Giáo hội như nơi đón tiếp những người đau khổ nhất và người đau khổ luôn là ưu tiên của Giáo hội trong mọi thời đại. Giáo hội không sợ hãi những người ganh ghét, vu khống, bách hại, buộc phải im lặng trước sự thật và không thực hành những điều tốt. Hãy vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời loài người và tin tưởng rằng Chúa luôn hiện diện bên cạnh chúng ta
Dù thời tiết Roma vẫn còn nắng nóng nhưng vì số tín hữu tham dự buổi tiếp kiến chung của ĐTC vào sáng thứ tư 28/8 khá đông, khoảng 30 ngàn người, nên thay vì gặp các tín hữu trong đại thính đường Phaolô VI như những tuần trước, ĐTC đã gặp các tín hữu tại quảng trường thánh Phêrô.
Trong bài giáo lý, dựa trên đoạn sách Công vụ Tông đồ chương 5, 12-16, ĐTC trình bày về Giáo hội như nơi đón tiếp những người đau khổ nhất và người đau khổ luôn là ưu tiên của Giáo hội trong mọi thời đại. ĐTC cũng mời gọi các tín hữu noi gương các Tông đồ, không sợ hãi những người ganh ghét, vu khống, bách hại, buộc phải im lặng trước sự thật và không thực hành những điều tốt; hãy vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời loài người và tin tưởng rằng Chúa luôn hiện diện bên cạnh chúng ta. Sau đây là bài giáo lý của ĐTC:
Bài giáo lý của ĐTC
Cộng đoàn Giáo hội được miêu tả trong sách Công vụ Tông đồ sống với sự phong phú mà Chúa ban cho họ. Chúa rất quảng đại. Cộng đoàn này được gia tăng về số lượng và lòng nhiệt thành, dù cho những tấn kích bên ngoài. Để trình bày cho chúng ta sức sống này, trong sách Công vụ Tông đồ, thánh Luca cũng đã nói cho chúng ta biết về những nơi chốn có ý nghĩa, ví dụ như hành lang Solomon (x. Cv 5,12), nơi gặp gỡ của các tín hữu. Hàng lang này là một khu vực mở, là nơi trú ẩn nắng mưa, nhưng cũng là nơi gặp gỡ và làm chứng tá. Thật vậy, thánh Luca nhấn mạnh vào các dấu chỉ và điều kỳ diệu đi kèm với lời của các Tông đồ và về sự chữa lành đặc biệt các bệnh nhân, những người đã nhận được các dấu lạ.
Giáo hội như «một bệnh viện dã chiến»; các bệnh nhân là ưu tiên chăm sóc của Giáo hội
Trong chương 5 của sách Công vụ Tông đồ, Giáo hội mới khai sinh được miêu tả như «một bệnh viện dã chiến», đón nhận những người yếu đuối nhất, đó là các bệnh nhân. Nỗi đau đớn của họ đã thu hút sự chú ý của các Tông đồ, những người không có vàng bạc (Cv 3,6) – thánh Phêrô nói với người què như thế – nhưng họ manh mẽ nhờ danh Chúa Giêsu. Đối với các Tông đồ, cũng như các Kitô hữu của mọi thời đại, các bệnh nhân là đối tượng ưu tiên của tin vui Nước Trời, là những anh chị em mà Chúa Giêsu hiện diện trong họ cách đặc biệt, để họ được tất cả chúng ta tìm kiếm và gặp thấy (xem (Mt 25,36.40). Các bệnh nhân là đối tượng ưu tiên của Giáo hội, của trái tim linh mục, của tất cả tín hữu. Họ không phải là những người bị loại bỏ, nhưng ngược lại, họ được chăm sóc ủi an. Họ là đối tượng sự quan tâm của các Kitô hữu.
Thánh Phêrô nổi bật giữa các Tông đồ. Ngài có quyền cao nhất trong nhóm các tông đồ do quyền tối thượng được Chúa Giêsu ban cho (xem Mt 16,18) và do sứ mệnh nhận được từ Đấng Phục sinh (xem Ga 21,15-17). Chính thánh nhân là người bắt đầu rao giảng kerygma vào ngày Lễ Ngũ Tuần (xem Cv 2,14-41) và là người sẽ thực hiện chức năng điều hành tại Công đồng Giêrusalem (xem Cv 15 và Gal 2,10-10).
Thánh Phêrô đến gần các giường chõng của các bệnh nhân và đi qua giữa họ, giống như chính Chúa Giêsu đã làm: thánh nhân làm như Chúa Giêsu, mang lấy trên mình các bệnh tật và đau bệnh (xem Mt 8,17; Is 53,4). Và thánh Phêrô, người ngư phủ miền Galilê, đi ngang qua, nhưng để cho Một Đấng Khác tỏ hiện: đó là Chúa Kitô Hằng Sống và hoạt động! Thực vậy, chứng nhân là người bày tỏ Chúa Kitô, bằng lời nói cũng như bằng sự hiện diện thể lý, Đấng để cho thánh nhân được có mối quan hệ với Người và kéo dài sự hiện diện của Ngôi Lời nhập thể làm người trong lịch sử.
“Thần học về sự dịu dàng của Thiên Chúa”
Ở đây thánh Phêrô là người hoàn thành công việc của vị Thầy (xem Ga 14,12): nhìn vào thánh nhân với đức tin, chúng ta thấy chính Chúa Kitô. Tràn đầy Thánh Linh của Chúa, thánh Phêrô đi ngang qua và, ngài không làm gì cả, nhưng bóng của ngài trở thành một “sự xoa dịu”, xoa dịu chữa lành, một sự giao tiếp về sức khỏe, tuôn trào sự dịu dàng của Đấng Phục sinh đang cúi mình trước bệnh tật và phục hồi sự sống, ơn cứu độ, phẩm giá. Theo cách này, Thiên Chúa biểu lộ sự gần gũi của Người và làm cho những vết thương của con cái Người trở thành “nơi chốn của thần học về sự dịu dàng của Người” (Suy niệm ban sáng, nhà nguyện thánh Marta, ngày 14/12/2017). Trong những vết thương của người bệnh, trong những căn bệnh, cản trở của cuộc sống, luôn có sự hiện diện của Chúa Giêsu, vết thương của Chúa Giêsu. Có Chúa Giêsu kêu gọi mỗi chúng ta chăm sóc họ, hỗ trợ họ, chữa lành cho họ.
Chìa khóa cho đời sống Kitô hữu: “vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời con người”
Hành động chữa lành của thánh Phêrô làm gia tăng sự thù ghét của những người Sađốc, những người ganh tị, những người giam tù các Tông đồ và, lo sợ khi các ngài được giải thoát cách bí ẩn, đã cấm các ngài giảng dạy. Những người này xem các phép lạ các Tông đồ thực hiện như là phép thuật, nhưng nhân danh Chúa Giêsu; nhưng họ không muốn chấp nhận điều này và họ đã giam tù các Tông đồ; đánh đập các ngài. Các tông đồ đã được giải thoát cách kỳ diệu, nhưng trái tim của những người này cứng cỏi đến nỗi họ không muốn tin điều họ nhìn thấy. Khi đó, thánh Phêrô đáp lại bằng cách đưa ra một chìa khóa cho đời sống Kitô hữu: “vâng lời Thiên Chúa thay vì con người” (Cv 5,29), bởi vì các Sađốc nói: các ông không được tiếp tục làm những việc này, không được chữa lành” – “Tôi vâng lời Thiên Chúa hơn là vâng lời loài người. Điều này có nghĩa là lắng nghe Thiên Chúa hoàn toàn, không trì hoãn, không tính toán; gắn kết với Người để trở nên có khả năng sống giao ước với Người và với những người mà chúng ta gặp gỡ trên đường đời.
Cuối cùng, ĐTC mời gọi các tín hữu xin Chúa Thánh Thần ban sức mạnh để chúng ta không sợ hãi trước những người bắt chúng ta im lặng, những người nhục mạ chúng ta. Chúng ta đừng sợ hãi. Chúng ta hãy xin Người củng cố chúng ta trong nội tâm để được chắc chắn về sự hiện diện yêu thương và an ủi của Chúa bên cạnh chúng ta.
Hồng Thủy – Vatican
WGPKT(29/08/2019) KONTUM