Nước Thiên Chúa Đang Ở Giữa Các Ông (14.11.2019 – Thứ Năm Tuần 32 TN)

Lời Chúa: Lc 17, 20-25

Khi ấy, người Pharisêu hỏi Ðức Giêsu bao giờ Nước Thiên Chúa đến. Người trả lời: “Nước Thiên Chúa không đến như một điều có thể quan sát được. Và người ta sẽ không nói: ‘Ở đây này!’ hay ‘Ở kia kìa!’, vì này Nước Thiên Chúa đang ở giữa các ông.” Rồi Ðức Giêsu nói với các môn đệ: “Sẽ đến thời anh em mong ước được thấy một trong những ngày của Con Người thôi, mà cũng không được thấy. Người ta sẽ bảo anh em: ‘Người ở kia kìa!’ hay ‘Người ở đây này!’ Anh em đừng đi, đừng chạy theo. Vì ánh chớp chói lòa chiếu sáng từ phương trời này đến phương trời kia thế nào, thì Con Người cũng sẽ như vậy trong ngày của Người. Nhưng trước đó, Người phải chịu đau khổ nhiều và bị thế hệ này loại bỏ.”

Suy niệm:

Người Pha-ri-sêu hỏi Đức Giê-su bao giờ Triều Đại Thiên Chúa đến. Người trả lời : “Triều Đại Thiên Chúa không đến như một điều có thể quan sát được. Và người ta sẽ không nói : ‘Ở đây này !’ hay ‘Ở kia kìa !’, vì này Triều Đại Thiên Chúa đang ở giữa các ông.” (Lc 17,20-21)

Thánh Âu Tinh đã từng thốt lên: Ngài ở trong con nhưng con lại loay hoay tìm kiếm Ngài ở bên ngoài. Ngài đón đợi con trong lòng nhưng con cứ mãi chạy ra ngoài để tìm kiếm. Cuối cùng thánh nhân hối tiếc: Lạy Chúa, con yêu Ngài quá muộn màng! Ngày hôm nay, nhiều người vẫn loay hoay tìm kiếm Thiên Chúa nhưng lại quên mất ngài đang chờ đợi ta trong chính cõi lòng mình.

Trong Cựu Ước, khi nền quân chủ của Israel suy yếu, các vị vua liên tiếp mắc phải sai lầm cả về chính trị lẫn tôn giáo, dân đã hướng niềm hy vọng đến một vị vua trong tương lai. Khi dân Israel phải đi lưu đày, dân lại mơ tưởng đến một vương quốc được chính Thiên Chúa chăn dắt. Vương quốc đó sẽ lớn mạnh và dân khắp nơi trên thế giới sẽ quy tụ về Giêrusalem để tôn thờ Đức Chúa (x. Is 24,23). Càng về sau, niềm hy vọng đó càng mang tính chất cánh chung, tức là niềm hy vọng đó được đặt vào sau cuộc phán xét sau cùng (x. Kn 3,8).

Đến thời Tân Ước, khởi đầu sứ vụ của mình, Gioan tẩy giả và Đức Giê-su đều loan báo Nước Trời đã “đến gần” (x. Mt 3,2; 4,17). Vậy Nước Trời, hay triều đại Thiên Chúa đã đến chưa? Đó là câu thắc mắc của người Pharisêu và có lẽ cũng là của nhiều người Do Thái. Có lẽ, họ đang mong đợi một Nước Thiên Chúa thật cụ thể, thật hùng tráng. Họ đang mong đợi một vị vua có thể lãnh đạo dân đánh bại đế quốc đô hộ và khiến chư dân các nước phải quy phục. Thế nhưng, Đức Giê-su khẳng định, triều đại Thiên Chúa đã đến và đang hiện diện, chỉ có điều ta không thể nhìn thấy như một điều gì rõ ràng. Nước Thiên Chúa chỉ có thể được nhận biết bằng con mắt đức tin.

Với sự hiện diện của Đức Giê-su, “Người mù xem thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng” (Mt 11,5). Nước Trời đã được Đức Giê-su thiết lập bằng chính sự hiện diện của Người. Sự hiện diện mang lại niềm vui, sức sống và hy vọng. Nước Trời, tuy hiện diện âm thầm nhưng mang lại một sự biến đổi mãnh liệt cho những ai sẵn lòng đón nhận. Chỉ những ai thành tâm tìm kiếm với tâm hồn đơn sơ mới có thể cảm nhận được sự hiện diện đó.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa, sự hiện diện của Chúa luôn âm thầm lặng lẽ nhưng đó lại là cơ hội để chúng con tìm gặp Ngài trong cuộc sống. Như trong bí tích Thánh Thể, Ngài ngự đó hằng giờ để chờ đợi và lắng nghe khát mong của con cái mình; Ngài cũng luôn hiện diện và âm thầm chờ đợi trong cõi lòng mỗi người. Xin cho chúng con đừng tìm kiếm Ngài đâu xa nhưng trở về cõi lòng mình để đón gặp Chúa vẫn đang chờ đợi mỗi phút giây.

Đừng Sợ

Mừng Kính Trọng Thể Thánh Stêphanô Cuénot Thể


Lời Chúa: Mt 10, 28-33 28 “Anh em đừng sợ những kẻ giết thân xác mà không giết được linh hồn. Đúng hơn, anh em hãy sợ Đấng có thể tiêu diệt cả hồn lẫn xác trong hỏa ngục.29 Hai con chim sẻ chỉ bán được một hào phải không? Thế mà, không một con nào rơi xuống đất ngoài ý của Cha anh em.30 Thì đối với anh em cũng vậy, ngay đến tóc trên đầu anh em, Người cũng đếm cả rồi.31 Vậy anh em đừng sợ, anh em còn quý giá hơn muôn vàn chim sẻ.

32 “Phàm ai tuyên bố nhận Thầy trước mặt thiên hạ, thì Thầy cũng sẽ tuyên bố nhận người ấy trước mặt Cha Thầy, Đấng ngự trên trời.33 Còn ai chối Thầy trước mặt thiên hạ, thì Thầy cũng sẽ chối người ấy trước mặt Cha Thầy, Đấng ngự trên trời.

Suy niệm:

Bài tin mừng hôm nay nổi bật lên hai từ “đừng sợ”. Đó là hai từ mà Đức Giêsu nhắc đi nhắc lại với các Tông đồ. Bối cảnh của việc này là vì trước đó Đức Giêsu sai nhóm Mười Hai đi rao giảng Tin Mừng. Ngài biết trước khi thi hành sứ vụ này, các Tông đồ sẽ đối diện với nhiều hiểm nguy, vì thế Ngài khích lệ luôn: Anh em đừng sợ.

Ta có thể thấy có 4 lý do Đức Giêsu đưa ra để bảo các Tông đồ đừng sợ.

Lý do thứ nhất là trước khi sai các ông đi, Ngài đã ban cho các ông quyền trên các thần ô uế và quyền chữa bệnh (x. Mt 10,1). Không chỉ ban quyền năng, Đức Giêsu còn hứa ban Thần Khí để hướng dẫn các ông đối đáp với “người đời”. Với quyền năng Đức Giêsu ban, với thần Khí của Thiên Chúa, các Tông đồ không còn lý do gì phải sợ hãi.

Lý do thứ hai Chúa Giêsu đưa ra, đó là “người đời” chỉ có thể giết được thân xác chứ không làm được gì linh hồn. Thân xác dù sao cũng chỉ là tạm bợ, sự sống linh hồn mới là điều đáng quý. Mà sự sống linh hồn thì ở trong tay Chúa, không “người đời” nào có thể chạm tới được, vậy thì không việc gì ta phải sợ!

Lý do thứ ba là mạng sống ta luôn quý giá đối với Chúa dù rằng bản thân ta do chính Chúa dựng nên. Ngài không chỉ dựng nên ta mà con luôn yêu thương chăm sóc, quan phòng. Từng vật bé nhỏ như hoa cỏ ngoài đồng, như chim trời cá biển còn được Chúa yêu thương giữ gìn huống hồ con người là hình ảnh Thiên Chúa. Vì thế ta đừng quá lo lắng sợ hãi!

Lý do thứ tư là nếu ta không chối bỏ nhưng trung kiên tuyên xưng đức tin của mình, chính Đức Giêsu cũng sẽ không chối bỏ nhưng nhận ta trước mặt Chúa Cha. Được chính Chúa Giêsu chứng nhận thì còn gì bằng! Đó là lý do ta đừng sợ mà chối bỏ Thiên Chúa bởi vì chính Chúa sẽ chứng nhận cho chúng ta.

Hôm nay, Giáo Hội mừng kính thánh Stêphanô Cuénot Thể, Giám mục tử đạo, vị thánh Tổ phụ của Giáo phận Kon tum chúng ta. Suốt cuộc đời, ngài đã sống đúng tinh thần truyền giáo mà Chúa Giêsu mong muốn. Ngài đã sống đúng hai chữ “đừng sợ” mà Chúa Giêsu căn dặn các Tông đồ. Suốt 32 năm truyền giáo tại Việt Nam ngài luôn can đảm làm chứng cho Tin Mừng mà ngài rao giảng. Với tinh thần “đừng sợ”, ngài đã quyết tâm mở con đường truyền giáo mới lên vùng Cao Nguyên và nhờ đó mà ngày nay, hàng trăm ngàn đồng bào nơi đây đã đón nhận Tin Mừng.

Cầu nguyện:   

Mừng ngày lễ hôm nay, chúng ta xin thánh Tổ phụ Stêphanô Cuénot Thể chuyển cầu cùng Chúa, cho chúng ta biết noi gương Ngài, sống đúng tinh thần “đừng sợ” mà Chúa Giêsu đã truyền dạy, để sống đó chúng ta sống Tin mừng đã đón nhận nhờ công sức của các ngài ngày xưa.

Tác giả: Cha Hồ Vĩnh Thịnh

WGPKT(13/11/2019) KONTUM