Khát

         Về với Cựu Ước, ta thấy Thiên Chúa đã giải phóng dân Israel khỏi ách nô lệ Ai cập bằng những hành động diệu kỳ, nhất là biến cố Thiên Thần vượt qua các gia đình do thái và biến cố vượt qua Biển. Ban đầu dân Israel rất phấn khởi và sùng mộ Thiên Chúa. Nhưng những khổ cực và thiếu thốn trong cuộc hành trình qua sa mạc đã dần dần khiến họ nản lòng : họ thường càu nhàu, đòi trở lại Ai cập, nhiều khi còn nổi loạn. Tuy nhiên Thiên Chúa kiên nhẫn đã dùng chính hoàn cảnh thiếu thốn ấy để giáo dục họ hiểu biết đâu là điều thiết yếu trong cuộc sống.

         Điều căn cốt mà Thiên Chúa muốn đó là : Ngài muốn họ tin rằng sự cứu rỗi của họ ở đàng trước chứ không phải ở đàng sau : đàng trước là Đất hứa, đàng sau là ách nô lệ Ai cập. Do đó họ có dám tin cậy vào Ngài để tiến tới phía trước không mặc dù hiện tại họ chỉ thấy toàn khổ cực thiếu thốn. Hay họ thà quay lại đàng sau để sống kiếp nô lệ với cơm thừa canh cặn ở Ai cập. 

        Kế đến, Thiên Chúa muốn đó là đức cậy : từ trước tới nay Thiên Chúa chăm lo cho họ đủ mọi điều : muốn bánh thì có manna, muốn thịt thì có chim cút. Nay Ngài để họ thiếu nước, thế là niềm trông cậy của họ lung lay, họ hỏi một cách thách thức “Có thực có Thiên Chúa hay không ?” Sở dĩ họ hỏi vậy là vì họ nghĩ rằng Thiên Chúa là một kẻ có nhiệm vụ lo lắng cho họ. Nói cách khác, họ coi Thiên Chúa như một người đối diện với họ. Thực ra Thiên Chúa không phải là một người đối diện, dù người đó có quyền lực bao nhiêu đi nữa. Thiên Chúa còn hơn thế nhiều.

       Và, hẳn ta còn nhớ chuyện tình bên bờ giếng Giacob. Nơi đó ta thấy Giêsu ban đầu xin người phụ nữ Samaria cho Ngài uống nước, sau đó tự mặc khải Ngài chính là Nước trường sinh “Ai uống nước này sẽ không bao giờ khát nữa. Và nước tôi cho sẽ trở thành nơi người ấy một mạch nước vọt lên đem lại sự sống đời đời”. 

       Và, chắc có lẽ ta không quên di ngôn của Chúa Giêsu trên cây Thánh Giá vào chiều thứ Sáu đượm buồn : “Ta khát”.

         Tâm tư đượm buồn đó gói ghém nhiều tâm tình gửi đến cho nhân loại từ thời Chúa Giêsu cho đến ngày nay. Chúa Giêsu trên cây thập tự đau đớn đã khát, Ngài không khát theo kiểu tự nhiên, kiểu thân xác nữa vì biết mình đàng nào cũng chết. Và, có thể khát tự nhiên đi chăng nữa thì trên cái khát tự nhiên đó là khát lòng yêu mến, tình yêu thương của nhân loại.

        Xuống trần làm người, gói trọn yêu thương của Thiên Chúa Cha để mang đến cho nhân loại nhưng thay vì khát yêu thương con người lại khát máu để gây ra cái chết cho người vô tội mang tên Giêsu.

        Có lẽ, khát nhất của Chúa Giêsu đó là khao khát Chúa Trời Hằng Sống để rồi trên cây thập tự hình, qua cái chết Chúa sẽ về với Chúa Trời Hằng Sống mà Chúa hằng mong ước.

      Ngày nay, trong thực tế của cuộc đời, nhân loại khao khát rất nhiều điều : 

– Khao khát chân lý vì cuộc sống nhiều gian dối

– Khao khát tự do trong một xã hội nhiều trói buộc

– Khao khát công bình trong một môi trường đầy dẫy bất công

– Khao khát yêu thương trong cuộc đời nhiều thù hận

– Khao khát hạnh phúc trong cảnh sống bất hạnh

– Khao khát niềm tin giữa cảnh đời nhiều nghi kỵ… 

– v.v.

        Tất cả những khao khát đó đều là biểu hiện của một khát vọng thâm sâu : “Linh hồn con khao khát Chúa Trời hằng sống” để rồi ai tìm đến Nguồn Nước Trường Sinh sẽ sống đời đời, sẽ no thỏa chứ không còn khát như dân Do Thái trong sa mạc hay như người phụ nữ Samaria bên bờ giếng.

        Giữa cơn đại dịch, ta thấy vẫn còn đó và có đó những tấm lòng khao khát Thiên Chúa Hằng Sống.

         Nhận được thông báo từ Tòa Tổng Giám Mục Sài Gòn, biết bao nhiêu tâm hồn khao khát Nước Hằng Sống qua Thánh Lễ hàng ngày và Chúa Nhật cảm thấy nặng lòng vì không còn được đến kín múc Nước Hằng Sống nữa.

       “Một tuần, Chúa nhật không tính, ít là con đi Lễ hàng ngày 5 ngày. Giờ buồn và chán quá ! Khi nào Cha có dâng Lễ ở đâu hú cho con đi ké với nhé”

        “Chào Cha, giờ này tụi con đi lần Chuỗi để cầu nguyện cho cơn đại dịch mau qua”

         “Không có Thánh Lễ thì con đến Nhà Thờ lặng lẽ đi đàng Thánh Giá”.

        Thế đó ! Dễ thương lắm khi có những tâm hồn đơn sơ và chân thành với Chúa. Và, vẫn tin và hy vọng “sau cơn mưa trời lại sáng” để rồi mọi sự sẽ bình yên. Chuyện quan trọng nhất bây giờ đó chính là tâm tình cầu nguyện.

       Có lẽ, qua biến cố Coronavirus này, nhân loại sẽ chợt nhận ra rằng cơm bánh hay nước uống của cuộc đời này tất cả đều vô nghĩa khi đối diện với cái chết và điều cần thiết nhất của con người vẫn là Nước Hằng Sống. Biết đâu được, qua biến cố này nhiều người sẽ lắng đọng tâm hồn, sẽ trở về với Chúa, với anh chị em và nhất là trở về với Nguồn Nước Hằng sống chính là Thiên Chúa của mình.

         Chúa khát khao mọi người thờ phượng Chúa hãy ưu tiên coi việc lo cho người nghèo khổ được cứu độ chính là cách “thờ phượng Chúa Cha trong tinh thần và trong chân lý” (Ga 4,24).

NGƯỜI GIỒNG TRÔM

WGPKT(26/03/2020) KONTUM