Người Samari Nhân Hậu (14.7.2019 – Chúa Nhật 15 TN, Năm C)

Người Samari nhân hậu là chủ đề Chúa nhật hôm nay.  Lời Chúa soi sáng buổi cử hành phụng vụ và mặc cho nó tính phong phú và sâu rộng, dĩ nhiên đừng coi đây là bài học thuần túy luân lý (là môn học dạy làm điều thiện, tránh việc ác).  Câu chuyện người thông luật hỏi Đức Giêsu làm thế nào để có sự sống đời đời.  Người đã bắt ông trả bài về điều luật dạy, người thông luật trích dẫn sách Đệ Nhị Luật 6,4: “Ngươi phải yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực và hết trí khôn ngươi”, và ông đọc tiếp sách Lêvi 19,18: “và yêu người thân cận như chính mình”.  Đức Giêsu khen lời trích dẫn của ông phù hợp với giáo huấn của Chúa và khuyên ông thực hành như vậy.

 “Nhưng ai là người thân cận của tôi?” (x. Bài Tin Mừng Lc 10,25-37). Nhà thông luật vặn lại.

Nhà thông luật muốn đi vào thực tế hơn là lý thuyết trong sách vở.  Chúng ta biết rằng vào thời đó có nhiều chủ trương luân lý khác nhau được các tiến sĩ luật đề ra về vấn đề luật nào quan trọng nhất, người thì cho rằng tôn thờ Thiên Chúa là điều quan trọng nhất, tức là theo độc thần giáo, chỉ thờ một mình Thiên Chúa mà thôi; người thì cho rằng luật yêu thương là quan trọng nhất.  Đức Giêsu là người Đông Phương, Người trả lời bằng một dụ ngôn đầy hình ảnh hơn là lý giải theo não trạng Tây Phương, một lối suy luận dựa vào luận lý và có khuynh hướng chẻ sợi tóc làm bốn rất duy lý.  Tố chất người Đông Phương là huyền bí, do đó  Đức Giêsu giải mã thắc mắc về điều luật nào quan trọng nhất như sau.

Trình thuật sự việc xảy ra trên con đường dài 25 cây số quanh co từ Giêrusalem đến Giêrikhô, về địa hình thì kinh thành Giêrusalem cao hơn Giêrikhô chừng 1.000 mét, và  một cuộc phục kích của bọn đạo tặc đã xảy ra, cướp đi tài sản sau khi đã đánh thừa sống thiếu chết một khách bộ hành.  Người lâm nạn bị bỏ lại bên vệ đường. 

Xuất hiện ba nhân vật lần lượt đi ngang qua hiện trường nầy, thầy tư tế, thầy Lêvi và người Samari, cả ba bất ngờ gặp người bị nạn.  Trước tiên đi ngang qua đó là thầy tư tế và thầy Lêvi, họ đại diện cho hàng lãnh đạo Do thái, cả hai vội tránh sang bên kia đường và nhanh chân tiến bước không ngoái cổ lại, có lẽ các thầy nhớ điều khoản nầy trong sách Dân số 19,11-13.16 : cấm không được đụng vào xác chết, ai đụng vào thì mắc ô uế trong 7 ngày, như thế sẽ không dâng lễ tế được.  Tuy nhiên các thầy chóng quên câu nói của tiên tri Hôsê 6, 6: “Ta muốn lòng nhân từ, chứ không muốn hy lễ”.  

Sau cùng là người Samari, kẻ bị coi là lạc giáo, đạo ba rọi, tương phản với hai vị thầy đáng kính của đền thờ, ông nhận thấy hiện trường có người lâm nạn, ông động lòng trắc ẩn, xuống lừa ra tay cứu giúp, băng bó, xoa bóp và đem đến quán trọ và trả tiền thuốc men. 

Lãnh địa Samari nằm ở miền trung nước Do thái, xứ nầy đã bị xâm chiếm và cai trị bởi nhiều sắc dân khác nhau, cho nên tôn giáo của miền trung Samari ngã theo đa thần giáo so với tôn giáo tinh ròng của người Do thái, từ đó sinh ra sự kỳ thị giữa người Do thái và người Samari, họ bị người Do thái khinh bỉ vì theo đạo hỗn tạp.

Kể xong câu chuyện, Đức Giêsu  hỏi ý kiến : “Ai đã tỏ ra là người thân cận với người đã bị rơi vào tay kẻ cướp?”  Chúng ta nhận thấy Đức Giêsu đảo ngược câu hỏi của nhà thông luật, thay vì trả lời câu hỏi “Ai là người thân cận”,  thì Người lại hỏi “Ai đã tỏ ra thân cận với người gặp nạn ?”   Cách đặt vấn đề như tích cực chất vấn người đặt câu hỏi.  Thật ra câu hỏi “Ai là người thân cận” không quan trọng bằng câu hỏi ‘tôi đã tỏ ra thân cận với ai’.  Nhận ra người thân cận không quan trọng bằng tỏ ra thân cận với tha nhân bằng lời nói, bằng việc làm, bằng cảm thông, đó chính là thái độ thực hành tôn giáo, sống tình huynh đệ đối với tha nhân.

Tỏ ra thân cận giả thiết có sự cảm thông, am hiểu hoàn cảnh và quảng đại hy sinh thời giờ, tiền bạc, giúp đỡ người lâm nạn, bằng lòng liên lụy với họ, đó là sống bác ái bằng hành động.  Bài học rút được từ dụ ngôn nầy là có khi người công giáo tự hào quá đáng về tư cách Kitô hữu của mình mà quên đi tỏ ra thân cận với tha nhân, quên sống bác ái với người gặp nạn. Thi hành bác ái không miễn chuẩn cho bất cứ ai  trong Giáo Hội.Lạy Chúa Giêsu, xin dạy con có tâm hồn nhạy cảm, biết cảm thông và ra tay giúp đỡ tha nhân, đó là dấu chỉ thân cận mà Chúa đòi hỏi; xin cho con đừng chỉ ngồi mong đợi người khác tỏ ra thân cận với minh trái lại tích cực tỏ ra thân cận với tha nhân. Amen

Q Vinh Lm Đức An