27/9/2021 – Thứ Hai. Thánh Vinh sơn Phaolô

Thánh Vinh sơn Phaolô

BÀI ÐỌC I: Dcr 8, 1-8

“Ta sẽ cứu dân Ta khỏi đất phía mặt trời mọc và phía mặt trời lặn”.

Bài trích sách Tiên tri Dacaria.

Có lời Chúa các đạo binh phán rằng: “Ðây Chúa các đạo binh phán: Ta đã ghen tức Sion với lòng ghen tức cực độ; Ta đã ghen tức nó với cơn phẫn nộ quá sức”. Chúa các đạo binh còn phán như thế này: “Ta trở về Sion, và sẽ ngự giữa Giêrusalem; Giêrusalem sẽ được gọi là Thành chân lý, và núi Chúa các đạo binh sẽ được gọi là Núi thánh”. Chúa các đạo binh lại phán như thế này: “Sẽ còn có lão ông lão bà cư ngụ trên phố phường Giêrusalem, mỗi người cầm gậy trong tay, vì họ đã cao niên. Các ngả đường thành phố đầy những trẻ nam trẻ nữ chơi trên đường phố”. Chúa các đạo binh phán thêm rằng: “Trong những ngày ấy, nếu điều đó làm chướng mắt những kẻ còn sót lại trong dân, chớ thì nó sẽ làm chướng mắt Ta sao?” Chúa các đạo binh phán như vậy. Chúa các đạo binh còn phán rằng: “Này đây Ta sẽ cứu dân Ta thoát khỏi đất phía mặt trời mọc và phía mặt trời lặn. Ta sẽ dẫn chúng về cư ngụ giữa Giêrusalem: Chúng sẽ là dân Ta và Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng, trong chân lý và công chính”.

Ðó là lời Chúa.

ÐÁP CA: Tv 101, 16-18. 19-21. 29 và 22-23

Ðáp: Chúa sẽ tái lập Sion, và xuất hiện trong vinh quang sáng lạng (c. 17).

1) Lạy Chúa, muôn dân sẽ kính tôn danh thánh Chúa, và mọi vua trên địa cầu sẽ quý trọng vinh quang Ngài; khi Chúa sẽ tái lập Sion, Chúa xuất hiện trong vinh quang sáng lạng; Chúa sẽ đoái nghe lời nguyện kẻ túng nghèo, và không chê lời họ kêu van.

2) Những điều này được ghi lại cho thế hệ mai sau, và dân tộc được tác tạo sẽ ca tụng Thiên Chúa. Từ thánh điện cao sang Chúa đã đoái nhìn, từ trời cao Chúa đã nhìn xuống trần thế, để nghe tiếng than khóc của tù nhân, để giải thoát kẻ bị lên án tử.

3) Con cháu của bầy tôi Chúa sẽ được an cư, và miêu duệ chúng sẽ tồn tại trước thiên nhan, để người ta truyền bá danh Chúa tại Sion, và lời khen ngợi Ngài ở Giêrusalem, khi chư dân cùng nhau quy tụ, và các vua nhóm họp để phụng thờ Chúa.

ALLELUIA: Tv 129, 5

Alleluia Alleluia – Con hy vọng rất nhiều vào Chúa, linh hồn con trông cậy ở lời Chúa. – Alleluia

LỜI CHÚA: Lc 9, 46-50

“Kẻ nào bé nhỏ nhất trong tất cả các con, đó là người cao trọng nhất”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, các mộn đệ nghĩ ngợi trong lòng rằng ai trong các ông sẽ là người cao trọng nhất. Chúa Giêsu thấu biết tư tưởng trong lòng các ông, Người liền dẫn một trẻ nhỏ tới, để đứng bên cạnh Người, và bảo các ông rằng: “Hễ ai đón nhận trẻ nhỏ này vì danh Thầy, tức là đón nhận Thầy: mà hễ ai đón nhận Thầy, tức là đón nhận Ðấng đã sai Thầy. Vì kẻ nào bé nhỏ nhất trong tất cả các con, đó là người cao trọng nhất”. Gioan lên tiếng thưa Người rằng: “Lạy Thầy, chúng con thấy một người kia lấy danh Thầy mà trừ quỷ, và chúng con đã ngăn cản nó, vì nó không theo Thầy cùng với chúng con”. Chúa Giêsu bảo ông rằng: “Các con chớ ngăn cản, vì ai không chống nghịch các con, tức là thuận với các con”.

Ðó là lời Chúa.

*Đọc Giờ Kinh Phụng Vụ link: CGKP

Suy niệm:

Ngườí lớn nhất trong nước Trời

Người nhỏ nhất lại sẽ là kẻ lớn nhất. Lại một nghịch lý của Phúc âm nữa! Đọc Phúc âm, chúng ta thấy có rất nhiều điều thoạt đầu nghe là những điều nghịch lý đối với lỗ tai người đời: ai muốn làm lớn, hãy làm đầy tớ mọi người, phúc cho kẻ bị bách hại, ai là người nhỏ nhất trong anh em, kẻ ấy sẽ là người lớn nhất. . .

Trở nên bé nhỏ là gì?

Theo Tin Mừng của Thánh Mathêu cũng như của Thánh Luca, trở nên bé nhỏ không có nghĩa là trở nên ngây thơ trong trắng như một em bé, nhưng như một em bé, sống nhờ vào người lớn, người bé nhỏ trước mặt Chúa cũng vậy. Như một em bé, người bé nhỏ nhận ra thân phận yếu đuối mỏng dòn của mình và trông cậy vào sức mạnh của Thiên Chúa.

Đoạn Phúc âm nầy cho thấy, đã theo Thầy, được Thầy dạy dỗ, thế mà các môn đệ vẫn chưa thoát được tinh thần thế tục, vẫn ham làm lớn. Họ tự hỏi ai là người lớn nhất trong các ông! Cho hay rằng, là kitô hữu, linh mục hay tu sĩ, mỗi người chúng ta vẫn không thoát khỏi tinh thần thế tục. Vì thế mỗi người còn cần phải được lời Chúa soi sáng, huấn luyện trong suốt cuộc đời.

Ai tiếp đón một em nhỏ vì danh Thầy là tiếp đón chính Thầy.

 Chúa Giêsu muốn trở nên bé nhỏ như một em bé, mỏng dòn yếu đuối. Ngài trở nên tôi tớ, quì dưới chân các môn đệ mà rửa chân cho các ông. Muốn làm lớn là thuộc bản năng tự nhiên của người. Muốn trở nên bé nhỏ là muốn sống tinh thần Phúc âm. Muốn làm lớn và muốn có quyền, và quyền thì thường đi đôi với lợi: quyền lợi. Có quyền thì có lợi. Vì thế muốn sống bé nhỏ là dấn thân sống nghèo, không có quyền và cũng không có lợi. Là Đấng đầy quyền năng, Đức Kitô đã tự nguyện sống như một người bé nhỏ, không có quyền mà cũng không có lợi gì ở trần gian nầy.

Chúng ta đang sống trong một xã hội mà con người đang đua nhau đi tìm quyền và lợi, tìm địa vị và giàu sang. Nhưng Chúa Kitô lại căn dặn người ki tô hữu: trước hết hãy lo tìm nước Chúa. Câu nói nầy của Chúa Giêsu vang lên trong thời đại chúng ta như một nghịch lý, một sự mâu thuẫn, một thách đố, bắt mỗi người chúng ta hằng ngày phải suy nghĩ lại chích sống của mình.

Sống phục vụ là sống tinh thần tôi tớ, bé nhỏ. Ta đến để phục vụ chứ không phải để được phục vụ. Chúa không những dạy ta sống bé nhỏ mà chính người đã sống bé nhỏ trong ba mươi năm ẩn dật cũng như trong ba năm rao giảng. Ngày nay nhiều vị Tổng Thống bị tố cáo về vấn đề tiền bạc, thế mà khi lên nhậm chức vị nào cũng tuyên bố sẽ hết mình phục vụ nhân dân. Cho hay rằng, làm lớn thì rất khó mà phục vụ đúng nghĩa được. Vì thế thánh Phanxicô dặn anh em mình, khi làm việc trong xã hội, chỉ nhận làm người giúp việc chứ đừng  nhận những việc như làm quản gia. Anh chị em Dòng Tiểu đệ và Tiểu muội cũng thế.

Sống bé nhỏ là sống ngược lại với bản năng tự nhiên của con người, sống bé nhỏ là sống ngược lại với trào lưu xã hội hôm nay. Vì thế sống bé nhỏ theo tinh thần Phúc âm rất khó, cần nhiều quyết tâm và can đảm, kiên trì, và nhất là cần nhiều ơn Chúa.

WGPKT(26/09/2021) KONTUM