Người Phú Hộ Và Ông Ladarô(29.9.2019 – Chúa Nhật 26 TN, Năm C)

Ngôn sứ Amốt sống thế kỷ thứ 8 trước Đức Kitô, ônglà ngôn sứ của đức công bằng, ôngtố cáo bất công xã hội và tố giác tôn giáo bề ngoài, dẫn nhập vào phụng vụ hôm nay, nhà tiên tri cho thấy cảnh chướng tai gai mắt, sự bất công trong xã hội thời bấy giờ, hạng người giàu sang sống trong xa hoa tiệc tùng, bàn ăn đầy cao lương mỹ vị, họ không quan tâm gì đến bối cảnh xã hội đang sống: “Chúng nằm dài trên giường ngà, ngả ngớn trên trường kỷ … Chúng uống rượu cả bầu, xức dầu thơm hảo hạng nhưng chẳng biết đau lòng trước cảnh nhà Giuse sụp đổ!” (Bài đọc 1. Am 6,1a.4-7). 

Cách sống sang chảnh làm người giàumù mắt không nhìn thấy điều then chốt của cuộc hiện sinh, và không nhìn thấy thảm hoạ sẽ rớt xuống trên đầu họ, đó là viễn ảnh lưu đày.  Phụng vụ cảnh giác chúng ta về lối sống dửng dưng và vô tâm, nhắm mắt làm ngơ trước cảnh bần cùng của tha nhân, không quan tâm đến hoàn cảnh sống của người anh em láng giềnh cơ cực.

Nhận định của tiên tri Amốt chuẩn bị chúng ta hiểu rõ dụ ngôn ông nhà giàu trong Tin Mừng Luca, suốt ngày yến tiệc không quan tâm đến Ladarô nghèo khổ nằm ở cổng nhà ông: “Có một ông nhà giàu kia, mặc toàn lụa là gấm vóc, ngày ngày yến tiệc linh đình.  Lại có một người nghèo khó tên là Ladarô, mụn nhọt đầy mình nằm trước cổng ông nhà giàu, thèm được những thứ trên bàn của ông ấy rơi xuống mà ăn cho no” (Bài Tin Mừng. Lc 16,19-31).  Một hố sâu cách biệt giữa hai hạng người trọc phú và cùng đinh.  Người giàu và người nghèo mặc dầu sống cận kề nhau nhưng thuộc hai thế giới hoàn toàn khác biệt nhau.  Điều làm chúng ta suy nghĩ, người nghèo mạt rệp lại có danh tánh là Ladarô, còn người đại phú thì không, cho hiểu thêm rằng dường như người nghèo tự họ có giá trị trước mặt Thiên Chúa và người phú hộ thì không.

Người giàu sống trong an toàn giả hiệu dựa cậy vào quyền thế và sức mạnh vật chất, không nhìn thấy, không quan tâm, không cảm thông cảnh khổ của người anh em trước cổng nhà.  Sự cận kề về không gian và sự xa lạ tâm lý đặt sát cạnh nhau, được nhấn mạnh trong Tin Mừng hôm nay, ở nơi đó thiếu hẳn sự cảm thông, ở đó ngự trị một lối sống dửng dưng, một chủ nghĩa mắc-kê-nô (mặc kệ nó), khép kín và tự kỷ.  Nhận xét nầy làm chúng ta nhớ đến cảnh phán xét cuối cùng trong Tin Mừng Mátthêu chương 25, mà tiêu chí phán quyết chung cuộc thưởng hay phạt căn cứ duy nhất vào việc làm từ thiện cho người nghèo, cho dù thí chủ không biết mình làm cho Thiên Chúa, thì vẫn được Thiên Chúa ghi công, hạng người nầy được gọi là Kitô hữu vô danh, tức làm theo ý Đức Kitô mà không biết rõ Đức Kitô là ai.

Như vậy từ thâm sâu có mối liên hệ nhân quả tự động giữa việc làm phúc đức hôm nay và phần thưởng mai sau, giữa sự dửng dưng hôm nay và sự từ khước ngày mai.  Tin Mừng không nói ông phú hộ kia vi phạm công bằng hay bất công với ai, mà chỉ nói khi chết ông bị luận phạt trong hoả ngục.  Vậy tội của ông  ở chỗ nào ?  Tội của ông nằm ở chỗ dửng dưng đối với người nghèo khổ nằm trước cửa nhà ông.  Tội không quan tâm đến người nghèo chung quanh, không phân chia tài sản dư thừa cho người đói rách, trong khi ông sống trong giàu sang thừa mứa. 

Như thế chúng ta thấy có sự liên đới trách nhiệm trong sử dụng của cải.  Đây cũng là lý do mà ngày nay các nước giàu có trên thế giới được kêu gọi san sẻ tài nguyên cho các nước nghèo.  Từ đó một hệ luận được rút ra : hôm nay đã không nhận ra anh em nơi cửa nhà mình thì ngày mai cũng không được Thiên Chúa nhìn nhận nơi cửa thiên đàng, cho dù có thoái thác là không biết, không thấy Chúa trong cuộc sống.  “Hãy cố gắng trở nên người công chính, đạo đức, giàu lòng tin và lòng mến” đó là lý tưởng “người của Thiên Chúa” mà thánh Phaolô khuyên nhủ đệ tử của mình là Timôthê (Bài Đọc 2. 1Tm 6,11-16). 

Người nghèo khó là chínhĐức Kitô bị bỏ rơi.  Cũng như hôm qua, hôm nay vẫn còn có những Ladarô nằm trước cửa nhà, trong thành phố của chúng ta.  Và cũng như thời tiên tri Amốt, vẫn còn đó hạng người giàu có mà tâm hồn vẫn cửa đóng then cài, sống trong tiệc tùng và cô lập trong xa xỉ, không ngó ngàng gì đến đám dân đen lầm than.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho con biết đánh giá đúng đắn vật chất, có tâm hồn quảng đại, biết cảm thông và biết chia sẻ cho anh em, nhất là trong những hoàn cảnh túng ngặt, “biết cho đi mà không tính toán hơn thiệt”. Amen

Louis Nguyễn Quang Vinh
Lm Kontum, Đức An