Chúa Nhật Lễ Khánh Nhật Truyền Giáo, Năm A – (CN 22.10.2023) – Vậy Anh Em Hãy Đi

CÁC BÀI ĐỌC LỄ KHÁNH NHẬT TRUYỀN GIÁO

 

Bài Ðọc I: Is 60, 1-6

Trích sách Tiên Tri Isaia.

Ðứng lên, bừng sáng lên! Vì ánh sáng của ngươi đến rồi. Vinh quang của Ðức Chúa như bình minh chiếu toả trên ngươi.  Kìa bóng tối bao trùm mặt đất, và mây mù phủ lấp chư dân; còn trên ngươi Ðức Chúa như bình minh chiếu toả, vinh quang Người xuất hiện trên ngươi.  Chư dân sẽ đi về phía ánh sáng của ngươi, vua chúa hướng về ánh bình minh của ngươi mà tiến bước.  Ðưa mắt nhìn tứ phía mà xem, tất cả đều tập hợp, kéo đến với ngươi: con trai ngươi từ phương xa tới, con gái ngươi được ẵm bên hông.  Trước cảnh đó, mặt mày ngươi rạng rỡ, lòng ngươi rạo rực, vui như mở cờ, vì nguồn giàu sang sẽ đổ về từ biển cả, của cải muôn dân nước sẽ tràn đến với ngươi.  Lạc đà từng đàn che rợp đất, lạc đà Ma-đi-an và Ê-pha: tất cả những người từ Sơ-va kéo đến, đều mang theo vàng với trầm hương, và loan truyền lời ca tụng Ðức Chúa.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 18, 2-5

Ðáp: Âm thanh họ truyền khắp địa cầu.

Xướng: 1) Trời xanh tường thuật vinh quang Thiên Chúa, không trung loan báo việc tay Người làm. Ngày qua mách bảo cho ngày tới, đêm này kể lại với đêm kia. – Ðáp.

2) Chẳng một lời một lẽ, chẳng nghe thấy âm thanh, mà tiếng vang đã dội khắp hoàn cầu và thông điệp loan đi tới chân trời góc biển. Chúa căng lều cho thái dương tại đó. – Ðáp.

Bài Ðọc II: 1Tm 2,1-8

Trích Thư Thánh Phaolô Tông Ðồ Gửi Tín Hữu Timôthê.

Vậy tiên vàn mọi sự, tôi truyền phải dâng lời khẩn xin, cầu nguyện, kỳ đảo, tạ ơn cho hết mọi người, cho vua Chúa và hết các người quyền cao chức trọng, ngõ hầu ta được qua một đời yên hàn, ổn định, trong đạo đức vẹn toàn và nghiêm chỉnh. Ðó là điều tốt lành, đẹp lòng Thiên Chúa, Cứu Chúa của ta. Người muốn cho mọi người được cứu thoát và được nhìn biết sự thật. Vì chỉ có một Thiên Chúa và cũng chỉ có một Ðấng trung gian giữa Thiên Chúa và nhân loại: một người, là Ðức Yêsu, Ðấng đã thí mình làm giá chuộc thay cho mọi người; chứng đã tuyên ra vào chính thời chính buổi, mà tôi đã được đặt làm lệnh sứ, làm tông đồ — và tôi nói thật, chứ không nói dối — làm tấn sĩ dân ngoại, trong đức tin, trong sự thật.

Vậy tôi muốn nam nhân cầu nguyện mọi nơi thì giăng lên những bàn tay lành thánh, không nóng giận, không cãi cọ.

Ðó là lời Chúa.

Hoặc đọc bài đọc sau đây:

Bài Ðọc II: Cv 1, 3-8

Trích sách Công Vụ Tông Ðồ.

Sau khi Chúa Giêsu sống lại, Người lại còn dùng nhiều cách để chứng tỏ cho các ông thấy là Người vẫn sống sau khi đã chịu khổ hình: trong bốn mươi ngày, Người đã hiện ra nói chuyện với các ông về Nước Thiên Chúa. Một hôm, đang khi dùng bữa với các Tông Ðồ, Ðức Giêsu truyền cho các ông không được rời khỏi Giêrusalem, nhưng phải ở lại mà chờ đợi điều Chúa Cha đã hứa, “điều mà anh em đã nghe Thầy nói tới, đó là: ông Gioan thì làm phép rửa bằng nước, còn anh em thì trong ít ngày nữa sẽ chịu phép rửa trong Thánh Thần.

Bấy giờ những người đang tụ họp ở đó hỏi Người rằng: “Thưa Thầy, có phải bây giờ là lúc Thầy khôi phục vương quốc Ítraen không?” Người đáp: “Anh em không cần biết thời giờ và kỳ hạn Chúa Cha đã toàn quyền sắp đặt, nhưng anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần khi Người ngự xuống trên anh em. Bấy giờ anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giêrusalem, trong khắp các miền Giuđê, Samari cho đến tận cùng trái đất”.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Mt 28, 19-20

Alleluia, alleluia! – Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.” – Alleluia.

Phúc Âm: Mc 16,15-20

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Mác-cô.

Và Ðức Giêsu nói với các môn đệ: “Hãy đi khắp cả thiên hạ rao giảng tin mừng cho mọi loài thụ tạo. Ai tin cùng chịu thanh tẩy thì sẽ được cứu, còn ai không tin thì sẽ bị luận tội. Những dấu lạ này sẽ tháp tùng kẻ tin: nhân danh Ta, chúng sẽ trừ quỉ, nói các thứ tiếng, Chúng sẽ cầm rắn trong tay, và dẫu có uống nhằm thuốc độc, thuốc độc cũng chẳng hại được chúng; chúng sẽ đặt tay cho kẻ liệt lào và họ sẽ được an lành mạnh khỏe”.

Vậy sau khi đã nói với họ rồi, Chúa Yêsu được nhắc về trời và ngự bên hữu Thiên Chúa. Còn họ thì ra đi rao giảng khắp nơi, có Chúa cùng họ hoạt động, và củng cố lời bởi phép lạ kèm theo.

Ðó là lời Chúa.

Hoặc đọc bài Phúc Âm sau đây:

Phúc Âm: Mt 28, 16-20

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Mười một môn đệ đi tới miền Galilê, đến ngọn núi Ðức Giêsu đã truyền cho các ông đến. Khi thấy Người, các ông bái lạy, nhưng có mấy ông lại hoài nghi. Ðức Giêsu đến gần, nói với các ông: “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ những điều Thầy đã truyền cho anh em. và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế”.

Ðó là lời Chúa.

Hoặc đọc bài Phúc Âm sau đây:

Phúc Âm: Lc 24, 44-53

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo ThánhLuca.

Khi hai môn đệ từ Emmau trở về còn đang nói với nhóm Mười Một, thì chính Ðức Giêsu đứng giữa các ông. Người bảo: “Khi còn ở với anh em, Thầy đã từng nói với anh em rằng tất cả những gì sách Luật Môsê, Các Sách Ngôn Sứ và các Thánh Vịnh đã chép về Thầy đều phải được ứng nghiệm.”

Bấy giờ Người mở trí cho các ông hiểu Kinh Thánh và bảo: “Có lời Kinh Thánh chép rằng: Ðấng Kitô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại, và phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giêrusalem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội. Chính anh em là chứng nhân của những điều này. Và đây, chính Thầy sẽ gửi cho anh em điều Cha Thầy đã hứa. Còn anh em, hãy ở lại trong thành, cho đến khi nhận được quyền năng từ trời cao ban xuống.”

Sau đó, Người dẫn các ông tới gần Bêtania, rồi giơ tay chúc lành cho các ông. Và đang khi chúc lành, thì Người rời khỏi các ông và được rước lên trời. Bấy giờ các ông bái lạy người, rồi trở lại Giêrusalem, lòng đầy hoan hỉ, và hằng ở trong Ðền Thờ mà chúc tụng Thiên Chúa.

—————————-

Suy niệm 1: Lm. Lu-y Gonzaga Nguyễn Quang Vinh

“MỘT HỘI THÁNH ĐI RA’”

 

 “Một Hội Thánh Đi Ra” là lối nói của Đức Thánh Cha Phanxicô trong tông huấn “Niềm Vui Của Tin Mừng” do ngài viết (năm 2013, số 24), cho chúng ta thấy hình ảnh của Giáo Hội luôn năng động lên đường truyền giáo. Phụng vụ hôm nay dành trọn Chúa nhật để cầu nguyện cho việc Truyền Giáo, một việc làm then chốt liên quan đến sự “sống-chết” của Giáo Hội.  Lời nầy của vị lãnh đạo Giáo hội tương tác với câu nói của Đức Giêsu : “Hãy chèo ra chỗ nước sâu và thả lưới bắt cá” (Lc 5, 4), qua hai tư tưởng đó, có thể quả quyết được rằng:

Lệnh truyền giáo khởi đi từ Đức Giêsu, cấp thiết từ ngày ban hành khi Chúa Giêsu còn ở dương thế, và hôm nay vẫn còn cấp thiết như thuở ban đầu.   Lệnh nầy trở nên lời trối của Chúa ngày Người chia tay các tông đồ trước khi ngự về trời (“Anh em sẽ là nhân chứng của Thầy tại Giêrusalem, trong khắp các miền Giuđê, Samari cho đến tận cùng trái đất” (Cv 1, 8).  Lệnh truyền giáo giáo liên quan đến ơn cứu độ mà Thiên Chúa muốn ban cho tất cả nhân loại, ban cho con người sự sống đời đời, sự sống bất diệt ở đời sau “ Anh em hãy làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ… dạy họ tuân giữ những điềuThầy đã truyền cho anh em” ( Mt 28, 20).

Như Chúa Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các anh em” (Ga 20, 21) Lệnh truyền giáo nầy đã hơn một lần được Chúa Giêsu nhắc đến.  Truyền giáo là bản chất của Giáo Hội lữ hành, một Giáo Hội Truyền Giáo không ngơi nghỉ, theo định nghĩa của Công Đồng Vaticanô II:  “Tự bản tính, Giáo hội lữ hành phải truyền giáo vì chính Giáo hội bắt nguồn từ sứ mạng của Chúa Con và Chúa Thánh Thần theo ý định của Thiên Chúa (AD 2.Sắc Lệnh Truyền Giáo 2).

Bao lâu Giáo hội còn tại thế bấy lâu Giáo Hội là Truyền Giáo.  Lệnh truyền nầy cũng là lời nói cuối cùng của Chúa Giêsu trước khi về trời.  Đó là thần lệnh được Giáo Hội ghi tâm khắc cốt và nổ lực thì hành qua các thời đại, khi thuận tiện cũng như lúc nghịch cảnh.  Hãy  nhìn vào lịch sử của Giáo Hội hoàn vũ và Giáo hội địa phương để thấy rằng Giáo Hội luôn luôn thi hành đúng ý của Đấng sáng lập Kitô giáo.

Thế giới hiện nay, có thể nói được nói rằng không quốc gia hay dân tộc nào mà vắng dấu chân của các nhà truyền giáo, mới đây thôi Đức Thánh Cha Phanxicô đã có cuộc viếng thăm mục vụ đất nước Mông Cổ, vùng đất mênh mông nầy còn xa lạ với đức tin Kitô giáo, đất nước chưa có tòa giám mục, chỉ vòn vẹn có vài linh mục bản địa và một số linh mục truyền giáo từ xa đến, tất cả chỉ có 3.500 Kitô hữu.  Một thầy Dòng Don Bosco người Việt Nam đứng ra điều khiển chương trình thăm viếng mục vụ nầy của Đức Giáo Hoàng từ ngày 31. 8 đến 4. 9. 2023.  Chưa hết, cũng chính Đức Thánh Cha Phanxicô ngồi xe lăn đã viếng thăm mục vụ các anh em sắc tộc I-nu-it từ ngày 24. 7 đến 29. 7. 2023, một sắc dân Da Đỏ ở Bắc Canada, dân số chỉ vỏn vẹn 65.000 người mà thôi.

Nhìn về Giáo phận Kontum.  Sức mạnh truyền giáo chỉ mới lan  tỏa đến vùng Đất Tây Nguyên nầy từ năm 1848, miền núi rừng hoang vu nầy được truyền giáo bởi các linh mục thuộc Hội Thừa Sai Paris (Pháp) dưới sự chỉ đạo của Đức Thánh Giám Mục Stéphanô Cuénot Thể.  Trong thời cực kỳ khó khăn nầy Đức Cha ngự trên “tòa giám mục di động” trôi trên sông nước đất Quy Nhơn Bình Định, vừa trốn tránh nhà cầm quyền vừa kiên quyết điều hành sứ mạng truyền giáo trên miền núi Kontum nầy.  Đức Cha chưa một lần lên núi rừng Kontum.

Địa phận Kontum hôm nay 2023, số tín hữu ngót nghét xấp xỉ 400.000, sống rải rác trong 78 xứ dân tộc và 65 xứ kinh;  Số tín hữu gồm có người kinh: 115.274, và anh em dân tộc 278.859.  Dưới sự chăm sóc của một Đức giám mục và 110 linh mục triều và 114 linh mục dòng, hợp tác làm việc truyền giáo có 590 tu sĩ nam và nữ thuộc 39 hội Dòng; có 55 đại chủng sinh và 55 tiểu chủng sinh (Theo thống kê của Tgm Kontum năm 2022.  Trong “Sổ Địa Chỉ 2023”).  Để thấy sức năng động truyền giáo nơi miền đất mới so với các địa phận cổ kính như Huế, Đà Nẳng và Quy Nhơn, cả ba địa phận cộng lại chỉ có 210.000 tín hữu.  Một vài khái niệm về công việc truyền giáo cho thấy công việc còn bao la và khẩn thiết như thuở ban đầu.

Lạy Chúa Giêsu là vị Thừa Sai tiên khởi được Chúa Cha sai đến, xin nhìn xem cánh đồng truyền giáo Tây Nguyên bát ngát bao la mà sai thêm nhiều thợ gặt lành nghề đến với Giáo hội Kontum nghèo hèn và đông đúc nầy. Amen.

——————————–

Suy niệm 2: Lm. Thái Nguyên

LOAN BÁO TIN MỪNG
Chúa Nhật truyền giáo : Mc 16, 15-20

Suy niệm

Truyền giáo là một từ ngữ đã gây nhiều vấp váp và hiểu lầm trong quá
khứ, cũng không phải là từ ngữ dễ nghe đối với thế giới ngày nay, một thế giới đa nguyên, đa tôn giáo. Chúng ta dùng từ “truyền giáo” dịch từ tiếng Latinh là “missio”. Đúng hơn đây là một “sứ mạng” của toàn thể Giáo hội phát xuất từ một mệnh lệnh và là một ước mơ của Đức Kitô Phục Sinh: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo…”. Không lạ gì mà ngay sau Công Đồng Vatican II năm 1967, Đức Phaolô VI đã quyết định chính thức đổi Bộ Truyền Giáo thành “Bộ Loan Báo Tin Mừng Cho Các Dân Tộc”. Tuy nhiên, ở Việt Nam thì từ “truyền giáo” vẫn còn tiếp tục được dùng một cách rất tự nhiên và nhiều khi ngay cả trong các bản văn chính thức.
Vì thế, truyền giáo mà chúng ta muốn nói đến ở đây là “sứ mạng” hay “làm chứng”, hoặc hình tượng hơn là “làm muối,” “làm men,” “làm ánh sáng”… Đó là những hình ảnh chính Chúa Giêsu đã dùng khi trao sứ mạng cho các môn đệ. Muối, men, ánh sáng thì không ồn ào áp chế – công việc của nó là âm thầm hiện diện, và chỉ cần hiện diện đúng như bản chất của mình, tự khắc môi trường xung quanh nó sẽ thấm mặn, sẽ dậy men, và sẽ đầy ánh sáng. Đó phải là bản chất của mỗi Kitô hữu, nói lên sứ mạng mà chúng ta đã lãnh nhận từ khi chịu phép Rửa tội, nhất là khi chịu phép Thêm sức. Trong ý nghĩa đó mà thánh Phaolô đã khẳng định: “Khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng”.
Truyền giáo hay loan báo Tin Mừng thuộc về bản chất của Giáo hội. Không truyền giáo, Giáo Hội không còn là Giáo Hội. Giáo xứ mà không truyền giáo thì không còn là giáo xứ. Gia đình hay bản thân chúng ta cũng thế, không truyền giáo là không tin Chúa, bởi vì đức tin không có hành động là đức tin chết. Hành động của đức tin là đức ái, mà đức ái cao cả nhất là ban tặng chính Chúa cho người khác.

Hằng ngày chúng ta vẫn cầu nguyện cho Nước Cha trị đến. Cầu mà không làm là giả dối. Làm mà không nhiệt tình là coi nhẹ Lời Chúa. Tuy nhiên, làm việc truyền giáo không phải là chiêu dụ hay mua chuộc người khác, mà là sự hấp dẫn họ bằng chính đời sống mình, một đời sống chân thật, hiền lành, khiêm tốn và yêu thương phục vụ; một đời sống cho thấy Thiên Chúa là Đấng Tạo Thành, và là Cha nhân lành của toàn thể nhân loại, nên mọi người đều là anh em với nhau.
Sứ vụ truyền giáo của Giáo hội thời nào và ở đâu cũng bắt đầu từ mẫu
gương Chúa Giêsu. Ngài đi đến với mọi người, nhất là những người nghèo hèn, bệnh tật, tội lỗi. Ngài yêu quí họ, sống gần gũi với họ, cứu giúp và nâng đỡ họ, đem lại an vui và sự sống dồi dào cho họ. Ngài sống nghèo nàn, đơn giản, khiêm nhu phục vụ, đón nhận mọi đau khổ do chính sự gian ác của con người, và cuối cùng hy sinh mạng sống mình làm giá cứu chuộc, nói lên tình yêu cực độ của Thiên Chúa đối với mọi người. Nếu ta thực sự yêu mến Chúa thì hãy làm như Chúa đã làm, sống như Chúa đã sống, nghĩa là dám ra khỏi mình để đến với mọi người.
Người tín hữu Việt Nam hình như đang “nhốt Chúa” trong nhà thờ, trong nhà mình, trong cộng đoàn giáo xứ mình. Hay một số giáo sĩ, tu sĩ cũng vậy, thay vì đi ra đến với mọi người, thì lại thích bám trụ trong cơ sở và vị thế của mình để sống an toàn. Vì lý do này mà Đức Thánh Cha Phanxicô phải nhấn mạnh rằng:“Giáo hội phải như Thiên Chúa: luôn đi ra; và khi Giáo hội không đi ra, Giáo hội bị bệnh. Tại sao trong Giáo hội có nhiều bệnh? Vì Giáo hội không đi ra ngoài. Đúng là khi một người đi ra ngoài sẽ có thể gặp nguy hiểm, tai nạn. Nhưng một Giáo hội gặp tai nạn do ra đi loan báo Tin Mừng thì tốt hơn là một Giáo hội ốm yếu do đóng kín. Thiên Chúa luôn ra đi, vì Ngài là Cha, vì Ngài yêu thương. Giáo hội phải làm như vậy: luôn đi ra ngoài”(1).
.Riêng ngày Thế Giới Truyền Giáo năm nay 2023, Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi chúng ta tập trung vào chủ đề “Lòng bừng cháy, chân tiến bước”, được gợi hứng từ câu chuyện Chúa Giêsu Phục Sinh hiện ra với hai môn đệ trên đường Emmau. Từ đó, Đức Thánh Cha mời gọi chúng ta đổi mới lòng nhiệt thành truyền giáo dựa trên 3 hình ảnh:
(1)Lòng các ông bừng cháy khi nghe Đức Giêsu giải thích Kinh Thánh.
(2) Mắt các ông mở ra khi Người bẻ bánh.

(3) Chân các ông rảo bước lên đường, hân hoan kể cho người khác biết về Chúa Kitô Phục Sinh.
– Trước hết, Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh tầm quan trọng của Kinh Thánh. Theo ngài, việc biết Kinh Thánh rất quan trọng đối với đời sống Kitô hữu, và ‘thậm chí còn quan trọng hơn việc rao giảng
Chúa Kitô và Tin Mừng của Người”.
– Ngài cũng nhắc lại với chúng ta về tầm quan trọng của Bí Tích Thánh Thể: “Chúa Giêsu trong Bí Tích Thánh Thể là nguồn mạch và tột đỉnh của sứ mạng”. Vì vậy, để việc truyền giáo có kết quả, chúng ta cần kết hiệp với Chúa Kitô qua kinh nguyện hằng ngày, đặc biệt là bằng việc tôn thờ Thánh Thể.
– Và việc vội vã lên đường để chia sẻ với người khác niềm vui gặp gỡ Chúa. Người ta không thể gặp gỡ Chúa Giêsu Phục Sinh mà lòng không bừng cháy nhiệt tình để nói cho mọi người về Đấng Phục Sinh.
Đoạn cuối của Sứ Điệp, Đức Thánh Cha nói rằng: “Tất cả các thành viên của Giáo Hội đều được ủy thác sứ vụ loan báo Tin Mừng của Chúa Kitô. Và chúng ta có thể đóng góp cho phong trào truyền giáo này: bằng những lời cầu nguyện và hoạt động của chúng ta, bằng những của lễ vật chất và dâng những đau khổ của chúng ta và bằng chứng tá cá nhân của chúng ta”.
Mỗi Kitô hữu và các cộng đoàn giáo xứ có rất nhiều cách thức khác nhau để sống sứ vụ loan báo Tin Mừng theo lời mời gọi của Đức Thánh Cha, bằng những việc cụ thể sau đây: Đọc Lời Chúa hằng ngày trong gia đình; Tổ chức giờ chia sẻ Lời Chúa cho các lớp Giáo lý và các Hội đoàn trong giáo xứ; Trung thành tham dự các giờ Chầu Thánh Thể tại giáo xứ; Giúp các em giáo lý có thói quen viếng Chúa Giêsu Thánh Thể; Thăm viếng, an ủi, nâng đỡ những người yếu lòng tin; Gần gũi, thân thiện và chân thành với mọi người, đặc biệt những người không cùng tôn giáo; Tập cho các em giáo lý biết chia sẻ và giúp đỡ nhau.
Xin cho mỗi kitô hữu luôn cảm nhận niềm vui gặp gỡ Chúa và hân hoan lên đường loan báo niềm vui Tin Mừng ấy đến cho mọi người.

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu!
Loan Tin Mừng là nhiệm vụ cấp thiết,
là sứ vụ cuộc đời Ki-tô hữu,
để Chúa đến và làm chủ nhân gian,
mang lại ơn cứu độ cho con người.
Có biết bao người đang tìm Chúa,
đang khao khát được gặp Chúa,
đang mong nghe được Lời Chúa,
đang muốn thấy Chúa qua chúng con.
Trước tiên cho con biết nguyện cầu,
để tình yêu Chúa được thấm sâu,
để có nhiều tâm hồn quảng đại,
không ngại dấn thân phụng sự Chúa.
Cho con biết hăm hở và niềm nở,
trong tương quan gặp gỡ với mọi người,
với thái độ chân thành và thương mến,
tạo an vui và liên kết vững bền.
Nhưng đến với mọi người thật không dễ,
vì trong xã hội vô thần và duy vật,
có nhiều điều cách biệt trong tâm tưởng,
với quan niệm và lối sống trái ngược.
Xin cho con cứ nỗ lực dấn thân,
dám đi đến với tất cả mọi người,
cứ nhiệt tâm ân cần với sứ vụ,
đừng nghi ngờ sợ lo hay phòng thủ,
chỉ sợ con không yêu đủ mà thôi.
Con cảm thấy như Chúa đang than thở:
“Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít…”
và con biết Chúa đang kiếm tìm người,
Này con mạo muội chân tình xin thưa:
Con đây lạy Chúa hãy đưa con vào. Amen

______________________________

Suy niệm 3: Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

THẾ GIỚI ĐANG KHÁT TIN MỪNG HÒA BÌNH

Khánh Nhật Truyền giáo lần thứ 97 được cử hành vào ngày 22/10/2023, đang lúc Thượng Hội Đồng Giám mục thế giới lần thứ 16 diễn ra ở Rôma. Tại Gaza, ngày 07/10, Hamas đã châm ngòi cuộc chiến bắn hại bao người vô tội Israel. Cuộc giao tranh giữa hai bên tính đến ngày 17/10 đã khiến khoảng 4.400 người thiệt mạng, ít nhất 16.000 người bị thương, trong khi cuộc chiến do Nga khai mào tại Ucraina vẫn chưa chấm dứt. Những gì xảy ra trên thế giới cho thấy nhân loại đang khát Tin Mừng Hòa Bình.

Lòng bừng cháy và chân tiến bước

Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền giáo năm 2023 có chủ đề là: “Lòng bừng cháy” và “chân tiến bước” (Lc, 24, 13-35), thuật lại cuộc gặp gỡ của Chúa Giê-su Phục Sinh với hai môn đệ trên đường Emmaus. Đức Phan-xi-cô mời gọi các môn đệ truyền giáo của Chúa Ki-tô, trong tinh thần hiệp hành truyền giáo, hãy ra đi với “lòng bừng cháy” và “chân tiến bước” như hai môn đệ trên đường về Emmaüs để loan báo Tin Mừng của Chúa Ki-tô phục sinh. Ngài khẳng định: “Sự cấp thiết hoạt động truyền giáo của Giáo hội dĩ nhiên bao hàm một sự cộng tác ngày càng chặt chẽ giữa mọi phần tử trên mọi cấp độ. Ðây là mục tiêu chính yếu của hành trình Thượng Hội đồng Giám mục mà Giáo hội đang thi hành, với ba từ chủ chốt là “Hiệp thông, tham gia, sứ mạng”… Tiến trình này là lên đường như các môn đệ trên đường Emmaus, lắng nghe Chúa Phục Sinh, Ðấng luôn đến giữa chúng ta để giải thích ý nghĩa Kinh Thánh và Bẻ Bánh cho chúng ta, để chúng ta có thể thi hành sứ mạng của Chúa trong thế giới với sức mạnh của Thánh Linh”.

Ðức Thánh Cha nhấn mạnh: “Ngày nay cũng như bấy giờ, Chúa Phục Sinh ở gần các môn đệ thừa sai và tiến bước cạnh họ, nhất là khi họ cảm thấy mất hướng đi, nản chí, sợ hãi trước mầu nhiệm sự ác vây bủa và muốn bóp nghẹt họ. Vì thế, “Chúng ta đừng để mình bị cướp hy vọng!

Tiếp đến, Chúa Giê-su giải thích Kinh Thánh cho hai môn đệ, làm cho tâm hồn họ nồng cháy. “Chúa Giê-su là Lời Hằng Sống, Lời duy nhất có thể làm nồng cháy, soi sáng và biến đổi con tim“. Trong sứ điệp, Ðức Thánh Cha nói đến hai môn đệ đã nhận ra Chúa Giê-su trong lúc Ngài Bẻ Bánh. Chúa Giê-su trong Thánh Thể là tột đỉnh và là nguồn mạch sứ mạng truyền giáo.

Ðức Thánh Cha cũng nhắc nhở rằng nguyên việc bẻ bánh vật chất chia sẻ với những người đói, nhân danh Chúa Ki-tô, đã là một hành vi truyền giáo theo tinh thần Ki-tô giáo. Huống chi việc Bẻ Bánh Thánh Thể, chính Chúa Ki-tô, càng là hoạt động truyền giáo tuyệt hảo, vì Thánh Thể chính là nguồn mạch và là tột đỉnh đời sống và sứ mạng của Giáo hội”.

Thế giới đang khát Tin Mừng Hòa Bình

Hình ảnh “chân tiến bước” một lần nữa nhắc nhở chúng ta về giá trị trường tồn của missio ad gentes (sứ mạng đến với muôn dân), sứ mạng, được Chúa phục sinh trao ban cho Giáo hội, để loan báo Tin Mừng cho mọi người và mọi dân tộc cho đến tận cùng trái đất. Ngày nay hơn bao giờ hết, nhân loại, bị tổn thương bởi quá nhiều bất công, chia rẽ và chiến tranh, đang cần đến Tin Mừng về hòa bình và ơn cứu độ trong Chúa Ki-tô. Vì thế, tôi nhân cơ hội này để tái khẳng định rằng “tất cả mọi người đều có quyền đón nhận Tin Mừng. Người Kitô hữu có bổn phận loan báo Tin Mừng mà không loại trừ ai, không phải như người áp đặt một bổn phận mới, nhưng như người chia sẻ niềm vui, chỉ ra một chân trời tươi đẹp, mang lại một bàn tiệc đáng ước ao” (x. PHANXICÔ, Sứ điệp Truyền Giáo, số 14).

Lấy hình ảnh hai môn đệ Emmaus sau khi nhận ra Chúa đã mau mắn lên đường, và hân hoan kể lại Chúa Ki-tô Phục Sinh, chia sẻ với những người khác niềm vui được gặp Chúa áp dụng với thế giới hôm nay, Ðức Thánh Cha khẳng định rằng: “Hình ảnh “Những bước chân đi” một lần nữa nhắc nhở chúng ta về giá trị ngàn đời của sứ mạng truyền giáo cho dân ngoại… loan báo Tin mừng cho mọi người và mọi dân tộc cho đến tận bờ cõi trái đất. Ngày nay, hơn bao giờ hết, nhân loại, bị thương tổn vì bao nhiêu bất công, chia rẽ và chiến tranh, đang cần Tin mừng hòa bình và ơn cứu độ trong Chúa Ki-tô” (x. PHANXICÔ, Sứ điệp Truyền Giáo, số 14).

Trong Sứ điệp Ngày Thế giới Hòa bình lần thứ 65 năm 2023, Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đã nói về cuộc chiến đang diễn ra ở Ucraina là “một bước thụt lùi đối với toàn thể nhân loại”. Ngài viết: “Vào chính thời điểm mà chúng ta dám hy vọng rằng những giờ phút đen tối nhất của đại dịch COVID-19 đã qua đi, thì một thảm họa khủng khiếp mới lại giáng xuống nhân loại. Chúng ta đã chứng kiến sự tấn công dữ dội của một tai họa khác: một cuộc chiến khác, ở một mức độ nào đó giống như cuộc chiến chống lại COVID-19, nhưng được thúc đẩy bởi những quyết định đáng trách của con người… Rõ ràng, đây không phải là thời kỳ hậu COVID mà chúng ta đã hy vọng hoặc mong đợi”. Đức Thánh Cha Phan-xi-cô cũng lưu ý: “Mặc dù đã tìm ra vắc-xin cho COVID-19, nhưng các giải pháp phù hợp vẫn chưa được tìm thấy cho cuộc chiến” (x.PHANXICÔ, Sứ điệp Hòa Bình, 2022).

Cầu nguyện cho hòa bình

Trong tuần qua, tên lửa và bom đạn đã đánh vào dân thường, người già, trẻ em và các bà mẹ đang mang thai ở Israel và Palestin. Khát vọng hòa bình là tâm tình của hết mọi người trên toàn thế giới, không riêng Ucraina, Israel, Palestin. Bởi lẽ tất cả chúng ta cùng ở trên một con thuyền, vì thế phải cùng chèo chống để vượt qua sóng gió.

Cầu nguyện để biết nhìn cuộc chiến hiện nay bằng cặp mắt đức tin, nhận ra Chúa nơi mọi người. Nhận ra Chúa nơi đứa trẻ đã chết trong vòng tay người mẹ. Nhận ra Chúa nơi những chiến binh được gửi ra tiền tuyến. Nhận ra Chúa cả nơi người lính trang bị vũ khí nhân danh thập giá của Chúa.

Cầu nguyện là đối diện với thực tại bi thảm của chiến tranh và thúc đẩy hướng giải quyết hòa bình: “Phúc thay ai xây dựng hòa bình vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa”.

Chúng ta hãy khẩn cầu xin Đức Ma-ri-a, Nữ Vương Bình An, sinh ra Chúa Giê-su là Thái Tử Hòa Bình xin Chúa Cha ban trợ giúp thế giới đang khát khao Tin Mừng Hòa Bình hơn bao giờ hết.

Xin lôi kéo bình an xuống cho nhân thế Mẹ ơi! Nữ Vương Bình An, cầu cho chúng con. Amen.

(Nguồn: tonggiaophanhanoi.org)

WGPKT(19/10/2023) KONTUM