Chúa Nhật III Mùa Chay – Năm A (CN 12.03.2023)

Bài đọc 1: Xh 17,3-7

Cho chúng tôi nước uống đi.

Bài trích sách Xuất hành.

3 Trong sa mạc, dân khát nước nên đã kêu trách ông Mô-sê rằng : “Ông đưa chúng tôi ra khỏi Ai-cập để làm gì ? Có phải là để cho chúng tôi, con cái chúng tôi, và súc vật của chúng tôi bị chết khát hay không ?” 4 Ông Mô-sê kêu lên cùng Đức Chúa : “Con phải làm gì cho dân này bây giờ ? Chỉ một chút nữa là họ ném đá con !” 5 Đức Chúa phán với ông Mô-sê : “Ngươi hãy đi lên phía trước dân, đem theo một số kỳ mục Ít-ra-en ; cầm lấy cây gậy ngươi đã dùng để đập xuống sông Nin, và đi đi. 6 Còn Ta, Ta sẽ đứng ở đằng kia trước mặt ngươi, trên tảng đá ở núi Khô-rếp. Ngươi sẽ đập vào tảng đá. Từ tảng đá, nước sẽ chảy ra cho dân uống.” Ông Mô-sê đã làm như vậy trước mắt các kỳ mục Ít-ra-en. 7 Ông đặt tên cho nơi ấy là Ma-xa và Mơ-ri-va, nghĩa là thử thách và gây sự, vì con cái Ít-ra-en đã gây sự và thử thách Đức Chúa mà rằng : “Có Đức Chúa ở giữa chúng ta hay không ?”

Đáp ca: Tv 94,1-2.6-7a.7b-9 (Đ. c.7b.8a)

Đ.Ngày hôm nay, ước gì anh em nghe tiếng Chúa !
Người phán : “Các ngươi chớ cứng lòng.”

1Hãy đến đây ta reo hò mừng Chúa,
tung hô Người là Núi Đá độ trì ta,2vào trước Thánh Nhan dâng lời cảm tạ,
cùng tung hô theo điệu hát cung đàn.

Đ.Ngày hôm nay, ước gì anh em nghe tiếng Chúa !
Người phán : “Các ngươi chớ cứng lòng.”

6Hãy vào đây ta cúi mình phủ phục,
quỳ trước tôn nhan Chúa là Đấng dựng nên ta.7aBởi chính Người là Thiên Chúa ta thờ,
còn ta là dân Người lãnh đạo,
là đoàn chiên tay Người dẫn dắt.

Đ.Ngày hôm nay, ước gì anh em nghe tiếng Chúa !
Người phán : “Các ngươi chớ cứng lòng.”

7bNgày hôm nay, ước gì anh em nghe tiếng Chúa !8Người phán : Các ngươi chớ cứng lòng
như tại Mê-ri-ba, như ngày ở Ma-xa trong sa mạc,9nơi tổ phụ các ngươi đã từng thách thức
và dám thử thách Ta, dù đã thấy những việc Ta làm.

Đ.Ngày hôm nay, ước gì anh em nghe tiếng Chúa !
Người phán : “Các ngươi chớ cứng lòng.”

Bài đọc 2: Rm 5,1-2.5-8

Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Người vào lòng ta, nhờ Thánh Thần Người ban cho ta.

Bài trích thư của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Rô-ma.

1 Thưa anh em, một khi đã được nên công chính nhờ đức tin, chúng ta được bình an với Thiên Chúa, nhờ Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta. 2 Vì chúng ta tin, nên Đức Giê-su đã mở lối cho chúng ta vào hưởng ân sủng của Thiên Chúa, như chúng ta đang được hiện nay ; chúng ta lại còn tự hào về niềm hy vọng được hưởng vinh quang của Thiên Chúa. 5 Trông cậy như thế, chúng ta sẽ không phải thất vọng, vì Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần mà Người ban cho chúng ta. 6 Quả vậy, khi chúng ta không có sức làm được gì vì còn là hạng người vô đạo, thì theo đúng kỳ hạn, Đức Ki-tô đã chết vì chúng ta. 7 Hầu như không ai chết vì người công chính, hoạ may có ai dám chết vì một người lương thiện chăng. 8 Thế mà Đức Ki-tô đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi ; đó là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta.

Tung hô Tin Mừng: x. Ga 4,42.15

Lạy Chúa, Chúa thật là Đấng cứu độ trần gian, xin ban cho con nước hằng sống, để con không bao giờ khát nữa.

Tin Mừng: Ga 4,5-42 

Mạch nước vọt lên, đem lại sự sống đời đời.

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an.

5 Khi ấy, Đức Giê-su đến một thành xứ Sa-ma-ri, tên là Xy-kha, gần thửa đất ông Gia-cóp đã cho con là ông Giu-se. 6 Ở đấy, có giếng của ông Gia-cóp. Người đi đường mỏi mệt, nên ngồi ngay xuống bờ giếng. Lúc đó vào khoảng mười hai giờ trưa.

7 Có một người phụ nữ Sa-ma-ri đến lấy nước. Đức Giê-su nói với người ấy : “Chị cho tôi xin chút nước uống !” 8 Lúc đó, các môn đệ của Người đã vào thành mua thức ăn. 9 Người phụ nữ Sa-ma-ri liền nói : “Ông là người Do-thái, mà lại xin tôi, một phụ nữ Sa-ma-ri, cho ông nước uống sao ?” Quả thế, người Do-thái không được giao thiệp với người Sa-ma-ri. 10 Đức Giê-su trả lời : “Nếu chị nhận ra ân huệ Thiên Chúa ban, và ai là người nói với chị : ‘Cho tôi chút nước uống’, thì hẳn chị đã xin, và người ấy đã ban cho chị nước hằng sống.” 11 Chị ấy nói : “Thưa ông, ông không có gầu, mà giếng lại sâu. Vậy ông lấy đâu ra nước hằng sống ? 12 Chẳng lẽ ông lớn hơn tổ phụ chúng tôi là Gia-cóp, người đã cho chúng tôi giếng này ? Chính Người đã uống nước giếng này, cả con cháu và đàn gia súc của Người cũng vậy.” 13 Đức Giê-su trả lời : “Ai uống nước này, sẽ lại khát. 14 Còn ai uống nước tôi cho, sẽ không bao giờ khát nữa. Và nước tôi cho sẽ trở thành nơi người ấy một mạch nước vọt lên, đem lại sự sống đời đời.”

15 Người phụ nữ nói với Đức Giê-su : “Thưa ông, xin ông cho tôi thứ nước ấy, để tôi hết khát và khỏi phải đến đây lấy nước.” 16 Người bảo chị ấy : “Chị hãy gọi chồng chị, rồi trở lại đây.” 17 Người phụ nữ đáp : “Tôi không có chồng.” Đức Giê-su bảo : “Chị nói : ‘Tôi không có chồng’ là phải, 18 vì chị đã năm đời chồng rồi, và người hiện đang sống với chị không phải là chồng chị. Chị đã nói đúng.” 19 Người phụ nữ nói với Người : “Thưa ông, tôi thấy ông thật là một ngôn sứ … 20 Cha ông chúng tôi đã thờ phượng Thiên Chúa trên núi này ; còn các ông lại bảo : Giê-ru-sa-lem mới chính là nơi phải thờ phượng Thiên Chúa.” 21 Đức Giê-su phán : “Này chị, hãy tin tôi : đã đến giờ các người sẽ thờ phượng Chúa Cha, không phải trên núi này hay tại Giê-ru-sa-lem. 22 Các người thờ Đấng các người không biết ; còn chúng tôi thờ Đấng chúng tôi biết, vì ơn cứu độ phát xuất từ dân Do-thái. 23 Nhưng giờ đã đến -và chính là lúc này đây- giờ những người thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng Chúa Cha trong thần khí và sự thật, vì Chúa Cha tìm kiếm những ai thờ phượng Người như thế. 24 Thiên Chúa là thần khí, và những kẻ thờ phượng Người phải thờ phượng trong thần khí và sự thật.” 25 Người phụ nữ thưa : “Tôi biết Đấng Mê-si-a, gọi là Đức Ki-tô, sẽ đến. Khi Người đến, Người sẽ loan báo cho chúng tôi mọi sự.” 26 Đức Giê-su nói : “Đấng ấy chính là tôi, người đang nói với chị đây.”

27 Vừa lúc đó, các môn đệ trở về. Các ông ngạc nhiên vì thấy Người nói chuyện với một phụ nữ. Tuy thế, không ai dám hỏi : “Thầy cần gì vậy ?” Hoặc “Thầy nói gì với chị ấy ?” 28 Người phụ nữ để vò nước lại, vào thành và nói với người ta : 29 “Đến mà xem : có một người đã nói với tôi tất cả những gì tôi đã làm. Ông ấy không phải là Đấng Ki-tô sao ?” 30 Họ ra khỏi thành và đến gặp Người.

31 Trong khi đó, các môn đệ thưa với Người rằng : “Ráp-bi, xin mời Thầy dùng bữa.” 32 Người nói với các ông : “Thầy phải dùng một thứ lương thực mà anh em không biết.” 33 Các môn đệ mới hỏi nhau : “Đã có ai mang thức ăn đến cho Thầy rồi chăng ?” 34 Đức Giê-su nói với các ông : “Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy, và hoàn tất công trình của Người. 35 Nào anh em chẳng nói : Còn bốn tháng nữa mới đến mùa gặt ? Nhưng này, Thầy bảo anh em : Ngước mắt lên mà xem, đồng lúa đã chín vàng đang chờ ngày gặt hái ! 36 Ai gặt thì lãnh tiền công và thu hoa lợi để được sống muôn đời, và như thế, cả người gieo lẫn kẻ gặt đều hớn hở vui mừng. 37 Thật vậy, câu tục ngữ “kẻ này gieo, người kia gặt” quả là đúng ! 38 Thầy sai anh em đi gặt những gì chính anh em đã không phải vất vả làm ra. Người khác đã làm lụng vất vả ; còn anh em, anh em được vào hưởng kết quả công lao của họ.”

39 Có nhiều người Sa-ma-ri trong thành đó đã tin vào Đức Giê-su, vì lời người phụ nữ làm chứng : ông ấy nói với tôi mọi việc tôi đã làm. 40 Vậy, khi đến gặp Người, dân Sa-ma-ri xin Người ở lại với họ, và Người đã ở lại đó hai ngày. 41 Số người tin vì lời Đức Giê-su nói còn đông hơn nữa. 42 Họ bảo người phụ nữ : “Không còn phải vì lời chị kể mà chúng tôi tin. Quả thật, chính chúng tôi đã nghe và biết rằng Người thật là Đấng cứu độ trần gian.”

(Nguồn Lời Chúa: ktcgkpv.org/)

Suy Niệm 1: Lm Lu-y Gonzaga Nguyễn Quang Vinh

NƯỚC GIẢI KHÁT

 

Hành trình đi vào đức tin được thánh Gioan trình bày qua câu chuyện người phụ nữ Samari đối thoại với Đức Giêsu về chủ đề nước.  Nước là chủ đề của Chúa nhật 3 Mùa Chay năm A.  Nước vọt ra từ tảng đá núi Khôrếp theo lệnh của Môsê, nước của giếng Giacóp, nơi Đức Giêsu gặp gỡ người phụ nữ Samari.  Một dân tộc du mục sống trong vùng đất khô cháy, thì nước là vấn đề sống chết.  Giếng và nước chiếm một chỗ quan trọng trong lịch sử cứu độ: nước từ ban sơ thời tạo dựng cho đến nước rửa tội, nước lụt đại hồng thủy, nước biển Đỏ, nước sông Giođan.  Nước nhắc nhớ sự chôn vùi và giải thoát, một cuộc vượt qua đi vào thế giới mới, vào sự sống mới.  Nước dìm chết và làm phát sinh sự  sống.

Nước và sự sống gắn liền với nhau. Giếng nước là dấu chỉ sự sống, là nơi quy tụ sinh hoạt của dân làng, là nơi gặp gỡ của bao nhiêu cuộc tình giữa trai tài gái sắc.  Người dân du mục đi từ ốc đảo nầy sang điểm nước khác, sự phong phú của đàn vật và sự sống của con người gắn liền với guồng nước.  Người ta quyết sống chết để dành cho được nước, bao nhiêu cuộc chiến tranh xảy ra ở vùng vịnh là vì nước, nước là sự quyết định sinh tồn và sự phồn vinh của một dân tộc. 

Đời sống các tổ phụ được đan dệt từ dòng nước.  Giếng nước Giacóp là một điển hình (x. Bài Tin Mừng hôm nay Ga 4,5-42).  Trong trình thuật này Đức Giêsu xuất hiện trước mắt người phụ nữ Samari như một người đi kín múc nước, thực chất Người là nguồn nước hằng sống.  Nước Người ban không vọt ra từ đất, nhưng là hồng ân sự sống Thiên Chúa ban tặng: “Nếu chị nhận ra ân huệ Thiên Chúa ban, và ai là người nói với chị: ‘Cho tôi chút nước uống, thì hẳn chị đã xin, và người ấy đã ban cho chị nước hằng sống” (câu 10).

Nước vọt lên từ nơi mà người ta không thể ngờ được, theo trình thuật trong Bài đọc 1 mô tả (Xh 17,3-7): tảng đá ở núi Khôrếp, núi đá gợi lên sự khô cháy, hơn là gợi lên hình ảnh nguồn suối nước mát, thế mà ông Môsê cầm gậy đập vào đá.  “Từ tảng đá nước sẽ chảy ra cho dân. Ông Môsê đã làm như vậy trước mắt các kỳ mục Ít-ra-en”(c. 6).  Cũng thế trong bài Tin Mừng, các khó khăn được kể đến khi múc nước: giếng thì sâu mà gàu không có, vậy làm sao lấy được nước. Khó khăn từ đá vắt ra nước được so sánh như giếng sâu mà không có gàu làm sao lấy được nước.

Sự kỳ thị địa phương xem ra hết thuốc chữa
vì người đối thoại lại là phụ nữ Samari: “Ông là người Do thái, mà lại xin tôi, một phụ nữ Samari, cho ông nước uống sao?”.  Một hố ngăn cách giữa Do thái và Samari, hai bên không giao thiệp với nhau.  Những khó khăn nêu lên đó chẳng khác gì núi đá khô cháy, tường thành đố kỵ được dựng lên ngăn cách đối thoại,  không mong gì có chút nước mát để giải khát.  Nhất là khi bàn tới đời sống riêng tư, bà phụ nữ Samari không muốn bất cứ ai đụng tới đời tư ít tốt đẹp của bà nên lạnh lùng bà đáp: “Tôi không có chồng”. 

Đức Giêsu chấp nhận sự thật đó và soi sáng thêm : “Bà đã năm đời chồng rồi, và người hiện đang sống với bà không phải là chồng bà”.  Bà không muốn đụng đến quá khứ bất hảo của mình.  Những khó khăn đó như hố sâu cách biệt chẳng khác gì tảng đả lạnh lùng ở núi Khôrép.  Nơi không thể đào ra nước được!  Đức Giêsu nhà mô phạm tài năng đi từ vật chất đến tinh thần, Người là MC hướng dẫn chương trình trong cuộc phỏng vấn nầy, Người đã thành công khi dẫn dắt cuộc phỏng vấn đạt đến mục đích nhắm tới (Master of Ceremony viết tắt M.C, tiếng Việt dịch: Người điều khiển chương trình).

Chuyện xin nước uống chỉ là chuyện làm quà để có dịp đi sâu hơn vào một thực tại khác mà Đức Giêsu muốn dẫn dắt người phụ nữ tiến bước: Từ nước giếng vật chất đến Nước Hằng Sống;  từ thờ phượng trên núi nầy núi nọ đến thờ phượng Thiên Chúa trong tinh thần và chân lý; từ của nuôi thân xác đến thi hành ý Cha.  Đức Giêsu đi từ thực tại vật chất để dẫn đưa người phụ nữ đến Nước Hằng Sống, Người đi bước trước để khơi dậy niềm tin nơi người phụ nữ.  Kể cũng lạ, Đấng sở hữu nước hằng sống lại đi xin con người chút nước uống!  Đúng thật, Tin mừng Gioan là tin mừng của các dấu chỉ: nói việc trước mắt, ám chỉ điều thâm sâu hơn.

Ngỏ lời xin nước uống như miếng trầu là đầu câu chuyện truyền giáo.  Đức tin khởi đi bằng đối thoại với chính Thiên Chúa.  Những ngộ nhận ban đầu được dần dà loại bỏ, người phụ nữ đi vào đức tin và trở nên người loan báo tin mừng: “Đến mà xem: có một người đã nói với tôi tất cả những gì tôi đã làm.  Ông ấy không phải là Đức Kitô sao?” (câu 29).  Đức tin là cuộc đối thoại không ngơi nghỉ giữa con người với chính Thiên Chúa, là sự săn lùng dòng nước mát mà chỉ có Thiên Chúa mới có thể làm cho con người được giải khát. 

Tự nơi thâm tâm con người khao khát điều vô biên, khi tin vào Thiên Chúa con người như tìm được nguồn mạch sự sống: “Vì chúng ta tin, nên Đức Giêsu đã mở lối cho chúng ta vào hưởng ân sủng của Thiên Chúa” (x. Bài Đọc 2. Rm 5,1-2.5-8).  Chỉ nơi Đức Giêsu nhân loại tìm được dòng nước giải khát cho mọi ước vọng.

Lạy Chúa Giêsu, nhân loại luôn khao khát nước hằng sống, nước hoà bình, nước công lý và bình đẳng, nước yêu thương và hạnh phúc … mà chỉ mình Chúa mới có thể lấp đầy hố sâu khát vọng nơi chúng con. Amen

Suy Niệm 2: Lm Tôma Aquinô Trần Duy Linh

Khát vọng

Bài Tin mừng Chúa Nhật hôm nay là cuộc trò chuyện giữa Đức Giêsu với người đàn bà xứ Samaria được thánh sử Gioan tường thuật lại.

Câu chuyện xảy ra trong bối cảnh Đức Giêsu tới thành Sykar thuộc xứ Samaria. Sau một quảng đường mệt nhọc, Đức Giêsu dừng chân nghỉ tại giếng Gia-cóp. Có lẽ Ngài rất khát nước, vì đó là giờ thứ sáu. Nhưng làm sao để có nước uống, vì giếng thì sâu, Ngài lại không có dụng cụ để múc nước. May mắn thay, lúc đó có một người đàn bà xứ Samaria tới lấy nước. Đức Giêsu nói với người đàn bà: “Xin bà cho tôi uống nước” (Ga 4,7). Nghe vậy, người đàn bà Samaria ngạc nhiên, vì từ lâu người Do thái và người Samaria không giao thiệp với nhau. Thậm chí họ là kẻ thù của nhau. Chính vì thế, người đàn bà mới trả lời với Đức Giêsu rằng: “Sao thế! Ông là người Do-thái mà lại xin nước uống với tôi là người xứ Samaria?” (Ga 4,9).

Thực ra, việc xin nước uống chỉ là cái cớ để Đức Giêsu bắt chuyện với người đàn bà. Mục đích của Đức Giêsu không phải là xin nước, nhưng Ngài muốn mạc khải cho bà biết những điều quan trọng về Ngài. Vì thế, sau khi nghe người đàn bà thắc mắc, Đức Giêsu mới bắt đầu vào nội dung chính của câu chuyện, Ngài nói với người đàn bà rằng: “Nếu chị nhận ra ân huệ Thiên Chúa ban và ai là người nói với chị: cho tôi chút nước uống với, thì hẳn chị đã xin, và người ấy ban cho chị nước hằng sống” (Ga 4,10). Nghe những lời Đức Giêsu vừa nói, người đàn bà càng thắc mắc nhiều hơn. Đó cũng chính là sự chờ đợi của Đức Giêsu. Vì thế, Ngài mạc khải tiếp: “Ai uống nước tôi cho, sẽ không bao giờ khát nữa. Và nước tôi cho sẽ trở thành nơi người ấy một mạch nước vọt lên, đem lại sự sống đời đời”(Ga 4,4,14). Giờ thì không phải Đức Giêsu xin chị uống nước mà chính chị mới là người xin Đức Giêsu uống nước. Chị nói: “Thưa Ngài, xin cho tôi thứ nước ấy, để tôi hết khát và khỏi phải đến đây lấy nước”(Ga 4,15). Như vậy, Đức Giêsu đã mạc khải cho chị biết, chính Ngài là Đấng Kitô. Cho nên không phải ai khác, mà chính Ngài là người ban cho chị Nước Hằng Sống. Rồi Ngài còn mạc khải cho chị về việc tôn thờ Thiên Chúa trong tinh thần và chân lý. Ngài nói: “Đã đến giờ và chính là lúc này, những kẻ tôn thờ đích thực, sẽ thờ Chúa Cha trong tinh thần và chân lý. Đó chính là những người tôn thờ mà Chúa Cha muốn” (Ga 4, 23).

Câu chuyện Tin mừng đến đây cho chúng ta thấy, Đức Giêsu đã đáp ứng niềm khát vọng sâu xa của người đàn bà. Bà đã biết về Đức Giêsu và tin nhận Ngài là Đấng Mêsia. Còn chúng ta: Đâu là niềm khát vọng của chúng ta? Chúng ta đã thực hiện sứ mạng đem “Nước” cho những người khác như thế nào?

1. Đâu là niềm khát vọng của chúng ta?

Trước hết, mỗi chúng ta cũng có những khát vọng thuộc lãnh vực tự nhiên: Khát nước, khát cơm ăn áo mặc, khát tình cảm, khát chân lý, khát tự do, khát yêu thương, khát công bằng, khát hạnh phúc… Nhưng những khát vọng này của chúng ta không bao giờ được thỏa mãn một cách tuyệt đối. Vì: uống nước rồi vẫn khát, ăn rồi vẫn đói; tình cảm không bao giờ đong đầy. Ngoài ra, với tâm lý “được voi đòi tiên” của con người thì sự thỏa mãn càng không bao giờ đủ. Chính người đàn bà xứ Samaria hằng ngày vẫn đến giếng Giacóp lấy nước. Bà đã có 5 đời chồng rồi, nhưng hiện vẫn sống với người chồng thứ 6. Hơn nữa, con người vẫn mong muốn những cái tuyệt đối, mà ở trần gian này không có cái gì là tuyệt đối: Tình yêu, công lý, tự do, hạnh phúc…chỉ là tương đối mà thôi.

Thứ đến, mỗi chúng ta cũng có những khát vọng thuộc lãnh vực siêu nhiên như: Khát đức tin, khát Chúa, khát Nước hằng sống, khát hạnh phúc Thiên đàng…Sự khát khao thuộc lãnh vực siêu nhiên này chúng ta chỉ được thỏa mãn nơi Chúa. Vì, “Chỉ trong Thiên Chúa mà thôi, hồn tôi mới được nghỉ ngơi yên hàn” (Tv 61,2). Chính Đức Giêsu cũng đã nói với người đàn bà: “Ai uống nước này, sẽ lại khát. Còn ai uống nước tôi cho sẽ không bao giờ khát nữa. Và nước tôi cho sẽ trở thành nơi người ấy một mạch nước vọt lên, đem lại sự sống đời đời” (Ga 4, 13-14).

Chính vì vậy, Mùa chay, Giáo hội kêu mời chúng ta khỏa lấp lòng khao khát sự sống siêu nhiên bằng việc gặp gỡ Đức Giêsu: qua Lời của Ngài, qua các Bí tích, nhất là Bí tích Giao hòa và Bí tích Thánh Thể. Chúng ta cũng có thể khỏa lấp lòng khao khát sự sống siêu nhiên bằng đời sống cầu nguyện và sự chia sẻ cơm áo cho tha nhân.

2. Chúng ta có sứ mạng đem “Nước Hằng Sống” cho những người khác?

Sau khi người đàn bà được Đức Giêsu “cho uống nước hằng sống,” bà đã chạy về thành và kêu gọi mọi người “Mau hãy đến xem, có một ông đã nói với tôi tất cả những gì tôi đã làm. Phải chăng ông đó là Ðấng Kitô?” (Ga 4,29). Dân chúng tuôn nhau ra khỏi thành và đến cùng Ngài. Nhiều người tin vào Đức Giêsu do lời chứng của người đàn bà. Họ mời Đức Giêsu ở lại với họ hai ngày. Sau đó, họ nói rằng: “Giờ đây, không phải vì những lời chị kể mà chúng tôi tin, nhưng chính chúng tôi đã được nghe lời Người và chúng tôi biết Người thật là Ðấng Cứu Thế” (Ga 4,42).

Sứ vụ của người đàn bà cũng là sứ vụ của mỗi người chúng ta. Trong đoạn Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu đã nói cho các môn đệ biết về công việc của Ngài: “Lương Thực của Thầy là làm theo ý Ðấng đã sai Thầy và chu toàn công việc của Ngài”(Ga 4,34). Công việc của Đức Giêsu là loan báo Tin mừng. Đó cũng là công việc của các Tông đồ và là công việc của mỗi người chúng ta. Công việc đó luôn có tính cấp bách. Chính Đức Giêsu đã cho biết: “Các con chẳng nói: còn bốn tháng nữa mới đến mùa gặt đó ư? Nhưng Thầy bảo các con hãy đưa mắt mà nhìn xem đồng lúa chín vàng đã đến lúc gặt. Người gặt lãnh công và thu lúa thóc vào kho hằng sống, và như vậy kẻ gieo người gặt đều vui mừng. Ðúng như câu tục ngữ: Kẻ này gieo, người kia gặt. Thầy sai các con đi gặt những gì các con không vất vả làm ra; những kẻ khác đã khó nhọc, còn các con thừa hưởng kết quả công lao của họ”

Để loan báo Tin mừng có hiệu quả, chúng ta cần phải luôn chủ động, đi bước trước để đến với tha nhân. Đức Giêsu đã luôn làm như thế. Ngài đã đi bước trước qua việc bắt đầu câu chuyện bằng việc xin nước người phụ nữ. Rồi sau đó, Ngài đã mời gọi người phụ nữ uống Nước Hằng Sống. Ngài đi bước trước đến bàn thu thuế và mời gọi ông Lêvi đi theo Ngài. Ngài đi bước trước để đến với ông Giakêu khi ông đang ở trên cây sung để cho ông biết “hôm nay tôi đến trọ nơi nhà ông.” Ngài đi bước trước đến đồng bàn với những người thu thuế và tội lỗi để mời gọi họ bỏ quá khứ tội lỗi để trở về với Ngài…

Chúng ta cũng phải noi gương Đức Giêsu, đi bước trước đến với những người cần đến chúng ta. Đặc biệt là những người đang gặp khó khăn trong đời sống đức tin. Những người gặp khó khăn trong đời sống gia đình. Những người bỏ Chúa và Giáo hội lâu năm. Những người đang bất hòa với chúng ta. Thậm chí là những người đang hằn thù, ghen ghét chúng ta. Chúng ta cần đi bước trước để bắt chuyện với họ, giúp họ nhận ra con người thật của mình, cần đến Chúa để họ trở về với Chúa và Giáo hội.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho mỗi người chúng con biết từ bỏ tội lỗi, trở về với Chúa. Xin cho chúng con luôn biết khỏa lấp những khát khao trong cuộc sống bằng chính Chúa. Từ đó, chúng con trở thành những sứ giả đem Chúa đến với anh chị em và đem anh chị em trở về với Chúa. Amen.

WGPKT(08/03/2023) KONTUM