Chúa Nhật V Mùa Chay – Năm A (CN 26.03.2023)

Bài đọc 1: Ed 37,12-14

Ta sẽ đặt Thần Khí của Ta vào trong các ngươi và các ngươi sẽ được hồi sinh.

Bài trích sách ngôn sứ Ê-dê-ki-en.

12 Đức Chúa là Thiên Chúa phán như sau : “Hỡi dân Ta, này chính Ta mở huyệt cho các ngươi, Ta sẽ đưa các ngươi lên khỏi huyệt và đem các ngươi về đất Ít-ra-en. 13 Các ngươi sẽ nhận biết chính Ta là Đức Chúa, khi Ta mở huyệt cho các ngươi và đưa các ngươi lên khỏi huyệt, hỡi dân Ta. 14 Ta sẽ đặt thần khí của Ta vào trong các ngươi và các ngươi sẽ được hồi sinh. Ta sẽ cho các ngươi định cư trên đất của các ngươi. Bấy giờ, các ngươi sẽ nhận biết chính Ta là Đức Chúa, Ta đã phán là Ta làm. Đó là sấm ngôn của Đức Chúa.”

Đáp ca: Tv 129,1-2.3-4.5-6a.6b-8 (Đ. x. c.7bc)

Đ.Chúa luôn luôn từ ái một niềm,
ơn cứu chuộc nơi Người chan chứa.

1Từ vực thẳm, con kêu lên Ngài, lạy Chúa,2muôn lạy Chúa, xin Ngài nghe tiếng con.
Dám xin Ngài lắng tai để ý
nghe lời con tha thiết nguyện cầu.

Đ.Chúa luôn luôn từ ái một niềm,
ơn cứu chuộc nơi Người chan chứa.

3Ôi lạy Chúa, nếu như Ngài chấp tội,
nào có ai đứng vững được chăng ?4Nhưng Chúa vẫn rộng lòng tha thứ
để chúng con biết kính sợ Ngài.

Đ.Chúa luôn luôn từ ái một niềm,
ơn cứu chuộc nơi Người chan chứa.

5Mong đợi Chúa, tôi hết lòng mong đợi,
cậy trông ở lời Người.6aHồn tôi trông chờ Chúa,
hơn lính canh mong đợi hừng đông.

Đ.Chúa luôn luôn từ ái một niềm,
ơn cứu chuộc nơi Người chan chứa.

6bHơn lính canh mong đợi hừng đông,7trông cậy Chúa đi, Ít-ra-en hỡi,
bởi Chúa luôn từ ái một niềm,
ơn cứu chuộc nơi Người chan chứa.8Chính Người sẽ cứu chuộc Ít-ra-en
cho thoát khỏi tội khiên muôn vàn.

Đ.Chúa luôn luôn từ ái một niềm,
ơn cứu chuộc nơi Người chan chứa.

Bài đọc 2: Rm 8,8-11

Thần Khí của Đấng đã làm cho Đức Giê-su sống lại từ cõi chết, ngự trong anh em.

Bài trích thư của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Rô-ma.

8 Thưa anh em, những ai bị tính xác thịt chi phối thì không thể vừa lòng Thiên Chúa. 9 Nhưng anh em không bị tính xác thịt chi phối, mà được Thần Khí chi phối, bởi vì Thần Khí của Thiên Chúa ngự trong anh em. Ai không có Thần Khí của Đức Ki-tô, thì không thuộc về Đức Ki-tô. 10 Nhưng nếu Đức Ki-tô ở trong anh em, thì dầu thân xác anh em có phải chết vì tội đã phạm, Thần Khí cũng ban cho anh em được sống, vì anh em đã được trở nên công chính. 11 Lại nữa, nếu Thần Khí ngự trong anh em, Thần Khí của Đấng đã làm cho Đức Giê-su sống lại từ cõi chết, thì Đấng đã làm cho Đức Giê-su sống lại từ cõi chết, cũng sẽ dùng Thần Khí của Người đang ngự trong anh em, mà làm cho thân xác của anh em được sự sống mới.

Tung hô Tin Mừng:Ga 11,25a.26

Chúa nói : Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống ; ai tin vào Thầy sẽ không phải chết bao giờ.

Tin Mừng:Ga 11,1-45 

Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống.

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an.

1 Khi ấy, có một người bị đau nặng, tên là La-da-rô, quê ở Bê-ta-ni-a, làng của hai chị em cô Mác-ta và Ma-ri-a. 2 Cô Ma-ri-a là người sau này sẽ xức dầu thơm cho Chúa, và lấy tóc lau chân Người. Anh La-da-rô, người bị đau nặng, là em của cô. 3 Hai cô cho người đến nói với Đức Giê-su : “Thưa Thầy, người Thầy thương mến đang bị đau nặng.” 4 Nghe vậy, Đức Giê-su bảo : “Bệnh này không đến nỗi chết đâu, nhưng là dịp để bày tỏ vinh quang của Thiên Chúa : qua cơn bệnh này, Con Thiên Chúa được tôn vinh.”

5 Đức Giê-su quý mến cô Mác-ta, cùng hai người em là cô Ma-ri-a và anh La-da-rô.

6 Tuy nhiên, sau khi được tin anh La-da-rô lâm bệnh, Người còn lưu lại thêm hai ngày tại nơi đang ở. 7 Rồi sau đó, Người nói với các môn đệ : “Nào chúng ta cùng trở lại miền Giu-đê !” 8 Các môn đệ nói : “Thưa Thầy, mới đây người Do-thái tìm cách ném đá Thầy, mà Thầy lại còn đến đó sao ?” 9 Đức Giê-su trả lời : “Ban ngày chẳng có mười hai giờ đó sao ? Ai đi ban ngày thì không vấp ngã, vì thấy ánh sáng mặt trời. 10 Còn ai đi ban đêm, thì vấp ngã vì không có ánh sáng nơi mình !”

11 Nói những lời này xong, Người bảo họ : “La-da-rô, bạn của chúng ta, đang yên giấc ; tuy vậy, Thầy đi đánh thức anh ấy đây.” 12 Các môn đệ nói với Người : “Thưa Thầy, nếu anh ấy yên giấc được, anh ấy sẽ khoẻ lại.” 13 Đức Giê-su nói về cái chết của anh La-da-rô, còn họ tưởng Người nói về giấc ngủ thường. 14 Bấy giờ Người mới nói rõ : “La-da-rô đã chết. 15 Thầy mừng cho anh em, vì Thầy đã không có mặt ở đó, để anh em tin. Thôi, nào chúng ta đến với anh ấy.” 16 Ông Tô-ma, gọi là Đi-đy-mô, nói với các bạn đồng môn : “Cả chúng ta nữa, chúng ta cũng đi để cùng chết với Thầy !”

17 Khi đến nơi, Đức Giê-su thấy anh La-da-rô đã chôn trong mồ được bốn ngày rồi. 18 Bê-ta-ni-a cách Giê-ru-sa-lem không đầy ba cây số. 19 Nhiều người Do-thái đến chia buồn với hai cô Mác-ta và Ma-ri-a, vì em các cô mới qua đời. 20 Vừa được tin Đức Giê-su đến, cô Mác-ta liền ra đón Người. Còn cô Ma-ri-a thì ngồi ở nhà. 21 Cô Mác-ta nói với Đức Giê-su : “Thưa Thầy, nếu có Thầy ở đây, em con đã không chết. 22 Nhưng bây giờ con biết : Bất cứ điều gì Thầy xin cùng Thiên Chúa, Người cũng sẽ ban cho Thầy.” 23 Đức Giê-su nói : “Em chị sẽ sống lại !” 24 Cô Mác-ta thưa : “Con biết em con sẽ sống lại, khi kẻ chết sống lại trong ngày sau hết.” 25 Đức Giê-su liền phán : “Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống. 26 Ai sống và tin vào Thầy, sẽ không bao giờ phải chết. Chị có tin thế không ?” 27 Cô Mác-ta đáp : “Thưa Thầy, có. Con vẫn tin Thầy là Đức Ki-tô, Con Thiên Chúa, Đấng phải đến thế gian.”

28 Nói xong, cô đi gọi em là Ma-ri-a, và nói nhỏ : “Thầy đến rồi, Thầy gọi em đấy !” 29 Nghe vậy, cô Ma-ri-a vội đứng lên và đến với Đức Giê-su. 30 Lúc đó, Người chưa vào làng, nhưng vẫn còn ở chỗ cô Mác-ta đã ra đón Người. 31 Những người Do-thái đang ở trong nhà với cô Ma-ri-a để chia buồn, thấy cô vội vã đứng dậy đi ra, liền đi theo, tưởng rằng cô ra mộ khóc em.

32 Khi đến gần Đức Giê-su, cô Ma-ri-a vừa thấy Người, liền phủ phục dưới chân và nói : “Thưa Thầy, nếu có Thầy ở đây, em con đã không chết.” 33 Thấy cô khóc, và những người Do-thái đi với cô cũng khóc, Đức Giê-su thổn thức trong lòng và xao xuyến. 34 Người hỏi : “Các người để xác anh ấy ở đâu ?” Họ trả lời : “Thưa Thầy, mời Thầy đến mà xem.” 35 Đức Giê-su liền khóc. 36 Người Do-thái mới nói : “Kìa xem ! Ông ta thương anh La-da-rô biết mấy !” 37 Có vài người trong nhóm họ nói : “Ông ta đã mở mắt cho người mù, lại không thể làm cho anh ấy khỏi chết ư ?” 38 Đức Giê-su lại thổn thức trong lòng. Người đi tới mộ. Ngôi mộ đó là một cái hang có phiến đá đậy lại. 39 Đức Giê-su nói : “Đem phiến đá này đi.” Cô Mác-ta là chị người chết liền nói : “Thưa Thầy, nặng mùi rồi, vì em con ở trong mồ đã được bốn ngày.” 40 Đức Giê-su bảo : “Nào Thầy đã chẳng nói với chị rằng nếu chị tin, chị sẽ được thấy vinh quang của Thiên Chúa sao ?” 41 Rồi người ta đem phiến đá đi. Đức Giê-su ngước mắt lên và nói : “Lạy Cha, con cảm tạ Cha, vì Cha đã nhậm lời con. 42 Phần con, con biết Cha hằng nhậm lời con, nhưng vì dân chúng đứng quanh đây, nên con đã nói để họ tin là Cha đã sai con.” 43 Nói xong, Người kêu lớn tiếng : “Anh La-da-rô, hãy ra khỏi mồ !” 44 Người chết liền ra, chân tay còn quấn vải, và mặt còn phủ khăn. Đức Giê-su bảo : “Cởi khăn và vải cho anh ấy, rồi để anh ấy đi.”

45 Trong số những người Do-thái đến thăm cô Ma-ri-a và được chứng kiến việc Đức Giê-su làm, có nhiều kẻ đã tin vào Người.

(Nguồn Lời Chúa:ktcgkpv.org/)

Suy Niệm 1 : Lm Lu-y Gonzaga Nguyễn Quang Vinh

LADARÔ SỐNG LẠI

Việc khai tâm Kitô giáo thường vận dụng các bài Tin mừng về người phụ nữ Samari, người mù từ bẩm sinh và nhất là việc phục sinh Ladarô. Trong tất cả ba bài Tin Mừng mùa Chay năm A đều có những điểm chung: Đức Giêsu luôn đi bước trước trong đối thoại với con người, từ chủ đề vật lý như nước uống, mù loà, chết chóc, Người dùng chúng như bàn đạp để nói về những thực tại cao siêu hơn như Nước Hằng Sống, Ánh Sáng thế gian và sự Sống Lại.  Đức Giêsu như một M.C, người hướng dẫn chương trình, đưa con người khám phá chân lý tôn giáo. 

Phục sinh Ladarô là điểm nhấn quan trọng trong Tin mừng Gioan, vì sau biến cố xảy ra cho Ladarô, Hội đường Do thái quyết định kết án tử hình Đức Giêsu.  Các bài Tin mừng nầy mang tính sư phạm, hướng dẫn đi vào niềm tin Kitô giáo.  Tức là đi vào lịch sử ơn cứu độ, vào chiến thắng sự chết, thực hiện lời hứa của Thiên Chúa.  Con người luôn mong muốn nước giải khát, luôn muốn được sáng mắt và nhất là được sống lại.  Tất cả hội tụ lại nơi Đức Giêsu là Đấng cứu thế.

Lời hứa giải phóng khỏi ách nô lệ Babylon được tiên tri Êdêkien loan báo vào thời lưu đày (587- 538) : “Các ngươi sẽ nhận biết chính Ta là Đức Chúa.  Này chính Ta mở huyệt cho các ngươi, Ta sẽ đưa các ngươi ra khỏi huyệt, hỡi dân Ta.  Ta sẽ đặt Thần khí của Ta vào trong các ngươi và các ngươi sẽ được hồi sinh” (Bài Đọc 1. Ed 37,12-14).  Lời hứa chắc nịch nầy được thực hiện vào năm 539 với chiếu chỉ hồi hương của Cyrus, vua Ba Tư, chấm dứt 50 năm đời nô lệ, khai mào một thời kỳ giải phóng, tái lập nước Ítraen. 

Chính tiên tri Êdêkien loan báo lời hứa này cho dân Do thái khi họ còn ngồi trên bờ sông Babylon than khóc số phận hẩm hiu của mình, chính vị tiên tri nầy đem lại cho họ niềm hy vọng giải phóng.  Không có gì mà Thiên Chúa không làm được. Việc Chúa làm vượt quá thực tế trước mắt, thực tế có khi gây ngã lòng theo nhãn quan trần thế, đó cũng là tâm tình của thánh Phaolô trong Thư Rôma, ngài nói chính Thần khí giải thoát chúng ta khỏi đam mê xác thịt và làm cho sống: “Đấng đã làm cho Đức Giêsu sống lại cũng sẽ dùng Thần khí của Người đang ngự trong anh em, mà làm cho thân xác của anh em được sự sống mới” (Bài Đọc 2. Rm 8,8-11). 

Chính Thần khí nầy đã phục sinh Ladarô dù đã chết chôn  bốn ngày.  Phục sinh Ladarô là lời khẳng định chính Người là sự sống lại. Kẻ ban cho tha nhân sự sống dĩ nhiên phải có sự sống nơi mình.  Ý thức mình đang đi vào cuộc tử nạn, Đức Giêsu động viên và củng cố niềm tin nơi các môn đệ khi Người đi lên Giêrusalem để hoàn tất sứ mạng cứu độ bằng cái chết của Người.  Người làm cho Ladarô bước ra khỏi mồ, chứng tỏ Người có quyền trên sự chết, đồng thời khẳng định Người là chúa sự sống và là sự sống lại.  Diễn từ sự sống lại được Đức Giêsu viết bằng chính việc Người phục sinh Ladarô, điều nầy dễ hiểu vì không ai cho cái mình không có, làm cho Ladarô sống lại khẳng định Người có nơi mình sự sống lại.

Điều đau thương và khó hiểu là khi Người phục sinh cho một người đã chết được sống lại thì cái chết lại rơi xuống đầu Người.  Cái chết như là chấm câu cho cuộc sống trần thế của Người, nó làm nên thân phận con người, bởi vì nếu Người không chết thì Người chưa thật sự là con người như mọi người khác.  Sau biến cố gây chấn động nầy người Do thái quyết định giết chết Đức Giêsu cùng với Ladarô, nghĩa là họ không tài nào chối cãi được sự thật sờ sờ trước mắt đầy lý chứng thuyết phục khẳng định Đấng ban sự Sống đang ở giữa họ, họ đã chọn điều tốt nhất là “giết người diệt khẩu” như người ta thường làm khi đứng trước một chân lý không thể che dấu được. 

Phục sinh Ladarô tiên báo sự sống lại của chính Đức Giêsu, và tiên báo tương lai phục sinh của chúng ta, những kẻ tin vào Đức Giêsu.  Những yếu tố giống nhau xảy ra trước nấm mồ của Ladarô và trước nấm mồ của Đức Giêsu vào sáng ngày thứ nhất phục sinh, đó là nước mắt của bà Maria, ngôi mộ đá lạnh lẽo, các băng liệm vô tri, khăn che mặt được cuốn gọn lại, tất cả bổng chốc làm Gioan nhớ lại quá khứ và ông tin rằng Thầy đã sống lại, vì ông đã một lần kinh nghiệm qua chứng kiến việc Ladarô sống lại! 

Đức Giêsu là sự sống lại không phải là chuyện cổ tích thuộc quá khứ, nhưng là của ngày hôm nay, Người có thể làm cho những kẻ “chết” ra khỏi tội lỗi của mình, ra khỏi hoàn cảnh tù ngục, họ có thể đổi đời, được cởi trói xiềng xích dục vọng.  Đó cũng là sứ điệp mà mùa Chay Thánh muốn loan báo: hãy sám hối và tin vào Đấng Phục Sinh.

Lạy Chúa Giêsu, con tin thật Chúa là chủ sự sống, xin tha cho con những lần bỏ Chúa để sụp lạy các thần tượng khác.  Bất chấp tất cả tang thương gặp phải, con mạnh dạn nói như cô Mácta: “Con tin Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa”. Amen

________________________

Suy Niệm 2 : Lm Thái Nguyên

SỐNG VÀ CHẾT

Suy niệm

Đúng như lời ngôn sứ Êdêkien đã báo: “Ta sẽ đem các người lên khỏi mồ, hỡi dân Ta và đem các ngươi về đất Ít-ra-en… Ta sẽ ban Thần khí của Ta xuống trên các ngươi và các ngươi sẽ được sống”. Lời này đã được ứng nghiệm cho dân Chúa, và sẽ được Đức Giêsu thực hiện.

Qua bài Tin Mừng, chúng ta cảm nhận được nét đẹp đầy cảm động về tình bạn của Chúa Giêsu. Là Con Thiên Chúa, nhưng Ngài vẫn không cầm được nước mắt bên mồ của Ladarô. Ngài đã trở nên giống chúng ta, sống thân phận của chúng ta, đau cái đau của chúng ta, khổ nỗi khổ của chúng ta. Và rồi đây Ngài cũng sẽ phải chịu đau đớn tận cùng, khi chấp nhận cực hình trên thập giá và chịu chết để cứu chuộc chúng ta.

Lúc gặp Đức Giêsu, Mátta đã thốt lên những lời than trách: “Thưa Thầy, nếu có Thầy ở đây, em con đã không chết”. Khi Đức Giêsu đến chậm, để cho Ladarô phải chết, Ngài cho chúng ta thấy, không ai có thể ngăn chặn được cái chết thể lý. Công việc của Ngài không phải là phá vỡ dòng lưu chuyển sự sống tự nhiên của con người. Ngài không đến để làm cho cuộc đời này thành vĩnh cửu, nhưng trước tiên là để sống thân phận con người, với tất cả những hậu quả bi đát của nó do tội lỗi gây ra. Tuy nhiên, Ngài cũng đã làm cho anh Ladarô sống lại, để biểu hiện quyền năng sự sống của Thiên Chúa nơi mình.

Với bản tính con người, Ngài cảm thông, chia sẻ và nâng đỡ những ai đang phải gặp cảnh buồn thương khốn khổ. Nhưng với bản tính Thiên Chúa, Ngài cho chúng ta được chỗi dậy, được thông phần sự sống Thần Linh của Ngài, như Ngài đã công bố: “Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy thì dù đã chết, cũng sẽ được sống. Ai sống và tin vào Thầy, sẽ không bao giờ phải chết”. Tin Đức Giêsu, chúng ta thoát khỏi sự trống rỗng của cuộc đời hư không, một cuộc sống đã chết do tội lỗi để bước vào sự sống mới, sự sống đích thật của con cái Thiên Chúa, nên chết như cánh cổng to lớn mở vào thánh điện an vui vĩnh hằng.

Nói là sự sống mới vì sự sống cũ của ta đang bị chôn chặt dưới nấm mồ của buồn sầu, nghi nan, thất vọng, vì lo chạy theo vật chất, tiền tài, danh lợi. Nói là sự sống mới vì sự sống cũ đang trong vòng tranh chấp, kéo theo những tham lam, ích kỷ, ghen ghét, hận thù. Đức Giêsu không chỉ mở cửa mộ cho Ladarô ngày xưa, mà Ngài đang mở cửa mộ cho con người hôm nay, bởi vì mỗi người chúng ta đang chết một cách nào đó. Đó là cái chết thiếu đức tin, thiếu lòng yêu mến và cậy trông hy vọng. Đó là cái chết của một xã hội mà sự phát triển kinh tế không đi đôi với đạo đức; một xã hội muốn loại trừ Thiên Chúa nhưng lại tôn thờ ngẫu tượng; một xã hội văn minh tiến bộ nhưng nhân phẩm con người lại bị chà đạp thảm thương. Chẳng lạ gì thánh Gioan Phaolô II gọi thế giới hôm nay là thời đại của nền văn minh sự chết.

Thế giới văn minh, nhưng vẫn đầy dẫy những cái chết não nùng, như những cuộc tàn sát do chiến tranh, cướp bóc, đói kém, phá thai, ma túy, áp bức, khủng bố, bạo hành, ám sát, tự tử, … Cái chết thân xác phản ánh một cái chết nguy hiểm hơn, là cái chết của tình yêu ở trong lòng người. Đó mới là cái chết đáng sợ, vì không còn là cái chết tạm thời, nhưng là cái chết vĩnh viễn vắng bóng Thiên Chúa. Cái chết đó đang len lỏi vào đời sống đạo của chúng ta, nhất là đối với giới trẻ, những con người dễ bị mê hoặc bởi những hào nhoáng bên ngoài, và dễ buông theo lối sống ảo, là những cạm bẫy giăng mắc của sự chết.

Tôn giáo nào cũng nói đến cứu độ hay giải thoát, để đạt tới sự sống viên mãn. Nhưng thật sự chẳng có ai có quyền trên sự sống con người ngoài một mình Thiên Chúa, Đấng là chủ tể của sự sống đời này và đời sau. Càng không có ai có thể tự giải thoát mình. Chỉ có Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, mới có thể giải thoát chúng ta khỏi những cái chết tai ác, vì Ngài là sự sống lại và là sự sống. Chỉ có Đức Giêsu mới có thể mở những cửa mộ kiên cố của lòng ta, lăn những tảng đá đè nặng trên cuộc đời ta, để ta bước ra khỏi thế giới sự chết mà đi vào thế giới sự sống.

Sự sống lại của Ladarô dù sao cũng chỉ là tiếp nối cuộc sống dương trần, điều quan trọng là sự sống đời đời mà chính Chúa Giêsu sẽ đem lại cho chúng ta nhờ cuộc tử nạn và phục sinh của Ngài. Chúng ta hãy tin tưởng và phó thác cuộc đời mình cho Chúa, để Chúa đưa chúng ta vào cuộc sống mới từ hôm nay. Chỉ khi gắn bó với Chúa Giêsu, nhờ quyền năng Ngài, ta mới có khả năng ra khỏi nấm mộ của bản thân mình, và có khả năng thông truyền niềm vui sự sống cho những người chung quanh, đúng theo ơn gọi của mình là môn đệ Đức Giêsu.

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu!
sống là biết có ngày mình phải chết,
và tất cả sẽ không còn gì hết,
thế nhưng ai cũng ngậm ngùi chua xót,
vô cùng đắng đót trước cảnh biệt ly,
kẻ ở người đi mong gì gặp lại.

Chính Chúa cũng thổn thức và xao xuyến,
đến nỗi không ngăn được dòng lệ nhỏ,
trước bạn hiền đã từ bỏ thế gian,
cho dù Chúa có quyền ban sự sống.

Chúa chẳng muốn để một ai phải chết,
nhưng đó là hậu quả của tội lỗi,
vì con người đã manh tâm phản bội,
để dục vọng cứ mặc sức cuốn lôi.

Tuy cái chết đã đi vào thế giới,
nhưng Chúa đem sự sống mới cho đời,
để ai tin vượt qua những gian tà,
bước theo Chúa trên con đường thập giá.

Cuộc đời này rồi ai cũng phải chết,
nhưng con tin tình yêu không thể chết,
khi con dâng hiến hết cuộc đời mình,
vì cái chết là điểm kết của hy sinh,
để mở ra sự sống mới huy hoàng,
mà chính Chúa đã sống lại vinh quang.

Nên cái chết chẳng còn gì đáng sợ,
chỉ đáng sợ khi con sống nghi ngờ,
thiếu niềm tin vào chính Chúa Giê-su,
nên cuộc sống thành tăm tối ngục tù.

Xin cho con lòng tin tưởng cậy trông,
luôn kiên vững không bao giờ thất vọng,
điều quan trọng là nối kết hiệp thông,
để tình yêu mỗi ngày thêm sâu rộng. Amen.

________________________

Suy Niệm 3 : Lm Tôma Aquinô Trần Duy Linh

MỞ CỬA MỘ

Hôm nay đã là Chúa Nhật V Mùa Chay và Chúa Nhật tới đây là Chúa Nhật Lễ Lá bắt đầu Tuần Thánh. Tuần chúng ta được mời gọi suy niệm nhiều hơn và cử hành mầu nhiệm chết và sống lại của Chúa. Bài Phúc Âm hôm nay như là một chuẩn bị cho chúng ta để cử hành mầu nhiệm chết và sống lại của Chúa.

Chúa Giêsu đã chết và đã sống lại, chúng ta cũng sẽ phải chết và được sống lại với Chúa. Khi nói về sự sống lại thì nhiều người anh chị em chúng ta có lẽ nghe khó tin. Mới đây tập hợp điều tra về niềm tin của những người công giáo bền Italia về sự sống đời đời sau cái chết, kết quả cho biết rằng, mặc dù đa số tin có Thiên Chúa, nhưng khi được hỏi về niềm tin của họ vào sự sống đời đời thì họ tỏ vẻ do dự. Quan tâm của họ về sự sống đời đời xem ra như càng ngày càng ít đi, dường như có hai hoàn cảnh làm cho con người dễ xa lìa Thiên Chúa, quên đi cuộc sống đời đời. Đó là khi con người giàu sang, quyền quí hoặc khi gặp cảnh cùng cực thái quá. Giàu quá dễ bị cám dỗ quên Chúa và nghèo quá cũng làm con người tuyệt vọng.

Bài Phúc Âm hôm nay ghi lại biến cố Chúa Giêsu đến với gia đình chị em Martha, Maria và Lazarô để mạc khải cho họ sự thật căn bản về sự sống đời đời: “Ta là sự sống lại và là sự sống, ai tin Ta thì dù có chết cũng sẽ được sống. Ai sống mà tin Ta sẽ không chết bao giờ”.

Vào hoàn cảnh mà Chúa Giêsu chọn để mạc khải sự thật này cho chị em Martha, Maria là cái chết của Lazarô, người được Chúa thương. Đây có thể nói là một biến cố không thuận lợi chút nào, Lazarô đã bị đau cần Chúa đến nâng đỡ chữa trị thì Chúa không đến, xem ra như lơ là hai chị em đã nhắn tin cho Chúa Giêsu biết hoàn cảnh đau yếu của Lazarô, nhưng Chúa vẫn trì hoãn không đáp lại. Một thử thách cho người bạn của Chúa, chờ đợi Chúa mau mắn đáp lại và ỷ lại vào tình bạn với Ngài, nhưng Chúa đã không đáp lại như lòng họ mong ước: “Nếu Thầy có mặt ở đây thì em con không chết”.

Rồi sau khi Lazarô chết rồi, gia đình Martha và Maria đang sống trong sự tang chế đau buồn thì Chúa lại đến, và thay vì nói lời an ủi hay là một điều gì liền ngay theo như mong ước thường tình của con người trong hoàn cảnh tương tự như vậy, thì Chúa Giêsu lại nói điều mà Martha và Maria cả hai người đều không nghĩ đến, đó là Chúa mạc khải sự thật và sự sống đời đời, kêu gọi hãy tin vào Chúa, tin vào sự thật Chúa mạc khải: “Ta là sự sống lại và là sự sống, ai tin Ta sẽ không chết bao giờ”.

Có thể nói là những lời chói tai, không hợp thời, lạc đề xem từ phía con người đang phải chịu thử thách, đang gặp phải những đau thương: “Nếu Thầy có mặt thì em con không chết”. Sự đáp trả của hai chị em Martha, Maria và của hai người Do Thái đến chia buồn lúc đầu chưa được trọn hảo. Martha nghĩ đến sự sống lại ngày sau hết, còn hai người Do Thái có mặt ở đó quan sát xem Chúa Giêsu có làm gì để thay đổi hoàn cảnh hay không? Martha và Maria ra khỏi hoàn cảnh cụ thể của mình để đến với Chúa, để gặp Chúa ở nơi mà Chúa muốn ở ngoài hoàn cảnh tang thương, tang chế của họ vào lúc đó để được Chúa hoán cải, để tuyên xưng: “Lạy Thầy, con tin”.

Chúng ta đã biết những gì xảy ra sau lời tuyên xưng đức tin đầy khiêm tốn và can đảm của hai chị em Martha và Maria. Sống mà không có niềm tin thì kể như là đã chết. Trong biến cố mà Phúc Âm thánh Gioan ghi lại cho chúng ta hôm nay, chúng ta thấy Chúa Giêsu làm phép lạ không phải chỉ cho Lazarô được sống lại mà thôi, mà cho ba người được sống lại, đó là Martha, Maria và Lazarô.

Sống lại đầu tiên đó là sống lại với niềm tin vào Chúa, có thể nhiều người trong chúng ta cũng đã chết trong niềm tin vào Chúa và không còn tin Chúa nữa. Chúng ta cần Chúa cho chúng ta sống lại, sống lại trong niềm tin vào Ngài như Martha, Maria: “Lạy Thầy, con tin”. Nhờ lời tuyên xưng của Martha và Maria mà tiếp sau đó Chúa Giêsu cho Lazarô trở lại cuộc sống. Tất cả qui hướng chúng ta về quan điểm cuối cùng, đó là Chúa Giêsu làm Con Thiên Chúa, là Thiên Chúa, Ngài là Chúa, là chủ của sự sống và có quyền năng trao ban sự sống cho con người.

Vì biến cố phép lạ Lazarô chuẩn bị cho biến cố lạ lùng nhất sắp diễn ra là biến cố chính Chúa chết và sống lại mà chúng ta sẽ cữ hành trong Tuần Thánh sắp đến. Chúa chết và sống lại để hoàn tất công trình cứu chuộc con người, để ban cho chúng ta được sống và sống lại với Chúa: “Ta là sự sống lại và là sự sống. Ai tin Ta thì dù có chết cũng sẽ được sống, và ai sống và tin vào Ta sẽ không chết bao giờ. Con có tin điều đó không?” Chúa Giêsu sẽ hỏi chúng ta: phần con, con có tin điều đó hay không?

Tai họa ngày 11 tháng 09 năm 2001 trên đất Mỹ đã trở thành một nỗi ám ảnh đối với mọi người. Trong phút chốc, hai tòa tháp chọc trời đổ sập xuống, trở thành ngôi mộ khổng lồ chôn vùi mấy ngàn sinh mạng. Ngôi mộ gieo tang thương. Ngôi mộ gieo kinh hoàng. Ngôi mộ làm rung chuyển thế giới.

Ngôi mộ không chỉ hiện hữu từ khi toà tháp đôi đổ xuống. Trước đó ngôi mộ đã hiện diện trong trái tim của những người khủng bố. Sau đó ngôi mộ vẫn phủ màn u ám trên cuộc sống thân nhân bạn bè.

Như thế, ngôi mộ không chỉ xây bằng gạch đá. Nó được xây bằng những lực lượng chết chóc như sự hận thù, sự áp bức, sự độc ác… Ngôi mộ không chỉ chôn vùi sự sống. Nó chôn vùi cả niềm tin, cả niềm hy vọng.

Nhưng hôm nay, Chúa Giêsu đã dõng dạc mở cửa mộ và truyền cho người chết chỗi dậy bước ra. Việc Chúa Giêsu mở cửa mộ cho Lazarô mở ra những chân trời mới cho đời sống con người.

Khi mở cửa mộ, Người đã mở cánh cửa sự sống. Thông thường, ngôi mộ là vương quốc của tử thần. Cửa mộ là cửa mở vào thế giới chết chóc. Ai đã vào đó chẳng còn hy vọng thoát ra. Nhưng hôm nay, Chúa Giêsu đã mở cửa mộ để Lazarô không phải bước vào sự chết nhưng bước vào sự sống. Khi mở cửa mộ, Người phá tan sào huyệt Thần Chết. Khi tháo những dải băng liệm cuốn quanh thân thể Lazarô, Người giải phóng ông khỏi dây trói ràng buộc của tử thần.

Khi mở cửa mộ, Người đã mở cánh cửa niềm tin. Trước đó, niềm tin của Mácta chỉ là một niềm tin mơ hồ, chung chung của đa số người Do thái thời ấy. Nhưng sau khi thấy Lazarô sống lại, niềm tin của bà trở nên cụ thể, sống động và vững vàng. Trước đó, nhiều người Do thái chưa tin vào Chúa Giêsu. Nhưng sau khi được chứng kiến Lazarô từ cõi chết sống lại, họ không thể nào không tin. Tảng đá lấp cửa mồ tung ra cũng làm bật tung tảng đá nghi ngờ che lấp trái tim, đưa họ tới tin nhận Chúa là Thiên Chúa.

Khi mở cửa mộ, Người mở ra cánh cửa niềm vui. Chết chóc gieo tang tóc u buồn. Ngôi mộ bao giờ cũng gợi lên nỗi buồn. Buồn ly biệt. Buồn mất mát. Buồn thất bại. Cái buồn vốn hay lây. Nước mắt người thân dễ làm cay mắt ta. Nên Chúa Giêsu không ngăn được dòng lệ. Nhưng khi Lazarô bước ra, cả một trời vui. Đám tang bỗng biến thành đám hội. Lời chia buồn đổi thành lời chúc mừng. Thiên Chúa đã biến tang tóc thành niềm vui. Niềm vui ấy trọn vẹn.

Khi mở cửa mộ, Chúa Giêsu mở cánh cửa hy vọng. Thiên Chúa đến biến đổi số phận con người. Con người không còn bị giam hãm trong thân phận hay chết, nhưng được thênh thang tự do trong cõi sống. Con người không sinh ra để chết đi nhưng để sống, sống mãi, vì Chúa là “sự sống”, “ai tin sẽ sống đời đời”. Con người không sinh ra để tàn lụi, nhưng để triển nở đến vô biên.

Trong mỗi người chúng ta có nhiều nấm mộ. Chúng ta bị giam hãm trong những nấm mộ tội lỗi, gian tham, ích kỷ, bất công, đam mê, ghen ghét hận thù, nghèo đói, thất học… Có những nấm mộ kiên cố, tự sức mình không thể phá nổi. Ta hãy xin Chúa đến mở những cửa mộ, lăn những tảng đá đè nặng đời ta, để ta được sự sống dồi dào của Chúa nuôi dưỡng. Đồng thời, ta cũng phải tiếp tay với Chúa, phá đi những nấm mộ vây bọc anh chị em chúng ta, để mọi người được sống và sống dồi dào như lòng Chúa mong ước, như định mệnh Chúa dành cho ta, những người con cái Chúa.

WGPKT(22/03/2023) KONTUM