Trường Học Thánh Phaolô – Thư 2 Côrintô

TRƯỜNG HỌC

  THÁNH PHAOLÔ

Suy Niệm

 

Nguyên tác: “Un temps de prièrès à l’école de Saint Paul”

Lm  Fichelle, Lourdes 2005

  Lm Lu-Y Nguyễn Quang Vinh chuyển ng

 

Đọc thêm:

Nhập Đề

Thư 1 Thêxalônica

Thư 2 Thêxalônica

Thư 1 Côrintô

Thư 1 Côrintô (tiếp theo)

 

THƯ 2 CÔRINTÔ

 

Thư 2 Côrintô cho chúng ta đề cập đến một chủ đề mà tôi xin đề tựa: “Kinh nguyện của vị tông đồ trong thử thách”.  Thư trình bày cho chúng ta người tông đồ bị nhiều thử thách cam go: Thánh Phaolô liệt kê một danh sách khá dài những đau khổ ngài phải chịu.  Khác với Thư 1 Côrintô về âm điệu, Thư 1 Côrintô nhắm chỉnh đốn những vấn đề trong cộng đoàn.  Trong Thư 2 Côrintô, thánh Phaolô nói nhiều hơn về cá nhân.  Là tông đồ, ngài bị những thử thách, những khó khăn đủ mọi bề, ngài cảm thấy một sự thù ghét nào đó nơi một số thành viên trong cộng đoàn và vì thế âm điệu của Thư nầy có tính hộ giáo: Thánh Phaolô phải bênh vực sứ vụ tông đồ của mình.  Ngài mô tả cho chúng ta khá dài về tác vụ tông đồ!  Nói cho chúng ta những tâm sự của một tông đồ đã trải qua nhiều tháng ngày trong lao tù, bị tước mất tự do, chịu bạo hành và những nhục hình do những người không chấp nhận ngài thi hành sứ vụ loan báo Tin Mừng (do những bạn đồng hương, người Do thái và chính quyền)

Kinh nguyện khởi đầu, trong Thư nầy và Thư 1 Côrintô  được chỉ đạo bởi những gì thánh Phaolô sẽ phải nói tiếp theo: kinh nguyện cho thấy âm điệu tổng thể của lá Thư.  Đó là kinh nguyện chúc tụng vì ân huệ an ủi và của người an ủi mà Đức Chúa sai đến với những người rao giảng Tin Mừng và với những ai đón nhận Tin Mừng trong những lúc họ phải chịu đau khổ.  Vị tông đồ xuất hiện như thừa tác viên của sự an ủi.  Điều nầy cho ngài cơ hội khẳng định mối tương quan giữa cuộc khổ nạn, sự sống lại của Đức Kitô và của tất cả mọi tông đồ, mọi môn đệ của Đức Giêsu Kitô.  Điều nầy cũng cho ngài cơ hội khẳng định thành quả của việc tông đồ bởi vì người rao giảng theo đuổi việc tông đồ, sứ vụ của chính Đức Giêsu.  Tất cả những điều nầy được kết thúc trong lời tuyên xưng đức cậy trông (ngang qua tất cả những thử thách vị tông đồ biết rằng Đức Chúa hướng dẫn ngài) và bằng hành động tạ ơn cần thiết.  Thái độ nền tảng của vị tông đồ là tạ ơn.

“Chúc tụng Thiên Chúa và là Cha của Chúa chúng ta, Đức Giêsu Kitô, Cha đầy tình thương xót, và là Thiên Chúa mọi điều an ủi, Đấng an ủi chúng tôi trong mọi nỗi gian truân, để nhờ sự an ủi chúng tôi được nơi Thiên Chúa, chúng tôi cũng có thể an ủi những người lâm vào bất cứ cảnh gian truân nào.  Vì chưng các sự thống khổ của Đức Kitô tràn đến trên chúng tôi thế nào, thì nhờ Đức Kitô, sự an ủi chúng tôi được cũng dẫy tràn thể ấy.  Dù chúng tôi lâm phải gian truân, ấy là để anh em được an ủi, được cứu thoát; dù chúng tôi được an ủi, ấy vẫn là để anh em được an ủi, (một sự an ủi) nên kiến hiệu trong sự chịu đựng những nỗi thống khổ như chính chúng tôi cũng hằng phải chịu.  Và mối hy vọng của chúng tôi về anh em thật là vững chắc, bởi biết rằng anh em đã thông phần thống khổ thế nào, thì cũng (được thông phần) an ủi thể ấy.

 Quả vậy, hỡi anh em, chúng tôi không muốn để anh em không hay không biết về nỗi gian truân đã xảy đến cho chúng tôi ở Tiểu Á.  Thật chúng tôi đã phải khốn khổ ê chề đến cực độ, quá sức mình, bí đến nỗi không trông sống nổi.  Nhưng trong thâm tâm, chúng tôi đã đành phận với án tử rồi, để chúng tôi đừng còn nương cậy vào mình, nhưng là vào Thiên Chúa, Đấng làm cho kẻ chết sống lại.  Chính Người đã cứu và sẽ cứu chúng tôi khỏi cái chết khốc liệt như thế; nơi Người, chúng tôi đã đặt lòng trông cậy, là Người sẽ còn (ra tay) cứu nữa, bởi chính anh em cũng lấy lời khẩn nguyện mà đua nhau trợ giúp chúng tôi, ngõ hầu ơn ấy muôn mặt ngưỡng cầu cho chúng tôi, thì cũng có muôn người cảm tạ cho chúng tôi!” (2Cr 1, 3-11).

“Chúc tụng Thiên Chúa và là Cha của Chúa chúng ta, Đức Giêsu Kitô, Cha đầy tình thương xót, và là Thiên Chúa mọi điều an ủi, Đấng an ủi chúng tôi trong mọi nỗi gian truân, để nhờ sự an ủi chúng tôi được nơi Thiên Chúa, chúng tôi cũng có thể an ủi những người lâm vào bất cứ cảnh gian truân nào”.  Khác với những kinh nguyện nơi các Thư cuối cùng mà chúng ta đã chú giải, ở đây không dùng từ ngữ tạ ơn.  “Chúc tụng Thiên Chúa”: kinh nguyện chúc lành.  Trong kinh nguyện Do thái giáo, rất kinh điển bắt đầu kinh nguyện bằng một công thức chúc tụng.  Trong kinh nguyện Kitô giáo lối diễn tả nầy thường được lấy lại cách trung thực với kinh nguyện trong Kinh thánh; như trong kinh nguyện Benedictus, “ Chúc tụng Đức Chúa là Thiên Chúa Ítraen”, lời kinh của Giacaria.  Tiểu dị nào giữa chúc tụng và tạ ơn?  Người ta chúc tụng Đức Chúa và người ta tạ ơn vì những hồng ân.  Lời chúc tụng ngỏ với chính người ban tặng, hành động tạ ơn được hình thành công thức vì tất cả những gì được ban cho chúng ta.  Lời chúc tụng: tôi ca ngợi lòng lành của Thiên Chúa.  Tôi chúc tụng Thiên Chúa là ân nhân của tôi bởi vì Người đã làm cho tôi điều thiện hảo.

Thiên Chúa đó có tên gọi là gì ?  Người được gọi là “Cha”.  Khác với kinh nguyện Do thái, chúng ta có đặc nét Kitô giáo: Thiên Chúa được chúc tụng trước tiên là “Cha của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta”.  Nhìn nhận rằng Thiên Chúa là Cha của người con Giêsu Kitô, chính là nhìn nhận thần tính của Đức Giêsu như là Con của Cha.  “Cha hay thương xót”: đó sẽ là vấn đề, trong Thư nầy, cách thức mà Đức Chúa cư xử đối với những ai “biết thương xót”, những ai đang “đau khổ”.  “Cha hay thương xót”, chính là Cha có tâm hồn nghiêng về những người “khốn cùng”.

Và Thiên Chúa của mọi niềm an ủi”.  Từ ngữ an ủi lặp lại 9 lần trong kinh nguyện nầy. Một hạn từ nặng màu sắc kinh thánh.  Trong Sách An Ủi của tiên tri Isaia có ghi các bài ca của Người Tôi Tớ: “Hãy an ủi, hãy an ủi dân Ta” (Is 40, 1).  Hạn từ ‘an ủi’ thân thương với các tiên tri thời Cựu Ước để định phẩm một Thiên Chúa an ủi.  Để thấy làm thế nào điều nầy được diễn tả trong Tân Ước, hãy nhớ đến câu đầu tiên của Tin Mừng Luca lượng định ông già Simêon: “một người công chính và mộ đạo, những ngóng đợi niềm an ủi của Ítraen, và Thánh Thần ở trên ông” (Lc 2, 25).  Niềm an ủi của Ítraen là danh xưng mà người Do thái đạo đức gán cho Đức Mêsia được mong chờ: Ông Simêon ngóng đợi niềm an ủi của Ítraen và ông thấy đến với mình một đứa trẻ, trẻ đó sẽ là Đấng An Ủi, là niềm an ủi; hạn từ đấng an ủi được áp dụng cho chính Đức Giêsu.  Vào lúc Người phải từ giả những người thân, Đức Giêsu, trong lời giả biệt sau bữa Ăn Tối, đã hứa sẽ gửi cho các môn đệ một Đấng An Ủi khác đó là Chúa Thánh Thần.  An ủi bởi tiếng Hy lạp Paraclet.  Là danh xưng được Đức Giêsu gán cho Thần Khí sẽ đến.  Bởi vậy cho nên, để làm cho sự an ủi có một gương mặt, cần phải khêu gợi lên ngôi vị Chúa Thánh Thần đấng đến thế chỗ cho Đức Giêsu khi Người từ giả đất mà Lên trời.  Hãy nhớ đến thánh thi về Chúa Thánh Thần trong phụng vụ ngày Lễ Ngũ Tuần: “Xin hãy đến lạy Thánh Thần, Ngài là Đấng An Ủi” hay “Lạy Thánh Thần, Đấng an ủi vỗ về”.  Vượt lên trên ý nghĩa của tình cảm (người mẹ an ủi con khi khóc lóc), có một hiện thực, một mầu nhiệm của một ngôi vị thần linh đó Chúa Thánh Thần.  Ngay đầu sứ vụ của mình, trong hội đường Nagiarét, Đức Giêsu tự giới thiệu mình: “Thần khí của Đức Chúa ngự trên Tôi, Ngài sai Tôi đi an ủi, Ngài sai Tôi đi loan báo Tin Mừng cho người nghèo . . .” (x. Lc 4, 18).  Đức Giêsu tự giới thiệu mình như là Đấng An Ủi bao lâu Thần khí cư ngụ nơi Ngài.  Đàng sau hạn từ an ủi, hãy nhìn nhận hoạt động của Thần khí, một cách đặc biệt hoạt động mà Đức Giêsu hứa ban cho các kẻ thuộc về Người trong những lúc họ sẽ bị bắt bớ: chính Thần khí sẽ phát ngôn qua miệng lưỡi họ.  Đấng an ủi, Thánh Thần của Thiên Chúa, Thánh Thần của Cha, Thánh Thần của Con.

Đấng an ủi chúng tôi trong mọi nỗi gian truân”.  Ai được an ủi?  Chúng tôi.  Trong bối cảnh tức thời, đó là những người rao giảng Tin Mừng.  Thánh Phaolô gửi Thư nầy cho tín hữu Côrintô để gửi gắm Timôtê; họ có hai người, thánh Phaolô nói như thế: chúng tôi.  Vị tông đồ thừa hưởng sự hiện diện của Thần khí, đấng bảo lãnh ngài trong sứ vụ của ngài và cách đặc biệt khi họ lâm cảnh gian truân.  “Đấng an ủi chúng tôi trong mọi nỗi gian truân, để nhờ sự an ủi chúng tôi được nơi Thiên Chúa, chúng tôi cũng có thể an ủi những người lâm vào bất cứ cảnh gian truân nào”.  Thật thú vị, đối với một tông đồ, nói về điều đang xảy ra: Đức Chúa ban cho ngài Thần khí an ủi nầy.  Vị tông đồ đón nhận Thần khí để, qua ngài, qua sứ vụ của ngài, Thần khí an ủi đó được thông ban cho tất cả những ai mà ngài ngõ lời với và ngài biết những hoàn cảnh gian truân: “Để nhờ sự an ủi chúng tôi được nơi Thiên Chúa, chúng tôi cũng có thể an ủi những người lâm vào bất cứ cảnh gian truân nào”.  Vị tông đồ sẽ không có khả năng nầy nếu ngài đã không lãnh nhận Thần khí an ủi để chuyển thông lại.  Trong ý nghĩa đó, vị tông ghi danh mình vào hạng mục của Đức Giêsu đang tự giới thiệu mình trong hội đường Nagiarét như Đấng đến thông ban sự an ủi của Thần khí cho tất cả những ai Ngài sẽ gặp gỡ: người bệnh tật, người đau khổ . . .

Vì chưng các sự thống khổ của Đức Kitô tràn đến trên chúng tôi thế nào, thì nhờ Đức Kitô, sự an ủi chúng tôi được cũng dẫy tràn thể ấy”.  Thánh Phaolô khẳng định rằng những đau khổ ngài chịu khi thi hành tác vụ tông đồ, chính là cuộc khổ nạn của Đức Kitô được tiếp tục qua những thử thách mà ngài biết đến.  Vị tông đồ là kẻ mang trong thân xác mình những dấu thánh, những vết thương của cuộc Khổ nạn của Đức Kitô.  Vị tông đồ là kẻ, trong cuộc chiến tông đồ, tiếp tục sống sự hấp hối, cuộc chiến đấu của Đức Giêsu nơi Vườn Dầu; ngài nói điều này rõ ràng ở chương 4: “Chúng tôi bị ép dồn mọi mặt, nhưng không bị nghiền; lâm bĩ nhưng không mạt lộ; bị bắt bớ, nhưng không bị bỏ; bị quật ngã, nhưng không bị diệt.  Mọi thời và khắp nơi, chúng tôi mang trong thân mình chúng tôi cuộc tử nạn của Đức Giêsu, ngõ hầu sự sống của Đức Giêsu cũng được hiện tỏ nơi mình chúng tôi” (2 Cr 4, 8-10).  Ngài cũng nói một kiểu như thế ở chương 1: “Vì chưng các sự thống khổ của Đức Giêsu tràn đến trên chúng tôi thế nào, thì nhờ Đức Kitô sự an ủi chúng tôi được cũng dẫy tràn thể ấy” (2 Cr 1, 5).  Sự thông phần của vị tông đồ vào những đau khổ của Đức Giêsu và cuộc khổ nạn của Người là bảo chứng ngài sẽ tham dự sự Sống lại và sự Sống của Người.  Linh đạo sâu sắc của vị tông đồ là vượt qua: ngài theo Đức Kitô vượt qua khổ nạn và cái chết, khổ nạn và cái chết mở ra đón nhận sự sống.  Cũng như Thần khí trả lại sự sống cho Đức Giêsu chết thế nào, Thần khí an ủi cũng sẽ làm cho các tông đồ, ngang qua các thử thách và khổ nạn, thành những sứ giả về sự sống lại của Đức Kitô như vậy, bởi vì các ngài mang sự sống nơi chính mình.  Từ vựng sống lại chúng ta thường dùng có thể được thay thế bởi từ vựng  an ủi.  Sống lại đối với Đức Giêsu, chính là sự an ủi tối cao của Người sau những thử thách bao lâu Thần khí sự sống cư ngự nơi Người và  cho phép Người trở nên hằng sống luôn mãi. “Vì chưng các sự thống khổ của Đức Giêsu tràn đến trên chúng tôi thế nào, thì nhờ Đức Kitô sự an ủi chúng tôi được cũng dẫy tràn thể ấy”.

Dù chúng tôi lâm phải gian truân, ấy là để anh em được an ủi, được cứu thoát; dù chúng tôi được an ủi, ấy vẫn là để anh em được an ủi, (một sự an ủi) nên kiến hiệu trong sự chịu đựng những nỗi thống khổ như chính chúng tôi cũng hằng phải chịu”.  Đó là ý nghĩa sứ vụ của ngài: Vị tông đồ chìm sâu trong mầu nhiệm Vượt qua của Đức Giêsu; ngài trở thành đầy tớ và người thi hành sứ vụ ân sủng của lễ Vượt qua cho những ai ngài rao giảng Tin mừng.  Vượt lên trên các diễn từ để rao giảng Lời của Thiên Chúa, có sự hiệp thông về sự Sống của Đấng phục sinh đối với những ai trải qua thử thách và đau khổ. “Chúng tôi lâm phải gian truân ư, ấy là để anh em được an ủi”.  Những khó khăn của thừa tác vụ, của việc tông đồ và của sự hiệp thông với Lời được sống trong liên đới với Khổ nạn của Đức Kitô và liên đới với những ai có liên hệ không phải là không sinh hoa kết trái.  “Chúng tôi được an ủi ư, ấy vẫn là để anh em được an ủi, (một sự an ủi) nên kiến hiệu trong sự chịu đựng những nỗi thống khổ như chính chúng tôi cũng hằng phải chịu”.  Phần số của những tông đồ cũng là phần số của những kẻ nghe họ rao giảng.  Có một thứ hiệp thông về mầu nhiệm vượt qua xuyên suốt những thực tại của thừa tác vụ; không những chỉ nghĩ đến thừa tác vụ Lời mà thôi, nhưng còn phải nghĩ đến thừa tác vụ dưới hình thức khác nữa, một cách đặc biệt là Phép Thánh Thể.

Mối hy vọng của chúng tôi về anh em thật là vững chắc, bởi biết rằng anh em đã thông phần thống khổ thế nào, thì cũng được thông phần an ủi thể ấy”.  Nền tảng của niềm hy vọng nơi thánh Phaolô là tin chắc công trình vượt qua của Đức Giêsu Kitô được tiếp tục.  Đối với tất cả các môn đệ của Đức Giêsu, mặc cho những khổ nạn nào bất cứ mà họ gánh chịu, thì chắc chắn rằng, qua những khổ nạn đó, họ bắt gặp Chúa Kitô trong mầu nhiệm an ủi  và Phục sinh của Người.  Thánh Phaolô sẽ nói: đúng thật tôi chịu đau khổ.  “Quả vậy, hỡi anh em, chúng tôi không muốn để anh em không hay không biết về nỗi gian truân đã xảy đến cho chúng tôi ở Tiểu Á.  Thật chúng tôi đã phải khốn khổ ê chề đến cực độ, quá sức mình, bí đến nỗi không trông sống nổi”.  Đã xảy ra những đau khổ ghê gớm cho thánh Phaolô; do đó ngài nêu ra trong Thư những nguy hiểm mà ngài phải trải qua.  Có niềm hy vọng và sự thất vọng.  Thánh Phaolô đã phải chiến thắng cơn cám dỗ thất vọng trong những nguy hiểm tột cùng mà ngài kinh qua: đó là nguy hiểm về sự sống và đe dọa chết: “Nhưng trong thâm tâm, chúng tôi đã đành phận với án tử rồi, để chúng tôi đừng còn nương cậy vào mình, nhưng là vào Thiên Chúa, Đấng làm cho kẻ chết sống lại”.  (Không tin tưởng vào chính mình nhưng tin tưởng, phó thác vào Thiên Chúa).  Và nền tảng niềm hy vọng của thánh Phaolô và niềm hy vọng của người tông đồ là gì?  Đó là sự sống lại của Đức Kitô.  Bởi vì Đức Kitô biết đến cái chết đã phục sinh, vị tông đồ, bởi vì đã tham dự vào cuộc khổ nạn và cái chết của Đức Giêsu, được bảo đảm chiến thắng tất cả mọi chướng ngại: ở bên kia cái chết, sự sống được dâng hiến.  “Chính Người đã cứu và sẽ cứu chúng tôi khỏi cái chết khốc liệt như thế” (Thánh Phaolô chắc chắn về sự hiện diện sống động của Đức Kitô nơi ngài bằng kinh nghiệm của mình; việc làm của trí nhớ thật quan trọng; ngài biết rằng trong tương lai Đức Chúa phục sinh sẽ còn hiện diện luôn luôn với ngài).  “Nơi Người, chúng tôi đã đặt lòng trông cậy, là Người sẽ còn ra tay cứu nữa”.  Ngài chắc chắn sự đồng hành của Đức Kitô tử nạn và phục sinh chiến thắng mọi cái chết.

Câu cuối cùng thật thú vị vì thánh Phaolô kéo tín hữu Côrintô vào cuộc phiêu lưu nầy: “ Bởi chính anh em cũng lấy lời khẩn nguyện mà đua nhau trợ giúp chúng tôi”.  Các bạn đã phát hiện trong Thư 2 Thêxalônica thánh Phaolô xin những người nhận thư cầu nguyện cho ngài.  Lời cầu nguyện của người nhận thư đóng vai trò gì trong hoạt động của thánh Phaolô? “Bởi chính anh em cũng lấy lời khẩn nguyện mà đua nhau trợ giúp chúng tôi, ngõ hầu ơn ấy muôn mặt ngưỡng cầu cho chúng tôi, thì cũng có muôn người cảm tạ cho chúng tôi. . . ” ( ơn hiệp thông về thành quả của cuộc tử nạn và phục sinh của Đức Giêsu vẫn là một ân huệ).  Mọi sự là ân huệ, chắc hẳn thế, nhưng tất cả cũng là công việc của mỗi người trong tự do cộng tác với ân huệ đó.  Kinh nguyện khẩn cầu được ghi trong sự hiệp thông của ân huệ nầy.  Đức Chúa, ở bình diện hoạt động tông đồ cũng như ở bình diện kinh nguyện muốn chúng ta làm thành viên tham gia.  Không phải vô ích đối với người Côrintô khi cầu nguyện cho thánh Phaolô: mối liên đới của họ với ngài, bằng kinh nguyện, làm nên sự hiệp thông, hoa trái của ân sủng phục sinh lãnh nhận được.  “Chính anh em cũng lấy lời khẩn nguyện mà đua nhau trợ giúp chúng tôi, ngõ hầu ơn ấy muôn mặt ngưỡng cầu cho chúng tôi, thì cũng có muôn người cảm tạ cho chúng tôi!”.  Ân huệ nhận được qua kinh nguyện của người Côrintô vẫn là một ân huệ.  Như vậy cần phải tiếp tục tạ ơn, tuy nhiên điều đó không được làm cho chúng ta ra lười biếng trong kinh nguyện và trong hoạt động; điều nầy làm tăng giá trị kinh nguyện khẩn cầu ngay cả khi chúng ta biết rằng kinh nguyện chỉ muốn nói: “Lạy Chúa, nguyện cho nước Chúa trị đến, ý Chúa được thể hiện”.  Cầu nguyện cho các tông đồ, cầu nguyện cho các tác vụ của họ được tiếp tục hoạt động trong thế giới, không miễn cho chúng ta suy nghĩ tất cả đều do cái chết và sự Phục sinh của Đức Kitô, tất cả bị lệ thuộc vào sự Phục sinh của Đức Giêsu.  Cũng thế có sự tham dự vào cuộc khổ nạn của Đức Giêsu trong đời sống Kitô hữu, trong hoạt động tông đồ, cũng như có sự tham dự ở bình diện kinh nguyện.

Kinh nguyện của Đức Giêsu khi hấp hối: “Lạy Cha, xin cho chén nầy xa con, nhưng xin cho ý Cha được thể hiện” (x. Lc 22, 42) đó là mẫu kinh nguyện chuyển cầu.  trong những lúc gặp khó khăn, không cấm chúng ta làm theo Đức Giêsu: “Lạy Cha, xin cho chén nầy xa con”; và thêm vào “Xin cho ý Cha được thể hiện”, chúng ta ở trong khung ân sủng của Thiên Chúa; đồng thời, việc chúng ta có thể thưa chuyện với Đức Chúa trong kinh nguyện đặt chúng ta vào đúng chỗ như những cộng tác viên của Thiên Chúa.

Đức Maria rất am tường điều nầy; đó là một trong những bài học lớn nơi cuộc Truyền tin: Mẹ cần phải đồng ý chấp thuận.  Cũng một thể như vậy đối với chúng ta.  Chính Chúa Thánh Thần hoàn tất công trình nơi Mẹ.  Chúa Thánh Thần không hoàn tất công trình của Thiên Chúa nơi Mẹ mà không có sự đồng thuận cách tự do của Mẹ khi nói lời xin vâng và lời xin vâng đó nhập thể mỗi ngày.  Thánh Phaolô không nói nhiều về Đức Maria nhưng khi người ta suy nghĩ về Giáo Hội, người ta không thể không nghĩ đến Đức Maria; khi người ta suy nghĩ về các cộng đoàn người ta không thể không nghĩ đến Đức Maria.  Mẹ là đấng đồng hành với chúng ta trong kinh nguyện, cách đặc biệt trong những lúc khó khăn trong đời sống cá nhân, đời sống cộng đoàn và đời sống xã hội.

 

WGPKT(08/03/2023) KONTUM