Chúa Nhật VII Thường Niên – Năm C (CN.20.02.2022)

BÀI ĐỌC I: 1 Sm 26, 2. 7-9. 12-13. 22-23

“Chúa trao đức vua trong tay tôi mà tôi không nỡ ra tay”.

Trích sách Samuel quyển thứ nhất.

Trong những ngày ấy, Saolê cùng với ba ngàn quân sĩ tinh nhuệ của Israel kéo xuống hoang địa Ziphô để vây bắt Đavít. Ban đêm Đavít và Abisai đến nơi quân sĩ (của vua) đóng, và thấy Saolê đang nằm ngủ trong lều, cây giáo của ông thì cắm xuống đất ở phía đầu. Abner và quân sĩ thì ngủ chung quanh ông.

Abisai liền nói với Đavít rằng: “Hôm nay, Thiên Chúa đã trao kẻ thù trong tay ngài; vậy giờ đây xin cho tôi lấy giáo đâm ông ấy một phát thâu xuống đất, không cần đến phát thứ hai”. Nhưng Đavít nói với Abisai rằng: “Chớ giết ngài, vì có ai đưa tay phạm đến Đấng Chúa xức dầu mà vô tội đâu?” Rồi Đavít lấy cây giáo và bình nước ở phía đầu của Saolê và cả hai ra đi. Không ai hay biết và không ai thức dậy, nhưng mọi người vẫn ngủ, vì Chúa khiến họ ngủ say.

Đavít sang phía bên kia, đứng trên ngọn núi đàng xa, đôi bên cách xa nhau. Ngài hô lên rằng: “Đây là ngọn giáo của nhà vua, một trong các cận vệ của vua hãy qua đây mà lấy, Chúa sẽ báo đáp cho mỗi người tuỳ theo sự công minh và thành tín cuả họ, vì hôm nay Chúa trao đức vua trong tay tôi mà tôi không nỡ ra tay giết đấng được Chúa xức dầu”.

Đó là lời Chúa.

BÀI ĐỌC II: 1 Cr 15, 45-49

“Như chúng ta đã mang hình ảnh của người thuộc địa giới, thì chúng ta cũng sẽ mang hình ảnh người thiên quốc như vậy”.

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.

Anh em thân mến, Ađam cũ là người có sự sống, còn Ađam mới thì có thần trí ban sự sống. Những điều có trước, không phải thuộc linh giới, mà là thuộc thể giới, rồi mới đến cái thuộc về linh giới. Người thứ nhất bởi đất mà ra, thì thuộc về địa giới, còn người thứ hai bởi trời mà đến, thì thuộc thiên giới. Người thuộc địa giới đó thế nào, thì những người khác thuộc địa giới cũng vậy; và người thuộc thiên giới đó thế nào, thì những người khác thuộc thiên giới cũng vậy. Bởi thế, như chúng ta đã mang hình ảnh của người thuộc địa giới, thì chúng ta cũng sẽ mang hình ảnh người thiên quốc như vậy.

Đó là lời Chúa.

Lời Chúa: Lc 6, 27-38

“Các con hãy tỏ lòng thương xót như Cha các con hay thương xót”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Thầy bảo các con đang nghe Thầy đây: Các con hãy yêu kẻ thù, hãy làm ơn cho những kẻ ghét mình, hãy chúc phúc cho những kẻ nguyền rủa mình, hãy cầu nguyện cho những kẻ vu khống mình. Ai vả má con bên này, thì đưa cả má bên kia; ai lột áo ngoài của con, thì con cũng đừng cản nó lấy áo trong. Ai xin, thì con hãy cho và ai lấy gì của con, thì đừng đòi lại. Các con muốn người ta làm điều gì cho các con, thì hãy làm cho người ta như vậy. Nếu các con yêu những kẻ yêu các con, thì còn ân nghĩa gì nữa? Vì cả những người tội lỗi cũng yêu những ai yêu họ. Và nếu các con làm ơn cho những kẻ làm ơn cho các con, thì còn ân nghĩa gì? Cả những người tội lỗi cũng làm như vậy. Và nếu các con cho ai vay mượn mà trông người ta trả lại, thì còn ân nghĩa gì? Cả những người tội lỗi cũng cho những kẻ tội lỗi vay mượn để rồi được trả lại sòng phẳng.

Vậy các con hãy yêu kẻ thù, hãy làm ơn, và cho vay mượn mà không trông báo đền. Phần thưởng của các con bấy giờ sẽ lớn lao, và các con sẽ là con cái Đấng Tối Cao, vì Người nhân hậu với những kẻ bội bạc và những kẻ gian ác.

Vậy các con hãy ở nhân từ như Cha các con là Đấng nhân từ. Đừng xét đoán, thì các con sẽ khỏi bị xét đoán; đừng kết án, thì các con khỏi bị kết án. Hãy tha thứ, thì các con sẽ được tha thứ. Hãy cho, thì sẽ cho lại các con; người ta sẽ lấy đấu hảo hạng, đã dằn, đã lắc và đầy tràn mà đổ vào vạt áo các con. Vì các con đong đấu nào, thì cũng sẽ được đong trả lại bằng đấu ấy”.

Đó là lời Chúa.

——————

Suy Niệm 1:                         Linh mục Lu-y Nguyễn Quang Vinh

KHÔNG CÓ KẺ THÙ

Sách Samuen mở đầu phụng vụ hôm nay như cho chúng ta chứng kiến khúc phim kiếm hiệp của bậc quân tử là Đavít tha chết cho kẻ truy sát mình là vua Sa-un.  Tráng sĩ Đavít vừa thoát khỏi triều đình Sa-un, ông chạy trốn khỏi triều đình vua Sa-un, nhà vua bực mình vì bị Thiên Chúa sa thải do không tuân lệnh thần tru, cho nên ganh tỵ và hận thù dồn xuống trên Đavít, ông là bầy tôi của đức vua Sa-un trước đây. Từ ngày bị thất sủng, đã có một thời Đavít lập băng nhóm và sống du thủ du thực rày đây mai đó cùng với một số thuộc hạ của mình, ông bị nhà vua truy sát, ông chạy thục mạng vào trong sa mạc cùng với người thuộc hạthân tín là Avisai.

Thiếu niên Đavít rất giỏi bắn ná, ông đã giết chết tướng Goliát của quân đội Philitinh bằng một viên sỏi đánh trúng đầu tướng quân, ông cắt thủ cấp về nạp cho vua Sa-un, từ ngày đó Đavít được trọng dụng, sống trong cung vua.  Tuy nhiên “chữ tài liền với chữ tai một vần”.  Vì quá xuất chúng trong binh bị, cung kiếm trong trận mạc, ông chỉ biết chiến thắng lúc lâm trận, mà không hề biết đến thất bại.  Dân chúng ca tụng rằng Đavít giết hằng vạn quân thù, Sa-un chỉ giết hằng ngàn.  Lời ca khen nầy làm trổi dậy nơi vua Sa-un lòng tự ái và ghen tỵ, vua sợ rằng Đavít sẽ soán ngôi vương sau nầy.  Trong một bữa tiệc lúc hận thù lên cao, nhà vua đã phóng chiếc đòng ném thẳng vào Đavít muốn ghim ông vào tường.  Biết ý định đen tối của vua Sa-un, Đavít trốn vào hoàng địa lập băng nhóm sống lang thang đời du đảng.  Chưa hết sợ và đang ghen tỵ vua Sa-un đuổi theo truy sát Đávít.  Một sự truy sát chết người.  Và Đavít đã phản ứng nhân hậu khi có dịp ra tay trả thù vua.

Vào một đêm nọ Đavít đột kích vào doanh trại của vua Sa-un khi vua và quần thần đang mê mệt ngủ say vì nhiều ngày rong ruổi đuổi bắt Đavít.  Đavít đến tận nơi vua ngủ và Avisai người thuộc hạ của Đavít đã muốn giết chết nhà vua bằng một nhát giáo gim vua xuống đất. 

Đừng giết vua ! Có ai tra tay hại đấng Đức Chúa đã xức dầu tấn phong mà vô sự đâu?” Đavít trả lời cho Avisai như vậy: (1Sm 26, 2.7-9.12-13.22-23).  Ông Đavít tịch thu cây giáo của đức vua, rồi ra đi, tha mạng cho vua Sa-un.  Đavít đã hai lần làm như thế đối với vua Sa-un.

Việc Đavít tha mạng cho đức vua đã đi vào lịch sử cứu độ.   Đây không phải là việc làm theo tinh thần kiếm hiệp, nghĩa là không giết kẻ trong tay không có võ khí, việc làm nầy mang tính thần học luân lý, phản ứng của Đavít được đặt trong tương quan với Thiên Chúa, tha mạng vì nạn nhân là người được Chúa xức dầu, quyền sinh sát thuộc về Thiên Chúa. 

Đavít là kẻ kính sợ Thiên Chúa, luôn sống trong tương quan với Người.  Khi con người sống tương quan tốt lành với Thiên Chúa, thì cách hành xử với tha nhân cũng luôn thấm đậm tình nhân ái.  Đây là lý do và là động lực thúc đẩy Đavít tha mạng cho kẻ thù của mình, động lực nầy hướng dẫn người Kitô hữu sống bác ái và tôn trọng luân lý trong đời sống xã hội.

Đavít đã khởi đầu sự tha thứ mà về sau dòng dõi của ông sẽ tiếp nối việc làm lành thánh nầy. Tha chết cho kẻ thù là một nghĩa cử luân lý cao đẹp mà chính Đức Giêsu sau nầy đã công khai giảng dạy minh bạch: “Hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em” (c. 27. Bài Tin Mừng Lc 6,27-38).   Việc làm của dũng sĩ Đavít và lời giáo huấn của Đức Giêsu làm đảo lộn luật báo oán trong đạo Do thái: “Mắt đền mắt, răng đền răng ”, luật báo phục nơi dân Do thái vốn được coi là một bổn phận đòi lại sự công bằng, trả nợ danh dự cho người thân nếu họ bị xúc phạm.

Như thế Đức Giêsu tuyên bố, người Kitô hữu không có kẻ thù hay không ai bị coi là kẻ thù của người Kitô hữu chân chính.  Đavít đã mở ra một lối hành xử nhân ái đối với kẻ thù, mà trong tương lai một người thuộc dòng tộc vua Đavít là Đức Giêsu người Na-gia-rét đã tiếp nối tinh thần tha thứ cho kẻ thù, ngài đã thực hiện cách triệt để việc tha thứ cho kẻ làm hại mình.  Khi Người chịu khổ nạn, chịu đóng đinh dang tay ra trên cây thập tự, khi bị kết án oan sai, Người vẫn bình thản thốt lên “Lạy Cha xin tha cho chúng”, lòng không chút oán hận. Người đã thực thi điều Người giảng dạy: “Ai vả anh má bên nầy, thì hãy giơ cả má bên kia nữa” (c.29 x. Bài Tin Mừng)

Luân lý Kitô giáo thật sự là cao cả lắm thay!  Nền luân lý này quy chiếu vào Đấng sáng lập để rút ra những cung cách hành xử cho người tín hữu, nghĩa là lấy Đức Kitô làm chuẩn mực luân lý được xây dựng trên lời Người nói và trên việc Người làm.  Một thứ luân lý không chỉ là “Ăn miếng trả miếng” nhưng còn cao cả hơn thế nhiều: “Làm ơn và cho vay mà chẳng hề hy vong được đền trả” (c.35).

Lạy Chúa Giêsu xin dạy con biết sống quảng đại, biết cảm thông và tha thứ, biết cho đi mà không cần tính toán, biết chiến đâu mà không quản ngại thương tích. Amen

——————-

Suy Niệm 2:                         Linh mục Phêrô Nguyễn Vân Đông

DỄ HIỂU – KHÓ LÀM- LỢI NHUẬN CAO

1. “ Hãy yêu thương kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em” (Lc 6,27).

Kẻ thù là người đã hãm hại mình; kẻ ghét mình là người luôn muốn điều xấu cho mình, là kẻ mà hễ mở miệng ra là nói xấu mình ! Chỉ có Chúa Giêsu dạy là yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét mình ! Thật là ngược đời và trái với bản tính thông thường của con người !

Trên cây Thánh Giá trước khi tắt thở, đau đớn cùng cực, Chúa Giêsu xin Chúa Cha tha cho những kẻ giết mình ! Không mất trí đâu, không nói mê nói sảng đâu !

Thánh Tê-pha-nô bị ném đá cho tới chết, khi sắp chết còn thều thào xin Chúa tha cho những kẻ ném đá giết mình. Ai dạy như vậy ? Chỉ có Thầy Giêsu dạy như vậy thôi.

Mới đây thôi, cha Thanh bị chém chết tại nơi xa xôi hẻo lánh của giáo phận Kontum, trên đường đi cấp cứu còn cố gắng dặn dò: Xin hãy tha thứ. Ai đã dạy cha Thanh như vậy nếu không phải là Giêsu ?

Tha thứ không có nghĩa là đồng loã với tội ác ! Chúa Giêsu dạy : Khi người ta vả má bên này thì đưa má bên kia cho nó vả nữa(Lc 6,29) Nhưng khi bị tên đầy tớ vị thượng tế tát tai, Chúa Giêsu cật vấn ngay : Nếu tôi nói mà sai thì anh hãy cho tôi biết sai ở chỗ nào, còn nếu tôi nói đúng thì sao anh lại đánh tôi ? Sự Thật mới giải thoát chúng ta được. Nơi nào cũng thế, thời nào cũng vậy. Chúng ta rất cần biết sự thật về cái chết của cha Giuse Thanh.

2. Cho vay mà không hy vọng đòi (Lc 6,33)

Thời bây giờ cho vay thì có lãi, lãi ít hay nhiều tuỳ theo thỏa thuận hai bên; cho mượn là vì tình thân và muốn giúp đỡ. Muốn sòng phẳng là phải viết giấy tờ và ký tên, nếu bất tín và tráo trở thì có luật pháp phân xử.

Làm từ thiện là giúp đỡ cho người gặp khó khăn. Cho không thôi. Không phải cho vay mà cũng không phải cho mượn. Người sống bác ái yêu thương mới làm từ thiện.

Làm từ thiện thì được gì cho mình ?

3. Làm từ thiện là có “ lợi nhuận “ rất cao !

“Người ta sẽ đong cho anh em đấu đủ lượng đã dằn, đã lắc và đầy tràn mà đổ vào vạt áo anh em “ (Lc 6,38).

Chúa giàu hơn chúng ta là cái chắc ! Chúa tốt lành hơn chúng ta chắc chắn ! Chúa rộng rãi hơn chúng ta là cái chắc.

Tagor kể chuyện một ông vua ngửa tay xin một anh ăn mày : “Ngươi có gì cho, hãy cho ta”. Ngỡ ngàng và bực tức nên chỉ cho “một” hạt lúa mì vào bàn tay nhà vua đang đưa ra trước mặt anh. Nghĩ làm sao mà lại cho nhà vua mỗi một hạt trong khi anh có cả túi hạt lúa mì ?! Nhà vua cảm ơn rồi làm thinh quay đi! Chiều về trút túi hành khất ra, giữa rất nhiều hạt lúa mì, anh bỗng thấy có “một” hạt lúa mì bằng vàng ! Đấy thấy không ? Đức vua của Tagor chính là Đức Chúa của chúng ta.

Chúa Giêsu bảo anh thanh niên giàu có trong Phúc Âm : Bán của cải cho kẻ nghèo thì sẽ có một kho tàng trên trời. Anh thanh niên tiếc của dưới đất nên mất kho tàng trên trời ! Uổng thật ! Thời này cũng có rất nhiều người giống anh thanh niên đó, nhưng kiếm cho ra một ông Gia-kêu là khó lắm thay !

4. Đọc thêm để thấy chuyện “nhân quả” trong Lời Chúa hôm nay : “ Anh em đừng xét đoán, thì anh em sẽ không bị Thiên Chúa xét đoán. Anh em đừng lên án, thì sẽ không bị Thiên Chúa lên án. Anh em hãy tha thứ, thì sẽ được Thiên Chúa thứ tha . Anh em hãy cho, thì sẽ được Thiên Chúa cho lại. . .” (Lc 6,37-38)

Dễ hiểu, khó làm nhưng lợi nhuận cao vì Thiên Chúa là Đấng Trung Tín và Nhân Lành , Người Đại Lượng và chan chứa Tình Thương .

Xin cho con biết “kết thân” với Chúa là Đấng vô cùng tốt lành.

Xin cho con biết Chúa, xin cho con biết con. AMEN

——————-

Suy Niệm 3:                         Linh mục Giuse Nguyễn Hữu Triết

“Anh chị em hãy có lòng nhân từ như Cha anh chị em là Đấng Nhân Từ… Đừng kết án để khỏi bị kết án… Hãy cho thì sẽ được cho lại…
Đấu đầy đong đi thì đấu đầy đong lại…”

   1/ Điều dễ làm nhất là yêu kẻ yêu mình. Điều khó làm nhất là yêu kẻ thù mình.

   2/ Chúa Giêsu cho biết Tân Ước vượt qua Cựu Ước: Các ngươi đã nghe luật dạy: Hãy yêu đồng loại và ghét kẻ thù. Còn Ta, Ta bảo: Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho chúng…” (Mt 5, 43-44).

   3/ Thể hiện tình yêu kẻ thù:

– Cầu nguyện cho chúng.

– Làm ơn cho chúng.

– Chúc lành cho chúng.

– Nhịn nhục không chống cự chúng.

– Quảng đại: cho luôn áo trong nếu chúng đoạt áo ngoài.

– Chúng xin cứ cho, chúng vay, không chối từ.

– Không xét đoán chúng.

– Không kết án chúng.

– Thanh thản tha thứ cho chúng.

– Đong cho chúng những đấu đầy…

   Như thế mới giống Cha trên trời nhân hậu đến nỗi cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính, cho mặt trời soi cho người ngay lành cũng như kẻ bất lương.

– Yêu kẻ yêu mình, giúp kẻ giúp mình… thì quân cướp cũng làm như vậy.

   4/ Yêu kẻ thù luôn có lãi to:

– Chúa Giêsu tha cho những kẻ giết mình… đội trưởng thi hành án đã sám hối, tuyên xưng Chúa là Đấng công chính.

Đavit tha mạng cho bố vợ đồng thời là kẻ thù… Chúa tha tội tày trời cho vua lúc cuối đời… và vẫn duy trì lời hứa cho làm tổ phụ Đấng Cứu Thế.

Stêphanô tha thứ cho những kẻ ném đá mình… Phaolô đã trở lại và nhiệt tình rao giảng Tin Mừng

   Lưu ý: Bài Tin Mừng Chúa toàn dùng kiểu nói văn chương: Cường điệu (Nói quá sự thật, quá mức cần thiết, không bắt thực hiện theo nghĩa đen, nghĩa chữ. Thí dụ: Tên lính tát Chúa… Chúa không đưa má kia… mà bình tĩnh hỏi: “Nếu tôi nói sai, thì cho biết sai ở chỗ nào? nếu tôi nói phải, thì sao lại đánh tôi?…” (Chúa không phạt nó chết tươi).

***********

Lạy Chúa! xin cho chúng con giống Chúa là Đấng nhân hậu vô cùng. 

WGPKT(18/02/2022) KONTUM