Giáo Xứ Đức Hưng: Giới Người Cha Công Giáo Tĩnh Tâm Mùa Chay

Sáng ngày 20 tháng 10 năm 2023, giới Người Cha Công Giáo giáo xứ Đức Hưng (giáo hạt Chư Prông, Gia Lai) tĩnh tâm Mùa Chay, cũng đúng vào dịp mừng lễ trọng kính Thánh Giuse, bổn mạng các gia trưởng.

Khoảng 120 người cha gia đình qui tụ về nhà thờ giáo xứ và được cha sở Tôma Aquinô hướng dẫn suy niệm, cầu nguyện với đoạn Tin Mừng Luca chương 15, về Người Cha Nhân Hậu (hay còn gọi là Người Con Hoang Đàng).

Sau buổi tĩnh tâm, vào lúc 10 giờ, cha sở cùng cộng đoàn cử hành thánh lễ mừng kính Thánh Cả Giuse, bổn mạng của các người cha trong giáo xứ.

Sau đây là nội dung bài chia sẻ của cha Tôma Aquinô trong buổi tĩnh tâm:

“Kính thưa quý ông bà và anh chị em!

Một trong những mối bận tâm lớn nhất của chúng ta trong đời sống đạo hôm nay đó là việc giáo dục đức tin cho người trẻ. Người trẻ ở đây không chỉ là những người trẻ chung chung, nhưng có khi là con, là cháu ở trong chính gia đình của chúng ta : làm sao để người trẻ hôm nay lại tiếp tục bước đi trong lòng Giáo Hội- làm sao để con, cháu của chúng ta có thể nhận được từ Giáo Hội những nền tảng quý giá trong đời sống đức tin, trong đời sống luân lý để họ có thể sống tốt cuộc đời của họ- Nếu chúng ta hiểu hiệp hành là đi cùng, là chia sẻ cùng một con đường để hướng đến sự hiệp thông hay hiệp nhất trong Giáo Hội thì mối bận tâm của chúng ta ngày hôm nay có khi không chỉ đơn giản là làm sao để tôi yêu mến Giáo Hội của mình và ở lại hiệp nhất trong Giáo Hội của mình – Mối bận tâm lớn nhất của chúng ta có khi là làm sao để con cháu của chúng ta yêu mến Giáo Hội và ở lại trong Giáo Hội – làm sao để thế hệ trẻ có thể kế tục đức tin và tiếp nối những truyền thống sống đạo tốt đẹp ở trong lòng Giáo Hội – Làm sao để hiệp hành với người trẻ hôm nay và làm sao để người trẻ hôm nay có thể trở thành một phần không thể thiếu trong tiến trình hiệp hành của Giáo Hội- Đây là những câu hỏi mà tôi thường xuyên nghe được từ các bậc làm cha làm mẹ khi tôi đi giảng tĩnh tâm , tôi được nghe chia sẻ rằng : làm bố làm mẹ bây giờ khó lắm, con cái càng lớn thì cha mẹ càng lo, nhất là khi con cái lớn lên, bắt đầu phải đi học xa nhà, bắt đầu phải rời xa vòng tay của bố mẹ, bắt đầu có thể giới sống riêng mình và trong thế giới ấy thì có rất nhiều điều mà bố mẹ không hiểu được và không lường trước được. Và thường điều làm cho các bậc làm cha làm mẹ phải bận lòng nhiều nhất : đó là hành trình đức tin của con cái, khi rời khỏi vòng tay bảo bọc của cha mẹ thì con cái cũng bắt đầu rời bỏ luôn đức tin của mình, bỏ luôn cái thói quen đi lễ ở nhà thờ, bỏ luôn chuyện kinh kệ đạo nghĩa và có khi là rời bỏ luôn cả Giáo Hội đã nuôi dưỡng đức tin của mình từ thuở nhỏ. Làm sao để các bậc làm cha làm mẹ có thể sống chiều kích hiệp hành với con cái của mình. Làm sao để lôi kéo con cái của mình về trong lòng Giáo Hội – Chắc chắn đây là niềm thao thức của rất nhiều gia đình, của rất nhiều bậc làm cha làm mẹ của chúng ta – hôm nay tôi muốn được chia sẻ và mời mọi người cùng suy niệm về chính đề tài này. Tôi mời mọi người dừng lại để cầu nguyện với bài Tin Mừng mà chúng ta vẫn thường gọi là dụ ngôn về đứa con hoang đàng, trong Tin Mừng của thánh Luca chương 15.

Dự ngôn kể về một người trẻ, một đứa con ở trong gia đình, đứa con đó khởi đầu hành trình cuộc đời của mình bằng cách phá vỡ sự hiệp hành, nghĩa là tự mình tách mình ra khỏi gia đình mình, tự bước đi trên con đường riêng của mình. Rồi dụ ngôn ấy lại kết thúc bằng hình ảnh rất đẹp với một kết thúc có hậu, khi đứa con hoang đàng ấy tìm lại được vị trí của mình ở trong mái gia đình mình, trở về để được đi lại trên con đường mà chính mình đã từ bỏ, sống lại cuộc đời mà chính mình đã đánh mất.

Câu chuyện bắt đầu với lời kể của thánh Luca như thế này :

11) “Một người kia có hai con trai. (12)Người con thứ nói với cha rằng: “Thưa cha, xin cho con phần tài sản con được hưởng”. Và người cha đã chia của cải cho hai con. (13)Ít ngày sau, người con thứ thu góp tất cả rồi trẩy đi phương xa. Ở đó anh ta sống phóng đãng, phung phí tài sản của mình.

Tôi chắc chắn rằng đây đã là một bài Tin Mừng rất là quen thuộc với chúng ta rồi và chắc chắn chúng ta đã từng được nghe giảng rất là nhiều lần, nhiều điều về bài Tin Mừng này, có lẽ cũng đã rất nhiều lần chúng ta nhìn thấy mình nơi hình ảnh của đứa con hoang đàng, thấy lại bóng dáng quá khứ cuộc đời mình, trong chuyến hành trình hoang đàng của đứa con; tuy nhiên khi chọn bài Tin Mừng này để gợi ý cho đề tài Hiệp hành và Thương xót, tôi muốn mời mọi người dừng lại nhiều hơn ở hình ảnh của người cha.

Nếu như một đứa con hoang đàng có thể thay đổi trọn vẹn cuộc đời, để từ một kẻ xa lạc trở thành đứa con ở trong nhà, nếu như một đứa con hoang đàng có thể tìm đường trở về và sống lại cuộc đời hạnh phúc của mình thì đó hoàn toàn là nhờ vào người cha, nhờ vào cách làm cha của người cha này. Người cha đã làm gì? Đã hiệp hành như thế nào với đứa con của mình? Đâu là cách dạy con của người cha? Và đâu là bí quyết để người cha có lại được người con xa lạc của mình?

Ở khởi đầu của bài Tin Mừng chúng ta nghe lời thỉnh nguyện của đứa con như thế này “Thưa cha, xin cho con phần tài sản con được hưởng” . Nhiều người đã đọc lời thỉnh nguyện này bằng một lối đọc rất là thiêng liêng và xét đoán từ văn hóa của chính chúng ta, rồi đi tới kết luận : đứa con này là một đứa hư hỏng và bất hiếu, cha còn sống sờ sờ ở đó mà đã đòi chia gia tài thì khác gì nó coi như là cha mình đã chết. Đòi cha phải chia của ngay khi cha còn sống thì khác gì nó trù cho cha mình chết sớm. Thật ra những nghiên cứu Kinh Thánh hiện đại, những nghiên cứu về luật trong đời sống xã hội của người Do thái và trong vùng cận đông chỉ ra cho chúng ta thấy rằng : mình không cần phải kết án đứa con như vậy. Lời kết án như vậy chưa chắc đã là đúng. Đứa con này thật sự không bất hiếu. Luật của xã hội ở vùng cận đông thời đó cho phép con cái khi tới tuổi trưởng thành thì đều có quyền xin chia gia tài để có thể bắt đầu một cuộc sống riêng của mình, một cuộc đời độc lập, giống như là con cái của chúng ta bây giờ thôi. Khi đủ tuổi thì xin ra riêng và xin chúng ta một phần gia tài nào đó để có thể khởi nghiệp. Điều này có thể nói là hoàn toàn tự nhiên ở trong xã hội Dothái ngày xưa và có khi là ngay trong chính xã hội của chúng ta bây giờ. Thông thường thì người cha chỉ chia cho đứa con một phần nhỏ gia tài của mình mà thôi, người cha vẫn giữ lại một phần lớn cho mình và cho đứa con cả của mình. Thế nên chúng ta thấy, khi mà đứa con thứ xin phần gia tài của mình, thì ngay lập tức, người cha chia ngay mà không có ý kiến gì hết. Người cha chia cho đứa con phần tài sản của nó, phần tài sản mà đứa con được hưởng. Có nhiều người đọc câu chuyện này và không tin rằng người cha ở trong bài Tin Mừng này là gương mẫu của bậc cha mẹ khôn ngoan. Nếu là một bậc cha mẹ tốt và khôn và giỏi thì chắc là người cha này biết rõ con của mình hơn ai hết chứ! Chắc là ông ta phải biết rõ tính cách của đứa con này và phải nhìn ra những nguy cơ bồng bột và thất bại nơi chính đứa con của mình chứ!. Chúng ta thấy ngay lập tức, sau khi đứa con xách giỏ ra khỏi nhà để trẫy đi phương xa, thì tác giả của dụ ngôn kể rằng”Ở đó anh ta ăn chơi phóng đãng và phung phí mọi tài sản của mình. Đây có phải là điều mà người cha không ngờ trước được chăng? Nếu đã có thể nhìn thấy trước cái nguy cơ nơi đứa con của mình thì tại sao người cha lại chấp nhận chia gia tài cho đứa con? sao người cha lại để cho đứa con ra đi dễ dàng như vậy? Cứ giống như là bỏ mặc đứa con của mình vậy.

Đặt những câu hỏi này qua một bên, chúng ta thử nhìn vấn đề ở một góc độ khác xem sao. Chúng ta có thấy việc người cha chia gia tài cho đứa con và để cho đứa con của mình xách giỏ ra đi là điều gì đó rất tự nhiên không? Tự nhiên nghĩa là gì? Tự nhiên có nghĩa là muốn hay không muốn thì chuyện đó cũng xảy ra thôi, chỉ là sớm hay muộn mà thôi. Người cha có muốn hay là không muồn thì có khi đứa con này có ngày nó phải xách giỏ đi ra khỏi nhà mà thôi. Tự nhiên giống như là những câu chuyện đã và đang xảy ra trong chính gia đình của chúng ta vậy, với những người con cái của chúng ta vậy. Khi còn nhỏ thì lúc nào con cái cũng nằm trong bàn tay bảo bọc của bố mẹ, nhưng khi con cái bắt đầu lớn lên thì bố mẹ không còn cách nào để bảo bọc, để ôm giữ con trong vòng tay của mình nữa. Khi con cái lớn lên thì quyền hạn của bố mẹ trên con cái của mình cứ nhỏ lại, những ảnh hưởng của bố mẹ cũng bắt đầu nhỏ lại và bố mẹ phải nhỏ lại thì con cái của mình mới lớn lên và mới sống cuộc đời của mình được.

Chúng ta nhớ là Tin Mừng Luca cũng kể lại cho chúng ta nghe một câu chuyện khác về Chúa Giêsu vào năm 12 tuổi, trong cuộc hành hương về Giêrusalem, Chúa Giêsu đã tự ý ở lại trong đền thờ, báo hại thánh Giuse và Đức mẹ phải vất vả đi tìm, rồi sau ba ngày đi bộ để tìm con, thì đây là câu đầu tiên mà Đức Mẹ và thánh Giuse đã nghe được từ miệng của người con 12 tuổi của mình “Sao cha mẹ lại tìm con, cha mẹ không biết con phải lo việc ở nhà của Cha con sao?” Nhà của Cha con mà Chúa Giêsu nói ở đây chắc chắn không phải là mái nhà của thánh Giuse và của Đức Mẹ rồi, đó là một chân trời khác, một sứ mạng khác, và chúng ta thấy đó : chỉ mới 12 tuổi thôi thì Chúa Giêsu đã có thể vẽ ra cho mình một chân trời ở phía trước, giống như là đã đứng lên đọc cái bản tuyên ngôn độc lập về cuộc đời của mình vậy.

Thế nên,nếu chúng ta thật bình tâm dừng lại ở việc mà người cha chia gia tài cho đứa con và chấp nhận để cho đứa con của mình xách giỏ ra đi. Chúng ta có thể học được bài học rất lạ về sự hiệp hành. Hiệp hành có nghĩa là đi cùng, nhưng mà đi cùng không phải là lúc nào cũng theo cách kè kè bên cạnh, lúc nào cũng bám sát con của mình không rời, con đi đâu thì bố mẹ đi theo đó. Theo kiểu cứ đi sát như vậy thì các bạn trẻ ngày nay họ không gọi là hiệp hành đâu,họ sẽ gọi là kiểm soát, là muốn điều khiển, là bóp nghẹt tự do, là tù túng, là làm cho con mệt mỏi và kiệt sức. Nếu chúng ta đã từng có kinh nghiệm nuôi con cái, chúng ta sẽ thấy những kiểu đi cùng như vậy trước sau gì cũng vỡ và có khi là vỡ theo những cách rất là đau thương, giống như những câu chuyện đau lòng mà chúng ta biết trong thời gian gần đây qua internet về cái chết thương tâm của những người con ở trong gia đình.

Còn người cha ở trong bài Tin Mừng : chúng ta thấy ông ta hiệp hành bằng cách chấp nhận làm người ở lại và để cho con của mình ra đi, chấp nhận đứng lại phía sau để cho con của mình được tự do đi về phía trước, chúng ta thậm chí còn có thể nói là người cha này từ bỏ cả cái quyền làm cha của mình, chấp nhận để cho con của mình được lớn lên, đi con đường mà người con ấy phải đi, sống cái cuộc đời mà người con ấy muốn sống và thậm chí là gặp những thất bại mà người con ấy phải gặp. Chắc chắn đây là một người cha rất là thương con và tình thương của người cha này đi liền với sự tôn trọng; người cha này không nhân danh tình thương của mình để trói buộc con mình lại trong một thế giới an toàn, bảo bọc. Người con thứ ở trong bài Tin Mừng có thể chỉ còn là một đứa con bồng bột và nông nổi, còn nhiều nguy cơ đổ vỡ và thất bại, nhưng mà người cha vẫn quyết định đối xử với con của mình như thể đây đã là một đứa con trưởng thành, người cha chấp nhận cho đứa con này tự do và đặt vào đứa con này tất cả sự tôn trọng của mình. Chúng ta có tin đây mới là điều mà những người trẻ ngày nay họ cần không? Đây mới là cái tình thương có thể thật sự làm cho những người trẻ ngày nay trưởng thành trong cuộc đời của họ và đây mới là cách người cha có thể dạy con mình nên người, đây mới là cái bí quyết hiệp hành của người cha.

Nếu mà không tin, chúng ta đọc tiếp câu chuyện và phân tích từng bước, chúng ta sẽ thấy được cái lý của người cha, thấy được cái sự khôn ngoan trong cái phương pháp sư phạm mà người cha dành cho đứa con của mình : chuyện kể là : khi mà vừa rời khỏi mái nhà của mình thì đứa con gặp ngay thất bại và với cái thất bại đó thì người con này chẳng có thể đổ thừa tại hoàn cảnh hay do cuộc đời gì hết. Thất bại này có nguyên nhân từ chính người con này, từ chính cách sống phung phí và phóng đãng của anh ta đến độ anh ta phải rơi vào cảnh bần cùng, không còn tìm thấy một lối thoát nào khác. Và trong giây phút thất bại đau thương đó thì cái hình ảnh đầu tiên hiện lên trong tâm trí của đứa con đó là mái nhà của mình, đó là người cha của mình :

(17)Bấy giờ anh ta hồi tâm và tự nhủ: “Biết bao nhiêu người làm công cho cha ta được cơm dư gạo thừa, mà ta ở đây lại chết đói! (18) Thôi, ta đứng lên, đi về cùng cha và thưa với người: “Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, (19) chẳng còn đáng gọi là con cha nữa. Xin coi con như một người làm công cho cha vậy”. (20) Thế rồi anh ta đứng lên đi về cùng cha.

Chúng ta thấy đó : hóa ra là người cha này không cần phải đi theo đứa con của mình đến tận chân trời xa, không cần phải kè kè theo sát để dạy dỗ, để khuyên bảo hay là để hướng dẫn con của mình, nhưng mà hình bóng của người cha này chưa bao giờ thôi hiện diện ở trong tâm trí của đứa con, cái tình thương mà người cha dành cho đứa con, một cách nào đó thật là đặc biệt, đã luôn đồng hành với người con này trên mọi nẻo đường mà anh ta bước đi, cái tình thương đó trở thành điểm bám tựa duy nhất của anh ta trong lúc thất bại, nhờ tin vào tình thương đó mà anh ta mới dám cất bước để quay về.

Nếu mà ở trong ngày tháng tuổi thơ của mình, những ngày còn được sống trong mái gia đình của mình mà người con thứ này chưa bao giờ cảm nghiệm được cái sự ngọt ngào trong tình thương của cha dành cho mình, hay là chưa từng cảm nghiệm được sự bao dung và sự tha thứ của người cha dành cho mình, thì chắc gì anh ta đã dám mơ tới chuyện quay trở về và quay trở về ở trong hoàn cảnh thất bại đau thương của mình như vậy. Cho nên, chúng ta thấy : thành công của người cha nằm ở chỗ là đứa con đã dám tin vào tình thương của người cha dành cho mình, cả khi mình đã sai lầm và thất bại, cả khi mình đã không còn là niềm tự hào cho cha mình nữa, cả khi mà việc trở về của mình có thể trở thành một gánh nặng và thậm chí là một niềm tủi nhục cho cha của mình, nhưng mà tất cả những điều đó đều trở nên nhỏ bé so với cái xác tín của đứa con này về tình thương, về cái lòng thương xót mà cha dành cho mình. Người cha đã có thể không bước đi cùng với con ở trên mọi nẻo đường, nhưng mà người cha ây đã luôn có một vị trí bất khả xâm phạm, bất khả thay thế ở trong tâm trí và trong trái tim của đứa con này : đó chẳng phải đã là một thành công của việc làm cha làm mẹ rồi hay sao, thậm chí đó chẳng phải đã là cái thành công lớn nhất của cuộc đời làm cha làm mẹ hay sao. Khi biết là mình không thể nào giữ chân đứa con của mình ở mãi trong nhà thì người cha đã để cho đứa con của mình được ra đi. Người cha ở lại nhà chuẩn bị mọi thứ, sẵn sàng cho ngày đứa con trở về, mặc dù ông ta có thể không biết cái ngày trở về của người con là ngày nào, nhưng mà cái mái nhà của người cha luôn là cái chốn quay về của đứa con, cái mái nhà đó có thể đã không giữ được chân của đứa con trong ngày nó ra đi, nhưng đó là nơi luôn rộng cửa để đón đứa con trong ngày nó trở về, bất cứ lúc nào, bất cứ trong hoàn cảnh nào. Căn nhà đó đã có thể không cho được đứa con tất cả mọi thứ như đứa con mong ước, nhưng mà khi đứa con đã mất hết tất cả mọi thứ, không còn gì trong tay nữa thì đây là nơi mà đứa con luôn có thể tìm về. Và khi mà dám trở về thì đứa con đó có thể nhận lại được mọi thứ : lại được làm con trong nhà như chưa hề có cuộc chia xa nào hết. Chúng ta thấy cái tuyệt vời trong tình thương của người cha là như vậy. Cái cánh cửa trong trái tim của người cha luôn là cánh cửa rộng mở và mái nhà của người cha quả thật là mái nhà hạnh phúc : một mái nhà hạnh phúc là một mái nhà luôn có chỗ, không chỉ dành cho những đứa con làm nở mày nở mặt bố mẹ, những đứa con mang lại lợi lộc và danh tiếng cho bố mẹ, nhưng là một mái nhà mà trong đó những đứa con luôn tìm thấy chỗ của mình, cả khi mình đã thất bại, cả khi mình chẳng còn gì trong tay hết.

Chúng ta có thể dừng lại để đọc lại thật lâu những lời miêu tả về người cha trong ngày đứa con trở về :”anh ta còn ở đàng xa thì người cha đã trông thấy, ông chạnh lòng thương, chạy ra ôm chầm lấy anh ta và hôn lấy hôn để, bấy giờ người con mới nói rằng : “Thưa cha con thật đắc tội với trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa” nhưng người cha liền bảo các đầy tớ : “mau đem áo đẹp nhất ra đây mặc cho cậu, xỏ nhẫn vào ngón tay, xỏ dép vào chân cậu rồi đi bắt con bê đã vỗ béo, làm thịt, để chúng ta mở tiệc ăn mừng. Vì con ta đây đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy. Và họ bắt đầu ăn mừng.

Đây là một bức tranh rất đẹp của tác giả Rembrand, một họa sĩ người Hòa Lan và bức tranh này có tựa đề là “ngày về của đứa con hoang đàng”. Ở tâm điểm của bức tranh chúng ta thấy đứa con thứ trong ngày trở về, tác giả đã phác họa rất là rõ nét hình ảnh của một đứa con trong tình cảnh thân tàn ma dại, áo quần thì rách rưới tả tơi, giày dép thì đứt quai xộc xệch, chân có chân không , đứa con quỳ gối trước mặt cha của mình, gương mặt của đứa con vùi vào lòng của người cha như để dấu mặt đi, không dám khoe ra cho người ta thấy bộ mặt của mình. Gương mắt ấy như trốn tránh cả thế giới và chỉ tìm thấy cái sự an ủi trong tình thương từ cung lòng của người cha mà thôi. Đứa con trở về có thể không còn là đứa con của ngày ra đi, chẳng còn quần áo lụa là, đẹp đẽ, chẳng còn gì trong tay hết. Nhưng mà đứa con đó đang nằm gọn trong vòng tay của người cha. Ánh mắt của người cha thì chỉ chăm chú nhìn vào đứa con của mình, bỏ mặc tất cả những sự khác bên ngoài như thể là cả thế giới này chỉ thu nhỏ lại trong hình hài của đứa con hoang đàng của ngày trở về thôi, người cha bất chấp tất cả chỉ để lại được ôm con vào lòng thêm một lần nữa. Một điểm nhấn đặc biệt trong bức tranh này, đó là : đôi bàn tay của người cha, một bàn tay thì gân guốc mạnh mẽ mang cái nét uy nghiêm của một người cha, bàn tay còn lại thì, với những ngón tay rất là mềm mại, thon dài, mang vẻ đẹp dịu dàng và đầy nhẫn tính như là một bàn tay của một người mẹ : đó là cách mà họa sỹ Rembrand đã đọc và hiểu chương 15 của Tin Mừng Luca : nhìn ra nơi người cha trái tim và vòng tay của một người mẹ, qua dụ ngôn này Chúa Giêsu kể cho chúng ta nghe về một Thiên Chúa nhân từ, vừa mang gương mặt của một người cha, vừa mang trái tim của một người mẹ. Và hình ảnh của người cha như vậy là biểu tượng thành công của mẫu gương hiệp hành và hiệp hành bằng chính lòng thương xót của mình, người cha này là mẫu gương tuyệt vời cho cả Giáo Hội của chúng ta noi theo trong đời sống hiệp hành với con cái của mình.

Kính thưa quý ông bà và anh chị em! Thế giới hiện đại hôm nay của chúng ta mở ra cho thế hệ trẻ rất nhiều con đường riêng : người trẻ hôm nay có rất nhiều khôn ngoan theo kiểu của họ và dĩ nhiên đi kèm đó là cả những bồng bột, nông nỗi của họ. Đã có nhiều người trẻ rời bỏ mái gia đình của mình, cũng đã có nhiều bạn trẻ rời bỏ mái nhà Giáo Hội, nơi mà đức tin của mình đã được nuôi dững từ thuở nhỏ, những người lớn của chúng ta đã luôn phải là những người ở lại, chúng ta chẳng thể nào theo kịp những người trẻ trên con đường của họ, trong những lựa chọn của họ, thế nhưng trong dụ ngôn mà chúng ta nghe hôm nay : khi một người trẻ xách dỏ ra đi, lìa bỏ mái nhà của mình thì đó chỉ mởi là bước khởi đầu của câu chuyện, chứ đó chưa phải là kết thúc. Câu chuyện có kết thúc như thế nào tùy thuộc rất nhiều vào chính chúng ta, vào những người ở lại trong mái nhà. Liệu tình thương của chúng ta có đủ lớn để luôn đồng hành, để đi theo từng bước của con cái mình không? Liệu chúng ta có đủ bao dung để là một chốn quay về bình yên cho những người đã ra đi, đã va vấp với cuộc đời và đã phải nhận thất bại cay đắng hay không? Trong kinh tin kính, chúng ta tuyên xưng về một Giáo Hội thánh thiện, thần học gia Karl Rahner đã giải thích rằng : Giáo Hội là thánh đó là bởi vì trong lòng Giáo Hội luôn có chỗ dành cho những tội nhân, Giáo Hội không nên thánh bằng việc quét sạch những tội nhân ra khỏi nhà của mình, nhưng như một người mẹ, Giáo Hội luôn sẵn sàng dang rộng vòng tay để chào đón những đứa con hư hỏng và thất bại của mình. Giáo Hội là thánh khi mà Giáo Hội có một gương mặt nhân từ, hiệp hành với con cái của mình bằng tấm lòng thương xót.

Để kết thúc, tôi xin đặt ra thêm một số câu hỏi vắn gọn để giúp chúng ta suy niệm và cầu nguyện về đề tại hiệp hành và thương xót như thế này :

-Câu hỏi thứ I : tôi đã bao giờ phải sống tình trạng của người cha ở trong bài Tin Mừng này hay chưa? Phải chứng kiến những cuộc ra đi từ chính những người thân yêu nhất của mình, những người con của mình rời bỏ gia đình, rời bỏ Giáo Hội để làm những đứa con hoang đàng giữa lòng đời. Phản ứng của tôi lúc đó như thế nào? Tôi đã làm gì để có thể đồng hành hay là để giúp đỡ những người con ấy? Tôi có còn dám nuôi cái hy vọng giữa lòng mình là những người con ấy vẫn còn có cơ hột để quay về, để làm lại cuộc đời trong gia đình của mình, trong lòng Giáo Hội của mình hay không?

-Câu hỏi thứ II: Tôi học được gì từ cung cách của người cha ở trong bài Tin Mừng này : từ cách hiệp hành mà người cha đã dành cho con của mình? Tôi có ngộ được ra điều gì để hiệp hành với những người trẻ ở trong gia đình của tôi, trong cộng đoàn của tôi để có thể tạo nên một sự hiệp hành liên thế hệ trong Giáo Hội của tôi hay không?

-Câu hỏi thứ III : trong lịch sử của Giáo Hội đã có rất nhiều cuộc hoán cải của những đứa con hoang đàng, sau nhiều va vấp và trôi nổi giữa dòng đời,lại được trở về trong lòng Giáo Hội giống như một đứa con được trở về nhà : có nhiều cách hoán cải, có nhiều kiểu trở về, nhưng mà động lực của những cuộc hoán cải ấy luôn đến từ cảm nghiệm về sự nhân từ, về lòng thương xót của Thiên Chúa và của Giáo Hội. Nếu trong gia đình của tôi hay trong xứ đạo của tôi, còn có bóng dáng của một vài đứa con hoang đàng thì câu hỏi đặt ra cho tôi lúc này là như thế này : tôi có dám tin vào sự hoán cải của những người con bị gọi là hoang đàng hay không? Tôi có mang nơi mình bóng dáng của một Giáo Hội hiệp hành, một Giáo Hội có khả năng trở thành mái nhà cho những người có thể trở về, muốn trở về sau bao nhiêu thất bại và va vấp trên cuộc đời này không? Liệu ngay trong chính gia đình của tôi, trong cộng đoàn của tôi: tôi có thể viết tiếp trang sử đẹp về những cuộc hoán cải ngoạn mục của Giáo Hội nhờ khả năng hiệp hành và thương xót hay không?

Kính chúc quý ông bà và anh chị em giờ cầu nguyện sốt sắng.”

 

Lm Tôma Aquino Trần Duy Linh

 

 

Giáo xứ Đức Hưng

WGPKT(22/03/2023) KONTUM