Chúa Nhật XXII Thường Niên, Năm B (CN 01.09.2024) – Do Từ Lòng Người

Bài đọc 1: Đnl 4,1-2.6-8

Anh em đừng thêm gì vào lời tôi truyền cho anh em, cũng đừng bớt gì, nhưng phải giữ những mệnh lệnh của Đức Chúa.

Bài trích sách Đệ nhị luật.

1 Khi ấy, ông Mô-sê nói với dân Ít-ra-en rằng : “Giờ đây, hỡi Ít-ra-en, hãy nghe những thánh chỉ và quyết định tôi dạy cho anh em, để anh em đem ra thực hành. Như vậy anh em sẽ được sống và sẽ được vào chiếm hữu miền đất mà Đức Chúa, Thiên Chúa của cha ông anh em, ban cho anh em. 2 Anh em đừng thêm gì vào lời tôi truyền cho anh em, cũng đừng bớt gì, nhưng phải giữ những mệnh lệnh của Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, mà tôi truyền cho anh em. 6 Anh em phải giữ và đem ra thực hành, vì nhờ đó anh em sẽ được các dân coi là khôn ngoan và thông minh. Khi được nghe tất cả những thánh chỉ đó, họ sẽ nói : ‘Chỉ có dân tộc vĩ đại này mới là một dân khôn ngoan và thông minh !’ 7 Phải, có dân tộc vĩ đại nào được thần minh ở gần, như Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, ở gần chúng ta, mỗi khi chúng ta kêu cầu Người ? 8 Có dân tộc vĩ đại nào được những thánh chỉ và quyết định công minh, như tất cả Lề Luật mà hôm nay tôi đưa ra trước mặt anh em ?”

Đáp ca: Tv 14,2-3a.3bc-4ab.5 (Đ. c.1a)

Đ.Lạy Chúa, ai được vào ngụ trong nhà Chúa ?

2Kẻ nào sống vẹn toàn,
luôn làm điều ngay thẳng,
bụng nghĩ sao nói vậy,3amiệng lưỡi chẳng vu oan.

Đ.Lạy Chúa, ai được vào ngụ trong nhà Chúa ?

3bcKhông làm hại người nào,
chẳng làm ai nhục nhã.4abCoi khinh phường gian ác,
trọng ai kính Chúa Trời.

Đ.Lạy Chúa, ai được vào ngụ trong nhà Chúa ?

5Cho vay không đặt lãi,
chẳng nhận quà hối lộ
mà hại đến người ngay.
Phàm ai làm những điều này
không hề nao núng chuyển lay bao giờ.

Đ.Lạy Chúa, ai được vào ngụ trong nhà Chúa ?

Bài đọc 2: Gc 1,17-18.21b-22.27

Anh em hãy đem Lời ấy ra thực hành.

Bài trích thư của thánh Gia-cô-bê tông đồ.

17 Anh em thân mến, mọi ơn lành và mọi phúc lộc hoàn hảo đều do từ trên, đều tuôn xuống từ Cha là Đấng dựng nên muôn tinh tú ; nơi Người không hề có sự thay đổi, cũng không hề có sự chuyển vần khi tối khi sáng. 18 Người đã tự ý dùng Lời chân lý mà sinh ra chúng ta, để chúng ta nên như của đầu mùa trong các thọ tạo của Người.

21b Anh em hãy khiêm tốn đón nhận lời đã được gieo vào lòng anh em ; lời ấy có sức cứu độ linh hồn anh em.

22 Anh em hãy đem Lời ấy ra thực hành, chứ đừng nghe suông mà lừa dối chính mình.

27 Lòng đạo đức tinh tuyền và không tỳ ố trước mặt Thiên Chúa Cha, là thăm viếng cô nhi quả phụ lâm cảnh gian truân, và giữ mình cho khỏi mọi vết nhơ của thế gian.

Tung hô Tin Mừng

Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a. Chúa Cha đã tự ý dùng lời chân lý mà sinh ra chúng ta, để chúng ta nên như của đầu mùa trong các thọ tạo của Người. Ha-lê-lui-a.

Tin Mừng: Mc 7,1-8a.14-15.21-23

Các ông gạt bỏ điều răn của Thiên Chúa, mà duy trì truyền thống của người phàm.

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô.

1 Khi ấy, có những người Pha-ri-sêu và một số kinh sư tụ họp quanh Đức Giê-su. Họ là những người từ Giê-ru-sa-lem đến. 2 Họ thấy vài môn đệ của Người dùng bữa mà tay còn ô uế, nghĩa là chưa rửa. 3 Thật vậy, người Pha-ri-sêu cũng như mọi người Do-thái đều nắm giữ truyền thống của tiền nhân : họ không ăn gì, khi chưa rửa tay cẩn thận ; 4 thức gì mua ngoài chợ về, cũng phải rảy nước đã rồi mới ăn ; họ còn giữ nhiều tập tục khác nữa như rửa chén bát, bình lọ và các đồ đồng. 5 Vậy, người Pha-ri-sêu và kinh sư hỏi Đức Giê-su : “Sao các môn đệ của ông không theo truyền thống của tiền nhân, cứ để tay ô uế mà dùng bữa ?” 6 Người trả lời họ : “Ngôn sứ I-sai-a thật đã nói tiên tri rất đúng về các ông là những kẻ đạo đức giả, khi viết rằng :

Dân này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng,
còn lòng chúng thì lại xa Ta.
7Chúng có thờ phượng Ta thì cũng vô ích,
vì giáo lý chúng giảng dạy chỉ là giới luật phàm nhân.

8a Các ông gạt bỏ điều răn của Thiên Chúa, mà duy trì truyền thống của người phàm.”

14 Sau đó, Đức Giê-su lại gọi đám đông tới mà bảo : “Xin mọi người nghe tôi nói đây, và hiểu cho rõ : 15 Không có cái gì từ bên ngoài vào trong con người lại có thể làm cho con người ra ô uế được ; nhưng chính cái từ con người xuất ra, là cái làm cho con người ra ô uế.

21 “Vì từ bên trong, từ lòng người, phát xuất những ý định xấu : tà dâm, trộm cắp, giết người, 22 ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo trá, trác táng, ganh tỵ, phỉ báng, kiêu ngạo, ngông cuồng. 23 Tất cả những điều xấu xa đó, đều từ bên trong xuất ra, và làm cho con người ra ô uế.”

(Nguồn: ktcgkpv.org)

—————————-

Suy niệm 1: TGM Giuse Vũ Văn Thiên

CHÚA Ở TRONG CHÚNG TA

Giáo Hội tại miền Bắc Việt Nam đã trải qua nhiều thập niên thiếu linh mục, tu sĩ và giáo lý viên. Vì thế, nơi một số lớn tín hữu, sự hiểu biết về đức tin còn mờ nhạt. Những kiến thức giáo lý mà họ được nhận khi còn nhỏ là những kiến thức sơ sài. Một khi những phụ huynh kém hiểu biết về giáo lý, làm sao họ có thể giáo dục con mình về đức tin? Ngay cả những kiến thức căn bản về Thiên Chúa là Đấng người tín hữu tôn thờ, nhiều người cũng mơ hồ. Lời Chúa hôm nay nói với chúng ta: Thiên Chúa không phải là một ý niệm mơ hồ mà là một Đấng, một “Ai đó” Ngài cũng không phải một vị thần khắt khe nghiêm nghị chỉ chờ con người phạm lỗi để phạt, nhưng luôn yêu thương và chúc phúc cho con người. Ngài cũng không cách xa con người, nhưng luôn đồng hành và sẻ chia những vui buồn của kiếp nhân sinh. Nói tóm lại, Chúa ở trong chính tâm hồn chúng ta. Đạt tới sự thánh thiện là khám phá, gặp gỡ Ngài trong tâm hồn và trong cuộc đời.

Nếu Chúa hiện diện trong tâm khảm con người, thì con người lại không ngừng tìm kiếm Ngài ở bên ngoài. Thánh Au-gus-ti-nô, trong cuốn “Tự thuật” đã thốt lên: Con đã yêu Chúa quá muộn màng, lạy Chúa là Đấng Tuyệt Mỹ từ đời đời đến đời đời; con đã yêu Chúa quá muộn màng. Và xin Chúa hãy nhìn xem, Chúa chờ đợi con ở bên trong cõi lòng con, nhưng con lại ở bên ngoài cõi lòng mình, và con kiếm tìm Chúa tại đó.“ Vị Giám mục thành Hippo Regius trước khi trở lại đã có những năm tháng hoang đàng, và sau này, ông coi đó là những thời gian vô ích, vì ông đi tìm Chúa ở bên ngoài con người ông, trong khi Chúa lại ngự trong tâm hồn ông.

Bài sách Đệ Nhị luật vừa là lời giáo huấn, vừa là tâm sự của ông Môi-sen. Cùng với dân Do Thái, ông cảm nhận được sự gần gũi của Thiên Chúa giữa những thử thách gian truân, nhất là trong hành trình về Đất hứa. Hành trình này phác họa đời sống Giáo Hội cũng như đời sống cá nhân mỗi chúng ta. Đó là sự đan xen giữa trung thành và phản bội, giữa thánh thiện và tội lỗi. Trên tất cả, Thiên Chúa vẫn hiện diện gần gũi Dân Ngài, đến nỗi ông Môi-sen, cũng như bất cứ người Do Thái nào, có thể thốt lên: “Phải, có dân tộc vĩ đại nào được thần minh ở gần, như Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, ở gần chúng ta mỗi khi chúng ta kêu cầu Người?”.

Khi ý thức được sự hiện diện của Chúa trong tâm hồn và trong cuộc đời, chúng ta cảm nhận được niềm vui, hạnh phúc và vinh dự của người Ki-tô hữu. Hành trình đức tin là hành trình không ngừng khám phá. Mục đích của những khám phá này là chính Thiên Chúa. Bởi lẽ, chúng ta không thể hiểu hết về Thiên Chúa. Qua những nỗ lực cố gắng của bản thân, mỗi ngày chúng ta nhận ra hình ảnh Thiên Chúa cách rõ nét hơn, đến mức chúng ta có thể tâm sự với Người như với một người Bạn. Người hiểu ta, ta hiểu Người, ý chí của ta nên một với ý chí của Người. Sẽ không còn than van buồn phiền lo lắng nữa, vì Chúa đang ở với ta. Còn hạnh phúc nào lớn hơn nữa.

Trở lại điều đã nói ở trên, nhiều Ki-tô hữu tin Chúa nhưng không cảm nhận được sự hiện diện của Người. Đây cũng là tình trạng của nhiều người Do Thái thời Chúa Giê-su. Điển hình là những người Pha-ri-siêu và một số kinh sư. Họ là những người có học và có địa vị trong dân chúng. Chúa Giê-su đã trích dẫn Ngôn sứ I-sai-a để phê phán thói giả hình của họ. Những người này chỉ bận tâm đến những điều bên ngoài mà coi thường tình thương và lòng bác ái. Đức Giê-su khẳng định: Thiên Chúa không có nhu cầu nhận lễ vật và những lời xung tụng ngoài môi miệng. Ngài ưa thích tấm lòng chân thành và thiện chí của con người.

Nhờ Bí tích Thánh tẩy, chúng ta được vinh dự gia nhập vào dân Is-ra-en mới, là dân riêng của Thiên Chúa, được Ngài luôn che chở phù trì. Thánh Gia-cô-bê khuyên chúng ta: Đừng giả hình, nhưng hãy sống thật với nhau. Hãy nhận ra giá trị của Lời Chúa, để đón nhận và phục thiện. Thiên Chúa là Đấng đang quan sát lối sống, suy nghĩ và những cử chỉ của chúng ta. Khiêm tốn và bác ái luôn phải là những nhân đức hàng đầu đối với những ai xưng mình là môn đệ Đức Giê-su.

Chúng ta hãy cùng cầu nguyện với thánh Au-gus-ti-nô: “Lạy Thiên Chúa, con chỉ yêu mến một mình Ngài, con chỉ đi theo có mỗi mình Ngài, và con chỉ muốn phụng sự một mình Ngài, vì chỉ một mình Ngài là có Đức Công Chính, Ngài là Thiên Chúa, và con không muốn nấp dưới bất cứ sự công chính nào khác”.

+TGM Giu-se Vũ Văn Thiên (TGP Hà Nội)

—————————-

Suy niệm 2: Lm. Luy Gonzaga Nguyễn Quang Vinh

NGÔN TỪ VÀ HÀNH ĐỘNG

  

Xã hội Do-thái thời Đức Giêsu đã khá ổn định về mặt tôn giáo, có tổ chức chặt chẽ, có hàng tư tế, có hội đường, có những quy định rõ rệt và những luật lệ chi tiết.  Do-thái giáo thờ một Thiên Chúa độc nhất khác hẳn với những dân tộc thời đó theo đa thần giáo.  Họ khá tự hào về tôn giáo độc thần của mình, và ngoài lề luật của Thiên Chúa, họ còn có thêm nhiều khoản luật khác nữa rất chi li, nhất là vào thời lưu đày ở Babylon.  Lúc đó không còn Hội đường và sinh hoạt tôn giáo nữa, các luật sĩ viết ra nhiều luật tỷ mỷ để níu kéo dân trung thành với Giáo ước.

Nhóm Pharisêu (Biệt phái) coi trọng luật lệ và nghiêm nhặt tuân giữ. Họ lấy mình làm thước đo người khác trong việc thực thi tôn giáo.  Khi thấy môn đệ của Đức Giêsu không rửa tay trước khi dùng bữa họ đã chất vấn Đức Giêsu.  Rửa tay trước khi ăn chỉ là tiểu tiết do con người đặt ra.  Đức Giêsu đã bảo vệ các môn đệ và nặng lời gay gắt công kích sự thờ phượng Thiên Chúa bằng môi miệng: “Dân này tôn kính Ta bằng môi miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta.  Chúng có thờ phượng Ta thì cũng vô ích” (x. Bài Tin Mừng (Mc, 7,1-8.14-15.21-23).

Đức Giêsu đã làm thay đổi não trạng tôn giáo vị luật qua câu nói này, Người thay đổi thứ tôn giáo nặng hình thức, bằng tôn giáo nội tâm.  Câu nệ công thức bề ngoài là nét đặc trưng của tôn giáo thời Cựu Ước mà Đức Giêsu cực lực lên án như là mả tô vôi, đạo đức giả.  Người muốn một tôn giáo thờ phượng Thiên Chúa xuất phát từ con tim: “Từ bên trong, từ lòng người, phát xuất những ý định xấu: tà dâm, trộm cắp, giết người, ngoại tình …  Tất cả những điều xấu xa đó đều từ bên trong xuất ra, và làm cho con người ra ô uế ” (c. 21-23).  Quan niệm tôn giáo mới này được diễn tả minh bạch hơn trong dịp Đức Giêsu trả lời cho phụ nữ Samari khi bà phân vân không biết thờ phượng Thiên Chúa ở núi nào cho phải đạo.  Người nói với bà là đã đến lúc không phải thờ Thiên Chúa trên núi này hay núi nọ mà là tôn thờ Thiên Chúa trong tinh thần và chân lý (x. Ga 4,1tt).

Cuộc đối thoại nầy làm nhớ đến một người bạn chơi đàn organ rất giỏi, nhưng anh thất thường nhảy từ nhà thờ công giáo qua nhà nguyện tin lành, rồi lại trở về với công giáo…  Tìm hiểu lý do, thì ra nơi nào có đàn organ mô-đen hơn, xịn hơn thì anh xin gia nhập ca đoàn nơi đó!  Đối với người bạn nầy biểu diễn ngón đàn thì quan trọng hơn phụng thờ Thiên Chúa.

Cả ba bài đọc phụng vụ hôm nay đều nói đến cùng một sứ điệp trong việc thực hành tôn giáo, Sách Đệ Nhị Luật, Thư Giacôbê và Tin Mừng Máccô đều nói về cùng một nội dung : “Hãy nghe những thánh chỉ .. để đem ra thực hành” (x. Bài Đọc 1. Đnl 4, 1-2.6-8).  Và Thư Giacôbê nói: “Anh em hãy khiêm tôn đón nhận lời.  Anh em hãy đem lời ấy ra thực hành, chứ đừng nghe suông mà lừa dối chính mình” (x.Bài Đọc 2. Gc 1,17-18.21b-22.27).

Bài Tin Mừng thì đã nói quá rõ, giữ đạo môi mép mà thôi thì chưa được, nhưng còn phải từ tâm hồn nữa.  Nghe Lời Chúa và đem ra thực hành là hai mặt của vấn đề sống đạo, giữa diễn văn và hành động, giữa nói và làm, giữa môi miệng và con tim, phải có sự đồng nhất hài hòa.  Câu nói của ngôn sứ Isaia “Dân này tôn kính Ta bằng môi miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta.  Chúng có thờ phượng Ta thì cũng vô ích”, lời sấm không mất đi tính thời sự đối với chúng ta hôm nay cho dù lời đã nói gần ba ngàn năm trước chúng ta.

Kitô giáo là đạo tại tâm, xin đừng nhẹ dạ nghe theo chủ trương nầy.  Chủ trương rằng một khi đã lãnh nhận bí tích Rửa tội, Thêm sức là đảm bảo cho phần rỗi linh hồn, kiểu lập luận nầy dễ đánh lừa người tín hữu lười biếng, khô khan và nguội lạnh, họ viện cớ tin trong lòng là đủ rồi, và thoái thác tất cả các sinh hoạt tôn giáo.   Thật ra cây đức tin được trồng vào tâm hồn người tín hữu ngày lãnh nhận phép Rửa tội, đức tin lớn lên và phát triển mạnh mẽ hay thui chột tùy vào sự cộng tác của cá nhân đó.  Cũng có người quan niệm rằng chỉ tham dự thánh lễ qua màn hình nhỏ là đủ rồi cần gì tham dự thánh lễ tại nhà thờ vào Chúa nhật.  Màn hình không thay thế sự diện kiến của con người trước Thánh Thể được.

Phép Rửa tội và Thêm sức không phải là tấm vé chắc ăn đi thẳng vào thiên đàng.  Hãy nhìn vào mặc khải thời Cựu ước, ơn cứu độ nhất thời được thực thi nơi trần thế cho dân tộc Do thái, và dân tộc đó biểu lộ lòng tin của họ qua các nghi thức thờ phượng cộng đồng được Thiên Chúa chỉ đạo.  Tin trong lòng và tuyên xưng ngoài miệng phải đi đôi với nhau.   Cả hai mặt đều cần thiết để diễn tả và sống đức tin nơi người tín hữu.  Sống đạo, sống đức tin qua đời sống phụng vụ mà cao điểm là các bí tích nhất là thánh lễ.  Lễ nghi phụng tự không là nghi thức họp bạn hướng đạo sáng tạo tại chỗ cho hợp nhãn quan cộng đoàn, nhưng các nghi lễ trong Kitô giáo được Thiên Chúa hướng dẫn và mặc khải, mang tính thánh thiêng mầu nhiệm.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho con biết phụng thờ Chúa ngày Chúa nhật, xin hãy mở miệng con để con ca tụng kỳ công của Chúa, xin hãy mở tay con để con thi hành bác ái như Chúa truyền dạy. Amen

Lm. Luy Nguyễn Quang Vinh, chính xứ Đức An, Pleiku

—————————-

Suy niệm 3: Lm. Thái Nguyên

BÊN TRONG VÀ BÊN NGOÀI

Suy niệm

Khoảng năm 336 trước Chúa Giáng Sinh, Alexander đại đế đã đưa Hy Lạp lên ngôi bá chủ, thâu tóm nhiều dân tộc. Nước Do thái cũng rơi vào vòng thống trị của đế quốc này. Trước nền văn minh Hy Lạp, nhiều người Do Thái đua nhau học đòi kiểu sống đó, và thờ cả các thần Hy Lạp. Văn hóa dân tộc và đời sống đức tin có nguy cơ bị huỷ diệt. Vì thế, các nhà lãnh đạo tinh thần đã tìm mọi cách giữ gìn truyền thống của cha ông. Họ đặt ra nhiều khoản luật mang tính hình thức và lễ nghi bên ngoài, buộc dân phải giữ để khỏi bị lây nhiễm nọc độc của ngoại bang. Từ đó dấy lên một phong trào thượng tôn lề luật.

Tới thời Chúa Giêsu thì luật lệ đã được đặt ra quá tỉ mỉ, nhất là luật giữ sạch sẽ bên ngoài, để không làm dơ bẩn tâm hồn bên trong. Chẳng hạn phải rửa tay trước khi ăn vì sợ bị ô uế do đụng chạm. Tay ô uế làm đồ ăn ô uế, và đồ ăn ô uế sẽ khiến cả con người ô uế. Vì thế không lạ gì người Pharisêu bắt lỗi các môn đệ“không giữ truyền thống của cha ông, cứ để bàn tay ô uế mà dùng bữa”. Cái sai lầm trầm trọng của họ là dùng cái bên ngoài để thanh tẩy cái bên trong, biến cái tập tục của phàm nhân thành phương dược tôn giáo để khử trừ ô uế. Đó là một sai lầm mà Đức Giêsu phải lên tiếng cảnh giác, là  họ đã “gạt bỏ điều răn của Thiên Chúa, mà duy trì truyền thống của người phàm”.

Trước sự sai lầm này, Ðức Giêsu đã long trọng khẳng định:“Không có gì từ bên ngoài vào trong con người lại có thể làm cho con người ra ô uế; nhưng chính cái từ con người xuất ra, là cái làm cho con người ô uế”. Khẳng định này làm đảo lộn toàn bộ những tập tục và truyền thống của người Do Thái. Bởi lẽ đời sống họ đầy những điều  cấm kỵ bên ngoài để tránh ô uế, như: không được ăn thịt heo, hay thịt thú chết ngạt; không được đụng vào xác chết, hay người phong cùi; không được ăn chung với dân ngoại hay vào nhà người tội lỗi… Nếu như thế thì Ðức Giêsu bị coi là người ô uế, vì đã phạm nhiều điều cấm kỵ. Ngài thường tiếp xúc với xác chết, người tội lỗi, người cùi hủi, vào nhà dân ngoại và có thể nhiều lần Ngài cũng chẳng rửa tay trước khi ăn.

Lời tuyên bố của Đức Giêsu quả là cuộc cách mạng trong Do Thái giáo, vì đã phá đổ nhiều bức tường ngăn cách kẻ xấu – người tốt, dân Do Thái và dân ngoại, nam và nữ, nô lệ và tự do… Ngài làm cho con người trở nên gần gũi với nhau trong sự bình đẳng về nhân phẩm; xóa đi những thứ phân chia đẳng cấp và kỳ thị cao thấp được làm nên do luật lệ bên ngoài. Thật ra, Ðức Giêsu không phản đối hay muốn dẹp bỏ việc rửa tay trước khi ăn của người Do Thái, nhưng Ngài thấy nó mang tính giả hình. Điều này đòi ta nhìn lại chính mình trong đời sống hằng ngày, vì ta cũng dễ tự lừa dối mình qua những hình thức bên ngoài, hoặc cố gắng che chắn điều gì đó không tốt đẹp ở bên trong.

Rửa sạch cái bên trong mới là điều quan trọng hơn, cấp thiết hơn, khó hơn. Có lẽ vì vậy mà người ta né tránh cái khó bên trong và lựa chọn cái dễ bên ngoài, rồi gán ghép cho nó một ý nghĩa, nhưng thực ra chỉ là để che lấp một quan niệm cổ hủ và hẹp hòi, hoặc vì tinh thần đạo đức đã xuống cấp và suy yếu. Tình trạng nội tâm vốn mới là thật. Sự trong sạch của tâm hồn mới là đáng kể. Nếu phải tuân thủ những hình thức và luật lệ bên ngoài, thì làm sao cái bên ngoài phải phản ánh cái sạch đẹp bên trong. Cái ô uế bên trong không thể nào thanh tẩy bằng cách làm sạch đẹp bằng những thứ bên ngoài.

Đừng dựa vào những thứ bên ngoài mà tưởng mình là người “công chính”, rồi phê phán những người khác như những người biệt phái và kinh sư. Thực ra, sống công chính là một mục tiêu phải phấn đấu suốt đời mà cũng chưa chắc đạt tới. Đừng ru ngủ mình bằng lời kinh tiếng kệ, mà hãy lo thay đổi lòng mình như Chúa đã cảnh cáo:Dân này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta”. Lời Đức Giêsu khiển trách người Do Thái cũng là lời khuyên chúng ta lo tu luyện lại bản thân từ bên trong, chứ đừng lo phê phán người khác.

Đức Giêsu kể ra 12 ý định xấu xa bắt nguồn từ bên trong đã làm con người ra ô uế, là ngoại tình, dâm ô, giết người, trộm cắp, tham lam, độc ác, xảo trá, lăng loàn, ganh tị, vu khống, kiêu căng, ngông cuồng. Thanh tẩy tâm hồn hay đổi mới con tim là điều Chúa muốn làm nên nơi mỗi người:“Ta sẽ thanh tẩy các ngươi. Ta sẽ ban cho các ngươi một quả tim mới” (Ed 36, 25tt). Đó là điều ta phải thiết tha cầu xin Chúa mỗi ngày, và nỗ lực trong ơn thánh để làm mới lại trái tim mình, một trái tim trong sạch và chân thật, chỉ làm mọi sự vì tình yêu mến.

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu!
Xem ra ai cũng muốn sống dễ dãi,
nên ngần ngại trước những cái khó khăn,
dường như ai cũng muốn sống nhập nhằng,
không muốn cho thấy rõ điều đen trắng.

Chúng con đây cũng thường hay che chắn,
ít dám sống trung thực với chính mình,
nên có những kiểu cách sống giả hình,
tốt thì hay khoe còn xấu lại che.

Chúng con cũng giống người Biệt phái,
chỉ lo rửa bên ngoài cho sạch đẹp,
mà không rửa bên trong những lấm lem,
không nâng cao những gì còn thấp kém.

Chúng con chỉ thích đổi mới diện mạo,
mà không lo canh tân đời sống đạo,
thích tự hào và tỏ vẻ thanh cao,
nhưng thực chất có thể là gian xảo.

Chúng con vẫn hay chạy theo hình thức,
ít khi nào chịu xét đến nội dung,
chỉ làm theo thói quen và tập tục,
không biết đến những gì sai hay đúng.

Chúng con cần trở lại với lòng mình,
để thấy có những điều đang thoái hóa,
nhất là có những điều hay dối trá,
mà con vẫn khuây khỏa để cho qua,
nhưng rồi đây sẽ biến thành tai họa.

Xin Chúa thương biến đổi trái tim con,
một trái tim chưa trong sáng đơn sơ,
còn giả vờ và cố chấp làm ngơ,
xin giúp con tẩy rửa những bợn nhơ,
sống chân thật như Chúa vẫn mong chờ. Amen.

Lm. Thái Nguyên (Gp. Cần Thơ)

WGPKT(30/08/2024) KONTUM