Chúa Nhật XXVI Thường Niên – Năm C (CN.25.09.2022)

BÀI ĐỌC I: Am 6, 1a. 4-7

“Các ngươi đã mê đắm và ca hát, giờ đây các ngươi bị lưu đày.

Trích sách Tiên tri Amos.

Đây Chúa toàn năng phán: “Khốn cho các ngươi là những kẻ phú quý ở Sion, và tự kiêu trên núi Samaria. Các ngươi đã nằm ngủ trên giường ngà, mê đắm trên ghế dài: ăn chiên con trong đoàn và bê béo trong đàn; và ca hát theo tiếng đàn cầm thụ; người ta nghĩ mình như Đavit, có những nhạc khí, dùng chén lớn uống rượu, lấy dầu hảo hạng xức lên mình, và chẳng thương hại gì đến nỗi băn khoăn của Giuse; vì thế, giờ đây họ phải lưu đày và đi đầu các kẻ lưu đày; những buổi yến tiệc của các kẻ buông tuồng sẽ không còn nữa”.

Đó là lời Chúa.

BÀI ĐỌC II: 1 Tm 6, 11-16

“Con hãy gìn giữ huấn lệnh cho tới ngày Chúa lại đến”.

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi Timôthêu.

Hỡi người của Thiên Chúa, hãy theo đuổi đức công chính, lòng đạo hạnh, đức tin, đức ái, đức nhẫn nại, đức hiền lành. Con hãy chiến đấu trong cuộc chiến đấu chính nghĩa của đức tin. Hãy cố đoạt lấy sự sống đời đời mà con đã được kêu gọi tới và cũng vì đó, con đã mạnh dạn tuyên xưng đức tin trước mặt nhiều nhân chứng. Cha chỉ thị cho con trước mặt Thiên Chúa, Đấng làm cho muôn vật được sống, và trước mặt Đức Giêsu Kitô, Đấng đã làm trước mặt Phongxiô Philatô, lời tuyên xưng thẳng thắn, con hãy giữ gìn huấn lệnh đó cho tinh tuyền và không thể trách được, cho tới ngày Chúa chúng ta là Đức Giêsu Kitô lại đến, mà đến thời đã định, Đấng phúc lộc và quyền năng duy nhất sẽ tỏ ra, Người là Thiên Chúa, Vua các vua và Chúa các chúa, Đấng độc nhất trường sinh bất tử, Người ngự trong ánh sáng siêu phàm, không một ai trong loài người đã xem thấy hay có thể xem thấy: (kính chúc) vinh dự và quyền năng cho Người muôn đời. Amen!

Đó là lời Chúa.

LỜI CHÚA: Lc 16, 19-31

“Ngươi đã được sự lành, còn Ladarô gặp toàn sự khốn khổ”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng những người biệt phái rằng: “Có một nhà phú hộ kia vận toàn gấm vóc, lụa là, ngày ngày yến tiệc linh đình. Lại có một người hành khất tên là Ladarô, nằm bên cổng nhà ông đó, mình đầy ghẻ chốc, ước được những mụn bánh từ bàn ăn rớt xuống để ăn cho đỡ đói, nhưng không ai thèm cho. Những con chó đến liếm ghẻ chốc của người ấy. Nhưng xảy ra là người hành khất đó chết và được các Thiên Thần đem lên nơi lòng Abraham. Còn nhà phú hộ kia cũng chết và được đem chôn. Trong hoả ngục, phải chịu cực hình, nhà phú hộ ngước mắt lên thì thấy đàng xa có Abraham và Ladarô trong lòng Ngài, liền cất tiếng kêu la rằng:

” ‘Lạy Cha Abraham, xin thương xót tôi và sai Ladarô nhúng đầu ngón tay vào nước để làm mát lưỡi tôi, vì tôi phải quằn quại trong ngọn lửa này’. Abraham nói lại: ‘Hỡi con, suốt đời con, con được toàn sự lành, còn Ladarô gặp toàn sự khốn khổ. Vậy bây giờ Ladarô được an ủi ở chốn này, còn con thì chịu khốn khổ. Vả chăng, giữa các ngươi và chúng tôi đây đã có sẵn một vực thẳm, khiến những kẻ muốn từ đây qua đó, không thể qua được, cũng như không thể từ bên đó qua đây được’.

“Người đó lại nói: ‘Đã vậy, tôi nài xin cha sai Ladarô đến nhà cha tôi, vì tôi còn năm người anh em nữa, để ông bảo họ, kẻo họ cũng phải sa vào chốn cực hình này’. Abraham đáp rằng: ‘Chúng đã có Môsê và các tiên tri, chúng hãy nghe các ngài’. Người đó thưa: ‘Không đâu, lạy cha Abraham, nhưng nếu có ai trong cõi chết hiện về với họ, thì ắt họ sẽ hối cải’. Nhưng Abraham bảo người ấy: ‘Nếu chúng không chịu nghe Môsê và các tiên tri, thì cho dù kẻ chết sống lại đi nữa, chúng cũng chẳng chịu nghe đâu’ “.

Đó là lời Chúa.

————–

Suy Niệm 1:                          Linh mục Lu-y Nguyễn Quang Vinh

 

PHÚ HỘ VÀ LADARÔ

 

Giai tầng xã hội giàu và nghèo luôn hiện diện trong bất cứ chế độ xã hội nào, hai hạng người nầy sống kế cận nhau, đối chọi nhau xét về mặt kinh tế.  Họ sống lẫn lộn nhau,  chung đụng nhau, người sống nhà cao tầng chen chân nơi khu ổ chuột là chuyện thường tình.  Xã hội càng bất công, hố sâu giàu nghèo càng cách biệt nhau. Sự bất công xã hội đã bị các tiên tri tố giác.

Lời tố giác của tiên tri Amốt dẫn nhập vào phụng vụ hôm nay, nhà tiên tri thấy chướng tai gai mắt trước cảnh bất công trong xã hội thời bấy giờ, hạng người giàu sang sống trong xa hoa tiệc tùng, bàn ăn đầy cao lương mỹ vị, họ ngồi mát ăn bát vàng không quan tâm gì đến bối cảnh sống của xã hội : “Chúng nằm dài trên giường ngà, ngả ngớn trên trường kỷChúng uống rượu cả bầu, xức dầu thơm hảo hạng nhưng chẳng biết đau lòng trước cảnh nhà Giuse sụp đổ!” (Bài đọc 1. Am 6,1a.4-7). 

Cách sống của trọc phú làm mắt họ tối lại không nhìn thấy điều then chốt của cuộc sống và thảm hoạ sẽ rớt xuống trên họ đó là viễn ảnh lưu đày.  Phụng vụ cảnh giác chúng ta về lối sống dửng dưng, vô tâm, nhắm mắt làm ngơ trước cảnh bần cùng của tha nhân, không quan tâm đến cảnh sống cơ hàn của người anh em láng giềnh.

Nhận định của tiên tri Amốt chuẩn bị chúng ta hiểu rõ dụ ngôn ông nhà giàu trong Tin Mừng Luca, suốt ngày yến tiệc không quan tâm đến Ladarô nghèo khổ nằm ở cổng nhà ông: “Có một ông nhà giàu kia, mặc toàn lụa là gấm vóc, ngày ngày yến tiệc linh đình.  Lại có một người nghèo khó tên là Ladarô, mụn nhọt đầy mình nằm trước cổng ông nhà giàu, thèm được những thứ trên bàn của ông ấy rơi xuống mà ăn cho no” (c.19-20 x.Bài Tin Mừng Lc 16,19-31). 

Một hố sâu cách biệt giữa hai hạng người trọc phú và cùng đinh.  Người giàu có và người nghèo khó mặc dầu sống cận kề nhau nhưng thuộc hai giai tầng xã hội hoàn toàn tách biệt nhau.  Cần phải dùng vật chất để bắc nhịp cầu nối qua tha nhân bằng phân chia của cải thặng dư, làm được như vậy là xây dựng xã hội huynh đệ vừa xây dựng chính bản thân, về sự nầy người ta thường dí dỏm nói : trước làm phúc sau tức bụng, tức tích lũy của cải trên Nước Trời.

Người giàu sống trong an toàn giả hiệu dựa cậy vào quyền thế và sức mạnh vật chất, họ không nhìn thấy, không quan tâm, không cảm thông cảnh khổ của người anh em trước cổng nhà.  Sự cận kề vật lý nhưng xa lạ trong quan hệ đặt sát cạnh nhau, được nhấn mạnh trong Tin Mừng hôm nay, ở đó thiếu hẳn sự cảm thông, ở đó ngự trị một lối sống dửng dưng, một chủ nghĩa mắc-kê-nô (mặc kệ nó), khép kín và ích kỷ. 

Nhận xét nầy làm chúng ta nhớ đến cảnh phán xét cuối cùng trong Tin Mừng Mátthêu chương 25, mà tiêu chí phán quyết chung cuộc căn cứ duy nhất vào việc làm từ thiện cho người nghèo túng, cho dù thí chủ không biết mình làm cho Thiên Chúa, thì vẫn được Thiên Chúa ghi công. 

Như vậy có mối liên hệ nhân quả tự phát từ thâm sâu giữa việc lành phúc đức hôm nay và phần thưởng mai sau, giữa sự dửng dưng hôm nay và sự từ khước ngày mai.  Tin Mừng không nói ông phú hộ kia vi phạm công bằng hay bất công với ai, mà chỉ nói khi chết ông bị luận phạt trong hoả ngục.  Vậy tội của ông  ở chỗ nào ?  Tội của ông nằm ở chỗ dửng dưng đối với người nghèo khổ nằm trước cửa nhà ông.  Tội không quan tâm đến người nghèo chung quanh, không phân chia tài sản dư thừa cho người đói rách, trong khi ông sống trong giàu sang thừa mứa. 

Như thế có sự liên đới trách nhiệm trong sử dụng của cải.  Đây cũng là lý do mà ngày nay các nước giàu có trên thế giới được kêu gọi san sẻ tài nguyên cho các nước đang phát triển.  Từ đó một hệ luận được rút ra : hôm nay đã không nhận ra anh em nơi cửa nhà mình thì ngày mai cũng không được Thiên Chúa nhìn nhận nơi cửa thiên đàng, cho dù thoái thác viện lý là không biết, không thấy Chúa trong cuộc sống.  “Hãy cố gắng trở nên người công chính, đạo đức, giàu lòng tin và lòng mến” đó là lý tưởng “người của Thiên Chúa” mà thánh Phaolô khuyên nhủ đệ tử của mình là Timôthê (x. Bài Đọc 2. 1Tm 6,11-16). 

Người nghèo khó là chính Đức Kitô bị bỏ rơi.  Cũng như hôm qua, hôm nay vẫn còn đó những Ladarô nằm trước cửa nhà, trong thành phố của chúng ta.  Và cũng như thời tiên tri Amốt, vẫn còn đó hạng người giàu có mà tâm hồn vẫn cửa đóng then cài, sống trong tiệc tùng và cô lập trong xa xỉ, không ngó ngàng gì đến đám dân đen lầm than.  Vẫn còn đó những cái bụng trống rỗng thiếu thức ăn khi đêm về, tựa như những kho lẫm cần được lấp đầy mà mối một không gặm nhấm được.  Chính lúc cho đi là lúc nhận lại.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho con biết đánh giá đúng đắn vật chất, có tâm hồn quảng đại, biết cảm thông và biết chia sẻ cho anh em, nhất là trong những hoàn cảnh túng ngặt,“biết cho đi mà không tính toán hơn thiệt”. Amen

——————–

Suy Niệm 2:                          Linh mục Giuse Nguyễn Hữu An

 

Nghìn Trùng Xa Cách

 

Dụ ngôn phú hộ và Ladarô cho thấy có một nghìn trùng xa cách giữa thiên đàng và hoả ngục “giữa chúng ta đây và các con có một vực thẳm lớn…”, mối tương quan giữa cuộc sống đời này và đời sau.

1. Khoảng cách nghìn trùng

Sống ở đời này, phú hộ dư ăn dư mặc, Ladarô nghèo nàn đói lả. Người phú hộ mặc toàn lụa là gấm vóc, Ladarô rách nát tả tơi. Phú hộ nhà cao cửa rộng, Ladarô lê lết bên cổng ăn xin. Phú hộ ngày ngày yến tiệc linh đình, Ladarô không có một chút bánh để ăn. Người sống chốn thiên đàng dương thế, kẻ chịu cảnh hoả ngục trần gian.

Cái chết đến và tất cả đều đảo ngược. Đời sau, Ladarô được đưa lên mây trời, phú hộ bị đày xuống vực thẳm. Ladarô được hưởng phúc thiên đàng, phú hộ phải trầm luân hoả ngục. Có một khoảng cách nghìn trùng giữa hai người mà bên này muốn qua bên kia không được và bên kia muốn qua bên này cũng không thể. Ladarô hạnh phúc trong cung lòng tổ phụ Ápraham. Phú hộ chịu cực hình, nài xin với Ápraham “sai Ladarô nhúng đầu ngón tay vào nước nhỏ trên lưỡi con cho mát vì ở đây bị lửa thiêu đốt”. Khi chết, Ladarô đã tìm được những người bạn hữu : các thiên thần, Ápraham tổ phụ, những người có đức tin. Ngược lại, phú hộ chẳng có bạn bè, chẳng có trạng sư biện hộ cho hoàn cảnh của ông ta : hỏa ngục, chính là nỗi cô đơn. Nhất là ông vĩnh viễn xa lìa Thiên Chúa, vì đã sống xa cách anh em. Ðây là một cực hình khủng khiếp nhất.

Theo cha Nguyễn Tầm Thường: “Dụ ngôn không phải là bài giảng riêng của Chúa về đời sống sau cái chết. Không thể căn cứ vào một “dụ ngôn” để cắt nghĩa thần học về đời sau. Phải đặt dụ ngôn này trong hoàn cảnh trả lời các Pharisiêu về thái độ đối với tiền bạc và quyền lực vô cảm. Giàu có của cuộc sống hôm nay sẽ chấm dứt với mộ chôn. Nhưng cách sử dụng sự giàu có sẽ liên hệ tới họ trong cuộc sống đời sau. Hình ảnh người giàu nhìn thấy Ladarô và xin Ladarô nhỏ nước cho ta thấy liên hệ này rất ý nghĩa. Tại sao dưới âm phủ, người giàu trong dụ ngôn không nhìn thấy người khác, mà là thấy Ladarô? Tại sao không xin chính Ápraham nhỏ nước mà xin Ladarô? Vì nhà giàu có liên hệ với Ladarô lúc còn sống. Ông nhìn thấy Ladarô hàng ngày, sáng, trưa, chiều, tối trước nhà ông. Đó là những liên hệ trực tiếp giữa con người lúc còn sống. Những liên hệ này sẽ kéo tôi mặt giáp mặt trong cuộc sống ngày phán xét. (x.Phúc âm trong dụ ngôn, tập 3, trang 71).

Khoảng cách nơi cuộc sống trần gian sẽ được hoán đổi vị trí sau cái chết. Vậy phải chăng dụ ngôn muốn trình bày vấn nạn : hễ sung túc giàu có ở đời này thì bất hạnh cực hình ở đời sau ? Hôm nay khốn khổ đói nghèo thì mai sau được hạnh phúc sung sướng? Có phải đó là lối an ủi ru ngũ, là thuốc phiện xoa dịu những người nghèo hãy chấp nhận, hãy an phận ? Đời này cùng khốn, rách rưới thì đời sau sẽ hưởng phúc thiên đàng?. Dụ ngôn không nói rõ lý do nào ông nhà giàu phải xuống âm phủ. Phúc Âm không nói lý do nào Ladarô được ở trong lòng tổ phụ Ápraham. Chắc chắn không phải vì giàu mà phải xuống âm phủ. Không phải vì nghèo mà Ladarô được thưởng. Không thể dùng dụ ngôn này để kết án sự giàu có và ca ngợi sự nghèo khó. Phúc Âm đã chẳng nói ai có thì con được cho thêm nữa đó sao (Mt 25,29). Giàu có không phải là tội lỗi và nghèo khổ không là giấy thông hành vào Nước Trời. Trình thuật dụ ngôn rất ăn khớp với toàn bộ tác phẩm, trong đó Luca thường đề cập đến người giàu kẻ nghèo để khuyến cáo hay khích lệ tuỳ trường hợp. Dụ ngôn nằm trong chủ đề của chương 16, giáo huấn về việc sử dụng tiền bạc của cải làm sao để đạt tới ơn cứu độ. Người phú hộ bị luận phạt hoả ngục không phải vì ông ta giàu có mà vì ông đã khép cửa khép lòng, sống dửng dưng, làm ngơ trước nỗi khổ đau của người khác. Cái tội phú hộ mắc phạm là phớt lờ người nghèo, là “mackeno” (mặc kệ nó) trước sự cùng khốn của tha nhân. Phú hộ không la mắng chửi bới, không xua đuổi Ladarô ra khỏi nhà, nhưng điều đáng trách là ông ta không thèm ngó nhìn người ăn xin van lơn. Tội của người phú hộ chính là tội hững hờ. Ở cạnh bên nhau mà không thấy nhau, không biết nhau, không giúp đỡ nhau thì thật là quá vô tình, quá hờ hững. Hoàn cảnh của Ladarô quá khốn khổ, thế mà người phú hộ vẫn hững hờ đến nỗi Ladarô phải chết vì đói đang khi ông ta lại quá dư thừa, thành ra tội hững hờ của người phú hộ trở thành tội nặng làm cho ông ta đáng phạt trong hỏa ngục.

Trong bài đọc 1, Tiên tri Amos với lối nói cay độc chua chát đã tiên báo những sự trừng phạt khủng khiếp dành cho những kẻ giàu có đang hưởng thụ xa hoa mà không biết xót thương người khốn khổ. Của cải vật chất đã trở thành bức tường khép kín, người giàu có sống an toàn mãn nguyện trong không gian riêng mình. Chính họ đã tạo ra khoảng cách vực thẳm xa cách nghìn trùng. Họ không cần Thiên Chúa cũng chẳng cần biết đến tha nhân, khoảng cách đó lớn dần và kéo dài đến đời sau. Vực thẳm ngăn cách con người ở đời sau là do con người đã tạo ra ở đời này. Sau khi chết, không còn có thể thay đổi được số phận nữa. Điều quan trọng là phải thay đổi ngay từ cuộc sống tại thế.

2. Người chết trở về là điều không cần thiết

Trong các dụ ngôn, đây là dụ ngôn rất khác lạ trong lối dùng ngôn ngữ. Đem một nhân vật quan trọng bậc nhất, một tổ phụ vào một dụ ngôn giả tưởng là điều chưa thấy trong các dụ ngôn. Dụ ngôn là dùng hình ảnh biểu tượng, qua đó nhắn gửi một chân lý ở đàng sau. Nhưng ở đây, nhân vật được nói đến là người có thật trong lịch sử, có thật trong tôn giáo Do thái, đó là tổ phụ Ápraham (St 17,4). Nhân vật thứ hai được nói đến là Ladarô. Ladarô cũng là nhân vật lịch sử có thật. Đặc biệt nhân vật này sống cùng thời với Chúa Giêsu. Sự kiện đặc biệt nhất là Ladarô đã chết và Chúa cho sống lại. Chỉ có Phúc Âm Gioan nói đến nhân vật lịch sử này. Luca thì đưa tên gọi Ladarô thành chuyện dụ ngôn.

Ông nhà giàu nói : ‘Lạy tổ phụ, vậy thì con xin tổ phụ sai anh Ladarô đến nhà cha con, vì con hiện còn năm người anh em nữa. Xin sai anh đến cảnh cáo họ, kẻo họ lại cũng sa vào chốn cực hình này!’. Caipha có năm anh em mà bố vợ Caipha là thầy cả Thượng phẩm Annas. Ông nhà giàu trong dụ ngôn có năm anh em. Con số trùng hợp năm người anh em Thượng tế con ông Khanan giàu có ngoài đời. Bóng hình ông nhà giàu trong dụ ngôn ẩn hiện với bóng hình Caipha, là nhân vật có thật ngoài đời: “Caipha là Thượng tế năm ấy nói rằng: thà một người chết thay cho dân còn hơn toàn dân bị tiêu diệt” (Ga 11,50). Từ ngày đó họ tìm cách giết Đức Giêsu (Ga 11,53). Các Thượng tế quyết định giết cả Ladarô nữa, vì tại anh mà nhiều người Do thái bỏ họ và tin vào Đức Giêsu (Ga 12,10-11). Sự cứng lòng của Thượng tế, thấy Đức Kitô cho Ladarô sống lại mà không tin. Số phận của họ được loan báo bằng số phận của ông nhà giàu trong dụ ngôn sau khi chết.

“Ông Ápraham đáp: ‘Chúng đã có Môsê và các Ngôn Sứ, thì chúng cứ nghe lời các vị đó’. Ông nhà giàu nói : ‘Thưa tổ phụ Ápraham, họ không chịu nghe đâu, nhưng nếu có người từ cõi chết đến với họ, thì họ sẽ ăn năn sám hối’.  Ông Ápraham đáp : ‘Môsê và các Ngôn Sứ mà họ còn chẳng chịu nghe, thì người chết có sống lại, họ cũng chẳng chịu tin’”.

Câu trả lời của Ápraham là người chết có về họ cũng chẳng tin nằm trong ý nghĩa của sự kiện lịch sử có thật là chính họ thấy Ladarô sống lại. Ladarô là nhân vật có thật ngoài đời. Sự kiện Ladarô sống lại mà Pharisiêu và các tư tế không chấp nhận là lời cắt nghĩa tại sao người chết về họ cũng không nghe. Ápraham cho việc người chết về là không cần thiết. Vì trong thực tế họ đã thấy Ladarô về từ cõi chết rồi. Họ đã không tin. Tên người nghèo trong dụ ngôn là Ladarô. Trong thực tế có một Ladarô bằng xương bằng thịt đang sống, mọi người chứng kiến phép lạ Chúa cho Ladarô từ cõi chết trở về. Sự kiện này không làm cho Pharisiêu tin Đức Kitô. Trái lại, họ muốn giết Ladarô vì sợ là chứng nhân trở về từ cõi chết. Trong chủ trương giết Ladarô của Thượng tế Khanan và Caipha đưa ta vào câu trả lời của Ápraham: “Người chết có sống lại, họ cũng chẳng chịu tin”; “giữa chúng ta đây và các con đã có một vực thẳm lớn, đến nỗi bên này muốn qua bên các con cũng không được, mà bên đó qua bên chúng ta đây cũng không được”. Trong Phúc Âm chỉ nói đến một Ladarô. Người Chúa cho sống lại từ cõi chết. Dụ ngôn này nói rõ tên nhân vật có thật là Ladarô, để khẳng định lời từ chối của Ápraham, người chết trở về là điều không cần thiết. (sđd trang 76 -77).

3. Hãy sống tình liên đới với tha nhân

Dụ ngôn người nhà giàu và Ladarô mô tả một bức tranh tương phản, một khoảng cách rất gần mà lại rất xa, hai con người với hai cuộc đời, hai hoàn cảnh trái ngược nhau. Từ nhà ông nhà giàu đến chỗ người ăn mày Ladarô chỉ khoảng vài bước, cách nhau chỉ có cái cổng thôi. Khi sống, ông nhà giàu đã không chịu bước vài bước đó, để cảm thương và giúp đỡ cho người hành khất Ladarô luôn nằm chờ đợi. Hậu quả là khi chết rồi, người nhà giàu đó bị ném vào vực sâu hoả ngục, xa cách thiên đàng.Vài bước vô tâm đã đưa tới cực hình vô tận. Đời này và đời sau làm nên hai thứ khoảng cách. Khi còn sống ở trần thế, giữa hai người có một khoảng cách rất gần.Trong thế giới mai sau, khoảng cách giữa hai bên cách xa vời vợi. Hai thứ khoảng cách đó liên hệ mật thiết với nhau. Khoảng cách gần nơi trần thế làm nên nghìn trùng cách xa trong thế giới tương lai.

Ladarô không phải vì nghèo khổ mà được trọng thưởng, được hạnh phúc ngồi trong lòng tổ phụ Ápraham, nhưng vì biết chấp nhận số phận hẩm hiu và đặt niềm cậy trông phó thác nơi Thiên Chúa. Danh xưng Ladarô theo Luca có nghĩa là “Thiên Chúa là Đấng phù trợ tôi”. Người nghèo biết tin tưởng và phó thác, điều đó mới mang lại cho họ ơn phúc làm con tổ phụ Ápraham, cha những kẻ tin.

Dụ ngôn là lời cảnh báo những kẻ chỉ biết tôn thờ vật chất, hưởng thụ trần gian mà quên đi tình Chúa tình người. Dụ ngôn còn là lời kêu gọi ý thức trách nhiệm xây dựng tình liên đới với tha nhân, nhất là người nghèo.

Chúa Giêsu đã dùng tình thương để kết nối khoảng cách giữa trời và đất, giữa Thiên Chúa và con người khi Ngài làm người, một người nghèo giữa những người nghèo. Chúa Giêsu yêu thương người nghèo. Bằng thái độ và lời nói, Chúa đã nâng người cùng khổ và đem lại cho họ niềm hy vọng. Chúa ban cho họ tình yêu. Đỉnh cao nhất là Ngài cho họ chính mạng sống của mình.Ngăn cách giữa người giàu kẻ nghèo, giữa nô lệ và tự do giờ đây không còn nữa, tất cả là anh em của nhau, là con cùng một Cha trên trời. Mọi người được mời gọi sống Tin Mừng, sống liên đới với nhau và với người nghèo.

Lý tưởng Kitô giáo không phải là yêu mến sự khó nghèo mà là yêu thương người nghèo khó. Chúa Giêsu là Đấng giàu có đã trở nên nghèo khó, Ngài luôn yêu thương và sống liên đới với người nghèo. Vì vậy, người môn đi theo Chúa Giêsu chính là để trở nên giống Ngài. Tông huấn Giáo Hội Á Châu dạy rằng : Người đời dễ tin hơn tình liên đới với kẻ nghèo, nếu chính Kitô hữu biết sống giản dị theo gương Chúa Giêsu. Sự đơn sơ trong cách sống đức tin sâu xa và tình yêu không giả vờ đối với mọi người, nhất là người nghèo và bị bỏ rơi, đó là những dấu chỉ Tin mừng trong hành động (số 34). Vẫn còn quá nhiều người nghèo vật chất, nghèo tình thương, nghèo văn hoá. Người Kitô hữu được mời gọi sống quảng đại, liên đới giúp nhau thăng tiến. Hãy mở rộng lòng cho yêu thương trong cuộc sống hàng ngày.Đừng sống hững hờ, cần rèn luyện một trái tim nhạy bén biết cảm thương những cảnh đời bất hạnh, biết quảng đại chia sẻ với những người thiếu thốn.

Lạy Chúa, xin mở mắt mở, mở tai vả mở trái tim con để con thấy, con nghe, con biết sẻ chia niềm vui nỗi buồn, hạnh phúc đau khổ với hết mọi người. Amen.

———————

Suy Niệm 3:                             Linh mục Phêrô Nguyễn Vân Đông

GIÀU CÓ THÌ ĐÂU CÓ TỘI GÌ ?

1. Giàu có thì không có tội. Chỉ có tội khi tham nhũng để làm giàu ; đi ăn cướp để làm giàu. . . Làm ăn lương thiện do mồ hôi lao nhọc mà giàu thì tốt thôi chứ đâu có tội gì ?

Tội của ông phú hộ trong bài Tin Mừng hôm nay là vì ông không chia sẻ , Không chịu giúp đỡ người nghèo là anh Lazaro ngồi ăn xin ngay trước nhà mình.

Chúa nói : “ Cút khỏi mặt ta mà vào lửa đời đời dành sẵn cho các ngươi, vì xưa Ta đói các ngươi đã không cho ăn . . . “ Mọi Kito hữu đều thuộc lòng câu này của Chúa Giêsu !

Thêm nữa là ông nhà giàu còn có có biểu hiện “rửa tiền” : “ Mặc toàn lụa là gấm vóc, ngày ngày yến tiệc linh đình “ (Lc 16,19). Rửa tiền mà không chịu giúp đỡ người nghèo khổ là quá tệ !

Nhiều người bây giờ sống phủ phê, phung phí hết cỡ mà không hề động tâm trước cảnh khổ cực thiếu thốn của người anh em bên cạnh mình thì cũng quá tệ !

Trong Gia Huấn Ca của Nguyễn Trãi (1380-1442) ngày xưa có câu :

“ Thấy người hoạn nạn thì thương,

Thấy người tàn tật lại càng chăm nom”

Trong Dụ Ngôn người Samari nhân hậu, thầy tư tế, thầy Levi là các đấng bậc cao cả trong đạo khi thấy người hoạn nạn thì dông luôn, chỉ có người ngoại đạo là ra sức cứu người . ( Lc 10, 29-37).

2. Công bằng và bác ái.

Công bằng là buộc phải trả lại cho người khác cái của họ, cái thuộc về họ. Nếu không chịu trả thì họ có quyền kiện và pháp luật sẽ xử lý anh.

Bác ái là anh trao tặng cho người khác cái thuộc về anh. Anh làm hay không làm là tuỳ ý anh, pháp luật không can thiệp.

Và đó là luật đời . Xã hội lúc xưa cũng đâu có xử phạt ông phú hộ này. Ông mặc gấm vóc lụa là , yến tiệc linh đình hằng ngày tha hồ ! Không ai có quyền can ngăn.

Còn Chúa Giêsu thì dạy : “ Hãy vào hưởng hạnh phúc ngàn đời dành sẵn cho các ngươi, vì xưa Ta đói các ngươi đã cho ăn. . .”

Luật của Chúa thì có ảnh hưởng đến đời sống đời đời. “Thầy để cho chúng con một điều luật mới là chúng con hãy yêu thương nhau “. Người ta cứ dấu này mà nhận biết chúng con là môn đệ Thầy là chúng con thương yêu nhau. “ ! Thương yêu thì mới được vào thiên đàng. Ngược lại thì không.

Ông phú hộ trong bài dụ ngôn này phải trầm luân chỉ vì không thương giúp người nghèo là anh Lazaro !

3. Chúa không muốn con người sống bần cùng bao giờ.

Có thể người nghèo mang tội với Chúa vì lười biếng, vì phung phí hoang đàng. Đứa con hoang đàng trong Tin Mừng khi cùng đường quay về với gia đình thì đã thốt lên: “ Con đã phạm tội với Trời và với Cha . . .”

Mình biết có những người cha say sưa rượu chè liên tù tì mà không còn tiền mua gạo cho gia đình , không có tiền cho con cái học hành . . . Có tội với Chúa không ? Thưa có.

Chúa Giêsu luôn kêu gọi giúp đỡ người nghèo. Ngài còn bảo người nghèo lúc nào cũng có bên cạnh.

Các loại nghèo : Nghèo tinh thần như đau khổ, cô đơn, bệnh tật. . . Một lời an ủi, một thái độ thông cảm, thăm viếng. Nghèo vật chất như làm ăn thất bại, mất mùa, đói kém . . .Một gói mì, một ký gạo . . . Cách cho quan trọng hơn quà cho.

Giúp người nghèo là tích trữ kho tàng trên trời. Qua câu chuyện người thanh niên giàu có thì Chúa Giêsu cho ta biết như vậy.

4. Qua chuyện người phú hộ và anh Lazaro khi qua thế giới bên kia thì chúng thấy rõ là :

Thiên đàng hỏa ngục hai quê cách biệt. “Bên này muốn qua bên các con cũng không được , mà bên đó muốn qua bên chúng ta cũng không được .” (Lc 16,26).

Mỗi người sống chỉ có một lần. Con đường duy nhất đem cho chúng ta Hạnh Phúc đời đời là con đường mang tên Giêsu.

Chúa Giêsu là Đấng Cứu Độ duy nhất.

Lạy Chúa, xin cho con biết chọn đúng đường. AMEN

WGPKT(23/09/2020) KONTUM