Vị Tử Đạo Người Bélieu Étienne-Théodore Cuénot Thể, Giám Mục Thừa Sai 1802-1861 (7)

 

VỊ TỬ ĐẠO NGƯỜI BÉLIEU ÉTIENNE – THÉODORE CUÉNOT

GIÁM MỤC THỪA SAI

1802 -1861

JEAN THIÉBAUD

1988

 

“Vị Tử Đạo người Bélieu Étienne – Théodore CUENOT Giám Mục Thừa Sai 1802 -1861” (1)

“Vị Tử Đạo người Bélieu Étienne – Théodore CUENOT Giám Mục Thừa Sai 1802 -1861” (2)

“Vị Tử Đạo người Bélieu Étienne – Théodore CUENOT Giám Mục Thừa Sai 1802 -1861” (3)

“Vị Tử Đạo người Bélieu Étienne – Théodore CUENOT Giám Mục Thừa Sai 1802 -1861” (4)

“Vị Tử Đạo người Bélieu Étienne – Théodore CUENOT Giám Mục Thừa Sai 1802 -1861” (5)

“Vị Tử Đạo người Bélieu Étienne – Théodore CUENOT Giám Mục Thừa Sai 1802 -1861” (6)

 

(tiếp theo 6)

 

CON NGƯỜI CẦU NGUYỆN

 

“Ở đây hơn đâu khác, cầu nguyện được cảm nghiệm như là thiết yếu cho cuộc sống của Giáo Hội chúng tôi”. Đoạn văn này trích từ một tài liệu mục vụ cho năm 1987 (?) trong một xứ truyền giáo trẻ, Giám Mục Cuenot sẽ phê chuẩn không ngần ngại. Hơn vào bất cứ thế kỷ nào, công cuộc phúc âm hóa thời Ngài và của Hội Thừa Sai là cho người nghèo, dựa trên những phương tiện nghèo, không cậy vào thân hào điền chủ, vương công hoàng tử nào cả. Nó dựa trên Thiên Chúa.

Giám Mục Cuenot lập lại không ngừng trong các thư từ của Ngài: viết cho gia đình, cho cô thân yêu, Jeanne-Baptiste, nơi cô Ngài đã đón nhận được những yếu tố đầu tiên cho đời sống cầu nguyện của mình, thư cho Lm Charles Cuenot “vị ân nhân thân yêu”, cho các cộng đoàn Fontenelles nơi đó Ngài có 3 người em gái là tu sĩ, cộng đoàn La Compassion mà vị thành lập cũng xuất thân từ Bélieu, Agnès Pagnot. Với những lời khuyên của Thánh Bộ Đức Tin: “Liên kết các tín hữu mọi nước lại, để cùng nhau cầu nguyện cho công cuộc phúc âm hóa”. Đó chính là ý định trước nhất của Pauline Jaricot, tiếp theo sau “Hiệp hội cầu nguyện và làm việc từ thiện cho sự cứu rỗi của lương dân” được Lm Chaumont Hội Thừa Sai Paris, phục hồi lại ngay từ năm 1816.

Giám Mục Cuenot không thuộc loại người dễ bộc lộ chiều sâu tầm khảm của đời sống cầu nguyện cá nhân. Tuy nhiên, vẫn nhận ra được những hằng số: đời sống cầu nguyện và mục vụ nơi ngài chỉ là một. Sau đây, là chứng tá của hai nữ giáo dân trong “án phong thánh” của Ngài. “Agata Thóc đã biết GM Cuenot nhiều, chị đã nấu cơm cho Ngài trong mười hai năm. Mọi người đều ca ngợi con người rất nhân hậu này. Chưa bao giờ nghe ai nói xấu về Ngài. Bà nhấn mạnh về cuộc sống khắc khổ, lòng nhân đức, lòng nhiệt thành của Ngài và cho biết trong điều kiện nào Ngài bị giam giữ.”

“Chị Mađalêna Quyết, người thường gặp Ngài nhắc đến những đức tính của Ngài: khiêm nhường, lòng tốt, sự trang nghiêm, sự kiên trì cầu nguyện và làm việc.”

Một nét khác nổi bật qua thư từ: Sự dâng mình làm của hiến tế, theo gót các thánh tử đạo.

“Suốt thời gian sống ở đường Du Bac, các vị thừa sai tương lai học tập thiết lập mối tương quan giữa việc tử đạo và sự thành lập các giáo đoàn. Đâu có ai trở thành thừa sai để chết tử đạo, nhưng để xây dựng Giáo Hội trong đất nước nơi đó Giáo Hội chưa có mặt.” (Jean Guennou)

Các thánh tử đạo: không một bức thư nào mà Ngài không trích đấng này, vị nọ. Họ không phải là những nhân vật huyền thoại đối với Ngài, nhưng đó là những người nhà thân quen, mà một sớm một chiều đã biến mất sau bức tường nhà giam rồi sau cái chết.

“Nếu tôi thấy lính xuất hiện ở cửa nhà tôi, Ngài viết, trống ngực tôi sẽ đập thình thịch nhưng không phải vì sợ, mà vì vui. Khi mình thấy bạn bè anh em đồng nghiệp lần lượt ra đi, còn mình thì sót lại như một con vật bỏ đi bất xứng, thật là buồn”

Ngay từ năm 1840, sau cái năm bắt đạo khủng khiếp 1838, Ngài đệ đơn lên Tòa Thánh xin được xét và phong thánh cho những vị đã tuyên xưng đức tin. Có 18 tên được nêu lên trong đó có Isidore Gagelin, Joseph Marchand. “Sự chấp thuận này sẽ tăng cường lòng can đảm của tín hữu và an ủi đức tin của họ”, Ngài viết cho Đức Grêgôriô XVI, tiếp đó: “Cho tới nay, con chưa nghe nói về bất cứ phép lạ nào có được nhờ sự cầu bầu của các tôi tớ vinh hiển của Thiên Chúa. Nhưng theo ý con, phải gán cho sự can thiệp của họ bên cạnh Thiên Chúa, con số rất đông những người trở lại trong suốt thời kỳ bắt đạo”.

Để tiến hành đến nơi đến chốn “Vụ án phong thánh”, các cuộc sưu tầm tư liệu rất khó thực hiện: một bức thư rơi vào tay bọn gián điệp chỉ làm cho cuộc bắt đạo trở nên gắt gao hơn. Cuối cùng Ngài đã có thể gửi về Roma những chứng nhận cần thiết, tự tay mình viết về một vài vị tử đạo (215 trang giấy).

Một người thân cận của Ngài làm chứng:

“Chúng ta có thể nói rằng trong những thông tin của mình, Ngài tiến hành với một sự khắt khe về nguyên tắc xứng với Giáo Hoàng Bênê-đi-tô XIV, gạt qua một bên mọi sự kiện Ngài xét là không được chứng minh một cách gắt gao, mọi lời khai về phía chứng nhân nào bị ngờ vực ít nhiều. (Biên niên Sử của Thánh Bộ Truyền Bá Đức Tin, số 34, tr.302).

Năm 1846, vì không chút nghi ngờ về việc phong thánh trong một tương lai gần, Ngài chuyển về Paris, hài cốt của một vài người trong danh sách: Lm Gagelin, Jacard và người bạn trẻ tuổi của mình, là Tôma Thiện, vì “chúng ta không có nơi nào chắc chắn có thể bảo đảm gìn giữ hài cốt. Sau khi họ được phong thánh, sẽ chuốc lấy nguy cơ bị phạm thượng”.

 

-oo0oo-

 

Trinh Nữ Maria được gọi là Nữ Vương các thánh tử đạo. Lòng tôn sùng Đức Maria nơi Giám Mục Cuenot có cách biểu lộ không tầm thường qua 2 sự việc mang tính lịch sử.

Năm 1844, Ngài nhận được một tài liệu về phong trào trở lại lạ lùng chung quanh Đền “Đức Mẹ Toàn Thắng” (Paris 2è). Ngày 3.12.1836, Lm Desgenettes sẵn sàng rời khỏi khu xóm đầy ác cảm này khi nhận được lệnh trời: “Hãy dâng hiến xứ đạo của ngươi cho Trái Tim vẹn sạch rất thánh của Đức Maria, Đấng che chở kẻ có tội.” Thế mà Paris, nước Pháp, cả thế giới chạy đến “Đức Mẹ Toàn Thắng”. Lm Libermann, Mẹ Javoubey sẽ đến giao phó cho Đức Mẹ các xứ truyền giáo Phi Châu. Tại sao lại không giao phó cho Mẹ, xứ Nam Kỳ nhỉ?

Giám Mục Cuenot có quen Lm Desgenettes, trước đây đã từng là Cha sở Hội Thừa Sai từ năm 1822 đến 1832.

Ngài viết thư yêu cầu Lm Desgenettes ghi tên vào Tổng Hội Đức Mẹ Toàn Thắng “xứ truyền giáo Nam Kỳ tội nghiệp này, để xin Đức Mẹ tăng thêm đức tin cho người này và ơn trở lại cho người khác, cho hàng nghìn lương dân.”

Ít lâu sau Ngài viết cho Lm Desgenettes:

“Miền Đông Nam Kỳ đã có 3 tổng hội được kết nạp (500 thành viên ở Gò Thị). Linh mục người Nam Kỳ bị chặt đầu tại Quảng Nam, ngày 30.8.1845 vì đức tin là một trong những thành viên”.

“Nếu Đức Maria ở với chúng ta, Ngài nói, khi gửi những vị thừa sai đầu tiên đến với người thượng,” sự thành công không còn là điều nghi ngờ nữa.”

Đó cũng là xác tín của Đức Grêgôriô XVI, vị Giáo Hoàng của các xứ truyền giáo. Năm 1844, Ngài hỏi các Giám Mục về đức tin của bổn đạo đối với đặc ân của Đức Mẹ: Vô Nhiễm Nguyên Tội được họ nhìn nhận từ rất lâu đời.

Ngày 14.11.1845, Giám Mục Nam Kỳ trả lời:

“Kính thưa Đức Thánh Cha, nói rằng Đức Trinh Nữ, Mẹ Thiên Chúa đã được gìn giữ khỏi tội tổ tông nhờ một đặc ân, lòng sùng kính của tín hữu chưa bao giờ nghi ngờ điều đó cả.

Học thuyết đó ngày càng có ảnh hưởng trong Giáo Hội, nhờ ơn Chúa, đã trở nên vững vàng và phổ biến vào thời chúng ta đến độ mà đã tới lúc có thể khẳng định mà không sợ lầm lẫn, lúc mà Tòa Thánh có thể thánh hiến bằng một lời tuyên bố long trọng, nhờ quyền bất khả ngộ, được chứa đựng trong Lời Chúa.. .và định nghĩa như một tín điều. Thưa Đức Thánh Cha, con xin mạn phép hiệp lời thỉnh cầu của con với thỉnh nguyện của tất cả các giám Mục khác, có được từ miệng Đức Thánh Cha lời tuyên bố long trọng ấy.”

Năm 1849, Tân Giáo Hoàng Pie IX đặt lại câu hỏi ấy từ Gaète, nơi Ngài đến ẩn náu: chủ ý của Ngài là xin Đức Mẹ can thiệp để làm lắng dịu những làn sóng khủng khiếp đang ụp xuống trên Giáo Hội.”

Théodore Cuenot rất hiểu điều đó.

Triều đại của Pie IX sẽ mở ra một thời kỳ canh tân cho các xứ truyền giáo.

Nếu chúng ta tìm phát hiện ra nơi Giám Mục Cuenot linh hồn của hoạt động tông đồ của Ngài có lẽ chúng ta sẽ tìm thấy trong các thư mục của Phaolô.

“Đức Kitô Giêsu đã đến thế gian để cứu những người tội lỗi, mà kẻ đầu tiên là tôi” [1].

“Hãy rao giảng Lời Chúa, hãy lên tiếng, lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện”[2]

Trong các thư của mình Phaolô sử dụng 36 lần từ “cứu độ” “được cứu” và ở “Nhà Tĩnh Tâm” Lm Receveur đã chia sẻ với môn đệ mình, lòng yêu mến thánh Phaolô với “những tư tưởng hướng về vĩnh cữu”.

Giám Mục Cuenot đã luôn trung thành với tinh thần của các linh mục ở “Nhà Tĩnh Tâm” đã mở cửa đón Ngài năm 1823.

 

NGƯỜI ĐỀ XƯỚNG
MỘT HÀNG GIÁO PHẨM ĐỊA PHƯƠNG

 

Thông tư của Thánh Bộ Truyền Giáo gửi các “Giám Mục Tông Tòa” đầu tiên là “không tiếc bất cứ công lao khó nhọc nào để dạy dỗ người bản xứ và đào tạo một vài người để trở thành linh mục”. Đó cũng là một trong những mục tiêu đặc biệt mà Hội Thừa Sai đề ra khi được thành lập. Chuẩn bị một hàng giáo phẩm bản xứ, đó là phương tiện duy nhất bảo đảm cho tương lai các giáo đoàn ở Châu Á.

Để đạt được mục tiêu đó, cần phải xây dựng tại chỗ một chủng viện cho các xứ truyền giáo ở Châu Á. Năm 1668, một trong những linh mục đầu tiên được chủng viện Ayuthia đào tạo (thủ đô Nước Xiêm, Thái Lan bây giờ) là Lm Giuse Trang, một thầy giảng người Nam Kỳ 28 tuổi, người đã đau khổ nhiều vì đức tin.

Bị chiến tranh và các cuộc bắt đạo buộc phải dời chỗ 14 lần “chủng viện chung” nay cuối cùng đã tìm được một bến bình yên ở đảo Pinang, trong quần đảo Malaisia, được nhường lại cho người Anh năm 1786. Chính Lm Claude Létondal, một người xuất thân từ Franche-Comté đã tìm liên lạc với họ để xin đặt chủng viện. Cho đến chết, Lm Létondal đã cật lực làm việc để cho chủng viện này sống còn. Số chủng sinh là 25 năm 1822 và 154 năm 1848.

Có thể nói là Théodre Cuenot hơn ai khác đã sốt sắng hưởng ứng gửi “học sinh” của mình đến Pinang để nhắm đến chức linh mục. Vì nhu cầu: các chủng sinh trong thời gian học hành phải được tránh xa cuộc bách hại. Vì thận trọng: Ngài biết rằng một linh mục bản xứ đi đứng dễ dàng, trong khi mà một bộ mặt “tây” rất dễ bị phát hiện. Vì công cuộc truyền giáo: Ngài nhìn thấy ở đó tương lai của Giáo Hội địa phương.

Chúng ta còn nhớ, Tháng 3 năm 1835, Étienne Cuenot chạy trốn sang Xiêm và sau một cuộc vượt biên rất nguy hiểm, đã gửi đến Pinang “7 chú học sinh, những người từ 30 đến 40 tuổi, nhân đức, nhưng không thạo tiếng La-tinh”. Mỗi năm, Ngài tiếp tục gửi đến Pinang những học sinh người Nam Kỳ, và đã thắc lưng buộc bụng vì họ, Ngài viết cho vị Giám Đốc Chủng viện “Nếu các khoản trợ cấp dành cho Chủng viện không đủ để nuôi ăn cho các học sinh, chúng tôi sẽ tiếp viện. Tôi đã bàn đến chuyện này với anh em thừa sai.Tôi chấp nhận nếu cần, sẽ thắt lưng buộc bụng để nuôi những học sinh của chúng tôi. Bổn đạo người Nam Kỳ, dù nghèo mạt kiếp, sẽ không từ chối san sẻ cơm gạo với chúng tôi.”

Năm 1839, có 39 học sinh mới được gửi đến Pinang. Có thiếu chỗ không? Ngài viết cho Giám Đốc:

“Có một cách sữa chữa, đó là xây cất thêm. Nếu thiếu phương tiện, các anh hãy chạy đến cầu cứu Hội Thừa Sai Paris, họ sẽ thương đến một ngôi nhà đang sụp đổ.”

Hai mươi năm sau, thư gửi Ban Tư Vấn Thánh Bộ Đức Tin:

“…Hơn 20 năm kinh nghiệm, chứng minh rằng phương tiện duy nhất để cho đạo phát triển ở Nam Kỳ, là tăng cường hàng ngũ các linh mục bản xứ.. .ơn gọi không thiếu: nhiều thanh niên chuẩn bị và chúng tôi chỉ nhận chưa đầy phần nửa. Cái mà chúng tôi thiếu là một trường học để đón tiếp họ và trợ cấp để nuôi dưỡng họ.”

Các con số quả là hùng hồn: 8 chủng sinh năm 1840; 12 năm 1841; 18 năm 1844; 14 năm 1846; 16 năm 1847; 13 năm 1848, cách nào mà Chủng viện bao gồm tất cả là 122 chủng sinh người Nam Kỳ.

Trong bức thư hằng năm gửi Giám Mục Besanẹon GM Matthiêu, Giám Mục Nam Kỳ thường đề cập đến ưu tiên đó: Tháng 2. 1849:

“Chúng tôi chỉ còn 5 thừa sai người Âu, kể cả tôi và khoảng 20 linh mục bản xứ đang làm việc. Phục vụ cho 80.000 giáo dân đối với một nước dài 400 dặm[[2]] và rộng từ 15 đến 20 dặm. Người ngoại sẽ trở lại hàng ngàn người nếu có ai lo cho họ.”

Ngày 31.1.1844:

“Con không thấy người Besanẹon dẫn bước đi truyền giáo. Có phải cái chết của các vị Gagelin và Marchand đáng kính làm cho họ sợ chăng? Con không dám giả thiết điều đó. Có biết bao nhiêu linh hồn để cứu vớt: Biết bao điều tốt lành có thể làm được trên những vùng đất rộng lớn này, nơi mà chỉ có quỷ cầm vương trượng.”

Không phải học sinh nào cũng đi tới chức linh mục cả. Một số trở thành thầy giảng, họ cũng không thể thiếu được cho mục vụ. Vô phúc thay cái chết cướp đi những người xuất sắc nhất. Năm 1851, Giám Mục Cuenot ghi nhận trong bảng phúc trình về tình trạng của giáo phận:

“Một trở ngại lớn cho việc truyền bá đức tin là thiếu thợ. Phải mất nhiều năm để đào tạo một linh mục. Có hàng nghìn chướng ngại phải vượt qua và điều xảy ra khá thường xuyên là đến lúc sắp truyền chức cho một thanh niên, thì cái chết đến hái mất không thương xót và cướp mất hoa trái của bao nhiêu công lao chăm sóc. Linh mục trẻ chết nhiều hơn linh mục già hầu hết chết vì kiệt sức”.

Hàng giáo phẩm địa phương, sẽ là nỗi ám ảnh của vị Giám Mục, mãi đến cuối đời Ngài: trước khi bị bắt, Ngài lệnh cho cộng sự viên của Ngài là Lm Herrengt, cho học sinh tẩu thoát. Còn Ngài thì ở lại tại chỗ.

Trong thời gian làm Giám Mục, Ngài đã truyền chức cho 56 linh mục, hầu hết rất xứng đáng: trong số đó 15 vị đã bị giết trong đợt bắt đạo 1860-1861.

Đúng vậy, chất lượng cũng quan trọng không kém số lượng. Ngài viết cho vị Giám Đốc:

“Ưu tư thứ nhất phải là lòng đạo: Hãy nuôi nấng lấy bằng cầu nguyện và đọc sách. Ưu tư thứ hai là kiến thức, để các linh mục có uy tín trên đồng bào của họ.”

Ngài còn muốn mở rộng công việc học hành. Năm 1848 thêm vào môn la-tinh và thần học, có toán, sử và địa, và có học chữ nho nữa.

Nhưng đào tạo để làm mục vụ là ưu tiên. Thế nên trong thời gian học thần học được xen kẽ những thời gian đi tập sự: bằng cách đó cũng như các Giám Mục thừa sai khác, Ngài đã dẫn trước các phương pháp rồi đây sẽ được áp dụng bên Pháp một thế kỷ sau. Một trong những vị thừa sai của Ngài nói:

“Theo những lời căn dặn của Ngài, các thừa sai người Âu mà cơn bắt đạo bắt buộc phải trốn tránh, sẽ biến nơi ẩn cư của họ thành một vườn ương cây gieo giống ơn gọi linh mục: mỗi người quy tụ chung quanh mình một số học sinh. Những học sinh giỏi nhất sẽ được gửi đến trường Pinang và sau 7-8 năm học, sẽ trở về bắt đầu dưới sự hướng dẫn của Giám Mục họ một nhà tập để có kinh nghiệm, ôn lại môn thần học áp dụng cho nhu cầu của đất nước và cả một loạt mục vụ và thử thách là lối chuẩn bị tốt nhất để lãnh chức linh mục.”

Ngài có nghĩ đến việc thiết lập một hàng giáo phẩm địa phương bằng cách chọn một Giám Mục người Nam Kỳ không? Chúng ta có thể trả lời là không, mặc dù Giáo Hoàng Grêgôriô XVI, năm 1845 đã kêu gọi trong hướng đó. Không một linh mục nào của Ngài đã sẵn sàng cho chức vụ đó. Sau đây là hai chủ trương của Ngài mà những người thân cận không ngớt mỉm cười nhắc đến:

“Cho dù một thừa sai người Âu, chỉ suốt đời ngồi trong hầm tối, không làm gì ngoài việc lần hạt, và đọc thần vụ, nguyên sự hiện diện của vị ấy giữa những Kytô hữu sẽ có ích, để kiểm tra và hướng dẫn hàng linh mục bản xứ, những người này khi bị buông ra sẽ thiếu sáng kiến, và cũng để hiệp thông trong cùng những hiểm nguy những đau khổ chịu đựng vì đức tin.”

Và câu châm ngôn sau đây tóm lược được tư tưởng sâu thẳm của Ngài: “Lạt mềm mà buộc chặt.”

Linh mục Việt-Nam đầu tiên được phong Giám Mục là cho giáo phận Phát Diệm năm 1933. Có nên trách Giám Mục Cuenot vì sự chờ đợi lâu dài ấy không? Tốt hơn chỉ cần nghe sự đánh giá của Giám Mục Paul Seitz Giám Mục Kontum (Đồng bào thượng) cho đến khi bị trục xuất năm 1975.

“Mọi sự gieo mọc đòi phải có hạt được gieo xuống đúng thời điểm, và đồng thời một thời gian chờ đợi lâu dài. Thế giới này đâu có bắt đầu với chúng ta mà thôi. Rất lâu trước chúng ta, nhiều người đã làm việc trong niềm trông cậy, khi không có gì để trông cậy. Dù họ ở đâu họ hãy mừng vui. Vì chẳng hoài công vô ích đâu.”

____________________

[1] 2 Tm 4,2

[2]  1 dặm 4km

 

(còn tiếp)

GPKONTUM (09/11/2024) KONTUM