Ý Nghĩa Logo Chính Thức Của Thượng Hội đồng Giám Mục Về Con Đường Hiệp Hành

.

1. Hình cây

Đây là cây to lớn, hùng vĩ, tràn đầy khôn ngoan và ánh sáng, đang vươn lên trời cao. Nó là dấu chỉ của sức sống và niềm hy vọng sâu xa, biểu trưng cho thánh giá Chúa Kitô. Cây này mang Thánh Thể đang chiếu sáng như mặt trời. Đồng thời, các nhành cây được mở rộng theo chiều ngang như những đôi tay hoặc như đôi cánh, gợi lên hình ảnh Chúa Thánh Thần.

 

2. Dân Chúa

Dân Chúa không đứng yên nhưng đang tiến bước. Điều này liên hệ trực tiếp đến từ “Thượng hội đồng – Synod”, có nguyên nghĩa là “bước đi cùng nhau”. Dân Chúa được liên kết với nhau bởi cùng có động lực chung, động lực này được Cây Sự Sống truyền vào trong họ, và cũng từ động lực này mà họ cất bước.

15 bóng người khái quát toàn bộ nhân loại trong sự đa dạng về hoàn cảnh sống, thế hệ và nguồn gốc. Điều này được mô tả bằng sự đa dạng của các màu sắc tươi sáng, vốn biểu trưng cho niềm vui. Không có tính chất phẩm trật giữa những người này, họ cùng bước đi trên một mặt đường phẳng: trẻ, già, nam, nữ, thiếu niên, trẻ em, giáo dân, tu sĩ, cha mẹ, người sống đời vợ chồng, người sống đời độc thân; giám mục và tu sĩ không đi trước mặt họ, nhưng ở giữa họ. Một cách hoàn toàn tự nhiên, trẻ em và thanh thiếu niên là những người mở đường cho họ, điều này liên hệ tới những lời của Chúa Giêsu trong Tin Mừng: “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn”. (Mt 11,25)

 

3. Chủ đề

Đường chân ngang của logo với chủ đề: “Hướng tới một Hội Thánh hiệp hành: hiệp thông, tham gia và sứ vụ” chạy từ trái sang phải theo hướng của cuộc hành trình, nhằm tăng cường và củng cố nó, và kết thúc với tiêu đề “Thượng hội đồng 2021 – 2023”, là sự kiện đỉnh cao tổng hợp toàn bộ hành trình.

Logo việt hoá bởi Catholic Design X JOS Creative (#CatholicDesign, #JOSCreative) dưới sự hướng dẫn và cho phép của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam. Nguyên tác Logo bởi Isabelle de Senilhes [*].

Văn Việt chuyển ngữ từ synod.va

WHĐ (26.11.2021)
WGPKT(27/11/2021) KONTUM

[*] Cô Isabelle de Senilhes chia sẻ: “Tôi là người Pháp, sống ở Paris. Tôi là một nhà thiết kế đồ họa tự do và nhân viên truyền thông. Tôi cũng có kinh nghiệm của một nhà báo. Tôi học Trường Nghệ thuật Décoratifs ở Orléans và Trường Estienne ở Paris. Hoạt động nghề nghiệp của tôi bắt đầu với các thầy dòng Đa Minh trong những Ngày Giới trẻ Thế giới ở Paris vào năm 1997. Sự nghiệp của tôi cho đến nay đã được đánh dấu bằng nhiều cuộc gặp gỡ tuyệt vời trong giới Kitô giáo và nhân đạo: nhà xuất bản, nhóm báo chí, giáo phận, dòng tu, hiệp hội… Sự nghiệp này cũng mở ra đến mạng lưới ngoài đời rộng lớn hơn bao gồm các công ty, dịch vụ, các cơ quan truyền thông và sự kiện, nhóm chuyên gia cố vấn… Tôi thích văn chương, nhiếp ảnh, khiêu vũ, thiết kế nội thất. Tôi tham gia vào các dự án nghệ thuật và trùng tu di sản. Tôi ưa thích đi bộ đường dài, cưỡi ngựa trong thiên nhiên và đi du lịch. Đối với tôi, nấu ăn và làm rượu nho là nghệ thuật sống. Tôi tham gia vào công việc tình nguyện để bảo vệ môi trường.”

Logo cũng diễn tả những ý nghĩa nổi bật được nêu rõ trong tài liệu chuẩn bị Thượng Hội đồng Giám mục lần thứ XVI” qua mục số 9, 10, 11 như sau:
“Trong bối cảnh này, hiệp hành được coi là con đường chính dành cho Hội thánh, vốn được kêu gọi canh tân dưới tác động của Chúa Thánh Thần và nhờ lắng nghe Lời Chúa. Khả năng hình dung ra một tương lai khác cho Giáo hội và cho các định chế của Giáo hội xứng tầm sứ vụ mà Giáo hội nhận lãnh, tùy thuộc phần lớn vào quyết định khởi động những tiến trình lắng nghe, đối thoại và biện phân cộng đồng, trong đó tất cả và mỗi người đều có thể tham gia và góp phần. Đồng thời, sự chọn lựa “cùng nhau cất bước hành trình” là một dấu hiệu mang tính tiên tri đối với gia đình nhân loại, đang cần một dự án chung có khả năng mưu cầu thiện hảo cho tất cả mọi người. Một Hội thánh có khả năng hiệp thông, có tình huynh đệ, có sự tham gia và bổ trợ, trung thành với những gì Hội thánh công bố, sẽ có thể đến bên người nghèo và người bé mọn cũng như cất lên tiếng nói thay cho họ. Để “cùng nhau cất bước hành trình”, chúng ta cần để cho Chúa Thánh Thần uốn nắn, nhờ đó có được tinh thần hiệp hành thực sự, bằng cách can đảm và tự do dấn bước vào tiến trình hoán cải vốn là điều thiết yếu cho “cuộc đổi mới liên tục mà [Giáo hội] luôn cần đến bao lâu Giáo hội còn là một định chế nhân loại ở trần gian này” (UR, 6; x. EG, 26)”
“Con đường hiệp hành này là chính con đường Thiên Chúa mong đợi nơi Hội thánh của thiên niên kỷ thứ ba. Điều Chúa yêu cầu chúng ta, theo một nghĩa nào đó, hoàn toàn đã bao hàm trong chính hạn từ ‘Synod’, vốn là một từ cổ kính trong Truyền thống của Giáo hội, ý nghĩa của nó được rút ra từ những nội dung sâu xa nhất của Mạc khải. Chính “Chúa Giêsu tự giới thiệu Ngài là ‘con đường, sự thật và sự sống’ (Ga 14, 6)” và “các kitô hữu, những người đi theo Ngài, ban đầu được gọi là ‘những môn đệ của Con Đường đó’ (x Cv 9, 2; 19, 9.23; 22,4; 24, 14.22)”. Trong viễn tượng này, tính hiệp hành không chỉ là việc cử hành các cuộc gặp gỡ trong Giáo hội và các cuộc hội họp của giám mục, hay chỉ là vấn đề quản trị nội bộ của Giáo hội; hiệp hành còn “chỉ phương cách sống và hành động (modus vivendi et operandi) đặc trưng của Giáo hội, dân Thiên Chúa, vốn biểu lộ và thực hiện cách cụ thể bản chất hiệp thông của mình khi mọi thành viên của Giáo hội đồng hành cùng nhau, tập hợp lại trong đại hội và cùng tham gia tích cực vào sứ vụ phúc âm hóa của Giáo hội”. Như thế, các trụ cột của một Hội thánh hiệp hành, như tiêu đề của Thượng Hội đồng đề ra thì nối kết với nhau: hiệp thông, tham gia và sứ vụ.”

“Trong thiên niên kỷ thứ nhất, “cùng nhau cất bước hành trình”, vốn có nghĩa là thực hiện hiệp hành, là cách thức hành động thông thường của Giáo hội – được hiểu như “Dân được tập hợp lại trong sự hiệp nhất của Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần”. Đối lập với những người phân rẽ nhiệm thể Giáo hội, các Giáo phụ đã nêu lên sự hiệp thông của các Giáo hội khắp đó đây trên thế giới, điều mà Thánh Augustinô gọi là “concordissima fidei conspiratio” nghĩa là “sự đồng tâm nhất trí trong đức tin của tất cả những người đã chịu phép Rửa”. Đây chính là nguồn cội của việc thực hành rộng rãi tính hiệp hành ở mọi cấp độ của Hội thánh – địa phương, giáo tỉnh và hoàn vũ – mà Công đồng Chung là sự thể hiện rõ nét nhất của nó. Trong viễn cảnh Hội thánh này, được gợi hứng bởi nguyên tắc mọi người được tham gia vào sinh hoạt của Giáo hội, Thánh Gioan Kim khẩu dám nói rằng: “Hội thánh và Synod là hai từ đồng nghĩa”. Ngay cả trong thiên niên kỷ thứ hai, khi Giáo hội nhấn mạnh hơn vào chức năng phẩm trật, cách thức tiến hành này vẫn không bị mai một: nếu, ở thời Trung cổ và ở thời Cận đại, bên cạnh việc tiến hành các Công đồng Chung, việc tiến hành các Công nghị giáo phận và giáo tỉnh cũng đã được chứng thực rõ ràng, thì khi cần phải xác định những chân lý phải tin, các vị giáo hoàng đều mong muốn tham khảo ý kiến các giám mục để biết đức tin của toàn thể Hội thánh, nại đến thế giá của cảm thức đức tin (sensus fidei) của toàn thể dân Chúa, vốn “không thể sai lầm khi tin” (infallibile in credendo) (EG, 119).”

Logo