Chúa Nhật Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa – Năm C (CN.09.01.2022)

Bài đọc 1:           Is 40,1-5.9-11

Vinh quang Đức Chúa sẽ tỏ hiện, và mọi người phàm sẽ cùng được thấy.

Bài trích sách ngôn sứ I-sai-a.

Thiên Chúa phán: “Hãy an ủi, an ủi dân Ta:

Hãy ngọt ngào khuyên bảo Giê-ru-sa-lem, và hô lên cho Thành: thời phục dịch của Thành đã mãn, tội của Thành đã đền xong, vì Thành đã bị tay Đức Chúa giáng phạt gấp hai lần tội phạm.”

Có tiếng hô: “Trong sa mạc, hãy mở một con đường cho Đức Chúa, giữa đồng hoang, hãy vạch một con lộ thẳng băng cho Thiên Chúa chúng ta. Mọi thung lũng sẽ được lấp đầy, mọi núi đồi sẽ phải bạt xuống, nơi lồi lõm sẽ hoá thành đồng bằng, chốn gồ ghề nên vùng đất phẳng phiu. Bấy giờ vinh quang Đức Chúa sẽ tỏ hiện,và mọi người phàm sẽ cùng được thấy rằng miệng Đức Chúa đã tuyên phán.”

Hỡi kẻ loan tin mừng cho Xi-on, hãy trèo lên núi cao. Hỡi kẻ loan tin mừng cho Giê-ru-sa-lem, hãy cất tiếng lên cho thật mạnh. Cất tiếng lên, đừng sợ, hãy bảo các thành miền Giu-đa rằng: “Kìa Thiên Chúa các ngươi !” Kìa Đức Chúa quang lâm hùng dũng, tay nắm trọn chủ quyền. Bên cạnh Người, này công lao lập được, trước mặt Người, đây sự nghiệp làm nên. Như mục tử, Chúa chăn giữ đoàn chiên của Chúa, tập trung cả đoàn dưới cánh tay. Lũ chiên con, Người ấp ủ vào lòng, bầy chiên mẹ, cũng tận tình dẫn dắt.

Đó là lời Chúa.

Bài đọc 2:           Tt 2,11-14 ; 3,4-7

Thiên Chúa đã cứu chúng ta nhờ phép rửa ban ơn Thánh Thần, để chúng ta được tái sinh và đổi mới.

Bài trích thư của thánh Phao-lô tông đồ gửi ông Ti-tô.

Anh thân mến, ân sủng của Thiên Chúa đã được biểu lộ, đem ơn cứu độ đến cho mọi người.  Ân sủng đó dạy chúng ta phải từ bỏ lối sống vô luân và những đam mê trần tục, mà sống chừng mực, công chính và đạo đức ở thế gian này.  Sở dĩ như vậy, là vì chúng ta trông chờ ngày hồng phúc vẫn hằng mong đợi, ngày Đức Ki-tô Giê-su là Thiên Chúa vĩ đại và là Đấng cứu độ chúng ta, xuất hiện vinh quang.  Vì chúng ta, Người đã tự hiến để cứu chuộc chúng ta cho thoát khỏi mọi điều bất chính, và để thanh luyện chúng ta, khiến chúng ta thành Dân riêng của Người, một dân hăng say làm việc thiện.

Khi Thiên Chúa, Đấng cứu độ chúng ta, biểu lộ lòng từ bi và nhân ái của Người,  Người đã cứu chúng ta, không phải vì chúng ta đã làm những việc công chính, mà là vì Người thương xót. Người cứu chúng ta nhờ phép Rửa ban ơn tái sinh và đổi mới do Thánh Thần thực hiện.  Thiên Chúa đã tuôn đổ đầy tràn Thánh Thần trên chúng ta, nhờ Đức Giê-su Ki-tô, Đấng cứu độ chúng ta.  Như vậy, một khi nên công chính nhờ ân sủng của Đức Ki-tô, chúng ta được thừa hưởng sự sống đời đời như chúng ta vẫn hy vọng.

Ðó là lời Chúa.

Lời Chúa:  Lc 3, 15-16. 21-22

“Khi Chúa Giêsu đã chịu phép rửa và đang cầu nguyện thì trời mở ra”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, trong lúc dân chúng đang mong đợi, và mọi người tự hỏi trong lòng rằng: “Gioan có phải là Ðấng Kitô không?”, Gioan lên tiếng bảo mọi người rằng: “Phần tôi, tôi rửa anh em trong nước, nhưng Ðấng cao trọng hơn tôi đang đến, và tôi không xứng đáng cởi dây giày cho Người, chính Người sẽ rửa anh em trong Chúa Thánh Thần và trong lửa!” Vậy khi tất cả dân chúng đã chịu phép rửa, và chính lúc Chúa Giêsu cũng đã chịu phép rửa xong, Người đang cầu nguyện, thì trời mở ra và Thánh Thần Chúa ngự xuống trên Người dưới hình chim bồ câu, và có tiếng từ trời phán: “Con là Con yêu dấu của Cha, Con đẹp lòng Cha”.

Ðó là lời Chúa.

———————

Suy niệm 1:                     Linh mục Giuse Nguyễn Hữu An

Xin cho được sống xứng đáng là con cái Chúa

Tin mừng hôm nay kể chuyện: tiếp nhận đoàn người lũ lượt đến xin chịu Phép Rửa, bày tỏ lòng sám hối, thánh Gioan được nghe những lời bàn tán của dân chúng phỏng đoán ông chính là đấng Mêsia. Thánh nhân đã trả lời:“Tôi làm phép rửa cho anh em trong nước, nhưng có Đấng mạnh thế hơn tôi đang đến, tôi không đáng cởi quai dép cho Người. Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần và lửa”. Câu trả lời của Gioan vừa bác bỏ tin đồn vừa cũng cố niềm hy vọng của dân chúng về Đấng Mesia đang đến.Gioan làm Phép Rửa trong dòng nước sông Giođan, còn Đấng Mêsia làm Phép Rửa trong Thánh Thần.Vậy Phép Rửa của Gioan và Phép Rửa của Chúa Giêsu khác nhau thế nào?

1. Phép Rửa sám hối

Đây là Phép Rửa bằng nước do Gioan thực hiện tại sông Giođan: “Tôi làm phép rửa bằng nước để làm dấu hiệu cho thấy anh em đã ăn năn sám hối “. Ai chịu Phép Rửa đều phải có một thái độ nội tâm cũng như bên ngoài, phải tin vào sứ điệp của Gioan, phải trở lại thực lòng, phải quay về với Thiên Chúa. Tuy nhiên, Phép Rửa của Gioan chỉ có tính cách tượng trưng, tự nó không có sức xóa bỏ được tội lỗi mà chỉ là nghi thức nhắc nhở cho mọi người phải ăn năn sám hối và cải thiện đời sống.

Phép Rửa sám hối chỉ là nghi thức mang tính tẩy trần, nếu có giá trị thì chỉ theo quy định của lề luật thôi, còn chưa có hiệu quả đích thực tôn giáo. Gioan làm Phép Rửa sám hối để dọn lòng dân chúng đón chờ Đấng Cứu Thế. Như vậy gắn với hành động sám hối phải là niềm hy vọng được nuôi dưỡng bền chặt trong lòng. Sám hối vì hy vọng được tha thứ và được giải thoát.Sám hối để xứng đáng với niềm hy vọng.Thánh Gioan ngoài sứ mạng kêu gọi mọi người sám hối còn đảm nhận trọng trách đồng hành với dân chúng hướng về Đấng Mêsia đang đến.

Vai trò của Gioan đã kết thúc, nhưng trước khi Chúa Giêsu chính thức đảm nhận sứ mạng, Người đã xếp hàng đứng chung với hàng ngũ dân chúng, hiệp thông trọn vẹn với họ về niềm mong đợi thiết tha được Chúa đến cứu. Thật lạ lùng! Chúa Giêsu bước xuống sông Giođan. Người là Đấng Thánh, là Thiên Chúa, siêu việt tuyệt đối nay xin chịu phép rửa sám hối của Gioan. Người là Đấng mà Gioan “không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Ngài” đang đứng chung với đám đông người tội lỗi chờ đến lượt mình được chịu thanh tẩy. Một sự hạ mình sâu thẳm, một sự khiêm nhường cao cả đã làm cho cửa trời mở ra, ân sủng tuôn đổ, ơn cứu độ được trao ban và lan truyền. Đức Kitô được công khai tấn phong làm Đấng Mêsia.Thánh Thần ngự xuống, tiếng từ trời xác nhận: “Con là con của cha; ngày hôm nay Cha đã sinh ra con”. Đó là lời phong vương trong Thánh Vịnh 2,7. Chúa Giêsu đã được chính Thiên Chúa xức dầu tấn phong bằng Thánh Thần.

2. Phép Rửa tái sinh

Phép rửa của Gioan là Phép rửa bằng nước mời gọi sám hối. Phép rửa của Chúa Giêsu là Phép Rửa tái sinh. Phép rửa này ban cho người được rửa một đời sống mới. Thánh Phaolô đã giải thích về đời sống này cho những người vừa được rửa tội như sau: “Khi được rửa tội, anh em được an táng với Đức Kitô và trong phép rửa, anh em cũng được sống lại với Đức Kitô. Anh em đã từng bị chết về mặt tâm linh nhưng giờ đây Thiên Chúa đã mang anh em đến nguồn sống cùng với Đức Kitô” (Cl 2, 12-13).

Phép rửa của Chúa Giêsu là Bí Tích Rửa Tội thanh tẩy chúng ta khỏi tội nguyên tổ và tội riêng chúng ta phạm. Đây là sự Thanh tẩy nội tại của Bí tích Thanh tẩy do ơn Chúa Thánh Thần. Nước có ý nói về nghi thức bên ngoài, thực hiện trên thân xác; còn lửa là biểu tượng diễn tả sự biến đổi bên trong tâm hồn. Trong khi nước chỉ đạt tới bề mặt của các sự vật, thì lửa thấm sâu vào, thanh luyện, soi sáng, đốt cháy. Trong phép rửa Đấng Mêsia thiết lập, người ta sẽ không gặp được thứ lửa nào ngoài thứ lửa của Thánh Thần, bởi vì chính Người thánh hóa các tâm hồn. Lửa nói lên sức thanh tẩy của Chúa Thánh Thần, như trong ngày Lễ Ngũ Tuần (Cvtđ 2,1-4), khi các Tông đồ đang cầu nguyện thì Chúa Thánh Thần lấy hình lưỡi lửa đậu trên đầu các ngài và biến đổi các ngài trở nên những con người mới, những Tông đồ nhiệt thành, thông hiểu Lời Chúa để các ngài rao giảng cho dân chúng.

Như vậy qua Phép Rửa tái sinh, Chúa Giêsu chia sẻ cho những người được rửa tội đời sống thần linh của Ngài. Đó là sự sống trong Chúa Ba Ngôi. Người tín hữu trở nên thành viên trong Dân Chúa Cha, chi thể trong Thân Mình Chúa Kitô và viên đá sống động kiến tạo Đền Thờ Chúa Thánh Thần, nghĩa là trở nên con cái Thiên Chúa và được thông phần vào Sự Sống của chính Thiên Chúa hằng sống.

Bí Tích Thánh Tẩy chính là một phép lạ cả thể tác động trên một cá thể trong suốt chiều dài cuộc sống. Người ta được tắm gội trong sự chết và phục sinh của Đức Kitô và được thần hóa một cách nhiệm mầu, để từ đó có thể phát biểu ngất ngây như Thánh Phaolô: “Tôi sống nhưng không phải tôi sống mà là Đức Kitô sống trong tôi”, hay đầy xác quyết như thánh Augustinô: “Chúa đã tạo dưng con người cách lạ lùng và còn tái tạo con người cách lạ lùng hơn nữa”.

Bí Tích Thánh Tẩy là nền tảng của toàn bộ đời sống Kitô hữu, là cửa ngõ dẫn vào đời sống thần linh và mọi bí tích khác. Nhờ bí tích này chúng ta được giải thoát khỏi tội lỗi và tái sinh làm con cái Thiên Chúa, thành chi thể của Đức Kitô, được gia nhập và tham dự sứ mạng của Hội Thánh (GLCG #1213).

Bí Tích Thánh Tẩy tha thứ nguyên tội, mọi tội cá nhân và các hình phạt do tội. Bí Tích Thánh Tẩy cho tham dự vào đời sống của Thiên Chúa Ba Ngôi nhờ ơn thánh hoá, nhờ ơn công chính hoá giúp tháp nhập vào Đức Kitô và Hội Thánh. Bí Tích này cho tham dự vào chức tư tế của Đức Kitô và tạo nền tảng cho sự hiệp thông với tất cả các Kitô hữu. Bí Tích này trao ban các nhân đức đối thần và các hồng ân của Chúa Thánh Thần. Người lãnh nhận Bí Tích Thánh Tẩy thuộc về Đức Kitô luôn mãi: họ được đóng ấn không thể xóa được của Đức Kitô (GLCG #263).

3.Ta hãy xin cho được sống xứng đáng là con cái Chúa

Cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và Gioan tại sông Giođan đã làm nên lịch sử và đã được Giáo Hội chọn làm khởi điểm cho Mùa Thường Niên là Mùa Phụng Vụ cử hành các mầu nhiệm cuộc đời rao giảng tin mừng của Chúa Giêsu. Biến cố này không chỉ là cuộc bàn giao cũ mới mà còn là điểm giao duyên giữa trời và đất, giữa Thần Khí và nước, giữa Tân Ước và Cựu Ước. Từ nay nhân loại được tái sinh trong đời sống mới. Qua Bí Tích Thánh Tẩy, chúng ta được tái sinh trong của Chúa Giêsu nhờ ghi dấu ấn tín của Chúa Thánh Thần và được trở nên con cái Thiên Chúa.

Nhờ Bí Tích Thánh Tẩy, trong tư cách là “Kitô hữu thuộc về Chúa Kitô”, chúng ta được nhắc nhớ về sứ mạng phải làm triển nở sự sống của Chúa Kitô nơi mình và nơi những người lân cận bằng lòng tin và bằng tình yêu chân thành và trung tín.

Trong tư cách “Kitô hữu hướng về Chúa Kitô”, chúng ta cũng được hun đúc để luôn biết sống bằng niềm hy vọng và bằng lời kinh phó thác, nhất là trong lúc gặp thử thách gian truân.

Trong tư cách “Kitô hữu tìm về Chúa Kitô”, chúng ta còn biết sẵn sàng thanh tẩy đời sống qua việc sám hối hòa giải để đón nhận lòng thương xót của Chúa một cách dồi dào hơn.

Trong phép lần hạt Năm Sự Sáng, gẫm thứ nhất, chúng ta vẫn đọc: “Thứ nhất thì ngắm, Đức Giêsu chịu phép rửa tại sông Giođan. Ta hãy xin cho được sống xứng đáng là con cái Chúa”. Người Kitô hữu được hai hồng ân lớn nhất là được ơn sự sống và ơn làm con Chúa. Nhờ cha mẹ, mỗi người được sinh ra và hiện hữu trên đời này. Nhờ Bí Tích Rửa Tội, mỗi Kitô hữu được sống sự sống thần linh của Thiên Chúa Ba Ngôi. Theo gương Mẹ Maria, chúng ta xin được sống gắn bó với Chúa Giêsu mật thiết hơn, để xứng đáng là những người con yêu dấu của Thiên Chúa.

Chúa Giêsu là gương mẫu một người con hiếu thảo. Người luôn sống thân mật với Chúa Cha, luôn kết hiệp với Chúa Cha trong kinh nguyện hằng ngày, luôn thi hành thánh ý Chúa Cha. Người đã vâng lời Chúa Cha cho đến chết và chết trên thập giá.

Noi gương Chúa Giêsu, chúng ta luôn kết hiệp với Thiên Chúa Ba Ngôi, luôn thi hành thánh ý Thiên Chúa, luôn sống một cuộc sống tốt đẹp, luôn tích cực góp phần xây dựng xã hội, tạo hạnh phúc cho tha nhân.

Lạy Chúa Giêsu Kitô, xin dạy chúng con biết sống ơn Bí Tích Thánh Tẩy để chúng con được xứng đáng được làm con yêu dấu của Thiên Chúa Ba Ngôi. Amen.

——————-

Suy niệm 2:                     Linh mục Giuse Nguyễn Triết

“Hồi ấy Đức Giêsu được ông Gioan
làm phép rửa dưới sông Giođan…” 
(Lc 3, 15-16. 21-22)

   1/ Phép Rửa này có phải Phép Rửa Tội không?

– Không, đây chỉ là nghi lễ thanh tẩy mà Do Thái giáo và nhiều tôn giáo khác vẫn làm…

   2/ Tại sao Chúa Giêsu chịu Phép Rửa?

   a/ Để nêu gương cho ta vì Người là “Trưởng Tử muôn loài”, là Chiên gánh tội: Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng gánh tội trần gian (Ga 1, 29. cf Is 53, 7;Gr11, 19: Tôi Trung như Chiên hiền lành…). Thánh Phaolô nói: “Ngài đã nên giống chúng ta mọi đàng chỉ trừ tội lỗi”.

   Ngài nêu gương toàn diện:

– Cầu nguyện – Lao động – chay tịnh – Vâng lời… và cả việc sám hối: “Chịu Phép Rửa”.

   b/ Để thánh hóa dòng nước (nhờ tiếp xúc với Thánh Thể Ngài) mà Ngài sẽ dùng làm “chất thể” của Bí Tích Rửa Tội trong Thánh Thần và Lửa (Gioan đã báo trước).

   c/ Để được Tấn Phong và Giới Thiệu với Do Thái và muôn dân: “Thánh Thần lấy hình Chim Câu đậu xuống trên Ngài và có tiếng Chúa Cha phán: Đây là Con Ta yêu dấu, đẹp lòng ta mọi đàng”.

Đức Kitô được xức dầu tấn phong: Người yêu chính trực, ghét điều phi nghĩa nên Thiên Chúa đã dùng Thánh Thần và quyên lực mà xức dầu tấn phong Người (Tv 45. 8 cf. Is 61, 3; Lc 4, 18; Dt 1, 9).

   Sách Công Vụ Tông Đồ cho biết Đức Giêsu được Tấn Phong làm Tiên Tri, Tư Tế và Thủ Lãnh… (Cv 10, 38)

   3/ Khi chịu phép Thánh Tẩy ta cũng được Xức Dầu để tham dự vào các chức vụ của Chúa Giêsu: Anh chị em là dòng giống được tuyển chọn, hàng Tư Tế Vương Giả và Dân Thánh ngõ hầu anh chị em loan truyền các huân công của Đấng đã gọi anh chị em từ chốn tối tăm vào nơi đầy ánh sáng diệu huyền (1Pr 2, 9).

   4/ Sứ vụ của chúng ta:

– Tiên Tri: dùng lời nói tốt để cổ võ công bình bác ái… xây dựng gia đình, Giáo Hội và xã hội…

– Tư Tế: tham gia vào đời sống Phụng Vụ của Giáo Hội…

– Thủ Lãnh: Dùng khả năng Chúa ban để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của anh chị em… giúp cả xã hội hướng về chân thiện mỹ tuyệt đối là Thiên Chúa.

Nếu không sống như vậy thì đời sống tin hữu cũng vô nghĩa.    

—————–

Suy niệm 3:                         Linh mục Phêrô Nguyễn Vân Đông

GIÒNG SÔNG BÉ NHỎ GIO-ĐAN
ĐƯỢC CHỨNG KIẾN NHỮNG VIỆC VĨ ĐẠI. . .

     1. Sông Gio-Đan dài 250 km, chảy từ chân núi Hermon vào biển Chết. Con sông nhỏ này là nguồn cung cấp nước hết sức quan trọng cho các vùng đất khô cằn trong khu vực, nhưng lại có vấn đề hiện nay về sự bất đồng giữa các nước Liban, Syria, Jordan, Israel và Palestine là những nước đang xử dụng “NƯỚC” của giòng sông này.

     Xưa Gioan Tẩy Giả đã làm phép rửa khi rao giảng sự thống hối ở bên giòng sông này và đã dùng nước của giòng sông này mà rửa !

     Chúa Giêsu được Gioan Tẩy Giả làm phép rửa cũng bằng nước của giòng sông này.

     Cũng nơi này thiên hạ đông đảo đã chứng kiến trời mở ra và nghe Thiên Chúa tuyên bố về Giêsu là Con yêu dấu của Thiên Chúa Cha.

     2. Năm 2010, mình được đi hành hương Đất Thánh trong tám ngày. Khi được dẫn tới nơi được bảo là xưa Chúa Giêsu chịu phép rửa tại đó. Ôi ! Đầy người dọc bờ ! Da vàng, da đen, da trắng, da ngăm ngăm. . . Lớn bé trẻ già đủ cả. Dưới giòng nước có những người mặc áo màu trắng tinh, cao có thấp có, giơ tay lên trời cầu nguyện to tiếng, không biết tiếng gì, rồi bỗng ngụp chìm dưới nước (phép dìm) rồi đứng lên cùng hát vang: Alleluia, Alleluia ! ! Rất thành kính nhé ! Thấy không ? Hôm đó nào đâu thấy Gioan Tẩy Giả ! Mà sau hơn hai ngàn năm rồi nhé. Bạn có suy nghĩ gì không ?

     Mình kể thêm : Suốt tám ngày hành hương ở Đất Thánh, điều làm cho mình ngỡ ngàng, sửng sốt, thích thú và cũng củng cố niềm tin mình rất nhiều là những nơi xưa Chúa Giêsu dừng chân rao giảng, nơi những sự kiện quan trọng diễn ra . . . Ôi ! Nơi nào cũng đầy người! Không hẹn mà hò. Ai ai cũng thành kính nghiêm trang chứ không phải như đi du lịch : Núi Tabore, nơi có tiệc cưới Cana, đền thờ Đức Mẹ Truyền Tin ( nhà Đức Mẹ), Hội đường Caphacnaum, núi Tám Mối Phúc, Bêlem, Mộ Thánh, đường Thánh Giá (nhiều đoàn khác nhau đi đường Thánh Giá cầu nguyện) . . . Nhiều nơi lắm không kể hết được.

     Ai cũng biết Chúa Giêsu sinh ra nghèo hèn như thế nào, ai cũng biết Người chết nhục nhã như thế nào, Người đã không có tới 3 năm để rao giảng một giáo lý mới toanh, giáo hội mà Người thành lập đã không ngừng bị bắt bớ, tù đày, bị giết chết suốt hai ngàn năm nay. Ngày nay số người tin vào giáo lý của Chúa Giêsu là nhóm người đông nhất trên thế giới ! Bạn không có suy nghĩ gì về vấn đề nầy sao ?

     3. Trở lại với phép rửa của Gioan Tẩy Giả : Gioan kêu gọi mọi người sám hối, từ bỏ tội lỗi, quay đầu về với đường ngay lẽ phải. Rất đông người tuôn đến với ông. Dân thường hỏi : Chúng tôi phải làm gì bây giờ ? Ai có hai áo, hãy chia sẻ cho kẻ không có, ai có gì ăn cũng hãy làm như vậy. Những người thu thuế “tội lỗi” cũng dắt nhau đến và hỏi : Chúng tôi phải làm gì ? Các anh đừng đòi gì quá mức được ấn định ! Binh lính cũng xúm nhau hỏi : Chúng tôi phải làm gì ? Đừng có mà hà hiếp bắt nạt ai cả. Và Gioan đã làm phép rửa cho họ bằng nước sông Gio-Đan. Phép rửa xác nhận họ đã sám hối. Ngày xưa, thời Cựu Ước, tiên tri Elise, bảo tướng Naaman người Xyria bị cùi là tắm bảy lần trong giòng sông Gio-Đan thì sẽ khỏi bệnh mà vị tướng này không thèm tin vì cho rằng nước ông thiếu gì sông còn ngon lành cái sông chút xíu này. May mà ông tướng có những thuộc hạ khuyên răn, nên ông mới chịu tắm và được lành. Đâu có phải do nước sông này hay sông nọ, mà do lòng TIN thôi. Chỉ có những kẻ “khiêm nhường” thì lòng mới nhạy bén để cảm nhận được tiếng Chúa nói với mình.

     4. Rồi tới phiên Chúa Giêsu “đề nghị” Gioan làm phép rửa cho mình. Trời ơi ! Chuyện ngược đời thế sao được chứ ? Mạnh mẽ từ chối ! Tôi không xứng đáng ! Chính ngài phải rửa cho tôi mới đúng chứ. Mà cuối cùng, Gioan đã phải vâng lời “rửa” cho Đấng vô cùng thanh sạch. Mình nghĩ Chúa Giêsu làm việc này là để xác nhận cho chúng ta thấy việc kêu gọi sám hối của Gioan là đúng, làm như vậy là Chúa đề cao việc Gioan làm phép rửa trong nước, là để xác nhận sự sám hối của con người như là việc cần thiết. Và phép rửa trong nước này cũng là hình ảnh của phép rửa trong Thánh Thần mà sau này chính Chúa Giêsu thiết lập bằng giá Máu của mình. Ôi ! Cử chỉ Chúa Giêsu con Thiên Chúa cúi đầu để Gioan làm phép rửa cao cả thay ! Và cái gì đã xảy ra sau đó ?

     5. “ Trời mở ra, và Thánh Thần ngự xuống trên Người dưới hình dáng chim bồ câu. Và có tiếng từ trời phán rằng:” Con là Con yêu dấu của Cha; Cha hài lòng về Con “. Chắc chắn là hôm đó có đông người và mọi người đều chứng kiến và nghe thấy nên mới kể lại cho ta được chứ ? Biến cố này cũng hé mở cho chúng ta về Thiên Chúa Ba Ngôi : Cha, Con và Thánh Thần. Đó là một mầu nhiệm vượt quá trí hiểu của con người. Sau này trên núi Tabore Thiên Chúa Cha cũng đã xác nhận như thế, nhưng hôm đó chỉ có Phêro, Giacobe và Gioan tông đồ chứng kiến và nghe được thôi. Nhưng lần này thì Chúa Giêsu sáng láng đẹp lạ lùng, rồi còn có Maisen và Elia những người nhà Trời cũng có mặt bên cạnh, chắc cũng đẹp lắm thôi, làm cho các môn đệ mê tít luôn, rồi còn đòi dựng nhà ở đó nữa. Hôm tại núi Tabore, Thiên Chúa còn dặn dò chúng ta phải biết nghe lời Chúa Giêsu nữa chứ. Thật lạ lùng là Chúa Giêsu bảo với chúng ta : Cha của Thầy cũng là Cha của anh em, nhà Cha Thầy có nhiều chỗ và Thầy cũng “dọn” chỗ cho anh em ở đây nữa, lạy Cha chúng con ở trên trời . . . Nhiều chỗ trong Tin Mừng nói về chuyện Thiên Chúa là Cha của loài người chúng ta. Không có tôn giáo nào dạy như vậy, chỉ có Chúa Giêsu là quả quyết như vậy thôi.

     6. Điều muốn nói cuối cùng : Hôm chịu phép rửa của Gioan, Chúa Giêsu là Đấng vô cùng thánh thiện đã khiêm nhường đứng trong hàng ngũ của những tội nhân là chúng ta để giúp dẫn chúng ta thoát khỏi vòng nô lệ tội lỗi. Chúng ta cùng tỏ lòng biết ơn Chúa Giêsu.

     Lời cầu : Lạy Chúa Giêsu , chỉ có những người khiêm hạ mới thấy mình có tội và cần phải sám hối để được ơn tha thứ. Xin cho mỗi người chúng con ơn khiêm nhường thấy mình có tội và biết sám hối tội mình để được ơn cứu chữa. Amen

 

——————

Suy niệm 4:                         Linh mục Lu-y Nguyễn Quang Vinh

Cha Hài Lòng Về Con

Trước Công Đồng Vaticanô II lễ Chúa Hiển Linh và Lễ Chúa Giêsu chịu Phép Rửa không được phân biệt rõ rệt về ý thần học.  Việc canh tân phụng vụ trong Giáo Hội đào sâu ý nghĩa và nhấn mạnh đến khía thần học của lễ Chúa chịu phép rửa, từ đó lễ này mang tính độc lập đối với lễ Hiển Linh. 

Lễ Hiển Linh nhấn mạnh đến ơn cứu độ phổ quát của biến cố Giáng sinh, ánh sáng Bêlem  không chỉ chiếu soi dân Do thái nhưng còn chiếu soi cả dân ngoại nữa, mà đại biểu là ba nhà đạo sĩ đến kính viếng Chúa Hài Đồng. 

Lễ Chúa chịu phép rửa nhấn mạnh đến tính hiện thực của mầu nhiệm Nhập Thể.  Đức Giêsu không chỉ đến viếng thăm trần gian như một ông vua vi hành thăm viếng thần dân, nhưng Người mặc lấy thân phận của con người và sống với con người.  Hình ảnh Đức Giêsu đứng xếp hàng chờ chịu phép rửa, Người tự liệt mình vào hàng ngũ tội nhân, Người kiên nhẫn chờ đến lượt mình xuống sông để được thánh Gioan làm phép rửa, hình ảnh nầy gây ấn tượng mạnh, nói lên tinh thần nhập cuộc của Đức Giêsu.  Nhất là trước lời từ chối và sự xóa mình đi của thánh Gioan : “Tôi không đáng cởi quai dép cho Người” càng cho thấy quyết tâm dấn thân của Chúa Giêsu trong thân phận con người, Người đứng lẫn lộn trong hàng ngũ hối nhân để chia sẻ những giới hạn nhân loại.  Hình ảnh của đóa sen giữa dầm lầy, gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn.

Chính trong dòng sông Giođan khi chịu phép rửa, Đức Giêsu khai mạc sứ vụ truyền giáo công khai của mình. Người là Đấng Emmanuen, Thiên Chúa ở cùng chúng tôi, được chính Chúa Cha giới thiệu long trọng: “Trời mở ra và Thánh Thần ngự xuống trên Người … và có tiếng từ trời phán rằng: ‘Con là Con yêu dấu của Cha; Cha hài lòng về Con’”(Bài Tin Mừng. Lc 3, 15-16.21-22).  Đức Giêsu chấp nhận sống kiếp con người, liên đới với con người trong tội lỗi mặc dầu Người vô tội. 

Khung cảnh hùng vĩ và hoành tráng là cảnh quan thiên nhiên, có núi non hùng vĩ bao quanh, với trời cao đất rộng sông dài, trước sự chứng kiến của đám đông dân chúng, cách xuất hiện này gây ấn tượng với lễ nghi giới thiệu long trọng của Cha “trời mở ra” , có Thánh Thần xuất hiện dưới “hình dáng chim bồ câu” và có nhân loại chứng kiến.  Biến cố này mang nặng ý nghĩa thần học hơn một bài diễn văn trình bày về mầu nhiệm Thiên Chúa Nhập Thể và nhập thế trong gia đình nhân loại của Đức Giêsu.  Thiên Chúa, đất trời và đám đông, thiên-địa-nhân, hòa chung trong hân hoan đón nhận lời giới thiệu long trọng của Cha, về ‘Con yêu dấu’ công khai khởi sự đi vào hoạt động truyền giáo.

Đức Giêsu đã bước xuống sông để tội lỗi bị chôn vùi và được rửa sạch, Người bước lên như con người mới đẹp lòng Chúa Cha.  Hình ảnh gợi nhớ một cuộc tạo dựng mới, mà mầu nhiệm vượt qua sẽ thực hiện nơi bản thân của Người vào cuối đời.  Hình ảnh cũng nhắc lại biến cố quan trọng trong đời người Kitô ngày lãnh nhận phép Rửa Tội, được trở nên con cái Thiên Chúa, được mời gọi tham dự sự sống của Người.  Dòng nước rửa thánh tẩy chôn vùi đam mê tội lỗi và làm phát sinh sự sống mới nơi người Kitô hữu, họ xuất phát lại từ Đức Giêsu Kitô, sống đời sống mới trong Thánh thần, làm con cái Cha, làm em của Đức Giêsu.  Chẳng phải là sự sống thiên đàng bắt đầu từ nơi trần thế nầy sao !

Sau khi chịu phép rửa, Đức Giêsu được hướng dẫn vào sa mạc để chịu cám dỗ, như là sự thực hiện thân phận con người, sống là phải chiến đấu với ác thần Xatan, với cám dỗ vật chất cơm bánh, với quyền lực đen tối thế gian.  Biến cố Chúa chịu phép rửa là lời long trọng giới thiệu của Chúa Cha về ‘Con yêu dấu’ cho nhân loại, đánh dấu sự khởi đầu đời sống công khai rao giảng Tin Mừng cứu độ, là khởi đầu cuộc sống dấn thân chiến đấu với tội lỗi cho đến chết, cuộc chiến được tiên báo qua những cơn cám dỗ trong sa mạc, đồng thời tiên báo sự toàn thắng của Đức Giêsu trên ma quỷ thế gian và xác thịt.  Các cơn cám dỗ nầy là tiêu biểu cho các cám dỗ mà con người thường mắc phải trong cuộc sống.

Là người cho dù đạo đức đến đâu cũng đừng bao giờ quên đi thân phận mỏng giòn của mình, bản chất con người là xác thịt yếu đuối được hiểu về thể xác và đạo đức tâm linh.  Có khi con người quá thành công như bay bổng quên đi xác thịt vốn nặng nề yếu đuối.  Muốn đứng vững con người cần dựa vào sức mạnh của lời Thiên Chúa, vì ai cưỡng nỗi trước vật chất hấp dẫn được gọi là thần Mammon (thần tiền tài), là người ai mà không muốn mau chóng thành công, đi tắt đón đầu dễ dàng có mùa gặt bội thu mà không cần gieo vãi.  Đức Giêsu đã dựa vào lời Kinh thánh để lướt thắng 3 cơn cám dỗ nầy, Xatan đã đeo bám và cám dỗ Đức Giêsu cho đến khi Người bị treo trên thập giá.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã chấp nhận thân phận mọn hèn của nhân loại, Chúa đã mang lấy nơi thân xác của Chúa những yếu duối và tội lỗi của chúng con để chiến thắng, con xin tri ân Chúa.  Xin cho con biết cảm thông và liên đới với anh chị em của con trong thân phận làm người. Amen

WGPKT(07/01/2022) KONTUM