Nhờ lương thực ấy bổ dưỡng, ngôn sứ Ê-li-a đi tới núi của Thiên Chúa.
Bài trích sách các Vua quyển thứ nhất.
4 Trong cuộc hành trình lên núi Khô-rếp, ngôn sứ Ê-li-a đi một ngày đường trong sa mạc. Ông đến ngồi dưới gốc một cây kim tước. Ông xin cho được chết và nói : “Lạy Đức Chúa, đủ rồi ! Bây giờ xin Chúa lấy mạng sống con đi, vì con chẳng hơn gì cha ông của con.” 5 Rồi ông nằm dưới cây kim tước đó và thiếp đi. Nhưng này có một thiên sứ đụng vào người ông và nói : “Dậy mà ăn !” 6 Ông đưa mắt nhìn thì thấy ở phía đầu ông có một chiếc bánh nướng trên những hòn đá nung và một hũ nước. Ông ăn bánh, uống nước, rồi lại nằm xuống. 7 Thiên sứ của Đức Chúa trở lại lần nữa, đụng vào người ông và nói : “Dậy mà ăn, vì ngươi còn phải đi đường xa.” 8 Ông dậy, ăn bánh và uống nước. Rồi nhờ lương thực ấy bổ dưỡng, ông đi suốt bốn mươi ngày, bốn mươi đêm tới Khô-rếp, là núi của Thiên Chúa.
Đ.Hãy nghiệm xem Chúa tốt lành biết mấy.
2Tôi sẽ không ngừng chúc tụng Chúa,
câu hát mừng Người chẳng ngớt trên môi.3Linh hồn tôi hãnh diện vì Chúa
xin các bạn nghèo nghe tôi nói mà vui lên.
Đ.Hãy nghiệm xem Chúa tốt lành biết mấy.
4Hãy cùng tôi ngợi khen Đức Chúa,
ta đồng thanh tán tụng danh Người.5Tôi đã tìm kiếm Chúa, và Người đáp lại,
giải thoát cho khỏi mọi nỗi kinh hoàng.
Đ.Hãy nghiệm xem Chúa tốt lành biết mấy.
6Ai nhìn lên Chúa sẽ vui tươi hớn hở,
không bao giờ bẽ mặt hổ ngươi.7Kẻ nghèo này kêu lên và Chúa đã nhận lời,
cứu cho khỏi mọi cơn nguy khốn.
Đ.Hãy nghiệm xem Chúa tốt lành biết mấy.
8Sứ thần của Chúa đóng trại chung quanh
để giải thoát những ai kính sợ Người.9Hãy nghiệm xem Chúa tốt lành biết mấy :
hạnh phúc thay kẻ ẩn náu bên Người !
Đ.Hãy nghiệm xem Chúa tốt lành biết mấy.
Hãy sống trong tình bác ái, như Đức Ki-tô đã yêu thương chúng ta.
Bài trích thư của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Ê-phê-xô.
4 30 Thưa anh em, anh em chớ làm phiền lòng Thánh Thần của Thiên Chúa, vì chính Người là dấu ấn ghi trên anh em, để chờ ngày cứu chuộc. 31 Đừng bao giờ chua cay gắt gỏng, nóng nảy giận hờn, hay la lối thoá mạ, và hãy loại trừ mọi hành vi gian ác. 32 Trái lại, phải đối xử tốt với nhau, phải có lòng thương xót và biết tha thứ cho nhau, như Thiên Chúa đã tha thứ cho anh em trong Đức Ki-tô.
5 1 Vậy, anh em hãy bắt chước Thiên Chúa, vì anh em là con cái được Người yêu thương, 2 và hãy sống trong tình bác ái, như Đức Ki-tô đã yêu thương chúng ta, và vì chúng ta, đã tự nộp mình làm hiến lễ, làm hy lễ dâng lên Thiên Chúa tựa hương thơm ngào ngạt.
Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a. Chúa nói : Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Ha-lê-lui-a.
Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống.
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an.
41 Khi ấy, người Do-thái xầm xì phản đối, bởi vì Đức Giê-su đã nói : “Tôi là bánh từ trời xuống.” 42 Họ nói : “Ông này chẳng phải là ông Giê-su, con ông Giu-se đó sao ? Cha mẹ ông ta, chúng ta đều biết cả, sao bây giờ ông ta lại nói : ‘Tôi từ trời xuống ?’” 43 Đức Giê-su bảo họ : “Các ông đừng có xầm xì với nhau ! 44 Chẳng ai đến với tôi được, nếu Chúa Cha là Đấng đã sai tôi, không lôi kéo người ấy, và tôi, tôi sẽ cho người ấy sống lại trong ngày sau hết. 45 Xưa có lời chép trong sách các ngôn sứ : Hết mọi người sẽ được Thiên Chúa dạy dỗ. Vậy phàm ai nghe và đón nhận giáo huấn của Chúa Cha, thì sẽ đến với tôi. 46 Không phải là đã có ai thấy Chúa Cha đâu, nhưng chỉ có Đấng từ nơi Thiên Chúa mà đến, chính Đấng ấy đã thấy Chúa Cha. 47 Thật, tôi bảo thật các ông, ai tin thì được sự sống đời đời. 48 Tôi là bánh trường sinh. 49 Tổ tiên các ông đã ăn man-na trong sa mạc, nhưng đã chết. 50 Còn bánh này là bánh từ trời xuống, để ai ăn thì khỏi phải chết. 51 Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống.”
(Nguồn: ktcgkpv.org)
—————————-
Suy niệm 1: TGM Giuse Vũ Văn Thiên
BÍ TÍCH CỦA HIỆP THÔNG
Chúa nhật XIX Thường niên là Chúa nhật thứ ba, trong chuỗi 5 Chúa nhật liên tiếp của Phụng vụ năm B, đều có cùng một chủ đề chính là Thánh Thể. Điều này cho chúng ta thấy việc tôn sùng yêu mến Thánh Thể quan trọng như thế nào trong đời sống Ki-tô hữu.
Công đồng Vatican II đã viết: “Thánh Thể là nguồn mạch và chóp đỉnh của đời sống Ki-tô hữu” (x. LG 11). Sách Giáo lý của Giáo Hội Công giáo khẳng định: “Tất cả các Bí tích khác đều quy hướng về Bí tích Thánh Thể như về cùng đích” (số 1211). Những khẳng định này cho chúng ta thấy, đời sống hiện tại cũng như tương lai của Ki-tô hữu, cá nhân cũng như tập thể, đều hướng về Chúa Giê-su Thánh Thể, bởi trong Bí tích này, Chúa Giê-su đang hiện diện giữa chúng ta. Thiên Chúa ở giữa loài người. Việc tôn sùng Thánh Thể sẽ cho chúng ta cảm nhận hạnh phúc thiên đàng ngay khi còn ở dưới thế.
Ngôn sứ Ê-li-a đang bị vua A-kháp săn đuổi, sau khi ông chiến thắng trong cuộc thách chiến với các tiên tri của thần Ba-an. Trong lúc mệt mỏi chán chường, ông tìm về hướng núi Hô-rép, là nơi Thiên Chúa đã ban Luật Giao ước cho con cái Ít-ra-en qua ông Môi-sen. Trong hành trình chạy trốn này, Thiên Chúa đã nuôi sống ông bằng cách sai một con quạ hàng ngày mang bánh và nước đến cho ông, nhờ đó ông đủ sức đi đến núi Hô-rép. Ở đó ông đã được gặp Chúa, và ông đã tìm lại được bình an.
Từ rất sớm, cộng đoàn Ki-tô hữu đã nhận thấy qua sự kiện này hình ảnh của Bí tích Thánh Thể. Con đường dương thế vừa xa vời vừa nhiều chông gai cám dỗ. Bí tích Thánh Thể là lương thực thần linh, giúp sức cho người tín hữu, nhờ đó họ được gặp gỡ Chúa ngay trong cuộc đời hiện tại, và cũng là bảo đảm sẽ được gặp gỡ Chúa trong hạnh phúc Nước Trời.
Thánh Thể là Bí tích của hiệp thông, hiệp thông với Chúa và hiệp thông với anh chị em. Thánh Phao-lô đã viết cho giáo dân Cô-rin-tô như sau: “Chén chúc tụng mà chúng ta cầm lên chúc tụng Chúa, chẳng phải là thông hiệp với máu Chúa Ki-tô sao? Tấm bánh mà chúng ta bẻ ra chẳng phải là thông phần vào Mình Chúa đó sao? Vì có một tấm bánh, nên chúng ta tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một thân thể, vì hết thảy chúng ta thông phần cùng một tấm bánh” (1Cr 10,16-17). Qua những lời này, thánh Phao-lô đã diễn tả cả hai chiều kích hiệp thông nơi Bí tích Thánh Thể, đó là liên kết với Chúa và liên kết với anh chị em. Khi rước Thánh Thể, chúng ta có sức sống thần linh nơi con người phàm hèn của chúng ta, để rồi sức sống ấy giúp chúng ta gắn bó với anh chị em mình.
Trong giáo huấn của Giáo Hội, chúng ta thường đọc thấy cụm từ “Cộng đoàn Thánh Thể”. Một gia đình, một hội đoàn, một giáo xứ được kêu gọi trở nên cộng đoàn Thánh Thể. Điều này có nghĩa, mọi sinh hoạt của đời sống thường ngày nơi gia đình, nơi hội đoàn và nơi giáo xứ đều bắt nguồn từ Thánh Thể và phản ánh ý nghĩa của Bí tích Thánh Thể. Mọi sinh hoạt ấy phải giúp các cá nhân gặp gỡ Chúa Giê-su, liên kết với Chúa Giê-su, sống khiêm hạ, sẵn sàng phục vụ anh chị em mình, như Chúa Giê-su trong Bí tích cực trọng này. Cộng đoàn Thánh Thể là nơi các thành viên đều cảm nhận tình thương yêu gắn bó, để không ai bị loại trừ và lãng quên. Cộng đoàn Thánh Thể cũng được gọi là cộng đoàn hiệp thông, nơi có tình yêu Thiên Chúa ngự trị.
Trong cuộc tranh luận với người Do Thái, Chúa Giê-su đã chứng minh: Người đến từ Chúa Cha, và ai tin và đón nhận giáo huấn của Người, thì sẽ được gặp Chúa Cha. Khi nhắc lại biến cố Man-na trong Cựu ước, Chúa Giê-su khẳng định: Người là Bánh hằng sống, và Bánh ấy chính là Thịt của Người, ban tặng vì phần rỗi thế gian. Như thế, cộng đoàn Thánh Thể được nuôi dưỡng bởi Thịt và Máu Chúa Giê-su, để mỗi ngày thêm vững mạnh trong sự thánh thiện.
Thánh Thể là lời mời gọi chia sẻ. Cộng đoàn Thánh Thể là nơi mỗi thành viên chuyên tâm làm việc bác ái. Thánh Phao-lô mời gọi chúng ta: “Hãy bắt chước Thiên Chúa, vì anh em là con cái được Ngài yêu thương. Hãy sống trong tình bác ái, như Đức Ki-tô đã yêu thương chúng ta…”. Lối nói “bắt chước Thiên Chúa” và “sống như Đức Ki-tô” đều diễn tả tình yêu thương của Thiên Chúa đối với chúng ta, và tình yêu kỳ diệu ấy đang thể hiện qua Bí tích Thánh Thể.
+TGM Giu-se Vũ Văn Thiên
—————————-
Suy niệm 2: Lm. Luy Gonzaga Nguyễn Quang Vinh
DẬY MÀ ĂN
Con người được mời gọi tin vào Thiên Chúa trong thời Cựu Ước cũng như thời Tân Ước, nhưng điều khó khăn lớn nhất là con người không hề thấy Thiên Chúa bao giờ mà con người vốn dễ tin vào cái mắt thấy tai nghe. Các Tổ phụ, các Tiên tri và dân chúng đều bước đi trong đêm tối đức tin qua những dấu chỉ mà Thiên Chúa tỏ bày cho họ. Vào thời Xuất hành, có lúc dân nổi loạn chống đối Môsê, thách thức Thiên Chúa, họ than van thiếu bánh và thịt, Thiên Chúa liền ban cho dân mỗi ngày bánh manna và chim cút từ trời xuống để làm lương thực, nước họ uống từ tảng đá phun ra. Bốn mươi năm sống lang thang trong hoang địa, đức tin sa sút, thiếu tin tưởng vào Thiên Chúa, rắn lửa bò ra cắn chết họ vì phản đối việc giải phóng.
Con đường đức tin không phải lúc nào cũng bình ổn, đức tin có khi vươn cao, lúc lại xẹp xuống. Điển hình như đại tiên tri Êlia mà cũng có lúc cay đắng thốt lên khi leo núi Khôrếp để gặp Đức Chúa: “Lạy Đức Chúa, đủ rồi! bây giờ xin Chúa lấy mạng sống con đi … ”. Chúng ta biết tiên tri Êlia vừa oanh liệt chiến thắng 450 tư tế của thần Ba-an trong một cuộc thách đấu sống mái ở núi Cát- minh để minh chứng Thiên Chúa của ông tôn thờ là Thiên Chúa chân thật, thế mà ngay sau chiến thắng đó ông bị hoàng hậu Ideven thề sẽ trả thù, ông bủn rủn chân tay, không còn là người hùng như xưa nữa.
Mất hết nhuệ khí ! Ông lên đường tìm đến ẩn mình nơi Thiên Chúa, sa cơ thất thế, ông nằm bẹp dí xuống đất: “Rồi ông nằm xuống và thiếp đi”. Cử chỉ chán chường biểu lộ một tâm trạng đầy ắp ưu sầu thất vọng. Một thiên sứ đem bánh nướng và hũ nước cho ông, bảo ông “dậy mà ăn”. Ăn rồi, nhưng ông vẫn không đứng dậy nổi. Lần thứ hai ông ăn bánh và uống nước, nhờ được bổ sức ông đi một mạch bốn mươi ngày đêm đến núi của Thiên Chúa (x. Bài Đọc 1. 1V 19,4-8).
Chuyện lạ ở chỗ: Êlia là một tiên tri vĩ đại đã từng chiến thắng lẫy lừng trên núi Cát-minh để bảo vệ tôn giáo độc thần, và tự tay giết chết 450 tư tế của thần Ba-an, nay lại rũ liệt thất vọng muốn chết. Thứ đến, làm sao bánh nướng và nước có thể vực dậy một ông lão kiệt sức để leo núi trong bốn mươi ngày đêm đến gặp Thiên Chúa được? Sức mạnh phi thường đó chắc đến từ Thiên Chúa.
Êlia là người của Thiên Chúa loan báo một dòng tộc những người tìm kiếm Thiên Chúa. Những người nầy không được ỷ vào sức mạnh của xác đất vật hèn, nhưng họ phải sống thân phận của tiên tri, tức là tước bỏ tất cả, ngay cả uy quyền, đức hạnh, mạng sống cũng như sự hiểu biết của mình; và chỉ sống phó thác cho Thiên Chúa, không được ỉ lại vào thành công hiển hách của mình, nhưng phải tự hủy mình ra không như Êlia nằm bẹp dưới đất để chỉ cậy trông Thiên Chúa. Sức mạnh của Thiên Chúa bộc lộ ra nơi sự yếu đuối của con người là thế đó.
Bánh manna và nước trong lành nuôi dân nơi sa mạc, đến chiếc bánh nướng và hũ nước cứu sống tiên tri Êlia cho thấy sự can thiệp kỳ diệu của Thiên Chúa. Tám trăm năm sau, Đức Giêsu đã làm phép lạ hóa bánh ra nhiều (x. Ga 6); làm cho sáu chum nước hóa thành rượu ngon tại tiệc cưới Cana (x. Ga 2). Tất cả đều là những phép lạ phi thường, lúc đó dân chúng ăn bánh no nê và thưởng thức rượu thoải mái, mà không ai thắc mắc gì về những điều thần thiêng kỳ diệu nầy. Các phép lạ nầy có dụng ý chuẩn bị cho họ đón nhận một thực tại cao siêu hơn, mầu nhiệm hơn, với một mẫu bánh miến và một ít rượu nho, Đức Giêsu hiến mình làm của ăn nuôi sống linh hồn khi tuyên bố: “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống” (x. Bài Tin Mừng. Ga 6,41-51).
Ngày xưa bánh từ trời đã được ban xuống, nước lã hóa thành rượu ngon thì không thấy ai phản đối, nay khi nghe tuyên bố bánh và rượu hóa nên thịt và máu Đức Giêsu, dân chúng lại đặt thành vấn đề, họ phản kháng và bỏ đi. Tất cả các sự kỳ diệu đó đều là những điều ngoại thường mà chỉ mình Thiên Chúa mới có thể thực hiện được. Cần phải có đức tin mới chấp nhận được. Trước sự phản kháng đó Đức Giêsu không lùi bước cũng không nhượng bộ, Người quả quyết mạnh mẽ hơn lời khẳng định của mình: “Ai ăn bánh này sẽ được sống muôn đời”(c. 51). Ngày nay đã có hơn một tỷ người ăn thứ Bánh đó để sống.
Lạy Chúa Giêsu là Bánh Hằng Sống từ trời xuống, Chúa đã lấy chính Thịt và Máu của Người mà nuôi dưỡng linh hồn chúng con, Chúa còn ở lại trong Phép Thánh Thể để đồng hành và nâng đỡ Giáo hội qua bao nhiêu thăng trầm lịch sử. Con xin sấp mình tôn thờ và cảm tạ Chúa. Amen
Lm. Luy Gonzaga Nguyễn Quang Vinh
—————————-
Suy niệm 3: Lm. Thái Nguyên