Vị Tử Đạo Người Bélieu Étienne-Théodore Cuénot Thể, Giám Mục Thừa Sai 1802-1861 (5)

 

VỊ TỬ ĐẠO NGƯỜI BÉLIEU ÉTIENNE – THÉODORE CUÉNOT

GIÁM MỤC THỪA SAI

1802 -1861

JEAN THIÉBAUD

1988

 

“Vị Tử Đạo người Bélieu Étienne – Théodore CUENOT Giám Mục Thừa Sai 1802 -1861” (1)

“Vị Tử Đạo người Bélieu Étienne – Théodore CUENOT Giám Mục Thừa Sai 1802 -1861” (2)

“Vị Tử Đạo người Bélieu Étienne – Théodore CUENOT Giám Mục Thừa Sai 1802 -1861” (3)

“Vị Tử Đạo người Bélieu Étienne – Théodore CUENOT Giám Mục Thừa Sai 1802 -1861” (4)

 

(tiếp theo 4)

 

MỤC TỬ CỦA MỘT ĐÀN CHIÊN BỊ DÀY XÉO

Đức Gm Cuenot có một ơn gọi đặc biệt: làm mục tử của một đàn chiên bị nanh vuốt của Minh Mạng dày xéo, sự chà đạp dày xéo này ngày càng ác liệt cho đến ngày bạo chúa chết, ngày 20.1.1841. Đứng trước tính cương nghị, khí khái tâm hồn của vị Giám Mục này, có thể nhắc lại những lời sau đây của Gioan Kim Khẩu ca ngợi Phaolô: … “bạo chúa, quân hung rợ.. .Ngài coi như ruồi muỗi; cái chết điêu linh, tù tội như trò vặt vãnh của trẻ con”, khi mà Ngài phải đau khổ vì Đức Kitô. “Tất cả nhờ Thập Giá” câu châm ngôn đã kế thừa từ cô Jeanne-Baptiste và từ cha Receveur, đã thấm nhập vào Ngài hoàn toàn.

Để đọc dễ dàng hơn các biến cố diễn ra giữa các năm 1838 và 1840, chúng ta sẽ phân biệt năm đợt sóng vỗ đã vùi lấp Giáo Hội Nam Kỳ cùng vị Giám Mục của mình. Năm đợt sóng nhưng vỗ cùng một lần, trong một bầu khí giông bão.

Cuộc Tử Đạo của những người ANH EM và CỘNG SỰ VIÊN.

Từ mấy năm nay, Lm. Franẹos Jaccard [1] bị quản thúc tại Huế, làm “công tác dịch thuật” giữa bốn bức tường nhà tù, ngày càng khép lại. Gm. Cuenot sẵn sàng làm mọi sự để giữ lại người bạn quý hóa này; và khuyên cha vượt ngục. Vị này từ chối: Ngài sợ sự trả đũa trên các bổn đạo và thậm chí “các quan lại ở Cam Lộ cũng sẽ phải mất đầu về việc trốn ngục của con, con áy náy nếu đã gây ra bao điều khốn khổ cho những người không hề hại con.Họ biết là con có những liên lạc với bên ngoài nhưng vẫn nhắm mắt làm ngơ và đã xử sự nhân đạo với con”. Cuộc hành hình của Lm. Jaccard và một thanh niên 18 tuổi, có đạo ngày 21.9.1838 làm trái tim vị mục tử nát tan. Một đám đông bổn đạo cùng ngoại giáo rụng rời đã đến pháp trường chứng kiến cuộc hành hình.

Khi những thừa sai mới từ Pháp đến để thay thế những vị tử đạo, Giám Mục “liền lo nơi ẩn nấu cho họ”. Tuy vậy Ngài viết: “Lm. Candals mới đến lúc đầu năm, đã bị tố giác, lùng bắt và buộc phải trốn vào rừng, nơi đó Ngài đã chết vì bệnh sốt rét. Cũng thế, Lm. Vialle đã phải trốn vào rừng, vì bị người ngoại giáo truy nã và chúng tôi rất ít hy vọng được gặp lại Ngài. Trên toàn bộ đất nước, Nam Kỳ và Bắc Kỳ, tất cả các thừa sai và linh mục đều bị tố cáo và truy nã gắt gao theo lệnh của nhà vua. Phần thưởng được hứa ban cho ai tóm được họ, còn hình phạt chắc chắn sẽ dành cho ai thiếu nhiệt tình lùng đuổi họ.

Vua cũng đã “chiếu cố” một trật đến các thầy giảng và các tân tòng cũng chịu một số phận như nhau: “Năm ngoái hai mươi hai vị đã dành được vinh dự tử đạo” (1838) và một người trong số họ, trưởng làng, đã để lại trong biên niên sử của Giáo Hội những nét đẹp nhất, vững vàng nhất và cảm động nhất, đã nói với mỗi học sinh người Nam Kỳ mà ông đã cho tá túc trong nhà mình: “bây giờ, đoạt được Thiên Đàng thì cũng dễ thôi.”

Ông biết tình thế của mình thật nguy kịch: “Dù có bị tố giác chăng nữa, chúng ta sẽ bám vị trí, như chúng ta phải làm, với lý do đơn giản là cũng chẳng còn biết đi đâu nữa.”

 

SỰ CÙNG QUẪN NGHÈO KHỔ

Vẫn năm đó, 1838, những “phương tiện giúp đỡ” từ Nhà Quản Lý của Hội bên Hong Kong hoặc từ Pháp, đã không tới được.

“Chúng tôi thiếu hết mọi sự: rượu và nước để dâng lễ, sách cho các linh mục và học sinh. Anh em ở Bắc Kỳ từ lâu cung cấp hết mọi sự cho nhu cầu cấp bách nhất của chúng tôi. Nhưng chính họ cũng đang bị đe dọa thiếu những thứ nhu yếu đó. Trong hai năm vừa qua tôi đã vận động đủ cách với những người Trung Hoa đến buôn bán ở đây để mở đường giao thông trực tiếp với Quảng Đông và Macao nhưng không thành công: họ sợ bị liên lụy. Tôi xin các cha gửi tượng ảnh các chặng đàng Thánh Giá kha khá; chúng tôi sẽ sử dụng để cỗ vũ bổn đạo phạt tạ Thánh Giá, dấu chỉ của sự cứu độ chúng ta”.

Vài tháng sau, Ngài viết: “ Đồ đoàn của các địa điểm truyền giáo bị quăng xuống sông Bắc Kỳ, trước khi tới trạm thuế quan: trong những tình thế nguy kịch, bổn đạo đã không kịp nghĩ đến cách bốc dỡ hàng từ những chiếc ghe chở đến. Năm nay, “tiền lương” đã bị những người chở đến quăng xuống biển. Do đó chúng tôi vẫn bị đe dọa “treo chém” vì thiếu vật dụng cho thánh lễ. Và hoàn toàn không có thư từ. Từ khi về lại Nam Kỳ, tôi không hề nhận được thư các cha hoặc từ Roma. Thậm chí hơn hai năm nay, tôi không được tin tức gì của Đức Cha Taberd cả (là Giám Mục Nam Kỳ mà Ngài là phụ tá với quyền kế vị). “Trong hai cuộc hành trình của một trong những học sinh, vào tháng 2 và tháng 8 năm 1837, chúng tôi đã mất thư từ và hơn 3.000 đồng. Phần lớn đồ đoàn đã bị cướp trên biển. Cậu ấy chỉ còn đủ tiền để trả tiền ghe.. .nhưng cuối cùng thì “ước gì danh Chúa được chúc phúc!.”

 

MỘT LƯƠNG TÂM BỊ XÂU XÉ

GIỮA ĐỨC VÂNG LỜI VÀ SỰ THÍCH NGHI

Đức Giám Mục Cuenot đã được tập dượt làm quen với sự nghiêm khắc: đó là lối giáo dục Ngài đã nhận được, đó cũng là tính tình của Ngài. Ngài luôn ưu tư ăn khớp với những quyết định của Roma và với những thói quen hiện hành về phụng vụ. Nhưng trong thời bách hại, khó lòng mà giữ các luật lệ hiện hành bên Tây Phương vào thời bình. Ngày nay chúng ta có thể ngạc nhiên về những điều mà lương tri của Ngài yêu cầu, mà Ngài xét cần lệ thuộc cho quyết định của Tòa Thánh.

-Xin phép cho linh mục được dâng lễ ban đêm.

-Làm lễ âm thầm, vì sợ hàng xóm và anh em giả nghe.

-Miễn kiêng thịt đối với bổn đạo dự những bữa tiệc nhân những ngày lễ hội trong nước “điều đó làm cho cái ách tôn giáo trở nên quá nặng nề đối với những tín hữu và khiếp đảm đối với dân ngoại”.

-Làm phép bàn thờ xách tay mà không có xương thánh.và quan trọng hơn nữa:

-Nâng lên hàng giáo phẩm, với tư cách là xứ truyền giáo, những ai chỉ biết đọc tiếng la-tinh”

Tòa Thánh trả lời: đồng ý “với điều kiện là những linh mục đó phải làm hết sức để từ từ học được thứ tiếng đó.”

Giám Mục Cuenot giải thích chi tiết những lý do để xin miễn giữ chay và kiêng thịt: đó là tập quán vào những ngày mà việc thờ cúng tổ tiên bắt buộc dâng thức ăn béo; sự dối láo của những người lén lút vi phạm luật Giáo Hội; cuộc bách hại đòi người Kytô hữu không gây thêm khó chịu đối với người ngoại giáo: nguy cơ bị phiền trách và gây chú ý mình là người có đạo.

Ngày nay những con người đủ màu da, văn hóa được mời vào Tòa Thánh. Từ thời đó đến nay đã phải vượt một dặm đường dài.

 

ƯU TƯ VỀ TƯƠNG LAI CÁC GIÁO ĐOÀN

“Con không biết Thiên Chúa dành cho mình điều gì, nhưng đôi khi, con lo sợ rằng ở Nam Kỳ, đạo sẽ chịu cùng một số phận như ở Nhật Bản”.

Mấy hàng trên gửi cho Lm. Bác, ông Cuenot ở Besanẹon năm 1839 bộc lộ một trong những ưu tư lớn của Gm Cuenot, không những cho Nam Kỳ mà thôi mà cả cho Bắc Kỳ nữa. Một giáo đoàn không có giám mục là một giáo đoàn sớm muộn gì cũng tan rã.

Về hai địa phận Bắc Kỳ, Ngài viết về Roma:

“Con khẩn khoản nài van các Ngài gửi đến cho các địa phận trên, những mục tử có chức giám mục.. .Thậm chí con còn van xin thêm, nên chỉ định hai thừa sai khác, với quyền kế vị đề phòng trước một cái chết kề cận và sau cùng là ban cho vị đại diện Tông Tòa của miền Tây Bắc Kỳ khả năng tự mình lựa chọn Đấng kế vị của mình .”

Trong hy vọng đó Ngài viết thư cho Hội Thừa Sai ở Paris đề nghị một vài tên tuổi. Ví dụ Lm. Retord Lefebvre.Ngài yêu cầu là sự lựa chọn phải sáng suốt: “Điều đó cũng đủ để nói lên rằng chỉ nên gửi qua đây những người thận trọng và con dám xin, những con người rất mực kiên nhân”.

Tương lai của các giáo đoàn ư? Nếu phải tiên liệu một cách thông minh, nhưng cũng cần phó mặc không kém cho ơn Chúa:

“Do đó, hãy yêu cầu những thanh niên trong Hiệp Hội Truyền bá đức tin cầu nguyện cho những cánh đồng truyền giáo đau buồn của chúng tôi. Ôi ! Nếu những Kytô hữu bên Châu Âu có thể biết được những đau khổ và lầm than to lớn đang trút lên đầu anh em Châu Á của họ, họ sẽ mau mắn biết bao để hợp tác dâng lên Trời lời cầu nguyện sốt sắng cho họ”. (Thư viết ngày 19.1.1839 gửi về Hội Thừa Sai Paris).

 

MỘT ĐỜI SỐNG CÁ NHÂN ĐẦY THỬ THÁCH

Ngày 13.5.1839, Ngài viết hai bức thư cho thân nhân. Một bức thư chia buồn với Bố, vì Ngài mới được tin “Mẹ rất thân yêu” đã qua đời. “Mẹ chỉ đường cho chúng ta” tiếp đến là một đoạn suy niệm về cái chết của người Kytô hữu: “Nếu ngày nào Bố được tin con đã ngã ngục dưới nanh vuốt của những người bách hại, Bố đừng buồn, trái lại hãy vui mừng và hãy tạ ơn Chúa đã ban cho con hồng ân cả thể đó.”

Bức thư kia gửi cho Lm. Cuenot, (Giám đốc chủng viện từ 1838): thư này cho thấy cuộc đời thường nhật của Ngài ra sao: Ngài nói đến với một giọng hài hước ngược hẳn với những lời cảnh báo nghiêm túc gửi về Paris và Roma:

“Trong thời gian náo động năm ngoái, con vẫn sống bình thản trong họ đạo nhỏ trên núi trong tỉnh lỵ và bây giờ như vậy là đã một năm. Nhưng phải sẵn sàng đi nơi khác và con thật lúng túng để tìm được một gia đình khác đồng ý và có thể nhường lại cho con một góc trong chiếc lều tranh của họ. Theo đuôi con là ba linh mục và một chủng sinh. Con dạy họ học thần học và một (đôi khi hai hoặc ba) thanh niên theo giúp đỡ con và tùy thời giờ dành được, con dạy họ đọc viết hoặc dạy tiếng la-tinh để sau đó có thể gửi họ qua chủng viện Pinang, nếu họ thích hợp với bậc sống của chúng ta. Từ, thiếu một tháng là đầy bốn năm, con bắc chước khá tốt Đấng quan thầy nổi danh của con vị ân sĩ trên cột. Vì, ngoài những “cuộc đi đêm” con phải tiến hành để dời chỗ ở, con lưu lại trong góc nhà tồi tàn của con ngày và đêm, và nếu không có việc quan trọng, không ai được đến đó. Và chỉ sau hai đến ba ngày chờ đợi để chợp được lúc thuận tiện, thì mới gặp được con….Xin cha hãy bỏ qua những chi tiết đó viết lên để cho đỡ buồn và có được một ý niệm về tình thế của con. Đức Cha (Taberd) vẫn còn ở ngoài.”

oo (0)oo

Mùa thu năm 1839.Thay vì lắng dịu, sau hai mươi năm trị vì chuyên chế bạo ngược, Minh Mạng lại bày ra một chiến lược mới: làm cho thần dân của mình quay lưng lại với Kytô giáo bằng thuyết phục. Nếu họ thông nho, được soi sáng về việc tôn thờ thần bảo hộ, thì hẳn họ sẽ phục hồi lại truyền thống. Qua sắc lệnh được ban hành ngày 3.10.1839, ông lệnh cho mỗi làng dựng lên những miếu đình để thờ ông bà: các nhà nho sẽ giải thích cho dân chúng những nghi lễ và ý nghĩa của chúng. Tóm tắt, sau đây là điều mà họ phải nói: “Ông Giêsu, tác giả của tôn giáo các ngươi, là một người từ một xứ xa xôi đến, không cùng chủng tộc. Nếu mà xác nhận được rằng tôn giáo của ông ấy dạy trung với vua, hiếu với cha mẹ và đồng tình huynh đệ giữa anh em, thì nào ai có cấm các ngươi học đòi? Nhưng tôn giáo này của ông Giêsu bị đóng đinh lại dạy những điều ngược lại với lệnh vua và không đem lại một lợi ích nào cho ai đi theo.” (kế đến là những ví dụ về các vị tử đạo, trong đó có cha Du và ngược lại một bổn đạo đã chà đạp Thánh Giá). Tháng 7.1840 là kỳ hạn đã được ấn định. Sau đó người ta sẽ thẳng tay trừng phạt các bổn đạo ngoan cố và các quan lại lơ là chểnh mảng.

Đúng thế, mọi phương tiện đã được vận dụng để áp dụng sắc lệnh.

Đức Giám Mục nói: “ Những tên gián điệp được gài lại ở Manilla, Macao, Quảng Đông, Batavia, Xinh-ga-po, vv.Thường là những quan bị “thất sủng” họ phải lưu lạc tha phương một, hai, hoặc ba năm, và người ta hứa sẽ phục hồi cho họ nếu họ làm tốt công việc được giao.Nhưng nếu xảy ra tôi bị tố cáo, tôi sẽ nạp mình ngay để ngăn chặn sự truy lùng, phá phách và chối đạo. Đó là một điều dứt khoát và có lẽ để chuẩn bị tôi đương đầu với một biến cố thế đó mà Thiên Chúa gửi đến cho tôi lắm thập giá.” (Thư gửi Lm. Régéreau).

Trong khi chờ đợi biến cố đó, Gm Cuenot tiến hành công việc của mình. Một bản phúc trình đề ngày 18.11.1839 viết:

“Chỉ dụ mới được áp dụng với ít nhiều gắt gao. Trong tỉnh Bình Định nơi tôi đang ở, gồm khoản 8.000 bổn đạo, một trăm người sẽ bị nhốt vào tù để chịu tra tấn, một cực hình không tránh được, khi lệnh chia đất được ban ra. Ở Phú Yên (6.000 giáo dân) sắc dụ được áp dụng hết sức triệt để. Nếu sự sa ngã của một vài người gây ngạc nhiên thì thường họ ở những hoàn cảnh khiến họ đáng thương hơn là đáng ghét. Ở nhà giam của tỉnh hiện có 12 người đã hùng hồn tuyên xưng đức tin, sẵn sàng thí mạng hơn là chối bỏ đạo. Người ta nghĩ rằng các quan lại sẽ chỉ ra án tử cho một hai người trong họ để làm cho người khác khiếp đảm. Ở Quảng Ngãi (3.000 tân tòng), bổn đạo của chúng tôi đã được chính người phải bắt bớ họ, che chở.. .Dù lối thoát nào cho cuộc khủng hoảng mới này chăng nữa, đối với những tân tòng của chúng tôi, không hẳn là không đem lại vinh dự đâu. Có thể trưng ra nhiều gương, sáng lạng về lòng can đảm sống Tin Mừng.Hai em bé đã để cho người ta hành hạ một cách khủng khiếp hơn là chà đạp thập giá. Quan bộ hình không khỏi chép miệng thán phục lòng can đảm của chúng và đã trả chúng lại cho mẹ chúng. Chỉ có người bố và ông nội bị đưa lênh tỉnh mà thôi.

Cuối năm 1839, chính Đức Thánh Cha Grêgôriô XVI đã gửi đến một lời động viên cỗ vũ, trong bức thư để ngày 4.8.1839 gửi “Tín hữu hai giáo phận Bắc Kỳ và Nam Kỳ”. Ngài “vui mừng vì những thắng lợi vẻ vang của Giáo Hội Chúa trên sự chống đạo”. Ngài van xin Thiên Chúa củng cố họ để chống lại mọi bạo lực:

“Các con đừng sợ trước thử thách ngắn ngủi và “nhẹ nhàng”, khi biết là nó chuẩn bị nơi các con một vinh quang vô biên. Các con hãy ngước mắt nhìn về phía tác giả rất thánh của đức tin các con là Đức Giêsu Kitô, Đấng mà từ bên trong những tăm tối mù mịt, đã gọi các con đến với ánh sáng kỳ diệu của Ngài.Các con không phải mãi mãi gánh chịu cuộc bách hại ác liệt như thế này.sẽ đến một ngày nào, thoát khỏi trận bão táp điên khùng này, các con sẽ có thể trong bình an, tôn thờ Thiên Chúa và dâng lên Ngài những lời tạ ơn vĩnh cữu.”

Bức thư của Đức Grêgôriô XVI rồi đây sẽ được dịch ra và phổ biến khắp nơi. Người ta tập họp vào đêm trong nhà của các thầy giảng chính và kính cẩn lắng nghe. Họ thán phục trước sự ân cần của Giáo Hội phổ quát đã bí mật đến viếng thăm những đứa con sanh đẻ muộn trong gia đình, được nâng lên hàng tử đạo ngang với các vị của thời Giáo Hội sơ khởi và được nêu gương cho toàn thể tín hữu.

_________________

[1]  Tên Việt-Nam là Cha Phan.

 

(còn tiếp)

GPKONTUM (07/11/2024) KONTUM