11.02.2024 – Mồng 2 Tết – Kính Nhớ Tổ Tiên, Ông Bà Cha Mẹ – Hãy Thảo Kính Cha Mẹ

TẾT NGUYÊN ĐÁN – NĂM GIÁP THÌN

Mồng Hai : Kính nhớ Tổ Tiên và Ông Bà Cha Mẹ

Bài đọc 1: Hc 44,1.10-15

Chúng ta hãy ca tụng các bậc cha ông của chúng ta đã sống qua các thời đại.

Bài trích sách Huấn ca.

1Giờ đây, chúng ta hãy ca ngợi những vị danh nhân,
cũng là cha ông của chúng ta qua các thế hệ.
10Các ngài là những vị đạo hạnh,
công đức của các ngài không chìm vào quên lãng.
11Dòng dõi các ngài luôn được hưởng một gia tài quý báu
đó là lũ cháu đàn con.
12Dòng dõi các ngài giữ vững các điều giao ước ;
nhờ các ngài, con cháu cũng một mực trung thành.
13Dòng dõi các ngài sẽ muôn đời tồn tại,
vinh quang các ngài sẽ chẳng phai mờ.
14Các ngài được mồ yên mả đẹp
và danh thơm mãi lưu truyền hậu thế.
15Dân dân sẽ kể lại đức khôn ngoan của các ngài
và cộng đoàn vang tiếng ngợi khen.

Đáp ca: Tv 127,1-2.3.4-5a.5b-6 (Đ. c.1)

Đ.Hạnh phúc thay bạn nào kính sợ Chúa,
ăn ở theo đường lối của Người.

1Hạnh phúc thay bạn nào kính sợ Chúa,
ăn ở theo đường lối của Người.2Công khó tay bạn làm, bạn được an hưởng,
bạn quả là lắm phúc nhiều may.

Đ.Hạnh phúc thay bạn nào kính sợ Chúa,
ăn ở theo đường lối của Người.

3Hiền thê bạn trong cửa trong nhà
khác nào cây nho đầy hoa trái,
và bầy con tựa những cây ô-liu mơn mởn,
xúm xít tại bàn ăn.

Đ.Hạnh phúc thay bạn nào kính sợ Chúa,
ăn ở theo đường lối của Người.

4Đó chính là phúc lộc
Chúa dành cho kẻ kính sợ Người.5aXin Chúa từ Xi-on
xuống cho bạn muôn vàn ơn phúc.

Đ.Hạnh phúc thay bạn nào kính sợ Chúa,
ăn ở theo đường lối của Người.

5bƯớc chi trong suốt cả cuộc đời
bạn được thấy Giê-ru-sa-lem phồn thịnh,6được sống lâu bên đàn con cháu.
Nguyện chúc Ít-ra-en vui hưởng thái bình.

Đ.Hạnh phúc thay bạn nào kính sợ Chúa,
ăn ở theo đường lối của Người.

Bài đọc 2: Ep 6,1-4.18-23

Hãy tôn kính cha mẹ, để ngươi được hạnh phúc và hưởng thọ trên mặt đất này.

Bài trích thư của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Ê-phê-xô.

1 Thưa anh em, kẻ làm con, hãy vâng lời cha mẹ theo tinh thần của Chúa, vì đó là điều phải đạo. 2 Hãy tôn kính cha mẹ. Đó là điều răn thứ nhất có kèm theo lời hứa : 3 Để ngươi được hạnh phúc và hưởng thọ trên mặt đất này. 4 Những bậc làm cha mẹ, đừng làm cho con cái tức giận, nhưng hãy giáo dục chúng thay mặt Chúa bằng cách khuyên răn và sửa dạy.

18 Theo Thần Khí hướng dẫn, anh em hãy dùng mọi lời kinh và mọi tiếng van nài mà cầu nguyện luôn mãi. Để được như vậy, anh em hãy chuyên cần tỉnh thức và cầu xin cho toàn thể dân thánh. 19 Anh em cũng hãy cầu xin cho tôi nữa, để khi tôi mở miệng nói, thì Thiên Chúa ban lời cho tôi, hầu tôi mạnh dạn loan báo mầu nhiệm của Tin Mừng ; 20 tôi là sứ giả của Tin Mừng này cả khi tôi đang bị xiềng xích. Anh em hãy cầu xin cho tôi để khi rao giảng Tin Mừng tôi nói năng mạnh dạn, như bổn phận tôi phải nói.

21 Anh Ty-khi-cô, người anh em yêu quý của tôi và là người trung thành phục vụ Chúa, sẽ cho anh em mọi tin tức, để cả anh em nữa cũng biết tôi ra sao, và tôi đang làm gì. 22 Tôi phái anh đến với anh em vì mục đích ấy, để anh em được biết hiện tình của chúng tôi, và để anh khích lệ tâm hồn anh em.

23 Nguyện xin Thiên Chúa là Cha, và nguyện xin Chúa Giê-su Ki-tô ban cho anh em ơn bình an và lòng mến cùng với lòng tin.

Tin Mừng: Mt 15,1-6

Ngươi hãy thảo kính cha mẹ.

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.

1 Khi ấy, có mấy người Pha-ri-sêu và mấy kinh sư từ Giê-ru-sa-lem đến gặp Đức Giê-su và nói rằng : 2 “Sao môn đệ ông vi phạm truyền thống của tiền nhân, không chịu rửa tay khi dùng bữa ?” 3 Người trả lời : “Còn các ông, tại sao các ông dựa vào truyền thống của các ông mà vi phạm điều răn của Thiên Chúa ? 4 Quả thế, Thiên Chúa dạy : Ngươi hãy thờ cha kính mẹ, và kẻ nào nguyền rủa cha mẹ, thì phải bị xử tử. 5 Còn các ông, các ông lại bảo : ‘Ai nói với cha với mẹ rằng : những gì con có để giúp cha mẹ, đều là lễ phẩm dâng cho Chúa rồi, 6 thì người ấy không phải thờ cha kính mẹ nữa’. Như thế, các ông dựa vào truyền thống của các ông mà huỷ bỏ lời Thiên Chúa.”

__________________

Suy niệm: TGM Giuse Nguyễn Năng

Sứ điệp: Chúa Giêsu dạy ta phải hiếu kính cha mẹ thật lòng. Đó là giới răn quan trọng, không được vịn cớ nào đó để coi thường hay bỏ rơi cha mẹ.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, ngày đầu năm, con nhớ về cội nguồn của đời sống con. Chính Chúa đã nhờ cha mẹ để tác tạo nên con, nuôi dưỡng và giáo dục con để con được như ngày hôm nay. Công lao của tổ tiên, ông bà, cha mẹ đổ dồn lên tấm thân con. Con mang nặng trên vai món nợ công ơn và tình thương bao la ấy. Và qua đó con nhận ra tình thương Chúa dành cho con thật vô bờ bến. Con cảm tạ Chúa. Khi con biết ơn ông bà cha mẹ, chính là lúc con bày tỏ lòng biết ơn Chúa. Con bất hiếu với các ngài chính là con vô ơn đối với Chúa.

Chính vì vậy, Chúa dạy con phải sống hiếu thảo, thờ cha kính mẹ cho phải đạo làm con. Nhưng lạy Chúa, trong thực tế, con thiếu sót rất nhiều. Cũng như các biệt phái và luật sĩ ngày xưa, con vẫn lớn tiếng tuyên bố lòng hiếu thảo, nhưng lại vịn đủ mọi lý lẽ để bỏ rơi hoặc khinh thường cha mẹ. Con vịn cớ bận rộn, vất vả, con cái, con nại đến những bổn phận đạo đức, xã hội, học hành, để rồi bỏ mặc cha mẹ con sống thiếu thốn, cô đơn tủi nhục. Lạy Chúa, thậm chí có những lúc con đã có những lời nói việc làm khinh thường hoặc xúc phạm đến ông bà cha mẹ con.

Con xin Chúa tha thứ cho con, xin Chúa dạy con biết noi gương vâng phục và hiếu thảo của Chúa Giêsu. Xin giúp con biết đem lại niềm vui và an ủi cho các bậc sinh thành. Xin ban cho con sống xứng đáng với công ơn các ngài dành cho con. Xin Chúa tuôn đổ muôn phúc lành hồn xác trên các ngài. Và xin cho những vị đã an nghỉ được Chúa ban phúc trường sinh bên Chúa. Amen.

Ghi nhớ: “ Ngươi hãy thờ cha kính mẹ; kẻ nào nguyền rủa cha mẹ, thì phải bị xử tử.”

Suy niệm: Lm Tađêô Võ Xuân Sơn

CHO TRÁI TIM ĐƯỢC PHỤC HỒI

Chúng ta cùng cảm tạ ơn Giáo Hội đã cho chúng ta cơ hội ngày Mồng Hai Tết này để nhớ đến tổ tiên, ông bà cha mẹ và cầu nguyện cho các ngài, các đấng còn sống hay đã qua đời. Chúng ta dừng lại một đôi chút để từng khuôn mặt của ông bà cha mẹ, cha mẹ thiêng liêng lẫn cha mẹ sinh thành (…). Có như thế chúng ta mới quý cuộc tụ họp trong bầu khí đầu xuân linh thiêng và trong thánh lễ thánh thiện này. Bởi trong cử hành thánh này, chúng ta được lời Chúa và ơn Chúa phục hồi lại trái tim của chúng ta, một trái tim từng có lúc cứng cỏi với ông bà cha mẹ, buông ra những lời chanh chua và thái độ hắt hủi đối với các ngài, một trái tim tưởng chừng như công việc và các thứ khác đầy ngập, không còn chỗ cho ông bà cha mẹ, một trái tim lắm khi như dao sắc rạch nát trái tim của cha mẹ bằng cử chỉ vô ơn. Thánh Kinh gọi trái tim không còn biết yêu thương là trái tim bằng đá, một trái tim khép kín không muốn mở ra, một trái tim chỉ biết thốt lên những lời trách móc và gây đau khổ. Thì lúc này hơn lúc nào, chúng ta cùng nghe lại lời Chúa nói với chúng ta: “Ta sẽ ban cho chúng một trái tim và đặt Thần Khí mới vào lòng chúng. Ta sẽ lấy khỏi mình chúng trái tim chai đá và ban cho chúng một trái tim bằng thịt” (Ez 11,19).

Trái tim bằng thịt là trái tim biết yêu. Khi ông bà cha mẹ yêu con cháu, con cháu yêu thương ông bà cha mẹ thì trong họ có trái tim bằng thịt, trái tim biết yêu thương. Trong thánh lễ Tết này chúng ta xin Chúa phục hồi trái tim của chúng ta, để “từ nay người biết thương người, từ nay người biết yêu người” (Mùa xuân đầu tiên. Văn Cao), đặc biệt yêu tổ tiên ông bà cha mẹ.

*Tình yêu của ông bà cha mẹ.

Để yêu mến ông bà cha mẹ, sách Huấn Ca khuyên nhủ mọi người đừng để những công đức của ông bà cha mẹ rơi vào quên lãng: “Hãy ca ngợi những vị danh nhân là cha ông của chúng ta qua các thế hệ…Muôn người sẽ kể lại đức khôn ngoan và cộng đoàn vang tiếng ngợi khen các ngài” (Hc 44,1-15). Phúc đức cho chúng ta có cha mẹ đạo đức, thánh thiện và lo lắng cho con cái. Cha mẹ chúng ta có thể sống buông thả, có thể sống ích kỷ, có thể sống vô trách nhiệm với gia đình. Nhưng không, các ngài không chỉ sinh dưỡng con cái, mà còn trở nên mẫu mực cho con cái, các ngài không đo lường sự thành công trong việc nuôi dưỡng con cái bằng sự tăng trọng của con cái, nhưng bằng sự trưởng thành nhân cách và đức tin nơi con cái. Mà muốn để công đức cho con cái, cha mẹ phải trung thành với Thiên Chúa, với gia đình không thể sống buông thả.

Chúng ta không thể phủ nhận có những khoảng thời gian vì lý do này hay lý do khác một số cha mẹ đã lãng quên việc giáo dục, không hướng dẫn hay chẳng làm gương cho con cái, khiến con cái rơi vào cuộc lưu đày này, lưu đày khác như dân Do Thái bị lôi ra khỏi quê nhà đầy đức tin và hồng phúc Chúa ban. Cha mẹ của Giacôbê và Gioan cũng từng hướng dẫn sai lầm, họ đã xin cho các con của mình ngồi bên hữu Chúa hầu được quyền lợi vật chất. Vậy, nếu bây giờ cha mẹ chúng ta đã trở nên mẫu mực, nghĩa là đã đưa con cái ra khỏi vùng lưu đày hồi hương trở về với Chúa, thì đó là ân phúc Thiên Chúa ban cho gia đình chúng ta và đó là công đức của cha mẹ để lại cho con cái.

Nhất là tình yêu cha mẹ dành cho con cái là một tình yêu liên lỉ, không đứt đoạn. Báo Tuổi Trẻ ngày gần đây có đăng một bài viết nhỏ chia sẻ: người mẹ điện thoại cho con trai vì đã nhiều năm không về quê ăn Tết: “Tết này có về không? Mẹ không cần tiền con gởi về để mẹ ăn Tết. Mẹ cần thấy mặt tụi con là mẹ vui rồi.” Người con chưa kịp trả lời, người mẹ cúp máy. Mẹ giận. Người con vội vàng thu xếp để cùng gia đình về quê thăm mẹ và ăn Tết. Anh báo tin cho mẹ. Ngày về, đang trên đường xuống phà, điện thoại mẹ gọi: “Con, cha con bây về tới đâu rồi?” (…) Thưa anh chị em, thì ra, người mẹ không chỉ chờ mong gặp con, mà còn theo dõi đường con đi trên từng cây số, “cha con bây về tới đâu rồi?”, công ơn ông bà cha mẹ như thế đó. Người con nào dám kiêu hãnh hiểu thấu hết tình yêu cha mẹ? Người con nào dám ngạo mạn đã đền đáp đầy đủ ơn cha mẹ? Người con nào dám vỗ ngực tôi đã liên lỉ nhớ đến và báo đáp ơn cả nghĩa dày của cha mẹ? Người con nào dám khẳng định như thế mà không phải xuất phát từ lòng kiêu ngạo và vô ơn? Vì thế, sách Huấn Ca dạy rằng: “Con hãy hết lòng tôn kính và đừng quên ơn mẹ con đã mang nặng đẻ đau. Hãy luôn nhớ công ơn dưỡng dục sinh thành, công ơn ấy, con sẽ lấy chi đáp đền cho cân xứng?” (Hc 7,28-29). Thánh Phaolô nói, đó là điều phải đạo (Ep 6,1-3).

*Cho trái tim con cái được phục hồi

Biết công ơn ông bà cha mẹ tưởng chừng rất tự nhiên nơi bản tính của người làm con cháu, nhưng trong thực tế lại là điều rất thách thức. Mỗi người cứ nghiệm lại sẽ thấy: mấy khi chúng ta cầu nguyện cho ông bà cha mẹ, nhất là khi các ngài đã qua đời! Mấy khi chúng ta hiếu thảo đủ với ông bà cha mẹ khi các ngài còn sống! Có những lời chúng ta nói hay suy nghĩ hoặc việc làm, nếu các ngài biết chắc sẽ buồn tê tái trong lòng. Chúng ta viện dẫn nhiều lý do để thoái thác việc biết ơn phụng dưỡng ông bà cha mẹ, nhưng có một lý do của mọi lý do khiến con cái không nhớ đến các đấng sinh thành đó là sự vô ơn.

Ca dao có câu: Công cha như núi Thái Sơn/ nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra. Phải, nước trong nguồn chảy ra chứ có bao giờ nước chảy ngược về nguồn đâu. Chuyện ngụ ngôn kể rằng, đại bàng mẹ cõng con sang sông. Bất chợt, đại bàng mẹ hỏi: “Sau này mẹ già yếu, con có cõng mẹ không?” Đại bàng con không trả lời. Đại bàng mẹ lại hỏi. Cuối cùng không thể lặng thinh mãi, đại bàng con trả lời: “Thưa mẹ, sau này con không thể cõng mẹ được.” Đại bàng mẹ bủn rủn hỏi: “Sao vậy con?” “Vì con còn phải cõng con của con.” Nhiều người xem đó là quy luật: nước mắt chảy xuôi chứ có chảy ngược đâu! Biết vậy, nhưng ông bà cha mẹ vẫn cứ mong nước mắt chảy ngược, Giáo Hội vẫn mong nước mắt chảy ngược khi dạy: “Dạy con cái sẽ đáp lại công ơn cha mẹ với lòng biết ơn, với tâm tình hiếu thảo và tin cậy, sẽ theo đạo làm con mà phụng dưỡng cha mẹ trong nghịch cảnh cũng như trong tuổi già cô quạnh” (Hiến Chế Mục Vụ, số 48). Và Thiên Chúa cũng dạy chúng ta: Hãy thảo kính cha mẹ. Thánh Phaolô nhắc lại rằng: “Ai không chăm sóc người thân, nhất là người sống trong cùng một nhà, thì đã chối bỏ đức tin và còn tệ hơn người không có đức tin” (1 Tm 5,8). Chính Chúa Giêsu đã nêu gương thảo hiếu cho chúng ta khi Ngài yêu mến, vâng lời và làm theo ý Chúa Cha.

Nhớ ơn ông bà cha mẹ và với thánh lễ kính nhớ ông bà tổ tiên hôm nay, chúng ta được nhắc nhở sống điều răn thứ tư: thảo kính cha mẹ. Cha mẹ đã qua đời, con cái phải cầu nguyện, xin lễ cho cha mẹ: “Sống thì phải tết, chết thì phải lễ”. Lòng yêu mến ông bà cha mẹ khiến ta hằng nguyện cầu cho các ngài mau chóng hưởng nhan thánh Chúa. Lãng quên cầu nguyện cho ông bà cha mẹ là vô ơn. Cha mẹ còn sống, con cái phải cầu nguyện, yêu mến, vâng lời và phụng dưỡng các ngài. Không yêu mến và phụng dưỡng ông bà cha mẹ là vô ơn. Trong Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu cảnh cáo những người cho rằng mình đã đóng góp điều này việc khác rồi nên không phải phụng dưỡng ông bà cha mẹ nữa. Ngài gọi đó là những kẻ đạo đức giả. Đôi khi “Mẹ nuôi con như trời như bể/ con nuôi mẹ kể tháng kể ngày. Đôi khi lời cha mẹ dạy làm ta buồn, nhưng có con chó sói nào muốn con nó thành con cừu đâu! Chỉ vì yêu mến ta, cha mẹ mới dùng lời dạy ta, dù ta không vừa lòng.

Ước gì nhờ ơn Chúa trong thánh lễ này, trái tim ta được phục hồi, trở thành trái tim bằng thịt, biết yêu mến ông bà cha mẹ và biết sống xứng đạo làm con như Chúa Giêsu đã nêu gương. “Sóng trước đổ đâu, sóng sau đổ đó.” Ước gì gương thảo hiếu của chúng ta trở thành tấm gương cho con cháu chúng ta.

__________________

Suy niệm: Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu

Suy niệm:

Đã có lúc người ta cho rằng theo đạo Công giáo là bỏ ông bà,
nhất là khi Hội thánh chưa cho phép bày tỏ lòng hiếu thảo
bằng cử chỉ vái lạy tổ tiên đã khuất.
Ở đất nước ta, thờ cúng tổ tiên là chuyện quan trọng,
đến độ người ta nói đến đạo thờ ông bà, đạo hiếu.
Ai không giữ đạo hiếu thật đáng khinh.
Nhiều người tin khi chết thì con người đi về thế giới bên kia,
và thế giới bên kia cũng không khác lắm với thế giới bên này.
Người chết cũng có những nhu cầu vật chất cần thỏa mãn.
Tết là thời gian mời ông bà đã khuất về ăn Tết với con cháu.
Như thế ông bà và con cháu được gần nhau, thông hiệp với nhau.

Đạo Công giáo tin có thế giới bên kia,
nhưng không quan niệm thế giới ấy một cách vật chất.
Người chết không cần ăn uống, không cần xài tiền vàng mã,
nhưng lại rất cần lời cầu nguyện để sớm hưởng nhan Chúa.
Thảo kính cha mẹ là điều răn đặc biệt trong Mười điều răn,
vì không cấm làm một điều xấu, nhưng buộc làm một điều tốt.
Các sách Cựu Ước đều coi trọng mệnh lệnh này (Xh 20,12; Đnl 5,16).
Thậm chí một người con có thể bị xử tử bằng cách ném đá
nếu không vâng lời hay nguyền rủa cha mẹ (Xh 21,17; Lv 20,9; Đnl 21,21).
Còn ai hiếu thảo sẽ được Chúa cho sống thọ trên đất hứa (Xh 20,12).

Thảo kính cha mẹ là kính yêu kẻ đã sinh dưỡng mình,
Thăm viếng khi khỏe, chăm sóc khi yếu, hầu hạ khi cao tuổi.
Thảo kính cha mẹ cũng là làm cho cha mẹ được vinh danh.
Nhờ con cháu mà “danh thơm mãi lưu truyền hậu thế” (Hc 44,14).
Có thể nói Đức Giêsu đã giữ điều răn này một cách nghiêm chỉnh.
Khi nghe Ngài giảng, có người đã kêu lên để ca ngợi Mẹ Ngài:
“Phúc cho người đã cưu mang Thầy và cho Thầy bú mớm” (Lc 11,27).
Bà Êlisabét đã ca ngợi Mẹ Maria là có phúc hơn mọi phụ nữ,
vì Người Con mà Mẹ đang cưu mang là Đấng có phúc tuyệt vời (Lc 1,42).
Đức Giêsu hằng vâng phục cha mẹ khi lớn lên ở Nadarét (Lc 2,51),
và lo liệu cho Mẹ Ngài trước khi nhắm mắt (Ga 19,25-27).

Mồng Hai Tết, Giáo Hội mời ta nhớ lại nguồn cội tổ tiên đã xa ta,
và cũng nhớ đến nguồn cội đang ở gần ta với lòng biết ơn.
Đạo thờ ông bà, dù khác, nhưng cũng rất gần với đức tin Công giáo.
Thảo kính cha mẹ là “lời”, là “điều răn”của Thiên Chúa (Mt 15,3.6).
Không ai được phép bỏ qua hay coi nhẹ.
Qua tổ tiên, Thiên Chúa tạo dựng nên con người chúng ta.
Qua ông bà cha mẹ, Thiên Chúa cho chúng ta nên người thành toàn.
Tri ân tổ tiên là tri ân chính Thiên Chúa, Nguồn Cội của mọi nguồn cội.

Sách Nhị Thập Tứ Hiếu kể lại 24 gương hiếu thảo đối với mẹ cha.
Lão Lai tuy đã già vẫn nhảy múa như con nít để giúp vui cho cha mẹ.
Lục Tích là đứa bé ăn cắp quýt ở bữa tiệc để đem về, vì biết mẹ thích.
Ngô Mãnh, tám tuổi, cởi trần cho muỗi đốt mình để khỏi đốt cha mẹ.
Diễm Tử có cha mẹ già, thèm sữa hươu, nên ông khoác bộ da hươu,
giả làm hươu con vào rừng, để đến gần hươu mẹ vắt sữa.
nên suýt nữa bị các thợ săn nhắm bắn.
Nếu không hiếu thảo đến mức cao như các gương trên đây
thì ít là hôm nay chúng ta biết ngước lên trời cầu nguyện cho cha mẹ:
“Mỗi đêm mỗi thắp đèn trời,
Cầu cho cha mẹ sống đời với con.”

Cầu Nguyện

Lạy Chúa Giêsu, sau hơn ba mươi năm
sống dưới mái nhà ở Nadarét,
Chúa đã thành một người chín chắn và trưởng thành,
Sẵn sàng lãnh nhận sứ mạng Cha giao.
Bầu khí yêu thương đã góp phần không nhỏ
trong việc hình thành nhân cách của Chúa.

Chúa đã học nơi thánh Giuse
sự lao động miệt mài,
sự mau mắn thi hành Thánh Ý Thiên Chúa,
sự âm thầm chu toàn trách nhiệm đối với gia đình.
Chúa đã học nơi mẹ Maria
sự tế nhị và phục vụ,
sự buông mình sống trong lòng tin phó thác
và nhất là một đời sống cầu nguyện thâm trầm.

Xin nhìn đến gia đình chúng con,
xin biến nó thành nơi sản sinh những con người tốt,
biết yêu thương tha thứ,
biết cầu nguyện và phục vụ.

Ước gì xã hội chúng con lành mạnh hơn,
Giáo Hội chúng con thánh thiện hơn,
nhờ có những con người khỏe mạnh, khôn ngoan
và tràn đầy ơn Chúa.

WGPKT(10/02/2024) KONTUM