“ Hiệp Hành”: Làn Gió Mới Của Chúa Thánh Thần

TMĐP- Ước gì trước Làn Gió Mới của Chúa Thánh Thần đang xuống trên Giáo Hội, ai nấy trong Giáo Hội, dù là Giám Mục, Linh Mục, Tu Sĩ, Giáo Dân hãy dám ra khỏi mình, từ bỏ một chút “cái tôi” để hiệp nhất, hiệp thông “tạ ơn Chúa, và  cám ơn nhau”, vì không có Chúa, chúng ta không là “chi thể của nhau”; không có nhau, chúng ta  khó có thể đến đích hành trình làm môn đệ Chúa.

Nếu Công Đồng  đại kết Vaticanô II  được Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII khởi xướng và khai mạc ngày 11 tháng 10 năm 1962  và  Đức Thánh Giáo Hoàng Phaolô VI kết thúc ngày 8 tháng 12 năm 1965 đã là làn gió mới của Chúa Thánh Thần  thổi vào Giáo Hội để canh tân Giáo Hội, làm cho Giáo Hội  xinh đẹp, “thánh thiện và tinh tuyền”, xứng đáng hơn với  Đức Giêsu, “Đấng đã  yêu thương Hội Thánh và hiến mình vì Hội Thánh”, cũng là “Đấng đã thánh hoá, thanh tẩy Hội Thánh bằng nước và lời hằng sống”  (Ep 5,25.26), thì cộng cuộc Hiệp Hành do Đức Thánh Cha Phanxicô đề xướng, mà chúng ta đang cùng ngài “đồng tâm nhất trí”, “kề vai sát cánh” lên đường thực hiện sứ mạng Đức Giêsu trao phó cho Giáo Hội  giữa thế giới hôm nay thiết tưởng cũng phải được coi là biến cố quan trọng không kém biến cố Công Đồng Vaticanô II, vì cùng là Làn Gió Mới của Chúa Thánh Thần.

Sở dĩ chúng ta dám quả quyết điều này, vì hai biến cố Công Đồng và Hiệp Hành có nhiều điểm tương đồng:

1/ Giáo Hội đều ở vào giai đọan khó khăn, khủng hoảng:

Cách chung trong lịch sử Giáo Hội, một Công Đồng chỉ được triệu tập khi Giáo Hội đứng trước những vấn đề khó khăn, hoặc khủng hoảng trầm trọng, như trước một lạc giáo hay phong trào ly khai khỏi Giáo Hội, như Công Đồng Constance kéo dài từ năm 1414 đến 1418 đã bãi nhiệm cùng lúc 3 Giáo Hoàng tranh chấp nhau, chọn Giáo Hoàng mới, và chấm dứt tình trạng ly khai ở Tây Phương; Công Đồng Tridentinô từ 1545 đến 1563 lên án giáo phái Tin Lành, tuyên bố nhiều định tín và đề ra việc canh tân Giáo Hội; Công Đồng Vaticanô I năm 1870 lên án thuyết duy lý và công bố tính cách “bất khả ngộ” của Đức Giáo Hoàng khi ngài tuyên bố “ từ toà Phêrô” những điều thuộc giáo lý đức tin và luân lý.

Riêng Công Đồng Vaticanô II, mặt ngoài  tuy không  phải đối đầu với  những  bách hại hay những vấn đề qúa khó  ở thời điểm triệu tập, nhưng nhìn thẳng vào Giáo Hội,  và đi sâu vào lòng Giáo Hội, người ta mới nhận ra  Giáo Hội  phải đương đầu với những vấn đề vô cùng khó khăn, nhiêu khê, nhức nhối khi mà khoảng cách giữa  Giáo Hội và thế giới bên ngoài ngày càng xa,  và Giáo Hội như đi bên lề thế giới, ở ngoài xã hội con người; đồng thời, các chủ thuyết mới được khai sinh và nuôi lớn từ chiếc nôi của cuộc cách mạng khoa học và kỹ thuật đã đặt con người vào  vị thế  của Thiên Chúa, khi con người đặt niềm tin vào mình, vì cho rằng khoa học bảo đảm hoàn toàn tương lai nhân loại; con người đặt hy vọng vào vật chất và muốn  đập vỡ, dẹp bỏ tất cả những gì tôn giáo hứa hẹn mang đến cho họ, trong khi đó, nội bộ Giáo Hội bị suy yếu vì chia rẽ,  quan liêu, vì đại nạn giáo sĩ trị, và Giáo Hội đang mất đi những cơ hội truyền giáo đầy hứa hẹn.

Và hôm nay,  gần 60 năm sau Công Đồng Vaticanô II, Giáo Hội lại một lần nữa rơi vào tình trạng  cam go, khốn khó khi phải đối mặt với vấn đề  lạm dụng tình dục nơi một số người của Giáo Hội, đối diện với  cơn giông tự trị, ly khai, và làn sóng lên án,  từ bỏ Giáo Hội giữa một thế giới  duy vật vô thần, ích kỷ, thực dụng, hưởng thụ, và nhiều vấn đề khác như được ghi rõ trong  “Cẩm Nang cho Thượng Hội Đồng Giám Mục về tính  Hiệp Hành”: “Tài liệu chuẩn bị  nhắc nhở chúng ta về bối cảnh mà Công Nghị này đang diễn ra: đại dịch toàn cầu, các xung đột địa phương và quốc tế, tác động ngày càng căng thẳng của biến đổi khí hậu, việc  di cư, các hình thức bất công, phân biệt chủng tộc, bạo lực, bách hại, và gia tăng bất bình đẳng trên toàn nhân loại” (1.1) (Nguồn HĐGMVN).

Ngay trong  Giáo Hội, những hố sâu chia rẽ, nạn phe cánh, tranh giành quyền lực, loại trừ lẫn nhau, làm tổn thương  con người cũng được Cẩm Nang tóm gọn trong 3 cụm từ “lạm dụng tình dục, lạm dụng quyền lực, lạm dụng lương tâm” (1.1) đã  đặt Giáo Hội vào tình trạng “báo động đỏ”.

Vì thế, Đức Thánh Cha Phanxicô đã thay đổi quy trình bình thường của Thượng Hôi Đồng Giám Mục thứ XVI, bằng mở rộng Thượng Hội Đồng qua việc tham gia tích cực và sâu rộng của mọi thành phần Dân Chúa, không trừ ai, cụ thể là việc tham khảo sâu rộng  ý kiến của giáo dân trong tất cả các giáo phận toàn cầu, vì tính cách phức tạp của các vấn đề liên quan.

2/ Giáo Hội  nhìn lại mình:

Để đồng hành, chúng ta phải biết mình đang ở đâu, đâu là điểm khởi hành, điểm hẹn để cùng lên đường. Nói cách khác, để tiến bước, việc đầu tiên phải làm là  biết tình trạng hiện tại của mình. Vì thế, nhìn lại mình, nhìn vào mình để biết mình đang ở tình trạng sức khỏe nào, là điều kiện không thể thiếu của Hiệp Hành, vì Giáo Hội là một Thân Thể.

Nếu Công Đồng đã nhiều lần khẳng định: Giáo Hội phải nhìn lại chính mình, trở về với với thực trạng của mình để xám hối, thì Thượng Hội Đồng Giám Mục lần thứ XVI  cũng không quên nhắc nhở và tìm cách điều trị những căn bệnh lớn rất lâu khỏi của Giáo Hội mà có lần chính Đức Thánh Cha đã không ngần ngại, nhưng can đảm và thẳng thắn lên tiếng trước nhiều Đấng Bậc vị vọng của giáo triều ngày  22.12.2014.

Đó là những căn bệnh nguy hiểm làm suy yếu Thân Thể  Đức Kitô như bệnh tưởng mình là bất tử, miễn nhiễm, hoặc thậm chí là không thể thiếu được . Theo ngài, “không tự phê bình, không canh tân, không tìm cách cải tiến, thì đó là một cơ thể đau yếu”.. ; “bệnh chai cứng tâm trí và tinh thần”. “Họ có nguy cơ đánh mất sự nhạy cảm nhân bản cần thiết để khóc với những người khóc và vui vói những người vui. Đó là bệnh của những người đánh mất “tâm tình của Chúa Giêsu (x. Pl 2,5-11) vì con tim của họ, qua dòng thời gian , đã trở nên chai đá và không có khả năng yêu mến”; bệnh kế họach hóa thái quá và duy chức năng, khi người tông đồ lên kế họach cho mọi sự một cách tỉ mỉ và tưởng rằng khi có kế hoạch hoàn hảo thì mọi sự sẽ tiến triển hữu hiệu, và như thế họ đã trở thành một kế toán viên hay một doanh nhân”; bệnh cạnh tranh và háo danh, khi vẻ bề ngoài, những mầu áo và huy chương trở thành đối tượng ưu tiên của cuộc sống”; bệnh tâm thần phân liệt trong đời sống. Đó là bệnh của những người sống hai mặt, hậu qủa của sự giả hình.. ”; “bệnh ‘ngồi lê đôi mách’, lẩm bẩm và nói hành”; “ bệnh thần thánh hóa gtiới lãnh đạo. Đó là bệnh của những kẻ xu nịnh cấp trên, hy vọng được ân huệ của họ”; “bệnh dửng dưng  đối với người khác” ; “bệnh có bộ mặt đưa đám, tức là những người cộc cằn và hung tợn, cho rằng để tỏ ra là nghiêm minh, cần có bộ mặt âu sầu, nghiêm khắc và đối xử với người khác, nhất là những người cấp dưới, một cách cứng nhắc, cứng cỏi và kiêu hãnh”; bệnh tích trữ, khi người tông đồ tìm cách lấp đầy khoảng trống trong con tim của mình bằng cách tích trữ của cải, không phải  vì cần thiết nhưng chỉ vì để cảm thấy an toàn.” ; “bệnh những vòng tròn khép kín, trong đó sự thuộc về một nhóm nhỏ trở nên quan trọng hơn sự thuộc về cả Thân mình Giáo Hội, và trong một số trường hợp, quan trọng hơn cả sự thuộc về chính Chúa Kitô…”;  “cũng có thứ bệnh “suy thoái nãi bộ tinh thần”, đấy là quên đi “lịch sử cứu độ”, quên đi quan hệ bản thân với Chúa, quên đi mối tình đầu (Kh 2,4)”;  “sau cùng là bệnh tìm kiếm lợi lộc trần tục và phô trương, khi người tông đồ biến việc phục vụ của mình thành quyền lực, và biến quyền lực của mình thành hàng hóa để kiếm được những lợi lộc phàm tục và được nhiều quyền thế hơn” (Nguồn: tgpsaigon.net | Đức Thánh Cha: Giáo triều và 15 căn bệnh)

Những căn bệnh nan y ấy không chỉ ở một số người, nhưng ăn rễ lâu đời và tồn tại ở phần đông chúng ta, bất kể thành phần nào.

3/ Giáo Hội đồng hành “hiệp thôn”, đồng hành “ cộng tác”, đồng hành “sứ vụ”:

Công Đồng Vaticanô II trong các Hiến Chế, Sắc Lệnh đều nhấn mạnh Giáo Hội là Giáo Hội lữ hành, và trên hành trình của Giáo Hội, mọi người được Đức Giêsu mời gọi  “đồng tâm nhất trí”, “đồng lao cộng tác” và đồng hành truyền giáo, sống đạo.

Tiếp nối  đường lối của Công Đồng và các vị tiền nhiệm, Đức Thánh Cha Phanxicô không ngừng  nhấn mạnh đến tính Hiệp Hành và nêu rõ tầm quan trọng của Hiệp Hành. Ngài nói: “Tôi tin chắc rằng trong một Giáo Hội đồng hành, việc thi hành quyền huynh trrưởng của Phêrô sẽ có được nhiều ánh sáng soi chiếu hơn. Giáo Hoàng không tự mình đứng trên Giáo Hội, nhưng trong Giáo Hội với tư cách là một trong những người  đã được rửa tội, và trong hiệp đoàn Giám Mục … đồng thời được mời gọi – với tư cách là người kế vị thánh Phêrô, để lãnh đạo Giáo Hội Rôma ” (Nguồn : https://www.thepriest.com/2021/09/22/synodality-a-call-to-journey-together – in -faith/ chuyển ngữ : Phêrô Bùi Đức Trịnh).

Thực vậy, đã đến lúc mọi thành phần Dân Chúa phải can đảm hiệp thông, đồng hành, cộng tác  cho sứ mạng chung của Giáo Hội, bởi tuy biết rõ, kể cả xác tín: đây là việc quan trọng phải làm, đòi hỏi phải thực thi, điều kiện không thể thiếu để Giáo Hội đươc  đổi mới, các chi thể  của Thân Thể Đức Kitô là Giáo Hội được  “sống và sống dồi dào” (Ga 10,10) như ý Chúa muốn, nhưng không phải ai cũng dám làm, thành phần nào cũng  sẵn sàng cộng tác, tham gia, vì có những người không muốn đồng hành, vì độc hành sẽ  an toàn, an nhàn, an ổn hơn; có những thành phần không muốn cùng đi với toàn thể, vì tách ra đi riêng một mình, riêng một nhóm  sẽ không bị quấy rầy, làm phiền, lại giữ được  đặc quyền, đăc lợi của giai cấp.

Vì thế, chúng ta đừng trách Giáo Hội đã lơ là bổn phận kêu gọi,  nhắc nhở con cái mình hiệp thông, đồng hành, cộng tác với nhau vì lợi ích của mỗi người và của  toàn thể Giáo Hội, nhưng cần nhìn lại mình, nhìn vào mình để biết  mình có thuộc vào hàng ngũ những người vì quyền lợi riêng, vì ích kỷ, hẹp hòi, co cụm đã  từ chối lời kêu gọi Hiệp Hành  ngày càng  khẩn thiết của một Hội Thánh  đang bước đi  giữa một thế giới không còn mấy tin vào “người của Giáo Hội”.

4/ Hiệp Hành:  vận hội mới của người giáo dân:

Như chúng ta biết: Công Đồng là hội nghị gồm các Giám Mục và một số chức sắc cao cấp trong Giáo Hội dưới sự điều động và thẩm quyền của Đức Thánh Cha, Giám Mục Rôma nhóm họp với mục đích bàn luận và quyết định những vấn đề thuộc giáo lý đức tin hoặc  xem xét, thay đổi  quy luật của Giáo Hội. Có Công Đồng riêng và chung: “riêng” như Công Đồng miền, “chung” khi quy tụ toàn thể Giám Mục của Giáo Hội toàn cầu.

Công Đồng Vaticanô II là Công Đồng chung với 2904  Giám Mục và một số  chức sắc cao cấp được mời tham dự. Ở các phiên họp đông nhất, con số nghị phụ được ghi nhận là  2449 vị, và phiên họp ít nhất gồm có 2086 vị.

Nêu lên chi tiết trên để chúng ta hiểu rõ:  Công Đồng không là hội nghị  “quy tụ” giáo dân, nghĩa là giáo dân không được mời tham dự, và nếu có một số rất ít giáo dân được tham dự, thì những người này chỉ tham dự trong tư cách quan sát viên hay chuyên viên mà không có quyền bàn luận và bỏ phiếu quyết định.

Thực sự, trước Công  Đồng Vaticanô II, người giáo dân hầu như bị lãng quên trong Giáo Hội, và nếu có được nhắc đến thỉ chỉ được nhắc đến như đám chiên cừu “gọi dạ bảo vâng”, “nói sao nghe vậy”, “bảo gì làm nấy” mà không mang bất cứ  trách nhiệm nào . Chính vì thế mà cho đến hôm nay não trạng ấy vẫn còn  tồn tại, khi không ít người  vẫn tiếp tục nghĩ: Giáo Hội là Đức Giáo Hoàng, các Giám Mục, Linh Mục, tu sĩ nam nữ , còn giáo dân không đáng kể vì không giữ vai trò nào, không được các Đấng trao đổi, hỏi han bao giờ, nên nếu Giáo Hội có vấn đề thì không phải vấn đề của giáo dân, nhưng là vấn đề của hàng giáo  phẩm, giáo sĩ, tu sĩ; nếu Giáo Hội  rạn nứt, suy sụp, giáo dân sẽ vô can, vì đó là trách nhiệm của Giám Mục, linh mục, tu sĩ….

Chính trong bối cảnh này, Thánh Công Đồng Vaticanô II đã như Làn Gió Mới của Chúa Thánh Thần đến trong Giáo Hội để  cất bổng người giáo dân lên và đặt họ vào đúng vị thế giáo dân trong Giáo Hội của họ, như chính Công Đồng đã  xác quyết trong Hiến Chế  Mục Vụ Về Giáo Hội Trong Thế Giới Ngày Nay: Giáo dân là “những Kitô hữu đã được tháp nhập vào Thân Thể Chúa Kitô nhờ phép Thánh Tẩy, đã trở nên Dân Thiên Chúa, và tham dự vào chức vụ tư tế, tiên tri và vương giả của Chúa Kitô theo cách thức của họ; họ là những người đang thực hiện sứ mệnh của toàn dân Kitô giáo trong Giáo Hội và trên trần gian theo phận vụ riêng của mình” (chương IV, số 31, bản dịch GHHV). Do đó, trong Giáo Hội, “giữa tất cả mọi người vẫn có sự bình đẳng thực sự, bình đẳng về phương diện phẩm giá và hoạt động chung của mọi tín hữu để xây dựng thân thể Chúa Kitô. Thực vậy, nếu Chúa phân biệt những thừa tác viên có chức thánh với các thành phần khác của Dân Thiên Chúa, thì sự phân chia này vẫn hàm chứa một sự hiệp nhất vì chủ chăn và các tín hữu khác liên kết với nhau do các mối giây liên hệ chung. Các chủ chăn trong Giáo Hội noi gương Chúa phải phục vụ nhau và phục vụ các tín hữu khhác ; phần các tín hữu phải sẵn lòng hợp tác với các chủ chăn và những người giảng dậy. Như thế, tuy khác biệt nhau, nhưng tất cả đều làm chứng sự duy nhất kỳ diệu trong Thân Thể Chúa Kitô” (số 32, idem).

Thực hiện sát sườn mong đợi của Công Đồng, Đức Thánh Cha Phanxicô đã mở rộng tiến trình của Thượng Hội Đồng Giám Mục lần thứ XVI bằng giai đọan mời gọi, thúc đẩy và tạo điều kiện cho  toàn thể  Giáo Hội góp ý, và  nêu lên cảm nghĩ, thao thức, ước mơ của riêng mình với mục đích xây dựng Giáo Hội. Khi mở rộng như vậy, Đức Thánh Cha hướng về giáo dân một cách đặc biệt, vì đây là lần đầu tiên, giáo dân được chính thức hỏi ý kiến một cách sâu rộng và việc hỏi ý kiến này mang một tầm quan trọng rất đặc biệt, vì  hoàn toàn khác những lần hỏi ý kiến mang tính “hình thức, lấy lệ, dân chủ giả tạo” trước. Nhờ thế, các ý kiến cũng như những băn khoăn, thao thức của giáo dân, dù là những giáo dân suốt đời “im hơi lặng tiếng” cũng được lắng nghe, ghi nhận và đệ trình Toà Thánh, nếu  những giáo dân này chịu mở miệng lên tiếng.

Thực vậy, công cuộc Hiệp Hành vừa được bắt đầu, chính là lần trở lại đáng ghi nhớ của Làn Gió Mới đến từ Chúa Thánh Thần, mà  giáo dân chúng ta hãy đón lấy như vận hội mới cho chính mình.

Tóm lại, biến cố Thượng Hội Đồng Giám Mục lần thứ XVI với chủ đề Hiệp Hành và tiến trình chuẩn bị rất chu đáo, trong đó, thành phần giáo dân được đóng góp, tham gia bằng lên tiếng đề nghị, lên tiếng chia sẻ tâm tư, lên tiếng  bầy tỏ ước nguyện, nhất là lên tiếng phân tích vấn đề, và phê bình những tiêu cực còn  tồn đọng trong Giáo Hội đang làm mưng mủ Thân Thể Đức Kitô, để xây dựng Giáo Hội ngày càng  hiệp nhất, “diễm lệ, lộng lẫy, tinh tuyền và thánh thiện hơn”, như ước mơ của Đức Giêsu phải được coi là biến cố vĩ đại đưa Giáo Hội ra khỏi nhiều khó khăn, bế tắc, và mang lại cho Giáo Hội mùa xuân Cứu Độ.

Ước gì trước Làn Gió Mới của Chúa Thánh Thần đang xuống trên Giáo Hội, ai nấy trong Giáo Hội, dù là Giám Mục, Linh Mục, Tu Sĩ, Giáo Dân hãy dám ra khỏi mình, từ bỏ một chút “cái tôi” để hiệp nhất, hiệp thông “tạ ơn Chúa, và  cám ơn nhau”, vì không có Chúa, chúng ta không là “chi thể của nhau”; không có nhau, chúng ta  khó có thể đến đích hành trình làm môn đệ Chúa.

Nhờ tấm lòng tri ân, cảm tạ Chúa và biết ơn nhau, chúng ta sẽ không kiêu căng từ chối nhìn vào thực trạng của Giáo Hội và của bản thân còn nhiều sự phải canh tân, nhiều điều phải đổi mới, nhiều thiếu sót, khuyết điểm phải bổ xung, hoàn chỉnh.  Nhờ thế, chúng ta mới có tinh thần mới, trái tim mới, năng lực mới từ Làn Gió Mới của Chúa Thánh Thần để cùng mọi người trong Giáo Hội Hiệp Thông yêu thương, Cộng Tác huynh đệ, và Đồng Hành hy vọng trên hành trình theo Đức Giêsu., Đấng Cứu Độ.

Jorathe Nắng Tím   
Nguồn: tinmungduongpho.com
WGPKT(11/09/2022) KONTUM