Chúa Nhật IV Phục Sinh – Chúa Chiên Lành – Năm A (CN 30.04.2023)

Bài đọc 1: Cv 2,14a.36-41

Thiên Chúa đã đặt Đức Giê-su làm Đức Chúa và làm Đấng Ki-tô.

Bài trích sách Công vụ Tông Đồ.

14a Trong ngày lễ Ngũ Tuần, ông Phê-rô đứng chung với Nhóm Mười Một lớn tiếng nói với dân chúng rằng : 36 “Toàn thể nhà Ít-ra-en phải biết chắc điều này : Đức Giê-su mà anh em đã treo trên thập giá, Thiên Chúa đã đặt Người làm Đức Chúa và làm Đấng Ki-tô.”

37 Nghe thế, họ đau đớn trong lòng, và hỏi ông Phê-rô cùng các Tông Đồ khác : “Thưa các anh, vậy chúng tôi phải làm gì ?” 38 Ông Phê-rô đáp : “Anh em hãy sám hối, và mỗi người hãy chịu phép rửa nhân danh Đức Giê-su Ki-tô, để được ơn tha tội ; và anh em sẽ nhận được ân huệ là Thánh Thần. 39 Thật vậy, đó là điều Thiên Chúa đã hứa cho anh em, cũng như cho con cháu anh em và tất cả những người ở xa, tất cả những người mà Chúa là Thiên Chúa chúng ta sẽ kêu gọi.” 40 Ông Phê-rô còn dùng nhiều lời khác để long trọng làm chứng và khuyên nhủ họ. Ông nói : “Anh em hãy tránh xa thế hệ gian tà này để được cứu độ.” 41 Vậy những ai đã đón nhận lời ông, đều chịu phép rửa. Và hôm ấy đã có thêm khoảng ba ngàn người theo đạo.

Đáp ca: Tv 22,1-3a.3b-4.5.6 (Đ. c.1) 

Đ.Chúa là mục tử chăn dắt tôi,
tôi chẳng thiếu thốn gì.

1Chúa là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì.2Trong đồng cỏ xanh tươi, Người cho tôi nằm nghỉ.
Người đưa tôi tới dòng nước trong lành3avà bổ sức cho tôi.

Đ.Chúa là mục tử chăn dắt tôi,
tôi chẳng thiếu thốn gì.

3bNgười dẫn tôi trên đường ngay nẻo chính
vì danh dự của Người.4Lạy Chúa, dầu qua lũng âm u
con sợ gì nguy khốn, vì có Chúa ở cùng.
Côn trượng Ngài bảo vệ, con vững dạ an tâm.

Đ.Chúa là mục tử chăn dắt tôi,
tôi chẳng thiếu thốn gì.

5Chúa dọn sẵn cho con bữa tiệc ngay trước mặt quân thù.
Đầu con, Chúa xức đượm dầu thơm,
ly rượu con đầy tràn chan chứa.

Đ.Chúa là mục tử chăn dắt tôi,
tôi chẳng thiếu thốn gì.

6Lòng nhân hậu và tình thương Chúa
ấp ủ tôi suốt cả cuộc đời,
và tôi được ở đền Người
những ngày tháng, những năm dài triền miên.

Đ.Chúa là mục tử chăn dắt tôi,
tôi chẳng thiếu thốn gì.

Bài đọc 2: 1 Pr 2,20b-25

Anh em đã quay về với Vị Mục Tử, Đấng chăm sóc linh hồn anh em.

Bài trích thư thứ nhất của thánh Phê-rô tông đồ.

20 Anh em thân mến, nếu làm việc lành và phải khổ mà anh em vẫn kiên tâm chịu đựng, thì đó là ơn Thiên Chúa ban. 21 Anh em được Thiên Chúa gọi để sống như thế. Thật vậy, Đức Ki-tô đã chịu đau khổ vì anh em, để lại một gương mẫu cho anh em dõi bước theo Người. 22 Người không hề phạm tội ; chẳng ai thấy miệng Người nói một lời gian dối. 23 Bị nguyền rủa, Người không nguyền rủa lại, chịu đau khổ mà chẳng ngăm đe, nhưng một bề phó thác cho Đấng xét xử công bình. 24 Tội lỗi của chúng ta, chính Người đã mang vào thân thể mà đưa lên cây thập giá, để một khi đã chết đối với tội, chúng ta sống cuộc đời công chính. Vì Người phải mang những vết thương mà anh em đã được chữa lành. 25 Quả thật, trước kia anh em chẳng khác nào những con chiên lạc, nhưng nay đã quay về với Vị Mục Tử, Đấng chăm sóc linh hồn anh em.

Tung hô Tin Mừng: Ga 10,14

Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a. Chúa nói : “Tôi chính là Mục Tử nhân lành, Tôi biết chiên của tôi, và chiên của tôi biết tôi.” Ha-lê-lui-a.

Tin Mừng:Ga 10,1-10

Tôi là cửa cho chiên ra vào.

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an.

1 Khi ấy, Đức Giê-su nói với người Do-thái rằng : “Thật, tôi bảo thật các ông : Ai không đi qua cửa mà vào ràn chiên, nhưng trèo qua lối khác mà vào, người ấy là kẻ trộm, kẻ cướp. 2 Còn ai đi qua cửa mà vào, người ấy là mục tử. 3 Người giữ cửa mở cho anh ta vào, và chiên nghe tiếng của anh ; anh gọi tên từng con, rồi dẫn chúng ra. 4 Khi đã cho chiên ra hết, anh ta đi trước và chiên đi theo sau, vì chúng nhận biết tiếng của anh. 5 Chúng sẽ không theo người lạ, nhưng sẽ chạy trốn, vì chúng không nhận biết tiếng người lạ.” 6 Đức Giê-su kể cho họ nghe dụ ngôn đó. Nhưng họ không hiểu những điều Người nói với họ.

7 Vậy, Đức Giê-su lại nói : “Thật, tôi bảo thật các ông : Tôi là cửa cho chiên ra vào. 8 Mọi kẻ đến trước tôi đều là trộm cướp ; nhưng chiên đã không nghe họ. 9 Tôi là cửa. Ai qua tôi mà vào thì sẽ được cứu. Người ấy sẽ ra vào và gặp được đồng cỏ. 10 Kẻ trộm chỉ đến để ăn trộm, giết hại và phá huỷ. Phần tôi, tôi đến để cho chiên được sống, và sống dồi dào.”

(Nguồn: ktcgkpv.org)

 

Suy niệm 1: Lm. Lu-y Gonzaga Nguyễn Quang Vinh

 

CHÚA CHĂN NUÔI TÔI

 

Ta là Mục tử nhân lành” là lời tuyên bố từ miệng Đức Giêsu, đi liền theo sau phép lạ chữa người mù từ thuở mới sinh.  Trong trình thuật chữa lành đó có vài điểm trái khoáy đáng suy nghĩ, người biệt phái tự phụ cho mình là sáng mắt nhưng thật ra họ mù quáng vì không nhận ra dấu chỉ của Thiên Chúa được thực hiện nơi Đức Giêsu.  Họ nói: “Ông ta không thể là người của Thiên Chúa được” (x. Ga 9,16), ngược lại người mù được chữa lành lại nhận ra Đức Giêsu: “Người là một vị ngôn sứ !” là “Con Người”, là Đấng Thiên Chúa sai đến.  Khi anh mù bị trục xuất ra khỏi hội đường, Đức Giêsu tìm gặp anh và cho anh biết chính Người đã chữa lành anh.  Anh đã nghe tiếng Người, đã tuyên xưng đức tin và phủ phục thờ lạy Người. Anh mù bị khai trừ khỏi thế giới người lành mạnh, nay anh được trả lại danh phận, hội nhập vào cộng đồng người lành mạnh, có chỗ đứng trong xã hội, anh như con chiên lạc nghe tiếng mục tử, được dẫn về nhà Cha.  Tiếp theo là dụ ngôn mục tử nhân lành, Đức Giêsu ngỏ lời với người biệt phái, Người khẳng định mình là Mục tử nhân lành “nhưng họ không hiểu những điều Người nói với họ” (Ga10, 6).  Như vậy cho thấy Đức Giêsu minh định bằng việc làm trước khi định nghĩa mình là Chúa chiên lành đi tìm con chiên lạc.

Trong văn minh du mục của Do thái, Thiên Chúa thường tuyển chọn các người chăn chiên làm mục tử lãnh đạo dân, như Apraham, Ixaác, Giacóp .  Ông Môsê được sai đi thi hành nhiệm vụ đang khi chăn dắt đàn vật.  Chính Môsê đã lãnh đạo dân Do thái ra khỏi Ai-cập, đưa họ vào đất hứa.  Vua Đavít đã có một thời chăn chiên.  Tất cả là hình bóng để cuối cùng có ngày Đức Giêsu tự nhận mình : “Ta là mục tử nhân lành”.

Tư cách người Mục tử nhân lành được mô tả qua việc biết tên con chiên và gọi đích danh từng con, dẫn chúng đi ăn, mục tử đi trước và chiên theo sau, chiên nghe tiếng chủ chăn.  Như vậy giữa chiên và người mục tử có mối tình đồng cảm thân thương.  Chiên thuộc về mục tử, chiên là tài sản sống chết của người mục tử, như vậy có sự gắn bó thiết thân giữa đàn vật và người chăn chiên.  Ban ngày người mục tử chăn giữ chiên, tìm đồng cỏ xanh tươi và nguồn suối nước mát nuôi chiên, ban đêm nằm ngay nơi cửa chuồng chiên để canh trộm và canh sói rừng, khi cần thiết người mục tử phải liều mạng đánh trả sói rừng đến bắt chiên và làm cho đàn chiên tan tác.  Chiên cung cấp cho người mục tử sữa, thịt và len.  Chiên cừu là đơn vị đánh giá giàu nghèo trong xã hội du canh du cư miền Trung Đông.  Chủ đề chiên và mục tử khá quen thuộc trong Kinh thánh, bản chất hiền lành của con chiên câm lặng khi bị đem đi xén lông, hay bị đem đi giết thịt cũng là đề tài được Kinh thánh khai thác để hiểu về Con Chiên Thiên Chúa, về Đức Giêsu là mục tử nhân lành.

Người mục tử đó là Đức Giêsu, Người quản quyết: “Tôi là cửa cho chiên ra vào … Ai qua tôi mà vào thì sẽ được cứu.  Tôi đến cho chiên được sống và sống dồi dào” (Bài Tin Mừng Ga 10, 1-10).  Dựa vào ý nầy Đức thánh cha Phanxicô mở năm thánh “Lòng Thương Xót” bằng nghi thức mở cửa thánh và rảy nước thánh trên dân chúng, cửa thánh là Đức Kitô và nước thánh nhắc lại phéo Rửa tội (Mở cửa đền thánh Phêrô ngày 8. 12. 2015).  Người mục tử đó được thánh Phêrô quả quyết: “đã bị treo trên thập giá, Thiên Chúa đã đặt Người làm Đức Chúa và làm Đấng Kitô” (Bài Đọc1 Cvtđ 2, 14a.36-41).  Và thư thánh Phêrô viết: “Tội lỗi của chúng ta, chính Người đã mang vào thân thể mà đưa lên cây thập giá.  Vì Người phải mang những vết thương mà anh em đã được chữa lành.  Quả thật, trước kia anh em chẳng khác nào những con chiên lạc, nhưng nay đã quay về với vị Mục tử, Đấng chăm sóc linh hồn anh em” (1Pr 2,20b-25).

Lạy Chúa Giêsu Mục tử nhân lành xin hãy làm cho con luôn biết lắng nghe lời Chúa và bước đi theo Chúa cho dù vượt qua những bóng tối âm u cuộc đời, vì chỉ có Chúa mới “cho chiên được sống và sống dồi dào”. Amen

 

Suy niệm 2: Lm. Thái Nguyên

 

ĐỂ CHIÊN ĐƯỢC SỐNG

 

Suy niệm 

Chúng ta đang ở trong mùa Phục Sinh, mùa của thiên nhiên lan tràn sự sống, với những đồng cỏ xanh tươi bát ngát trên các nương đồi, mặc sức cho đàn chiên no thỏa dưới sự chăn dắt của một chủ chiên tốt lành.

Đó là bức tranh biểu tượng cho một thực tại sâu nhiệm trong đời sống tinh thần của con người. Điều này được diễn tả qua hình ảnh người Mục tử nhân lành, là chính Đức Giêsu Kitô. Ngài là vị mục tử tối cao từ Thiên Chúa mà đến, vị mục tử đích thực mà dân Chúa hằng luôn mong đợi từ ngàn xưa. Ngài đến để đem lại sự sống mới cho con người.

Đức Giêsu là vị Mục tử nhân lành, nhưng trong bài Tin Mừng hôm nay Ngài còn ví mình là cửa chuồng chiên. Ai không qua cửa mà vào chuồng chiên thì đều là những tên trộm cướp. Đó là những mục tử giả hiệu, vì trèo qua những ngõ khác mà đột nhập vào. Đàn chiên sẽ nhận ra ngay kẻ lạ mặt, chúng hoảng sợ và chạy trốn chứ không nghe theo. Vì họ đến chỉ để giết hại và phá hủy đàn chiên. Còn người mục tử chân chính thì đi qua cửa mà vào. Với lời nói và giọng điệu riêng biệt, chiên nhận ra ngay tiếng của người chủ và cất bước theo sau.

Thánh Gioan Kim Khẩu đã giải thích dụ ngôn này như sau: “Khi Ngài đưa ta đến với Cha, Ngài nhận mình là Cửa. Khi Ngài săn sóc ta, Ngài nhận mình là Mục Tử”. Cửa chuồng chiên là cổng duy nhất để chiên nhận ra người chủ đích thực, và cũng là lối đi duy nhất để chiên vào trong tìm được sự an toàn, cũng như để chiên ra ngoài tìm đến đồng cỏ xanh tươi. Đức Giêsu là Cửa duy nhất đem lại sự sống thật cho nhân loại, vì Ngài đến để cho chiên được sống và sống dồi dào. Chỉ những ai ra vào Cửa Giêsu mới tìm thấy được niềm vui ơn cứu độ.

Đức Giêsu là gương mẫu tuyệt đối cho mọi mục tử khác trong vai trò lãnh đạo dân Chúa. Giữa chiên và Ngài có một mối dây thân thiết: “Tôi biết chiên tôi và chiên tôi biết tôi”. Chiên đã trở thành điều vô cùng quý giá đối với Ngài, đến nỗi Ngài dám hy sinh mạng sống mình cho chúng. Với tâm tình và tính cách đó, Ngài là mô mẫu để giúp phân biệt mục tử thật và mục tử giả. Mục tử giả sẽ không dám sống như Ngài, càng không dám hy sinh để bảo vệ đàn chiên, mà chỉ nhằm vào những con chiên béo bở để no thỏa cho mình. Mục tử thật cũng khác với kẻ chăn thuê, là kẻ không quan tâm gì đến sự sống của đàn chiên, mà chỉ nhằm đến quyền lợi và bổng lộc cho mình.

Người mục tử lý tưởng theo gương Đức Kitô qua lời dẫn giải của Đức Thánh Cha Phanxicô: là “người gần gũi với dân chúng, là người cha, người anh em, với sự hiền dịu, kiên nhẫn và thương xót; là người yêu sự khó nghèo, không tham vọng tìm địa vị cao… là người săn sóc canh giữ đoàn chiên hiệp nhất, chú ý các hiểm nguy có thể đe dọa đoàn chiên, làm cho niềm hy vọng của đoàn chiên lớn lên; là người có khả năng củng cố bước đi của Thiên Chúa nơi dân Người với tình yêu

thương và lòng kiên nhẫn: ở đàng trước đoàn chiên để chỉ đường, ở giữa đoàn chiên để duy trì đoàn chiên hiệp nhất, ở đàng sau đoàn chiên để tránh cho ai đó khỏi phải ở lại phía sau…”.

Giáo Hội dành Chúa Nhật thứ 4 Phục Sinh để cầu nguyện cho ơn gọi linh mục và tu sĩ. Làm sao có được những mục tử như lòng Chúa mong ước, và những tu sĩ dám tận hiến trọn vẹn đời mình? Về điều này, thánh Gioan Phaolô II đã kêu gọi mọi tín hữu hãy chăm lo cho mảnh đất nơi hạt giống ơn gọi được nảy mầm và lớn lên. Mảnh đất đó là cộng đoàn giáo phận và giáo xứ, với những nét phát họa cơ bản như: một cộng đoàn biết lắng nghe Lời Chúa, nhờ đó người trẻ sẽ dễ nghe được tiếng Chúa mời gọi vang lên từ trái tim mình; một cộng đoàn biết chuyên tâm cầu nguyện, dành ưu tiên cho đời sống tâm linh, nhờ đó người trẻ mới dám đáp lại tiếng Chúa kêu mời, quên mình để phục vụ vô vị lợi và hiến thân vô điều kiện; một cộng đoàn biết hăng say làm việc tông đồ, khao khát làm cho Chúa được mọi người nhận biết và yêu mến; một cộng đoàn quan tâm phục vụ và sống cho người nghèo.

Gia đình là một Hội Thánh tại gia. Chính từ những gia đình đạo đức thánh thiện, mới có những con người trẻ tốt lành, dám quảng đại hiến dâng cuộc đời mình để phụng sự Chúa và phục vụ tha nhân. Giáo Hội lúc nào cũng cần đến sự hướng dẫn của các mục tử để chăm sóc đoàn chiên Chúa, cũng như hiện diện của các tu sĩ sống đời thánh hiến, để thế giới hiểu được thế nào là tình yêu, thấy được thế nào là những thực tại vô hình. Ước chi mỗi người chúng ta luôn cầu nguyện và canh tân cuộc sống mình, gia đình mình, để tạo điều kiện cho ơn gọi phát triển nơi các bạn trẻ, góp phần xây dựng Giáo Hội của chính Đức Kitô.

Cầu nguyện 

Lạy Chúa Giêsu, Mục Tử nhân lành,

đã hy sinh đời mình vì nhân thế,

không như kẻ chăn thuê chỉ yên bề,

không kể gì sống chết của đàn chiên.

Là Mục Tử Đấng chăn chiên nhân từ,

Chúa dẫn con đến đồng xanh suối mát,

đem lại bình an sự sống cho xác hồn,

chẳng bao giờ chúng con sợ thiếu thốn.

Chúa chính là nơi chốn để tựa nương,

cho cả những ai phải sa cơ lỡ bước,

để vượt qua tăm tối của đêm trường,

đón nhận được tình thương và ân sủng.

Xin cho đoàn chúng con trong mọi lúc,

biết nhận ra ân phúc của đời mình,

để luôn sống trong ân tình của Chúa,

biết nghe theo tiếng Chúa ở mọi nơi,

biết bước theo chân Chúa ở mọi thời,

đừng để con xa rời tình thương Chúa.

Trong kế hoạch yêu thương và cứu độ,

Chúa vẫn chọn một số trong chúng con,

để nên như mục tử giữa gian trần,

đại diện Chúa để phục vụ tha nhân,

để chăm lo dẫn dắt đoàn dân Chúa,

và đưa về những ai đang sa lạc.

Xin cho các bạn trẻ biết mở lòng,

nghe được tiếng Chúa đang vang vọng,

biết đáp lại tình Chúa vẫn ước mong,

và góp phần với Chúa cho cuộc sống.

Xin cho con có tâm tình của Chúa,

biết quan tâm đến người đang khốn khó,

biết chăm lo cho kẻ bị bỏ rơi,

để tình Chúa sáng lên trong cuộc đời. Amen

Suy niệm 3: Lm. Tađêô Võ Xuân Sơn

SỐNG ĐỜI TẬN HIẾN LÀ ĐI SÂU VÀO TÌNH YÊU CHÚA

 

Hôm nay là ngày Giáo Hội kêu gọi cầu nguyện cho có nhiều người trẻ dám dấn bước theo đời sống ơn gọi tận hiến, dấn thân làm linh mục, tu sĩ theo tiếng Chúa gọi. Lời kêu gọi này càng khẩn thiết hơn vì tâm tình của Chúa thổ lộ với chúng ta hôm nay, đặc biệt với người trẻ và cha mẹ của họ: “Ta ban cho chúng được sống đời đời, chúng sẽ không bao giờ hư mất” (Ga 10,28). Chúa nói trong bối cảnh Giáo Hội và xã hội, xét theo lẽ tự nhiên, không mấy thuận tiện cho những người dấn thân sống đời tận hiến.

  1. Thách thức cho người trẻ dấn thân

Thử hỏi, trong bối cảnh hôm nay làm sao có người đi tu? Những tai tiếng xấu về các linh mục, giám mục phổ biến, làm sao hấp dẫn người trẻ đi tu được? Vai trò của linh mục bị xem thường, nếu không muốn nói bị khinh bỉ ngay trong một số tín hữu, làm sao hấp dẫn người trẻ đi tu được? phong trào chống giáo hội và bài giáo sĩ đang lan rộng. Thậm chí người ta  khủng bố tinh thần lẫn thể chất linh mục, tu sĩ, làm sao hấp dẫn người trẻ đi tu được? Nhiều cha mẹ xem quyết định đi tu của con cái là quyết định thảm họa, nhất là khi nó có tương lai sáng sủa về kinh tế, như vậy làm sao con cái đi tu được? Trong một bài khảo cứu gần đây, Đức Bênêdictô còn nhận định, người trẻ ngày nay bị đánh lừa từ ban đầu với chương trình thoạt nghe rất trách nhiệm,” giáo dục giới tính,” đoạn tiến tới chiếu những phim và hình ảnh khiêu dâm mà xem đó là thông thường, cuối cùng đưa người trẻ vào cạm bẫy của khoái lạc, tình dục và nghỉ rằng cuộc đời này không gì khác là thụ hưởng khoái lạc,Đức Bênêdictô còn đi xa hơn khi nói, có những thứ trang phục quần áo cổ động cho phong trào khiêu dâm, nên các trường học phải áp dụng đồng phục đứng đắn cho học sinh nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho môi trường học tập. Đó là chưa nói đến não trạng sống sao cũng được, sống sao cũng tốt. Đức thánh cha đau đớn tự hỏi làm thế nào người trẻ trong các hoàn cảnh đó có thể chấp nhận đi tu, tiếp cận chức linh mục và chấp nhận những đòi buộc của đời linh mục xem ra khác lạ với trao lưu hưởng thụ, khoái lạc và tục hóa?

Tuy nhiên, một hiện tượng xẩy ra, vẫn có nhiều người trẻ tại Việt Nam hăng hái đi tu, nhiệt thành dấn thân vào đời sống thánh hiến và linh mục. Ngoại trừ một vài giáo phận, hầu hết các giáo phận vẫn có nhiều ơn gọi linh mục, tu sĩ. Một câu hỏi được nêu lên: Tại sao trong bối cảnh người ta khinh bỉ người đi tu và giữa các trào lưu tục hóa mà nhiều người vẫn đi tu đông như thế? Chẳng lẽ họ không biết những thách thức đó sao? Thưa, những người trẻ đó biết, biết rõ, nhưng họ vẫn tiến bước. Vì sao?

  1. Quyết định đi sâu vào tình yêu Chúa là động lực mạo hiểm đời thánh hiến

Dựa vào sứ điệp của Đức Phanxicô cho ngày cầu nguyện cho ơn gọi năm 2019, chúng ta có thể trả lời:

Vì họ không giả điếc trước tiếng Chúa gọi. Thiên Chúa chọn gọi một số người đi tu, nghĩa là mời gọi đi sâu vào tình yêu của Chúa để tiếp tục ban cho mọi người được sự sống đời đời và không ai phải hư mất. Chúa đã chọn gọi phaolô và Barnaba làm ánh sáng muôn dân và đem ơn cứu độ đến tận cùng thế giới, thì hôm nay, nhiều người trẻ cũng đã nghe đọc lời của Chúa đó là lời Ngài đang nói với họ, kêu gọi họ đi sâu vào tình yêu Chúa. Nếu tội lỗi là khước từ đi vào tình yêu của Chúa, thì đi sâu vào tình yêu của Chúa là cách thế muốn sống thân thiết với Chúa. Nhiều người trẻ hiểu rõ Chúa thương gọi họ, không phải Chúa xen mình can ngăn sự tự do của họ, nhưng Ngài đến và cho họ sáng kiến yêu thương của Ngài, cho họ một dự phóng lớn, nhìn thấy một chân trời nơi mẻ cá lạ lùng đang chờ đợi. Người trẻ hiểu rằng Chúa Giêsu không muốn họ cứ ôm khư khư chiếc lưới đứng trên bờ, nhưng tham gia vào giấc mơ lớn của Chúa, xuống thuyền ra khơi thả lưới. Tóm lại, bước đi quyết định của họ vào đời tu là khởi đầu cho một cuộc sống không giả điếc trước tiếng Chúa gọi.

Vì họ dám mạo hiểm đi tu. Tiếng gọi người trẻ đi tu là tiếng gọi từ người bạn Giêsu. Những người trẻ đi tu có nhiều bạn. Nhưng Chúa Thần Thần đưa họ vào tình thân đến nỗi họ được thôi thúc có một chọn lựa chung kết và táo bạo đó là chọn người bạn Giêsu. Trong Tông Huấn Đức Kitô Đang Sống, Đức Phanxicô chia sẻ với người trẻ, khi chúng ta trao tặng món quà cho bạn mình, chúng ta trao cho họ cái tốt nhất mình có, món quà làm cho bạn mình vui thích. Cứ hình dung nụ cười trên khuôn mặt của bạn mình khi mở món quà ta tặng. Cũng thế, Chúa Giêsu cũng rất vui mừng khi nhiều người trẻ nghe tiếng gọi của Ngài và trao cho Ngài món quà mà Ngài thích là cuộc đời của người trẻ phục vụ cho sứ mạng: để mọi người được sống dồi dào và không ai bị hư mất. Nhiều người trẻ mạo hiểm đi theo Chúa vì xác tín Đức kitô phục sinh đang sống hôm nay trong ngày sống của họ đang mời gọi họ bước sát theo Ngài.

Vì vậy, người trẻ hôm nay cần lắng nghe tiếng Chúa nói trong cõi riêng của mình, đừng giả điếc như thể không nghe tiếng Chúa, đừng rút mái chèo lên để mặc thuyền đời trôi vô định, đừng cứ khư khư ôm lấy chiếc lưới tương lai sợ hãi đứng trên bờ khiến bao chương trình của Thiên Chúa nơi chúng ta và tương lai chúng ta bị tê liệt, khiến bao người chưa biết Chúa vẫn cứ ngóng trông; trái lại, cần mạo hiểm bước sát theo Chúa và để cho lời của Chúa “hãy theo ta” luôn hấp dẫn tâm hồn người trẻ. Để được như thế, mọi gia đình, mọi thành phần cần cầu nguyện cho giới trẻ và nâng đỡ họ ngay từ bây giờ chấp nhận trưởng thành trong việc “vác thánh giá đi theo Chúa”.

Xin Chúa cho mọi người trẻ, nhất là những người trẻ trong các giáo phận ít ơn gọi được thức tỉnh nghe tiếng Chúa gọi trong lòng họ, không phải như chú chim hoảng sợ vỗ cánh vụt đi, nhưng như đứa bé tỉnh thực thấy gương mặt của Cha nhân lành và nở nụ cười hạnh phúc ( phỏng theo Soren Kierkegaard).

WGPKT(25/04/2023) KONTUM