản thân và xét mình trước mặt Chúa sẽ giúp chúng ta luôn trung thành với Người.
Trong đời sống chúng ta, nhất là vào những thời khắc bi thương của cuộc đời, Chúa đang hỏi mỗi người chúng ta: “Con có muốn bỏ Thầy mà đi không?”. Xin cho chúng ta có đủ can đảm để thưa như thánh Phê-rô: “Bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời ban sự sống đời đời”. Được như vậy thì thật hạnh phúc cho chúng ta.
+TGM Giu-se Vũ Văn Thiên
(tonggiaophanhanoi.org)
—————————-
Suy niệm 2: Lm. Luy Gonzaga Nguyễn Quang Vinh
KHỦNG HOẢNG ĐỨC TIN
Những xáo trộn, những căng thẳng trong đời sống cá nhân hay tập thể thường đưa đến khủng hỏang, những khủng hỏang có khi mở ra một lối thoát như cơ may đi lên cho cộng đoàn, khủng hoảng được coi là tình thế bấp bênh trung lập, từ đó phát sinh một giải pháp tích cực cho cuộc sống. Trong thời Cựu Ước, đã xảy ra khủng hoảng đức tin giữa con cái Ítraen, họ đã họp đại hội Sikhem để xác định lập trường đức tin của họ, vụ việc xảy ra chừng một ngàn năm trước công nguyên (x. Bài Đọc 1).
Thời ông Giôsuê lãnh đạo dân Ítraen chiếm đất Canaan, phân chia đất đai cho mười hai chi tộc Ítraen và an cư lạc nghiệp cho toàn dân, thì xảy ra xung đột giữa văn minh du mục lang thang rày đây mai đó và văn minh nông nghiệp định canh định cư. Người Ítraen tiếp xúc với dân bản địa và đồng thời cũng biết thêm các thần minh thổ địa khác của vùng đất họ vừa chiếm đóng, thế là có sự phân tâm xao nhãng thờ phượng Đấng tối cao. Một số người tin vào Thiên Chúa, kẻ khác bái lạy thần linh thổ địa mới, vì thế ông Giôsuê quy tụ dân lại và cho họ tự do quyết nghị: “Hôm nay anh em cứ tùy ý chọn thần mà thờ hoặc là các thần cha ông anh em đã phụng thờ bên kia sông Cả, hoặc là các thần của người Emôri mà anh em đã chiếm đất để ở. Về phần tôi và gia đình tôi, chúng tôi sẽ phụng thờ Đức Chúa” (x. Bài Đọc 1. Gs 24,1-2a.15-17.18b). Việc này cho thấy sự tự do trong tôn giáo là điều cần thiết làm nên giá trị đạo đức của hành vi tôn giáo.
Một ngàn năm sau, lịch sử được lặp lại. Dân Ítraen gặp khủng hoảng khi nghe lời khẳng định của Đức Giêsu về bánh hằng sống: chính Người là bánh từ trời ban xuống, và phải ăn thịt và uống máu Người thì mới được sống đời đời. Dân chúng xầm xì phản đối, nhưng Đức Giêsu quyết liệt và minh định: “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sự sống đời đời”. Đức Giêsu còn mặc khải về cái chết của Người là do môn đệ nộp Người. Khi nghe những lời ấy, “Lúc đó nhiều môn đệ rút lui, không đi theo Người nữa”. Đức Giêsu hờn dỗi và nói với Nhóm mười hai, họ là các cột trụ của Dân Ítraen mới: “Anh em cũng bỏ đi hay sao?” Ông Simôn Phêrô liền đáp: “Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời” (x. Bài Tin Mừng. Ga 6, 54a.60-69).
Lời tuyên xưng đức tin của Phêrô không phải là công thức được lập trình sẵn để đọc theo nghi thức tôn giáo, nhưng là lời tuyên tín hiện sinh đầy tự do, xác tín vào Đấng ban sự sống. Chính Thần khí đã soi sáng Phêrô làm sự lựa chọn đứng về phía Thiên Chúa hằng sống.
Tin không phải là chấp nhận một mớ lý thuyết, nhưng là đón nhận con người Đức Giêsu, đón nhận và mô phỏng trong cách sống, cách suy nghĩ và cách hành xử của Đức Giêsu. Chính khi gặp khủng hoảng đức tin, Simôn Phêrô đã khai thông bằng một lời tuyên xưng vào chính Đấng ban sự sống; chính khi gặp nguy cơ thờ ma lạy quỷ mà đại hội Sikhem đã bật lên lời xác quyết: “Chúng tôi sẽ phụng thờ Đức Chúa, vì Người là Thiên Chúa của chúng tôi”.
Đức tin không phải chỉ là hành vi cá nhân đơn độc nhưng còn là hành vi của cộng đoàn liên kết với nhau. Chính vì thế chúng ta có thể hiểu rằng khi tuyên xưng đức tin (Credo): “Tôi tin kính một Thiên Chúa”, lời tuyên tín rất cá nhân, nhưng thâm sâu, niềm tin cá nhân chảy từ niềm tin cộng đoàn. “Tôi tin” chảy từ “Chúng tôi tin”. Niềm tin cộng đoàn có trước niềm tin cá nhân. Nghĩa là đức tin cá nhân khơi nguồn từ đức tin cộng đoàn, được cộng đoàn nâng đỡ bảo vệ. Đức tin mang tính cá nhân nhưng không đơn độc, đức tin của cộng đoàn không làm cho đức tin cá nhân mất đi bản chất của mình, đức tin cộng đoàn không thay thế đức tin của cá nhân được. Có sự hổ tương tác dụng giữa “tôi tin” và “chúng tôi tin”. Đừng bao giờ bỏ rơi cộng đoàn bởi vì có Thiên Chúa ở giữa cộng đoàn.
Đức tin cá nhân nâng đỡ đức tin cộng đoàn và cá nhân cũng được chia sẻ đức tin của cộng đoàn. Đức tin là cây sự sống được trao ban ngày chịu phép Rửa tội, đức tin có thể phát triển hoặc chết ngộp tùy vào sự cộng tác của cá nhân. Năng lãnh nhận các phép bí tích nhất là bí tích Thánh thể, năng tham gia các sinh hoạt mục vụ như các việc tông đồ, từ thiện bác ái … tất cả như phân bón làm cho cây đức tin ngày càng phát triển và lớn mạnh, các sinh hoạt nầy đan dệt thành dây chằng ràng buộc cá nhân với Đức Giêsu Kitô, để rồi người tin hữu ngày càng ý thức và xác quyết thốt lên: “bỏ Ngài con biết theo ai”.
Xác tín một chân lý đức tin thì khác với với xác tín một chân lý khoa học, không ai đánh mất đi chân lý: 2 + 2 = 4, nếu là con người bình thường, tuy nhiên trong phạm vi đức tin, người tín hữu có thể lạc mất đức tin khi nhạt phai thực tập tôn giáo, thờ ơ với tín ngưỡng, để cho mình rơi vào các thứ mê tín dị đoan.
Lạy Chúa Giêsu, xin hãy làm cho con luôn bám víu vào Chúa trong bất cứ hoàn cảnh nào và can đảm tuyên xưng đức tin như thánh Phêrô đã tuyên xưng: “Bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai ? Amen
Lm. Luy Gonzaga Nguyễn Quang Vinh – Chính xứ Đức An, Pleiku
—————————-
Suy niệm 3: Lm. Thái Nguyên
SỐNG LÀ LỰA CHỌN
Suy niệm
Sống là phải lựa chọn, và cuộc đời là một chuỗi những lựa chọn. Mỗi lựa chọn nói lên tầm nhìn và giá trị nhân cách của một con người, nhất là những lựa chọn quan trọng có tính quyết định về vận mệnh của đời mình, của cộng đoàn hay của dân tộc mình. Cũng như xưa khi Israel đã vào Đất Hứa, Giôsuê triệu tập lại tất cả 12 chi tộc tại Sikhem. Ông nhắc lại tất cả những điều mà Thiên Chúa đã làm cho họ, và kêu gọi họ hãy lựa chọn dứt khoát: một là trung thành thờ Chúa; hai là thờ các thần tượng khác, chứ không thể làm tôi hai chủ, thờ hai Chúa.
Trong bài Tin Mừng này, các môn đệ cũng phải làm một sự lựa chọn dứt khoát trước lời tuyên bố của Chúa Giêsu về bản thân Ngài: “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời”. Nhiều môn đệ phản ứng ngay: “Lời này chướng tai quá! Ai mà nghe nổi?”. Quả thật, đây là điều vượt lên lý trí của con người. Họ không hiểu nổi thì làm sao nghe nổi? Trong Tin Mừng có những trường hợp tương tự như thế, nên Chúa Giêsu cũng từng nói: “Ai có tai nghe thì nghe”, nghĩa là ai hiểu được thì hiểu. Vì là chân lý cao siêu nên không phải ai cũng hiểu và sẵn sàng đón nhận. Nhưng trước tiên vấn đề không phải trí hiểu mà là lòng tin. Tuy đức tin không loại trừ lý trí, nhưng lý trí không phải là tiêu chuẩn tối cao để có thể quyết định tất cả. Điều sâu xa hơn là sự cảm nhận của con tim. Người ta không hiểu bằng lý trí nhưng có thể hiểu bằng sự yêu mến chân lý. Việc đón nhận chân lý bằng đức tin càng khó hơn,“vì lòng dân này đã ra chai đá.” (Mt 13,14).
Một hình thức chai đá của cả tâm và trí là “chấp ngữ”, chỉ nhắm vào từ ngữ mà không tìm hiểu ý nghĩa. “Ý tại ngôn ngoại”: ý ở ngoài lời, nhất là khi lời đó diễn tả những chân lý thâm sâu. Ngoài nghĩa đen, nghĩa vật chất, thì điều quan trọng là ý nghĩa tinh thần, nghĩa tâm linh. Biết các môn đệ bị sốc vì không nắm được ý nghĩa, nên sau đó Chúa Giêsu đã soi sáng thêm: “Lời Thầy nói với anh em là thần khí và là sự sống”. Sau này thánh Phaolô cũng cho biết:“Giao ước mới không phải là Giao ước căn cứ trên chữ viết, nhưng dựa vào Thần Khí. Vì chữ viết thì giết chết, còn Thần Khí mới ban sự sống” (2Cr 3,6).
Khi tỏ lộ về mầu nhiệm Thánh Thể, Đức Giêsu biết có những kẻ không tin, nên Ngài cũng đã nói:“Không ai đến với Thầy được, nếu Chúa Cha không ban ơn ấy cho”. Nhiều môn đệ rút lui, không theo Ngài nữa. Thấy vậy, Chúa Giêsu cất tiếng hỏi Nhóm Mười Hai: “Cả anh em nữa, anh em cũng muốn bỏ đi hay sao?”. Ðại diện Nhóm Mười Hai, Phêrô đáp lại ngay: “Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời”.
Xác định như thế không phải vì ông và các bạn hiểu được lời Thầy, nhưng vì họ tin vào Thầy, tin vào giáo huấn chân thật của Thầy, vì “Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 14,6). Dù sao thì họ cũng đã thấy được tính cách cao vượt của Thầy, từ lời nói đến hành động, từ giáo huấn uy quyền đến những dấu lạ cả thể. Tin vào Thầy khiến họ chấp nhận cả những lời chướng tai, mà những người chỉ dựa vào lý trí và lý lẽ nên không tài nào vượt qua được.
Thật ra, biến cố Nhập thể, Tử nạn và Phục sinh của Con Thiên Chúa, cũng như các bí tích, nhất là bí tích Thánh Thể, vẫn là những mầu nhiệm khôn dò. Theo Đức Kitô là bước vào cuộc phiêu lưu mạo hiểm chứ không phải là sự thể nghiệm qua đường. Dám mạo hiểm trong ơn thánh Chúa, ta mới có thể khám phá ra một Đức Kitô luôn luôn mới trong cách thức hiện diện và hành động của Ngài. Đức tin sẽ cho ta khả năng đi sâu vào những mầu nhiệm, mà qua đó Chúa đem lại ơn cứu độ cho nhân loại, cho những ai dám buông mình theo ân sủng.
Dù sao, khủng hoảng đức tin nơi các môn đệ xưa cũng thật gần gũi với mỗi người chúng ta hôm nay. Vẫn có những Lời Chúa không dễ nghe chút nào, vì Lời ấy đòi chúng ta phải thay đổi não trạng và lối sống. Lời Chúa cũng không dễ đón nhận chút nào nếu chúng ta chỉ dựa vào sức mình. Đã tới lúc cái đầu phải nhường bước cho con tim. Phải có tình yêu mến sâu xa ta mới hiểu và chấp nhận được. Đây không còn là lý lẽ mà là lý tưởng để chúng ta vươn tới chính Thiên Chúa.
Hôm nay vẫn có những câu Lời Chúa bất ngờ làm ta choáng váng, vẫn có những lúc thử thách làm ta chao đảo, vẫn có những cơn cám dỗ và lôi kéo làm ta bỏ cuộc. Hãy đưa mắt hướng nhìn lên Chúa, và xác định lại niềm tin của mình như Thánh Phêrô: “Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời… bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai?”. Với đức tin mãnh liệt này, chúng ta mới dám dấn thân trọn vẹn để trở nên nhân chứng sống động và hào hùng như các thánh tông đồ xưa.
Lời nguyện
Lạy Chúa Giêsu!
Con đường theo Chúa không phải dễ,
vì cuộc đời đầy dẫy những đam mê,
bản thân con lại yếu đuối nặng nề,
thêm sóng gió trên bước đường dương thế.
Theo Chúa như đi vào cuộc phiêu lưu,
nhiều cam go và rủi ro hoạn nạn,
nhiều môn đệ theo Chúa một thời gian,
gặp thử thách đã hoang mang bỏ cuộc.
Có những gian nan làm con chao đảo,
những cám dỗ làm con phải lao đao,
để khỏi bỏ cuộc con phải bỏ mình,
không bỏ mình thế nào cũng bỏ Chúa.
Xin cho con đừng tính toán hơn thua,
đừng màng tới những tranh đua cao thấp,
nhưng biết sống âm thầm và vô chấp,
để tâm thanh tịnh và phân định rõ ràng.
Cho dù có nhiều điều con không hiểu,
nhưng luôn tin vào tình Chúa thương yêu,
để bước đi trong ánh sáng nhiệm mầu,
với trái tim con mới dần cảm thấu.
Xin cho con được ơn phúc nhận ra,
chính Chúa mới thật là tất cả,
vì mọi sự trong đời cũng sẽ qua,
Chỉ có Chúa mới làm con no thỏa.
Xin cho con chọn Chúa là tất cả,
dám bước đi trên con đường thập giá,
chẳng ngại chi để buông xả mọi điều,
sống đời mình với tất cả tình yêu. Amen.
Lm. Thái Nguyên
(gpcantho.com)