Chúa Nhật XXVIII Thường Niên – Năm C (CN.09.10.2022)

BÀI ĐỌC I: 2 V 5, 14-17

“Naaman trở lại gặp người của Thiên Chúa và ông tuyên xưng Chúa”.

Trích sách Các Vua quyển thứ hai.

Trong những ngày ấy, Naaman, quan lãnh binh của vua xứ Syria, xuống tắm bảy lần ở sông Giođan như lời tiên tri, người của Thiên Chúa dạy, da thịt ông lại trở nên tốt như da thịt của đứa trẻ, và ông được sạch.

Sau đó, ông và đoàn tuỳ tùng trở lại gặp người của Thiên Chúa. Đến nơi, ông đứng trước mặt người của Thiên Chúa và nói: “Thật tôi biết không có Thiên Chúa nào khác trên hoàn vũ, ngoài một Thiên Chúa ở Israel. Vì thế, tôi xin ông nhận lấy phần phúc của tôi tớ ông”.

Tiên tri trả lời rằng: “Có Chúa hằng sống, tôi đang đứng trước mặt Người: Thật tôi không dám nhận đâu”. Naaman cố nài ép, nhưng tiên tri không nghe. Naaman nói thêm rằng: “Tuỳ ý ông, nhưng tôi xin ông ban phép cho tôi, là đầy tớ của ông, được chở một ít đất vừa sức hai con la chở được, vì từ nay ngoài Chúa, tôi tớ của ông sẽ chẳng dâng của lễ toàn thiêu hoặc hy lễ cho thần minh nào khác”.

Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 97, 1. 2-3ab. 3cd-4

BÀI ĐỌC II: 2 Tm 2, 8-13

“Nếu chúng ta kiên tâm chịu đựng, chúng ta sẽ cùng thống trị với Đức Kitô”.

Trích thư thứ hai của Thánh Phaolô Tông đồ gửi Timôthêu.

Con thân mến, con hãy nhớ rằng Chúa Giêsu Kitô bởi dòng dõi Đavít, đã từ cõi chết sống lại, theo như Tin Mừng cha rao giảng. Vì Tin Mừng đó mà cha phải đau khổ đến phải chịu xiềng xích như một kẻ gian ác, nhưng lời của Thiên Chúa đâu có bị xiềng xích! Vì thế, cha cam chịu mọi sự vì những kẻ được tuyển chọn, để họ được hưởng ơn cứu độ cùng với vinh quang trên trời trong Đức Giêsu Kitô.

Đây cha nói thật: Nếu chúng ta cùng chết với Người, thì chúng ta cùng sống với Người. Nếu chúng ta kiên tâm chịu đựng, chúng ta sẽ cùng thống trị với Người. Nếu chúng ta chối bỏ Người, thì Người cũng sẽ chối bỏ chúng ta. Nếu chúng ta không tin Người, Người vẫn trung thành, vì Người không thể chối bỏ chính mình Người.

Đó là lời Chúa.

LỜI CHÚA: Lc 17, 11-19

“Không thấy ai trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi Chúa Giêsu đi lên Giêrusalem, Người đi qua biên giới Samaria và Galilêa. Khi Người vào một làng kia, thì gặp mười người phong cùi đang đứng ở đàng xa, họ cất tiếng thưa rằng: “Lạy Thầy Giêsu, xin thương xót chúng tôi”. Thấy họ, Người bảo họ rằng: “Các ngươi hãy đi trình diện với các tư tế”. Trong lúc họ đi đường, họ được lành sạch. Một người trong bọn họ thấy mình được lành sạch, liền quay trở lại, lớn tiếng ngợi khen Thiên Chúa, rồi đến sấp mình dưới chân Chúa Giêsu và tạ ơn Người, mà người ấy lại là người xứ Samaria.

Nhưng Chúa Giêsu phán rằng: “Chớ thì không phải cả mười người được lành sạch sao? Còn chín người kia đâu? Không thấy ai trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này”. Rồi Người bảo kẻ ấy rằng: “Ngươi hãy đứng dậy mà về: vì lòng tin của ngươi đã cứu chữa ngươi”.

Đó là lời Chúa.

————–

Suy Niệm 1:                          Linh mục Lu-y Nguyễn Quang Vinh

 

TẠ ƠN VÀ CA TỤNG THIÊN CHÚA

 

Thiên Chúa chữ lành là tâm điểm của phụng vụ hôm nay qua Bài đọc 1 (2V 5,14-17) và bài Tin Mừng (Lc 17, 11-19) cả hai đều nói đến việc chữa lành người phong cùi. Tiên tri Êlisa chữa cho ông Naaman, tướng chỉ huy quân đội của vua Aram, xứ Xyria, khi “ông xuống dìm mình bảy lần trong sông Giođan, theo lời tiên tri Êlisa”.  Còn Đức Giêsu chữa nhóm mười người phong cùi trong dân Ítraen bằng cách sai họ “Hãy đi trình diện với các tư tế”. 

Trong cả hai bài trình thuật, các người phong cùi đều được chữa lành và những người đến tạ ơn Chúa đều là những người ngoại quốc: Naaman người Xyria và người Samari ngoại giáo.  Rõ ràng phụng vụ muốn đề cao lòng biết ơn nơi dân ngoại, cũng như tính hoàn vũ của ân huệ Thiên Chúa ban cho những kẻ tin vào Người.  Thiên Chúa là Đấng cứu độ nhân loại, Người không thiên vị ai, Người hành xử theo ý muốn của Người.  Người xử tốt với mọi người.  Tất cả ân huệ đều là nhưng-không từ Thiên Chúa ban  xuống. 

Vào thời tiên tri Êlisa, quan hệ xã hệ giữa Ítraen và Xyria vốn căng thẳng: Naaman là dân ngoại bị coi như là kẻ thù của Ítraen.  Tương tự như thế quan hệ giữa người Samari và người Do thái, Người Do thái khinh miệt người Samari, coi tôn giáo của Samari là không tinh tuyền, theo đa thần giáo.  Hai bên tẩy chay nhau.  Vào thời đó ai mắc bệnh phong thì bị luật pháp khai trừ khỏi xã hội lành mạnh, người mắc bệnh phong bị coi là hạng ô uế, chịu sự trừng phạt của Thiên Chúa.  Họ sống biệt lập tách rời xã hội người khỏe mạnh, làm nên một nhóm nhỏ bị bỏ rơi và bị tẩy chay.

Dân Samari ở miền Trung Ítraen, họ lập đền thờ riêng tại núi Garisim và sinh hoạt tôn giáo tại đó, họ không cần lên đền thờ Giêrusalem để chu toàn các lễ nghi tôn giáo, vì vậy cho nên người Samari khi được chữa lành ông đã không bị ràng buộc  phải lên đền thờ tạ ơn Thiên Chúa.   Cho nên ông diễn tả tình cảm tôn giáo theo cách thức riêng của mình, bằng “phục lạy dưới chân Đức Giêsu” khi gặp được Người.  Qua việc làm nầy ông công bố cho mọi người biết công trình của Thiên Chúa đã thực hiện nơi ông.  Tính bộc phát đó cho thấy người ngoại nầy sống gần với tôn giáo chân thật: cảm kích trước phép lạ và ơn lành mà ông đã lãnh nhận một cách nhưng không, ông liền trở lại tạ ơn Thiên Chúa.  Ông ta hoàn toàn tự do nội tâm khi hành động như thế.  Và sự tự do nầy đề cao giá trị việc ông tự nguyện phục lạy Đức Giêsu.  Phục lạy là tôn sùng, là thờ phượng, đó là cử chỉ mang tính tôn giáo.

Còn ông quan xứ Xyria, khi đứng trước thái độ vô vị lợi của tiên tri Êlia nhất quyết không nhận bất cứ quà tặng nào của quan, quan chức nầy càng ý thức ân huệ cao quý và nhưng-không của Thiên Chúa và tính vô vị lợi của vị Thần đã cứu chữa ông.   Ông tâm phục khẩu phục nhà tiên tri và Thiên Chúa của nhà tiên tri.   Ông đã muốn trở thành môn đệ của Thiên Chúa, muốn trở thành huynh đệ của nhà tiên tri, để tỏ quyết tâm dứt khoát đó, ông xin một bao đất nơi nhà tiên tri đang ở để chở về quê hương. 

Mang một bao đất xứ lạ về quê hương mình ông muốn diễn tả lòng tôn thờ vị thần ngự trị trên đất nầy đã cứu chữa ông, người ta thường quan niệm “đất thì có thổ công, sông thì có hà bá” là những vị thổ thần và thủy thần nơi đó.  Ông quý trọng bao đất thiêng như muốn chọn nơi đó làm quê hương, đặt mình trong mối tương quan thiện hảo với Thổ Thần là Thiên Chúa, và liên kết với những ai sống trên đất nầy.

Cả hai con bệnh phong cùi ngoại giáo đều được chữa lành do lòng tin của họ.  “Đứng dậy mà về đi! Lòng tin của con đã cứu chữa con”.  Suy cho cùng không phải nước sông Giođan xứ Ítraen tốt hơn nước sông xứ Xyria có sức làm phong cùi được lành sạch, nhưng chính là lòng tin vào Thiên Chúa, Người làm cho da thịt nên như da thịt của trẻ thơ.  Việc tắm trong sông Giođan không có tác dụng ma thuật, nhưng là do “Lòng tin của con đã cứu chữa con” . Việc nầy nhắc nhớ đến dòng nước thánh tẩy làm cho tội nhân được trở nên tạo vật mới do lòng tin và do tác động của Chúa Thánh Thần, chứ không phải do sức mạnh ma thuật của nước. 

Dấu chỉ tự nhiên của tạo vật và hiệu năng siêu nhiên của các bí tích luôn được tìm thấy khi cử hành các bí tích.  Dấu chỉ của nước chỉ sự rửa sạch trong bí tích thánh tẩy, lời xá giải nơi tòa giải tội tuyên bố sự tha thứ và ơn bình an.  Dấu chỉ bề ngoài sinh hiệu năng bên trong luôn được đọc thấy nơi các bí tích.

Lạy Chúa Giêsu, bệnh phong cho đến nay vẫn là bệnh hiểm nghèo, con người phải cách ly người thân của mình để chữa trị, tội lỗi được ví như phong cùi, làm con người xa lánh cộng đoàn của mình.  Xin cho con biết chạy đến với Chúa và nói : “Lạy Thầy Giêsu, xin dủ lòng thương chúng tôi” như mười người phong xưa đã kêu lên với Chúa. Amen

—————

Suy Niệm 2:                             Linh mục Phêrô Nguyễn Vân Đông

 

TÔN GIÁO NÀO TỐT NHẤT ?

1. Tại một cuộc hội thảo bàn tròn về “Tôn giáo và tự do”. Trong giờ giải lao, thần học gia nổi tiếng người Brasil là Leonardo Boff hỏi Đức Đạt Lai Lạt Ma, Phật giáo Tây Tạng mà cả thế giới đều biết đến.

– Thưa ngài, tôn giáo nào tốt nhất ? Ngài trả lời :

– Tôn giáo tốt nhất là tôn giáo đưa anh đến gần Đấng Tối Cao nhất; là tôn giáo biến anh thành con người tốt hơn.

Nhà thần học hỏi tiếp :

– Cái gì làm tôi tốt hơn, thưa Ngài ? Được trả lời :

– Tất cả cái gì làm anh biết thương cảm hơn; biết theo lẽ phải hơn; biết từ bỏ hơn; biết dịu dàng hơn; nhân hậu hơn; có trách nhiệm hơn; có đạo đức hơn. Tóm lại, tôn giáo nào biến anh thành như vậy thì đó là tôn giáo tốt nhất.

Chúa Giêsu đã dạy chúng ta như vậy. Không đúng sao ? Và chính Chúa Giêsu đã mặc khải rằng Thiên Chúa là Cha của chúng ta : Cha của Thầy cũng là Cha của anh em. Không gì gần gũi bằng tình cha con.

2. Chúa Giêsu và người Samari “ngoại đạo”.

* Theo các nhà chú giải Kinh Thánh thì 9 người không trở lại là người Do Thái “có đạo” . Rõ ràng là họ bị Chúa Giêsu quở trách: “Còn chín người kia đâu? Sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa” (Lc 17,17-18).

* Chúng ta đều biết chuyện người phụ nữ Samari bên bờ giếng Giacob. Khi đã nhận thấy Chúa Giêsu là một con người “khác thường”, tức thì bỏ vò nước tại chỗ chạy về báo cho dân làng thế này . . . thế này . . .(Giếng cách làng 800 mét). Dân làng người Samari chạy đến gặp Chúa Giêsu, mời Chúa vào làng và ở lại dạy dỗ họ. Họ là người ngoại đạo !

* Dụ Ngôn người Samari nhân hậu là của Chúa Giêsu.

Thầy tư tế, thầy Lêvi hồi đó, coi như linh mục và phó tế bây giờ mà thấy người hoạn nạn thì dông luôn ! Còn người Samari ngoại đạo thì dừng lại cứu người. Chúa Giêsu đưa ra các nhân vật trong chuyện như thế vì Ngài đã thấy trong đời thực là như vậy mà !

Nhờ Dụ Ngôn người Samari ngoại đạo mà có lòng tốt này chúng ta thấy rằng: Làm việc tốt thì phải tốn tiền, giao tiền cho chủ quán ; tốn giờ vì dừng lại để săn sóc; tốn sức phải đi bộ để lừa mình cho người hoạn nạn ngồi ; rồi phải liều mạng vì nơi đó kẻ cướp hay lảng vảng làm ăn.

Cả 3 người với những việc tốt họ làm đều là người ngoại đạo cả.

3. Vậy thì :

* Đạo này hay đạo kia mà không làm việc tốt là chưa tốt.

* Làm tới chức “tư tế” mà không có tình thương thì đâu có giá trị gì trước cái nhìn của Chúa ?

* Kẻ “ngoại đạo” mà hy sinh làm việc tốt thì Chúa luôn ghi nhận.

* Quyền cao chức lớn mà gây đau thương chết chóc cho đồng loại thì đâu có trốn được bàn tay công thẳng của Đấng Thiêng Liêng ?

4. “Lòng tin của người ngoại đạo” !

Câu cuối cùng trong bài Tin Mừng hôm nay là Chúa Giêsu nói với người Samari ngoại đạo như thế này: “ Đứng dậy về đi, LÒNG TIN của anh đã cứu chữa anh.” (Lc 17,19).

Mình được nghe kể lại có nhiều người “ngoại đạo” được nhiều ơn lành nơi Đức Mẹ Măng Đen. Người ta hay nói : Đến cùng Đức Mẹ Tàpao, hay đến cùng Đức Mẹ Măng Đen, vững lòng trông cậy, lẽ nào về không ? Lòng “Trông Cậy” phải chăng là lòng tin ?

5. Vậy cho nên:

* Có người có “đạo” mà không có lòng tin.

* Có người “ngoại đạo” mà tin có “Chúa ngự trên cao” !

* Còn những người “vô thần” tuyên bố không có Thiên Chúa gì ráo trọi.

Tư tưởng hướng dẫn hành động. Hễ gieo cái gì thì gặt cái đó. Và đó là quy luật.

Cúi xin Chúa sáng soi cho chúng con được biết việc phải làm. Amen

WGPKT(07/10/2022) KONTUM