Chúa Nhật III Thường Niên – Năm C (CN.23.01.2022)

BÀI ĐỌC I: Nkm 8, 2-4a. 5-6. 8-10

“Họ đọc trong sách Luật và người ta hiểu được điều đã đọc”.

Bài trích sách Nơ-khe-mia.

Ngày ấy, thầy tư tế Esdras mang luật ra trước cộng đồng, gồm đàn ông, đàn bà và tất cả những ai có thể hiểu luật: hôm đó là ngày đầu tháng bảy. Từ sáng đến giữa trưa, thầy đứng ở công trường, trước cửa Nước, đọc sách trước mặt đàn ông, đàn bà và những người hiểu luật. Tất cả dân chúng đều lắng tai nghe đọc sách luật. Thầy thư ký Esdras đứng trên bệ bằng cây mà đọc sách; thầy mở sách ra trước công chúng, vì thầy đứng nơi cao hơn mọi người. Khi thầy mở sách, thì tất cả đều đứng lên. Esdras chúc tụng Chúa là Thiên Chúa Cao Cả. Toàn dân đưa tay lên đáp lại: Amen, amen. Họ cúi mình và phủ phục trước Thiên Chúa, mặt họ cúi sát đất. Một số người đọc từng đoạn trong sách luật Chúa, giải thích ý nghĩa, và người ta hiểu được điều đã đọc. Nơ-khê-mia là tổng trấn, Esdras là tư tế và là thư ký, các thầy Lêvi huấn luyện dân chúng, nói với họ rằng: “Ngày hôm nay được thánh hoá dâng cho Chúa là Thiên Chúa chúng ta; anh chị em đừng mang tang chế, đừng than khóc”. Vì lúc đó toàn dân khóc lóc khi nghe đọc các lời trong luật. Họ nói với dân chúng rằng: “Hãy đi ăn thịt béo và uống rượu ngon, hãy gửi phần cho kẻ không có dọn sẵn cho mình, vì ngày này là ngày thánh, dâng cho Chúa, đừng buồn sầu; vì niềm vui của Chúa là đồn luỹ của anh chị em!”

Ðó là lời Chúa.

BÀI ĐỌC II: 1 Cr 12, 12-30

“Anh em là thân xác Chúa Kitô, và là chi thể của Người”.

Bài trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.

Anh em thân mến, như thân xác là một mà có nhiều chi thể, và tất cả chi thể tuy nhiều, nhưng chỉ là một thân xác, thì Chúa Kitô cũng vậy. Vì chưng, trong một Thánh Thần, tất cả chúng ta chịu phép rửa để làm thành một thân xác, cho dầu Do-thái hay Hy-lạp, tự do hay nô lệ, và tất cả chúng ta cùng uống trong một Thánh Thần. Vì thân xác không chỉ gồm một chi thể, mà là nhiều chi thể. Nếu chân nói rằng: “Vì tôi không phải là tay, nên tôi không thuộc thân xác”, có phải vì thế mà nó không thuộc về thân xác đâu? Và nếu lỗ tai nói rằng: “Vì tôi không phải là con mắt, nên tôi không thuộc về thân xác”, có phải vì thế mà nó không thuộc về thân xác đâu? Nếu toàn thân xác là một, thì đâu là thính giác? Nếu toàn thân xác là tai, thì đâu là khứu giác? Vậy, Thiên Chúa đã đặt các chi thể, và mỗi chi thể ở trong thân xác như ý Người muốn. Nếu tất cả đều là một chi thể, thì còn đâu là thân xác? Thật vậy, có nhiều chi thể, nhưng có một thân xác. Con mắt không thể nói với bàn tay: “Ta không cần mi”. Ðầu cũng không thể nói với chân: “Ta không cần các ngươi”. Nhưng hơn thế nữa, các chi thể thân xác xem như yếu hơn, lại cần thiết hơn. Và những chi thể ta coi là ít vinh dự nhất, lại là những chi thể chúng ta đặt cho nhiều vinh dự hơn; và những chi thể thiếu trang nhã lại được ta trang sức hơn, còn những chi thể trang nhã lại không cần như thế: nhưng Thiên Chúa đã sắp đặt thân xác, cho cái thiếu vinh dự được vinh dự hơn, để không có sự bất đồng trong thân xác, mà là để các chi thể đồng lo công ích cho nhau. Nếu một chi thể phải đau, tất cả các chi thể khác đều phải đau lây; hoặc một chi thể được vinh dự, thì tất cả các chi thể cùng chia vui. Phần anh em, anh em là thân xác Chúa Kitô và là chi thể của Người, mỗi người có phận sự mình. Có những người Thiên Chúa đã thiết lập trong Hội thánh, trước hết là các tông đồ, rồi đến các tiên tri, thứ ba là các tiến sĩ. Kế đến là quyền làm phép lạ, các ơn chữa bệnh, các việc từ thiện, quản trị, nói nhiều thứ tiếng. Vậy tất cả mọi người là tông đồ ư? Tất cả là tiên tri ư? Tất cả là tiến sĩ ư? Tất cả được ơn làm phép lạ ư? Tất cả được ơn chữa bệnh ư? Tất cả nói nhiều thứ tiếng ư? Tất cả được ơn diễn giải ư?

Ðó là lời Chúa.

Lời Chúa: Lc 1, 1-4; 4, 14-21

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Vì có nhiều người khởi công chép lại những biến cố đã xảy ra giữa chúng ta, theo như các kẻ từ đầu đã chứng kiến và phục vụ lời Chúa, đã truyền lại cho chúng ta, phần tôi, thưa ngài Thêophilê, sau khi tìm hỏi cẩn thận mọi sự từ đầu, tôi quyết định viết cho ngài bài tường thuật sau đây, để ngài hiểu chân lý các giáo huấn ngài đã lãnh nhận. Bấy giờ Chúa Giêsu trở về Galilêa trong quyền lực Thánh Thần, và danh tiếng Người lan tràn khắp cả miền chung quanh. Người giảng dạy trong các hội đường và được mọi người ca tụng. Người đến Nadarét, nơi Người sinh trưởng, và theo thói quen của Người, thì ngày nghỉ lễ, Người vào hội đường. Người đứng dậy để đọc sách. Người ta trao cho Người sách tiên tri Isaia. Mở sách ra, Người gặp ngay đoạn chép rằng: “Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, vì Ngài xức dầu cho tôi, sai tôi đi rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó, thuyên chữa những tâm hồn sám hối, loan truyền sự giải thoát cho kẻ bị giam cầm, cho người mù được trông thấy, trả tự do cho những kẻ bị áp bức, công bố năm hồng ân và ngày khen thưởng”. Người gấp sách lại, trao cho thừa tác viên, và ngồi xuống. Mọi người trong hội đường đều chăm chú nhìn Người. Người bắt đầu nói với họ: “Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh mà tai các ngươi vừa nghe”.

Ðó là lời Chúa.

—————–

Suy Niệm 1:                         Linh mục Lu-y Nguyễn Quang Vinh

Suy Tôn Lời Chúa



Suy tôn Lời Chúa là một trong những nét cổ điển
của phụng tự Kitô giáo, và chắc chắn đây là sự kế thừa truyền thống của Hội đường Do thái, truyền thống này đã có từ thời Ét-ra mà sách Nơkhemia thuật lại vào thời hồi hương sau lưu đày thế kỷ thứ 6 trước công nguyên (lưu đày: 587-538; 539 Vua Cyrus Ba Tư ký sắc lệnh hồi hương). 

Dân tập họp trong Hội đường vào ngày Sabát để tôn thờ Thiên Chúa, lắng nghe bài đọc Sách Thánh và được các tư tế giải thích đó là sinh hoạt hằng tuần của đạo Do thái vào ngày Sabát. Việc suy tôn Sách Thánh cho thấy dân Do thái xác tín đó lời của Thiên Chúa nói với dân, và coi đó sự hiện diện của Thiên Chúa trong cộng đoàn, họ dành nhiều thời gian trong ngày sabát để học tập và tôn vinh Sách Thánh, và đó là luật buộc của ngày Sabát.  Các Kinh sư, các chuyên viên cắt nghĩa Sách Thánh cho dân.

Đọc và lắng nghe Sách Thánh chiếm chỗ quan trọng trong phụng vụ Do thái, thời đó chỉ có phần đọc và giảng lời Sách Thánh mà thôi.  Sách đọc trong các buổi sinh hoạt tôn giáo gồm có sách Ngũ Thư, tức 5 sách đầu tiên của bộ Kinh thánh là Sáng thế, Xuất hành, Lê-vi, Dân số và Đệ nhị luật;  sách Luật, các sách Tiên tri và  sách Thánh vịnh.  Bài Đọc 1 (Nkm 8,2-4a.5-6.8-10) cho thấy truyền thống sống động này:  Tư tế Ét-ra đọc sách Luật từ sáng đến trưa trước toàn thể dân chúng.  Toàn dân cung kính tung hô và sấp mặt xuống đất thờ lạy Đức Chúa.  Thiên Chúa nói và giáo dục dân qua lời Sách Thánh, lời của Thiên Chúa được coi là sự hiện diện của Người giữa dân, người Do thái tôn trọng cung kính và sống theo lời Thiên Chúa dạy.

Đức Giêsu sau khi đã rao giảng được nhiều người ca tụng, Người trở về quê hương của mình miền Galilê và đến Nadarét là nơi Người sinh trưởng, là người Do thái đạo đức Đức Giêsu vào Hội đường như người ta quen làm trong ngày Sabát.  Được cộng đồng Do thái đón nhận, họ mời Người đứng lên đọc Sách Thánh, bản văn Người đọc là trích đoạn tiên tri Isaia 61,1-2:


 “Thần khí Chúa ngự trên tôi, vì đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo tin mừng cho kẻ nghèo hèn, Người sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa” (x. Bài Tin Mừng. Lc 1,1-4; 4,14-21).

Lời sấm của tiên tri Isaia được hiểu về Chúa Giêsu, nói lên  căn tính, chức vụ cao cả và sứ mệnh trọng đại của Người.  Đức Giêsu người thừa sai đầu tiên được Thiên Chúa xức dầu Thánh thần tấn phong Người làm ngôn sứ và được Thiên Chúa sai đi để rao giảng tin mừng.  Lời nầy cũng có thể hiểu về các thừa sai, người thừa sai không tự ý mình làm điều mình muốn, nhưng họ được tuyển chọn, được xức dầu Thánh thần và được sai đi rao giảng tin mừng của Chúa, chứ không phải rao giảng chính mình.  Sứ mệnh của vị thừa sai ưu tiên cho hạng nghèo hèn, người bị giam cầm, bị áp bức bất công … nghĩa là rao giảng sự giải phóng con người khỏi tội lỗi xúc phạm đến Thiên Chúa và tha nhân.  Sứ mệnh nầy ngày nay Giáo hội vẫn tiếp tục.

Điều gây ngạc nhiên cho cử tọa hôm đó là lời Đức Giêsu tuyên bố rằng các lời sấm của các tiên tri, các mong ước và mọi hứa hẹn của bao thế kỷ trước đây, nay được thực hiện nơi chính bản thân Người: “Hôm nay ứng nghiệm lời Kinh thánh quý vị vừa nghe” (c. 21).  Nghĩa là lời Sách Thánh bằng văn tự chết cứng trong sách vở nay được linh động và ứng nghiệm, trở nên hiện thực nơi con người của Đức Giêsu.  Thiên Chúa đã nhiều lần hứa với các tổ phụ sẽ ban Đấng cứu độ, đã nhiều lần các ngôn sứ tuyên sấm sẽ có Đấng cứu tinh.  Đùng một cái, lời hứa được thể hiện nơi nhân vật đang giảng dạy trước mắt họ là thanh niên Giêsu.  Khi làm ứng nghiệm lời ngôn sứ Isaia, chúng ta nghiệm ra Đức Giêsu là trung tâm lịch sử ơn cứu độ, ơn cứu chuộc của Đức Giêsu trải rộngtừ A-ben công chính đến người được cứu thoát cuối cùng.

Qua lời tuyên bố này Đức Giêsu khẳng định chân tướng thần linh của mình.  Những lời sấm mà tiên tri Isaia nói trước đó 8 thế kỷ nay trở nên chương trình và kế hoạch hành động của Đức Giêsu.  Sứ mạng của Người là loan báo Tin Mừng.  Và giai tầng xã hội được chiếu cố nhiều nhất là hạng người nghèo hèn, cô thế cô thân, bị bỏ rơi, kém may mắn.  Quan tâm người hèn mọn là ưu tư hàng đầu của Giáo Hội. 

Những lời này gợi nhớ tới Các Mối Phúc Thật trong Tin Mừng Mátthêu, mà chỗ ưu tiên được dành cho các hạng người nghèo hèn, hiền lành, ưu phiền, đói khát, những người thất thế bị bắt bớ vì lẽ công chính (x. Mt 5, 1-11).  Những con người bé mọn lại có một chỗ đứng trong chương trình cứu rỗi của Đức Giêsu, như có lần Người cất tiếng ca tụng Chúa Cha đã mặc khải cho hạng người bé mọn về mầu nhiện Nước Thiên Chúa, mà lại giấu hạng khôn ngoan thông thái.  Bé mọn, nghèo hèn, khiêm nhu được ví như Bà Chúa Nghèo được thánh Phanxicô Khó Khăn lựa chọn làm lý tưởng sống cho mình và cho con cái của mình, Dòng Anh Em Hèn Mọn (Ofm).

Lạy Chúa “Lời Chúa là ánh sáng chỉ đường con đi”,  xin cho con biết yêu mến Lời Chúa, biết đọc, biết lắng nghe, biết cầu nguyện và biết chia sẻ Lời Chúa cho các anh chị em của con.   Amen

—————

Suy Niệm 2:                         Linh mục Giuse Nguyễn Hữu Triết

“Thần khí Chúa ngự trên tôi, Người xức dầu cho tôi, sai tôi đi rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó… cho người mù được thấy, kẻ ở tù được tha…” 
(Lc 4, 14-22)

   1/ Công trình Cứu Chuộc của Chúa Giêsu đã được cài đặt từ xa xưa. 800 năm trước Chúa Giêsu, tiên tri Isaia đã loan báo: “Thần khí Chúa ngự trên tôi…”

   2/ Rao giảng Tin Mng nào? Chúa Giêsu chính là Tin Mng. Ngày Chúa Giáng sinh, các thiên thần đã báo cho các mục đồng: “Tôi báo cho anh em một Tin Mừng cả thể: Hôm nay Đấng Cứu Tinh đã ra đời trong thành Đavit…”

   3/ Con người, cuộc đời, lời nói, việc làm, cách tiếp xúc, đối nhân xử thế… tóm lại bất cứ gì của Chúa Giêsu đều là Tin Mừng cứu rỗi (Ngày nay rao giảng Tin Mừng có nghĩa là nói bất cứ điều gì của Chúa Giêsu cho anh chị em mình, nói bằng bất cứ cách nào…)

   4/ Cho người nghèo? – không phải những người không có tiền của… mà là những người không hiểu, kém hiểu, chậm hiểu, không biết Chúa và Chân Lý… (có thể họ là tỷ phú, là lãnh tụ, là tiến sỹ…)

   5/ Giải thoát người mù, người ở tù… Với Chúa Giêsu thì hiểu theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng… còn với chúng ta thì hiểu theo nghĩa bóng nhiều hơn. Ai không biết Chúa, đi thờ ngẫu tượng, thờ lãnh tụ, mê tín dị đoan… là những kẻ mù phần linh hồn. Cần mở mắt cho họ. Những kẻ tội lỗi… là những tù nhân của ma quỷ… cần tháo gỡ xiềng xich cho họ…

   6/ Ai biết tôn trọng con người thì sẽ được Chúa Giêsu. Ai không biết tôn trọng con người thì sẽ mất Chúa Giêsu (như dân làng Nazaret).

***********

 “Mỗi lần anh em làm gì cho những người bé mọn này là anh em làm cho chính Ta (Mt 25, 40).    

————–

WGPKT(21/01/2022) KONTUM