Nỗi Đau Mầu Nhiệm

 

Thẫn thờ lê bước trên lối nhỏ, Thiên khó nhọc nghĩ về những ngày qua. Những hình ảnh cứ hiện trong đầu anh rồi đứt đoạn, những ký ức cứ chợt đến chợt đi như những biến cố trong đời. Thiên biết anh cần một nơi để bình tâm lại, chỉ là anh không biết nơi đó ở đâu trong chốn đất khách quê người này. Với anh Sài thành toàn là người xa lạ, nơi anh trọ rặt một chỗ thị phi, bạn bè anh thôi chỉ phận bèo nước. Bây giờ giông tố nổi, anh càng thấy mình chới với, lao đao như con thuyền rách cánh giữa biển đời, mà đúng hơn là biển tình.

Vừa vô thức đi vừa nghĩ ngợi, chợt Thiên nghe thấy một âm thanh vang lên như tha thiết gọi mời. Lắng tai một hồi thì anh nhận ra đó là bài hát lễ phát ra từ một nhà thờ gần đây. “À lễ ấy mà”, Thiên lẩm bẩm. Bỗng đột nhiên, như bị điện giật, anh đơ người tại chỗ, ngưng thở vài giây. Người ta thấy anh rẽ ngoặt sang con hẻm khác, sau khi vỗ đầu mình mấy cái.

  Nhà thờ Thánh Tâm vừa tan ca lễ cuối trong ngày. Từ cánh cửa chính rộng thênh nằm giữa hai cánh cửa phụ nhỏ hẹp, đoàn người vốn bí bức tuôn ra nay lại bí bức hơn nữa, vì họ va phải sự cản trở của một thanh niên đi ngược chiều. Chàng thanh niên đó chính là Thiên. Anh loay hoay mãi mới thoát khỏi đám đông để vào trong nhà thờ, đồng thời trách mắng bản thân tự khi nào lại quên mất chốn thiêng liêng này. Trong một góc khuất nhỏ, Thiên cung kính làm dấu, rồi quỳ xuống bái Chúa – Đấng mà trước giờ anh thờ theo thói quen và sự thúc ép của mẹ nay hóa ra lại là nguồn an ủi duy nhất của anh.

Từng chút một, những ký ức từ hai năm trước dần hiện lên trong Thiên…

Sáng hôm ấy là buổi học đầu tiên ở trường đại học, Thiên đến lớp khá sớm nhưng phòng đã chật kín chỗ, chỉ còn một bàn vẫn trống một bên. Thiên vội đến và hỏi người đang ngồi bàn ấy, là nữ.

–  Mình ngồi chỗ này được không bạn?

–  Được chứ bạn! – Cô gái ngẩng đầu lên, đáp.

Thiên thoáng thất thần vì anh phát hiện mình đang nói chuyện với cô gái xinh nhất anh từng gặp, tuy nhiên anh nhanh chóng tỉnh lại và ổn định được chỗ ngồi. Sau đó anh bắt đầu ăn bữa sáng sơ sài, không quên làm dấu thánh giá như một thói quen từ nhỏ.

Điều đó khiến cô gái ngồi cùng bàn với anh quay sang nhìn với vẻ hứng thú. Chờ Thiên ăn xong, cô bắt chuyện:

–  Bạn có đạo hả?

–  Ừm, mình đạo Công giáo – Thiên đáp, không tin vào tai mình – Còn bạn có đạo không?

–  Mình không, nhưng mình thích tìm hiểu về tôn giáo. Chừng nào rảnh bạn nói cho mình nghe về đạo của bạn được không? Đó giờ mình chỉ tìm hiểu trong tài liệu chứ chưa tiếp xúc với người có đạo bao giờ.

–  Đư…ợc…Được chứ. Mà bạn tên gì nhỉ?

–  Hiểu Cơ.

Cuộc đối thoại bất ngờ này, nhờ dấu thánh giá, đã mở ra một mối tình đẹp. Sau nhiều lần nói chuyện, trước là về tôn giáo, sau là về đủ mọi chuyện mà hai người nam nữ sẽ nói khi gặp nhau, Thiên và Cơ cảm thấy càng tiếp xúc càng hợp. Rồi như một lẽ tự nhiên, giữa đôi bạn trẻ đã phát sinh một thứ tình cảm gắn kết mà người đời thường gọi là yêu. Họ kết thành đôi không lâu sau đó.

Năm thứ nhất đại học, Thiên có nhiều thời gian rảnh để hẹn hò với Cơ. Đó là khoảng thời gian vui vẻ nhất của hai người. Thậm chí có lần theo lời đề nghị mạnh dạn của Cơ, anh dẫn cô đi lễ ở một nhà thờ nhỏ gần trường. Đó là lần đầu tiên mà tiếc thay cũng là lần cuối cùng hai người đi nhà thờ chung với nhau, bởi sau thánh lễ Cơ có nói với Thiên:

–  Em thấy anh, và cả nhiều người khác nữa, tham dự lễ rất trang nghiêm nhưng không có hồn. Nhìn mắt họ là biết.

–  Em đang phán xét đấy. Em chỉ mới đi lễ lần đầu tiên cơ mà, làm sao em biết ai đang thật tâm tham dự lễ, ai không? – Thiên tự ái.

–  Dễ mà. Chẳng hạn như khi đọc kinh, mắt họ mơ màng chứ không rực lên lòng thành kính. Họ đọc bằng trí nhớ, không phải bằng tâm vì tâm họ đang bận nghĩ đến chuyện khác. Biểu hiện này có ghi trong sách tâm lý học đại cương mình học đầu năm ấy.

–  À, à… ừ nhỉ – Thiên chịu thua vì không biết phản bác làm sao – À này, muộn rồi, em có muốn đi ăn gì luôn không?

Sau lần đó Thiên không dám dẫn Cơ đi lễ chung nữa, vì anh nhận ra cô nói đúng. Quả thật khi đi lễ anh có mặt tại nhà thờ nhưng hồn anh không ở đó. Anh không thể nào kiểm soát được ý nghĩ của mình dẫu biết điều này thật có lỗi với Chúa. Anh còn tự hỏi liệu mình có yêu mến Chúa không khi từ bé đến giờ anh toàn đọc kinh trong vô thức và lắm lúc thấy những nghi thức thật buồn cười. Ban ngày anh nô đùa vui vẻ nên ý nghĩ ấy không đeo đuổi anh song đêm về nó lại dằn vặt anh, vì khi ấy chỉ có anh đối diện với chính mình. Anh quên mất có một người luôn đồng hành và sẵn sàng chỉ dẫn anh nếu anh thật sự mong cầu Người.

Nhưng anh đã không thật sự mong Người đến vì sang năm hai, anh bị cuốn đi trong guồng quay của học tập, của vui chơi, của cả những lần hò hẹn với Cơ. Hơn nữa, anh còn đi làm thêm vì ý thức tiền chu cấp của ba mẹ không đủ đáp ứng nhu cầu ăn chơi của mình. Điều đó đồng nghĩa với việc thời gian cho đời sống tâm linh của anh bị bóp nghẹt: anh dần bỏ lễ Chúa Nhật, bỏ đọc kinh; không chỉ vì những lý do trên mà anh còn viện cớ bằng câu nói của bạn gái: “Anh đi lễ không có hồn”. “Đã không có hồn thì đi cũng như không, vậy khỏi đi cho khỏe, thời gian đó làm được ối việc” – Thiên tự nhủ. Thật ra có vài lần ý nghĩ thống hối trỗi lên bất chợt nhưng anh đã cố đè nó lại bằng tất cả sức lực đáng ra nên dành cho việc phụng thờ, chỉ vì nó làm anh khó chịu.

Cuối năm hai đại học, Cơ chia tay anh.

–  Vì sao? – Thiên bàng hoàng hỏi.

–  Anh không còn là anh nữa. Khi em muốn làm bạn gái anh em đã nghĩ vì anh là một người có đạo nên anh sẽ hiền lành hoặc ít nhất anh có quy tắc cho riêng mình như một người Công giáo. Nhưng thời gian cho em thấy điều ngược lại. Anh ăn chơi với đám bạn chẳng ra gì, rồi lao đầu kiếm tiền chỉ để phục vụ cuộc chơi ấy. Hơn nữa, em còn phát hiện anh bỏ lễ được cả năm rồi. Đạo giữ từ bé anh còn bỏ được, huống hồ một người mới quen biết chỉ có một, hai năm như em!

–  Nhưng anh làm những điều đó cũng chỉ vì em mà! Với lại làm sao em biết anh bây giờ không phải là con người thật mà nói anh tha hóa, biết đâu anh chỉ đang thể hiện đúng bản thân mình?

–  Anh bảo làm vì em nhưng anh có biết em thật sự cần gì chưa? Còn nữa, nếu bây giờ anh nghĩ mình đang sống đúng với bản thân thì chúc mừng anh, còn chúng ta vẫn nên chia tay vì con người thật của anh không hợp với em.

Nói xong câu đó Cơ quay người đi, bỏ mặc Thiên cứ đứng dại ra như trời trồng.

           –  Ầm! – Thiên đập tay mạnh xuống bàn quỳ, tiếng vọng trong ngôi thánh đường như tiếng gầm của lòng anh.

–  Tại sao lại như vậy? Thành vì Chúa mà bại cũng vì Chúa – Thiên tự giễu, rồi đập tay lên thành bàn quỳ hai lần nữa, giọng ngang tàng – Chúa đâu rồi? Hãy hiện ra giải thích đi, sao Ngài mãi im vậy?

Đúng lúc Thiên chuẩn bị đập bàn lần thứ tư thì đột nhiên anh nghe thấy tiếng vật gì rơi xuống. Ngừng một lúc, anh liếc xem thứ đang cản trở mình: một cuốn sách Tân Ước. Thì ra vì Thiên đập bàn mạnh quá nên đã làm rơi cuốn sách trong ngăn đựng của bàn quỳ.

Thiên choàng tỉnh. Anh vội nhặt cuốn sách, trong đầu vang lên câu tin mừng mà anh được dạy từ thuở bé: “Ngôi Lời là Thiên Chúa”. “Chẳng lẽ Chúa muốn nói với mình qua Kinh Thánh ư?”, Thiên nghi hoặc. Nhưng chỉ vài giây sau ánh mắt anh trở nên kiên định, anh đã không còn ai để dựa vào ngoại trừ Đấng không biết mà anh từng thờ có thể đang nói với anh qua cuốn sách. Anh nhắm mắt lại và cầu nguyện: “Lạy Chúa, có phải vì con từ bỏ Ngài nên Ngài trừng phạt con? Con không hiểu ý Ngài, xin hãy chỉ cho con một con đường sáng”.

Đoạn anh mở cuốn sách ra, một cách ngẫu nhiên vì anh vẫn nhắm mắt, và anh đọc đoạn Kinh Thánh đập vào mắt anh đầu tiên:

“Bạn chưa kết hôn với một người đàn bà ư? Đừng lo kiếm vợ. Nhưng nếu bạn cưới vợ, thì cũng chẳng có tội gì. Và nếu người con gái lấy chồng, thì cũng chẳng có tội gì. Tuy nhiên, những người ấy sẽ tự chuốc lấy những nỗi guan truân khốn khổ. Mà tôi, tôi muốn cho anh em thoát khỏi điều đó.”

“Đàn ông không có vợ thì chuyên lo việc Chúa: họ tìm cách làm đẹp lòng Người. Còn người có vợ thì lo lắng việc đời: họ tìm cách làm đẹp lòng vợ, thế là họ bị chia đôi…”

Anh bật cười – cũng trùng hợp quá đi chứ. Rồi anh gấp sách lại, nhắm mắt và lật ngẫu nhiên lần thứ hai.

“Xoạt”.

Vẫn trang sách ấy, đoạn văn ấy, chương 7, thư thứ nhất gửi tín hữu Cô-rin-tô.

Lần này thì anh thôi cười vì anh biết mình điều gì đang xảy ra với mình. Đầu anh bắt đầu sống lại những suy niệm đã chết héo từ lâu.

Một lát sau, anh đứng dậy, mắt nhìn thẳng tượng Chúa chết trên thập giá, lòng sáng như gương.

  “Thì ra là vậy, diệu kỳ thay Thượng đế tối cao. Bao lâu nay ta thờ Người trong mịt mờ, ta thờ Người vì cha mẹ ta bảo vậy. Nhưng Người đã gửi Cơ để mở mắt ta, và nếu em không chia tay ta thì có lẽ ta còn sống như thú vật mù đui phận mình. Tình yêu bé nhỏ của ta đã hy sinh để có được chân lý, để tan vào trong tình yêu cao cả của Chúa trời. Lạy Chúa, Chúa cho tất cả rồi Chúa lấy đi, xin chúc tụng Ngài”.

 

Gioakim Nguyễn Hữu Phúc

(Trích “HOA NÚI RỪNG VI” – Ban Mục vụ Văn hóa Gp. Kon Tum)