Vị Tử Đạo Người Bélieu Étienne-Théodore Cuénot Thể, Giám Mục Thừa Sai 1802-1861 (1)

“Công cuộc loan báo Tin Mừng cho vùng Truyền giáo Tây Nguyên đã bắt đầu dưới thời Đức Giám mục Stêphanô Cuénot (Thể), Đại diện Tông tòa Đông Đàng Trong (Qui Nhơn). Đức Giám mục đã trực tiếp chỉ đạo công việc từ hầm trú suốt 26 năm trời (1835-1861). Khởi đầu, ngài đã sai những giáo dân như Ông Cả Ninh, Ông Cả Quới (năm 1939 và năm 1842), Ông Cả Ân (năm 1848) dẫn đầu các đoàn truyền giáo đi tiên phong.

Sau nhiều thất bại, năm 1848, vào lúc miền xuôi đang trải qua những tháng năm cấm cách, Đức cha lại sai thầy sáu Do tiếp tục tìm đường mở lối. Thầy đã đưa các vị thừa sai vào được miền Tây Nguyên hai năm sau đó (1850). Mặc dù khó khăn chồng chất, gian nan ngập tràn, nhưng nhờ sự hướng dẫn hy sinh, gan dạ và khôn ngoan của thầy sáu Do, các vị truyền giáo – gồm giáo dân, thầy giảng, chủng sinh, linh mục đã vượt qua thử thách và kiên trì đem Ánh sáng Tin Mừng lên miền Trường Sơn cách trở. Năm 1851, nhờ ơn Chúa quan phòng đã thiết lập được các trung tâm truyền giáo đầu tiên cho người bản xứ Bahnar, Jơlơng, Rơngao, Xêđang, Jarai, mà thời đó gọi chung là Miền Truyền Giáo Bahnar”.

(Trích “Giới thiệu sơ lược về Giáo phận Kontum, Văn Phòng TGM Giáo phận Kontum, 19.03.2024)

Nhân dịp mừng kính Thánh Stêphanô Cuénot Thể, Thánh Tổ Giáo phận Kon Tum (ngày 14 tháng 11), Ban Mục vụ Truyền thông Giáo phận xin kính giới thiệu và đăng từng phần tiểu sử và sự nghiệp của Thánh Giám mục Thể (Étienne -Théodore Cuénot), Vị khai sáng Miền Đất Truyền Giáo Tây Nguyên, qua quyển sách của Jean THIÉBAUD năm 1988 có tựa đề “Thánh Giám mục Thể (Étienne -Théodore Cuénot )” và được lược dịch có tựa đề:

“Vị Tử Đạo người Bélieu Étienne – Théodore CUENOT

Giám Mục Thừa Sai 1802 -1861”.

mà Ban Mục vụ Truyền thông Giáo phận Kon Tum đã giới thiệu trước đây ngày 05/04/2018.

 

VỊ TỬ ĐẠO NGƯỜI BÉLIEU ÉTIENNE – THÉODORE CUÉNOT

GIÁM MỤC THỪA SAI

1802 -1861

JEAN THIÉBAUD

1988

LỜI GIỚI THIỆU

Cai quản một giáo phận thời bình đã là chuyện khó, thời bắt đạo đẫm máu nhất lịch sử, thì vạn lần khó hơn.

Sống một vài năm trong hoàn cảnh cơ cực, lén lút chui nhủi đã là anh hùng.

Còn đàng này 36 năm (trong đó 26 năm với tư cách là Giám Mục) thì phải là anh hùng cỡ nào !.

Gieo vãi hạt giống đức tin thời này đã là chuyện kỳ diệu, thời đó là phép lạ trường kỳ.

Đó là Thánh Giám Mục Thể (Étienne Théodore Cuénot) Giám Mục Nam Kỳ.

Toà Giám mục của Ngài thường chỉ là một chòi tranh, một vựa lúa, một góc nhà, một hang tối.

Bị bó chân ngồi một chỗ thế mà Ngài chỉ đạo toàn bộ công cuộc truyền giáo ở Nam kỳ, cho người Thượng lẫn người Kinh; theo dõi việc đào tạo các linh mục, đề ra chương trình bồi dưỡng các vị Thừa Sai cùng linh mục bản xứ và tự tay mình chấm bài, luôn “kéo theo đuôi” cả một lớp học, theo dõi ghe thuyền hỗ trợ cho việc truyền đạo, tìm nguồn tài trợ tại chỗ…

Bí quyết của bao thành công: cầu nguyện và “tất cả nhờ Thập Giá”, câu châm ngôn của Ngài.

Gặp lại Thánh Giám Mục trong các trang sử thật sự là một nguồn động viên lớn cho chúng ta trong gian nan khốn khó.

Ngày 14 và 15.11.1992

Nhân ngày Thánh Giám Mục qua đời tại Việt Nam và   

lễ Mừng trọng thể các Thánh Tử Đạo Việt Nam.

 

MỘT NGƯỜI CHÀO ĐỜI

 

“Trước khi nắn ra ngươi trong lòng mẹ, Ta đã biết ngươi. Ta đã đặt riêng ngươi, để ngươi phục vụ Ta” ( Gr 1,5).

Nếu ơn gọi của một người, một linh mục tuột khỏi những phân tích của chúng ta, thì nó lại lộ rõ ra, qua những trung gian là những con người, đã cho phép nó tăng trưởng và triển nở. Một con người là một căn cước, một gia đình, một môi sinh, một bầu khí thiêng liêng, những cuộc gặp gỡ . Mọi ơn gọi riêng đều liên kết với những ơn gọi chung. Thế thì đối với Étienne Théodore Cuénot thì sao?

Cậu bé sinh ngày mồng 8 tháng 2 năm 1802, ở thôn Sous- Réaumont, thuộc làng Bélieu, miền trung nước Pháp. Étienne là con đầu lòng của ông Alexandre Cuenot và bà Éléonore Risse; họ mới tậu được một khu đất ở Réaumont để làm nông trại. Vì ba mẹ sinh năm một, nên bé Étienne được bà cô Jeanne – Baptiste nuôi hộ, người mà sau này vị Thừa Sai gọi là “người mẹ thứ hai”. Cũng như hầu hết các người trẻ, sau Cách Mạng 1789, bà cô Jeanne – Baptiste không biết chữ, nhưng để đổi lại cô có một đức tin mạnh mẽ và một đời sống Kytô hữu gương mẫu. Châm ngôn của cô là: “Tất cả nhờ Thập Giá”. Đó cũng sẽ là châm ngôn của vị Giám Mục Thừa Sai.

Cuộc Cách Mạng đã sàng sảy thóc sạch trấu, đòi hỏi một đức tin anh hùng: người Kytô hữu luôn thấm nhuần tư tưởng về cái chết, về sự cứu rỗi, và sự ác xấu lớn cần phải tránh: đó là tội trọng. Nỗi lo sợ thỏa hiệp với thế gian đã đưa đẩy đến những lựa chọn gắt gao trên bình diện xã hội: một sự ghê tởm đối với những linh mục đã tuyên thệ trước đây [1].

Trở lại làm mục vụ sau Thỏa Ước. Étienne Cuenot đã trải qua tuổi thơ của mình trong bầu khí đó và suốt đời sẽ giữ lại một điều khẩn trương: sự cứu độ vĩnh cửu cho chính mình và cho tha nhân.

Cũng chính trong mục đích cứu rỗi các linh hồn mà cậu sẽ nghĩ đến các xứ truyền giáo xa xôi.

Thư từ của Lm. Cuenot sau này đã tiết lộ một kinh nghiệm nhất định trong thời thơ ấu: làm quen với sự nghèo khó mà Étienne sẽ bị đánh dấu suốt đời. Cậu thanh niên quan tâm theo dõi những bước thăng trầm của bố mình, nhân viên quan thuế ở cấp thấp nhất những thất bại của ông, đã phải lần lượt thay chỗ làm từ Montbenoĩt, Chauvins, Sommette, Domprel; nỗi nhục khi phải đi giúp việc ở nông trại của người phụ tá Vernier (điều mà không được mến chuộng trong những gia đình có thế giá) nhưng cậu thanh niên phải nhìn nhận rằng cha sở Huot ở đó đã từng là một tấm gương động viên tuổi trẻ của mình. Thêm vào đó nỗi đau buồn vì cái chết yểu của mấy đứa em.

Thế rồi đã vọng lên tiếng gọi của Chúa. Vì Giáo Hội có nhiệm vụ kêu gọi, có những người ở tuổi trưởng thành đã thú nhận: “lúc đó, tôi ao ước trở thành linh mục, nhưng không nghe ai nói đến chức vụ ấy, và tôi cứ nghĩ rằng đó không phải là con đường của tôi”. Ở Bélieu, cha sở Bolard thì chăm chú theo dõi. Có lẽ cũng đã đề cập đến với ông Bác họ của Étienne, lúc bấy giờ là cha sở Bonnétage. Sự ân cần, lòng sốt sắng của cậu thanh niên khiến cha sở nghĩ rằng cậu có thiên hướng để làm linh mục. Đôi lần Ngài có gạn hỏi, thì Étienne trả lời: “con cũng muốn làm linh mục nhưng không phải để ở lại quê hương. Con muốn đi thật xa”.

Ông giáo Léonard Boichard, phụ tá của vị linh mục thường đến nhà xứ, cũng đã lưu ý đến những đức tính của học sinh trẻ này: sự chú ý kéo dài, tính kiên quyết. Sự đánh giá của ông đã hỗ trợ cho ý kiến của Lm Bolard để hướng Étienne theo học ở chủng viện, mặc dù gia đình của cậu rất nghèo.

Sau thời gian tiểu học ở Ouvens ( 1815-1817) cậu theo học trung học ở Cerneux – Monnot. Người làng Bélieu góp lúa để trả tiền học cho cậu; sau đó, học năm cuối ở Ornans (1818-1819). Năm 1820, nhập học thần học ở Besanẹon. Để may chiếc áo rơ- đanh-gốt cho cậu, người mẹ đã phải bán chiếc áo cưới thưở nào.

Ở trường, cậu đã gặp trong ban giám đốc nhiều vị tên tuổi: Charles Cuenot, “một linh mục bảo thủ khắc khổ, đầy xác tín, và không thỏa hiệp”, các linh mục Baud, Breuillot, Genevaz, Baverel, Courtois và Tôma Gousset tổng Giám Mục tương lai ở Reims.

Theo lời chứng của bạn bè đương thời, các giáo xứ truyền giáo xa xôi là một đề tài trao đổi thầm kín thường xuyên: hai người đàn anh, Isidore Gagelin và Charles Jeantet vừa mới rời khỏi Besanẹon để nhập Hội Thừa Sai Paris năm 1818. Cũng chính năm đó Hội này đã cho xuất bản “Những thư mới đầy sức cảm hóa” phổ biến những kinh nghiệm táo bạo của các vị Thừa Sai. Những bản mà Étienne Cuenot đã đọc một cách say sưa nay vẫn còn lưu lại tại thư viện của Đại Chủng Viện Besanẹon.

Năm 1822 Lyon đã ra đời Hội Truyền Bá Đức Tin mà thế hệ của Giám Mục Cuenot sẽ là thế hệ đầu tiên được hưởng nhờ hoa trái.

Tuy vậy, đối với thầy Étienne, những nguyện vọng vẫn là chuyện thầm kín. Dù Lm Charles Cuenot không nhất trí, Étienne vẫn khấn dâng mình làm thừa sai cho các nước xa xôi. Thầy biết lựa chọn này đi ngược lại với sự mong đợi của cha mẹ cùng các giáo sư. Tuy vậy thầy vẫn dấn bước, xem đó như một lời hứa thiêng liêng, nhưng thầy cũng sẽ phải chờ đợi sáu năm dài.

MỘT ƠN GỌI ĐẦY SÓNG GIÓ

 

Một chiều mùa thu năm 1823, thầy chủng sinh mặc áo chùng thâm, đột ngột rời khỏi miền núi, không cho cha mẹ hay, có lẽ theo lời khuyên của một linh mục bạn, Lm Boucon. Một người bạn học, Joseph Gaume đưa thầy ra khỏi làng, ôm hộ gói hành lý nhỏ, vừa đi vừa an ủi Étienne.

Chắc chắn thầy muốn, một thời gian cắt đứt với quá khứ.

Thầy đến gõ cửa nhà “các linh mục chuyên đi giảng các tuần tĩnh tâm gọi là “Tĩnh Tâm Kytô giáo”[2] ở Aix-en-Provence. Chính ở đây mà thầy sẽ sống bốn năm biệt xứ. Bốn năm tìm kiếm đau đớn: thư từ thầy viết lúc bấy giờ không thiếu giọng điệu hung hăng, chua chát và cả hỗn xược nữa. Bốn năm sẽ thuần hóa tính tình mạnh bạo, thanh luyện chú ý, làm cho nghị lực của thầy nên mềm mại hơn, nhằm nhào nắn một người tôi tớ sẵn sàng đương đầu với mọi chướng ngại vật ở một đơn vị truyền giáo nguy hiểm.

Gợi lại những kỷ niệm làm thầy đau lòng. Làm sao thầy đã đi đến bước đường này nhỉ ? Năm 1820 – ở tuổi 18 – thầy bước vào Đại chủng Viện thần học ở Besanẹon, nơi mà trong ban Giám Hiệu thầy đã gặp một ông Bác, Charles Franẹcois Cuenot lớn hơn thầy những 23 tuổi. Thư từ họ viết cho nhau cho thấy sự nghiêm khắc của ông Bác đối với đứa cháu của mình khi ông gọi Étienne là “đồ quỷ”. Về phía mình Étienne, lại là một đứa ngoan cường, xông xáo bất chấp trở ngại. Thầy cũng không hiểu tại sao, sau khi chịu các chức nhỏ thầy bị khựng lại ở ngưỡng cửa chức trợ phó tế.

Ngay từ nhỏ, thầy mang một gánh quá nặng, sự nghèo khó của cha mẹ: thầy là anh cả trong một gia đình đông con. Trong miền chuyên lắp ráp đồng hồ này, tại sao không thử một “vố” để trang trải nợ nần phụ với cha mẹ, mà bước thất thế làm cho thầy đau lòng. Một anh thợ sửa đồng hồ trong thôn nói đến cả “những lần buôn chuyến như một quả lắc không ngừng đập”. Đó là một người bạn. Trí tưởng tượng của thầy vẽ vời thêm. Không chút ngần ngại, thầy cởi áo dòng mặc thường phục. Mau mau, đi qua Thụy Sĩ tìm kiếm những đồ phụ tùng để đeo đuổi dự án. Khi trở về, tình cờ thấy đối đầu với Lm Giám Đốc Cuenot, đến thăm gia đình. Câu chuyện xảy ra không chỉ dừng lại ở một vố lớn tiếng với nhau, nó đã làm cho ban giáo sư mất tín nhiệm nơi thầy chủng sinh kỳ cục này.

Còn ước muốn của thầy đi đến những nước Truyền giáo xa xôi mà thầy đã có lầm tâm sự với Lm Cuenot, chẳng phải là kết quả của một sự ngông cuồng đó sao? Hai bức thư của Étienne-Théodore gửi đến chủng viện các Cha Thừa Sai, rơi vào tay ban Giám Đốc ở Besanẹon Lm Charles Cuenot không ngần ngại đưa ra bản án: “thiên hướng đó là do tính kiêu ngạo và do ma quỷ hơn là do Thiên Chúa, nếu Thiên Chúa có được chút ảnh hưởng nào”. Một cú trời giáng như vậy cũng đủ làm sờn lòng một người khác. Năm sau, Étienne nhận phụ đạo cho bọn trẻ gia đình Tinseau, dân biểu của tỉnh Doubs và được cha mẹ lẫn con cái đánh giá cao. Những lần vận động khác trong việc tìm kiếm phụ tùng đồng hồ chỉ đưa tới thất bại và chán ngán.

Bị mất uy tín ở chủng viện Besanẹon, có thể nào nhìn mặt lại người thân của mình nữa không? Có thể nào trở về làng nữa không ? Vô phúc thay! Không cha mẹ gặp hết thất bại này tới thất bại khác, bệnh tật, người bạn đường của sự nghèo khó, thường xuyên ập xuống trên bọn nhỏ. Cảnh khốn quẫn của gia đình làm cho người anh cả xấu hổ, khi đã đến tuổi mà lẽ ra, đã có thể giúp đỡ gia đình. Trong miền, người ta chế giễu những sáng kiến của Nhà “Tĩnh Tâm Kytô Giáo”. Đã hai năm sau Thỏa Hiệp rồi, nhưng cuộc tranh luận vẫn chưa chấm dứt giữa các cha sở có tuyên thệ và không tuyên thệ. Tắt một lời, bầu không khí thật là khó thở. Thêm vào đó Lm Bôla, cha sở Bélieu, kiên quyết không để cho Étienne đi truyền giáo: những lỗ hỏng của cuộc Cách Mạng chưa được lấp đầy, và theo sự khôn ngoan của con người, dần làng Bélieu đã hy sinh cho chủng sinh Cuenot, là để sau này cậu ấy “có ích” chớ: Có thể hiểu được rằng Étienne bối rối, đã quyết định đi xa làng. Ở Aix, chắc chắn cậu thanh niên sẽ nghe được một giọng nói thân thiện hơn.

Thời gian ở Aix, đối với thầy chủng sinh sẽ trải qua kinh nghiệm của một cuộc khủng hoảng, làm cho thầy rời bỏ ý riêng. Một cuộc khủng hoảng thiêng liêng: mọi sự đều trở nên tối tăm mù mịt: thầy không còn tha thiết gì với mục vụ trong một giáo xứ nữa, ước ao đi truyền giáo đã nguội bớt. Đêm 29 rạng 30 tháng 10, Etienne trải qua một cơn tuyệt vọng, ý tưởng phá giới, về Paris ăn chơi phóng đãng quấy nhiễu thầy. Thầy quỳ gối, dâng mình cho thánh ý Thiên Chúa, bất luận nó sẽ là gì. Với bất cứ giá nào thầy sẽ không lần theo một con đường khiến thầy quay lưng lại với Chúa và chối bỏ tình bạn của những người thân cận. Lúc đó “ ý tưởng về nhà “Tĩnh Tâm” đã đến với tôi, nói giải quyết mọi trở ngại”.

Làm việc ở nhà Tĩnh Tâm, vâng nhưng với “ý thức rằng đó chưa phải là ơn gọi cuối cùng”. Thực ra, chính ở đây mà Thiên Chúa an bài cho thầy những trợ giúp để tiến bước. Trước hết là lòng tốt của Lm Bretenière, kế vị đấng sáng lập Hội: Ngài tiếp đón Étienne, Ngài cần linh mục nhưng không buộc ký kết hợp đồng chính xác.

Étienne không cắt đứt liên lạc với Besanẹon. Thầy gọi Lm Charles Cuenot là “vị ân nhân thân yêu” luôn bày tỏ chia sẻ công việc mình đang làm, những ưu tư lo lắng, những lưỡng lự, cùng âu lo mỗi khi nghĩ đến gia đình.

Thầy cũng tìm thấy nơi Tổng Giám Mục Aix một mục tử đầy thông cảm đã miễn cho thầy “tước tăng lữ” thời đó cho phép các linh mục nhận được một số tiền thù lao.

Ngày 26 tháng 2 năm 1825 Étienne chịu chức phó tế và 24 tháng 9, chức linh mục.

Ngay ngày 23 tháng 12 năm 1824 linh mục đã làm hòa với cha mẹ: “ Lẽ nào Bố Mẹ lại nghĩ rằng việc xa cách làm con ít đau khổ hơn Bố Mẹ sao? Con thương nhớ Bố Mẹ hơn là Bố Mẹ tưởng. Nếu con đã phải thắng vượt là vì việc ra đi liên quan đến phần rỗi và đời sống vĩnh cửu của con”.

Một lá thư đề ngày 20 tháng 2 năm 1826 gửi cho cô Jeanne-Baptiste cho thấy là vị linh mục nghiêm túc làm mục vụ, mặc dù vẫn mơ ước đến một chân trời khác: “Cháu bận nhiều việc. Sức khỏe vẫn tốt; tuy vậy lúc sau này cháu hơi bệnh. Đó là tác động của mùa chay và việc ngồi tòa. Và đó cũng là do sự mệt mỏi phải giảng mỗi ngày khoảng năm tiếng đồng liồ.. ..cho cháu gởi lời thăm hỏi các ông Boucon và Parrenin và tất cả các ông bà ân nhân và thân nhân với. Cháu cầu nguyện cho họ mỗi ngày.”

Tuy nhiên, ngày 19 tháng 11 năm 1825, trong một bức thư gửi Lm Bác Charles Cuenot, Étienne kín đáo nhắc đến ước muốn đi đến những xứ truyền giáo xa xôi: “Hôm nay con sẽ chỉ nói với Bác theo kiểu ẩn dụ về một chuyện đã cũ mà Bác cũng đã từng biết rõ. Than hồng lâu nay chỉ vùi dưới tro và ở đó hình như nó đã được tinh luyện nhiều.Hai năm không suy suyễn có thể bảo đảm với con về tính thực lòng của ước muốn đó cho một thời gian dài hơn nữa.Tại sao con phải vòng vo dài dòng để nói về một điều mà Bác cũng đã đoán rồi? Tất cả ước nguyện của con là được chết ở nơi nào Bác biết rồi chứ.Ước nguyện chưa bao giờ rời khỏi lòng con.Bác đừng thổ lộ điều đó với ai cả. Đến 30 tuổi, con sẽ thấy mình có thể trả lẽ về mình trước mặt Thiên Chúa không. Con không hề ký một hợp đồng nào ở đây nơi nhà Tĩnh Tâm cả, và sẽ chẳng bao giờ ký.”

Thư trả lời của Lm Charles thuận lợi hơn có thể tưởng. Mặc dầu chưa thật sự tin chắc, ông yêu cầu Étienne chờ đợi thêm hai năm nữa để chuẩn bị. Như vậy là một trở ngại lớn đã được dẹp bỏ.

Bây giờ còn gia đình nữa, ở Bélieu, và ở Aix.

Các thư gửi cho Lm Charles Cuenot để ngày 28.3 và 7.4.1826 cho thấy Étienne lưỡng lự, bị xâu xé giữa hai nhiệm vụ cũng nghiêm trọng không kém: một mặt giới răn thứ 4 đòi Étienne phải giúp đỡ cha mẹ, và là điều cấp bách: “Ông Bố tội nghiệp của con, buồn phiền quá đỗi: nợ nần chồng chất mỗi ngày; một bà mẹ đau yếu từ hơn một năm nay mà bác sĩ đã tuyên bố bó tay; một đứa em gái hai tuổi, và một em trai và hai đứa em gái khác nữa bị bệnh đậu mùa, một đứa em trai nữa mới qua đời..còn con, chẳng giúp gì họ được cả.”

Mặc khác, nhất thiết không để bị ràng buộc với nhà Tĩnh Tâm vì những món tiền các cha gửi đến giúp gia đình (đúng vậy, các linh mục ở đây đã khôn ngoan gửi đến gia đình những khoản tiền trợ cấp). “con đang nghĩ phải chia tay với chủ nhà rồi.con không thể ở lại đây, vì không còn hy vọng có thể đi giảng tĩnh tâm ở bên ngoài nữa.”

Thư từ được trao đổi giữa Lm Charles và Lm De Bretenière, và với một vài người có địa vị để có thể trợ cấp người Bố trong cơn túng quẫn. Giữa mùa xuân 1826, Étienne viết thư về Besanẹon : “Ở đây người ta muốn quyết định ơn gọi của con, nhưng con không chịu.con có thể tìm một chân cha phó ở Franche Comté chăng trong lúc chờ đợi hoạch định của Thiên Chúa thực hiện? con vẫn kiên trì trong ý hướng của con khiến con lạnh lùng xa lạ với tất cả những gì không dẫn đến các nước truyền giáo.”

Bấy nhiêu kiên trì không khỏi ảnh hưởng đến nhận định của các Bề trên. Ngày 9 tháng 6 năm 1826, Étienne xin phép Lm Charles được liên lạc với bề trên ở Paris, M. Langlois, điều mà Étienne thực hiện vào tháng 8, với sự chấp thuận của Lm De Bretenière. Đức khiêm nhượng đã cứu vãn hết mọi sự: bằng chứng là sự gợi ý sau đây: “Xin Cha Bề trên cứ hỏi các linh mục Cuenot và De Bretenière về những trở ngại trước đây đã cản bước con”.

Etienne chấp nhận ở lại làm việc ở nhà Tĩnh Tâm đến hết niên học 1827, để tỏ lòng biết ơn. Cha kết luận: “Cách đây không lâu, con thật không dám nhìn xa như vậy. Chung quanh con và từ mọi phía con thấy toàn những khó khăn. Nhưng Chúa Quan Phòng đã an bài mọi sự tốt đẹp cho con nên bây giờ không còn giới hạn nào cho những ước muốn của con nữa, con tin là chúng vô tội và trong sạch; ít là có điều gì đó nơi con đã nói vậy..

_______________________

[1] Sau cuộc Cách Mạng Pháp năm 1789, tháng 7/1790 được ban hành một thể chế dân sự về hàng giáo phẩm, nhằm thiết lập một Giáo Hội tự trị. Các linh mục tuyên thệ (jureurs) thuộc thành phần ly giáo, các linh mục từ chối tuyên thệ (réfractaires) bị đặt ở ngoài vòng pháp luật. Năm 1801, một Thỏa Ước (28 messidor an IX) được ký kết giữa Bonaparte và Pie VII.

[2] Institution Sainte Croix “Les Pères de la Retraite chrétienne”.

(còn tiếp)

GPKONTUM (01/11/2024) KONTUM