Chúa Nhật XXIX Thường Niên, Năm A (CN 22.10.2023) – Trả Về Thiên Chúa

Bài đọc 1: Is 45,1.4-6

Đức Chúa đã cầm lấy tay phải vua Ky-rô để bắt các dân tộc suy phục ông.

Bài trích sách ngôn sứ I-sai-a.

1Đức Chúa phán với kẻ Người đã xức dầu, với vua Ky-rô
– Ta đã cầm lấy tay phải nó,
để bắt các dân tộc suy phục nó,
Ta tước khí giới của các vua,
mở toang các cửa thành trước mặt nó,
khiến các cổng không còn đóng kín nữa.
4Vì lợi ích của tôi tớ Ta là Gia-cóp,
và của người Ta đã chọn là Ít-ra-en,
Ta đã gọi ngươi đích danh, đã ban cho ngươi một tước hiệu,
dù ngươi không biết Ta.
5Ta là Đức Chúa, không còn chúa nào khác ;
chẳng có ai là Thiên Chúa, ngoại trừ Ta.
Dù ngươi không biết Ta, Ta đã trang bị cho ngươi đầy đủ,
6để từ Đông sang Tây, thiên hạ biết rằng
chẳng có thần nào khác, ngoại trừ Ta.
Ta là Đức Chúa, không còn chúa nào khác.

Đáp ca: Tv 95,1 và 3.4-5.7-8a.8b-10ac (Đ. c.7b)

Đ.Hãy dâng Chúa quyền lực và vinh quang.

1Hát lên mừng Chúa một bài ca mới,
hát lên mừng Chúa, hỡi toàn thể địa cầu !3kể cho muôn dân biết Người thật là vinh hiển,
cho mọi nước hay những kỳ công của Người.

Đ.Hãy dâng Chúa quyền lực và vinh quang.

4Chúa thật cao cả, xứng muôn lời ca tụng,
khả tôn khả uý hơn chư thần,5vì chư thần các nước thảy đều hư ảo,
còn Đức Chúa, Người sáng tạo trời cao.

Đ.Hãy dâng Chúa quyền lực và vinh quang.

7Hãy dâng Chúa, hỡi các dân các nước,
dâng Chúa quyền lực và vinh quang,8ahãy dâng Chúa vinh quang xứng danh Người.

Đ.Hãy dâng Chúa quyền lực và vinh quang.

8bHãy bưng lễ vật, bước vào tiền đình Chúa,9và thờ lạy Chúa uy nghiêm thánh thiện,
toàn thể địa cầu, hãy run sợ trước Thánh Nhan.10acHãy nói với chư dân : Chúa là Vua hiển trị,
Người xét xử muôn nước theo đường ngay thẳng.

Đ.Hãy dâng Chúa quyền lực và vinh quang.

Bài đọc 2:1 Tx 1,1-5b

Chúng tôi nhớ đến lòng tin, lòng mến và lòng trông cậy của anh em.

Khởi đầu thư thứ nhất của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca.

1 Chúng tôi là Phao-lô, Xin-va-nô và Ti-mô-thê, kính gửi Hội Thánh Thê-xa-lô-ni-ca ở trong Thiên Chúa Cha, và trong Chúa Giê-su Ki-tô. Chúc anh em được ân sủng và bình an.

2 Chúng tôi hằng tạ ơn Thiên Chúa về tất cả anh em. Chúng tôi nhắc đến anh em trong lời cầu nguyện, 3 và trước mặt Thiên Chúa là Cha chúng ta, chúng tôi không ngừng nhớ đến những việc anh em làm vì lòng tin, những nỗi khó nhọc anh em gánh vác vì lòng mến, và những gì anh em kiên nhẫn chịu đựng vì trông đợi Chúa chúng ta là Đức Giê-su Ki-tô.

4 Thưa anh em là những người được Thiên Chúa thương mến, chúng tôi biết rằng Thiên Chúa đã chọn anh em, 5b vì khi chúng tôi loan báo Tin Mừng cho anh em, thì không phải chỉ có lời chúng tôi nói, mà còn có quyền năng, có Thánh Thần, và một niềm xác tín sâu xa.

Tung hô Tin Mừng:Pl 2,15d.16a

Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a. Giữa thế gian, anh em phải chiếu sáng như những vì sao trên vòng trời, là làm sáng tỏ lời ban sự sống. Ha-lê-lui-a.

Tin Mừng: Mt 22,15-21
 

Của Xê-da, trả về Xê-da ; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa.

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.

15 Khi ấy, những người Pha-ri-sêu đi bàn bạc với nhau, tìm cách làm cho Đức Giê-su phải lỡ lời mà mắc bẫy. 16 Họ sai các môn đệ của họ cùng đi với những người phe Hê-rô-đê, đến nói với Đức Giê-su rằng : “Thưa Thầy, chúng tôi biết Thầy là người chân thật và cứ sự thật mà dạy đường lối của Thiên Chúa. Thầy cũng chẳng vị nể ai, vì Thầy không cứ bề ngoài mà đánh giá người ta. 17 Vậy xin Thầy cho biết ý kiến : có được phép nộp thuế cho Xê-da hay không ?”

18 Nhưng Đức Giê-su biết họ có ác ý, nên Người nói : “Tại sao các người lại thử tôi, hỡi những kẻ đạo đức giả ! 19 Cho tôi xem đồng tiền nộp thuế !” Họ liền đưa cho Người một quan tiền. 20 Người hỏi họ : “Hình và danh hiệu này là của ai đây ?” 21 Họ đáp : “Của Xê-da.” Bấy giờ, Người bảo họ : “Thế thì của Xê-da, trả về Xê-da ; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa.”

(Nguồn: ktcgkpv.org)

—————————-

Suy niệm 1: Tgm. Giuse Vũ Văn Thiên

“THIÊN CHÚA VÀ TRẦN GIAN”

“Hãy trả cho Xê-da điều thuộc về Xê-da, hãy trả cho Thiên Chúa điều thuộc về Thiên Chúa”. Lời tuyên bố của Chúa Giê-su đã quyết định một ranh giới giữa Thiên Chúa và thế gian. Người tín hữu sống giữa thế gian mà không thuộc về thế gian (x. Ga 15,19). Như đóa sen giữa bùn lầy, vẫn vươn cao và tỏa hương thơm ngát, Ki-tô hữu hòa mình vào cuộc sống trần thế đầy bon chen và gian dối, nhưng không để mình bị lây nhiễm những thói xấu của cuộc đời trần tục. Nói như thế không có nghĩa là coi thường những giá trị trần thế hoặc guồng máy lãnh đạo xã hội. Bởi lẽ tham gia xây dựng một xã hội nhân ái và công bằng chính là điều kiện để trở nên Ki-tô hữu đích thực.

Xê-da là hoàng đế La mã. Tên đầy đủ của ông là Gaius Julius Caesar (sinh năm 100 TCN, và bị ám sát năm 44 TCN). Ông được coi như người khai sinh ra đế quốc, vì vậy hình của ông được đúc nổi trên đồng tiền trong nhiều thế kỷ. Trong ngôn ngữ thời Chúa Giê-su, nói đến Xê-da là nói đến quyền lực và của cải trần thế. Những người Biệt phái tìm cách gài bẫy Đức Giê-su, khi đặt ra câu hỏi này. Bởi lẽ dù câu trả lời là có nộp thuế hay không nộp thuế, thì vẫn có cớ để làm to chuyện. Không nộp thuế tức là chống lại nhà nước; có nộp thuế thì chẳng có gì khác những người theo phe ủng hộ nhà nước, tức là làm chính trị. Câu trả lời của Chúa Giê-su không dừng lại ở chuyện tiền thuế, nhưng còn đi xa hơn. Người không trực tiếp chống lại hoàng đế, mà nêu rõ quan điểm của Người: Phải trả lại cho Thiên Chúa những gì thuộc về Ngài, vì Thiên Chúa là Chủ của mọi sự, kể cả quyền lực thế gian. Sau này, khi đứng trước tòa Phi-la-tô, Chúa Giê-su khảng khái nói: “Ngài chẳng có quyền gì đối với tôi, nếu Trời không ban cho ngài” (Ga 19,11).

“Tại sao các người lại thử tôi, hỡi những kẻ giả hình!”. Chúa Giê-su biết rõ tư tưởng và mưu mô của họ. “Hãy trả cho Xê-da điều thuộc về Xê-da, hãy trả cho Thiên Chúa điều thuộc về Thiên Chúa”. Chúa Giê-su không trốn tránh trách nhiệm của người công dân, đồng thời Người cũng khẳng định Thiên Chúa là Chủ tuyệt đối của các dân tộc. Nếu hình của một hoàng đế được khắc trên đồng tiền, thì, hình ảnh Thiên Chúa lại được khắc sâu nơi mỗi tâm hồn con người. Vì thế, con người phải chủ toàn những bổn phận đối với Ngài, không chỉ là đóng thuế Đền thờ, mà còn là tâm tình thờ lạy, tạ ơn và cầu nguyện bằng trái tim trọn vẹn. Mưu mô của đám biệt phái đã thất bại, thánh Mát-thêu viết: “Và họ để Người lại đó mà đi”.

Thiên Chúa là Đấng Tối cao và là Đấng duy nhất đáng tôn thờ. Đó cũng là khẳng định của chính Chúa qua ngôn sứ I-sai-a. Vua chúa trần gian suy cho cùng cũng là do Thiên Chúa ban cho quyền lãnh đạo. Ông Ky-rô là vua Ba-tư đã giải phóng dân Ít-ra-en lưu đày, cho họ trở về quê cha đất tổ, theo giáo huấn của vị ngôn sứ, là vị vua được chính Thiên Chúa sai đến. Ông là hình ảnh của Đấng Ki-tô sau này. Người đến để giải phóng nhân loại khỏi lầm than tội lỗi. Chúa Giê-su đã chiến thắng mưu mô của con người. Người đã chiến thắng tử thần, chiến thắng ma quỷ, giải thoát và cho nhân loại được hưởng tự do của những con cái Chúa.

Ki-tô hữu là công dân của vương quốc vĩnh cửu, đồng thời cũng là công dân của vương quốc trần gian. Họ phải chu toàn những bổn phận công dân, nhưng không buộc phải làm những gì trái ngược với luật Chúa và luật Giáo Hội. Ví dụ chính phủ một số quốc gia cho phép ly dị, phá thai, người công giáo vẫn phải coi ly dị là sự phản bội lời cam kết trong bí tích Hôn nhân và phá thai là giết người, xúc phạm đến Thiên Chúa là chủ sự sống.

Cách đây vài tuần, Đức Thánh Cha Phan-xi-cô gửi thư cho các tín hữu Công giáo Việt Nam. Đây là một đặc ân mà người kế vị Thánh Phê-rô dành cho dân tộc chúng ta. Dựa trên nội dung được gửi cho ông Diognetus ở thế kỷ thứ hai, Đức Thánh Cha viết: “Như vậy, các tín hữu Công giáo, hoặc qua việc xây dựng Hội Thánh bằng cách cộng tác vào sinh hoạt mục vụ với tinh thần đồng trách nhiệm, hoặc một cách đặc biệt, đem tinh thần Phúc Âm vào các thực tại trần thế, họ sẽ thể hiện căn tính của mình là người Ki-tô hữu tốt và là công dân tốt. Trong viễn cảnh này, khi thực hiện được những điều kiện thuận lợi cho việc thực hành tôn giáo cách tự do, các tín hữu Công giáo sẽ có thể tăng cường đối thoại và mang lại niềm hy vọng cho đất nước ”Cũng trong Thư này, Đức Thánh Cha nhắc lại giáo huấn của Đức Giáo Hoàng Bê-nê-đi-tô XVI nhân dịp Ad Limina của Hội đồng Giám mục Việt Nam vào năm 2009: “Hội Thánh kêu gọi các tín hữu hãy chân thành dấn thân xây dựng một xã hội chính trực, liên đới và công bằng. Hội Thánh tuyệt đối không có ý định thay thế các vị lãnh đạo chính quyền, nhưng chỉ ước mong có thể tham gia cách chính đáng vào đời sống của đất nước, để phục vụ dân tộc, trong tinh thần đối thoại và cộng tác với sự tôn trọng”. Khẳng định này nhằm xóa tan những nghi ngờ và thành kiến, muốn coi Giáo Hội của Chúa Ki-tô như một tổ chức chính trị.

Chúa nhật hôm nay cũng là ngày cầu nguyện cho công cuộc loan báo Tin Mừng, hay còn gọi là Chúa nhật truyền giáo. Sứ vụ truyền giáo đích thực là giúp con người nhận ra Đức Giê-su là Đường, là Sự thật và là Sự sống, đồng thời nhiệt tâm đón nhận và chuyên cần thực hành giáo huấn của Người. Xin cho mỗi tín hữu ý thức bổn phận của mình đối với việc loan báo Đức Giê-su bằng chính đời sống thường ngày.

(Nguồn: tonggiaophanhanoi.org)

__________________________ 

Suy niệm 2: Lm. Lu-y Gonzaga Nguyễn Quang Vinh

CỦA XÊDA – CỦA CHÚA 

Các dụ ngôn trong ba Chúa nhật liên tiếp (CN 26A+27A+28A) nói về hai người con được sai đi làm vườn nho; tá điền sát nhân; tiệc cưới và áo cưới, cả ba bài này nhắm vạch tội hàng lãnh đạo Do thái, họ hiểu thâm ý của Đức Giêsu nói về họ, tuy vậy họ không ăn năn sám hối, trái lại họ liên minh với nhau tiến công chống Đức Giêsu bằng cách giăng bẫy hại Người. 

Đối phương của Đức Giêsu gồm có các nhóm: Pharisêu, Hêrôđê, nhóm Nhiệt thành quá khích, quan điểm và chủ trương của họ khác nhau về chính trị và tôn giáo.  Họ thấy Đức Giêsu lên án, lật tẩy họ qua các dụ ngôn mà Người giảng dạy, mặc dầu Người không lên tiếng vạch mặt chỉ tên ai cả.  Không đơn phương đương đầu được với Đức Giêsu, các nhóm nầy liên kết với nhau bày mưu tính kế đặt Đức Giêsu vào cái bẫy vừa chính trị vừa tôn giáo: “Xin Thầy cho biết ý kiến: có được phép nộp thuế cho Xêda hay không?”(x. Bài Tin Mừng. Mt 22, 15-21).

Một câu hỏi thật đơn sơ? Nhưng câu trả lời nghiệt ngã sẽ kéo theo hậu quả to lớn đánh đổ tiền đồ và sự nghiệp của Đức Giêsu.  Nếu Đức Giêsu trả lời hãy nộp thuế cho Xêda đi, tức là khẳng định Người không phải là Đấng Cứu Độ muôn dân trông đợi, Đấng phải đến để giải phóng dân tộc, tức là phải đợi một đấng khác nữa.  Còn nếu Người can gián nộp thuế thì vô hình chung Người xúi dân làm loạn, sẽ mắc tội với hoàng đế Xêda.  Chọn câu trả lời nào cũng có cái giá đắt phải trả.  Một thế tiến thoái lưỡng nan.  Mưu chước thật nham hiểm!  Sự khôn ngoan tuyệt vời của Đức Giêsu bộc lộ qua câu nói bất hủ: “Của Xêda trả cho Xêda của Thiên Chúa trả cho Thiên Chúa” (c. 21).

Phụng vụ hôm nay trình bày hai gương mặt của hai ông vua ngoại giáo.  Vua Kyrô và hoàng đế Xêda.  Trong Bài Đọc 1, ngôn sứ Isaia cho thấy sự thiện cảm của Thiên Chúa đối với vua Kyrô người Ba Tư, ông vua này ra chiếu chỉ hồi hương cho dân Do thái bị lưu đày ở Ba-ben trở về quê cha đất tổ.  Sự thiện cảm của Thiên Chúa đối với vua Kyrô: “Ta đã cầm lấy tay phải nó, để bắt các dân tộc suy phục nó.”  Làm như thế: “Để từ Đông sang Tây, thiên hạ biết rằng chẳng có thần nào khác ngoại trừ Ta.  Ta là Đức Chúa” (Bài Đọc 1. Is 45,1.4-6).  Điều này cho thấy Thiên Chúa làm chủ lịch sử, Người điều khiển nhà cầm quyền ngoại giáo theo ý của mình.  Gương mặt thứ hai là hoàng đế Tibêriô Xêda, hình được khắc trên đồng tiền dùng để trả thuế cho Rôma, một ông vua đầy quyền lực và sức mạnh.  Chính đồng tiền này được dùng để dối trá đánh lừa Đức Giêsu hầu có thể cáo tội và kết án Người. 

Ngay cả đối với Xêda, Đức Giêsu có thái độ hoàn tòan tự do.  Người không đi vào tranh chấp với con người, bởi vì Nước của Người thuộc một trật tự khác.  Chúng ta nhớ lại, vào đầu đời sống công khai, Đức Giêsu đã bị cám dỗ biến đá thành bánh, gieo mình xuống từ núi cao, thờ lạy Xatan để có được tất cả các vương quốc trần gian.  Người đã từ chối quyết liệt.  Xéo đi Xatan.  Và trong cuộc sống trần thế cơn cám dỗ đó nhiều lần quay trở lại, như khi dân chúng muốn nắm lấy Đức Giêsu để tôn Người lên làm vua, Người đã trốn đi.  Và ngay cả các môn đệ cũng đặt câu hỏi : “Khi nào Thầy khôi phục Nước Itraen?”.   Quyền bính thến gian không khuynh đảo được Người, Người là Đấng cứu độ các linh hồn.

Đức Giêsu không chống đối quyền bính của Xêda khi nói: “Trả cho Xêda cái thuộc về Xêda”.  Điều Đức Giêsu lấy làm lạ là những người chống đối Người lại nhận quyền bính của Xêda qua hình tượng khắc nơi đồng tiền đặt trong túi của họ, trong khi đó họ lại chối bỏ hình tượng của Thiên Chúa được khắc nơi chính mình Người “Thầy là người chân thật và cứ sự thật mà dạy đường lối của Thiên Chúa”, họ phát biểu như thế.  Đức Giêsu là hình tượng của Thiên Chúa qua công việc chữa bệnh, trừ quỷ, hoá bánh ra nhiều, phục sinh kẻ chết, là những việc chỉ có Thiên Chúa mới thực hiện được mà thôi.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho con trung thành tôn thờ Chúa trong đời sống, cho dù có khi việc lựa chọn làm con phải hy sinh thời gian, công sức và kinh tế.  Nhất là “trả cho Thiên Chúa” việc tôn thờ ngày Chúa nhật mỗi tuần. Amen

WGPKT(19/10/2023) KONTUM