Chúa Nhật XXIV Thường Niên, Năm A (CN 17.09.2023)

Bài đọc 1: Hc 27,30 – 28,7

Hãy bỏ qua điều sai trái cho kẻ khác, thì khi bạn cầu khẩn, tội lỗi bạn sẽ được tha.

Bài trích sách Huấn ca.

2730Oán hờn và giận dữ là những điều ghê tởm,
về chuyện đó kẻ tội lỗi có biệt tài.
281Kẻ báo thù sẽ chuốc lấy báo thù của Đức Chúa,
tội lỗi nó, Người xem xét từng ly.
2Hãy bỏ qua điều sai trái cho kẻ khác,
thì khi bạn cầu khẩn, tội lỗi bạn sẽ được tha.
3Người với người cứ nuôi lòng hờn giận,
thế mà lại xin Đức Chúa chữa lành !
4Nó chẳng biết thương người đồng loại,
mà lại dám xin tha tội cho mình !
5Nó chỉ là người phàm mà để tâm thù hận,
thì ai sẽ xin tha tội cho nó ?
6Hãy nhớ đến ngày tận số
mà chấm dứt hận thù,
nhớ mình sẽ phải hao mòn và phải chết
mà trung thành giữ các điều răn.
7Hãy nhớ đến các điều răn
mà đừng oán hờn kẻ khác,
nhớ đến giao ước của Đấng Tối Cao
mà không chấp nhất điều lầm lỗi.

Đáp ca: Tv 102,1-2.3-4.9-10.11-12 (Đ. c.8)

Đ.Chúa là Đấng từ bi nhân hậu,
Người chậm giận và giàu tình thương.

1Chúc tụng Chúa đi, hồn tôi hỡi,
toàn thân tôi, hãy chúc tụng Thánh Danh !2Chúc tụng Chúa đi, hồn tôi hỡi,
chớ khá quên mọi ân huệ của Người.

Đ.Chúa là Đấng từ bi nhân hậu,
Người chậm giận và giàu tình thương.

3Chúa tha cho ngươi muôn ngàn tội lỗi,
thương chữa lành các bệnh tật ngươi.4Cứu ngươi khỏi chôn vùi đáy huyệt,
bao bọc ngươi bằng ân nghĩa với lượng hải hà.

Đ.Chúa là Đấng từ bi nhân hậu,
Người chậm giận và giàu tình thương.

9Chúa là Đấng chẳng trách cứ luôn luôn,
không oán hờn mãi mãi.10Người không cứ tội ta mà xét xử,
không trả báo ta xứng với lỗi lầm.

Đ.Chúa là Đấng từ bi nhân hậu,
Người chậm giận và giàu tình thương.

11Như trời xanh trổi cao hơn mặt đất,
tình Chúa thương kẻ thờ Người cũng trổi cao.12Như đông đoài cách xa nhau ngàn dặm,
tội ta đã phạm, Chúa cũng ném thật xa ta.

Đ.Chúa là Đấng từ bi nhân hậu,
Người chậm giận và giàu tình thương.

Bài đọc 2: Rm 14,7-9

Dù sống, dù chết, chúng ta vẫn thuộc về Chúa Ki-tô.

Bài trích thư của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Rô-ma.

7 Thưa anh em, không ai trong chúng ta sống cho chính mình, cũng như không ai chết cho chính mình. 8 Chúng ta có sống là sống cho Chúa, mà có chết cũng là chết cho Chúa. Vậy, dù sống, dù chết, chúng ta vẫn thuộc về Chúa ; 9 vì Đức Ki-tô đã chết và sống lại chính là để làm Chúa kẻ sống cũng như kẻ chết.

Tung hô Tin Mừng:Ga 13,34

Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a. Chúa nói : Thầy ban cho anh em một điều răn mới, là anh em hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương anh em. Ha-lê-lui-a.

Tin Mừng: Mt 18,21-35

Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy.

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.

21 Khi ấy, ông Phê-rô đến gần Đức Giê-su mà hỏi rằng : “Thưa Ngài, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần ? Có phải đến bảy lần không ?” 22 Đức Giê-su đáp : “Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy.

23 “Vì thế, Nước Trời cũng giống như chuyện một ông vua kia muốn đòi các đầy tớ của mình thanh toán sổ sách. 24 Khi nhà vua vừa bắt đầu, thì người ta dẫn đến một kẻ mắc nợ vua mười ngàn yến vàng. 25 Y không có gì để trả, nên tôn chủ ra lệnh bán y, vợ con y, cùng tất cả tài sản mà trả nợ. 26 Bấy giờ, tên đầy tớ ấy sấp mình xuống lạy lục : ‘Thưa Ngài, xin rộng lòng hoãn lại cho tôi, tôi sẽ lo trả hết.’ 27 Tôn chủ của tên đầy tớ ấy liền chạnh lòng thương, cho y về và tha luôn món nợ. 28 Nhưng vừa ra đến ngoài, tên đầy tớ ấy gặp một người đồng bạn, mắc nợ y một trăm quan tiền. Y liền túm lấy, bóp cổ mà bảo : ‘Trả nợ cho tao !’ 29 Bấy giờ, người đồng bạn sấp mình xuống van xin : ‘Thưa anh, xin rộng lòng hoãn lại cho tôi, tôi sẽ lo trả anh.’ 30 Nhưng y không chịu, cứ đi tống anh ta vào ngục cho đến khi trả xong nợ. 31 Thấy sự việc xảy ra như vậy, các đồng bạn của y buồn lắm, mới đi trình bày với tôn chủ đầu đuôi câu chuyện. 32 Bấy giờ, tôn chủ cho đòi y đến và bảo : ‘Tên đầy tớ độc ác kia, ta đã tha hết số nợ ấy cho ngươi, vì ngươi đã van xin ta, 33 thì đến lượt ngươi, ngươi không phải thương xót đồng bạn, như chính ta đã thương xót ngươi sao ?’ 34 Rồi tôn chủ nổi cơn thịnh nộ, trao y cho lính hành hạ, cho đến ngày y trả hết nợ cho ông. 35 Ấy vậy, Cha của Thầy ở trên trời cũng sẽ đối xử với anh em như thế, nếu mỗi người trong anh em không hết lòng tha thứ cho anh em mình.”

—————————-

Suy niệm 1: Lm. Lu-y Gonzaga Nguyễn Quang Vinh

THA THỨ KHÔNG BIÊN GIỚI

  

Thế giới chúng ta đang sống gồm những con người bất toàn, câu ngạn ngữ: “nhân vô thập toàn”, đúng cho cả trời Đông và trời Tây, cho cả nam lẫn nữ.  Vì chưa hoàn hảo nên khi sống chung thế nào cũng nảy sinh đụng chạm, hận thù, ghim gút.  Gạn lọc, loại bỏ oán hận là vai trò của tôn giáo.  Phật giáo dạy “từ bi hỷ xã”, thương xót và tha thứ.  Khổng giáo dạy “lấy đức báo oán, oán ấy tiêu tan”, còn Kitô giáo thì sao?

Kitô giáo dạy qua bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu dạy về tha thứ vào dịp: “Ông Phê-rô đến gần Đức Giêsu mà hỏi rằng : Thưa Ngài, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần ? Có phải đến bảy lần không ? 22 Đức Giêsu đáp : Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy’” (Bài Tin Mừng. Mt 18, 21-35), (70 x 7 = 490 lần).

Tìm hiểu tại sao lấy con số 7 làm chuẩn mực?

Trong quá khứ xa xưa thời Cựu Ước dân Do thái và dân ngoại đối xử với nhau quá đáng trong việc trả thù.  Để bảo vệ Ca-in khi ông bị đuổi khỏi vườn địa đàng Thiên Chúa ra lệnh: “Vậy mọi kẻ nào giết Ca-in sẽ bị báo thù gấp bảy lần” (St 4,15).  Còn theo ông La-mếc, ông nói với những người vợ của ông: “A-đa và Xinh-la, hãy nghe tiếng ta; Những người vợ của La-mếc, hãy lắng tai nghe lời ta, ta đã giết một người vì gây thương tích cho ta, và giết một chàng trai vì đánh ta. Vì Ca-in được báo thù gấp bảy lần, Còn La-mếc thì bảy mươi bảy lần” (St 4, 23-24).

Luật báo thù không biên giới nầy sẽ được thay bằng luật tình thương không biên giới của Đức Giêsu.  Thật vậy Đức Giêsu thay luật của La-Mếc bằng luật tình thương vô biên giới của Người, tha cho kẻ xúc phạm 70 lần 7 lần, đó là câu trả lời của Chúa Giêsu cho ông Phêrô.  Câu trả lời của Chúa về sự tha thứ, có sứ mệnh sửa sai luật của La-mếc, luật của Đức Giêsu vượt ranh giới, vươn cao hẳn trên các luật báo thù của Do Thái.  Tha đến bảy mươi lần bảy lần, tha đến vô tận.

Đức Giêsu dạy luật tình thương không biên giới, Lời Dạy cho chúng ta hiểu rằng Thiên Chúa không ngừng tha thứ.  Số 70 là con số linh thiêng tròn đầy, viên mãn, biểu tượng sự bao la của lòng Chúa thương xót và tha thứ, làm chúng ta hiểu rằng Thiên Chúa không biết mệt mỏi khi tha thứ, nhưng con người có thể cảm nhận sự mỏi mệt khi chạy đến xin Chúa thứ tha.

Đi sâu vào tâm lý của ông Phêrô, khi ông xướng lên 7 lần tha thứ cho kẻ xúc phạm đến mình, ông tưởng là đạt đến con số tuyệt đối, là hiểu rõ tâm hồn cao thượng của Thầy rồi, và ông chờ đợi sự tán thành của Đức Giêsu, nhưng câu trả lời của Thầy làm ông hụt hửng vì Người mở ra một chân trời tha thứ vô tận.  Quan niệm của Phêrô còn quá keo kiệt so với giới luật của Thầy.

Vào thời của Chúa Giêsu, người Do thái còn áp dụng luật Talion, luật dạy rằng: “Mắt đền mắt, răng thế răng”.  Luật nầy xuất hiện trong bộ luật cổ của Hammurabi, là vị hoàng đế trị vì Babylon từ năm 2285-2242 trước công nguyên.  So với luật thời La-Mếc thì luật Talion tiến bộ và nhân văn hơn nhiều, tuy nhiên phải đợi đến thời Chúa Giêsu, mới có luật mới hoàn hảo, là  tha thứ đến vô cùng.

Thật vậy tha thứ là điều khó khăn, cho ai một món quà thì tương đối dễ, nhưng tha thứ một sự xúc phạm, thì khó khăn hơn nhiều, bởi vì nơi con người vốn có lòng tự trọng và khi bị xúc phạm, họ muốn báo thù, đến nỗi người đời thường nói: “Quân tử mười năm báo thù chưa muộn”.  Trái lại Sách Huấn Ca, Bài Đọc 1 (Hc 27, 33 – 28,9), cảnh giác chúng ta: “Oán hờn và giận dữ là những điều ghê tởm” (Hc 27, 30).  “Kẻ báo thù sẽ chuốc lấy báo thù của Đức Chúa” (Hc 28, 1).  Và khuyên chúng ta “Hãy bỏ qua điều sai trái cho kẻ khác, thì khi bạn cầu khẩn, tội lỗi bạn sẽ được tha”; “Hãy nhớ đến ngày tận số, mà chấm dứt hận thù” (Hc 28, 2. 6).  Lời minh triết của Hàn quốc cho ta thêm tâm hồn quảng đại câu: “Lòng biết ơn, khắc trên đá, hận thù, viết trên nước”.

Giáo lý của Đức Giêsu lại muốn tạo nên một thế giới mới trong đó không có kẻ thù mà chỉ có tha thứ muôn vàn lần, nghĩa là người Kitô hữu không coi ai là kẻ thù.  Sự tha thứ xuyên suốt Tân Ước và là chủ đề chính yếu được gói trọn trong kinh Lạy Cha. Tha thứ là lời cuối cùng của Chúa Giêsu trên thập giá: “Lạy Cha xin tha thứ cho chúng vì chúng không biết việc chúng làm”.

Tha thứ là quy luật thuộc trật tự của sự sống, nhạc sĩ Phạm Duy có câu hát đáng ghi nhớ, bài Tâm Ca số 7: “Kẻ thù ta đâu có phải là người, giết người đi thì ta ở với ai”. Còn Chúa Giêsu cho chúng ta một lý tưởng sống cao thượng, một đường đi hướng về trời cao : “Hãy hoàn thiện như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện”, mà hoàn thiện theo thánh Phaolô là :“Ai yêu người thì đã chu toàn Lề Luật” (Rm 13,8.10).

Lạy Chúa Giêsu xin cho con cố gắng vượt lên trên sự hận thù và ghim gút, biết tha thứ cho người xúc phạm con như Chúa đã tha thứ cho con. Amen

——————————–

Suy niệm 2: Lm. Thái Nguyên

THA THỨ

Suy niệm
Trong bài đọc I (Hc 27,30-28.7), ông Ben Sira, tác giả sách Huấn ca, khuyên người ta phải biết tha thứ: Ai muốn báo thù, sẽ bị Chúa báo thù, và Chúa nghiêm trị tội nó. Ai bỏ qua điều sai trái cho người khác, Chúa sẽ tha tội cho. Qua bài Tin Mừng, Phêrô hỏi Đức Giêsu: “Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần? Có phải bảy lần không?” Ông nghĩ rằng, tha thứ bảy lần là đã quá nhiều, vì theo quan niệm của Kinh Thánh, số 7 tượng trưng cho sự đầy đủ trọn vẹn. Nhưng không ngờ câu trả lời của Đức Giêsu vượt giới hạn: “Thầy không bảo đến bảy lần, mà là đến bảy mươi lần bảy”.
Để quảng diễn tư tưởng ấy, Chúa Giêsu đã đưa ra một dụ ngôn: một người đầy tớ nợ vua 10.000 nén vàng mà không có gì trả, vua đã rộng lòng tha hết. Khi ra về, người đầy tớ ấy gặp người đồng bạn mắc nợ y chỉ có 100 quan tiền, thế mà y liền túm lấy, bóp cổ đòi cho bằng được. Người bạn sấp mình năn nỉ và hứa sẽ trả, nhưng y nhất định không chịu, còn tống anh bạn vào ngục cho tới khi trả xong. Đúng là tên đầy tớ độc ác, được vua tha cho một số tiền quá lớn mà lại không tha cho bạn mình một số tiền quá nhỏ. Nghe được câu chuyện đó, nhà vua đã nổi cơn thịnh nộ, trao y cho lính hành hạ đến ngày nào y trả hết nợ.
Cuối dụ ngôn Đức Giêsu kết luận: “Cha của Thầy ở trên trời cũng sẽ đối xử với anh em như thế, nếu mỗi người trong anh em không hết lòng tha thứ cho anh em mình”. Trước đó, khi dạy các môn đệ kinh Lạy Cha, Đức Giêsu cũng đã xác định: “Nếu anh em không tha thứ cho người ta, thì Cha anh em cũng sẽ không tha lỗi cho anh em” (Mt 6,15. Thánh Phaolô cũng nhắc nhở: “Chúa đã tha thứ cho anh em, thì anh em cũng vậy, anh em phải tha thứ cho nhau” (Cl 3,13).

Đức Giêsu đặt nặng việc làm hòa và tha thứ cho nhau còn quan trọng hơn của lễ dâng trên bàn thờ cho Thiên Chúa (x. Mt 5, 23-24). Không những Ngài đòi ta tha thứ trong lòng, mà còn đòi ta phải thực hiện sự tha thứ ấy ra bên ngoài, bằng một hành động cụ thể. Cần phải tỏ rõ như vậy, vì hành động ấy phá tan tình trạng lạnh lùng, xa cách, hay còn ngấm ngầm khó chịu. Nhiều khi trong lòng đã tha, nhưng vẻ lạnh nhạt bên ngoài khiến người kia vẫn hiểu là chưa được tha, hoặc có cảm tưởng là mình vẫn còn bị khinh thường. Văn hào Goethe đã nói: “Sự tha thứ chỉ có thể là một trạng thái trung gian. Nó phải đưa đến sự kính trọng. Nếu không như vậy thì tha thứ là làm nhục”.
Tha thứ thật sự không dễ chút nào. Có thể tha thứ rồi mà lòng vẫn quặn đau mỗi khi nghĩ đến sự tổn thương mình phải chịu do sự xúc phạm hay phản bội của người kia. Lý do là ta thường bám chặt vào những nguyên tắc cứng nhắc, luôn đòi hỏi sự hoàn hảo nơi người khác, và vì vướng kẹt vào những cảm xúc muốn được kính trọng, nên trái tim của ta rất khó nới rộng thêm. Điều này đòi ta phải thu dọn bớt những nhu cầu thỏa mãn sự ích kỷ của mình, đừng đòi chiếm hữu hơn nữa, thì trái tim mới có chỗ để chứa đựng người khác. Càng vị kỷ thì càng không thể vị tha. Không thể vị tha thì tâm hồn ta vẫn buồn sầu thất vọng.
Thật ra có những tổn thương quá lớn khó lòng mà tha thứ ngay một lúc. Không thể phủ nhận rằng trái tim mình đang đau nhức, nên cần một thời gian nữa ta mới có thể chấp nhận và chuyển hóa. Cũng chẳng ngần ngại gì khi cho người kia biết, trái tim ta mới chỉ mở rộng tới mức độ đó thôi. Nhưng tất cả những hành động ấy đều là ân tình, đã là sự tha thứ đích thực rồi. Ta không thể là thánh nhân trong một lúc để sẵn sàng tha thứ hết mọi lỗi lầm, nhưng nếu trái tim ta còn sức chứa đựng thì đừng suy tính gì thêm, cứ hãy đón nhận nhau vào lòng.
Tha thứ là linh dược có thể chữa lành mọi nỗi khổ niềm đau cho người tha thứ và kẻ được thứ tha, đồng thời khai mở năng lực tinh thần cho cả hai, làm cho con người sống lành mạnh và vui tươi. Thà tha lầm còn hơn chấp lỡ. Lỡ khi thái độ cố chấp và hẹp hòi của ta đã vô tình đẩy người kia xuống vực thẳm thì ta sẽ hối hận suốt đời. Hoặc lỡ khi ta là kẻ đã gây cớ vấp phạm cho người kia thì lại gây thêm nghiệp chướng.

Hãy tha thứ để được thứ tha. Ta được Chúa tha món nợ quá lớn, ta chỉ tha cho anh em món nợ quá nhỏ. Tha thứ được, phần phúc của ta càng lớn; không tha thứ được, phần phạt của ta càng nặng. Tha thứ là tự giải thoát mình, là tháo cởi xiềng xích mà mình đã tự trói buộc. Mỗi ngày trong kinh Lạy Cha, chúng ta đều “xin tha nợ cho chúng con như
chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con”. Hãy nhìn ngắm Đức Giêsu trên thập giá, bị kẻ gian ác hành hình mà miệng vẫn xin Cha tha thứ.

Cầu nguyện
Lạy Chúa Giêsu!
Đời con luôn lãnh nhận ơn tha thứ,
thế nhưng có mấy khi con thứ tha,
con xin Chúa mở rộng lượng hải hà,
nhưng xem ra lòng con không muốn mở,
sao con lại cứ nỡ trói buộc người?
Khi lòng bao dung bị bỏ quên,
tôn giáo sẽ lầm lạc, chân lý sẽ thất lạc,
đạo hạnh sẽ sai lạc, con người ra lệch lạc,
giáo thuyết chỉ còn là mớ bòng bong,
và đức tin cũng chỉ là ảo vọng.
Mỗi khi con tha thứ cho người khác,
tâm nhẹ nhàng và thanh thản biết bao.
cớ sao con lại phải luôn chấp nhất,
hại tinh thần và đánh mất niềm vui.
Nước thiên đàng hay hoả ngục trần gian,
chẳng đâu xa mà ở chính tâm con,
khi tha thứ hay không muốn thứ tha;
là đã theo đường chánh hay đường tà.

Tuy tha thứ con phải chịu họa tai,
giống như Chúa bị coi là khờ dại,
nhưng rồi chính tình thương sẽ chiến thắng,
quả tim đá tan chảy trước thứ tha.
Xin cho con luôn sẵn sàng tha thứ,
tha thứ hoài tha thứ mãi không thôi,
giống như hoa cứ tươi nở mỗi ngày
hương ân tình lại thơm ngát tỏa bay.
Xin cho đời con là lời tha thứ,
lời bao dung như Chúa rất nhân từ,
làm đẹp sáng tình yêu trên thập tự,
để hướng tới thiên đàng mãi an cư. Amen.

WGPKT(15/09/2023) KONTUM