Mùa Thường Niên Chúa Nhật 14 Năm C (07/07/2019)

SAI ĐI TRUYỀN GIÁO

Ai sai ? – Sai ai? – Mục đích gì ?

Chính Thiên Chúa sai Con của Người đến rao giảng tin mừng cứu độ.  Và Chúa Giêsu tiếp nối sự nghiệp cao quý nầy của Cha mình. 

Sau một đêm dài tỉnh thức cầu nguyện với Chúa Cha trên núi, sáng ngày Đức Giêsu tuyển chọn Mười Hai người trong nhóm các môn đệ làm Tông Đồ (có nghĩa người được sai đi) (Lc 6, 12-16).  Con số Mười Hai nhắc lại con số các chi tộc của dân Ítraen cũ, nó cũng biểu tượng cho Dân Mới được Đức Giêsu thiết lập trên 12 tông đồ, như là 12 cột trụ của Giáo Hội, Dân Mới là Dân Thiên Chúa.  Và “Người đã sai họ đi công bố Nước Thiên Chúa và chữa lành bệnh nhân” (Lc 9, 2).  Công việc thì mênh mong, nhưng Đức Giêsu biết giờ của Người đã gần đến, giờ Người bỏ trần gian mà về với Cha, Người đã quyết tâm đi lên Giêrusalem để chịu nạn, hoàn tất chương trình cứu độ nhân loại (Lc 9, 51), trong bối cảnh đó Đức Giêsu chỉ định thêm 72 môn đệ nữa và sai cứ hai người vào các thành và các làng mà Người sẽ đến (Bài Tin Mừng. Lc 10,1-12.17-20). Nhóm 72 đã ra đi rao giảng và đã thành công, họ hớn hở trở về báo tin vui về thành quả lập được cho Đức Giê-su. 

Sai cứ hai người một, theo quan niệm của người Do-thái, chứng của hai người thì đáng tin cậy. Vào thời Công vụ Tông đồ chúng ta thấy các tông đồ cứ từng cặp đi chung với nhau, như Phaolô và Banaba (Cv 13, 2-4), Banaba và Máccô, Phaolô và Xila (CV 15, 39-40). Con số 72 biểu tượng cho toàn thể dân ngoại, dựa vào sách Sáng Thế chương 10, chương nói về các con ông Nôê sau lụt đại hồng thuỷ.  Con số nói lên tính phổ quát của sứ mạng truyền giáo được trao cho Hội Thánh, đồng thời cũng nói lên sự mở cửa cho dân ngoại đón nhận đức tin. 

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô không bị độc chiếm bởi bất cứ dân tộc nào, tất cả mọi sắc dân đều được mời tham dự.  Khi còn tại thế Đức Giêsu đã miệt mài rao giảng và ra lệnh cho các môn đệ đem Tin Mừng đến cho muôn dân.  Không những vậy đã ba lần Đức Giêsu đi về phía dân ngoại khi Người vượt biển Galilê sang vùng đất dân ngoại, Người trừ quỷ và cho quỷ nhập vào đàn heo chết chìm dưới biển và Đức Giêsu đã làm những phép lạ ở giữa dân ngoại nữa.  Vượt biển được hiểu như là sự “phá rào tâm lý” đối với người Do thái, vượt ra ngoài não trạng cục bộ của họ, một kiểu vượt biên trong tâm trí, việc vượt biển diễn tả sự xóa bỏ tính cục bộ, đề cao tính phổ quát của ơn cứu độ.

Lệnh truyền giáo của Đức Giêsu trở thành bản chất của Giáo Hội đến nỗi Công Đồng Vaticanô II dạy : Bản chất của Giáo Hội là truyền giáo.  Do đó một Giáo Hội không truyền giáo là một Giáo Hội lụi tàn, mất sức sống.  Một Kitô hữu không truyền giáo là Kitô hữu èo uột.  Sứ mạng nầy được Chúa Kitô phục sinh trao cho các môn đệ trước khi ngự về trời như lời trăn trối: “Các con hãy ra đi rao giảng cho muôn dân”.  Đức Giêsu cũng đã thi hành sứ mệnh nầy, Người là đệ nhất Thừa Sai của Thiên Chúa, việc nầy cho hiểu rằng khi rao giảng Tin Mừng, người Kitô hữu tham dự vào cùng một sứ mệnh của Chúa Giêsu Kitô, một sứ mệnh cao cả làm cho người lương dân trở thành con Thiên Chúa và được tham dự sự sống của Thiên Chúa. 

Sống trên đất Tây Nguyên, người Kitô hữu dễ dàng ý thức sứ mệnh cao cả nầy, khi chung sống với các anh chị em thuộc các sắc tộc khác nhau.  Đây là sứ mệnh không biên giới, mà cho đến hôm nay, nhu cầu cấp thiết vẫn như ngày đầu thành lập Giáo Hội.  Hiện nay Việt Nam chỉ có 7% dân số chấp nhận đức tin công giáo, và là nước thứ hai của Châu Á sau Phi Luật Tân có số tín hữu cao nhất.  Sau 2000 năm, con số người tin theo Đức Giêsu Kitô mới chỉ 1/6 nhân loại mà thôi, người công giáo trên khắp thế giới hiện nay là 1,3 tỷ.  Sứ mệnh quá lớn so với số thợ gặt quá ít ỏi, cần phải xin thêm nhiều thợ gặt lành nghề. 

Thánh Phaolô là gương mặt sáng chói và chuẩn mực cho tất cả chúng ta trong rao giảng Tin Mừng, ngài là tông đồ dân ngoại, lòng nhiệt thành của ngài được phát biểu:  “Tôi chẳng hãnh diện về điều gì, ngoài thập giá Chúa Giêsu Kitô” (Bài đọc 2. Gl 6, 14-18).  Chúa Kitô thập giá là đối tượng duy nhất của lời ngài rao giảng, chứ không phải các hệ ý thức chính trị, kinh tế hay văn hoá.  Ngài chỉ muốn rao giảng Đức Kitô bị đóng đinh trên thập giá chứ không phải một Đức Kitô vinh quang hào nhoáng.  “Vì hồi còn ở giữa anh em, tôi đã không muốn biết đến chuyện gì khác ngoài Đức Giêsu Kitô, mà là Đức Giêsu Kitô bị đóng đinh vào thập giá” (1Cr 2, 2).Lạy Chúa Giêsu, sứ mệnh truyền giáo là mẫu số chung cho mọi Kitô hữu, tuy nhiên con mấy khi quan tâm đến vấn đề nầy, cho dù con đang sống trên phần đất truyền giáo Tây Nguyên.  Xin cho con ý thức và góp phần nhỏ mọn của mình vào sứ mệnh cao cả Chúa truyền ban. Amen

Q Vinh Lm Đức An