Chúa Nhật XIX Thường Niên, Năm A (CN 13.08.2023)

Bài đọc 1: 1 V 19,9a.11-13a

Hãy đứng trên núi trước mặt Đức Chúa.

Bài trích sách các Vua quyển thứ nhất.

9a Khi ngôn sứ Ê-li-a tới núi Khô-rếp là núi của Thiên Chúa, ông vào một cái hang và nghỉ đêm tại đó. Có lời Đức Chúa phán với ông : 11 “Hãy ra ngoài và đứng trên núi trước mặt Đức Chúa. Kìa Đức Chúa đang đi qua.” Gió to bão lớn xẻ núi non, đập vỡ đá tảng trước nhan Đức Chúa, nhưng Đức Chúa không ở trong cơn gió bão. Sau đó là động đất, nhưng Đức Chúa không ở trong trận động đất. 12 Sau động đất là lửa, nhưng Đức Chúa cũng không ở trong lửa. Sau lửa có tiếng gió hiu hiu. 13a Vừa nghe tiếng đó, ông Ê-li-a lấy áo choàng che mặt, rồi ra ngoài đứng ở cửa hang.

Đáp ca: Tv 84,9ab và 10.11-12.13-14 (Đ. c.8)

Đ.Lạy Chúa, xin tỏ cho chúng con thấy tình thương của Chúa,
và ban ơn cứu độ cho chúng con.

9abTôi lắng nghe điều Thiên Chúa phán,
điều Chúa phán là lời chúc bình an
cho dân Người, cho kẻ trung hiếu.10Chúa sẵn sàng ban ơn cứu độ cho ai kính sợ Chúa,
để vinh quang của Người
hằng chiếu toả trên đất nước chúng ta.

Đ.Lạy Chúa, xin tỏ cho chúng con thấy tình thương của Chúa,
và ban ơn cứu độ cho chúng con.

11Tín nghĩa ân tình nay hội ngộ,
hoà bình công lý đã giao duyên.12Tín nghĩa mọc lên từ đất thấp,
công lý nhìn xuống tự trời cao.

Đ.Lạy Chúa, xin tỏ cho chúng con thấy tình thương của Chúa,
và ban ơn cứu độ cho chúng con.

13Vâng, chính Chúa sẽ tặng ban phúc lộc
và đất chúng ta trổ sinh hoa trái.14Công lý đi tiền phong trước mặt Người,
mở lối cho Người đặt bước chân.

Đ.Lạy Chúa, xin tỏ cho chúng con thấy tình thương của Chúa,
và ban ơn cứu độ cho chúng con.

Bài đọc 2: Rm 9,1-5

Giả như vì anh em, mà tôi có bị nguyền rủa, thì tôi cũng cam lòng.

Bài trích thư của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Rô-ma.

1 Thưa anh em, có Đức Ki-tô chứng giám, tôi xin nói sự thật, tôi không nói dối, và lương tâm tôi, được Thánh Thần hướng dẫn, cũng làm chứng cho tôi rằng : 2 lòng tôi rất đỗi ưu phiền, và đau khổ mãi không ngơi. 3 Quả vậy, giả như vì anh em đồng bào của tôi theo huyết thống, mà tôi có bị nguyền rủa và xa lìa Đức Ki-tô, thì tôi cũng cam lòng. 4 Họ là người Ít-ra-en, họ đã được Thiên Chúa nhận làm con, được Người cho thấy vinh quang, ban tặng các giao ước, lề luật, một nền phụng tự và các lời hứa ; 5 họ là con cháu các tổ phụ ; và sau hết, chính Đức Ki-tô, xét theo huyết thống, cũng cùng một nòi giống với họ. Người là Thiên Chúa, Đấng vượt trên mọi sự. Chúc tụng Người đến muôn thuở muôn đời. A-men.

Tung hô Tin Mừng:Tv 129,5

Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a.

Mong đợi Chúa, tôi hết lòng mong đợi,

cậy trông ở lời Người. Ha-lê-lui-a.

Tin Mừng: Mt 14,22-33

Xin Ngài truyền cho con đi trên mặt nước mà đến với Ngài.

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.

22 Sau khi dân chúng được ăn no nê, Đức Giê-su liền bắt các môn đệ xuống thuyền qua bờ bên kia trước, trong lúc Người giải tán dân chúng. 23 Giải tán họ xong, Người lên núi riêng một mình mà cầu nguyện. Tối đến Người vẫn ở đó một mình. 24 Còn chiếc thuyền thì đã ra xa bờ đến cả mấy cây số, bị sóng đánh vì ngược gió. 25 Vào khoảng canh tư, Người đi trên mặt biển mà đến với các môn đệ. 26 Thấy Người đi trên mặt biển, các ông hoảng hốt bảo nhau : “Ma đấy !”, và sợ hãi la lên. 27 Đức Giê-su liền bảo các ông : “Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ !” 28 Ông Phê-rô liền thưa với Người : “Thưa Ngài, nếu quả là Ngài, thì xin truyền cho con đi trên mặt nước mà đến với Ngài.” 29 Đức Giê-su bảo ông : “Cứ đến !” Ông Phê-rô từ thuyền bước xuống, đi trên mặt nước, và đến với Đức Giê-su. 30 Nhưng thấy gió thổi thì ông đâm sợ, và khi bắt đầu chìm, ông la lên : “Thưa Ngài, xin cứu con với !” 31 Đức Giê-su liền đưa tay nắm lấy ông và nói : “Hỡi kẻ kém lòng tin ! Sao lại hoài nghi ?” 32 Khi thầy trò đã lên thuyền, thì gió lặng. 33 Những kẻ ở trong thuyền bái lạy Người và nói : “Quả thật Ngài là Con Thiên Chúa !”

(Nguồn: ktcgkpv.org)

Suy niệm 1: Lm. Lu-y Gonzaga Nguyễn Quang Vinh

BẾ TẮC TRONG ĐỨC TIN

 

Bài suy niệm 

Thật quá nhiều chi tiết trong một bài Tin Mừng ngắn như hôm nay.  Ngay sau khi làm phép lạ hóa bánh ra nhiều, Đức Giêsu hấp tấp ra lệnh cho môn đệ xuống thuyền qua bờ bên kia trước, còn Người giải tán dân chúng.  Sau đó Người rút lên núi cầu nguyện một mình.  Thuyền các môn đệ ra khơi gặp phải sóng gió, canh tư đêm đó Đức Giêsu đi trên nước đến với các môn đệ.  Môn đệ hú vía la hoảng “Ma đó”.  Người trấn an môn đệ bằng giọng đầy uy quyền: “Thầy đây đừng sợ!”. 

Lấy lại bình tĩnh, ông Phêrô xin Đức Giêsu cho ông đi trên nước đến với Người.  Ông nhảy xuống biển bước đi mấy bước, thấy gió mạnh, ông đâm hoảng và bắt đầu chìm xuống, ông la lên:  “Xin Ngài cứu con với”.  Đức Giêsu cứu ông và trách ông hèn tin.  Thầy trò lên thuyền, thì gió lặng.  Môn đệ bái lạy và tuyên xưng Đức Giêsu là Con Thiên Chúa (x. Bài Tin Mừng Mt 14, 22-33). 

Nhiều bài học được rút ra qua những dấu chỉ và hành động của Đức Giêsu.  Vì sợ bị ngộ nhận là nhà giải phóng kinh tế và sợ bị tôn làm vua trần thế, cho nên Đức Giêsu vội  vàng giải tán dân chúng, không màng đến lời khen ngợi tán thưởng của đám đông vừa được ăn bánh do phép lạ Người làm.  Đức Giêsu đi cầu nguyện vì đó là “hơi thở” cần thiết cho sự sống của Người, hiệp thông để biết thánh ý của Cha.  Thuyền ra khơi chở theo Phêrô và các tông đồ khác, gặp phong ba bão táp và gió ngược, mọi người đều cố chèo để thuyền được bình an, hình ảnh con thuyền vượt sóng được hiểu về Giáo Hội lao đao vượt biển trần gian.

Giáo Hội của Đức Giêsu luôn gặp những gian nan khốn khó, tuy nhiên Đức Giêsu vẫn luôn hiện diện ngay bên để nâng đỡ và che chở Giáo Hội, Người quan tâm theo dõi Giáo Hội và cứu nguy Giáo Hội khi gặp bế tắc.  Việc Đức Giêsu đi trên biển đến với các môn đệ trong phong ba, minh chứng quyền năng của Người trên thiên nhiên vạn vật, đấng tạo dựng nên vũ trụ thì làm chủ vũ trụ.  Đạp trên nước, đi trên ba đào, là những việc làm ngoại thường, minh chứng Người làm chủ cả cá biển chim trời.  Theo nhãn quan Kinh thánh đại dương tượng trưng cho vương quốc của thủy thần hà bá đầy hiểm nguy rình rập, bước đi trên biển là tỏ rõ uy quyền trên vương quốc sự chết.

Khủng hoảng và bế tắc trong đời sống là điều không thể tránh khỏi trong cuộc sống hằng ngày, ngay như Phêrô có lúc bùng lên tin tưởng táo bạo, mạnh dạn nhảy xuống biển đi tới với Đức Giêsu, nhưng rồi trong chốc lát chìm lĩm vì sợ hãi khi đối diện với nghịch cảnh.   Cũng may ông đã kịp thời cầu cứu Đức Giêsu và tức khắc ông đã được cứu vớt.  Cũng thế tiên tri Êlia sau khi tỏ ra hăng say nhiệt thành tuyệt đối bảo vệ niềm tin độc thần giáo, ông đã giết chết 450 tư tế của thần Ba-an, sau vụ thắng lớn trong cuộc thách đấu trên núi Cát Minh, ông bị hoàng hậu Idơven trù dập, đe dọa tước mất mạng sống, ông lâm vào cảnh bế tắc, ông chạy thoát thân tìm ẩn náu nơi Thiên Chúa tại núi Khôrếp (x, Bài Đọc 2. 1V 19, 9a.11-13a). 

Cái thần sắc oai hùng của Êlia trên núi Cát minh như biến tan đâu mất, còn lại một con người bạc nhược nằm sát mặt đất, yếu đuối rã rời đầy thất vọng, muốn xin Thiên Chúa cất mạng sống mình đi.  Thân phận mỏng giòn của con người là thế đó ! Và từ bụi đất Êlia nhận được sức mạnh từ Thiên Chúa đủ sức hành trình 40 ngày đêm tiến tới núi Khô-rếp, gặp gỡ Thiên Chúa.

Người Kitô hữu cũng như bao nhiêu người khác, gặp phải những bế tắc trong cuộc sống, lo sợ trước tương lai bấp bênh, cũng có khi la hoảng ngộ nhận Chúa là ma!  Yên tâm đi,  Đức Giêsu không đến để triệt tiêu khó khăn, sự dữ và cái chết, nhưng giúp con người vượt qua những bế tắc đó, Người hiện diện cách vô hình với người tín hữu  trong mọi hoàn cảnh bế tắc. 

Điều quan trọng là trong thuyền Giáo Hội cũng như trong thuyền-đời của người Kitô hữu, phải làm sao cho có được sự hiện diện của Đức Giêsu, vì một khi có sự hiện diện của Người thì cho dù thuyền có ra khơi hay gặp phong ba, thuyền vẫn được bình an, vì Người là chúa sự bình an.  “Cứ yên tâm, chính Thầy đây đừng sợ!”,  “Khi Thầy trò đã lên thuyền thì gió lặng” (c. 32).  

Lạy Chúa Giêsu, xin cho con biết chạy đến với Chúa trong cơn gian nan khốn khó như Phêrô, như Êlia và phó thác nơi Chúa mọi lo lắng, vất vả và bế tắc cuộc sống. Amen

____________________

Suy niệm 2: Lm. Thái Nguyên

SÓNG GIÓ BIỂN ĐỜI

Suy niệm
Sau một thành công hay những việc tốt đẹp, ai cũng muốn được người khác khen lao, ca ngợi, nhất là muốn người khác nhận ra tài năng, đức
độ của mình. Được vênh vang nổi tiếng dường như ai cũng ham; được kính phục suy tôn hầu như ai cũng thích. Đức Giêsu thì khác, sau khi hóa bánh ra nhiều cho dân chúng ăn no nê, Ngài biết ý định của họ muốn tôn Ngài làm Vua (Ga 6, 15). Không chần chừ, Ngài “bắt các môn đệ xuống thuyền qua bờ bên kia trước, trong lúc Người giải tán đám đông”. Điều này không lạ gì, vì Đức Giêsu muốn tránh cho các môn đệ tỏ ra vênh vang về quyền năng của Thầy mình, không để cho các ông bị lôi kéo theo tình cảm bốc đồng của đám đông.
Ngoài ra, nếu các môn đệ ở lại có thể làm cho tình huống thêm rắc rối, vì trong tâm trí các ông vẫn nghĩ Thầy mình sẽ tái lập vương quốc Israel, như là một thế lực trần gian. Vì vậy mà các ông đã cãi nhau xem “ai là người lớn hơn cả” (Mc 9, 34). Tiếp theo đó, Gioan và Giacôbê còn xin được ngồi bên hữu và bên tả Thầy khi Thầy được vinh quang (x. Mc 10, 35-40). Mang não trạng như vậy nên các môn đệ dễ tiếp tay cho dân chúng tạo ra một cuộc sôi động nguy hiểm. Chắc các môn đệ cũng rất khó chịu khi phải “rút lui” như vậy, tuy nhiên các ông vẫn vâng phục mặc dù không hiểu được ý Thầy.
Trong lúc các môn đệ xuống thuyền thì Đức Giêsu cũng giải tán dân chúng. Khi còn lại một mình, Ngài lên núi cầu nguyện. Việc chìm sâu trong sự gặp gỡ Cha luôn là những thời điểm quan trọng để Ngài kín múc lại thần lực và để thấy mình luôn hợp nhất với Cha trong mọi hành động. Khi đêm đã về khuya, có lẽ Đức Giêsu đi vòng qua mé hồ để đến bờ bên kia. Đến khoảng canh tư, nghĩa là khoảng 3g sáng, và có thể là đêm trăng sáng, nên khi đi trên vùng đất cao ở phía bắc bờ hồ, Ngài nhìn thấy thuyền các môn đệ đang chiến đấu với những cơn sóng gió, và Ngài đã đi trên mặt biển mà đến với họ.

Thấy có bóng người đi trên mặt nước mà đến, các môn đệ sợ hãi la lên, vì tưởng là ma. Đức Giêsu liền trấn an họ: “Hãy yên tâm, Thầy đây, đừng sợ”. Các ông chưa dám tin là thật, nhưng Phêrô đã táo bạo lên tiếng: “Nếu quả là Thầy, thì xin cho con được đi trên mặt nước mà đến với Thầy”. Một lời đề nghị quá liều lĩnh, sao ông không xin cho bão táp lặng yên mà lại xin đi trên mặt nước. Nếu không phải Thầy thì sao? Phêrô vẫn hành động theo sự thúc đẩy của cảm tính mà không chịu nhìn rõ thực trạng và không cân nhắc kỹ lưỡng. Vì vậy mà ông từng thất bại và sẽ còn vấp ngã nặng nề. Tuy nhiên, với sự nhiệt tình, ngay thẳng, thành thật, ông không bao giờ thất bại ở giây phút cuối.
Khi Đức Giêsu bảo “Cứ đến” là ông bước xuống mặt biển ngay. Phải tin mạnh mẽ thì ông mới dám hành động như vậy. Không biết ông đi được bao xa, nhưng khi thấy gió thổi thì ông hoảng sợ, không còn giữ được lòng tin, ông bắt đầu chìm xuống. Cũng may là trong cơn nguy ngập, ông đã kịp thời kêu lên:“Lạy Thầy, xin cứu con !”. Đức Giêsu liền đưa tay nắm lấy ông và đưa ông lên thuyền. Ngài trách ông: “Người đâu mà kém tin vậy!, Sao lại hoài nghi!”. Hoài nghi đã làm cho Phêrô sợ hãi, và sợ hãi đã phá tan một năng lực siêu nhiên đã được kết tụ, khiến con người ông trở nên nặng nề và bị nhận chìm xuống.
Chỉ có thể biết lòng tin mạnh mẽ hay không khi gặp thử thách. Thử thách là điều cần thiết để thanh luyện và nâng cao đức tin. Không chịu được thử thách nên bao người đã bỏ cuộc. Mỗi lần vượt qua thử thách lại cho chúng ta kinh nghiệm sống đức tin. Là Kitô hữu, chúng ta không bao giờ chiến đấu một mình với nghịch cảnh, những cám dỗ và sầu khổ. Chúa thấy tất cả và không bao giờ để ta phải chiến đấu một mình. Có khi chúng ta cũng lo sợ và hốt hoảng trước giông tố cuộc đời, nhưng không được mất lòng tin nơi Chúa. Ngài vẫn nhìn thấy và luôn kịp thời trong mọi tình cảnh nguy nan của chúng ta, miễn ta đừng cuống cuồng, thất vọng hay buông xuôi, nhưng vững lòng trông cậy.
Chính trong thử thách này mà các môn đệ khám phá một điều lớn lao về Thầy mình: “Quả thật Ngài là Con Thiên Chúa!”. Các ông vẫn bên cạnh Thầy nhưng chưa hiểu Thầy được bao nhiêu. Gần Chúa không hẳn là biết rõ về Chúa. Gần mặt nhưng không gần lòng. Qua biến cố mới biết rõ con người của nhau hơn. Chúa vẫn tiếp tục mở ra cho chúng ta mầu nhiệm vô biên của Ngài, nhưng Ngài muốn lòng tin của chúng ta phải lớn lên qua từng thử thách, qua từng chặng đường đời. Khi đức tin lớn lên thì lòng mến cũng sáng lên để ta bước vào cảnh giới mới.

Cầu nguyện
Lạy Chúa Giêsu!
Tuổi trẻ thường háo hức trước thành công,
mong tới đỉnh trên con đường danh vọng,
nhưng nhìn lại thấy tâm hồn trống rỗng,
vì mọi sự rồi cũng hóa ra không.
Cũng như các tông đồ sống khi xưa,
Chúa tránh cho chúng con khỏi ảo vọng,
đừng xây đời bằng giấc mộng quyền hành,
sẽ đưa con vào tình thế long đong,
phải chèo chống giữa phong ba đêm tối,
khiến con thấy chơi vơi và bực bội.
Khi lênh đênh đời mình giữa biển khơi,
con thấy mình như kẻ bị bỏ rơi,
thấy buồn tủi và chua xót ngậm ngùi,
bao nỗ lực như chôn vùi đáy biển,
bao cố gắng hy sinh làm việc thiện,
con nuối tiếc trên đường đi theo Chúa.
Nhưng đâu hay Chúa đến quá bất ngờ,
trong đêm khuya giữa sóng gió vật vờ,
làm con sợ hãi tưởng là bóng ma,
Chúa đã đến với quyền năng thật lạ,
khiến con quá vui mừng và tin tưởng,
vì biết mình luôn được Chúa yêu thương,
Con chẳng dám xin đi trên mặt nước,
như Phê-rô đã bước xuống khỏi thuyền,

con chỉ xin một đức tin kiên vững,
để can trường vượt hết những nguy nan.
Xin cho Giáo hội Chúa giữa biển đời,
như con thuyền vượt sóng ở ngoài khơi,
đưa đoàn con về tới bến quê trời,
nơi vinh phúc ngàn đời là chính Chúa. Amen

WGPKT(09/08/2023) KONTUM