7 Bước Để Tránh Rơi Vào Văn Hóa Tức Thời

Karen Hutch

Sống trong một xã hội đề cao văn hóa tức thời, lựa chọn cái nhanh nhất và hiệu quả nhất khiến chúng ta luôn cảm thấy vội vàng, nhưng thực tế cho thấy cái nhanh nhất không nhất thiết là cái tốt nhất cho chúng ta.

Các chuyên gia y tế cảnh báo về hậu quả của văn hóa tức thời đối với sức khỏe thể chất và tâm thần. Theo bác sĩ Austin Perlmutter, “Việc phụ thuộc quá nhiều vào các hành vi thỏa mãn tức thời có thể tạo ra vấn đề bằng việc thay đổi bộ não của chúng ta, khiến chúng ta mất tập trung vào những mục tiêu có ý nghĩa hơn và dẫn đến những hệ quả tiêu cực về tài chánh, xã hội và sức khỏe”.

Nhà xã hội học Zygmunt Bauman trong cuốn Tính hiện đại hay thay đổi (Liquid Modernity) nói rằng “‘sự ngắn hạn’ đã thay thế ‘sự dài hạn’ và biến tính tức thời thành lý tưởng tối thượng”. Khi điều gì đó không mang lại kết quả ngay lập tức, chúng ta dễ có khuynh hướng cảm thấy căng thẳng và lo lắng.

Dung lượng chúng ta sử dụng trên internet hết sức tức thời: chúng ta lướt qua trong vài giây và thậm chí không nhận ra mình đã lướt qua bao nhiêu nội dung trong vòng chưa đầy một phút. Chúng ta có sẵn toàn bộ danh mục phim chỉ bằng một cú nhấp chuột hoặc trí tuệ nhân tạo có thể thực hiện việc này trong vài giây. Cuối cùng, việc giao tiếp của chúng ta với người khác cũng diễn ra chónh vánh, vì chúng ta thích nhắn tin tức thì hơn là gọi điện thoại.

Chúng ta cần sống chậm lại và học cách tận hưởng khoảnh khắc mình đang sống, nhất là khi chúng ta đang trò chuyện với bạn bè, với thành viên gia đình, hoặc những người thân của mình. Chúng ta cần dành thời gian chất lượng cho những người có liên hệ với cuộc sống của chúng ta.

Dưới đây là 7 lời khuyên có thể giúp bạn sống thư thái hơn và ít căng thẳng hơn:

1. Cho bản thân thời gian

Hãy nhận thức về những gì bạn cần làm và cho bản thân thời gian để lên kế hoạch cho mọi việc mà không mong đợi kết quả ngay lập tức. Hãy cho mình thời gian để tận hưởng từng khoảnh khắc. Nếu bạn đang ăn, hãy tận dụng cơ hội để thưởng thức món ăn mà không cần phải ăn vội vàng. Nếu bạn đang trò chuyện với ai đó, hãy dành toàn bộ sự chú ý cho họ. Họ xứng đáng với điều đó.

2. Đi dạo

Khi cảm thấy đầu óc quá tải, bạn có thể thư giãn bằng cách đi dạo. Hãy hít thở sâu khi nhìn ngắm cây cối, lắng nghe tiếng chim hót và trân trọng tất cả những điều không được chú ý khi chúng ta sống trong cuộc sống thường xuyên vội vã.

3. Ngắt kết nối

Tách mình ra khỏi công nghệ là điều có thể giúp chúng ta không để tâm trí bão hòa nhưng được nghỉ ngơi, đặc biệt khi chúng ta chuẩn bị đi ngủ.

Ngắt internet hoặc đặt điện thoại di động của bạn ở chế độ máy bay hoặc tắt tiếng chuông reng để bạn không quá lệ thuộc vào công nghệ như thể bạn không thể sống nếu thiếu nó.

4. Viết

Một trong những hoạt động có thể giúp đầu óc bạn tỉnh táo là viết nhật ký. Ghi lại những điều trong ngày: những điều bạn đã làm hoặc đã học được, những ý tưởng chợt nảy ra trong đầu, những kỷ niệm hoặc cảm xúc của bạn. Điều này sẽ giúp tâm trí thư thái và bớt được sự căng thẳng.

5. Cầu nguyện

Hãy dành chút thời gian trong ngày để cầu nguyện cá nhân. Bạn có thể viếng Thánh Thể và tâm sự với Chúa Giêsu, Đấng luôn ở bên bạn. Tất cả chúng ta đều cần được lắng nghe. Còn gì tuyệt vời hơn khi được than thưa với Đấng đã dựng nên chúng ta và luôn yêu thương chúng ta?

6. Đọc

Việc đọc cách chậm rãi giúp chúng ta tập trung và chú ý. Bạn có thể chọn một cuốn sách thiêng liêng, những sách hữu ích để giúp phát triển về tinh thần hoặc giải trí.

7. Tập trung vào một việc tại một thời điểm

Làm từng việc một sẽ giúp bạn cảm nhận được ý nghĩa và tầm quan trọng của việc bạn đang làm, cho dù đó là việc nhỏ như đánh răng, hoặc dọn dẹp nhà cửa.

Làm mọi việc một cách tận tâm có thể giúp giảm căng thẳng. Một nghiên cứu của các nhà nghiên cứu tại Đại học bang Florida cho thấy ngay cả việc rửa bát, nếu bạn tập trung vào cảm thức của hoạt động đó, cũng có thể “làm tăng cảm giác hạnh phúc của bạn”.

Nt. Anna Ngọc Diệp, OP

Chuyển ngữ từ: aleteia.org (15. 11. 2023)

Nguồn: daminhthanhtam.org