Ý Lực Sống 58: Lòng Biết Ơn Là Trí Nhớ Của Con Tim

1. Đó là một câu ngạn ngữ của Pháp : “La Reconnaissance est la Mémoire du Coeur”. Hình như có một triết gia người Pháp Gabriel Marcel cũng nói câu :” Lòng biết ơn là một trí tuệ tuyệt vời nhất “. Có nhiều người bằng cấp rất cao, chức quyền rất lớn mà không hề có lòng biết ơn những người đã làm ơn cho mình !

2. Nói đến con tim là nói đến lòng yêu thương

Trang trí một tiệc cưới, thường thấy vẽ hai trái tim liền kề nhau, biểu tượng của tình yêu của đôi hôn nhân. Ai cũng hiểu như thế. Có một nhà thần học quả quyết dõng dạc với học trò, trong đó có mình nữa, rằng thì là Thiên Đàng là nơi có yêu thương, mọi người ở đó đều thương yêu nhau vì nơi đó có Chúa và vì Thiên Chúa là Tình Yêu. Yêu nhau mà được sống với nhau là hạnh phúc. Hỏa ngục là nơi không ai thương ai , vì ở đó vắng bóng Thiên Chúa Tình Yêu, vì người ta đã đuổi Thiên Chúa ra khỏi nơi đó. Không thương nhau mà phải ở với nhau là đau khổ triền miên. Và như thế là hỏa ngục . Cuộc sống trên trần gian cũng vậy thôi. Ai cũng thấy được mà !

3. Chúng ta trở lại chuyện lòng biết ơn.

Thương thì mới nhớ. Không thương thì không nhớ! Đó là chuyện bình thường trong cuộc đời. Khi nhận được quà thì ít khi nhớ đến người cho. Khi cho ai quà thì mình nhớ dễ hơn. Đó cũng là chuyện “thường ngày ở huyện” !

Chuyện lâu lắm rồi, khi còn làm cha xứ các xứ đạo, mình hay giúp học bổng cho sinh viên nghèo, không phân biệt lương giáo, mỗi năm là 5 triệu đồng thôi. Bốn năm là 20 triệu. Không nhớ được là đã giúp cho bao nhiêu người. Gần đây có một anh người lương bây giờ là nhà giáo, mang đến cho mình 20 triệu đồng và tỉ tê tâm sự làm mình thật xúc động : Cha không thể nhớ con, nhưng con thì luôn nhớ cha. Nhờ sự giúp đỡ của cha con mới học được ở đại học. Cha có dặn dò con sau này hãy thương giúp người nghèo khổ. Bây giờ con là nhà giáo vợ con cũng vậy. Con luôn nhớ lời cha dặn dò. Nhưng con nhớ câu này nhất : Lòng biết ơn là trí nhớ của con tim. Hôm nay con đến gặp cha với 20 triệu này không phải để trả nợ nhưng là một cử chỉ của lòng con biết ơn cha. Giá trị tiền bạc hồi đó và bây giờ khác nhau xa. Cha nhận cho con vui. Hôm đó mình rất vui khi nhận số tiền, không phải vì tiền nhưng vì lòng biết ơn của người “ Samari “ ngoại đạo ! Đó thật sự là trí nhớ của con tim chân thành.

4. Mình có khoảng 40 năm làm cha xứ. Mình chú tâm nhất là dạy nhân bản cho trẻ em. Dạy từ Tin Mừng cho tới ca dao tục ngữ của dân mình. Kho tàng này vô cùng phong phú để đào tạo cho các em thành người tốt.

Về lòng Biết Ơn thì mình dặn dò các em những điều sau đây :

* Thứ nhứt là biết ơn Trời. Ở đây Trời là chính Thiên Chúa. Mình dạy các em bài ca dao xưa nhất của dân tộc mình, mà mình đã học từ bé trong sách Quốc Văn Giáo Khoa Thư, bây giờ nhà nước là vô thần không còn dạy như thế nữa :

Lạy Trời mưa xuống

Lấy nước tôi uống

Lấy ruộng tôi cày

Lấy đầy bát cơm

Lấy rơm đun bếp

Đâu có gì không đúng ? Theo giáo lý Công giáo thì “tất cả là Hồng Ân”! Không tin Chúa thưởng phạt công minh thì không thể chống nổi tham nhũng đâu !

Chúa ban cho con người rất nhiều thứ. Chỉ một thoáng suy nghĩ nghiêm túc là thấy ngay. Bác sĩ Alexis Carrel, người Pháp (1873-1944), được giải thưởng Nobel về Khoa học (1912) một người vô thần thượng thặng, khi đã là người công giáo thì ông viết một quyển sách nổi tiếng có tựa đề là: L’Homme, Cet Inconnu (1935), có nghĩa: Con Người là một hữu thể không thể dò thấu được. Sách được dịch ra 18 thứ tiếng. Chúa dựng nên Con Người một cách lạ lùng không dò không thấu được ! Chúa dựng nên con người giống hình ảnh của Chúa. Chúa ban cho con người vô vàn ơn phúc mà mắt ta không chịu nhìn thấy, trí ta không chịu tìm hiểu, nên nhiều người đã sống vô ơn với Chúa. Lòng biết ơn là trí nhớ của con tim chứ không phải của bằng cấp. Có người không có bằng cấp, nhưng ai cũng có một trái tim. Vậy thì. . .

* Thứ hai là biết ơn Đời : Đây có nghĩa là lòng biết ơn người khác. Tự ta đâu có may được cái áo ta đang mặc; tự ta đâu có làm cái đồng hồ ta đang mang trên tay; tự ta đâu có phát minh ra điện ta dùng mỗi khi đêm về; tự ta đâu có làm ra những thức ăn mà ta ăn mỗi ngày; vân vân và vân vân . . . Kể sao cho hết ?! Phải biết ơn các nhà bác học, cảm ơn các bác nông dân, cảm ơn các thầy giáo đã dạy ta nên người, “nhất tự vi sư, bán tự vi sư “ : một chữ cũng nhờ thầy mà nửa chữ cũng nhờ thầy. Trong đời nay đau mai yếu của mình, mình vô cùng biết ơn các bác sĩ đã chăm sóc sức khỏe của mình mỗi khi đau bệnh, mình sống được cho tới tuổi bát thập là cũng nhờ các bác sĩ mà.

* Thứ ba là biết ơn Mẹ Cha : Về chuyện này thì mình thao thao bất tận nhé. Ca dao tục ngữ dân mình là vô cùng phong phú về chữ HIẾU. Mình in ra những câu hay nhất, dễ nhớ nhất rồi nhắc nhở các em học thuộc lòng. Công Cha như núi Thái Sơn; nghĩa Mẹ như nước trong nguồn chảy ra; một lòng thờ Mẹ kính Cha, cho trọn chữ Hiếu ấy là đạo (làm) con ! Nhiều lắm lận. Rồi mình thêm mắm thêm muối vô, gia vị là cần thiết mà ! Có thêm gia vị thì ăn mới thấy ngon, học mới dễ thuộc !

Trong xã hội bây giờ chữ Hiếu chỉ là lời răn dạy thôi. Luật xã hội không thấy bỏ tù những đứa con bất hiếu; người ta có thể khinh chê nó, thương hại cha mẹ nó; vậy thôi, chứ tù đâu mà chứa cho hết lũ con cái bất hiếu ?

Trong Kito giáo, chữ Hiếu là luật của Chúa Trời. Trong 10 Mười Điều Luật nổi tiếng của Chúa. 3 điều đầu tiên dạy con người phải ăn ở với Chúa làm sao ; 7 điều kia là Chúa dạy con người cư xử với nhau như thế nào. Điều đầu tiên trong 7 điều đó là phải : Thảo Kính Cha Mẹ mình. Ai vi phạm luật Chúa thì Chúa nghiêm trị nó. Nhất định là như thế.

Lòng biết ơn là trí nhớ của con tim. Xin cho con biết nhớ ơn TRỜI; xin cho con biết nhớ ơn ĐỜI; xin cho con biết nhớ ơn MẸ CHA. Amen

Linh Mục Phêrô Nguyễn Vân Đông – Gp Kon Tum
WGPKT(12/09/2022) KONTUM