Thần Học Về Tông Đồ Giáo Dân

Dẫn nhập

Tháng Mười 1951, một sự kiện ở Roma được xem như là biến cố quan trọng trong lịch sử Giáo Hội, ngang tầm với việc khám phá ra Châu Mỹ hay Công Đồng Vatican II: Đại Hội Tông Đồ Giáo Dân lần I. Tiếng chuông đã được gióng lên không phải để “chuông nguyện hồn ai” mà là để đánh thức một điều tưởng chừng như đã bị bỏ quên từ lâu. Một thời gian sau, Công Đồng Vatican II là biến cố quan trọng nhất nói nhiều về người giáo dân đến nỗi có thể gọi là “Công đồng về giáo dân”. Đừng quên rằng đây là Công đồng đầu tiên trong lịch sử Giáo Hội mà người giáo dân được tham dự với tư cách quan sát viên và cũng là lần đầu tiên “người giáo dân” là đối tượng để suy tư và là chủ đề của một văn kiện Công đồng: Sắc lệnh về Tông Ðồ Giáo Dân Apostolicam Actuositatem.

Điều gì đã làm cho các nghị phụ của Công đồng Vatican II có một cái nhìn cởi mở hơn về tông đồ giáo dân? Sự thay đổi này có được là nhờ các sự kiện và thần học. Phải nhìn nhận là các phong trào tục hóa và bài giáo sĩ rất mạnh mẽ vào thời đó, các linh mục tu sĩ không thể tiếp cận cách hiệu quả trong nhiều lãnh vực xã hội tại một số quốc gia, cho nên nếu Giáo hội muốn hiện diện tại những nơi đó thì chính giáo dân phải đảm trách công việc. Vào thời họp Công đồng, vấn đề nhức nhối là “Giáo hội thầm lặng” ở sau Bức màn sắt, nhưng Giáo hội phương Tây cũng đang gặp phải nhiều vấn đề. Chính vì thế, Giáo Hội cần phải thay đổi và điều cần phải thay đổi đầu tiên phải là các suy tư về thần học. “Thần học Công giáo trong những năm gần đây đã đặc biệt quan tâm đến đời sống và tư tưởng hiện đại với hy vọng chinh phục thế giới hiện nay về với Đức Kitô … nỗ lực của các nhà thần học là tìm ra những ý tưởng phù hợp với tâm thức hiện đại, chú trọng đến những đối tượng nghiên cứu mới và chịu trách nhiệm với sự phát triển thần học. Ranh giới thần học đã phát triển theo 3 chiều hướng đặc biệt, có thể nói ngày nay chúng ta có những ngành thần học hoàn toàn mới: Thần học giáo dân, thần học lịch sử và thần học các thực tại trần thế” .[1] Và trình bày về những hoạt động tông đồ của giáo dân hẳn nhiên sẽ thiếu sót nếu không dựa trên nền tảng là “Thần học về tông đồ giáo dân”

Từ ngữ “giáo dân”

Từ laikos trong tiếng Hy Lạp (được Latinh hóa là laicus) – nghĩa là “giáo dân” – không tìm thấy trong Tân Ước. Từ này dịch sát nghĩa là “thuộc về, người thuộc về dân chúng (laos)”. Giáo dân là thành viên của dân Chúa, một dân Israel mới, một cộng đoàn cứu rỗi,  là “laos” trong tiếng Hy Lạp, những người mà Thánh Giacôbê đã nói đến trong Cv 15,14: “Ông Simôn đã thuật lại cho chúng ta rằng: ngay từ đầu, Thiên Chúa đã đoái thương chọn trong các dân ngoại (ethne) một dân (laos) mang danh Người”, hoặc như trong thư của Thánh Phêrô 2,9: “Còn anh em, anh em là dân (laos) được tuyển chọn, là hàng tư tế vương giả, là dân thánh, dân riêng của Thiên Chúa, để loan truyền những kỳ công của Người, Đấng đã gọi anh em ra khỏi miền u tối, vào nơi đầy ánh sáng diệu huyền”.

Như vậy, trong ý nghĩa thần học, từ “giáo dân” được xuất phát từ laostrong tiếng Hy Lạp, có nghĩa là dân Chúa[2], một dân khác với dân ngoại (ethne) và chủ yếu là thành viên của một dân được tuyển chọn, một thành viên của ples sancta.[3] “Giáo sĩ” hay “giáo dân” như cách chúng ta hiểu ngày nay vẫn chưa phân biệt nhau bởi vì tất cả đều là dân Chúa để phân biệt với dân ngoại.

Và điều khá ngạc nhiên là nguồn gốc của từ “giáo sĩ” cũng không phải để phân biệt với “giáo dân”. “Giáo sĩ” trong tiếng Latinh là “clericus”, do từ Hy Lạp kleros có nghĩa là “gia nghiệp”. Trong Cựu Ước, từ này được dành cho chi tộc Lêvi bởi vì họ không được chia phần đất đai để làm gia nghiệp vì chính Thiên Chúa là gia nghiệp của họ (Tv 16,5-6)[4]. Đến thời Tân Ước, “clericus” chỉ toàn dân Chúa chứ không riêng một chi tộc nào và ngược lại với Cựu Ước, chính Chúa đã chọn dân làm gia nghiệp. Tất cả đoàn chiên của đức Kitô được gọi là “clericus” như trong 1 Pr 5,3 “Đừng lấy quyền mà thống trị những người Thiên Chúa đã giao phó cho anh em, nhưng hãy nêu gương sáng cho đoàn chiên” (neque ut dominantes in clerissed formae facti gregi et ex animo). Như vậy, nguồn gốc của “laicus” và “clericus” nói đến dân được Thiên Chúa tuyển chọn, tất cả mọi người, không phân biệt “giáo dân” và “giáo sĩ”.

I. GIÁO SĨ VÀ GIÁO DÂN: HAI MẶT BÊN TRONG GIÁO HỘI

1. Nguồn gốc sự phân biệt

Do đâu có sự phân biệt giáo sĩ và giáo dân? Các sử gia cho rằng khi Kitô giáo trở thành quốc giáo trong Đế quốc Rôma, Giáo hội đã tự đồng hóa với các cơ cấu xã hội: các giám mục và giáo sĩ được tách biệt ra khỏi phần còn lại theo mô hình xã hội quân chủ. Như vậy, nguồn gốc của sự phân biệt dựa theo điều kiện xã hội hơn là dựa theo căn bản thần học và sự phân biệt ngày càng sâu rộng. Từ “giáo dân” (laicus) lần đầu tiên xuất hiện trong thư của Thánh Clementê (40,6) vào năm 96 để chỉ người giáo dân bình thường, phân biệt với phó tế hoặc linh mục. Từ này trở nên phổ biến vào thế kỷ thứ III.[5] Tertullianô (+ 220) hạn chế danh từ “laicus” vào các tín hữu không có chức thánh. Và rồi một thành phần thứ ba xuất hiện càng làm cho vấn đề trở nên phức tạp: các tu sĩ.

Như lịch sử đã chứng minh, sự khó khăn khi định nghĩa “giáo dân” xuất phát từ ý niệm tiêu cực: giáo dân là những người không thuộc hàng giáo sĩ, nghĩa là những người không nhận chức thánh. Cách chia Dân Chúa thành ba thành phần là giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân dường như là cách phân chia không chính xác. Từ ngữ thần học không trùng với từ ngữ giáo luật. Giáo luật nhìn nhận ba thành phần trong Giáo Hội là giáo sĩ, tu sĩ, giáo dân nhưng đôi khi từ “giáo dân” lại bao hàm tất cả những ai không có chức thánh (cho nên các nam nữ tu sĩ đều là giáo dân), còn theo thần học, các tu sĩ thuộc về một thành phần khác với các giáo dân. Rồi các thành viên tu hội đời: họ khấn giữ ba lời khấn, vậy họ là giáo dân hay tu sĩ? Có những tu sĩ là tu sĩ – linh mục (nếu họ được phong chức) hay chỉ là tu sĩ (nếu không được phong chức). Chính vì thế mà Giáo lý Giáo Hội Công Giáo bắt đầu định nghĩa “giáo dân” (Christifideles) là  “những người được tháp nhập vào Đức Kitô nhờ bí tích Rửa Tội để làm nên Dân Chúa”. Còn Bộ Giáo Luật khẳng định: “Do sự thiết lập của Thiên Chúa, giữa các tín hữu trong Giáo Hội, có các thừa tác viên có chức thánh, trong luật (in jure) được gọi là các giáo sĩ; còn các người khác được gọi là giáo dân” (Giáo Luật, điều 207). Như vậy sự phân chia chỉ có tính Giáo hội học. Chính đời sống của Giáo hội đòi hỏi phải có sự phân chia chức năng, hoạt động và quyền lực.

Mọi tín hữu đều sống kết hợp với Đức Kitô “mà không phân chia”. Không có giai cấp hoặc tầng lớp xã hội trong Giáo Hội Công giáo. Như Lumen Gentium dạy: “cùng chung một phẩm giá của những chi thể vì đã được tái sinh trong Chúa Kitô, cùng một ân huệ được làm con cái, một ơn gọi trở nên trọn lành” (LG 32). Mặc dù do ý muốn của Chúa và vì lợi ích của toàn Giáo Hội, vài người đảm nhận nhiệm vụ là “thầy dạy, làm người phân phát các nhiệm tích hay chủ chăn lo cho kẻ khác”, thế nhưng “giữa tất cả mọi người vẫn có sự bình đẳng thực sự, bình đẳng về phương diện phẩm giá và hoạt động chung của mọi tín hữu để xây dựng thân thể Chúa Kitô” (ibid.). Có một sự khác biệt thật sự, nhưng không phải khác biệt về đẳng cấpgiữa chức linh mục thừa tác và phần còn lại của Dân Chúa (LG 10), nhưng sự khác biệt đó hiện hữu chỉ để phục vụ. 

2. Ý nghĩa tích cực của sự phân biệt 

Thực ra, sự phân biệt giáo sĩ và giáo dân có nền tảng trong Tân Ước và thực sự nằm trong ý muốn và hành động của chính Chúa Giêsu. Như Công đồng Trentô và Vatican I & II đã dạy, cơ cấu phẩm trật của Giáo Hội là thiết chế của Thiên Chúa (cf Trent, Sess. 23, Canon 6 [DS 1776]; Vatican I, [DS 3050f]; LG 18). Phải nhấn mạnh điểm này bởi vì có những lạc giáo cho rằng Giáo Hội nguyên thủy là một “nền dân chủ” phi hình thức. Ví dụ phái Montanist chỉ chấp nhận quyền bính của những người được cho là có ơn đoàn sủng. Luther phát triển một thần học về chức linh mục vương giả chung cho toàn thể các tín hữu. Gần đây, Schillebeeckx đã phác họa Giáo Hội như là một câu lạc bộ. Để đối chọi với  các chủ trương lãng mạn này, ta phải nại đến Thân Thể Mầu Nhiệm của Đức Kitô, một thân thể giống như bất kỳ thân thể sống động nào khác mà Thánh Phaolô cho rằng cũng có những phần thân thể khác nhau. Có những ân huệ, nhiệm vụ, các phục vụ khác nhau nhưng chỉ có một Thiên Chúa và một Thánh Thần (cf 1 Cr 12).

Nhắc lại rằng giáo dân không phải là linh mục hay tu sĩ bao hàm hai chân lý quan trọng của đức tin: trước hết, do ý muốn của Đấng Sáng Lập, Giáo hội là một cơ cấu có phẩm trật; thứ đến, theo từ ngữ của Giáo luật, các lời khuyên Phúc Âm là ân sủng mà Giáo Hội nhận được từ Thiên Chúa “là hồng ân của Chúa ban và Giáo Hội lĩnh nhận từ Đức Kitô và, nhờ ơn Người, Giáo Hội luôn luôn bảo toàn” (Giáo luật, điều 575). Định nghĩa tiêu cực nói lên rằng Giáo Hội là một thống nhất phong phú trong sự đa dạng. Người giáo dân có một chỗ đứng trong chính sự phong phú này. Và như vậy, định nghĩa mà ta gọi là tiêu cực ấy vẫn là có một ý nghĩa tích cực.

3. Tất cả là “những người đã lãnh phép Thánh Tẩy” 

Hiến chế Lumen Gentium, số 10 đã nói: “Chúa Kitô, Linh Mục Thượng Phẩm được chọn nơi loài người (x. Dth 5,1-5), để biến dân tộc mới thành một “vương quốc, thành những tư tế cho Thiên Chúa, Cha Người” (Kh 1,6; x. 5,9-10). Thực vậy, những người đã lãnh phép Thánh Tẩy,nhờ được tái sinh và xức dầu của Thánh Thần, được cung hiến để trở thành chỗ ở thiêng liêng và nhận chức tư tế thánh, hầu qua mọi hoạt động của con người Kitô hữu, dâng của lễ thiêng liêng và rao truyền những kỳ công của Ðấng đã gọi họ từ bóng tối đến ánh sáng kỳ diệu của Ngài (x. 1P 2,4-10). Vì thế, tất cả các môn đệ của Chúa Kitô, trong khi kiên tâm cầu nguyện và cùng nhau ca tụng Thiên Chúa (x. CvTđ 2,42-47), họ phải dâng mình làm của lễ sống động, thánh thiện, đẹp lòng Thiên Chúa (x. Rm 12,1), phải làm chứng về Chúa Kitô trên khắp mặt đất và trình bày niềm hy vọng về cuộc sống vĩnh cửu mà họ ôm ấp cho những ai đang khao khát (x. 1P 3,15)”

Như vậy, vấn đề không phải là “giáo dân” (không phải giáo sĩ) nhưng là người được nhận lãnh bí tích Rửa Tội. “Qua bí tích rửa tội họ được tháp nhập vào thân thể của đức Kitô và gia nhập Dân Chúa, tham gia theo cách thức của mình vào chức vụ tư tế, ngôn sứ và vương giả của đức Kitô. Họ thi hành sứ mạng của toàn dân Kitô trong Giáo hội và giữa trần thế theo nhiệm vụ riêng của mình. Tính cách cá biệt của các giáo dân là trần thế (…) Ơn gọi đặc biệt của họ là tìm cầu Nước Chúa qua việc dấn thân vào công việc trần thế, và điều hành chúng theo ý định của Thiên Chúa. Họ sống giữa đời, dấn thân vào các công việc thế sự, trong những điều kiện thường nhật của đời sống xã hội và gia đình, tức là môi trường sinh sống của họ. Họ được kêu gọi tại đó, ngõ hầu sống theo tinh thần Phúc âm họ đóng góp vào việc thánh hóa thế gian, như men trong bột, qua việc chu toàn bổn phận của mình. Do đó, nhờ chứng tá của cuộc sống rạng rỡ bởi đức tin, đức cậy, đức mến, họ tỏ bày Đức Kitô cho tha nhân”[6]

Và không giống như cách hiểu của phong trào Công giáo tiến hành về tông đồ giáo dân thời tiền Công đồng Vatican II cho rằng việc tông đồ của giáo dân là tham gia vào việc tông đồ của hàng giáo phẩm nhờ vào sự ủy nhiệm của hàng giáo phẩm, Công đồng Vatican II dạy rằng giáo dân có quyền và bổn phận tham gia việc tông đồ bởi vì họ là thành viên của Giáo Hội. Lời kêu gọi giáo dân làm việc tông đồ xuất phát từ Đức Kitô và có nền tảng trong bí tích Rửa tội và Thêm sức. Đó không phải là do sự ủy nhiệm của hàng giáo phẩm – mặc dù rõ ràng nếu giáo dân muốn hành động nhân danh Giáo hội thì phải có sự chuẩn nhận của hàng giáo phẩm.

Như vậy sự cộng tác và chia sẻ là nguyên tắc nền tảng: “Họ (giáo dân) dấn thân trong đời sống thế gian … trung thành với ơn gọi là dân của Chúa. Họ làm tròn nhiệm vụ của mình bằng cách cộng tác với hàng giáo phẩm trong công cuộc cứu rỗi các linh hồn và làm việc để thăng tiến các điều kiện của đời sống trần thế thích ứng với sứ mệnh cứu rỗi của Giáo hội.”[7] Lý do là vì “ngày nay sự cộng tác giữa giáo dân với hàng giáo phẩm chưa bao giờ cần thiết và  thực hiện có hệ thống đến như vậy. Sự cộng tác này bao gồm cả ngàn hình thức, từ sự hy sinh thầm lặng để cứu rỗi các linh hồn cho đến những lời nói tử tế và việc lành làm cho ngay cả những người thù nghịch với Giáo hội cũng ngưỡng mộ. Nó cũng còn là hoạt động của hàng giáo phẩm được chia sẻ cho giáo dân, sự can đảm được trả giá bằng chính mạng sống mình, điều này không xuất hiện trong bất kỳ bảng thống kê nào nhưng chỉ mình Chúa biết. Việc tông đồ kín đáo này có lẽ là công việc quý giá và hiệu quả nhất.”[8]

Và nếu giáo dân được chỉ định làm việc tông đồ nhờ bí tích Rửa tội và Thêm sức thì tông đồ là quyền của họ chứ không phải do ủy nhiệm hay chỉ định của giám mục hay linh mục. Vì thế, Giáo luật cho phép giáo dân có quyền thành lập và điều khiển các hiệp hội, hành động để phục vụ Giáo hội, quyền cổ vũ và nâng đỡ các hoạt động tông đồ bằng sáng kiến riêng của mình.[9]

(còn tiếp)


[1] Kevin McNamara, “Catholic Theology Today: A Recent Survey”, The Irish Theological Quarterly, 21 (1954), 245.

[2] Tuy nhiên, cha Ignace de la Potterie chứng minh rằng laos không chỉ có nghĩa là toàn bộ Dân Thiên Chúa; trong bản Bảy Mươi (Bản dịch Cựu Ước tiếng Hy Lạp), từ này chỉ một phần nào đó của toàn bộ, những người dân bình thường trong Israel phân biệt với các thủ lãnh, ngôn sứ, tư tế, hoặc các vương hầu (cf Is. 24. 2: “Bấy giờ tư tế sẽ chung số phận với dân thường, ông chủ với tớ trai, bà chủ với tớ gái, kẻ bán với người mua, kẻ cho mượn với người đi mượn, chủ nợ với con nợ). Xem de la Potterie, “Clement of Rome”, Epistle I, 40, 6; Nouvelle Revue Théologique 80 (1958), 840-853

[3] Y. Congar, Lay People in the Church, Bloosmbury, London, 1957, tr.1

[4] Lạy Chúa, Chúa là phần sản nghiệp con được hưởng, là chén phúc lộc dành cho con; số mạng con, chính Ngài nắm giữ. Phần tuyệt hảo may mắn đã về con, vâng, gia nghiệp ấy làm con thoả mãn.

[5] Peter Eicher, Dictionnaire de Théologie, Cerf, 1988, mục từ “Laic/clerc”, tr. 346.

[6] “Thần học về giáo dân », Thờisự Thần học – Số 14 – Tháng 12.1998, tr. 44-49

[7] Actes du premier congress mondial pour l’apostolat des laiques, Rome, Comité Permanent des Internationaux des Laiques, 1952, Vol. I, b3

[8] Pius XII, Guiding principles of the lay apostolate, Đại hội Tông đồ giáo dân thế giới lần II, ngày 5 tháng Mười1957.

[9] Giáo luật (1983) c. 225, cf cc.215-216.

Ðiều 225: (1) Xét vì các giáo dân, cũng như mọi tín hữu khác, được Thiên Chúa ủy thác làm việc tông đồ do phép Rửa Tội và phép Thêm Sức, nên họ có nghĩa vụ tổng quát và có quyền lợi xét như từng cá nhân hoặc kết hợp thành hiệp hội, phải làm sao để sứ điệp cứu rỗi của Thiên Chúa được mọi người khắp thế giới biết đến và đón nhận. Nghĩa vụ này lại càng thôi thúc hơn trong những hoàn cảnh mà chỉ có thể nhờ các giáo dân, người ta mới có thể nghe Phúc Âm và biết Ðức Kitô.

(2) Tùy theo điều kiện riêng của từng người, các giáo dân cũng có bổn phận riêng phải thấm nhập và kiện toàn trật tự trần thế với tinh thần Phúc Âm; và như vậy họ làm chứng cho Ðức Kitô đặc biệt khi điều hành các sự việc thế trần cũng như lúc thi hành các chức vụ trên đời.

Ðiều 215: Các tín hữu có quyền tự do thiết lập và điều khiển các hiệp hội nhằm mục đích từ thiện hoặc đạo đức, hoặc nhằm cổ võ ơn gọi của người Kitô trong thế giới; họ cũng có quyền nhóm họp để cùng nhau theo đuổi đạt tới các mục đích đó.

Ðiều 216: Vì được tham dự vào sứ mạng của Giáo Hội, tất cả các tín hữu có quyền cổ võ và nâng đỡ hoạt động tông đồ kể cả bằng sáng kiến riêng, tùy theo tình trạng và điều kiện của họ; tuy nhiên không sáng kiến nào có thể mệnh danh là Công Giáo, nếu không có sự đồng ý của nhà chức trách có thẩm quyền trong Giáo Hội.

II. TÔNG ĐỒ GIÁO DÂN TRONG GIÁO HỘI

1. Cái nhìn tích cực của thần học giáo dân

Cái nhìn tích cực hơn về giáo dân trong thần học Công giáo được phát triển vào thế kỷ thứ XIX, với khuynh hướng tục hóa ngày càng lớn mạnh và một thái độ tích cực hơn về thế giới, đòi hỏi Giáo Hội phải có một hình thức chứng nhân mới trong một thế giới tục hóa và đa nguyên ngày càng lớn mạnh. Đức Piô XI (1922-1939) và Đức Piô XII (1939-1958) đã chính thức chấp nhận và cổ vũ Công giáo tiến hành, một phong trào cho phép giáo dân cộng tác vào việc tông đồ. Trong Thông điệp Mystici corporis (1943), Đức Piô XII đã nhìn nhận sự chia sẻ trách nhiệm của giáo dân đối với toàn sứ vụ của Giáo Hội[1].

Cha Congar đã diễn tả Giáo Hội qua hai khía cạnh mà không được xem nhẹ bên nào nếu muốn hiểu Giáo Hội học một cách đầy đủ. Khía cạnh thứ nhất là nguyên tắc cộng đoàn (1), ý nghĩa căn bản của ecclesia, được diễn tả bằng những từ ngữ như congregatio fidelium, societas fidelium, collectio, coetus(assemblée), adunatio(union), etc. Giáo Hội được cấu thành do các thành viên, và các thành viên chung sức để phát triển và làm cho Giáo Hội hiện hữu. Như vậy, Giáo Hội được hình thành từ bên dưới và là một cộng đoàn các tín hữu. Khía cạnh thứ hai là khía cạnh cơ chế hay phẩm trật (2) mà theo đó Giáo Hội đã có một cơ cấu nào đó hiện hữu trước các thành viên. Dĩ nhiên không có sự xung đột nào giữa hai khía cạnh này. Giáo Hội vừa là một cộng đoàn vừa là một cơ cấu, một xã hội có cấu trúc và là một đời sống. Chỉ nhấn mạnh đến khía cạnh cơ cấu mà thiếu đi khía cạnh cộng đoàn thì vai trò của người giáo dân bị sụt giảm, họ chỉ là những người thụ động chỉ chờ được nhận lệnh. “Bỏ quên vai trò của giáo dân sẽ dẫn đến giáo sĩ trị (clericalism) trong Giáo Hội và thế tục hóa (laicism) trong thế giới.”[2]

Hai khía cạnh này kết hợp với nhau trong quan niệm Giáo Hội là Thân Thể. Đức Kitô là Đầu đã thông ban sức lực và sự sống cho thân thể mình là Giáo Hội. Giống như một thân thể, Giáo Hội cũng có sự sống và cơ cấu, mỗi phần làm đầy đủ chức năng nhiệm vụ của mình vì lợi ích của toàn thân như Thánh Phaolô đã nói: “Giả như toàn thân chỉ là mắt, thì lấy gì mà nghe? Giả như toàn thân chỉ là tai, thì lấy gì mà ngửi? Nhưng Thiên Chúa đã đặt mỗi bộ phận vào một chỗ trong thân thể như ý Người muốn. Giả như tất cả chỉ là một thứ bộ phận, thì làm sao mà thành thân thể được? Như thế, bộ phận tuy nhiều mà thân thể chỉ có một” (1 Cr 12, 17-20)

Tại Thượng hội đồng giám mục năm 1987 với chủ đề “Ơn gọi và sứ mệnh của giáo dân trong Giáo Hội và thế giới”, Hồng y Ratzinger đã khẳng định: “Để cuộc thảo luận đem lại kết quả, chúng ta cần phải định nghĩa rõ ràng ý niệm “giáo dân”.  Là một nhà thần học trẻ, ngài đã nghiên cứu sâu vấn đề từ ngữ cho chính xác và hy vọng tìm ra được một cách diễn tả phong phú và tích cực về “người tín hữu giáo dân”, vượt qua lối diễn tả tiêu cực xem người giáo dân chỉ là một người không là linh mục hoặc không là tu sĩ. Người giáo dân là thành viên của dân Chúa. Họ không được thánh hiến bằng bí tích Truyền Chức, nhưng được thánh hiến một cách nào đó. Họ không dâng mình để theo đuổi sự hoàn thiện dưới hình thức đời sống tu trì được giáo luật nhìn nhận, nhưng vẫn có sự hoàn thiện của riêng mình.

2. Lãnh vực trần thế

Giáo Hội đã biết đến khái niệm tông đồ giáo dân từ thời ông Giuse Arimathea và các phụ nữ thành Giêrusalem. Từ “tông đồ” – được áp dụng cho cả hàng giáo phẩm và giáo dân – do tiếng Hy Lạp là Apostolein, nghĩa là sai đi. Giáo hội được sai đi để tiếp tục sứ mệnh của Đức Kitô. “Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con” (Ga 20,21). Người tông đồ đầu tiên và là nguồn gốc của mọi tông đồ chính là Chúa Con, người được Chúa Cha sai đi vào trong thế gian, để làm “Sứ Giả, là Thượng Tế, là Trung Gian cho chúng ta tuyên xưng đức tin” (Dt 3.1). Mọi sứ mệnh và việc tông đồ trong Giáo Hội đều là sự thông phần, nhờ sứ mệnh của Chúa Thánh Thần, trong sứ mệnh của Chúa Con. Qua bí tích Rửa tội, người giáo dân là người con trong Chúa Con, vì thế, họ cũng là người con được sai đi, một người con có sứ mệnh tông đồ.

Làm việc tông đồ là yếu tố quan trọng trong đời sống của một Kitô hữu, là bản tính của kitô hữu trong bất kỳ thời nào cũng như lãnh vực nào. Các điều kiện và hình thức để thực thi nhiệm vụ này thay đổi tùy theo từng thời kỳ. Thế nhưng vào thời đại của chúng ta, bổn phận này đã thường xuyên được nhắc đến và trở nên cấp bách vì nhu cầu thật sự của nó. Người giáo dân là (1.) một thành phần sinh động trong Dân Chúa, (2.) tham gia vào sứ mệnh của toàn thể Giáo Hội và (3.) cùng trách nhiệm đối với Giáo Hội. Vì bản tính đặc biệt, người giáo dân (4.) dấn thân vào công việc trần thế, một đặc điểm miêu tả ơn gọi đặc thù của họ trong Giáo hội và trong thế giới. Nhiệm vụ chính của họ là – qua chứng từ đời sống của mình (5.) làm cho Đức Kitô hiện diện trong thế gian (6.) làm cho thế gian thấm nhập Thần Khí của Ngài và xếp đặt thế gian theo ý của Ngài. Lumen Gentium nói về vai trò đặc biệt của người giáo dân là “làm cho Giáo hội hiện diện và tác động trong những nơi chốn mà chỉ nhờ họ, Giáo hội mới có thể trở thành muối của trần gian” (số 33). Đây là ơn gọi thực sự của người giáo dân chứ không phải là một bổn phận, một việc làm để bù đắp cho việc thiếu hụt các linh mục tu sĩ. Họ đóng một vai trò riêng biệt của họ trong Giáo hội, đặc biệt dành cho họ và cần thiết cho Giáo Hội.

Đức Kitô không trao nhiệm vụ cho Giáo hội của ngài cách được chăng hay chớ. Ngài đã chọn các tông đồ và giao cho họ nhiệm vụ giảng dạy và làm phép rửa. Để cho họ và những người kế vị họ có thể thi hành nhiệm vụ, ngài đã ban cho họ quyền năng chế tài và chức thánh theo phẩm trật. Những quyền năng này ngài đã ban cho họ và chỉ cho họ mà thôi. Việc tông đồ này của nhóm 12 là chính thức.[3] Cùng với việc sai các tông đồ ra đi này, còn có lời hứa ban Thánh Thần để thúc đẩy và làm cho Giáo hội sinh động, và Chúa Thánh Thần không chỉ được ban cho các tông đồ mà thôi những còn cho mọi người tín hữu nữa. Đức Kitô đã thánh hiến sứ vụ của nhóm 12. Tuy nhiên, trong sách Tông Đồ Công Vụ nói nhiều đến việc ban Chúa Thánh Thần cho tập thể nhiều người chứ không riêng gì cho các tông đồ. Như vậy, việc ban Chúa thánh Thần cho toàn thể Giáo Hội này là nền tảng cho sứ mệnh của người tín hữu. Mọi tín hữu đều có nhiệm vụ do Chúa Thánh Thần (ex spiritu). Cùng với nhiệm vụ ex spiritu của mỗi thành phần trong thân thể là nhiệm vụ do chức vụ (ex officio) của nhóm 12. Nhiệm vụ của các tông đồ cấu thành nhiệm vụ của Giáo Hội trong yếu tính (essence) của nó. Nhưng nhiệm vụ của các tín hữu cần thiết để sứ vụ tông đồ của nhóm 12 đạt được sự toàn vẹn (integrity) của nó.

Như vậy, điều chắc chắn là giáo dân có nhiệm vụ tông đồ. Thế họ thi hành nhiệm vụ của mình như thế nào? Vai trò của giáo dân phụ thuộc vào vị trí của họ trong Giáo Hội. Họ đảm trách việc tông đồ ở trong thế giới bằng cách làm chứng cho đức tin. Người giáo dân là một tông đồ và là nhà truyền giáo qua đời sống đức tin gương mẫu. Một trong những đặc tính của tông đồ giáo dân có liên quan đến những công việc trần thế, là Kitô hóa những công việc trần thế mà Đức Piô XII gọi là “consecratio mundi” (thánh hiến thế trần): “consecratio mundichủ yếu là công việc của giáo dân, của những người làm thành một phần của đời sống xã hội và kinh tế, những người tham gia vào chính quyền và các hội đồng lập pháp.”[4]

Như vậy, Giáo Hội có nhiệm vụ thiêng liêng hóa trật tự trần thế nhưng phải tránh hai cực đoan này là thiên thần hóa (angelism) và giáo sĩ hóa (clericalization). Vì vậy, phương tiện duy nhất mà Giáo Hội có thể thiêng liêng hóa và cứu chuộc trần thế là qua giáo dân, những người vừa thuộc về Giáo Hội vừa thuộc về trần thế. “Là một bộ phận bổ sung cho phẩm trật, mà từ đó họ nhận được lời sự sống, sức mạnh Chúa Thánh Thần, và mệnh lệnh hành động, để sau khi được tham gia vào sứ vụ tông đồ của hàng giáo phẩm, họ có thể nối dài ảnh hưởng ơn cứu độ của Giáo Hội, đem nó vào trong những lãnh vực của đời sống con người là lãnh vực mà hàng giáo phẩm bị cho ra rìa.”[5]

3. Giáo hội học của sự hiệp thông 

Thần học về giáo dân đã có bước phát triển khi hiểu Giáo hội là sự hiệp thông trong hiến chế Lumen Gentium. Thay vì hình mẫu của quá khứ là ngọn tháp từ trên ngọn tỏa rộng ra xuống phía dưới, Giáo hội được xem như là một thực tại có cơ cấu phẩm trật, với các bổn phận và nhiệm vụ khác nhau, trong đó các thành viên bình đẳng và có quyền lợi và phẩm giá như nhau. Nói rằng Giáo hội là “Thân thể Đức Kitô” và là “Dân Thiên Chúa” phản ánh đúng quan niệm này.

Tông huấn Christifideles Laicidiễn tả sự hiệp thông của giáo dân với Đức Kitô bằng hình ảnh cây nho: “Ta là cây nho thật và Cha ta là người trồng nho … Hãy ở trong Ta và Ta ở trong các con” (Ga 15, 1.4). Những lời đơn giản này nói lên mầu nhiệm hiệp thông làm mối dây liên kết giữa Chúa và các môn đệ của Ngài, giữa Đức Kitô và người được rửa tội: một sự hiệp thông sinh động và trao ban sự sống … Từ sự hiệp thông này mà Kitô hữu kinh nghiệm được trong Đức Kitô, từ đó sẽ lập tức phát xuất ra sự hiệp thông mà họ kinh nghiệm được với tha nhân (CL số 18).

Sau Công đồng, trong một suy tư về cơ cấu của Giáo Hội, nhà thần học Ratzinger đã đặt điểm khởi đầu cho một thần học mới về giáo dân, bắt đầu từ phụng vụ: “Vẫn tồn tại những phân biệt giữa người giáo dân và linh mục, giữa tu sĩ và người không phải là tu sĩ: có nhiều nhiệm vụ và con đường khác nhau trong Giáo Hội, cái này không lẫn lộn với cái kia. Đặt tất cả trên cùng một bình diện thì không chỉ sai lầm mà còn là ngu ngốc. Tuy nhiên, Công đồng đã mang đến một sự cởi mở trong lãnh vực này, như là một phần trong sự cởi mở mới mẻ của Giáo Hội …. Phụng vụ Kitô giáo có nghĩa là cùng nhau tôn thờ Thiên Chúa nhân danh tất cả những người được rửa tội để làm người ngồi đồng bàn với Thiên Chúa Phục Sinh … Trong trường hợp này, có một nét đặc trưng bao trùm lấy tất cả là: mọi người, dù có nhiều nhiệm vụ khác nhau, tất cả đều là thần dân, vì tất cả làm nên phần thân thể của Thiên Chúa  … Tôi nghĩ sự canh tân thần học về giáo dân phải bắt đầu từ đây, từ sự canh tân của chính phụng vụ, là điều không phải là đặc ân của chỉ hàng giáo sĩ mà thôi; phụng vụ không phải là điều gì đó được bao bọc trong chiếc bình bằng thủy tinh của quá khứ đáng trân trọng của nó. Do yếu tính của mình, phụng vụ là sự tôn thờ phổ quát.”[6]  

4. Nguyên tắc cánh chung 

Trong nhãn quan của mặc khải và Giáo hội, con người là cư dân của hai thành phố, hai vương quốc: vương quốc của loài người và vương quốc của Thiên Chúa. Kitô hữu là cư dân của cả hai và có trách nhiệm với cả hai. Họ là thành viên của Giáo hội trong khi Giáo hội là “hạt giống và khởi đầu của Nước Trời trên trần gian này”  (Giáo luật, điều 541). Đồng thời họ cũng là con người, sinh trong thời gian và không gian, sống trong vương quốc loài người. Như vậy, kitô hữu sống trong sự căng thẳng nào đó, biết rằng mục đích cuối cùng của mình là Thiên Chúa nhưng vẫn ý thức mạnh mẽ về cuộc sống thực sự trong trật tự trần thế.

Nhưng trật tự trần thế này không bao giờ lấn át cái cánh chung ở vào cuối thời gian, khi Nước trời được biểu lộ cách đầy đủ và trọn vẹn. Mối tương quan giữa trật tự trần thế và đặc tính cánh chung của Giáo hội là một sự căng thẳng nhưng không xung đột. Hành động của họ nơi trật tự trần thế sẽ có kết quả và ý nghĩa cho sự kết thúc cánh chung của Giáo hội. Vì thế, Lumen Gentium nhấn mạnh tầm quan trọng của đời sống và việc làm nơi người giáo dân trong trần thế có liên quan đến đời sống vĩnh cửu:

“Vì ơn gọi riêng, giáo dân có bổn phận tìm kiếm nước Thiên Chúa bằng cách làm các việc trần thế và xếp đặt chúng theo ý Thiên Chúa. Họ sống giữa trần gian, nghĩa là giữa tất cả cũng như từng công việc và bổn phận của trần thế, giữa những cảnh sống thường ngày trong gia đình và ngoài xã hội; tất cả những điều đó như dệt thành cuộc sống của họ. Ðó là nơi Thiên Chúa gọi họ, để dưới sự hướng dẫn của tinh thần Phúc Âm, như men từ bên trong, họ thánh hóa thế giới bằng việc thi hành những nhiệm vụ của mình; và như thế, với lòng tin cậy mến sáng ngời, và nhất là với bằng chứng đời sống, họ tỏ lộ Chúa Kitô cho kẻ khác, vì thế, họ có nhiệm vụ đặc biệt soi sáng và xếp đặt những thực tại trần gian có liên hệ mật thiết với họ, để chúng không ngừng phát triển và bành trướng theo Thánh Ý Chúa Kitô, hầu ca tụng Ðấng Tạo Hóa và Ðấng Cứu Ðộ” (LG 31).

III. CÁC HÌNH THỨC TÔNG ĐỒ GIÁO DÂN

Không có một cơ cấu hay thiết chế nào của giáo hội được đặt định làm nơi hoạt động tông đồ giáo dân. Tông đồ giáo dân nhắm đến và xảy ra trong thế giới trần thế. Như Sắc lệnh Apostolicam Actuositatem khẳng định, giáo dân “phải đảm nhận những nhiệm vụ đặc trưng của mình để canh tân trật tự trần thế.” (số 7)

Đồng thời, ơn gọi làm tông đồ không kêu gọi mọi người làm như nhau nhưng tùy theo hoàn cảnh của mỗi cá nhân, và như vậy mang nhiều hình thức khác nhau. Tựu trung có thể chia làm hai hình thức chính là tông đồ cá nhân và tông đồ có tổ chức.

1. Tông đồ cá  nhân.

Các lãnh vực của tông đồ giáo dân có nhiều và đa dạng. Theo Apostolicam Actuositatem, các lãnh vực này được tìm thấy trong Giáo Hội và ngoài thế gian, trong giáo xứ và giáo phận, trong gia đình, giữa những người trẻ, trong các công việc quốc gia và quốc tế. Trong số này, gia đình có tầm quan trọng nhất, là Giáo hội tại gia và tế bào đầu tiên của xã hội. (cf AA 11). Điều mà Công đồng chỉ phác họa bằng bút chì thì Đức Gioan Phaolô II đã vẽ bằng bút màu. Trong Tông huấn Familiaris Consortio, ngài đã vẽ nên một bức tranh sinh động về nhiệm vụ cứu rỗi và thánh hóa của gia đình Kitô giáo.

Tông đồ cá nhân trước hết là tông đồ “cho” gia đình. Điều này bao gồm các nỗ lực xây dựng và hỗ trợ hôn nhân và gia đình lành mạnh. Đây là nhu cầu thật sự vì hiện nay tình trạng ly dị không còn hiếm hoi nữa, đồng thời hôn nhân đồng giới tại vài quốc gia cũng đã được cho phép bằng cách luật hóa.

Phát biểu trong Đại hội Tông đồ giáo dân lần I, Đức Piô XII lưu ý rằng thật khó để vạch ra điểm bắt đầu thật sự của tông đồ giáo dân: “Tông đồ giáo dân có nên bao gồm luôn cả việc giáo dục con cái của bà mẹ trong gia đình, hay các thầy cô đầy nhiệt tâm khi hành nghề của mình không? … Nhiều người cho rằng không, họ cho rằng đó chỉ là những công việc tự nó rất đáng khen nhưng là sự bắt buộc của bổn phận”. Nhưng ở Đại hội lần II, ngài đã nói: “Làm việc tông đồ bằng cầu nguyện và sống gương mẫu cá nhân là cách làm việc tông đồ theo nghĩa rộng của từ ngữ”. Như vậy, cá nhân mỗi giáo dân có thể làm việc tông đồ cách trực tiếp (bằng cách hướng dẫn người khác gia nhập hay trở lại đạo) hoặc gián tiếp (trong môi trường làm việc của mình, người giáo dân thể hiện niềm tin của mình qua công việc).

2. Tông đồ có tổ chức

Là làm tông đồ có tổ chức (chính thức) hay được ủy nhiệm và không được ủy nhiệm. Sự ủy nhiệm đem lại tước vị chính thức cho người giáo dân khi dấn thân vào việc tông đồ. Những tổ chức tông đồ không được ủy nhiệm làm việc theo sáng kiến và trách nhiệm của mình.

Vài giáo dân được Chúa chọn và được giám mục kêu gọi để “hiến mình cho công việc tông đồ” (LG 41). Không thể lấy những trường hợp bất thường như vậy làm gương mẫu cho tông đồ giáo dân. Phần lớn giáo dân chỉ thi hành nhiệm vụ của mình mà không có ủy nhiệm của phẩm trật giáo quyền, họ chỉ làm chứng cho Đức Kitô, trong đức tin, đức cậy và đức mến, trong cuộc sống và công việc hằng ngày. Nhiệm vụ của họ đến từ bí tích Rửa tội và Thêm sức, họ được tháp nhập vào Đức Kitô, không phải nhờ chỉ định đặc biệt của vị giám mục. Trong một bài viết lúc cuối đời, Jacques Maritain đã nói rằng các chứng nhân Công giáo vĩ đại và là những nhà hộ giáo trong thời đại chúng ta như Peguy, Claudel, Bernanos, Chesterton, Belloc – “Họ nói nhân danh mình, theo cảm hứng và kinh nhiệm cá nhân mà không nhận được bất kỳ sứ vụ hay ủy nhiệm nào của phẩm trật, và cũng chính vì thế mà chứng từ của họ có tầm ảnh hưởng lớn lao”.[7] Họ là những người con trung thành chứ không phải là những nhân viên toàn thời gian của Giáo Hội. Họ làm chứng cho đức tin không phải trong những ủy ban này kia của các giám mục nhưng trong thế giới văn chương, báo chí, ngoại giao và chính trị, trong lãnh vực của họ. Họ là muối và ánh sáng thế gian, phản chiếu chân lý Kitô giáo cho mọi người.

Và không phải tất cả kitô hữu đều được kêu gọi dấn thân vào việc tông đồ giáo dân theo nghĩa hẹp. Các giám mục nên chọn lựa những cộng tác viên từ những người có ý muốn và có khả năng, có ý muốn không thì chưa đủ. Ngoài tinh thần tông đồ, chúng ta phải hiểu rằng họ phải có chất lượng, bằng không họ làm hại hơn là làm lợi. Đàng khác, để có được khả năng cần thiết thì rõ ràng cần phải huấn luyện. Sự huấn luyện rất cần thiết cho mỗi tông đồ giáo dân. Và điều quan trọng là phải cẩn trọng và đắn đo khi chọn người giáo dân làm quản lý tài sản của Giáo Hội. Một khi những người thiếu khả năng đảm trách vị trí này và gây ra hậu quả nghiêm trọng cho tài sản của Giáo Hội, thì họ ít chịu trách nhiệm hơn là những người nhờ đến sự trợ giúp của họ.[8]

KẾT LUẬN

“Khi bàn cãi về chương III, lược đồ giáo dân, các nghị phụ bất đồng ý kiến, phe bảo thủ không muốn nói đến danh từ giáo dân nữa, không nhìn nhận sự bình đẳng giữa các phần tử trong dân Chúa và ơn đoàn sủng được ban phát cho người giáo dân. Nhưng phe cấp tiến thì khẳng định ngược lại, yêu cầu đối thoại với giáo dân, tín nhiệm họ, hỏi ý kiến họ, họ đã là những con chiên câm “oves mutae” quá đủ rồi, hãy cho họ được phát biểu ở đền thờ thánh Phêrô. Họ không phải chỉ được dựng nên để mà tin, cầu nguyện, vâng lời và góp tiền”.[9] Họ cần được giải phóng ra khỏi lối suy tư sáo mòn cũ kỹ. Tuy nhiên, thành ngữ “Giải phóng giáo dân” bị lạm dụng khi được dùng theo nghĩa bóp méo tính chất thật sự của mối quan hệ giữa “Giáo hội giảng dạy” và “giáo hội được giảng dạy”, giữa linh mục và giáo dân…. Để bảo toàn bầu khí hành động của linh mục và giáo dân, tất cả đều phải có tinh thần đức tin, tính vô vụ lợi, quý mến nhau, tin tưởng nhau. Tôn trọng phẩm giá của linh mục luôn là một trong những đặc tính nổi bật nhất của cộng đoàn Kitô giáo; trái lại, người giáo dân cũng có những quyền mà linh mục phải nhìn nhận.[10]

Giáo sĩ hay giáo dân, tất cả đều mang đặc tính truyền giáo, có nghĩa là bổn phận cơ bản và đầu tiên của các thành viên trong Giáo Hội là loan báo Tin Mừng. “Ơn gọi này có liên quan đến cách hiểu về sự hiện hữu của người kitô là một hiện hữu sống động.… làm kitô hữu có nghĩa là đi xa hơn chính mình. Kitô hữu mang dấu ấn truyền giáo và như vậy phải nó phải được thể hiện ra – ở mọi thời và trong mọi kitô hữu – như là một hoạt động ở bên ngoài, đang chuyển động để hoàn thành bản tính sâu xa nhất của mình”.[11] Nhưng hoạt động căn bản này của Giáo Hội lại được thực hiện qua trung gian những con người, qua thái độ dấn thân của con người. Vì thế, “Trên hết, điều mà chúng ta cần trong thời khắc này của lịch sử là những con người, qua đức tin sáng tỏ và cuộc sống đức tin của mình, làm cho Thiên Chúa trở nên tin cậy được trong thế giới này. Các chứng từ của những Kitô hữu nói về Chúa nhưng sống ngược với Ngài, đã làm đen tối đi hình ảnh của Thiên Chúa và mở cửa cho sự hoài nghi. Chúng ta cần những người luôn hướng ánh nhìn về Thiên Chúa, thật sự hiểu biết về con người. Chúng ta cần những người được ánh sáng của Chúa soi sáng, được Chúa mở cánh cửa tâm hồn họ, để trí năng của họ có thể nói với trí năng của người khác, để tâm hồn họ có thể mở ra với tâm hồn của người khác”.[12]

Tài liệu tham khảo:

– Peter Eicher, Dictionnaire de Théologie, Cerf, 1988, mục từ “Laic/clerc”, tr. 346-351.

– Vincent T. O’Keefe, S.J., Theology of the laity

– Jean Yves Lacoste, Dictionnaire critique de théologie, Puf, 1998, mục từ « Laic/laicat » 639-642

– Carl E. Olson, “The Role of the Laity: An Examination of Vatican II and Christifideles Laici”, Tạp chí The Catholic Faith,(September/October 2000)

– James A. Quill, Theology of The Lay Apostolate

– The Cambridge Dictionnary of Christian Theology, Cambridge University Press, 2011


[1] Susan K. Wood, Mục từ “Laity”, trong The Cambridge Dictionnary of Christian Theology, Cambridge University Press, 2011, tr. 269

[2] Y. Congar, Lay People in the Church, Bloosmbury, London, 1957, tr.47

[3] Jeremiah Newman, What is Catholic Action?, Newman Press, Westminster, 1958, tr. 1-2

[4] Pius XII, Allocution to the Second World Congress of the Lay Apostolate, Apostolic Perpectives, 2; 3&4

[5] John Courtney Murray, S.J., “Toward a Theology for Laymen”, Theological Studies, March, 1994, tr. 72

[6] Ratzinger, L’apertura della chiesa al mondo nel concilio Vaticano II, trong:  Il nuovo popolo di Dio. Questioni ecclesiologiche, Editrice Queriniana, 4ª ed., Brescia 1992, 310-325, 313 tt; được trích dẫn trong bài “The vocation and mission of the lay faithful in the light of the Post-Synodal Apostolic Exhortation, Christifideles laici”  của Josef Clemens

[7] Tạp chí Communio (1987), 196.

[8] Pius XII, Guiding principles of the lay apostolate, Đại hội Tông đồ giáo dân thế giới lần II, ngày 5 tháng Mười1957.

[9] Lm. Bùi Hữu Ngạn, “Mục vụ giáo xứ – Vấn đề tông đồ giáo dân” trong Trong cộng đồng dân Chúa, Tài liệu Khóa tu nghiệp linh mục tại Nha Trang tháng 1/1971, tr. 56

[10] Pius XII, Guiding principles of the lay apostolate, Đại hội Tông đồ giáo dân thế giới lần II, ngày 5 tháng Mười1957.

[11] J. Ratzinger, Dichiarazioni del concilio sulla missione fuori del decreto sull’attività missionaria della Chiesa, trong: J. Ratzinger, Il nuovo popolo di Dio. Questioni ecclesiologiche, Editrice Queriniana, 4ª ed., Brescia 1992, 405-434, 418 (Bản trích dịch tiếng Anh) 

[12] J. Ratzinger, L’Europa di Benedetto nella Crisi delle Culture, Edizioni Cantagalli, Siena 2005, 63-64. Bản dịch tiếng Anh của Zenit News Service với tiêu đề: “Cardinal Ratzinger on Europe’s Crisis of Culture (Part 4)”, xem tại http://zenit.org/article-13705?l=english

Tác giả bài viết: Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính 

Nguồn tin:  gpquinhon.org

WGPKT(29/08/2019) KONTUM