Từng Nói Không Với Ơn Gọi Linh Mục, Nhưng Giờ Là Hồng Y Có Khả Năng Được Bầu Làm Giáo Hoàng

Hồng y Luis Antonio Tagle  và Đức Thánh Cha Phanxicô

Monika Burczaniuk

Hồng y Luis Antonio Tagle được Giáo hội toàn cầu biết đến. Thật ra, hồng y tổng giám mục Manila nhiều lần được người ta xem là ứng cử viên giáo hoàng tương lai.

Nhưng dù chưa biết Chúa định tương lai của hồng y thế nào, thì điều rõ ràng là hành trình qua 60 năm tuổi đời của ngài đầy ngạc nhiên và vâng phục.

Hướng tới hội đồng giám mục năm sau với chủ đề tuổi trẻ và ơn gọi, Aleteia đã có bài phỏng vấn hồng y Tagle về những thách thức để chúng ta tìm được thánh ý Chúa.

Monika Burczaniuk: Một hội đồng với khẩu hiệu Người trẻ, Đức tin và Nhận định Ơn gọi sẽ diễn ra vào năm sau. Cha muốn nói gì với các bạn trẻ? Làm thế nào để họ nhận ra ơn gọi của mình?

Hồng y Luis Antonio Tagle: Một vài người trẻ nghĩ rằng ơn gọi là một dấu chỉ phép lạ, một tiếng nói từ trời hay một tia sét. Không hẳn thế đâu. Có thể có chuyện đó, nhưng hiếm lắm. Với thánh Phaolô và ông Moses, thì đúng là thế, nhưng chuyện này không xảy ra thường xuyên cho chúng ta đâu. Tôi luôn luôn bảo người trẻ rằng Thiên Chúa làm việc trong những điều kiện của con người. Ơn Chúa gọi là ý định mà Chúa dành cho chúng ta. Ngài tạo ra mọi con người đều có mục đích. Và mục đích đó đã được nhìn nhận rồi. Chúng ta phải khám phá nó. Dễ quá mà. (bật cười)

Dễ thật sao?

Phải nhìn vào trái tim mình! Phải biết mình, biết những ơn mình đã nhận, tài năng và sở thích. Rồi thanh luyện cái đầu và trái tim để nhận ra rằng chúng ta không chỉ sống cho bản thân mình. Rồi chúng ta sẽ có thể nhận định cách dùng tài năng của mình phục vụ mọi người. Đây là khởi đầu của nhận định ơn gọi. Mọi tài năng, sở thích của ta đều đến từ Thiên Chúa. Ngài ban cho chúng ta, với ý định là chúng không phải tuyệt đối của riêng chúng ta.

Chúng ta sống trong một thời đại không dễ để nghe tiếng nói nội tâm. Thế giới đang bịt tai trước tiếng gọi nội tâm.

Phải, đúng là thế. Trước hội đồng, chúng tôi đã gặp nhiều người trẻ, họ nói là họ đã tìm ơn gọi, nhưng tình trạng của họ không phải lúc nào cũng nào cũng dễ dàng để lắng nghe tiếng gọi. Nhất là thời nay, chúng ta chạy theo quá nhiều thứ, điện thoại, internet, mail, tin nhắn… Chúng là tốt, nhưng đôi khi qua những liên kết này chúng ta hiện diện khắp thế giới.

Một người ở châu Âu, nhưng kết nối với những chuyện đang xảy ra ở Úc. Và ngay cả khi không tìm kiếm những tiếng động, thì mọi phương tiện truyền thông có thể tạo ra những tiếng động đó. Vì thế ta cần chút khuôn khổ. Cha bảo các bạn trẻ rằng để có mối liên hệ với người khác sao cho ý nghĩa hơn, thì họ đôi khi họ phải tách ly bản thân.

Thế không có nghĩa là chặt đứt mối liên kết với người khác! Sự cô tịch, cầu nguyện, suy ngẫm, và cả nghỉ ngơi nữa, là những cách để biết rõ bản thân hơn và từ đó gắn bó hơn trong mối quan hệ với người khác. Khi bận rộn và luôn mãi có việc để làm, thì ta không thể để ý đến những người quanh ta và những người nghèo cần ta. Đôi khi trong gia đình, mỗi thành viên quá để tâm vào thế giới ảo mà mất đi mối liên kết với người khác. Do đó, thời gian dành cho bản thân không phải là kiểu tách ly sai lầm. Mà là một thời gian để cải thiện mối quan hệ với người khác.

Vậy nếu ai đó có hai ý kiến về nhận định ơn gọi của mình. Trở thành một bác sĩ hay thành một linh mục? Người đó nên chọn con đường nào?

Một câu hỏi rất hay. Đây là những lựa chọn tốt. Thật dễ để chọn khi cái này tốt và cái kia xấu. Ta biết là mình sẽ chọn cái tốt. Nhưng đôi khi, lúc muốn nhận định con đường của mình, bạn thấy mình có thiên hướng trong cả hai chọn lựa đó. Bạn giỏi cả hai. Và thậm chí là thế giới cần cả hai, và cả hai đều phục vụ mọi người. Thật khó chọn, nhưng cha tin là trong trường hợp này, nên nghĩ đến một yếu tố: cái nào sẽ giúp tôi theo Chúa Giêsu hơn? Và không phải trường hợp nào, câu trả lời cũng là làm linh mục.

Ta có nên xét đến yếu tố này khi kết hôn không? Nếu ta có hai chọn lựa tốt?

Trước hết, phải nhận ra rằng, mình không thể có tất cả.

Và đây đúng là vấn đề của thế giới ngày nay.

Phải, chúng ta muốn có mọi thứ. Chúng ta muốn một cuộc sống lý tưởng, bạn đời lý tưởng, công việc lý tưởng. Ngay khi thấy một điểm không hoàn hảo, chúng ta nói: “Không, cái này không phải dành cho tôi.” Con sẽ không bao giờ tìm được thứ lý tưởng đâu! Để chọn đúng người, thì phải xác định được động cơ của mình thông qua cầu nguyện suy ngẫm, rồi đơn giản là thực hiện “bước nhảy đức tin.” Và cần phải trả lời một câu hỏi nữa. “Theo đường nào, tôi sẽ gần Chúa Giêsu hơn? Theo tiếng gọi nào, tôi sẽ phục vụ tha nhân hơn?”

Còn ơn gọi của cha thì thế nào?

Ban đầu, cha định làm bác sĩ.

Vậy là con hỏi quá chuẩn rồi!

Phải, đúng rồi! Cha đã mơ làm bác sĩ từ hồi còn bé. Bố mẹ cha cũng vui vì chuyện đó. Đến năm 14 tuổi, một cộng đoàn giới trẻ được thành lập và cha được mời tham gia. Lúc đầu cha không thích nó, nhưng cộng đoàn này giúp cha thấy ra một hiện thực khác. Cộng đoàn của cha giúp các trẻ em đường phố, các trẻ em trong gia đình nghèo, và những trẻ sống trong khu ổ chuột. Cha giúp người khác, nhưng vẫn giữ khát vọng làm bác sĩ. Có người hỏi cha có muốn làm linh mục không, nhưng cha chẳng để tâm. “Không, tôi sẽ học trường y, và chỉ giúp một tay trong giáo xứ thôi.”

Nhưng rồi đột nhiên, có chuyện xảy đến. Một linh mục quen biết hỏi rằng cha có biết là có thể kiếm học bổng ở đại học của Dòng Tên không. Cha ấy bảo, “Con có thể học khóa dự bị trường y ở đó. Nếu được học bổng, con có thể giúp đỡ cho bố mẹ mình.” Thế là cha thi vào đó. Trong buổi thi đầu tiên, cha nhận ra là không có bài thi y khoa, mà chỉ có bài thi vào chủng viện! Cha giận dữ! “Sao cha lại nói dối con?” Cha hét lên với vị linh mục, và cha ấy trả lời: “Cha chỉ muốn mở mắt cho con, con đã tự giới hạn mình trong lĩnh vực y khoa rồi!”

Cha giận, nhưng lúc đó cha bắt đầu tự chất vấn bản thân. Khi cha bắt đầu thấy mình có thiên hướng linh mục, thì mới biết là bài thi vào chủng viện lần đó cha đã bị trượt. Và đồng thời, cha lại được giấy đậu một trường y, và có thể bắt đầu học y khoa. Nhưng cha bắt đầu tự vấn và hỏi ý nhiều người.

Cha hoang mang và cầu nguyện rất nhiều. “Lạy Chúa, xin chỉ cho con đường đi giữa những mơ hồ này, bởi tự con không thấy ra được.” Rồi dần dần, chậm rãi… Cha quyết định trở lại chủng viện và xin thi lại lần nữa. Cha đã bị từ chối. Sau hai hay ba lần bị từ chối, cha quyết định là vì cánh cửa chủng viện đóng lại với mình, nên cha sẽ theo nghiệp bác sĩ.

Đến ngày ghi danh, cha đến xếp hàng. Linh mục Dòng Tên lo phỏng vấn các ứng sinh thấy cha, và hỏi: “Anh làm gì ở đây? Anh thật cứng đầu. Cha giám học bảo là không nhận anh rồi mà!”

“Con biết, và vì thế con đâu cố thử lần nữa. Con đã chọn ngành y.”

Thế là cha ấy bảo. “Theo cha.” Cha ấy phỏng vấn cha, gọi ai đó, rồi nói, “Bởi anh đã thể hiện lòng ham thích, thì thử cho biết. Nhưng chỉ một học kỳ thôi đấy!” …Thế là các cha ấy cho cha theo học chủng viện một học kỳ.

Và giờ cha là hồng y! Đời đúng là không thể ngờ.

Kết luận của cha là. Cứ tìm kiếm con đường của mình, nhưng hãy mở lòng với những gì cuộc đời đưa đẩy. Đâu phải chuyện gì cũng có thể kiểm soát được. Ai mà nghĩ ra chứ? Cha là chủng sinh vé vớt, và như con vừa nói đó, giờ cha là hồng y. Tìm con đường cho mình, thì phải tự thân nỗ lực, nhưng cũng cần có những người khác giúp nữa. Những người biết con, và thấy ra những điều con không thấy về bản thân mình. Cha đã nổi giận với linh mục đó, nhưng đúng là nhờ cha ấy cha mới thấy ra ơn gọi của mình!

Đúng là một câu chuyện tuyệt vời!

Đời là thế mà. Có vẻ như mình đã ra quyết định cuối cùng rồi… Nhưng hóa ra chỉ là có vẻ… Do đó, cha muốn nói với các bạn trẻ là đừng nản lòng. Đôi khi người trẻ suy sụp khi kế hoạch của họ bị hỏng. Nhưng phải có một cái nhìn rộng hơn: có lẽ Chúa còn chuyện gì hay hơn cho mình thì sao?

Con nghĩ tự do là bước đầu tiên để nhận định ơn gọi.

Đúng là thế. Nhưng tự do không có nghĩa là tôi có thể làm mọi việc tôi muốn. Tự do nghĩa là thành thật, không bị dối trá và ảo tưởng xiềng xích. Tôi tự do vì tôi biết mình là ai. Tôi biết điểm mạnh và điểm yếu của mình. Tôi tự do vì tôi biết mình có thể làm gì. Nếu tôi không giỏi toán, làm sao tôi làm kế toán được, và thế là bình thường. Tự do nghĩa là trao mình cho người khác, và đây là mục đích của mọi ơn gọi. Tự do hệ tại ở sự thật và tình yêu. Nếu không tự do yêu thương, thì đó đâu phải là tình yêu.

 

Aleteia (Nov 29, 2017)

J.B. Thái Hòa chuyển dịch

Nguồn: phanxico.vn