Mỗi ngày Giáo hội đọc Thánh ca tin mừng ‘Chúc Tụng Đức Chúa’: “Như Người đã dùng miệng các vị thánh ngôn sứ mà phán hứa tự ngàn xưa: sẽ cứu ta khỏi tay địch thù”, tư tưởng rất phù hợp với tâm tình Mùa Vọng. Sự cắm rể sâu tư tưởng chờ đợi Đấng Mêsia trong lòng dân Do thái xuyên suốt lịch sử của họ, cũng là sự cắm rể sâu nơi lòng tin của chúng ta và đó cũng là niềm hy vọng bất khuất xuyên suốt lịch sử ơn cứu độ.
Tiên tri Isaia loan báo cách khải huyền về thời đại hoàng kim đó: “Thiên Chúa của anh em đây rồi; chính Người sẽ đến cứu anh em … Bấy giờ mắt người mù mở ra, tai người điếc nghe được, kẻ què sẽ nhảy nhót như nai .. đau khổ và khóc than sẽ biến mất” (Bài đọc 1. Is 35,1-6a.10). Những điều nầy cho chúng ta thấy đức tin của chúng ta không phải là mơ hồ, ảo tưởng hay một ý thức hệ do con người vạch ra, nhưng đức tin khởi đi từ Thiên Chúa, được mặc khải qua các biến cố thăng trầm xảy đến nơi dân Do thái, và được ghi lại trong Sách thánh.
Lời sấm của tiên tri Isaia được chính Đức Giêsu nhắc lại cho những môn đệ của Gioan Tẩy Giả đến phỏng vấn Người. Đức Giêsu khẳng định lời sấm đã được thực hiện nơi chính bản thân của Người. Tin mừng Matthêu là tin mừng của mùa Vọng, ông viết cho đọc giả người Do thái, và để người Do thái xác tín điều ông nói, ông thường trích dẫn Kinh thánh để minh chứng lời Kinh thánh đã được hoàn tất. Có đến 44 lần thánh Mátthêu trích dẫn Cựu ước để minh chứng Đức Giêsu thành Nadarét chính là Đấng Cứu Tinh muôn dân hằng mong đợi.
Những kiểu nói thường gặp: “Như đã viết … để hoàn tất lời Kinh thánh … vì có lời Kinh thánh…”. Nghĩa là có sự nhất quán trong tư tưởng giữa Kinh thánh Cựu ước và Tân ước: “Các anh cứ về thuật lại cho ông Gioan những điều mắt thấy tai nghe: người mù xem thấy, kẻ què bước đi, người cùi được sạch, kẻ điếc nghe được, người chết sống lại, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng” (x. Tin Mừng Mt 11, 2-11). Lời sấm của Isaia 800 năm về trước được Đức Giêsu thực hiện vào thời hoàng kim tỏ ra cho mọi người biết Người là Đấng mà các tiên tri loan báo, Người tự khẳng định mình bằng các phép lạ và những dấu chỉ kỳ diệu minh chứng Đấng cứu thế vi hành đến viếng thăm và ở lại trần gian.
Bất chấp mọi biến động nơi trần gian, Đức Giêsu chọn trái đất để cư ngụ, đó là niềm vui sâu xa nhất của nhân loại. Niềm vui nầy là lời chào mở đầu thánh lễ và nhiều lần được lặp lại sau đó: “Chúa ở cùng anh chị em”.
Khi các môn đệ Emmau chán nản bỏ đi vì thất vọng về cái chết của Thầy, thì chính Thầy Giêsu đã xuất hiện và đồng hành với các ông và Người đã dùng lời tiên tri để làm cho các ông nhận ra sự thật về Đấng cứu thế. Và họ đã thú nhận rằng lòng họ đã bừng cháy lên niềm vui khi lắng nghe Đức Giêsu giải thích Kinh thánh. Cũng thế ngày hôm nay, Giáo Hội ưu tư sưởi ấm tâm hồn và đào sâu đức tin người Kitô hữu bằng lời Kinh thánh.
Phụng vụ Chúa nhật đều có những bài đọc Cựu ước chuẩn bị và soi sáng giúp hiểu thâm sâu bài Tin mừng, chính nơi Tân ước lời ngôn sứ được hoàn tất, cô đọng lại nơi Đức Giêsu, Người là lời hứa của Thiên Chúa thành sự thật. Cần phải nhận ra mối liên hệ nầy khi cử hành phụng vụ lời Chúa trong thánh lễ để nuôi sống đức tin Kitô hữu. Nuôi sống tâm hồn chính là đem lại niềm vui cho con tim, làm trào lên niềm hy vọng được cứu độ: “Vui lên nào, hỡi sa mạc và đồng cỏ khô cháy, vùng đất hoang, hãy mừng rỡ trổ bông” (Bài đọc Isaia).
Lạy Chúa Giêsu xin cho con đón nhận niềm vui như bà Xara già nua sinh Ixáac trong tuổi già, như Gioan nhảy mừng trong dạ mẹ, đến niềm vui Chúa Giáng Sinh. Niềm vui được Chúa cứu độ là chủ đề bất hủ trong Kinh thánh. Chính Chúa là niềm hoan lạc của trần gian. Amen
Louis Nguyễn Quang Vinh
Lm Kontum, Đức An
WGPKT(15/12/2019) KONTUM