Chúa Nhật IV Thường Niên, Năm B (CN 28.01.2024) – Người Giảng Dạy Như Đấng Có Uy Quyền

Bài đọc 1: Đnl 18,15-20

Ta sẽ cho xuất hiện một ngôn sứ và Ta sẽ đặt những lời của Ta trong miệng người ấy.

Bài trích sách Đệ nhị luật.

15 Khi ấy, ông Mô-sê nói với dân Ít-ra-en rằng : “Từ giữa anh em, trong số các anh em của anh em, Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, sẽ cho xuất hiện một ngôn sứ như tôi để giúp anh em ; anh em hãy nghe vị ấy. 16 Đó chính là điều mà anh em đã xin với Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, tại núi Khô-rếp, trong ngày đại hội ; anh em đã nói : ‘Chúng tôi không dám nghe tiếng Đức Chúa, Thiên Chúa của chúng tôi nữa, chúng tôi không dám nhìn ngọn lửa lớn này nữa, kẻo phải chết.’ 17 Bấy giờ Đức Chúa phán với tôi : ‘Chúng nói phải. 18 Từ giữa anh em của chúng, Ta sẽ cho xuất hiện một ngôn sứ như ngươi để giúp chúng, Ta sẽ đặt những lời của Ta trong miệng người ấy, và người ấy sẽ nói với chúng tất cả những gì Ta truyền cho người ấy. 19 Kẻ nào không nghe những lời của Ta, những lời người ấy nói nhân danh Ta, thì chính Ta sẽ hạch tội nó. 20 Nhưng ngôn sứ nào cả gan nhân danh Ta mà nói lời Ta đã không truyền cho nói, hoặc nhân danh những thần khác mà nói, thì ngôn sứ đó phải chết.’”

Đáp ca: Tv 94,1-2.6-7a.7b-9 (Đ. c.7b và 8a)

Đ.Ngày hôm nay, ước gì anh em nghe tiếng Chúa !
Người phán : Các ngươi chớ cứng lòng.

1Hãy đến đây ta reo hò mừng Chúa,
tung hô Người là Núi Đá độ trì ta,2vào trước Thánh Nhan dâng lời cảm tạ,
cùng tung hô theo điệu hát cung đàn.

Đ.Ngày hôm nay, ước gì anh em nghe tiếng Chúa !
Người phán : Các ngươi chớ cứng lòng.

6Hãy vào đây ta cúi mình phủ phục,
quỳ trước tôn nhan Chúa là Đấng dựng nên ta.7aBởi chính Người là Thiên Chúa ta thờ,
còn ta là dân Người lãnh đạo,
là đoàn chiên tay Người dẫn dắt.

Đ.Ngày hôm nay, ước gì anh em nghe tiếng Chúa !
Người phán : Các ngươi chớ cứng lòng.

7bNgày hôm nay, ước gì anh em nghe tiếng Chúa !8Người phán : Các ngươi chớ cứng lòng
như tại Mê-ri-ba, như ngày ở Ma-xa trong sa mạc,9nơi tổ phụ các ngươi đã từng thách thức
và dám thử thách Ta, dù đã thấy những việc Ta làm.

Đ.Ngày hôm nay, ước gì anh em nghe tiếng Chúa !
Người phán : Các ngươi chớ cứng lòng.

Bài đọc 2: 1 Cr 7,32-35

Người trinh nữ thì chuyên lo việc Chúa, để thuộc trọn về Người.

Bài trích thư thứ nhất của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Cô-rin-tô.

32 Thưa anh chị em, tôi muốn anh chị em không phải bận tâm lo lắng điều gì. Đàn ông không có vợ thì chuyên lo việc Chúa : họ tìm cách làm đẹp lòng Người. 33 Còn người có vợ thì lo lắng việc đời : họ tìm cách làm đẹp lòng vợ, 34 thế là họ bị chia đôi. Cũng vậy, đàn bà không có chồng và người trinh nữ thì chuyên lo việc Chúa, để thuộc trọn về Người cả hồn lẫn xác. Còn người có chồng thì lo lắng việc đời : họ tìm cách làm đẹp lòng chồng. 35 Tôi nói thế là để mong tìm ích lợi cho anh chị em, tôi không có ý gài bẫy anh chị em đâu, nhưng chỉ muốn đề nghị với anh chị em một điều tốt, để anh chị em được gắn bó cùng Chúa mà không bị giằng co.

Tung hô Tin Mừng: Mt 4,16

Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a. Đoàn dân đang ngồi trong cảnh tối tăm, đã thấy một ánh sáng huy hoàng, những kẻ đang ngồi trong vùng bóng tối của tử thần, nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi. Ha-lê-lui-a.

Tin Mừng: Mc 1,21-28

Người giảng dạy như một Đấng có uy quyền.

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô.

21 Tại thành Ca-phác-na-um, ngày sa-bát, Đức Giê-su vào hội đường và giảng dạy. 22 Thiên hạ sửng sốt về lời giảng dạy của Người, vì Người giảng dạy như một Đấng có uy quyền, chứ không như các kinh sư.

23 Lập tức, trong hội đường của họ, có một người bị thần ô uế nhập, la lên 24 rằng : “Ông Giê-su Na-da-rét, chuyện chúng tôi can gì đến ông mà ông đến tiêu diệt chúng tôi ? Tôi biết ông là ai rồi : ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa !” 25 Nhưng Đức Giê-su quát mắng nó : “Câm đi, hãy xuất khỏi người này !” 26 Thần ô uế lay mạnh người ấy, thét lên một tiếng, và xuất khỏi anh ta. 27 Mọi người đều sững sờ đến nỗi họ bàn tán với nhau : “Thế nghĩa là gì ? Lời giảng dạy thì mới mẻ, người dạy lại có uy quyền. Ông ấy ra lệnh cho cả các thần ô uế và chúng phải tuân lệnh !” 28 Lập tức danh tiếng Người đồn ra mọi nơi, khắp cả vùng lân cận miền Ga-li-lê.

(Nguồn: ktcgkpv.org)

—————————-

Suy niệm 1: TGM Giuse Vũ Văn Thiên

“Nhiệm vụ ngôn sứ”

Theo nguyên ngữ, “ngôn” là “lời” và “sứ” là “được sai đi”. Vậy, “ngôn sứ” là người “được sai đi để nói lời” của Chúa. Chính Thiên Chúa là người sai các ông đi, với sứ mạng chuyển tải giáo huấn của Ngài cho dân Ít-ra-en. Trong Cựu ước, có những vị ngôn sứ có ảnh hưởng rất lớn trong triều đình nhà vua, hoặc trong đời sống xã hội cũng như tôn giáo của người Do Thái, như Giê-rê-mi-a, I-sai-a hay Ê-dê-ki-en. Có những vị ngôn sứ “chuyên nghiệp” và cũng có những vị ngôn sứ “nhất thời”. Dù thuộc loại nào, các ngôn sứ đều là những người trung thành với sứ mạng được trao.

Nội dung những sứ điệp mà Thiên Chúa trao cho các ngôn sứ mang tính đa dạng. Có thể là lời cảnh báo, đe dọa, khiển trách, nhưng cũng là những lời khen ngợi hay an ủi, khích lệ động viên. Ngôn sứ là một nhiệm vụ khó khăn, vì nhiều khi phải tuyên bố những điều đi ngược lại với quan điểm và suy nghĩ của người đương thời. Có những khi vị ngôn sứ bị mua chuộc và “hối lộ” để nói khác đi điều Thiên Chúa sai nói. Cũng có trường hợp bị hành hạ, thậm chí đe dọa giết chết, như trường hợp ngôn sứ Giê-rê-mi-a. Dù trong hoàn cảnh nào, ngôn sứ cũng phải trung thành với sứ mạng, nếu không, ông sẽ bị chính Chúa trừng phạt (x. Bài đọc I).

Đức Giê-su là vị ngôn sứ vĩ đại và đúng nghĩa nhất. Sách Đệ Nhị Luật (Bài đọc I) đã ghi lại những lời trăng trối của ông Môi-sen đã tiên báo về vị ngôn sứ này. “Ta sẽ gầy dựng giữa anh em của họ một tiên tri như ngươi; Ta sẽ đặt vào miệng người những lời của Ta, người sẽ nói cho họ biết tất cả những điều Ta sẽ truyền cho người”. “Vị ngôn sứ như ngươi” mà Thiên Chúa nói qua ông Môi-sen ở đây chính là Đức Giê-su Ki-tô. Người là Con Thiên Chúa, là Đấng Mê-si-a được Chúa Cha sai đến trần gian để truyền đạt thánh ý của Ngài. Người đến trần gian để xua tan bóng tối, tiêu diệt và đẩy lui quyền lực của Sa-tan (x. Lời tung hô Tin Mừng). Chính thần ô uế (một tên gọi khác của ma quỷ) đã tuyên xưng Đức Giê-su là “Đấng Thánh của Thiên Chúa”. Bằng một mệnh lệnh, Chúa Giê-su đã bắt nó phải buông tha người bị nó ám. Chắc hẳn lời tuyên xưng của thần ô uế đã làm cho nhiều người tin vào Chúa Giê-su, nhận ra Người là Đấng đến trần gian để xua đuổi thế lực của tối tăm, xây dựng một vương quốc thánh thiện nhằm thánh hóa con người. Trước uy quyền và sự khôn ngoan thông thái của Người, những người có mặt hôm đó tại hội đường, từ tâm trạng sững sờ đến trầm trồ thán phục: “Lời giảng dạy thì mới mẻ, người dạy lại có uy quyền. Ông ấy ra lệnh cho các thần ô uế và chúng phải tuân lệnh”.

Sứ mạng của Chúa Giê-su cũng là canh tân việc thờ phượng để hướng con người về sự tôn thờ đích thực. Với chi tiết Người trừ thần ô uế trong Hội đường, tác giả muốn nói với chúng ta, ngay trong những không gian thánh thiêng và dành riêng cho việc phụng thờ, vẫn có thể có những thế lực xấu xa, lôi kéo con người đi ngược lại với giới luật của Chúa. Chúa Giê-su cũng dạy: “Không phải những ai nói “Lạy Chúa! Lạy Chúa! đều được vào Thiên đàng, nhưng là những ai thực hiện ý của Cha tôi”. Sự hiện diện của Thiên Chúa không bị giới hạn bởi đền thờ hay hội đường. Tình yêu thương của Chúa không phân biệt sắc tộc hay ngôn ngữ, nhưng ở đâu có tình bác ái huynh đệ thì ở đó có Đức Chúa Trời. Theo giáo huấn của Chúa Giê-su, lời ca tụng tôn vinh Thiên Chúa phải xuất phát từ tấm lòng chân thành và phải đi đôi với thiện chí để nên trọn lành.

Tại sao ngày nay không còn những vị ngôn sứ như ngày xưa? Bởi lẽ đã có Đức Giê-su là vị ngôn sứ vĩ đại. Tác giả thư Do Thái đã khẳng định: “Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ; nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Con của Ngài” (Dt 1,1). Giáo huấn của Người được các tác giả Tin Mừng ghi lại mang nội dung đầy đủ, tóm lược và hoàn thiện giáo huấn của các ngôn sứ thời Cựu ước. Nơi Chúa Giê-su, Thiên Chúa Cha đã diễn tả đầy đủ những gì Ngài cần nói với con người. Với Đức Giê-su, Thiên Chúa Cha không cần trung gian nào nữa để chuyển tải sứ điệp của Ngài. Đàng khác, nhờ phép Thánh tẩy, mỗi Ki-tô hữu đều là ngôn sứ. Bí tích Thánh tẩy làm cho chúng ta nên đồng hình đồng dạng với Chúa Giê-su. Những ai mang danh Ki-tô hữu được chia sẻ quyền năng của Người. Quyền năng ấy do Chúa Thánh Thần thông ban. Ngài là Ngôi Ba Thiên Chúa và là Đấng soi sáng phù trợ các tín hữu. Loan báo Đức Giê-su là sứ mạng và vinh dự của mỗi Ki-tô hữu.

Tuy vậy, trước khi nói đến loan truyền Tin Mừng cho người khác, mỗi chúng ta phải cố gắng thanh tẩy chính mình. Trong con người của chúng ta, đang hiện hữu vừa ánh sáng vừa bóng tối, vừa hình ảnh của Thiên Chúa nhưng cũng vừa hình ảnh của Sa-tan. Chính vì thế mà chúng ta phải thanh tẩy bản thân mỗi ngày. Ơn gọi nên thánh không phải là những điều quá sức con người, mà đó là những điều rất bình dị trong cuộc sống. Thánh Phao-lô đã cụ thể hóa đời sống Ki-tô hữu bằng cách khuyên mỗi người trong gia đình và trong cộng đoàn hãy chuyên tâm thực thi bổn phận của mình đối với Chúa và đối với tha nhân. Người lập gia đình thì chăm lo việc gia đình. Người tu hành thì chăm lo việc Chúa. Những công việc đời thường, nếu được chu toàn với thiện ý và với tâm tình Đức tin, thì cũng góp phần làm cho chúng ta nên hoàn thiện (Bài đọc II). Như thế, bất cứ ở bậc sống nào, chúng ta có thể trở thành ngôn sứ của Chúa.

Ki-tô hữu là hình ảnh của Đức Ki-tô giữa trần gian. Xin cho chúng ta biết thực thi sứ vụ rao giảng Lời Chúa trong đời sống cụ thể, để thánh hóa bản thân và giúp nhiều người khác nhận ra sự hiện diện của Chúa trong cuộc đời.

+TGM Giu-se Vũ Văn Thiên

—————————-

Suy niệm 2:Lm. Lu-y Gonzaga Nguyễn Quang Vinh

Sự Tác Động  của LỜI

 

Người Do thái rất coi trọng Lời của Thiên Chúa nói với họ qua các ngôn sứ.  Hằng tuần vào ngày Sabát tức ngày Thứ Bảy họ họp nhau tại Hội đường để tôn thờ Thiên Chúa, trong sinh họat đó có phần quan trọng là lắng nghe Sách Thánh gồm có Ngũ Thư, Sách Luật, các Tiên Tri và Thánh Vịnh.  Lời của Chúa là sự hiện diện của Thiên Chúa có hiệu năng thành sự, chứ không phải như lời người phàm nói trong gió thỏang mây bay.

Việc làm tốt đẹp này đi vào truyền thống suy tôn lời Chúa trong các buổi phụng vụ Kitô giáo sau này trong Giáo Hội.  Bất cứ cử hành phụng vụ bí tích nào cũng đều khởi đi từ Lời Chúa.  Lời Chúa là sức sống, là cương lĩnh của tín hữu, là điểm quy chiếu của mọi bí tích, rõ ràng nhất là trong phụng vụ bí tích Thánh thể: có bàn tiệc Thánh Thể và bàn Lời Chúa.

Mở đầu phụng vụ hôm nay chúng ta thấy Môsê chủ trì buổi cầu nguyện tại Hội đường Do thái và ông đã tuyên sấm: “Từ giữa anh em, Đức Chúa sẽ cho xuất hiện một ngôn sứ như tôi”.  Và Đức Chúa xác định : “Ta sẽ đặt những lời của Ta trong miệng người ấy, và người ấy sẽ nói nói với dân tất cả những gì Ta truyền cho người ấy. … Kẻ nào không nghe những lời người ấy nói nhân danh Ta, thì chính Ta sẽ hạch tội nó” (x. Bài Đọc 1. Đnl 18,15-20).  Thời Cựu Ước Thiên Chúa hướng dẫn và giáo dục dân bằng khen thưởng và sửa trị dân qua thăng trầm của các biến cố lịch sử, nhất là qua trung gian các ngôn sứ.  Chính nơi miệng các ngôn sứ Thiên Chúa tiếp xúc với dân và chỉ đạo cho dân, nhưng đến thời Lời của Chúa (Đức Giêsu) xuất hiện giữa dân thì Lời trực tiếp nói với dân.

Mười ba thế kỷ sau, vào thời Đức Giêsu,  trong Hội đường Do thái, lời sấm của tiên tri Môsê được ứng nghiệm: “Ngày Sabát, Đức Giêsu vào Hội đường và giảng dạy.  Người giảng dạy như Đấng có quyền” và Người đã làm phép lạ chữa lành người bị thần ô uế ám: “Câm đi và ra khỏi người này!  Thần ô uế thét lên một tiếng và xuất khỏi người bị quỷ ám”.  Đức Giêsu được ví là Môsê Mới đã xuất hiện với đầy quyền uy của Thiên Chúa “Ông ấy ra lệnh cho cả các thần ô uế và chúng phải tuân lệnh”( x. Bài Tin Mừng. Mc 1, 21-28).  Ngày hôm nay Lời Chúa được tiếp tục rao giảng qua miệng các thừa tác viên của Hội thánh.

Đuổi quỷ ngay trong Hội Đường, tiên báo giờ chiến thắng phục sinh, giờ mà thánh Gioan nói: “ Chính bây giờ đầu mục thế gian này sẽ bị đuổi ra ngòai “ (Ga 12, 30-32).  Những lời này được Đức Giêsu nói ra lúc Người chuẩn bị đi vào cuộc thương khó để cứu chuộc nhân lọai.   Thánh Máccô cho thấy sự khai mở cuộc đấu tranh sống chết giữa Đức Giêsu và ma quỷ, giữa vương quốc của Thiên Chúa và quyền lực thế gian do ma quỷ thống trị, chiến thắng khởi đầu của Đức Giêsu như khúc dạo đầu của chiến thắng phục sinh sau nầy.  Để lập được chiến thắng đó, chính Đức Giêsu đã chấp nhận thân phận tôi đòi, bị bắt, bị đưa ra tòa xét xử, bị đóng đinh thập giá.

Đuổi quỷ ra khỏi kẻ bị quỷ ám chẳng khác gì làm công cuộc sáng tạo mới nơi một con người bị quyền lực xa-tan thống trị.  Ngày nay Giáo hội không ngừng kiến tạo những cuộc tạo dựng mới qua tòa giải tội nơi những con người sa ngã, sống bê tha đam mê tội lỗi.  Lời Thiên Chúa thật sự có hiệu năng, như trong sách Sáng Thế, Thiên Chúa phán hãy có ánh sáng và đã có ánh sáng.  Thiên Chúa tạo dựng trời đất và vạn vật bằng Lời của Người: “Nhờ Ngôi Lời vạn vật được tạo thành và không có Người thì chẳng có gì được tạo thành”( Ga 1,3).

Lời của bí tích hòa giải: “Vậy cha tha tội cho con, nhơn danh Cha và Con và Thánh Thần”.  Lời xá giải có hiệu năng tha hết mọi tội, đem lại sự sống mới cùng với sự bình an nội tâm, đổi mới tâm hồn con người.  Đúng là một cuộc tạo dựng mới, chính vì thế ngày xưa bí tích giải tội được gọi là phép rửa tội lần thứ hai, thời xa xưa tội nhân chỉ được lãnh nhận phép giải tội một lần duy nhất trong đời mà thôi.

Nơi mỗi người chúng ta đều có sự đối đầu giữa sự lành và sự dữ.  Chiến thắng sẽ đạt được nếu chúng ta biết dựa vào Lời Chúa để chiến đấu, nhất là biết đi theo con đường thập giá mà Chúa đã kinh qua.  “Hãy vững tin Thầy đã thắng thế gian”, sứ điệp Tin mừng hôm nay cho thấy một tiền cảm nhận sự chiến thắng quyết liệt đó phát xuất từ Đức Giêsu: “Câm đi và ra khỏi người này!” 

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đến để phục hồi tâm hồn tội lỗi, xin Chúa hãy trục xuất khỏi tâm hồn con những ràng buộc của ma quỷ, thế gian và xác thịt.  Xin hãy giải phóng và ban cho con sự bình an. Amen

Lm. Luy Gonzaga Nguyễn Quang Vinh

Chính xứ Đức An, Pleiku

—————————-

Suy niệm 3: Lm. Thái Nguyên

LỜI QUYỀN NĂNG

Suy niệm
Khi Môsê sắp từ giã cõi đời, ông an ủi dân đừng khóc thương, và cho biết Thiên Chúa sẽ cho nổi lên một vị Ngôn Sứ còn trổi vượt hơn ông để dẫn dắt họ. Đức Giêsu chính là Vị Ngôn Sứ ưu việt mà Môsê tiên báo. Thánh Marcô không nói rõ Đức Giêsu đã giảng điều gì, nhưng cho thấy “Dân chúng kinh ngạc về giáo lý của Ngài, vì Ngài giảng dạy người ta như một Đấng có uy quyền, chứ không như các kinh sư”. Sở dĩ thánh Marcô không trình bày nội dung giáo huấn, vì muốn chúng ta hướng tới điều quan trọng hơn là chính con người Đức Giêsu.
Lúc dân chúng đang tự hỏi về Đức Giêsu, thì có một người bị thần ô uế nhập, giận dữ la lên, vì sợ Chúa đến tiêu diệt, nhưng đồng thời cũng xưng nhận Ngài “là Đấng Thánh của Thiên Chúa”. Kẻ bị quỷ ám ở ngay trong hội đường là “nơi thánh”, mà vẫn yên hàn như sống trong nhà nó, và chỉ khi gặp “Đấng Thánh”, quỷ mới sợ hãi hét lên và đi ra khỏi đó. Đức Giêsu không dùng phù chú ma thuật. Ngài chỉ ra lệnh: “Câm đi, hãy xuất khỏi người này!”. Thần ô uế vâng lời. Với lời nói có sức mạnh linh thiêng, Ngài chứng tỏ quyền lực cao cả của Triều
Đại Thiên Chúa mà Ngài loan báo, là một Tin Mừng cho nhân loại.
Lời Đức Giêsu phán ra không chỉ là “Lời quyền năng” mà còn là “Lời chân lý”. Ngài không chỉ xua trừ ma quỉ mà còn lột mặt nạ gian trá của chúng, là một thế lực ngụy trang tài tình trên mọi lãnh vực, khiến người ta không còn biết đâu là sự thật, nên chẳng lạ gì đời sống con người trở nên điên đảo, khốn cùng, cả những công trình hiện đại của con người cũng có nguy cơ trở thành nền “văn minh sự chết”. Thật vậy, chúng ta đang sống trong một thế giới bị tung ‘hoả mù’ bởi chủ thuyết tương đối: tôn giáo tương đối, luân lý tương đối, tình yêu tương đối… nơi mà sự thật là ‘bất cứ điều gì bạn muốn’ hay ‘bất cứ điều gì có lợi cho tôi’, đã trở thành phương châm sống của giới trẻ ngày nay. Người ta không biết hay đã quên Đức Giêsu “là đường, là sự thật và là sự sống”. Thật ra ngay cả chúng ta nhiều khi cũng thế, dễ tương đối hóa mọi thứ kể cả việc đạo đức, để rồi bị tục hóa bởi lối sống của thế gian.
Xưa nay những người bị quỉ nhập không nhiều, nhưng những người bị
quỉ lèo lái thì không ít. Quỉ không giống như những hình tượng ma quái xấu xí như trong các hình vẽ, nhưng thường mang dáng vẻ hấp dẫn. Nó tấn công chúng ta bằng những thủ đoạn rất tinh vi, nhẹ nhàng và ngọt ngào. Cái tinh khôn của quỉ là nắm rõ yếu điểm của từng cá nhân và tập thể. Cái tinh xảo của quỉ là ngụy tạo, luôn cho ta cảm tưởng là mình vững vàng, có sa sút hay vấp phạm đôi chút cũng không sao. Cứ biện minh cho những hành động sai trái của mình, và cứ thế ta dần dần sa vào cạm bẫy, sống dưới sự điều khiển của nó mà vẫn không hay biết.
Quỉ là những mãnh lực sự dữ, cố hết sức để kéo ta xa Chúa, đó là mục đích duy nhất của nó. Bằng mọi cách nó chống lại Thiên Chúa và hạnh phúc đích thực của con người, nên nó thường lừa bịp con người bằng những thứ hạnh phúc giả tạo. Chúng ta chỉ có thể khám phá ra hành tung của nó qua những đam mê và dục vọng, sợ hãi và ghen ghét, ích kỷ và hưởng thụ, cầu an và lười biếng… Chúng ta tự hào là mình không bị quỉ ám, vì chẳng làm điều gì xấu. Nhưng những điều vốn không xấu vẫn có thể trở thành ngẫu tượng như tiện nghi, chức tước, quyền hành, địa vị, danh giá… Cả những cái tốt cũng có thể làm cho ta trở nên kiêu hãnh và dựa vào đó để đánh bóng bản thân. Cái ám nào cũng làm cho ta bị cắt xén, giảm thiểu tự do, và bớt đi chính mình.
Tinh vi hơn nữa, có một thứ ám xem ra bình thường, như một phong cách làm việc, nhưng nó khiến ta phải suy tư và khuôn đúc theo một lập trình, không thể sống khác đi được, như một thứ bản năng sinh tồn hay một thứ thói quen xơ cứng. Điều đó khiến ta không còn khả năng đổi mới. Ngoài ra, vẫn luôn có những cách suy nghĩ và lối sống tiêu cực nào đó đang len lỏi vào đời sống chúng ta, nhất là khi đứng trước những va chạm và thử thách. Chỉ khi nhận ra những điều đó, ta mới thấy cần Chúa biết bao, để tiếng nói uy quyền và chân lý của Ngài trục xuất khỏi ta những gì làm ngăn chặn sự sống của Thiên Chúa.

Chúng ta đang sống trong một xã hội nhiễu nhương và nhiều bấn loạn do sự dữ hoành hành. Có bao người bị ám bởi thần ô uế: ô uế bởi tiền bạc, bởi nhục dục và đam mê lợi lộc. Có bao người mang những bệnh trạng nặng nề trong cái nhìn, trong cách nghĩ, trong lối sống, tạo nên một xã hội bệnh hoạn, một xã hội đang hết sức cần đến quyền năng Chúa cứu chữa và giải thoát khỏi mọi mê lầm. Chúng ta cần mang Đức Kitô đến cho họ, nhưng trước hết, bản thân ta cần được tẩy uế hằng ngày để sống trong sự thanh khiết và chân thật trong ơn thánh Chúa.

Cầu nguyện
Lạy Chúa Giêsu!
Hôm nay trong đời sống nhân loại,
vẫn luôn có những kẻ lạc loài,
chẳng tìm được ai mà tin tưởng,
vẫn có bao người đang vất vưởng,
giữa cuộc đời thiếu thốn tình thương.
Có những kẻ lại tôn thờ ngẫu tượng,
không biết đường biết hướng về đâu,
tưởng tiền bạc khoái lạc là hạnh phúc,
càng tệ hơn khi chạy theo tình dục,
khiến tâm hồn bị ma quỉ hành hung,
thành ô uế cho tà thần sử dụng.
Lại có những kẻ mang thêm bệnh hoạn,
trong lối nhìn lối sống lối nghĩ suy,
và giới trẻ cũng dễ bị hư đi,
khi xây dựng đời mình trong hoang tưởng,
cứ tưởng rằng đời mình mãi ngát hương,
ai hay đâu cũng tới lúc đoạn trường
Chúng con xin Chúa dủ lòng thương,
nhìn đến những người đang lạc hướng,
đang sống tha phương những chán chường,

cứu vớt kẻ sa lầy trong nghiệp chướng,
giải thoát ai phải sống cảnh tai ương.
Chúng con phải làm gì đó cho họ,
để chứng tỏ lòng con yêu mến Chúa,
nhưng trước tiên cho con thấy bản thân,
đừng để bị khống chế bởi tà thần.
nhưng chuyên cần hy sinh và cầu nguyện.
Con trông cậy vào Chúa Đấng uy quyền,
giữ gìn con khỏi những điều ô uế,
biết luôn sống trung trinh lời ước thệ,
vui bước cuộc hành trình về bến quê. Amen.

Lm. Thái Nguyên

WGPKT(25/01/2024) KONTUM