Hội Giáo Sĩ Và Tu Sĩ Truyền Giáo (Bài 11)

BÀI 11 – HỘI GIÁO SĨ & TU SĨ TRUYỀN GIÁO

Chính anh em là muối cho đời. Nhưng muối mà nhạt đi, thì lấy gì muối nó cho mặn lại? Nó đã thành vô dụng, thì chỉ còn việc quăng ra ngoài cho người ta chà đạp thôi (Mt 5, 13).

A. Mở đầu

Mục đích: Giúp tham dự viên hiểu rõ và trò của Hội Giáo sĩ và Tu sĩ Truyền giáo để việc cộng tác truyền giáo ngày càng tốt hơn theo hướng dẫn của Hội Thánh.

Nội dung: Gồm ba ý chính:

1) Vị sáng lập Hội Giáo sĩ và Tu sĩ Truyền giáo.

2) Thành viên Hội Truyền giáo Thánh Phêrô Tông đồ.

3) Nhiệm vụ và vai trò các thành viên của Hội Giáo sĩ và Tu sĩ Truyền giáo.

Yêu cầu: 1. Luôn có quyển Tân ước trong tay, để có thể tiếp xúc trực tiếp với Lời Chúa. Tích cực suy nghĩ và thảo luận các câu hỏi của bài

B. Gợi ý trình bày nội dung

1.      Vị sáng lập Hội Giáo sĩ và Tu sĩ Truyền giáo

a. Năm phút tham dự viên thảo luận (nhóm 3 người thảo luận tại chỗ)

1. Bạn có biết vị sáng lập Hội Giáo sĩ và Tu sĩ Truyền giáo là ai không?

b. Diễn giải đề 1:

Vị sáng lập Hội Giáo sĩ và Tu sĩ Truyền giáo là cha Paul Manna (Phaolô Manna), người Ý, thuộc dòng Truyền giáo Nước ngoài. Mục đích của ngài là làm thức tỉnh và cổ võ tinh thần truyền giáo nơi hàng giáo sĩ và tu sĩ.

Cha Paul Manna đã chuẩn bị cho Hội Giáo sĩ và Tu sĩ Truyền giáo ròng rã suốt 10 năm. Sau đó, Hội chính thức được Đức Giáo hoàng Bênêdictô XV chấp thuận ngày 31/10/1916. Đến năm 1919, ngài đã giới thiệu Hội Giáo sĩ và Tu sĩ Truyền giáo trong Tông thư Tông Thư Maximum Illud cùng với ba Hội Giáo hoàng Truyền giáo trên.

Cha Paul Manna qua đời ngày 15/09/1952, và được Đức Giáo hoàng Gioan Phaolo II phong lên hàng chân phước ngày 04/11/2001.

2.      Thành viên Giáo sĩ và Tu sĩ Truyền giáo

a. Năm phút tham dự viên thảo luận (nhóm 3 người thảo luận tại chỗ)

1. Thành viên của Giáo sĩ và Tu sĩ Truyền giáo bao gồm những ai?

b. Diễn giải đề 2:

Các Hội Giáo hoàng Truyền giáo là ân sủng của Chúa Thánh Thần ban cho Hội Thánh và hoa quả của lòng nhiệt thành truyền giáo nơi các vị sáng lập. Các Hội này luôn khích lệ tất cả các tín hữu tham gia vào đời sống tông đồ của Hội Thánh (x. Điều Lệ, 12).

Do đó, tất cả mọi Kitô hữu đều có thể và rất cần trở nên thành viên của các Hội Giáo hoàng truyền giáo tùy theo chức năng của mình. Tuy nhiên, để thuận tiện về mặt tổ chức, thành viên Hội Giáo sĩ và Tu sĩ Truyền giáo được đề nghị (chứ không bắt buộc) bao gồm tất cả giáo sĩ (phó tế, linh mục, giám mục) và tu sĩ (được hiểu là những người nam/nữ sống đời thánh hiến và có lời vĩnh khấn), vì tự bản chất của họ là những người truyền giáo hơn ai hết.

3.      Nhiệm vụ và vai trò các thành viên của Hội Giáo sĩ và Tu sĩ Truyền giáo

a. Năm phút tham dự viên thảo luận (nhóm 3 người thảo luận tại chỗ)

1. Hội Giáo sĩ và Tu sĩ Truyền giáo có vai trò và nhiệm vụ thế nào trong công cuộc loan báo Tin mừng?

2. Chúng ta cần cộng tác thế nào với hàng giáo sĩ và tu sĩ để thúc đẩy công cuộc loan báo Tin mừng?

b. Diễn giải đề 3:

Như đã trình bày trong bài số 6, các Hội Giáo hoàng Truyền giáo giữ vai trò tiên phong trong công cuộc loan báo tin mừng. Nhưng trong bốn Hội này thì Hội Giáo sĩ và Tu sĩ Truyền giáo được Đức Giáo hoàng Phaolô VI gọi là “linh hồn của các Hội Giáo hoàng Truyền giáo” (Paul VI Apostolic Letter Graves et Increscentes 5th September 1966). Như vậy, Hội này giữ vai trò hết sức quan trọng trong công cuộc loan báo tin mừng của Hội Thánh.

Như đã trình bày trong bài số 7, nhiệm vụ của các Hội Giáo hoàng Truyền giáo là huấn luyện đời sống đức tin các tín hữu (chứ không chỉ chăm lo những hình thức bên ngoài). Các hội viên của Hội Giáo sĩ và Tu sĩ truyền giáo được đề nghị chia thành hai nhóm: 1) thành viên huấn luyện căn bản và 2) thành viên huấn luyện chuyên môn. Nhóm huấn luyện căn bản (bao gồm quý cha xứ, cha phó tại các giáo xứ; quý linh mục và tu sĩ đang phục vụ trong những lãnh vực chuyên môn khác nhau) có trách nhiệm đồng hành và huấn luyện đời sống đức tin cho ba Hội Truyền giáo thuộc giáo dân. Nhóm huấn luyện chuyên môn (quý đức cha, các cha giám đốc, giáo sư đại chủng viện và học viện; quý bề trên, các nhà nghiên cứu thần học và các lãnh vực chuyên môn khác) có trách nhiệm hướng dẫn, đào luyện và đồng hành với hàng giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân nhằm giúp họ trau dồi kiến thức và lòng nhiệt thành loan báo Tin mừng.

Loan báo Tin mừng, tự bản chất, là hành động mang tính nối kết, không ai có thể làm truyền giáo theo cách thức độc tài. Chính vì thế, tất cả mọi thành viên Hội Giáo hoàng Truyền giáo cần cộng tác tích cực với nhau trong lời cầu nguyện và làm việc chung để công việc loan báo Tin mừng đạt hiệu quả hơn. Điều cần lưu ý là cùng nhau làm truyền giáo theo hướng dẫn của Hội Thánh chứ không vì lợi ích nhóm hay cá nhân.

C. Tóm tắt bài học

1. H. Vị sáng lập Hội Giáo sĩ và Tu sĩ Truyền giáo là ai?

T. Vị sáng lập Hội Giáo sĩ và Tu sĩ Truyền giáo là chân phước Phaolô Manna, người Ý, thuộc dòng Truyền giáo Nước ngoài.

2. H. Thành viên của Hội Giáo sĩ và Tu sĩ Truyền giáo bao gồm những ai?

T. Thành viên của Hội Giáo sĩ và Tu sĩ Truyền giáo bao gồm các giáo sĩ và tu sĩ vì tự bản chất của họ là những người truyền giáo hơn ai hết.

3. H. Hội Giáo sĩ và Tu sĩ Truyền giáo có vai trò và nhiệm vụ thế nào trong công cuộc loan báo Tin mừng?

T. Hội Giáo sĩ và Tu sĩ Truyền giáo là “linh hồn của các Hội Giáo hoàng Truyền giáo” và nhiệm vụ của họ là huấn luyện đời sống đức tin các tín hữu.

4. H. Chúng ta cần cộng tác thế nào với hàng giáo sĩ và tu sĩ để thúc đẩy công cuộc loan báo Tin mừng?

T. Chúng ta cần cộng tác tích cực với các giáo sĩ và tu sĩ thi hành sứ mệnh loan báo Tin mừng theo hướng dẫn của Hội Thánh.

WGPKT(07/10/2021) KONTUM