Nhân Danh Chúa Ba Ngôi

Lm. Phêrô Nguyễn Đức Vinh, SVD

Nhân danh …

 “Ngươi chớ lạm dụng Danh Chúa, Thiên Chúa của ngươi.” Đây là một cách dịch khác cho Điều răn thứ hai, ít được biết đến nơi người Công giáo Việt.[1] Lời chúng ta vẫn quen cho điều răn này là: “Chớ kêu tên Chúa vô cớ”. Đó cũng là nguyên do cho việc xưng tội của một số người đạo đức, khi họ kêu “Giêsu, Ma“ hay “Chúa tôi!”, vô tình hay theo thói quen. Và họ được dạy rằng làm như vậy là đã xúc phạm Danh Chúa.

Thực ra, kêu Danh Chúa mọi lúc mọi nơi là việc tôi nghĩ cần được cổ võ, như là một hình thức giúp cầu nguyện liên lỉ. Sự hiện diện biến đổi mọi sự của Thiên Chúa Ba Ngôi cần được ý thức, và được nhắc đến trong mọi giây phút của đời tôi. Người có mặt lúc buồn vui và lúc sướng khổ, lúc hân hoan hay khi não lòng, trong thành công và cả trong thất bại. “Kinh Giêsu” hay “Tâm nguyện”[2] dạy cầu nguyện liên lỉ trong ý thức như vậy.

Nhưng cũng cần hỏi khi nào chúng ta “lạm dụng Danh Chúa”? Khi Kitô hữu là những người thuộc về Đức Kitô và mang danh Người, mà lấy chuẩn loài người để hành xử với nhau. “Có Đạo/ Đi tu mà cũng làm vậy!” là lời trách móc được ghi nhận trong trường hợp này. Lớn tiếng tuyên xưng đầy xác tín “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”  như tông đồ Phêrô, mà vẫn suy nghĩ như loài người, không như Thiên Chúa (Mt 16,13tt). Khi chức thánh và vai trò mục tử được xử dụng như chìa khóa mở cửa vào đời các tín hữu để trục lợi, vật chất và tinh thần. Sự tin tưởng, tình yêu và lòng rộng rãi của con chiên được tận dụng cho các mục đích và sự thỏa mãn riêng tư. Nhân danh Chúa và Nhà Chúa để tìm sự ưu đãi khi quyên góp, xin xỏ và cậy nhờ, để tìm kiếm sự ưu đãi cho mình và cho người nhà, theo lối một người làm quan…

Lạm dụng là một từ được nhắc nhiều trong các thập niên qua, liên quan đến tương quan giữa mục tử và con chiên trong lãnh vực tình dục. Tốn nhiều giấy bút, gây nên nhiều scandals, tranh cãi, phán quyết, và nhiều tổn thương lâu dài cho cả hai phía. Tai hại không kém là việc lạm dụng quyền lực nhân danh Chúa. Đây là một đề tài cần được chú ý hơn, nhất là khi chúng ta sinh trưởng trong một cơ chế văn hóa-xã hội-chính trị và cả tôn giáo mang đậm nét độc tài. Nơi đó, những kẻ có chức tự ban cho mình nhiều quyền lợi và nhiều ưu đãi; còn những kẻ thấp cổ bé miệng phải âm thầm trả giá. Công lý và sự thật không có đất để lớn mạnh.

Trong một cấu trúc trên dưới như vậy, việc lạm dụng chức quyền nơi những kẻ ăn trên ngồi trốc được chấp nhận như một điều hiển nhiên. Ít ai dám đặt câu hỏi công khai mà chỉ câm lặng chịu đựng, hay chỉ dám bàn tán và càm ràm sau lưng vì sợ hãi và bất lực. Chính những người có chức quyền cũng coi cách suy và lối hành xử của mình là phải phép, không có chi khác thường. Ai trong vai trò đó cũng làm vậy, nên cái sai trái được biện minh và bào chữa.

Trong khi đó, đây là sự lạm dụng tai hại đáng chú ý hơn hết, như câu chuyện cám dỗ của Đức Giêsu mà thánh sử Mátthêu trình bày nhấn mạnh (Mt 4,1-11). Các cám dỗ được nêu đều liên quan đến việc lạm dụng quyền lực: Nhân danh Thiên Chúa để hành động theo ý mình, chiều theo các nhu cầu của cá nhân. Truyền thống Giáo hội Công giáo, ngược lại, ưa nhấn mạnh sự cám dỗ ở một lãnh vực khác trong Giáo lý của mình. Cách nhìn người của Mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi đặt câu hỏi lối suy nghĩ và hành xử đó và chỉ cho lối phát triển.

… Cha và Con và Thánh Thần

Phúc âm Mátthêu kết thúc bằng một lời tuyên xưng vào Thiên Chúa Ba Ngôi. Nhân danh Chúa  các môn đệ chúc lành cho mình và làm phép rửa tội cho muôn dân. Niềm tin vào Chúa Ba Ngôi là điểm đặc trưng của Kitô giáo, khác với Do Thái giáo hay Hồi giáo. Công thức của “Chúa Ba Ngôi” trình bày cho chúng ta một Thiên Chúa như mẫu mực của tình yêu, như sự hiệp nhất của mọi mặt tương phản. Đó là điều được thể hiện trong ba ngôi vị.

Cho đến nay, đây là giáo lý quan trọng và cao cả của Giáo hội. Đồng thời lời tuyên xưng mang tính hình thức, trống rỗng và xa với cuộc sống hàng ngày. Vì vậy, chúng ta cần thử tìm những lối hiểu khác hơn, trong ý thức rằng một tiếp cận trọn vẹn không thể có. Những người đi trước chia sẻ kinh nghiệm của họ về việc tìm hiểu mầu nhiệm này như vậy: Ai suy ngẫm về nguồn gốc của thế giới, về Chúa Ba Ngôi, thì nó sẽ lẩn tránh và đồng thời nó tỏ lộ mình cho người tìm. Mầu nhiệm đó không thể tiếp cận trực diện, và đồng thời nó đến gần hơn với người kiếm tìm. Thật gần – gần hơn là tôi với chính mình. Mầu nhiệm Thiên Chúa được tỏ hiện nơi các tạo vật của Ngài, và qua đó nó lại trở nên bí ẩn hơn tất cả.

Như vậy, đó không là điều gây ngạc nhiên khi chúng ta chọn lối tuyên xưng như làm dấu thánh giá, và mừng mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi trong các nghi lễ long trọng. Đây là cách tiếp cận mầu nhiệm thích hợp nhất với chúng ta và được ủng hộ. Cũng vì giải nghĩa cho các tín hữu cái cốt yếu của mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi, và ảnh hưởng của nó trên cuộc sống hằng ngày, là một thách đố lớn cho các mục tử. Ngoài việc kể lại những hình ảnh và dùng các ngôn từ tín lý đã quen thuộc, họ khó có thể nói thêm gì bằng lời từ những cảm nghiệm cá nhân với mầu nhiệm quan trọng này. Tức là những gì đến từ việc suy tư về hình ảnh con người của Kitô giáo, trong một bối cảnh văn hóa tập thể với cơ cấu phẩm trật của chúng ta.

Tôi có hiểu và đối xử với mình và đồng loại như là những nhân vị, như Giáo lý Công giáo về Chúa Ba Ngôi dạy? Có điều gì nơi hình ảnh con người của Kitô giáo giống, điều gì khác so với hình ảnh con người trong văn hóa Việt? Đâu là những mâu thuẫn và khó khăn không thể tránh, khó vượt qua? Hỏi Đạo Chúa mang đến điều gì mang tính đột phá, có sức biến đổi và khai quật tiềm năng phát triển tột bậc cho chúng ta, nếu không phải là cách nhìn con người của Thiên Chúa?

Đạo Chúa dạy con người được tạo dựng theo “hình ảnh Thiên Chúa”, là “nhân vị” theo cách nói của mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi. Tương quan giữa cá nhân và cộng đoàn sẽ được nhìn khác hơn, khi cá nhân được hiểu tích cực như Giáo lý về Chúa Ba Ngôi dạy. Và như thế, đây là một mầu nhiệm để khám phá và để thực hiện trong cuộc sống hàng ngày. Chúng ta thử hình dung một lần sự thay đổi trong ta và quanh ta, khi mỗi người được nhìn và tôn trọng như là những “ngôi vị“!

Hiểu Thiên Chúa hơn luôn là hiểu chính mình hơn. Đây là một hành trình cực kỳ hấp dẫn và làm thỏa mãn, giúp biến đổi và phát triển cái thiếu trầm trọng nơi người Việt: “trình độ làm người”[3].

 

Nguồn: ngoiloivn.net 

 

Chú thích

[1] Tiếng Đức: “Du sollst den Namen des Herrn, deines Gottes, nicht missbrauchen”.

[2] Xem: Người lữ hành nước Nga, An Tôn & Đuốc Sáng. Tâm nguyện. Thời gian dành cho Thiên Chúa của Jaques Philippe.

[3] Vương Trí Nhàn, Những chấn thương tâm lý hiện đại, Nhà xuất bản Trẻ 2009, tr. 67.