Hãy Tạ Ơn Và Ca Tụng Thiên Chúa (13.10.2019 – Chúa Nhật 28 TN, Năm C)

Phụng vụ hôm nay qua hai bài đọc, Bài đọc 1 (2V 5,14-17) và bài Tin Mừng (Lc 17, 11-19) đều nói đến việc chữa lành người phong cùi. Tiên tri Êlisa chữa cho ông Naaman, tướng chỉ huy quân đội của vua Aram, xứ Xyria, khi “ông xuống dìm mình bảy lần trong sông Giođan, theo lời tiên tri Êlisa”.  Còn Đức Giêsu chữa nhóm mười người phong cùi trong dân Ítraen bằng cách sai họ “Hãy đi trình diện với các tư tế” .  
Trong cả hai bài trình thuật, các người phong cùi đều được chữa lành và những người đến tạ ơn Chúa đều là những người ngoại quốc: Naaman người Xyria và người Samari ngoại giáo.  Rõ ràng phụng vụ muốn đề cao lòng biết ơn nơi dân ngoại, cũng như tính hoàn vũ của ân huệ Thiên Chúa ban cho những kẻ tin vào Người.  Thiên Chúa là Đấng cứu độ nhân loại, Người không thiên vị ai, Người hành xử theo ý muốn của Người.  Người xử tốt với mọi người.  Tất cả ân huệ đều là nhưng-không từ Thiên Chúa ban  xuống. 

Vào thời tiên tri Êlisa, quan hệ xã hệ giữa Ítraen và Xyria vốn căng thẳng: Naaman là dân ngoại bị coi như là kẻ thù của Ítraen.  Tương tự như thế quan hệ giữa người Samari và người Do thái, Người Do thái khinh miệt người Samari, coi tôn giáo của Samari là không tinh tuyền, theo đa thần giáo.  Hai bên tẩy chay nhau.  Vào thời đó ai mắc bệnh phong thì bị luật pháp khai trừ khỏi xã hội lành mạnh, người mắc bệnh phong bị coi là hạng ô uế, chịu sự trừng phạt của Thiên Chúa.  Họ sống biệt lập tách rời xã hội người khỏe mạnh, làm nên một nhóm nhỏ bị bỏ rơi và bị tẩy chay.

Dân Samari ở miền Trung Ítraen, họ lập đền thờ riêng tại núi Garisim và sinh hoạt tôn giáo tại đó, họ không cần lên đền thờ Giêrusalem để chu toàn các lễ nghi tôn giáo,  vì vậy cho nên người Samari khi được chữa lành ông đã không bị ràng buộc  phải lên đền thờ tạ ơn Thiên Chúa.   Cho nên ông diễn tả tình cảm tôn giáo theo cách thức riêng của mình, bằng phục lạy dưới chân Đức Giêsu khi gặp được Người.  Qua việc làm nầy ông công bố cho mọi người biết công trình của Thiên Chúa đã thực hiện nơi ông.  Tính bộc phát đó cho thấy người ngoại nầy sống gần với tôn giáo chân thật: cảm kích trước phép lạ và ơn lành mà ông đã lãnh nhận một cách nhưng không, ông liền trở lại tạ ơn Thiên Chúa.  Ông ta hoàn toàn tự do nội tâm khi hành động như thế.  Và sự tự do nầy đề cao giá trị việc ông tự nguyện phục lạy Đức Giêsu. 

Còn ông quan xứ Xyria, khi đứng trước thái độ vô vị lợi của tiên tri Êlia nhất quyết không nhận bất cứ quà tặng nào của quan, quan chức nầy càng ý thức ân huệ cao quý và nhưng-không của Thiên Chúa và tính vô vị lợi của vị Thần đã cứu chữa ông.   Ông tâm phục khẩu phục nhà tiên tri và Thiên Chúa của nhà tiên tri.   Ông đã muốn trở thành môn đệ của Thiên Chúa, muốn trở thành huynh đệ của nhà tiên tri, để tỏ quyết tâm dứt khoát đó, ông xin một bao đất nơi nhà tiên tri đang ở để chở về quê hương. 

Mang một bao đất xứ lạ về quê hương mình ông muốn diễn tả lòng tôn thờ vị thần ngự trị trên đất nầy đã cứu chữa ông. Ông chọn đất đó làm quê hương, đặt mình trong mối tương quan thiện hảo với Thổ Thần là Thiên Chúa, và liên kết với những ai sống trên đất nầy.

Cả hai con bệnh phong cùi ngoại giáo đều được chữa lành do lòng tin của họ.  “Đứng dậy mà về đi! Lòng tin của con đã cứu chữa con.  Suy cho cùng không phải nước sông Giođan xứ Ítraen tốt hơn nước sông xứ Xyria có sức làm phong cùi được lành sạch, nhưng chính là lòng tin vào Thiên Chúa, Người làm cho da thịt nên như da thịt của trẻ thơ.  Việc tắm trong sông Giođan không có tác dụng ma thuật, nhưng là do “Lòng tin của con đã cứu chữa con” . Việc nầy nhắc nhớ đến dòng nước thánh tẩy làm cho tội nhân được trở nên tạo vật mới do lòng tin và do tác động của Chúa Thánh Thần, chứ không phải do sức mạnh ma thuật của nước. 

Dấu chỉ tự nhiên của tạo vật và hiệu năng siêu nhiên của các bí tích luôn được tìm thấy khi cử hành các bí tích.  Dấu chỉ của nước chỉ sự rửa sạch trong bí tích thánh tẩy, lời xá giải nơi tòa giải tội tuyên bố sự tha thứ và ơn bình an.  Dấu chỉ bề ngoài sinh hiệu năng bên trong luôn được đọc thấy nơi các bí tích.Lạy Chúa Giêsu, bệnh phong cho đến nay vẫn là bệnh hiểm nghèo, con người phải cách ly người thân của mình để chữa trị, tội lỗi được ví như phong cùi, làm con người xa lánh cộng đoàn của mình.  Xin cho con biết chạy đến với Chúa và nói : “Lạy Thầy Giêsu, xin dủ lòng thương chúng tôi” như mười người phong xưa đã kêu lên với Chúa. Amen

Louis Nguyễn Quang Vinh
Lm Kontum, Đức An