Vị Tử Đạo Người Bélieu Étienne-Théodore Cuénot Thể, Giám Mục Thừa Sai 1802-1861 (2)

 

VỊ TỬ ĐẠO NGƯỜI BÉLIEU ÉTIENNE – THÉODORE CUÉNOT

GIÁM MỤC THỪA SAI

1802 -1861

JEAN THIÉBAUD

1988

 

“Vị Tử Đạo người Bélieu Étienne – Théodore CUENOT Giám Mục Thừa Sai 1802 -1861” (1)

 

(tiếp theo 1)

 

HỘI THỪA SAI PARIS

 

Étienne Théodore Cuenot đến Hội Thừa Sai Pa-ris gọi tắt là MEP[1] ngày 23 tháng 6 năm 1827. Ngài có ghé Bélieu chia tay với Bố Mẹ không? Không, Ngài thấy viết thư tiện hơn, văn phong của Ngài thật cứng và trong vắt như pha-lê. Người nào đó đã nói rằng Ngài dùng văn như dùng dùi cui[2] , quả đúng:

“Bố thân yêu, bố hãy cùng con thốt lên: Hoan hô Thập Giá! Hoan hô sự lầm than cùng quẫn! Hỡi tử thần, hãy đến đưa chúng ta về thiên đàng.Trong lúc chờ đợi thì hỡi hỏa ngục, liệu hồn đấy! Bố Mẹ thân yêu, con yêu thương Bố mẹ quá để cầu chúc cho Bố Mẹ những của cải và lạc thú của thế gian. Chúng ta được tạo dựng nên để ấp iu và trò chuyện về những sự trên trời chứ không về những chuyện dưới đất.Không gì cản trở con cứu lấy linh hồn mình..Về phí Bố Mẹ cũng đừng quên đến phần rỗi của bản thân.Bây giờ con chỉ mới lên Paris thôi. Con cần phải học về y tế hoặc một nghề nào đó trước khi đi đến các nước truyền giáo. Cách nào mà rồi đây con sẽ học nghề rèn, nghề đóng xe, nghề đóng giày, hoặc nghề may. Chúng ta hãy cầu nguyện để ngày ra đi của con không quá chậm trễ”.

Con muốn rằng khi Bố mẹ nghe con tử đạo, Bố Mẹ sẽ vui mừng như trong một ngày đại lễ. Nếu Bố Mẹ còn muốn biết đến ý muốn của con, con xin tuyên bố dứt khoát, nó là thế đó.”

Hôm trước ngày lên đường, Ngài lại chắp bút viết thêm những dòng đầy tình âu yếm sau đây, như một chúc thư: “con xin gửi cho mỗi người một bức ảnh. Bố thân yêu, con gửi cho Bố ảnh chuộc tội bằng gỗ mà con đã từng đeo trên ngực bốn năm sau này và trên đó con đã thường đặt môi hôn. Bố hãy mang lấy ở cổ. Mẹ yêu dấu thì đã có một ảnh khác đáng giá hơn, do xuất xứ và thâm niên của nó. Bố Mẹ hãy cho con gửi lời biết ơn đến cô Jeanne-Baptiste.”

Con người miền núi đáng gờm là thế đó. Dù thời đại và tính tình của người vĩnh viễn dấn thân trong ơn gọi, là thế nào chăng nữa, thì đó luôn luôn vẫn là sự hy sinh của Áp-ra-ham như một vị Thừa Sai thời chúng ta, khuất núi quá sớm đã viết:

“Khi mình đã quyết định ra đi tìm Chúa, thì phải chuẩn bị hành lý như Áp-ra- ham, thắng yên ngựa và lên đường. Vĩnh biệt hết mọi sự mà cũng chẵng vĩnh biệt gì cả. Chẳng vĩnh biệt gì cả, vì thế giới mà ta rời bỏ vẫn luôn luôn sát sườn chúng ta, trong chúng ta, đến hơi thở cuối cùng. Vĩnh biệt tất cả, vì khi ra đi tìm sự tuyệt đối, chúng ta tuyệt giao với tất cả những gì có thể làm chúng ta xoay phía khác[3].

Trong thời gian bảy tháng ở Paris, chắc chắn Étienne Cuenot không đủ thì giờ để học hết mọi nghề. Nhưng điều Ngài tậu được quý hơn nghìn lần. Ngài đào sâu căn cước của vị Thừa Sai.

1. “Vị tông đồ truyền giáo” đó là danh xưng dành cho các linh mục thừa sai Paris; các Giám Mục là các vị “khâm sứ Tòa Thánh”. Có nghĩa họ được Roma trực tiếp gửi sang, chỉ thị là do Thánh Bộ Truyền Giáo ban hành.

Hội do đó không phải là một dòng tu. Thái độ bản sắc không thay đổi, chính là sự quy chiếu với những tập quán và cách sống của Giáo Hội sơ khởi, vào thời phúc âm hóa đầu tiên hơn là với một thế kỷ hay một tinh thần nào đặc biệt.

2. Hội ra đời trước hết là nhằm đào tạo một Giáo Hội và một hàng giáo phẩm bản xứ, bất cứ nơi nào Hội được gửi đến. Khi nghe những lời chỉ dẫn của Lm Langlois, người thỉnh sinh thừa sai khám phá ra những phương hướng có lẽ chưa biết tới đến nay:

“Lý do chính khiến Thánh Bộ Truyền Giáo gửi anh em đến trong miền đó, là để anh em đảm đương, bằng mọi phương tiện và phương pháp cần thiết, việc giáo dục giới trẻ, cách nào để giúp họ có khả năng tiến tới chức linh mục”.

Hội được thành lập ở Rue du Bac Paris từ năm 1684.

Thế đó, chính Lm Langlois[4], vị Bề trên, tiếp đón Étienne Cuenot.

Qua các bậc thầy của mình, Étienne Cuenot đã hiểu được trực giác của các vị thành lập các giáo đoàn, có tầm cỡ: Đức Gm Lambert de la Motte, Pallu, Laneau, Vị linh mục hiểu bằng sự thông minh của con tim sự đánh cuộc cả đời mình: sự phát triển của một Giáo Hội địa phương đã sinh thành; và những đức tính nơi một người thợ Tin Mừng: đức ái của các tông đồ và sự thận trọng. Ngài nhận sứ mệnh phục vụ một trong những giáo phận nhiều thử thách nhất: Miền Nam Nước Annam.

 

TỪ PARIS ĐẾN MIỀN NAM ANNAM

 

Chúng ta hãy cùng với Lm Cuenot nhanh chóng đi tới đích:

– Ngày 28.1.1828, Ngài rời khỏi Paris đi Bordeaux cùng với một bạn đồng Hội.

– 25.3 cùng với anh bạn và 3 người khác, xuống một chiếc tàu đi buôn ở cửa Sông Gironde.

– 3.4 Tàu ra khơi.

– 10.4 Đi ngang Madère, ở phía tây xứ Ma-rốc.

– 13.4 Đối diện với Ténériffe (quần đảo Canaries – Tây Bắc Xahara).

– 10.7 Tàu thả neo ở vũng tàu Batavia (Djakarta ngày nay). Hành khách xuống đảo Java nơi định cư của những người Mã-Lai Hồi Giáo. Có nhiều người Hà Lan.

“Cha sở Batavia, Lm Prince, đại diện Tòa Thánh ở Java và Sumatra tiếp đón chúng con và giữ lại suốt một tháng, giá cả thực phẩm đắt đỏ nên chắc chắn Cha sở đã phải tốn phí một số tiền khổng lồ để trang trải.”

– 7.6 Ngài lên một chiếc tàu thủy Bồ-Đào-Nha, đó là một chiếc tàu lớn: tàu sẽ băng Biển phía Nam Trung Quốc, trực chỉ Macao, lãnh thổ Bồ phía Nam Trung Quốc, nằm ven biển. Biển động mạnh và vì có nhiều rủi ro (7 người chết bệnh, 1 do tai nạn) nên đã mất hết 40 ngày từ Batavia đến Macao.

– Giữa tháng 10 cập bến Macao. Đây là căn cứ của các điểm truyền giáo ở phía Đông Ấn-Độ nhân vì sự “bảo trợ” của Nước Bồ do Roma đặt để. Phải chờ mãi đến năm 1622, nhằm dành cho Giáo Hội được tự do hành động mà hướng dẫn các xứ truyền giáo nhiều hơn, Đức Grê-gô-riô XV đã thành lập “Thánh Bộ Truyền Giáo”, nhưng đã phải mất nhiều thế kỷ mới thực hiện được sự độc lập đó.

Chúng ta hãy nghe Étienne Théodore Cuenot kể tiếp cuộc hành trình trong một bức thư gửi cho Bố Mẹ ngày 25.11.1829, viết từ Miền Nam xứ An-nam:

“Con ghé lại Macao 7 tháng. Ở nhà Cha Tổng Quản Lý các xứ Truyền Giáo; có 5 anh bạn cùng Hội, toàn là những vị thừa sai trẻ. Cha quản lý là một người xuất xứ ở Franche Comté Besanẹon ( Jean Baroudel). Thêm vào đó, ở Ma-cao có 4 vị thừa sai trẻ như chúng con, hai người Ý và hai người Tây Ban Nha. Vào tháng 5.1829 bốn người trong chúng con lên một chiếc tàu Trung Quốc trực chỉ miền Bắc xứ An-nam, xuýt nữa chúng con bị ba ông quan bắt, nhưng chúng con đã tẩu thoát được. Con đã để lại các bạn ở đây, và đi tiếp xuống miền Nam, mục đích của cuộc hành trình của con. Con đã phải băng qua cả miền Bắc, như thế này: ban ngày, người ta gánh con trong cái võng treo ở chiếc đòn gánh do 2 người khiêng. Người ta đậy chiếu lên trên để tránh những cặp mắt tò mò vì ở miền Bắc cũng như ở miền Nam, các vị thừa sai là đồ quốc cấm và là đồ lậu. Khi đến một xứ đạo, người ta đưa con vào một ngôi nhà, đặt con trên một cái phản cao khoảng 3 tấc, ngồi xếp bằng và tiếp nhận những lời chào hỏi cùng nghe những bài diễn văn của các giáo dân, mà con chẳng hiểu được chữ nào cả. Sau đó Bố Mẹ đừng tưởng là con được thoải mái đâu nhé.

Phòng bè trong đất nước này tuồng luông, mở ra dưới mắt mọi người, và ở mỗi ô cửa đều có người dòm ngó. Con hoàn toàn như một pho tượng mà người ta kiệu đi: đến một nơi nào, người ta đặt nó trên bàn và “nó” ở lại đó cho đến lúc người ta kiệu “nó” đi tới nơi khác. Con đã đến miền Nam, địa điểm truyền giáo của con nay đã là ba tháng. Con chưa biết tiếng An-nam nhưng cũng biết đủ để người ta hiểu con và có lẽ trong trường hợp tối cần con cũng có thể ngồi tòa. Con hy vọng sẽ giảng được sau 2 hoặc 3 tháng học thêm nữa. Bố Mẹ cũng đừng nghĩ là con đang lưu lại giữa một dân tộc bán khai đâu. Rõ ràng là tập quán ở đây rất khác với tập quán của chúng ta.. .cách hay nhất là chúng ta thích nghi tối đa. Bố Mẹ có muốn biết cách ăn mặt của con hiện nay không? Vì con đã thay đổi nhiều lần. Trên chiếc tàu người Hoa con ăn mặc như người Hoa. Cái lạ nhất là lúc bấy giờ con cạo trọc đầu chỉ chừa tóc ở chỏm đầu. Con đã cột vào chỗ tóc đó một đuôi tóc dài đến bắp chân – đội lên đó một cái mũ chỏm, tay cầm quạt như các bà và miệng ngậm một ống điếu dài bốn năm tấc. Đến đây, đuôi tóc mũ chõm biến mất hết, và thay vào đó con đóng khăn, như một tên Thổ-Nhỉ-Kỳ vậy. Không còn bít tất giày dép mà đi chân đất.Vài hôm nữa con sẽ lên đường đi xuống tận đầu kia đất nước. Con còn phải vượt hàng ngàn cây số nhưng sẽ đi bằng thuyền. Vĩnh biệt Bố Mẹ, nếu được nhờ Bố Mẹ chuyển bức thư này cho cô Jeanne – Baptiste, mà con coi như người mẹ thứ hai của con. Cho con gửi lời thăm cô bác, anh chị em. Hôn Eugène hộ con. Con mong chú bé sẽ trở nên một Kytô hữu tốt”.

Étienne kể thêm một giai đoạn là dịp để dâng lên Thiên Chúa những của đầu mùa trong đời sống thừa sai:

“Trong thư con đã bỏ qua một câu chuyện lý thú. Từ Batavia đến Macao, chúng con mất hết 8 mạng, trong số đó chỉ có một người, ông trưởng đoàn thủy thủ là có đạo. Con đã ban các bí tích cho ông. Nhưng con cũng đã được hạnh phúc rửa tội cho một người khác. Đó là một người Ấn, thủy thủ, đã có học đạo trước đó, mà chưa chịu phép rửa tội. Khi anh ta đang hấp hối, người ta đến trình với chúng con. Con đi thăm anh, anh mong được rửa tội. Con đã tiến hành, và ngày hôm sau anh ấy tắt thở. Cũng trong chuyến vượt biên đó, con cũng có dạy đạo cho một người da đen, một nô lệ cũ ở Bourbon, và hy vọng rằng sẽ rửa tội cho y ở Macao. Nhưng y đã lui tới giao du với những người bạn xấu nên đã chuồn mất. Con mong rằng những gì y đã học được sẽ không vô ích cho bản thân y”.

_______________________

[1] MEP = Missions étrangères de Paris.

[2] Christian Simonnet.

[3] Y. Raguin trong “Đường chiêm niệm”

[4] Được gửi qua Miền Bắc Annam năm 1792, Lm Langlois được gọi về, nơi đây Ngài đã phục hưng lại “Hiệp Hội cầu nguyện và làm việc từ thiện cho sự cứu rỗi của những người ngoại giáo”.

 

(còn tiếp)

GPKONTUM (02/11/2024) KONTUM