DÂN LÀNG HỒ- Chương XV : Cha Do Tại Rơ Hai – Cái Chết Của Chú Lục, Chú Giúp Việc Của Tôi – Cha Verdier Đến

DÂN LÀNG HỒ – CHƯƠNG XV

Cha Do Tại Rơ Hai – Cái Chết Của Chú Lục, Chú Giúp Việc Của Tôi – Cha Verdier Đến

Nguyên tác: “LES SAUVAGES BAHNARS”

P. DOURISBOURE (MEP)

Biên dịch: TGM Kontum

Giọng đọc: Lm Giuse Tiến Lộc (CSsR)

Youtube: Chủng Sinh TV

 

DÂN LÀNG HỒ

HÀNH TRÌNH TRUYỀN GIÁO VÀ KHAI PHÁ

MIỀN TÂY NGUYÊN KONTUM

Nguyên tác

“LES SAUVAGES BAHNARS”

  1. DOURISBOURE

De la Société des Missions Étrangères

– PARIS 1929 –

Giáo Phận Kontum

Tái bản lần thứ hai

– 2008 –

 

CHƯƠNG XV

CHA DO TẠI RƠ HAI – CÁI CHẾT CỦA LỤC, CHÚ GIÚP VIỆC CỦA TÔI – CHA VERDIER ĐẾN

 

Thầy Sáu Do đã trở về Trung Châu, bên cạnh Đức Cha Cuénot. Gần một năm sau, Thầy được thụ phong linh mục và đã trở lại nhiệm sở Rơ Hai vào khoảng giữa năm 1853. Dân làng của Cha không phải gồm những người đi lang thang và hư đốn như dân làng Tơ Bâu, nhưng cũng không có tiếng tốt cho lắm. Vả lại, đa số dân làng cũng từ nơi khác đến, buộc lòng phải bỏ làng cũ của họ vì nợ nần, vì bất hòa, hoặc vì các lý do khác nữa. Sau nhiều nỗ lực “bắt cá trong vũng nước đục” và canh tác trên mảnh đất cằn cỗi mà không có kết quả, Cha Do quyết định lập một làng riêng cho mình. Ngài ra ngoài vòng đai làng Rơ Hai và dựng hai hay ba ngôi nhà ở gần hàng rào. Để canh tác đất đai và tự cung tự cấp lúa gạo cần thiết, ngài đã chuộc về vài nô lệ, và với thời gian, họ đã trở thành những tân tòng đầu tiên của Cha.

Phương pháp chuộc lại những người nô lệ để lập thành nhiều gia đình, và dần dần thành làng Công giáo đã được các điểm truyền giáo khác làm theo. Giữa Lào và xứ sở này, việc mua bán nô lệ bỉ ổi vẫn diễn ra trên một quy mô rộng lớn. Những kẻ xấu số bị bán và lưu đày viễn xứ này thường là những tù binh chiến tranh, đôi khi là những người cùng khốn nợ nần chồng chất, đã trở thành sở hữu của chủ nợ. Mỗi khi có điều kiện, chúng tôi chuộc họ về. Họ canh tác, định cư trên những cánh đồng mà chúng tôi đã cho phát quang tại nhiều điểm khác nhau. Và sau khi trở lại đạo, họ sẽ là hạt nhân của các cộng đoàn Kitô hữu mới. Chúng tôi cũng không bỏ lỡ cơ hội giải thoát những nô lệ thuộc một dạng khác: những trẻ em mồ côi tội nghiệp hay bị cha mẹ người lương bỏ rơi. Hiệp Hội Từ Thiện “Chúa Hài Đồng” đã giúp chúng tôi phương tiện chuộc họ về, nuôi dưỡng, dạy dỗ và giáo dục họ theo tinh thần Kitô giáo ngay từ thuở ấu thơ. Khi họ đã trưởng thành, chúng tôi lại lo việc định cư cho họ.

Chẳng bao lâu, nhà cửa Cha Do xây dựng ngoài làng Rơ Hai đã tạo thành một làng mới, nhờ nhiều gia đình ở các làng khác đến xin định cư. Vì xung quanh đó không còn đất chưa canh tác, vả lại không có phương tiện để khai thác các ruộng nước ven sông theo cách thức người Kinh quen làm, nên Cha Do buộc lòng cho phát quang những khu rừng khá xa chỗ ở. Hàng ngày, những người nông dân này phải sớm đi chiều về, thấy đường quá xa, nên họ dựng vài chòi tranh tại chỗ để ngủ qua đêm. Họ chỉ trở về nhà vào ngày thứ Bảy, để Chúa nhật nghỉ ngơi và tham dự Thánh lễ. Cũng có một số gia đình dân tộc, thấy đất đai màu mỡ, bèn xin phép Cha Do đến ở với người làm của ngài. Đối với Cha Do, thì không còn gì quan tâm hơn cho bằng lập được một làng mới, nên ngài đã niềm nở đón tiếp họ. Đó là lý do hình thành làng Đak Kấm mà hiện nay có hơn hai trăm giáo dân, mặc dù bệnh đậu mùa đã cướp đi sinh mạng của sáu mươi người vào năm 1865. Cha Do đã làm một con đường rất đẹp nối liền hai làng Rơ Hai và Đak Kấm.

Nhưng xin đừng vội nghĩ đến chuyện tương lai, hãy trở lại với làng Kon Trang. Lối cư xử của chú nhỏ Giuse Ngui làm tôi sung sướng bao nhiêu thì cũng khiêu khích sự giận dữ của kẻ thù muôn kiếp bấy nhiêu. Nhiều lần tôi đã nói đến gia đình ông Lam, hay đúng hơn bà con họ hàng của ông, vốn rất đông khoảng năm mươi người, cùng sống chung trong nhà ông. Trong số đó, có nhiều thanh niên nam nữ mà cách cư xử khác xa chú tân tòng và chú nhỏ này phê bình họ không chút nể nang. Họ liền liên minh với nhau để quấy phá và chế giễu chú. Việc đọc kinh, cầu nguyện và những việc đạo đức khác của Giuse Ngui đã trở thành đối tượng thường ngày cho họ chế giễu và nhạo báng. Nhưng nhất là khi gia đình cử hành tập tục dị đoan nào đó, thì chú nhóc đáng thương của chúng ta phải chịu những trận chửi mắng xối xả và những lời chế nhạo chua cay, vì không những chú không thèm tham gia mà còn vạch trần sự vô ích và điên rồ của những hủ tục đó. Chú dễ dàng làm cứng họng tất cả các đối thủ. Nhưng khi đuối lý, họ lại dùng đến khí giới thông thường của phường vô đạo là nguyền rủa, chửi bới. Nhưng chú nhóc Ngui không hề sợ hãi và rốt cuộc, chú luôn chiếm phần thắng. Ông Lam là một người dân tộc có đầu óc và thương yêu con trai mình cách đặc biệt. Lòng ông rất phấn khởi dù không tỏ lộ trên nét mặt và cố kiềm lòng để khỏi phải trách móc về lối sống mới của con mình. Trái lại, mặc dù chính bản thân còn hoàn toàn xa lạ với đức tin, ông Lam cũng thấy hết sức vui mừng vì sự thay đổi mà ông nhận ra trong cách sống của Ngui và ông cho rằng sự thay đổi ấy không phải là nhờ vào đạo mà có, nhưng nhờ tiếp xúc với tôi, nên ông dặn con ông phải tuân theo tất cả những lời dạy bảo của tôi. Sau vài tuần, mệt mỏi vì những trò quấy nhiễu liên tục, Giuse Ngui đã xin phép cha mình đến ở luôn với tôi. Được sự đồng ý của cha mình, cậu bé đến ở với tôi gần một năm.

Tuy nhiên, Giuse Ngui ao ước cháy bỏng có những bạn đồng đạo tại Kon Trang, nên em thường mời những đứa trẻ cùng lứa tuổi đến chơi đùa tại nhà tôi. Tôi vẫn khuyến khích và khuyên bảo em cầu nguyện cho bọn trẻ này trở lại đạo. Tôi hy vọng nhiều vào lời cầu nguyện của một linh hồn tốt đẹp như thế. Các bạn của Ngui lúc đầu tỏ ra nhút nhát, chẳng bao lâu, chúng quen tôi và không muốn rời xa tôi nữa. Khi tôi đã đạt được sự tin yêu của các em, tôi cố sức chinh phục các em về cho Thiên Chúa. Được chú nhóc Giuse trợ giúp, tôi đã dạy cho các em cầu nguyện và đọc kinh. Thêm vào đó là những lời giảng giải cần thiết, và sau vài tháng, tôi đã được an ủi khi thấy các em đã có được một đức tin vững chắc. Giuse Ngui là người hướng dẫn các bạn. Đối với chúng, cậu bé có cái uy tự nhiên và trí óc trổi vượt dù xấp xỉ tuổi nhau, và các bạn đều tự nhiên xem cậu bé như là thầy của mình.

Trong số các em này, đặc biệt có ba em tôi đặt nhiều hy vọng tốt đẹp nhất. Một ngày kia, tôi có được một bằng chứng về đức tin của ba em. Người ta đến nói với dân làng Kon Trang rằng có một làng thù địch kia đã quyết định tấn công họ. Khi biết trước được như vậy, phụ nữ và trẻ em cùng di tản đến một nơi cách biệt nào đó, thật xa con đường mà quân địch sẽ đi qua. Kết quả là ngay lúc tảng sáng ngày đã định, tất cả những ai không có khả năng cầm khí giới đều tụ tập lại một nơi để cùng di tản khỏi Kon Trang. Lúc đó, ba trẻ dự tòng, thay vì theo mẹ và các em mình, chúng lại chạy đến nhà tôi, Giuse Ngui hỏi tại sao các bạn không đi theo những người khác và nói với chúng: “Tớ phải ở lại với Cha, vì tớ sớm được trở thành người trong gia đình của ngài và quân địch không thù oán gì với ngài cả. Nhưng các cậu thì khác, hãy chạy theo mẹ của các cậu để khỏi rơi vào tay quân địch”. Một đứa trong bọn trả lời: “Cậu đã được rửa tội, nếu cậu chết, cậu sẽ lên thiên đàng. Còn bọn tớ, nếu vô phúc bị quân địch bắt, chúng tớ sẽ chết vô phương cứu chữa. Không, không, bọn tớ không muốn lìa xa Cha và nếu quân địch có gan tấn công bọn tớ ngay trong nhà Cha, thì ít ra Cha sẽ làm phép rửa cho bọn tớ trước khi bọn tớ chết”. Và ba đứa trẻ đã ở lại. Tuy nhiên, đó chỉ là cuộc báo động giả; chẳng có quân địch nào đến tấn công, và việc rửa tội đã phải hoãn lại.

Năm đó, thần chết đã cướp mất chú giúp việc người Kinh duy nhất của tôi. Chú tên Lục, trước ở gần thủ đô xứ An Nam. Là một thanh niên hai mươi lăm tuổi, khoẻ mạnh, hết lòng giúp đỡ mọi người, dù khó nhọc đến đâu chú cũng không ngại, miễn sao kiếm được chút gì cho tôi ăn ngon miệng. Cách làng Kon Trang khoảng ba cây số về phía Tây, có một con sông tên là Pô Kô mà tôi nhớ đã có lần nói đến. Chàng thanh niên quả cảm của tôi thường kiên nhẫn đi đến tận con sông này, lúc thời tiết tốt cũng như xấu, để kiếm vài con cá hầu thêm hương vị cho bữa cơm đạm bạc, và có khi may mắn đạt được ý nguyện thì chú vui sướng xách cá đem khoe với tôi! Có lẽ chú hơi nóng nảy và hay tự ái, ngoài khuyết điểm này, tuyệt nhiên tôi không thấy có gì đáng phàn nàn về chú. Tôi không biết căn bệnh gì đã cướp mất chú chỉ trong hai ngày. Trong nhà lúc đó chỉ có bốn người: Ngui, Pat, Lục – người Kinh duy nhất, và tôi. Cái đêm chú qua đời, tôi thức bên cạnh chú. Hai đứa trẻ thì nằm ngủ gần đó. Khi tôi đi ra ngoài trong chốc lát, lập tức chú gọi Giuse Ngui. Ít phút sau tôi mới biết chú đã gọi Ngui để làm gì. Chàng thanh niên tội nghiệp này đau đớn lắm, nhưng chú kiên nhẫn chịu đau thật đáng nêu gương và thật đáng cảm động khi nghe chú lớn tiếng đọc kinh Phó Dâng, Sấp Mình, Ăn Năn Tội, Kính Mến. Có lúc chú nằm im và dường như ngủ mê. Vừa mệt mỏi vừa buồn ngủ, tôi cũng thiếp đi một lúc. Nhưng tôi bỗng thức giấc vì một tiếng động mạnh như hai vật cứng đập vào nhau. Tôi vô cùng ngạc nghiên khi thấy người bệnh hai tay cầm một hòn đá lớn và tròn, đập vào ngực mình liên hồi! Tôi la lên: “Khốn khổ chưa, con làm gì vậy?” Chú trả lời: “Thưa Cha, con là kẻ tội lỗi, khốn nạn, và con sợ chưa ăn năn sám hối cho vừa với tội của con. Vì vậy, để trừng phạt thân xác bùn đất này và để Chúa dủ lòng thương xót, con đã muốn trước khi chết dùng cách đánh tội này”. Lúc đó, tôi mới hiểu tại sao chú gọi Giuse Ngui khi tôi vắng mặt. Chú nghĩ rằng tôi sẽ không bao giờ cho phép chú làm như vậy, nên chú đã nhờ Ngui tìm giúp hòn đá mà chính Ngui cũng không thể ngờ người bệnh muốn dùng để làm gì trong cơn hấp hối. Chàng thanh niên tốt lành này đã không sống được đến sáng. Chú đã trút hơi thở cuối cùng vào khoảng hai giờ sáng sau khi đã lãnh nhận các phép bí tích. Tôi tắm rửa xác, mặc quần áo mới, và hôm sau, một số dân làng đã giúp tôi chôn cất chú. Mộ của chú chỉ cách nhà tôi ở khoảng vài bước.

Ngui và Pat không được chứng kiến giờ phút lâm chung của chú Lục. Khi hai đứa trẻ thức dậy thì chú Lục đã đi vào cõi vĩnh hằng rồi. Tôi bảo hai đứa lần một chuỗi Mân côi trước thi hài.

Chính thời điểm này, năm 1854, cơn bắt Đạo lại bùng nổ dữ dội ở tỉnh Bình Định, lúc bấy giờ dưới sự cai trị của viên Tổng Đốc rất hung ác. Dù không có bất kỳ một mệnh lệnh nào của cấp trên, ông ta vẫn tự cho mình sở thích quỷ quái là quấy nhiễu và bắt bớ các Kitô hữu. Ông ban hành một sắc lệnh, theo đó tất cả những cơ sở mới của người Công Giáo phải bị triệt hạ, và đất đai được tuyên bố là vô chủ hoặc được sung vào của công. Lệnh cũng truyền tìm kiếm các linh mục ngoại quốc và những kẻ chứa chấp hay bao che họ. Tôi chỉ nói đến cuộc bắt Đạo những gì có liên quan đến miền truyền giáo cho người dân tộc thôi. Lúc đó, chúng tôi có ba cơ sở ở Trung Châu để phục vụ miền truyền giáo: một nhà ở Trạm Gò, một ở An Sơn, và cơ sở thứ ba ở Bến, cách Trạm Gò nửa ngày đường, nằm trên tuyến đường dẫn đến dinh quận trưởng tỉnh Bình Định. Ba cơ sở này cũng có tên trong sắc lệnh.

Đức Cha Cuénot ẩn náu tại Gò Thị, một trong những họ đạo chính của tỉnh, nằm giữa đoạn đường từ dinh quận trưởng đến bờ biển. Ngoài Đức Cha Cuénot, trong tỉnh Bình Định còn có hai thừa sai ngoại quốc nữa: Cha Arnoux, vừa từ miền dân tộc trở về được vài ngày, đang còn rất yếu, và Cha Verdier, vừa từ Pháp sang, được chỉ định thay thế Cha Arnoux tại xứ truyền giáo Ba Na. Đức Cha biết tình thế hết sức nguy kịch và khó lòng thoát khỏi cuộc tầm nã của các quan, nên ngài quyết định sai ngay Cha Verdier lên miền dân tộc. Chuyến đi thật nguy hiểm và cần phải có một người dẫn đường chắc chắn, đầy kinh nghiệm để hướng dẫn nhà thừa sai mới này. Lúc đó, trong tay Đức Cha chỉ có thầy Bảo, người vừa đưa Cha Arnoux trở về từ miền dân tộc. Tội nghiệp thầy, vì chưa kịp lấy lại sức sau chuyến đi khổ cực vừa rồi, thầy đã cố thử giới thiệu vài người thay thế, nhưng vì quá khẩn cấp nên Đức Cha không đồng ý. Thầy Bảo đã anh dũng vâng lệnh Đức Cha, lên đường ngay tối hôm đó với người bạn đồng nghiệp mới của chúng tôi.

Cha Verdier thuộc giáo phận Montauban. Khi xin vào Chủng Viện Hội Thừa Sai Paris, ngài còn rất trẻ, và Ban giám đốc đã khuyên ngài nên ở lại chủng viện của giáo phận thêm một năm nữa. Thời hạn này đối với ngài là quá lâu, và vì nôn nóng muốn đáp lại lời Chúa kêu gọi, ngài đã chạy đến với các Cha dòng Lazarit và đã được tiếp nhận dễ dàng. Nhưng Hội dòng đáng kính này hàng ngày đã và đang phục vụ Giáo Hội trong trăm công ngàn việc, chứ không phải chỉ có một mục đích là rao giảng Tin Mừng cho dân ngoại, và như thế, chú tập sinh trẻ của chúng ta không thể đoan chắc được gửi đến các miền truyền giáo xa xôi. Sự lo lắng này đã khiến ngài phải trở lại với ý định ban đầu. Ngài lại làm đơn xin vào lại Chủng Viện Hội Thừa Sai Paris, và cuối cùng đã được chấp nhận. Sự việc đã xảy ra vài tháng trước ngày tôi lên đường đi Trung Châu. Thuở ấy, tôi đã quen biết ngài và giờ đây tôi lại hạnh phúc được tiếp nối sự quen biết đó tại Kon Trang, nơi mà Cha Combes phái ngài đến với tôi.

Để khỏi gây nhàm chán vì những sự lặp lại không cần thiết, tôi chỉ thuật lại đôi dòng về chuyến đi của Cha Verdier, có thầy Bảo tháp tùng. Đêm thứ hai, lúc gà gáy, họ đã đến cơ sở của chúng tôi tại Bến. Họ hy vọng ở lại đó ban ngày để nghỉ ngơi đôi chút và để chuẩn bị lên đường vào đêm hôm sau. Bỗng nhiên, một giáo dân chạy đến báo tin lệnh quan tỉnh cho bình địa cơ sở này sắp được thi hành. Họ liền vội vã chạy trốn, ẩn náu dưới một chiếc ghe nhỏ đang đậu trên sông. Từ nơi trú ẩn, anh em người Kinh có thể nhìn, còn Cha Verdier chỉ có thể nghe cảnh đập phá tài sản của chúng tôi. Khi họ đến Trạm Gò thì cơ sở của chúng tôi trong làng này không còn nữa. Họ buộc lòng phải tạm trú nơi bụi rậm ngoài rừng. Trong ba ngày, họ phải đồng hành với một người bạn đường ghê gớm: cái đói. Gạo không còn một hạt, và các nơi họ đến thì thà nhịn đói mà đi luôn còn hơn là vào đó để xin hoặc mua gạo, bởi nguy hiểm trước mắt là bị nhận diện, bị bắt và bị giao nộp cho các quan. Cuối cùng, sau biết bao thiếu thốn, vất vả, các ngài cũng đã đến được Kon Kơ Xâm.

(Còn tiếp)

 

Đọc thêm: 

*DÂN LÀNG HỒ – Chương I: Những Dự Phóng Đầu Tiên Nhằm Thiết Lập Cơ Sở Truyền Giáo Nơi Các Dân Tộc Thiểu Số – Cuộc Hành Trình Khảo Sát Của Thầy Sáu Do

*DÂN LÀNG HỒ- Chương II : Cha Combes Và Cha Fontaine

*DÂN LÀNG HỒ- Chương III : Cuộc Gặp Gỡ Bok Kiêm – Thầy Sáu Do Và Bok Kiêm Kết Nghĩa Anh Em

*DÂN LÀNG HỒ- Chương IV : Cuộc Du Hành Của Các Cha Desgouts Và Dourisboure

*DÂN LÀNG HỒ- Chương V : Những Ngày Ở Kơ Lang

*DÂN LÀNG HỒ – Chương VI: Hành Trình Khảo Sát Tại Kon Kơxâm – Những Nỗ Lực Của Ma Quỷ Nhằm Làm Hại Các Nhà Thừa Sai

*DÂN LÀNG HỒ- Chương VII : Những Mối Quan Hệ Đầu Tiên Với Dân làng Kon Kơxâm – Vụ Hỏa Hoạn – Âm Mưu Sát Hại các Thừa Sai

*DÂN LÀNG HỒ- Chương VIII : Cha Desgouts Và Cha Fontaine Thoát Chết Đuối – Bắt Đầu Học Tiếng Ba Na – Du Hành Từ Kon Kơ Xâm Đến Kon Kơ Lang

*DÂN LÀNG HỒ- Chương IX : Dân Tộc Rơ Ngao – Những Điểm Đến Khác Của các Nhà Thừa Sai

*DÂN LÀNG HỒ- Chương X : Năm Đầu Tiên Ở Kon Trang

*DÂN LÀNG HỒ- Chương XI : Cha Combes Ở Kon Kơxâm – Một Ngày Phúc Lành -Cha Arnoux Đến

*DÂN LÀNG HỒ- Chương XII : Cha Arnoux Cùng Cha Dourisboure Ở Kon Trang – Cuộc Khởi Hành Rời Xứ Dân Tộc – Cha Fontaine Và Cha Desgouts Đi Về Phía Nam

*DÂN LÀNG HỒ- Chương XIII : Ngui Và Pat, Những Dự Tòng Xê Đăng Đầu Tiên – Hmur, Dự Tòng Ba Na Đầu Tiên

*DÂN LÀNG HỒ- Chương XIV : Các Em Ngui Và Pat Lãnh Nhận Phép Rửa Ngày 16 Tháng 10 Năm 1853 – Ông Hmur Lãnh Nhận Phép Rửa Ngày 28 Thánh 12 Năm 1853

 

WGPKT(25/04/2023) KONTUM