Những Dấu Chân Âm Thầm Nơi Vùng Xa

Được biết, Giáo phận Kontum là giáo phận lâu đời nhất vùng Tây Nguyên (thành lập từ năm 1932, dưới thời Giáo hoàng Piô XI), gồm hai tỉnh GiaLai và Kontum. Là địa bàn sinh sống chủ yếu của đồng bào: Gia Rai, Ba Na, Xơ Đăng, Giẻ Triêng…

Phần lớn người dân nơi đây là người dân tộc, cuộc sống còn nhiều khó khăn, cả về đời sống vật chất lẫn đời sống đức tin, do đó nhiều tu sĩ nam nữ, linh mục được mời gọi đến phục vụ. Họ vẫn đang âm thầm ngày đêm đến với anh chị em mình, nhất là những người nghèo khổ thuộc các dân tộc thiểu số nơi vùng sâu, vùng xa để chia sẻ “Niềm Vui Tin Mừng” với họ. Trong đó, hoạt động nổi bật nhất là giúp đỡ, tạo điều kiện cho trẻ em người dân tộc có hoàn cảnh khó khăn được học hành, tổ chức khám chữa bệnh, phát thuốc miễn phí cho người nghèo, chăm sóc bệnh nhân phong; Hỗ trợ các gia đình khó khăn chữa bệnh bằng nhiều cách khác nhau như: hỗ trợ lương thực, quần áo…

Sr Thảo đang khám bệnh và phát thuốc cho bà con

Hình ảnh và thông tin dưới đây được ghi nhận từ trang cá nhân của Nữ tu bác sĩ Maria Hương Thảo, Dòng Đa Minh Rosa Lima, đang phục vụ tại cộng đoàn truyền giáo Đăk tô – Kontum. Công việc hàng ngày của quý Sr là dạy học văn hóa, giáo lý cho các em nhỏ, cộng tác với Cha xứ trong việc Mục vụ, ngoài ra, các Sr còn đến với bà con dân tộc thiểu số nơi các buôn làng để thăm khám và phát thuốc cho bà con.

Lớp học đặc biệt tại Đaktô

Ở một địa bàn khác của huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai), hơn 10 năm qua, nữ tu bác sĩ Maria Nguyễn Ngọc Hà đã đồng hành với rất nhiều bệnh nhân, đặc biệt là bệnh nhân phong. Vì địa bàn dân cư quá rộng, người bệnh phong lại ở rải rác không tập trung nên việc chăm sóc và phục vụ đời sống cho bệnh nhân phong gặp rất nhiều khó khăn. Các sơ thường đi đến tận nhà của họ, bất chấp những nơi xa xôi hẻo lánh để chăm sóc sức khỏe, lo giúp lương thực cho người bệnh và gia đình.

Sr Hà đang thăm khám vết thương cho bệnh nhân phong trong làng dân tộc

Nhờ tấm lòng thương cảm với những người cùng khổ và lửa nhiệt tâm tâm đồ luôn cháy sáng, quý sơ luôn cố gắng vượt qua những khó khăn để phục anh chị em nghèo khổ, bệnh tật, không chỉ ở nơi các sơ hiện diện mà còn mở rộng đến nhiều nơi khác.
…………………………………………

CHUYỆN MỤC VỤ (Sr Hương Thảo)

Bàn khám bệnh nơi tôi đến!

Không biết phải diễn tả thế nào về cái nghèo khổ nơi đây….

Và cái bụng chưa đủ no thì viên thuốc là cái xa tầm tay….

Sr: Sao không ra trạm y tế khám bệnh để được lãnh thuốc?

Bn: Mình ra trạm rồi mà cũng phải ra quầy thuốc mua thôi, nó bảo ở trạm không có thuốc…

Thương người đồng bào nơi đây, từ trẻ em đến người già bị bỏ bên lề xã hội: không được học văn hoá theo đúng nghĩa chữ học, thiếu ăn, thiếu mặc (quần áo trên người họ đa số là đồ cũ ….), đời sống tinh thần và tôn giáo bị hạn chế…

Thương em, thương ông, thương bà, thương anh chị đồng bào nhưng chỉ biết cầu nguyện và mong ước có nhiều người hảo tâm hơn ghé mắt thương và giúp đỡ họ cách này cách khác.

Tản mạn đầu năm học mới nơi Đăkto xa xôi…

1. Em đến sau khi 200 bạn đã nhận tập vở xong vì em bận đi chăn bò giúp mẹ…. Em với thân mình nhỏ xíu, nhỏ đến mức bạn bè tôi chắc không đoán được năm nay em học lớp mấy…. Em rón rén xin tập để học chứ không lấy bánh kẹo…. Thương em ….

2. Các lớp học văn hóa bắt đầu hình thành chạy đua với trình độ giúp các em vào năm học mới thật gian nan, vì các em yếu lắm, có lẽ do chạy theo thành tích chứ không vì chất lượng học sinh. Đa số các bé lớp 3,4 vẫn đánh vần từng con chữ, lấy chi làm toán được. Các em lớp 5,6 bảng cửu chương không thuộc thế nên đến phép chia 9:3 cũng không biết… Nghĩ mà thấy thương thấy nên hai Sr cày thêm nghề giáo trong lúc chuyên môn là y dược….

3. Và những viên thuốc yêu thương đến được với làng Đăk MHiam cũng thật vất vả. Đường đi quanh co, gập ghềnh và qua chiếc cầu treo nho nhỏ, đi khoảng 12 km nhưng lần đầu tiên đến phát thuốc mà hai Sr lạc nhau do chưa quen địa danh nên mất đến 45p mới tới nơi….

Xin hiệp lời cầu nguyện và chia sẻ công việc cao quý mà các nữ tu đang âm thầm thực hiện. Xin cảm ơn thật nhiều đến tất cả anh em bạn hữu đã giúp cho các bé và những con người bé nhỏ, khổ cực nơi đây có được sự yêu thương, quan tâm để sống tốt hơn với phẩm giá con người.

Nguồn: daminhrosalima.net