Nộp Tiền Hay Nộp Mạng(04.8.2019 – Chúa Nhật 18 TN, Năm C)

Trong ngôn từ của giới giang hồ, câu nói “nộp tiền hay nộp mạng?” thường được thốt lên khi trấn lột.  Hao hao như thế, phụng vụ của Chúa Nhật hôm nay, đặt con người trước sự lựa chọn, một sự lựa chọn căn bản về cuộc sống ngay trong cách sử dụng tiền của và tài năng mình sở hữu.  Người ta sẽ thành công thực hiện cuộc đời hay thành công nhỏ lẻ trong cuộc sống.  Thành công cuộc đời mới quan trọng so sánh với thành công nhỏ lẻ, lý do là vì con người chỉ có một cuộc đời phải thực hiện, một mất một còn, một ăn cả, hai ngã về không là thế đó.

Trong Bài Đọc thứ nhất, trích sách Giảng Viên (1, 2; 2, 21-23), mô tả cuộc đời của một phú hộ rất thành công trong cuộc sống: ông ta rất tinh khôn, am hiểu cuộc đời, lao động cật lực, mùa đông chịu rét mướt, mùa hè đổ mồ hôi dưới nắng gắt, tóm lại ông rất thành đạt.  Tuy nhiên khi đêm đến, ông suy tư về công việc mình làm.  Và giả thiết nếu ông chết đi, tất cả tài sản đều sang tay kẻ khác, một kẻ nào đó không phải lao động khổ cực sẽ được hưởng lợi nhuận ấy.  Thật là điều phi lý ! Nghĩ như thế ông thốt lên: “Hư không trên các sự hư không, mọi sự đều hư không” (Gv 1, 2).  Tuy nhiên mấy ai ngộ ra chân lý này để điều chỉnh cuộc sống cho hợp lý.

Trong bài Tin Mừng Luca (12, 13-21) xem ra Đức Giêsu nhấn mạnh thêm ý tưởng về sự hư vô của sách Giảng Viên khi Người từ chối làm trọng tài phân chia gia tài cho người khiếu kiện và nói với dân chúng: “Các ngươi hãy coi chừng giữ mình tránh mọi thứ tham lam, vì chẳng phải sung túc mà đời sống được của cải bảo đảm cho đâu”.  Như thế Đức Giêsu khẳng định vật chất có giá trị nhất định của nó nhưng không bảo lãnh được sự sống đời đời. 

Và bằng một ví dụ Đức Giêsu minh hoạ:  Có người phú hộ kia, rất thành công trong lao động đến nỗi ông không còn đủ kho lẫm để tích trữ nông sản, của cải chất đầy như núi.  Ông tính chuyện nghỉ ngơi để ăn uống rong chơi.  Nhưng ! Câu nói của sách Giảng Viên vụt lên: “ Hư không trên các sự hư không” được Đức Giêsu lặp lại dưới một dạng thức khác: “Hỡi kẻ ngu dại, đêm nay người ta sẽ đòi linh hồn ngươi”.  Nghe ra thật buồn! và rất đỗi thất vọng!    Lời đó cảnh giác chúng ta!  Đừng sa đọa trong vật chất, trái lại hãy biết sử dụng của cải đời nầy để phục vụ, chia sẻ và yêu thương, tức là tích lũy đức hạnh, làm giàu trong Thiên Chúa.  Vật chất chỉ có giá trị tương đối, không mua được Nước trời …

Thật hiện sinh và nặng tính thời sự khi nghe các bài đọc phụng vụ hôm nay!  Lời Sách thánh mời gọi sống tình liên đới đối với những ai cắt đứt quyến luyến của cải vật chất ra khỏi ý nghĩa và mục đích của nó.  Vật chất là phương tiện, chứ không phải là cùng đích.  Cụ thể mà nói, những cái bụng đói của anh em thiếu ăn là kho lẫm thật sự cần được chất đầy, nơi đó không còn mối mọt gậm nhấm!  Đúng như ý thánh Phaolô viết trong Bài Đọc 2 (Cl 3,1-5.9-11): “Anh em hãy tìm những sự trên trời, … anh em hãy nghĩ đến những sự trên trời, chớ đừng nghĩ đến những sự dưới đất”.  Nghĩa là hãy nhìn lên trời cao để biết thánh ý Thiên Chúa, rồi biết quản lý tốt điều dưới đất theo ý Người.  Đó là cách mặc lấy con người mới trong Đức Kitô. 

Chiếm hữu vật chất như khuynh hướng của bản năng con người, ao ước vật chất quá đáng thường là nguồn gốc gây ra kỳ thị và tẩy chay nhau.  Trong thế giới khao khát vật chất và tiện nghi, giữ được tâm hồn thanh thoát không phải là chuyện dễ.  Ngay cả khi ‘lao động chết xác’ cũng chưa  hẳn là một đức hạnh, khi quan niệm rằng lao động chỉ để tích lũy lợi nhuận mà thôi.  Người Kitô hữu theo đuổi những mục đích trần thế như bao nhiêu người lao động khác, nhưng cùng đích của lao động lại không nằm trong vật chất, chiếm hữu Nước trời mới là cùng đích, đó là sự thành công cuộc đời của kẻ không bị chê là “kẻ ngu dại”.

Lạy Chúa Giêsu, phẩm giá con người lớn hơn của cải vật chất, lớn hơn công việc con người làm, lớn hơn vàng bạc và văn hoá bởi vì con người được Thiên Chúa yêu thương tạo dựng và cứu chuộc.  Xin cho con đừng đánh giá vật chất cao hơn phẩm giá con người. Amen

Louis Nguyễn Quang Vinh
Linh mục Đức An Kontum