Trường Học Thánh Phaolô – Thư 1 Côrintô

TRƯỜNG HỌC

  THÁNH PHAOLÔ

Suy Niệm

 

Nguyên tác: “Un temps de prièrès à l’école de Saint Paul”

Lm  Fichelle, Lourdes 2005

  Lm Lu-Y Nguyễn Quang Vinh chuyển ng

 

Đọc thêm:

Nhập Đề

Thư 1 Thêxalônica

Thư 2 Thêxalônica

 

THƯ 1 CÔRINTÔ

 

Hôm nay chúng ta quan tâm đến Thư 1 Côrintô.  Thư dài 16 chương.  Hai trích đoạn được chọn: một là kinh nguyện mở đầu ở chương 1 và trích đoạn hai ở chương 11, trình thuật về việc lập phép Thánh Thể.  Chúng ta sẽ thấy hai trích đoạn nầy không phải là không liên hệ với nhau.

Trích đoạn một là kinh nguyện ngắn, được thánh Phaolô công thức hoá ngay từ đầu Thư; ngài ngỏ lời với một cộng đoàn có nhiều vấn đề, giải quyết một số thắc mắc được đặt ra cho ngài.  Đó là một cộng đoàn đang tranh cãi nhau về  chỗ đứng của người lập gia đình và người độc thân; là một cộng đoàn rất năng động, đa ngôn, nhiều đặc sủng . . . Đây là Thư của một chủ chăn phải đối diện với những vấn đề cụ thể của cộng đoàn.  Làm thế nào thánh Phaolô dẫn nhập bằng một kinh nguyện vắn tắt lá Thư trình bày những vấn đề của cuộc sống thường ngày trong công tác mục vụ?  Ngôn ngữ nào ngài đã dùng?  Làm thế nào qua kinh nguyện khởi đầu, ngài sẽ  hướng đến câu trả lời mà ngài gợi ra cho những ai có trách nhiệm đối với chính cộng đoàn?  Một trong những lợi ích khi đọc lại Thư nầy là nhận thấy một số trong những vấn đề nầy là những vấn đề còn tính thời sự,  tương thích trong một bối cảnh khác biệt .

Những câu đầu tiên, trong Thư nầy cũng như trong các Thư khác, nêu lên kinh nguyện đi theo sau địa chỉ.  Địa chỉ các Thư không phải là không quan trọng.  “Phaolô, bởi ý định Thiên Chúa, đã được kêu gọi làm tông đồ của Đức Kitô Giêsu (Phaolô gửi Thư nói căn cước tông đồ của mình), cùng với người anh em là Xốtthênê, kính gửi Hội thánh của Thiên Chúa tại Côrintô (công thức được lấy lại sau Công đồng trong các địa phận: Giáo Hội của Chúa tại Tarbes và Lourdes, Giáo Hội của Chúa tại Paris), những người đã được tác thánh trong Đức Kitô Giêsu, chư thánh đã được Thiên Chúa hiệu triệu, làm một với hết thảy mọi người khắp mọi nơi đang kêu khấn Danh Chúa chúng ta, Đức Giêsu Kitô, Chúa của họ cũng như của chúng ta” (1Cr 1, 1-3).  Người ta gọi các Kitô hữu tiên khởi là : “các thánh, những người được tác thánh”.  Người ta cũng tìm thấy từ ngữ “được gọi” mà chúng ta đã gặp.  “Chư thánh đã được Thiên Chúa gọi, làm một với hết thảy mọi người khắp mọi nơi đang kêu khấn Danh Chúa chúng ta”: sự liên kết với tất cả các cộng đoàn khác được nêu lên, Côrintô là một cộng đoàn trong những cộng đoàn khác.

 Để có ý niệm về cộng đoàn, bạn có thể đọc lại sách Công Vụ Tông Đồ một trích đoạn nói về việc thánh Phaolô đến Côrintô và cách thức ngài rao giảng Tin Mừng tại đó không phải là dễ.  Sau thời kỳ đầu lúc ngài lao động bằng tay chân, thánh Phaolô dành toàn lực cho việc rao giảng Lời của Thiên Chúa.  Dựa vào lời mời gọi của Đức Chúa, thánh Phaolô được gọi ở lại Côrintô: ngài sẽ lưu lại đây 18 tháng (x. Cv 18, 1-11).  Chính ở nơi nầy ngài viết các Thư Thêxalônica.

Đây là kinh nguyện đã được thánh Phaolô công thức hoá: “Tôi  hằng cám tạ Thiên Chúa cho anh em vì ơn Thiên Chúa đã ban cho anh em trong Đức Kitô Giêsu.  Bởi chưng về mọi mặt, anh em đã được nên giàu có trong Ngài, về mọi thứ ngôn ngữ, và mọi ơn trí tri, tuỳ theo mức kiên cố chứng cứ về Đức Kitô đã đạt được nơi anh em, khiến anh em không thiếu một ân điển nào, trong khi anh em ngóng đợi sự mặc khải của Chúa chúng ta, Đức Giêsu Kitô.  Chính Ngài là Đấng sẽ làm cho anh em được kiên cố đến cùng, và vô phương trách cứ, trong Ngày của Chúa chúng ta, Đức Giêsu Kitô: Thiên Chúa trung tín, Đấng đã kêu gọi anh em đến chung phần hợp nhất với Con của Người, Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta” (1Cr 1, 4-9).

Chúng ta không lấy làm ngạc nhiên khi thấy động từ thứ nhất trong kinh nguyện nầy là “eucharistein” tiếng Hy lạp có nghĩa là tạ ơn.  Điều lưu ý chúng ta: chính từ vựng eucharistie được thánh Phaolô dùng đến.  Trong từ ngữ eucharistie, có tiếp đầu ngữ “eu” tiếng Hy lạp có nghĩa là ưu việt, hảo hạng và “charis” là ân huệ.  Đó là những hạn từ được thánh Phaolô dùng trong các Thư Thêxalônica.  “Tôi hằng cám tạ Thiên Chúa cho anh em”.  Chúng ta cũng gặp lại những trạng từ: liên lỉ, không ngớt, ngày đêm.  Đó là hành động tạ ơn mà thánh Phaolô dâng lên cho Đức Chúa về những gì người Kitô hữu Côrintô sống.

“Tôi hằng cám tạ Thiên Chúa cho anh em vì ơn Thiên Chúa đã ban”.  Sự lặp lại từ ngữ ân sủng cho thấy thánh Phaolô coi trọng trước tiên là phải chiêm ngắm ân sủng của Thiên Chúa nơi sinh hoạt của cộng đoàn khi ngài ngỏ lời, tiếp xúc, đối thoại với họ.  Thánh Phaolô xác định luôn luôn đó là ân huệ của Thiên Chúa ban trong Đức Kitô Giêsu để ghi dấu rằng đó là ân sủng của Thiên Chúa, ân sủng nầy của Thiên Chúa mang lấy khuôn mặt của con người Đức Giêsu.  Sự xác tín mà thánh Phaolô đã công thức hoá trong kinh nguyện của ngài, là ngài luôn luôn biện phân sự hiện diện năng động của Đức Giêsu Kitô trong cộng đoàn.  Tạ ơn vì ân huệ, chính là tạ ơn vì ân huệ của Chúa: Đức Giêsu Kitô.

Trong Thư nầy, thánh Phaolô sẽ có thái độ cứng rắn đối với một số hành xử nội bộ trong cộng đoàn.  Trước tiên ngài phòng ngừa những gì xấu có thể xảy ra và những gì cần uốn nắn lại, để thấy rằng cộng đoàn nầy thì “đầy ân sủng”.  Thật là thú vị khi móc nối với Đức Trinh Nữ Maria như là hình ảnh của Giáo Hội: Đức Maria đầy ân sủng, Giáo Hội của Thiên Chúa đầy ân sủng.  Cho dù có những thành viên nghèo nàn đến đâu, tội lỗi đến đâu chăng nữa, ân sủng của Thiên Chúa vẫn hoạt động ở nơi cộng đoàn đó.  Đối với chúng ta sống trong những cộng đoàn như thế  đó: nghèo nàn, yếu đuối, lầm lạc, tội lỗi, điều hay đáng phải nói là ân sủng của Thiên Chúa vẫn hoạt động ở nơi đó.  Thánh Phaolô hiến mình cho niềm xác tín nầy; điều đó cho phép ngài nói, rồi viết cho người tín hữu và ngay cả la rầy họ nữa, tuy nhiên luôn có trong tâm trí sự hiện diện của hành động thần linh tiếp tục vượt lên trên và bất chấp mọi tội lỗi, bất chấp mọi yếu đuối.

Bởi chưng” (car) là liên từ chỉ lý do của hành động tạ ơn.  Thánh Phaolô minh định ân sủng mà ngài khám phá ra nơi cộng đoàn: “Bởi chưng về mọi mặt, anh em đã được nên giàu có trong Ngài, về mọi thứ ngôn ngữ, và mọi ơn trí tri”.  Đó là một cộng đoàn lấy lòng quảng đại vô biên của Thiên Chúa làm đối tượng, một cộng đoàn đầy ắp những phong phú của Thiên Chúa.  Thánh Phaolô biết rằng những cộng đoàn nầy không mất đi những ân sủng của Thiên Chúa và lòng quảng đại của Thiên Chúa vẫn vô biên vô tận bất chấp tình trạng của cộng đoàn.  Thánh Phaolô sẽ đi vào chi tiết các phong phú nầy.

“Về mọi thứ ngôn ngữ”.  Thật vậy cộng đoàn Côrintô là một cộng đoàn lắm lời.  Nơi chương 12, 13, 14, của Thư 1Côrintô, thánh Phaolô sẽ xếp đặt lại trật tự của việc nói nhiều.  Đó là một cộng đoàn đặc sủng.  Mọi người đều phát ngôn, có khi sai lạc, nhưng ngay từ đầu thánh Phaolô tự nhủ: “Coi chừng! Có thể lắm lúc họ nói những điều ngu xuẩn, một số thành viên của cộng đoàn nói mà không quan tâm đến sự hiện diện của người khác, họ nói những điều không ai hiểu được cả (lúc cầu nguyện bằng lời))!  Nhưng đó là một cộng đoàn mà qua lời nói của người nầy kẻ kia, Lời của Chúa lưu truyền”.  Cần phải nhắc lại rằng trình thuật lễ Ngũ Tuần mô tả ơn ngôn ngữ bằng lưỡi lửa.  Khởi từ khi hiệp thông với Thần khí, các tông đồ bắt đầu phát ngôn, ca tụng những kỳ công của Thiên Chúa trong kinh nguyện của mình, trong sứ vụ rao giảng, trong công việc tông đồ.  Cộng đoàn Côrintô là một cộng đoàn lắm lời; đa ngôn bị coi là một khuyết điểm nhưng, qua những gì nói ra, qua những tranh cãi về người rao giảng (người về phe Apôlô, kẻ về phe Phaolô, kẻ khác về phe Phêrô), Lời của Thiên Chúa được hiện diện.  Một trong những sự phong phú, một trong những ân sủng, một trong những ơn mà cộng đoàn nầy đã đón nhận là phát ngôn.

“Về mọi ơn trí tri”.  Hiểu thế nào về ơn trí tri?   Sống trong lãnh vực Hy-lạp, trí thức được thượng tôn.  Thánh Phaolô đi đến Côrintô sau khi ghé qua Athêna nơi đây ngài đã thử rao giảng tại Arêôpagô; việc xảy ra đã không xuông xẻ tại đó.  Đối với dân nầy khôn ngoan, minh triết, triết học giữ một vai trò quan trọng.  Những chương đầu của Thư 1 Côrintô nói về sự khôn ngoan nầy với sự dè dặt đáng kể được thánh Phaolô ghi lại: Sự khôn ngoan thật là sự khôn ngoan của Đức Kitô bị đóng đinh.  Thánh Phaolô nhận xét thấy cộng đoàn nầy thuận lợi đón nhận sự hiểu biết về Đức Giêsu Kitô.  Không phải luôn luôn dễ dàng để chấp nhận sự khôn ngoan nầy, vì đó là một sự xúc phạm đối với người Do thái, một ngu xuẩn đối với dân ngoại.  Sự khôn ngoan thật ở nơi Đức Giêsu Kitô và nơi Đức Giêsu Kitô bị đóng đinh thập giá: “Bởi chưng về mọi mặt, anh em đã được nên giàu có trong Ngài, về mọi thứ ngôn ngữ, và mọi ơn trí tri”.  Cộng đoàn nầy thật giàu có với tất cả mọi dị nghĩa đàng sau từ ngữ “phong phú”.

Thánh Phaolô tiếp tục: “Tuỳ theo mức kiên cố chứng cứ về Đức Kitô đã đạt được nơi anh em, khiến anh em không thiếu một ân điển nào, trong khi anh em ngóng đợi sự mặc khải của Chúa chúng ta, Đức Giêsu Kitô”.  Câu đơn giản nầy có phần quan trọng: Thánh Phaolô đã rao giảng tin mừng cộng đoàn nầy và ngài đã xa họ đã lâu.  Ngài viết cho họ.  Ngài có thông tin về cộng đoàn qua những người ngài đặt để và những người nầy gặp ngài tại Êphêxô nơi đây ngài đang cư trú.  Công đoàn nầy có vấn đề tranh cãi.  Thánh Phaolô nhận xét thấy, qua kinh nguyện của ngài, con đường kinh qua của cộng đoàn nầy như một sự củng cố về việc làm chứng ta cho Đức Giêsu Kitô (sự củng cố, xét như là rắn chắc hơn).  Người ta đã nghe Lời của Thiên Chúa, đã tiếp xúc với chứng tá mà Đức Giêsu Kitô đã làm chứng về mình.  Dần dần chứng tá nầy của Đức Giêsu Kitô được cấy và bén rễ trong cộng đoàn.  Từ ban đầu, thánh Phaolô là người gieo hạt giống nhỏ xíu nầy, nhưng hạt giống bắt đầu đơm bông kết trái.  Cộng đoàn nầy thời thơ ấu thì yếu đuối, trở nên vững mạnh hơn trong đức tin vào Chúa Kitô Giêsu, trong sự đón nhận chứng tá và đến phiên mình có thể trở nên chứng tá cho Đức Giêsu Kitô, nhờ các thành viên của cộng đoàn.

“Khiến anh em không thiếu một ân điển nào”.  Phải chăng ngài muốn nói họ không thiếu thứ gì cả sao?  Họ là thánh sao?  Mọi sự đều thuộc về họ và vì vậy cộng đoàn nầy đã đạt đến viên mãn bởi lẽ mọi sự đã được ban tặng . . .?  Còn cần những ân huệ nầy phải được đón nhận và cộng đoàn phải sinh phúc lợi.  Ân sủng của Thiên Chúa đổ xuống cho họ thật phong phú; còn cần phải đón nhận ân sủng, làm cho hạt giống của Lời Chúa trở thành một cây lớn.  Suốt bức Thư sẽ nêu ra một số những điều kiện để việc làm chứng tá cho Đức Giêsu Kitô tiếp tục con đường của mình,  sự phát triển, sự vững mạnh và để cho cộng đoàn nầy trở nên thật sự vững chắc.

“Anh em không thiếu một ân điển nào, trong khi anh em ngóng đợi sự mặc khải của Chúa chúng ta, Đức Giêsu Kitô”.  Cộng đoàn nầy giàu có về trí thức.  Đã hẳn, trong đức tin, cộng đoàn đã thủ đắc một nhận thức nào đó về mầu nhiệm Đức Giêsu, nhưng sự nhận thức nầy không toàn vẹn và mặc khải cuối cùng (mặc khải trọn vẹn về Đức Giêsu Kitô) sẽ được ban cho cộng đoàn.  Còn phải chờ đợi: cộng đoàn chưa đi hết con đường của mình, còn hành trình trong sự cậy trông.  Có chiều kích đón nhận Đức Chúa trong niềm tin, trong tình yêu và có chiều kích con đường phải tiến bước, một con đường phải trải qua trong chờ đợi, trong hy vọng.  Một ngày nào đó, ánh sáng chói chan được ban xuống qua sự tỏ hiện, hiển linh, khải huyền của Chúa chúng ta Đức Giêsu Kitô.  Còn có những thiếu sót như lá Thư trình bày, những cố gắng phải thực hiện, những chỉnh đốn phải làm, những cuộc hoán cải phải thực thi tuy nhiên tất cả đang trên đường tiến về ánh sáng chung cuộc, ánh sáng hoàn hảo.  Bạn hãy nhớ lại kết luận về tình yêu, Thư 1 Côrintô chương 13, cho thoáng thấy sự gặp gỡ trong ánh sáng của Chúa Giêsu đối với những ai sẽ chấp nhận niềm cậy trông nơi Người.  Và cách hy vọng cụ thể nơi Người, chính là sống bằng tình yêu, bằng bác ái, bác ái huynh đệ và bác ái hướng về Thiên Chúa (x. 1Cr. 12-13).

“Chính Ngài, Chúa chúng ta, Đức Giêsu Kitô,  là Đấng sẽ làm cho anh em được kiên cố”.  Thánh Phaolô lấy lại động từ làm kiên cố để tái khẳng định rằng Đức Chúa luôn luôn đến bảo đảm mối liên đới nầy, chính Ngài là đá tảng để dựa vào đó con người có thể tiếp tục tiến lên.  “Chính Ngài là Đấng sẽ làm cho anh em được kiên cố đến cùng, và vô phương trách cứ, trong Ngày của Chúa chúng ta, Đức Giêsu Kitô”.  Ca tụng sự trung tín của Thiên Chúa, chính là cao rao sự bảo đảm Đức Chúa ở với chúng ta mọi ngày cho đến tận thế, như Ngài đã hứa; đó chính là mời gọi người tín hữu Côrintô dùng Thánh vịnh hoan ca lòng trung thành của Thiên Chúa, chẳng hạn Tv 89 (88).  Tình Ngài vĩnh hằng.  Ca tụng sự trung tín của Đức Chúa, chính là làm kiên vững lòng trung tín của chúng ta lấy sự trung tín của Ngài làm điểm tựa, bền vững, được Thiên Chúa chứng thực.  Sự trung tín của Thiên Chúa là bảo chứng của lòng trung tín chúng ta.  Như thế đó, kinh nguyện thánh thể được thánh Phaolô làm thành công thức ngay đầu Thư 1Côrintô.

Còn có một kinh nguyện thánh thể nữa trong Thư 1Côrintô, một trích đoạn về tạ ơn theo thánh Phaolô, hành động tạ ơn, đưa về Phép Thánh Thể của Đức Chúa, hành động tạ ơn của Đức Giêsu.  Ở chương 11, thánh Phaolô nhắc lại Lễ Tạ Ơn của Đức Giêsu khi Ngài loan báo hiến tế chính mình trong cuộc tử nạn.  Tất cả các kinh nguyện thánh thể của chúng ta, những hành động tạ ơn, đạt đến đỉnh điểm, sự hoàn tất, sự thực hiện hoàn hảo trong Lễ Tạ Ơn mà Đức Giêsu đã sống chiều thứ Năm Thánh và, qua bao thế kỷ, được cử hành cách bí tích trên địa cầu nầy và trong suốt mọi thời như một bảo chứng lòng trung tín của Thiên Chúa.  Sự trung tín của Thiên Chúa được diễn tả qua sự hiện diện bí tích của Đức Giêsu trong phép Thánh Thể.  Thánh Phaolô nói về phép Thánh Thể bởi vì người tín hữu Côrintô tham dự thánh lễ thiếu sốt sáng, họ tranh cãi nhau, không chia sẻ phần ăn. . .   “Vi chưng, chính tôi đã chịu lấy nơi Chúa điều tôi truyền lại cho anh em.  Là:  Chúa Giêsu trong đêm Ngài bị nộp, Ngài đã cầm lấy Bánh, và tạ ơn xong, Ngài đã bẻ ra và nói:  Này là Mình Ta, vì các ngươi, hãy làm sự này mà nhớ đến Ta.  Cũng vậy về Chén, sau khi đã dùng bữa tối xong, Ngài nói: Chén này là Giao Ước mới trong Máu Ta, các ngươi hãy làm sự này mỗi khi uống, mà nhớ đến Ta.  Vì mỗi lần anh em ăn bánh ấy và uống chén ấy, anh em loan báo sự chết của Chúa, cho tới lúc Ngài đến” (1Cr 11, 23-26).

Kinh nguyện nầy không phải chỉ bằng lời nói suông nhưng là kinh nguyện bằng hành động.  Đó không phải kinh nguyện do thánh Phaolô đặt ra, đó là kinh nguyện tạ ơn mà thánh Phaolô đã nhận được từ Đức Chúa và ngài truyền lại.  Kinh nguyện nầy không thuộc về ngài.  Ngài sẽ cử hành kinh nguyện tạ ơn nầy bởi ngài đã nhận được mệnh lệnh và sứ vụ.  Đó chính là kinh nguyện tạ ơn của Đức Chúa, của chính Đức Giêsu.  Kinh nguyện Thánh Thể là thời gian cầu nguyện lúc mà bài tường thuật về bữa Tiệc ly trở thành hiện thực.  Lời của Đức Chúa thì hiệu năng, tạo dựng:  Người nói và điều đó được thực hiện.  Có điều gì đó xảy ra ở bình diện khác hơn là bình diện diễn từ.  Đó là trình thuật trở thành bí tích, dấu chỉ hữu hiệu của sự hiện diện Thiên Chúa.  “Đức Giêsu, trong đêm bị nộp” :  Tác nhân chính của kinh nguyện là Đức Chúa Giêsu, Ngài sẽ thực hiện những cử chỉ, phán những lời nói.  Quy chiếu về đêm nầy (chứ không phải đêm nào khác):  chính trong bối cảnh khuya khoắt đó tại Núi Cây Dầu, đêm Đức Giêsu bị phản trắc, đêm Ngài bị nộp, Ngài chấp nhận phó mìnhtrong tay những kẻ bắt bớ Ngài; Ngài bị nộp bởi một con người, bởi nhân loại.  Nhưng Đức Giêsu muốn ghi ý nghĩa nầy, buổi chiều Thứ Năm Thánh, bề ngoài xem ra Ngài bị động bởi người khác bắt Ngài, bởi nhân loại, nhưng chính Ngài tự hiến mình; Đức Giêsu phải tỏ ra rất tự do trong sự tự hiến mình.  Buổi Tiệc ly chiều Thứ Năm Thánh loan báo và ban ý nghĩa cho những biến cố sắp xảy ra:  Đức Giêsu biểu lộ, qua những cử động và dấu chỉ Ngài hoàn tất, cho dù bị nộp (Ngài không phải là chủ mưu, người ta tra tay bắt Ngài), chính Ngài cầm lấy bánh.  Điều đó muốn nói rằng Ngài tự cầm lấy chính mình (bánh sẽ trở nên thịt của Ngài), Ngài tự cầm lấy mình trong tay để dâng lên cho Cha và Ngài dâng lời tạ ơn.

Xuất hiện ở đây động từ tạ ơn mà chúng ta đã gặp rồi, động từ nối kết mối liên hệ giữa kinh nguyện thánh thể nầy và những kinh nguyện thánh thể khác.  Điều đó muốn nói rằng Đức Giêsu, trong lúc Ngài  tự biết mình là ân huệ của Thiên Chúa và của lễ mà Ngài sắp dâng chính mình Ngài là giá chuộc tội.  Thiên Chúa đã gia ân cho Ngài, Ngài là ân sủng của Thiên Chúa.  Trong cử chỉ tạ ơn, ân sủng nầy là chính Ngài, Ngài đặt và trao trả lại cho Cha ngài.  Ngài biết Ngài là Con của Cha, từ Cha mà đến và vì vậy Ngài không thuộc về mình: Ngài là ân huệ, là quà tặng phải trao ban.  Trong cử chỉ và kinh nguyện tạ ơn nầy, Ngài mời gọi chúng ta đi vào trong một cử chỉ tương tự như thế để tạ ơn Cha.

Tạ ơn xong, Ngài đã bẻ ra”.  Chúng ta biết sự quan trọng về cử chỉ nầy trong bẻ bánh nơi những cộng đoàn tiên khởi; họ hiểu phép Thánh Thể như là sự bẻ bánh.  Chính Đức Giêsu bị bẻ ra.  Ngày hôm sau, Đức Giêsu bị đánh bầm dập, bóp nát, để được phân chia, ban phát và bị nộp.  Ý nghĩa bẻ bánh là ý nghĩa Đấng chấp nhận bị bóp chết để trở thành lễ vật hoàn toàn dâng hiến cho Cha và đồng thời trở thành lễ vật hoàn toàn được chia sẻ cho anh em nhân loại.

Sau những việc Đức Giêsu làm, còn có những lời nói.  Khi trình bày chiếc bánh bị bẻ ra Đức Giêsu nói lời hiệu năng nầy: “Nầy là Mình Ta bị nộp vì anh em”.  Chính Ngài bị nộp qua dấu chỉ bánh.  Giuđa sẽ nộp Ngài.  Nơi thâm sâu, chính Ngài tự nộp mình và nộp mình vì chúng ta.  Ngài tự bóp nát mình, bẻ vụn ra, phân chia, nộp mình.  Chúng ta biết tất cả những điều đó nhưng rất quan trọng để nhắc lại cho chúng ta  ý nghĩa nền tảng của cử chỉ bí tích nầy: hành động tạ ơn, lễ vật và hiến tế chỉ là một.  Tạ ơn, chính là quay hướng về Cha và đang khi quay huớng về Cha và tạ ơn Cha, đi tới với anh em.  Chính Ngài vì chúng ta.

Tiếp theo là lời mời gọi: “Hãy làm sự này mà nhớ đến Ta”.  Từ ngữ nhớ mà chúng ta đã gặp nhiều lần tái xuất hiện ở đây:  cử chỉ mà Ngài hoàn tất lúc đó sẽ được lặp lại qua lịch sử, luôn luôn như một cử chỉ tưởng nhớ năng động, chứ không phải chỉ là một kỷ niệm suông.  Đó là tưởng nhớ trở thành hiện thực bởi vì Đức Giêsu hiện diện cách hiện thực.  Thánh Phaolô, người đầu tiên, đã làm lại điều Đức Giêsu yêu cầu.  Chắc hẳn khi sống việc cử hành thánh thể, tức được dìm trong hành động tạ ơn của Đức Giêsu, thánh Phaolô cảm thấy cô đọng ở đó tất cả mọi hình thức cầu nguyện tạ ơn mà ngài đã công thức hóa khi chiêm ngưỡng hành động tạ ơn và sự hiện diện của Đức Chúa trong cộng đoàn. 

Cầm lấy chén ruợu “Chén này là Giao Ước mới trong Máu Ta” (chiều kích quan trọng của mầu nhiệm Giao Ước đó là mầu nhiệm thánh thể), các ngươi hãy làm sự này mỗi khi uống, mà nhớ đến Ta.  Vì mỗi lần anh em ăn bánh ấy và uống chén ấy, anh em loan báo sự chết của Chúa, cho tới lúc Ngài đến”.  Điều xảy ra ở đây là sự đổi mới về mầu nhiệm lễ Vượt qua.  Đức Giêsu đổi mới lễ vật, Ngài đổi mới lễ vật trên toàn cõi đất và trong suốt lịch sử.  Hạn từ loan báo là từ ngữ chỉ sự rao giảng tin mừng, điều đó có ý nói Lễ Tạ Ơn là việc loan báo tuyệt hảo, đồng thời là kinh nguyện tuyệt vời nhất.  Đó là hành vi chủ yếu của việc sai đi, lời loan báo trọn vẹn: trong thời điểm loan báo nầy, các đồng tế và người tham dự Lễ Tạ Ơn, bằng đời sống của mình, loan báo điểm then chốt của Mầu Nhiệm Đức Giêsu, Con Thiên Chúa, dâng mình cho Cha bằng sống cuộc tử nạn, cái chết và sự phục sinh của mình.  Có một mối liên hệ sống động, bất khả ly giữa điều có thể xuất hiện lúc đọc kinh nguyện và điều được khẳng định bởi thánh Phaolô lúc loan báo mầu nhiệm vượt qua của Đức Giêsu Kitô.  Có mối liên hệ giữa những lễ tạ ơn nho nhỏ của chúng ta hằng ngày khi chúng ta tạ ơn Thiên Chúa vì những gì chúng ta là, vì những gì chúng ta sống trong Giáo Hội theo gương thánh Phaolô và sống Lễ Tạ Ơn: những lễ tạ ơn nho nhỏ gặp được sự hoàn tất, thành toàn, tròn đầy trong Lễ Tạ Ơn viết hoa đậm nét.

Tối hôm Ngài bị nộp, Đức Chúa cầm lấy bánh.  Không ai lấy được mạng sống Ta, chính Ta trao ban” (x. Dtc C3). Lời nầy quan trọng, Đức Giêsu đã hình thành ra câu nói nầy, trong cử hành Lễ Tạ Ơn chúng ta ý thức rằng Đức Giêsu trao ban sự sống ngài cho đoàn chiên; Ngài mời chúng ta cùng với Ngài trao ban sự sống chúng ta theo gương Ngài như một hành động tạ ơn, một thánh lễ tạ ơn.

 

WGPKT(02/03/2023) KONTUM