Tôi đã đưa lưng cho người ta đánh đòn.
Bài trích sách ngôn sứ I-sai-a.
5Đức Chúa là Chúa Thượng đã mở tai tôi,
còn tôi, tôi không cưỡng lại, cũng chẳng tháo lui.
6Tôi đã đưa lưng cho người ta đánh đòn,
giơ má cho người ta giật râu.
Tôi đã không che mặt khi bị mắng nhiếc phỉ nhổ.
7Có Đức Chúa là Chúa Thượng phù trợ tôi,
vì thế, tôi đã không hổ thẹn,
vì thế, tôi trơ mặt ra như đá.
Tôi biết mình sẽ không phải thẹn thùng.
8Đấng tuyên bố rằng tôi công chính, Người ở kề bên.
Ai tranh tụng với tôi ? Cùng nhau ta hầu toà !
Ai muốn kiện cáo tôi ? Cứ thử đến đây coi !
9aNày, có Đức Chúa là Chúa Thượng phù trợ tôi,
ai còn dám kết tội ?
Đ.Tôi sẽ bước đi trước nhan thánh Chúa Trời
trong cõi đất dành cho kẻ sống.
1Lòng tôi yêu mến Chúa,
vì Chúa đã nghe tiếng tôi khẩn nài,2Người lại lắng tai ngày tôi kêu cứu.
Đ.Tôi sẽ bước đi trước nhan thánh Chúa Trời
trong cõi đất dành cho kẻ sống.
3Dây tử thần đã bủa vây tôi chằng chịt,
lưới âm ty chụp xuống trên mình.4Gặp gian truân sầu khổ, tôi đã kêu cầu danh Chúa :
“Ôi lạy Chúa, xin cứu gỡ mạng con !”
Đ.Tôi sẽ bước đi trước nhan thánh Chúa Trời
trong cõi đất dành cho kẻ sống.
5Chúa là Đấng nhân từ chính trực,
Thiên Chúa chúng ta một dạ xót thương,6hằng gìn giữ những ai bé mọn,
tôi yếu đuối, Người đã cứu tôi.
Đ.Tôi sẽ bước đi trước nhan thánh Chúa Trời
trong cõi đất dành cho kẻ sống.
8Chúa cứu gỡ mạng tôi khỏi chết,
giữ mắt này chẳng còn đẫm lệ,
ngăn ngừa tôi khỏi phải hụt chân.9Tôi sẽ bước đi trước mặt Người
trong cõi đất dành cho kẻ sống.
Đ.Tôi sẽ bước đi trước nhan thánh Chúa Trời
trong cõi đất dành cho kẻ sống.
Đức tin không có hành động, thì quả là đức tin chết.
Bài trích thư của thánh Gia-cô-bê tông đồ.
14 Thưa anh em, ai bảo rằng mình có đức tin mà không hành động theo đức tin, thì nào có ích lợi gì ? Đức tin có thể cứu người ấy được chăng ? 15 Giả như có người anh em hay chị em không có áo che thân và không đủ của ăn hằng ngày, 16 mà có ai trong anh em lại nói với họ : “Hãy đi bình an, mặc cho ấm và ăn cho no”, nhưng lại không cho họ những thứ thân xác họ đang cần, thì nào có ích lợi gì ?
17 Cũng vậy, đức tin không có hành động, thì quả là đức tin chết. 18 Đàng khác, có người sẽ bảo : “Bạn, bạn có đức tin ; còn tôi, tôi có hành động. Bạn thử cho tôi thấy thế nào là tin mà không hành động, còn tôi, tôi sẽ hành động để cho bạn thấy thế nào là tin.”
Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a. Ước chi tôi chẳng hãnh diện về điều gì, ngoài thập giá Chúa. Nhờ thập giá Người, thế gian đã bị đóng đinh vào thập giá đối với tôi, và tôi đối với thế gian. Ha-lê-lui-a.
Thầy là Đấng Ki-tô. Con Người phải chịu đau khổ nhiều.
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô.
27 Khi ấy, Đức Giê-su và các môn đệ rời Bết-xai-đa để đi tới các làng xã vùng Xê-da-rê Phi-líp-phê. Dọc đường, Người hỏi các môn đệ : “Người ta nói Thầy là ai ?” 28 Các ông đáp : “Họ bảo Thầy là ông Gio-an Tẩy Giả, có kẻ thì bảo là ông Ê-li-a, kẻ khác lại cho là một ngôn sứ nào đó.” 29 Người lại hỏi các ông : “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai ?” Ông Phê-rô trả lời : “Thầy là Đấng Ki-tô.” 30 Đức Giê-su liền cấm ngặt các ông không được nói với ai về Người.
31 Rồi Người bắt đầu dạy cho các ông biết : Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết và sau ba ngày sẽ sống lại. 32 Người nói rõ điều đó, không úp mở. Ông Phê-rô liền kéo riêng Người ra và bắt đầu trách Người. 33 Nhưng khi Đức Giê-su quay lại, nhìn thấy các môn đệ, Người trách ông Phê-rô : “Xa-tan ! lui lại đàng sau Thầy ! Vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người.”
34 Rồi Đức Giê-su gọi đám đông cùng với các môn đệ lại. Người nói với họ rằng : “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo. 35 Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất ; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi và vì Tin Mừng, thì sẽ cứu được mạng sống ấy.”
(Nguồn: ktcgkpv.org)
—————————-
Suy niệm 1: TGM Giuse Vũ Văn Thiên
TUYÊN XƯNG VÀ SỐNG ĐỨC TIN
Trong lịch sử nhân loại, có thể khẳng định một cách chính xác rằng, Đức Giê-su là nhân vật được tìm hiểu, học hỏi và phân tích nhiều nhất. Trải qua dòng thời gian, nhân vật Đức Giê-su đã được diễn tả theo nhãn quan đa dạng của những khuynh hướng chính trị, văn hoá và xã hội. Những khuynh hướng này phần lớn nhấn mạnh tới khía cạnh con người lịch sử của Đức Giê-su thành Na-gia-rét. Đối với Ki-tô hữu, Đức Giê-su không chỉ là con người của lịch sử, mà còn là con người của đức tin. Tiếp nối thánh Phê-rô, hai mươi thế kỷ đã qua, Giáo Hội Ki-tô luôn tuyên xưng Đức Giê-su là Đấng Ki-tô. Người là Ngôi hai Thiên Chúa, được Chúa Cha sai đến cứu độ trần gian. Người đã chết và Người đang sống giữa chúng ta.
Khi tuyên xưng đức tin vào Đức Giê-su, trọn vẹn đời sống người Ki-tô hữu phải quy hướng về Người. Ki-tô hữu không chọn cho mình một thần tượng giữa những người trần thế, mà chọn chính Chúa Giê-su là Thần tượng của họ. Vì thế, đức tin giúp người tín hữu trở nên giống Chúa Giê-su trong tư tưởng, lời nói và việc làm. Lý tưởng của Ki-tô giáo là trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Ki-tô, theo kiểu nói của thánh Phao-lô trong thư gửi tín hữu Rô-ma (x. Rm 8,28-30).
Một tác giả đã viết, đại ý: Thuở ban đầu, Thiên Chúa dựng con người giống hình ảnh của Ngài. Nhưng thời nay, con người lại đang tạo dựng Thiên Chúa giống như hình ảnh của mình. Quả vậy, con người trong xã hội hiện đại đang sáng tạo ra một “thượng đế”, một “thiên chúa” biết chiều theo những dục vọng, xu hướng và đam mê của họ. Họ nại vào lòng thương xót từ bi của Thiên Chúa, để suy diễn theo chiều hướng có lợi cho lối sống buông thả và những hành vi suy đồi đạo đức. Thiên Chúa có nguy cơ trở thành sản phẩm của trí tuệ con người. Chân dung Thiên Chúa và hình ảnh Đức Giê-su đang bị biến dạng vì những lập luận nguy hiểm này.
Đức Giê-su cứu độ con người không theo phương pháp và cách thức trần gian. Giáo Hội luôn cung kính tôn thờ thập giá của Đức Giê-su. Người đã bước đi trên con đường thập giá và đã chết trên cây thập giá. Cuộc khổ nạn thập giá, nhìn theo nhãn giới loài người, là một thất bại đau thương; nhưng dưới cái nhìn của Thiên Chúa, lại là sự chiến thắng vẻ vang.
Các Tông đồ xưa kia và nhiều người trong chúng ta hôm nay, dường như chưa được chuẩn bị đủ để đón nhận mầu nhiệm thập giá. Phê-rô đã can ngăn Thày mình, khi Người tiên báo cuộc khổ nạn, đến nỗi ông bị Chúa quở trách là “Xa-tan”. Những kỳ lão Do Thái cũng mang tâm trạng ấy, và họ coi thập giá là một thất bại hoàn toàn. Họ đã chế giễu Chúa khi Người bị đóng đinh: “Hắn cứu được thiên hạ, mà chẳng cứu nổi mình. Ông Ki-tô vua Israel, cứ xuống khỏi thập giá ngay bây giờ đi, để chúng ta thấy và tin” (Mc 15,31-32). Những lời thách thức của các thượng tế và kinh sư cũng đang vang lên hôm nay, trong xã hội của chúng ta. Người ta thách thức Thiên Chúa: nếu Thiên Chúa quyền năng và từ bi nhân hậu, tại sao có chiến tranh, nạn đói, dịch bệnh và đau khổ chết chóc? Đối diện với những thách thức ấy, những người tin vào Chúa Giê-su cần xác tín và quyền năng của Người, trung thành với đức tin và với lý tưởng mình đã chọn.
Giữa những hoang mang của con người trước thập giá, Chúa Giê-su khẳng định: “Ai theo Tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình, vì Tôi và vì Tin Mừng, thì sẽ cứu được mạng sống ấy”. Trong hai câu văn này, chữ “mình” được nhấn mạnh bốn lần. Chúa muốn nói với chúng ta, đi theo Người không phải chỉ là hô khẩu hiệu, hoặc với đức tin mờ nhạt, chỉ có khi hạnh phúc an vui. Theo Chúa là gắn bỏ trung thành với Người, cùng đi với Người trên con đường thập giá. Nơi khác, Người hứa với chúng ta, nếu ai đến với Người, Người sẽ nâng đỡ và bổ sức cho. Những ai cậy trông vào Người, Người sẽ không từ bỏ bao giờ. Mỗi chúng ta, cách này hay cách khác, đã kinh nghiệm điều đó. Theo Chúa Giê-su là đi trên con đường thập giá, nhưng đích điểm của hành trình này là sự phục sinh vinh quang.
Là môn đệ Đức Giê-su, chúng ta được mời gọi làm chứng cho Thày Giê-su, ngay trong cuộc sống cụ thể của mình, bằng những việc làm thiết thực. “Đức tin không có việc làm là đức tin chết”. Câu tuyên bố của thánh Gia-cô-bê (Bài đọc II) cho thấy hai khía cạnh có mối tương quan lô-gích với nhau giữa đức tin được tuyên xưng và đức tin được sống cách cụ thể. Tuyên xưng đức tin không chỉ bằng môi miệng, mà còn bằng việc làm. Cả hai khía cạnh đều cần thiết và làm nên một đức tin hoàn hảo.
Tín hữu có nghĩa là “người tin”. Chúng ta đã và đang thể hiện đức tin như thế nào? Câu hỏi này cũng giống như câu hỏi của Chúa Giê-su: “Các con bảo Thầy là ai?”. Vâng, Người vẫn luôn đặt ra cho chúng ta câu hỏi căn bản này. Tư cách Ki-tô hữu của mỗi người phụ thuộc vào câu trả lời trước câu hỏi của Chúa.
+TGM Giuse Vũ Văn Thiên
—————————-
Suy niệm 2: Lm. Luy Gonzaga Nguyễn Quang Vinh
TIN KHÔNG VUI
Tin Buồn quan trọng nhất trong Kitô giáo được tiên tri Isaia nói tới sáu trăm năm trước khi vụ việc xảy ra, ông giới thiệu cho chúng ta nhân vật ‘Người tôi tớ của Thiên Chúa’. Người tôi tớ này chấp nhận hy sinh, chịu nhục nhã, chịu đau khổ tư bề để thi hành sứ vụ của Thiên Chúa, sở dĩ nhân vật này chịu đựng được tất cả là vì có Thiên Chúa nâng đỡ và đứng về phía ông chống lại những người cáo buộc ông. “Tôi không cưỡng lại, cũng chẳng tháo lui. Tôi đã đưa lưng cho người ta đánh đòn, giơ má cho người ta giật râu … Có Đức Chúa phù trợ tôi, vì thế tôi không hề hổ thẹn. Ai còn dám kết tội tôi?” (x. Bài Đọc 1. Is 50, 5-9a).
Tin buồn nầy là bản phác họa ơn gọi của mọi tiên tri hôm qua cũng như hôm nay và mãi về sau, là ngôn sứ thường bị người đời chèn ép bắt bớ và hành hạ, tất cả họ đều mang thân phận Người tôi tớ của Thiên Chúa, Người tôi tớ đau khổ. Đây cũng là hình tự thân của Đức Giêsu phác họa mình khi khai trương việc rao giảng bằng Bài Giảng trên núi, mở đầu cho Phúc thật tám Mối.
Và khi những Kitô hữu đầu tiên đọc lại lời sấm này dưới ánh sáng Phục sinh thì họ nhận ngay ra Người tôi tớ đau khổ mà tiên tri Isaia mô tả là chính Đức Giêsu thành Nadarét và vụ án của Người đã diễn ra trong tuần Thương khó. Trong vụ án này các ký lục, biệt phái, tư tế và dân chúng đứng lên chống đối Đức Giêsu, nộp Người cho quan Philatô, đòi kết án Người và đóng đinh Người vào thập giá. Đối phương gây áp lực, uy hiếp quan tổng trấn Philatô, buộc ông ra án tử hình cho Đức Giêsu. Người Do thái dùng bàn tay của chính quyền Rôma để giết Đức Giêsu, Người bị kết án tử hình do chính dân tộc mình.
Đức Giêsu là đệ nhất Ngôn sứ, Người đầy tớ tuyệt hảo của Thiên Chúa, là Đấng Mêsia, tức là Đấng Cứu tinh dân tộc. Hiểu được như vậy, chúng ta thấy cuộc phỏng vấn thăm dò sau đây của Đức Giêsu có tính điều tra xét hỏi. Đức Giêsu hỏi các môn đệ: “Người ta bảo Thầy là ai? … Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?”. Ông Phêrô làm đại biểu thay cả nhóm trả lời: “Thầy là Đấng Kitô”. Nội dung của câu trả lời này vượt khỏi tâm trí và sự hiểu biết của ông Phêrô vì lời phát biểu nói về chân tướng Đấng Mêsia, bao hàm ý nghĩa chết chóc : “Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết và sau ba ngày sẽ sống lại” (x. Tin Mừng Mc, 8,27-35). Lúc nầy ông Phêrô không hình dung được lý do tại sao Đấng Kitô phải chịu đau khổ và chịu chết, bởi vì trong tâm trí, ông quan niệm một Đức Mêsia uy lực quyền thế theo nhãn quan nhân loại mới có thể chiến thắng được đối phương và đem lại vinh quang cho môn đệ. Ông không ngờ rằng Ơn Cứu Độ sẽ được thực hiện một cách hoàn toàn khác.
Cái thảm cảnh chết chóc u sầu đó được Đức Giêsu tuyên bố thẳng thừng không úp mở, Người nói về số phận của chính mình và cũng là số phận của Đấng Mêsia. Như thế Người đầy tớ của Thiên Chúa được nói đến trong sách ngôn sứ Isaia chính là hình ảnh và là gương mặt của Đức Giêsu, Đấng chấp nhận chịu chết để cứu chuộc muôn dân. Số phận chết chóc này là Tin Không Vui cho những ai theo chân Đức Giêsu, ông Phêrô đã không đồng ý về tin buồn nầy và đã can ngăn Đức Giêsu, nhưng Người không nhượng bộ mà còn khẳng định: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” (c. 34).
Người Kitô hữu tin vào Đức Giêsu Kitô được yêu cầu sống đức tin của mình và tuyên xưng đức tin đó ra bên ngoài, đòi hỏi này được Thư Giacôbê minh định: “Tin mà không hành động theo đức tin, thì nào có ích lợi gì? Đức tin không có hành động là đức tin chết” (x. Bài Đọc 2. Gc 2, 14-18). Tin trong lòng phải đi đôi với tuyên xưng ngoài miệng mới được cứu rỗi.
Đức tin là sự chấp nhận sự thật về con người Đức Giêsu trong tâm hồn và thực thi ra bên ngoài qua hành vi luân lý, như vậy sống luân lý là cách diễn tả đức tin một cách thiết thực trong đời sống xã hội. Tin Thiên Chúa là Đấng chân thật, nên người tín hữu phải sống không dối trá; tin Thiên Chúa là vua tình yêu, cho nên phải yêu thương mọi người không phân biệt sang hèn. Đức tin phải đi liền với đức mến, tức là hành động bác ái từ thiện, hành động mà không có hy vọng thì vô nghĩa. Cho nên đức tin, đức cậy, đức mến là ba nhân đức đối với Thiên Chúa, đi liền nhau trong cuộc đời người Kitô hữu. Đó là ba nhân đức đối thần người Kitô hữu được trao ban ngày lãnh nhận phép Rửa tội.
‘Chúa Chết’ là tin không vui lại là tin vui cho những ai được hưởng ơn cứu độ vì máu Đức Kitô có đổ ra, ơn cứu độ mới được trao ban cho nhân loại, nói cách khác máu không đổ thì tội không được tha (Thư Do thái). Điều nấy cho thấy lý do tại sao Kitô giáo cử hành lễ ‘Giỗ’ của Đức Giêsu rất long trọng suốt cả Tuần thánh, đó là chóp đỉnh của phụng tự Kitô giáo, xem ra cả tuần ầy Giáo hội cử hành sự thất bại của Đức Giêsu, sự thất bại theo kế hoạch của Thiên Chúa Cứu độ.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã chấp nhận thân phận làm Người Đầy Tớ Đau Khổ để cứu độ trần gian, xin cho con biết chấp nhận những khó khăn trong đời thường để hiệp thông với sự đau khổ của Chúa làm nên ơn cứu độ trần gian . Amen
—————————-
Suy niệm 3: Lm. Thái Nguyên
THẦY LÀ AI?
Suy niệm
“Người ta nói Thầy là ai?”. Các môn đệ trả lời là dân chúng coi Thầy là Gioan Tẩy Giả, là ngôn sứ Êlia hay một ngôn sứ nào đó. Dân chúng bên ngoài có một cái nhìn mơ hồ và thiếu sót về Đức Giêsu. Ngài chờ đợi một câu trả lời rõ ràng và đầy đủ hơn từ phía các môn đệ, là những người đã theo Ngài một thời gian, đã từng ở với Ngài, nghe Ngài giảng, thấy những dấu lạ Ngài làm… Ngài không trực tiếp nói cho họ biết rõ căn tính của mình, nhưng để họ tự khám phá ra.
“Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?”. Phêrô đại diện cho cả nhóm, nói lên niềm xác tín của mình:“Thầy là Ðấng Kitô”. Phêrô trả lời hoàn toàn đúng, nhưng hình ảnh của ông về Đức Kitô vẫn không khác với quan niệm của đám đông: là một Đức Kitô oai phong lẫm liệt, chỉ chiến thắng chứ không hề chiến bại. Quan niệm và xác định như thế, nên khi Đức Giêsu tiên báo về cuộc Thương Khó của Ngài đã khiến Phêrô choáng váng. Ông không sao hiểu nổi vì đang mải mê với một Đức Kitô vinh quang. Ông vội kéo riêng Ngài ra để ngăn lại ý định đó, nhưng bị quở trách ngay: “Xatan! lui lại đằng sau Thầy. Vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người”. Đức Giêsu biết rõ đâu là con đường Chúa Cha mong muốn, và đâu là con đường thế gian mong đợi. Con đường của Thiên Chúa thì vượt trên suy nghĩ khôn ngoan của loài người (x.1Cr 1,25).
Do đó, không để các ông lầm tưởng về lý tưởng mà các ông muốn dấn thân, nên Đức Giêsu nói thẳng:“Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo”. Từ bỏ chính mình là không còn sống cho chính mình nữa, mà dám liều mất mạng sống mình vì Đức Kitô và vì Tin Mừng. Từ bỏ chính mình là điều kiện tiên quyết, nếu không, việc tiếp nhận Đức Giêsu và sống sứ mạng đời mình sẽ trở thành một ảo vọng, hay đúng hơn là một tham vọng, một hình thức từ bỏ để chiếm hữu. Vì ngay các môn đệ, dù đã bỏ cha mẹ, vợ con, nghề nghiệp, tài sản… để theo Chúa, thì họ vẫn muốn có được quyền cao chức trọng, và hơn nữa còn tranh nhau xem ai là người lớn nhất (x.Mc 9,33), vì họ nghĩ Đức Giêsu sắp thành lập Israel mới.
Xem ra “Cái tôi” có nguy cơ lớn lên song song với lòng quảng đại hiến thân của họ. Vì vậy mà Nhóm Mười Hai đã từng tranh luận với nhau xem ai là người lớn nhất (x. Mc 9, 33). Trở ngại đầu tiên và cuối cùng cũng vẫn là cái tôi. Từ bỏ cái tôi là nỗ lực liên tục của mọi Kitô hữu, dù là tu sĩ hay giáo dân, già hay trẻ, trí thức hay ít học. Thanh tẩy tội lỗi của mình đã là điều khó, nhưng thanh tẩy mình khỏi những nhân đức và công trạng xem ra còn khó hơn. Đó là điều mà ta phải luôn cảnh giác mình trên con đường theo Chúa.
Ngày nay, những ai nghe biết về Đức Giêsu, thì phần lớn nhìn nhận Ngài là một vĩ nhân, một siêu nhân, một vị Thầy đáng cho nhân loại thượng tôn. Như vậy Ngài cũng giống như Đức Khổng Tử, được thiên hạ tôn làm “Vạn Thế Sư Biểu”. Triết gia Karl Jasper đã từng xác nhận Đức Giêsu cùng với Socrates, Đức Phật, và Khổng Tử là một trong bốn nhân vật mẫu mực cho người đời noi theo. Và nếu như thế thì cũng không khác gì cái nhìn của người Do Thái trong bài Tin Mừng này. Nơi Đức Giêsu còn một cái gì cao vượt hơn nhiều, vì liên quan trực tiếp đến toàn thể loài người và mỗi người, như lời Ngài phán:“Tôi là đường, là sự thật và là sự sống” (Ga14,6). Ngài còn xác định nguồn cội và căn tính tuyệt đối của mình:“Tôi và Chúa Cha là một” (Ga10,10). Vì thế, “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha” (Ga 14, 9).
Sự kiện trên cho chúng ta thấy, nhận ra Thầy là Đức Kitô mới chỉ là một ân phúc; tuyên xưng đức tin mới là một khởi đầu, còn cả một tiến trình khám phá hơn nữa qua việc sống đức tin. Vì thế, điều quan trọng ở chỗ Đức Giêsu là ai đối với tôi? Để trả lời câu hỏi này, Đức Giáo Hoàng Phanxicô cho biết, trước tiên: “Tôi phải đào sâu vào trong tâm hồn tôi”; nghĩa là phải bắt đầu từ kinh nghiệm của mình. Thánh Phaolô cũng đã trả lời câu hỏi đó bằng chính kinh nghiệm của ngài: Đức Kitô là “Đấng đã yêu mến tôi, và hiến mạng vì tôi.” (Gl 2, 20). Muốn có kinh nghiệm này, tôi phải nhận ra mình là một tội nhân, và tuyệt đối cần đến sự cứu chuộc của Đức Kitô.
Đức Giáo Hoàng còn nói đến bước thứ hai là chiêm niệm và cầu nguyện. Ngài nhắc lại một lời nguyện tuyệt vời của thánh Augustinô: “Lạy Chúa, xin cho con biết Chúa, và xin cho con biết con”. Đây là ân ban mà chúng ta phải có lòng khao khát và cầu xin hằng ngày, để có thể liên tục khám phá về Đức Giêsu, Đấng luôn mới mẻ trong cuộc đời mình và trong từng biến cố của nhân sinh.
Cầu nguyện
Lạy Chúa Giêsu!
Câu hỏi mà ngày xưa Chúa đặt ra,
đến ngày nay vẫn còn luôn mới lạ,
con không thể trả lời theo người ta,
mà từ chính kinh nghiệm của bản thân,
qua thời gian con biết Chúa dần dần.
Nhưng rồi con thấy Chúa thật quá to,
vẫn là một mầu nhiệm trí khôn dò,
chẳng thể nào con nói ra cho rõ,
và khó lòng mà biểu tỏ cho ai,
vì lời nói dễ làm cho hiểu sai,
nên phải trải nghiệm từ trái tim mình.
Con nhận ra chính Chúa là tình thương,
hơn tất cả những gì con biết được,
hơn tất cả những gì con mơ ước,
và là chỗ duy nhất con tựa nương.
Có khi con thấy Chúa rất lạ thường,
vì hành động không như con suy tưởng,
có những điều xem ra quá nghịch thường,
rất gần gũi nhưng vô cùng siêu vượt.
Xin Chúa hãy thanh lọc tâm trí con,
những hình ảnh đã vốn có về Ngài,
những quan niệm có khi cũng đã sai,
để đón nhận một Giê-su mới mẻ,
một Giê-su luôn có nhiều dáng vẻ,
làm tim con luôn tươi trẻ trong Ngài.
Xin cho con mỗi ngày thêm khám phá,
để thực sự thấy Chúa là tất cả,
và lời con đáp trả thật sâu xa,
không phải bằng lời lẽ của người ta,
mà là bằng cuộc sống của chính mình,
sống hết tình vì danh Chúa hiển vinh. Amen.
Lm. Thái Nguyên
WGPKT(12/09/2024) KONTUM