Chúa Nhật XXXIV Thường Niên – Năm C (CN 20.11.2022) – Đức Giêsu Kitô Vua Vũ Trụ

ĐỨC GIÊSU KITÔ VUA VŨ TRỤ

Bài đọc 1: 2 Sm 5,1-3

Họ xức dầu tấn phong Đa-vít làm vua Ít-ra-en.

Bài trích sách Sa-mu-en quyển thứ hai.

Hồi đó, toàn thể các chi tộc Ít-ra-en đến gặp vua Đa-vít tại Khép-rôn và thưa : “Chúng tôi đây là cốt nhục của ngài. Ngay cả trước kia, khi ông Sa-un làm vua cai trị chúng tôi, chính ngài đã chỉ huy các cuộc hành quân của Ít-ra-en. Đức Chúa đã phán với ngài : ‘Chính ngươi sẽ chăn dắt Ít-ra-en, dân Ta, chính ngươi sẽ là người lãnh đạo Ít-ra-en’.” Toàn thể kỳ mục Ít-ra-en đến gặp vua tại Khép-rôn. Vua Đa-vít lập giao ước với họ tại Khép-rôn, trước nhan Đức Chúa. Rồi họ xức dầu tấn phong Đa-vít làm vua Ít-ra-en.

Đáp ca: Tv 121,1-2.4-5 (Đ. x. c.1)

Đ.Ta vui mừng trẩy lên đền thánh Chúa.

Vui dường nào khi thiên hạ bảo tôi :
“Ta cùng trẩy lên đền thánh Chúa !”
Và giờ đây, Giê-ru-sa-lem hỡi, cửa nội thành, ta đã dừng chân.

Đ.Ta vui mừng trẩy lên đền thánh Chúa.

Từng chi tộc, chi tộc của Chúa,
trẩy hội lên đền ở nơi đây,
để danh Chúa, họ cùng xưng tụng,
như lệnh đã truyền cho Ít-ra-en. Cũng nơi đó, đặt ngai xét xử,
ngai vàng của vương triều Đa-vít.

Đ.Ta vui mừng trẩy lên đền thánh Chúa.

Bài đọc 2: Cl 1,12-20

Chúa Cha đã đưa chúng ta vào vương quốc Thánh Tử chí ái.

Bài trích thư của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Cô-lô-xê.

Thưa anh em, anh em hãy vui mừng cảm tạ Chúa Cha, đã làm cho anh em trở nên xứng đáng chung hưởng phần gia nghiệp của dân thánh trong cõi đầy ánh sáng.

Người đã giải thoát chúng ta khỏi quyền lực tối tăm, và đưa vào vương quốc Thánh Tử chí ái ; trong Thánh Tử, ta được ơn cứu chuộc, được thứ tha tội lỗi.

Thánh Tử là hình ảnh Thiên Chúa vô hình,
là trưởng tử sinh ra trước mọi loài thọ tạo,
vì trong Người, muôn vật được tạo thành
trên trời cùng dưới đất,
hữu hình với vô hình.
Dẫu là hàng dũng lực thần thiêng
hay là bậc quyền năng thượng giới,
tất cả đều do Thiên Chúa tạo dựng
nhờ Người và cho Người.
Người có trước muôn loài muôn vật,
tất cả đều tồn tại trong Người.
Người cũng là đầu của thân thể,
nghĩa là đầu của Hội Thánh ;
Người là khởi nguyên,
là trưởng tử
trong số những người từ cõi chết sống lại,
để trong mọi sự Người đứng hàng đầu.
Vì Thiên Chúa đã muốn
làm cho tất cả sự viên mãn
hiện diện ở nơi Người,
cũng như muốn nhờ Người
mà làm cho muôn vật
được hoà giải với mình.
Nhờ máu Người đổ ra trên thập giá,
Thiên Chúa đã đem lại bình an
cho mọi loài dưới đất
và muôn vật trên trời.

 

Tin Mừng: Lc 23,35-43

Khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi !

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.

 Khi ấy, Đức Giê-su bị đóng đinh trên thập giá, dân chúng thì đứng nhìn, còn các thủ lãnh thì buông lời cười nhạo : “Hắn đã cứu người khác, thì cứu lấy mình đi, nếu thật hắn là Đấng Ki-tô của Thiên Chúa, là người được tuyển chọn !” Lính tráng cũng chế giễu Người. Chúng lại gần, đưa giấm cho Người uống và nói : “Nếu ông là vua dân Do-thái thì cứu lấy mình đi !” Phía trên đầu Người, có bản án viết : “Đây là vua người Do-thái.”

Một trong hai tên gian phi bị treo trên thập giá cũng nhục mạ Người : “Ông không phải là Đấng Ki-tô sao ? Hãy tự cứu mình đi, và cứu cả chúng tôi với !” Nhưng tên kia mắng nó : “Mày đang chịu chung một hình phạt, vậy mà cả Thiên Chúa, mày cũng không biết sợ ! Chúng ta chịu như thế này là đích đáng, vì xứng với việc đã làm. Chứ ông này đâu có làm điều gì trái !” Rồi anh ta thưa với Đức Giê-su : “Ông Giê-su ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi !” Và Người nói với anh ta : “Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng.”

————————————

SUY NIỆM 1: Lm Phêrô Nguyễn Vân Đông

VUA TÌNH YÊU – VUA QUYỀN LỰC

1. Vua quyền lực :

Trên thế giới xưa nay, không có nước nào mà lại không có vua. Các bộ lạc, các bộ tộc sống trong rừng trong núi cũng có tộc trưởng, có tù trưởng để cái trị thần dân của mình.

Nhìn chung ai cũng thích làm lớn, làm vua, làm chúa để mọi người cung phụng mình. Thời phong kiến xưa đã thế thời dân chủ bây giờ cũng không kém gì. Cứ xem người ta tranh nhau làm tổng thống thì biết thôi. Người ta có thể dùng những danh từ rất mỹ miều để kiếm phiếu, để ở ngôi vị cao nhất suốt đời, có khi họ còn dùng những thủ đoạn rất độc ác để củng cố ngai vàng của mình. Các tay độc tài toàn trị có người đã giết chết hàng triệu, hàng nhiều chục triệu người, để giữ quyền lực của mình. Rồi tượng đài của họ được dựng khắp nơi, nhưng tới khi bị thất thế, người khác lại kéo sụp đổ hết ! Đọc lịch sử các nước trên thế giới, bên Đông,bên Tây, đều như thế cả !

2. Vua Tình Yêu.

Chúa Giêsu là Vua Tình Yêu.

– Vị Vua này rất đặc biệt. Ngài là Con Thiên Chúa: Lạy CHA chúng con ở trên trời . . . Ngài phải “bị” sinh nơi chuồng súc vật vì không có tiền mướn nhà trọ, Ngài đã từng tự thú là của cải mình còn thua con chồn, con chim: con chồn có hang, chim trời có tổ, Con Người không có hòn đá kê đầu. Ngài đã bị đồ đệ của mình bán rẻ vì ham tiền.

– Vị Vua này hay đứng chung hàng với thần dân tội lỗi của mình chỉ vì muốn cứu họ khỏi chốn lầm than !

– Vị Vua này có cái bệnh “mãn tính” là bệnh Chạnh Lòng. Thấy ai đau khổ là ra tay, thấy ai đói khác là ra tay . . . Mình dám thách là các ông vua trên thế gian xưa nay, không vua nào làm được như vậy bao giờ.

– Vị Vua này không có ngai vàng, không có vương miện ! Ngai của Ngài là cây gỗ thập giá, vương miện của Ngài là mão gai !

– Vị Vua này đã tình nguyện chết cho thần dân mình được sống. Chết rất nhục nhã, ngang hàng với những tên tội phạm tày đình.

– Vị Vua này đã SỐNG LẠI từ cõi chết. Quan trọng nhất là điều này. Thánh Phaolo nói : Nếu Đức Kito mà không sống lại thì đức tin của chúng ta là vô lý.

3. Chúa Giêsu sống trên trái đất này được 33 năm thôi. Thời gian rao giảng một Giáo Lý hoàn toàn mới là không đẩy 3 năm !

Theo một bảng thống kê mình đọc được mới đây : Cứ 100 người hiện nay thì có 33 người tin vào Chúa Giêsu. Dân số trên thế giới đã là 8 tỷ người. Hàng năm có tới 78 triệu ấn bản in Lời giảng dạy của Ngài. Từ khi Ngài sống lại cho tới nay có cả 5 triệu đầu sách viết về Ngài, hoan hô cũng có, đả đảo cũng có !

Cái lạ là có hàng nhiều triệu người khắp mọi nơi trên thế giới đã chấp nhận chết vì Danh Giêsu ! Có hàng nhiều triệu người khắp nơi đã lên đường tiếp tục phổ biến tư tưởng của Giêsu bất chấp hiểm nguy chết chóc.

4. Lời nhắn nhủ cuối cùng như một di chúc trước khi chết của Chúa Giêsu : “Người ta cứ dấu này mà nhận biết chúng con là môn đệ Thầy là chúng con thương yêu nhau.”

(Ga 13,34).

Chúa Giêsu là Vua Tình Yêu là như vậy đó.

5. Hãy bỏ phiếu để chọn Minh Quân

Con người có trí khôn nên mới biết lựa chọn. Có nhiều người đành bỏ quê hương ra đi vì chọn cái tốt hơn cho đời mình. Có nhiều người tốn kém cho con đi học nước ngoài có khi nước đó là thù địch với nước mình cũng vì muốn cái tốt cho con mình.

Sao ta không chọn Giêsu cho mình, cho người thân, cho quê hương dân tộc mình ?

Giêsu luôn vẫy tay mời gọi mọi người, không phân biệt giàu nghèo, sang hèn hay màu da sắc tộc . . .

Giêsu yêu thương tất cả.

Giêsu Vua vũ trụ.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho con thấy được rằng Chúa yêu thương con và muốn con được ơn Ngài cứu độ.

AMEN

——————————-

SUY NIỆM 2: Lm Lu-y Gonzaga Nguyễn Quang Vinh

LỄ CHÚA KITÔ VUA VŨ TRỤ
KHAI TRƯƠNG TRIỀU ĐẠI MỚI

 

Lễ Chúa Kitô Vua Vũ Trụ minh chứng sự hoàn tất Kinh thánh! Một khoảng cách chừng 900 năm giữa sách Samuen và sách Tin Mừng Luca, cho chúng ta thấy hai cuộc phong vương: một của vua Đavít tại Khép-rôn, được xức dầu làm vua Ítraen (Bài đọc 1. 2Sm 5,1-3) và một của Đức Giêsu thành Nadarét thuộc dòng tộc Đavít, được thực hiện ở Núi Sọ xảy ra quanh Thập giá, một cuộc lên ngôi vô tiền khoáng hậu, mang tính ứng biến của Vị Tân Vương đầu đội mũ gai (Lc 23, 35-43). 

Đức Giêsu được phong vương như một cuộc lên ngôi được nhại theo cách thức của triều đình mà những yếu tố chính yếu vẫn được giữ lại làm nền tảng: trên đầu tử tội có ghi rõ rệt phẩm hàm danh phận vị tân vương: Giêsu Vua Dân Do Thái (INRI).  Việc lên ngôi theo luật Môsê được thực hiện giữa hai nhân chứng.  Thật diễu cợt! đó là hai tên vô lại trộm cướp.  Cuối cùng sự chế nhạo diễu cợt của dân chúng gây cớ vấp phạm như thay thế cho những tràng pháo tay cổ vũ tân vương khi lên ngôi.

Tân vương bị cột chặt bất động vào thập giá.  Còn dân chúng, các thủ lãnh, và binh lính được dịp phun ra những lời thô tục chửi rủa và ném vào mặt vị tân vương, những lời thách thức: “Hắn đã cứu người khác, thì cứu lấy mình đi, nếu thật hắn là Đấng Kitô của Thiên Chúa”.  “Nếu ông là vua dân Do thái thì cứu lấy mình đi”.  Không trả lời những thách thức đó, Đức Giêsu cũng không tìm cách để giải thoát mình.  Trong tâm tình khiêm hạ và chấp nhận tự hiến làm của lễ dâng tiến Cha, Đức Giêsu rút lui vào bóng tối một thời gian, như hạt lúa mì chấp nhận thối nát để sinh nhiều bông hạt.  Người đang vượt qua để cứu chuộc, để khai trương một triều đại mới. 

Chết là cái giá phải trả để đổi lấy ơn cứu chuộc.  Đức Giêsu âm thầm chấp nhận đi đến cùng vì yêu thương, trở nên đuốc sáng soi chiếu vương quốc mà Người mới khai sinh.  Tân vương không lập vương triều thống trị kiểu Xêda quyền lực và độc tài, nhưng là lắng nghe và cảm thông như đã lắng nghe và cảm thông đối người tử tội cùng chịu khổ hình: “Xin hãy nhớ đến tôi, khi ông vào Nước của ông”.  Người trộm lành chấp nhận đức tin, ông trở nên người tín hữu, nhà thần học mà không hay biết điều mình làm.  Tức thì ông nhận được bảo chứng: “Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng”. 

Đức Giêsu đã khai ân cho người trộm lành, Người khai trương vương quốc của Người, không phải vương quốc trần gian, nhưng trong một trật tự siêu nhiên.  Lời khai ân nầy không phải chỉ có giá trị cho hôm qua mà thôi, nhưng lời cứu độ đó rất có giá trị thời sự cho hôm nay và mãi cho đến khi Người lại đến lần thứ hai trong thế gian.   Tất cả mọi người đều được mời gọi nhìn lên Thập giá Đức Giêsu để đón nhận hồng ân cứu chuộc, nơi đó đặt ngai của Người.  Người lên ngôi chính khi Người bị treo cao trên thập giá, nơi mà không một vị vua nào ở trần gian đã nghĩ ra.

Giáo Hội mang sứ mệnh của Đức Giêsu đến khắp mọi nơi trên thế giới, Giáo Hội cắm Thập giá Đức Giêsu vào những miền xa xăm hẻo lánh nhất, mời gọi con người làm thần dân của Thập giá Đức Giêsu, suy tôn Chúa làm vua, mà ách thì êm ái và gánh thì nhẹ nhàng.  Từ cạnh sườn Đức Giêsu, Giáo Hội được khai sinh như một Dân Mới có sứ mệnh chuyển thông cho muôn dân ơn cứu độ được chính Đức Giêsu thiết lập trên Thập giá. 

Thánh Phaolô khẳng định chân lý cứu độ đó thế nầy: “Người giải thoát chúng ta khỏi quyền lực tối tăm, và đưa vào vương quốc Thánh Tử chí ái; trong Thánh Tử chúng ta được cứu chuộc, được thứ tha tội lỗi” (Bài đọc 2. Cl 1, 12-20).  Cho nên việc đem ơn cứu độ đến cho muôn dân là bản chất của Giáo hội, công đồng Vaticanô II định nghĩa như thế.  Bản chất truyền giáo đó được tiếp tục cách cụ thể vào năm 2019 qua sứ điệp “Được Rửa Tội và Được Sai Đi” của Đức Giáo Hoàng Phanxicô ban hành dịp kỷ niệm 100 năm Tông thư “Maximum illud” (1919) của Đức Thánh Cha Bênêdictô XV dạy về việc Truyền giáo và tinh thần truyền giáo cũng như đào tạo hàng linh mục, tu sĩ, giáo dân truyền giáo. 

Người thừa sai ra đi có khi rất âm thầm, không tống tiễn, không tiệc tùng chào đón, tựa như sự lên ngôi thập giá của Vua Kitô.  Nhà thừa sai đến đâu là khai trương triều đại mới đến đó, triều đại của tình yêu, qua việc làm như xây dựng cơ sở vật chất và phát triển các dân tộc về văn hóa và tôn giáo, đến nỗi mà thánh Giáo hoàng Phaolô đệ VI nói “Phát triển là tên gọi mới của Truyền giáo” (Thông điệp, Phát Triển các dân tộc, Pupolorum Progressio 1967).

Lạy Chúa Giêsu Kitô Vua Vũ Trụ, chúng con thờ lạy và tôn vinh Chúa vì Chúa đã đổ máu châu báu mình ra mà chuộc tội chúng con.  Xin cho con biết yêu mến và thi hành trọn vẹn thập giá là bổn phận của mình  hằng ngày. Amen

WGPKT(19/11/2022) KONTUM